KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh
79. PHẨM THIỆN ĐẠT THỨ BẢY MƯƠI CHÍN
Ngài Tu Bồ Đề bạch đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát khéo thông đạt các pháp tướng?”.
Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Ví như hóa nhơn chẳng hiện hành tham, sân, si, chẳng hiện hành sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng hiện hành nội ngoại pháp, chẳng hiện hành phiền não kiết sử, chẳng hiện hành pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu vi, pháp vô vi, cũng không có thánh quả.
Cũng như vậy, Bồ Tát không có những sự ấy, cũng chẳng phân biệt pháp ấy. Đây gọi là thông đạt các pháp tướng”.
- Bạch đức Thế Tôn! Hóa nhơn thế nào có tu đạo?
- Này Tu Bồ Đề! Hóa nhơn tu đạo chẳng cấu, chẳng tịnh, cũng chẳng ở năm loài sanh tử.
Ý của ông nghĩ sao, này Tu Bồ Đề! Hóa nhơn của đức Phật biến hóa ra có sự thiệt căn bổn, có cấu, có tịnh chăng?
- Bạch đức Thế Tôn! Không. Hóa nhơn của đức Phật biến ra không có sự thiệt căn bổn, cũng không có cấu, cũng không có tịnh, cũng chẳng ở năm loài sanh tử.
- Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát khéo thông đạt các pháp tướng cũng như vậy.
- Bạch đức Thế Tôn! Tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức như hóa chăng?
- Này Tu Bồ Đề! Tất cả sắc như hóa, tất cả thọ, tưởng, hành, thức như hóa.
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả sắc như hóa, tất cả thọ, tưởng, hành, thức nhẫn đến tất cả pháp như hóa.
Hóa nhơn không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không cấu, không tịnh, không năm loài sanh tử, cũng không chỗ giải thoát, thì Bồ Tát có những công dụng gì?
- Này Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ sao, Đại Bồ Tát lúc hành đạo Bồ Tát, các Ngài có thấy chúng sanh từ trong Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Nhơn, Thiên được giải thoát chăng?
- Bạch đức Thế Tôn! Các Ngài không thấy có.
- Đúng như vậy. Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát chẳng thấy có chúng sanh từ ba cõi được giải thoát. Tại sao? Vì Đại Bồ Tát thấy biết tất cả pháp như huyển, như hóa.
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát thấy biết tất cả pháp như huyễn, như hóa, vì những sự gì mà Bồ Tát hành sáu ba la mật, hành tứ thiền, tứ vô lượng tâm, hành tứ vô sắc định, hành ba mươi bảy pháp trợ đạo nhẫn đến hành đại từ đại bi, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh?
- Này Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh tự biết các pháp như huyễn, nhưhóa thì Đại Bồ Tát trọn chẳng ở vô số kiếp vì chúng sanh mà hành Bồ Tát đạo.
Bởi chúng sanh chẳng tự biết các pháp như huyễn, như hóa nên Đại Bồ Tát ở vô lượng vô số kiếp hành sáu ba la mật, thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ, được Vô Thượng Bồ Đề.
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp như như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa thì chúng sanh an trụ tại chỗ nào để được Bồ Tát hành sáu ba la mật cứu vớt?
- Này Tu Bồ Đề! Chúng sanh chỉ an trụ trong danh tướng, hư vọng, ức tưởng, phân biệt, vì thế nên Bồ Tát hành sáu ba la mật ở trong danh tướng, hư vọng cứu chúng sanh ra.
- Bạch đức Thế Tôn! Gì là danh? Gì là tướng?
- Này Tu Bồ Đề! Danh ấy chỉ là cưỡng làm giả đặt ra: này là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức, này là nam, là nữ, là lớn, là nhỏ, này là Địa ngục, là Ngạ quỷ, là Súc sanh, là Nhơn, là Thiên, này là hữu vi, là vô vi, mày là quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, đạo Bích Chi Phật, này là Phật đạo.
Này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp hòa hiệp đều là giả danh. Dùng danh lấy các pháp thế nên là danh. Tất cả pháp hữu vi chỉ có danh tướng. Người phàm ở trong đó sanh chấp trước.
Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, vì dùng sức phương tiện nên ở trong danh tự, dạy cho họ xa rời mà bảo rằng: Các chúng sanh này! Danh ấy chỉ có danh rỗng không, phát sanh trong hư vọng, ức tưởng, phân biệt. Các ngươi chớ chấp trước hư vọng, ức tưởng. Sự ấy bổn lại đều không có, vì tự tánh rỗng không vậy, bực trí giả chẳng chấp trước nó.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, dùng sức phương tiện vì chúng sanh mà thuyết pháp. Đó là danh.
Những gì là tướng?
Này Tu Bồ Đề! Có hai thứ tướng là chỗ mà người phàm chấp trước:
Một là sắc tướng. Hai là vô sắc tướng.
Những gì gọi là sắc tướng? Những thứ có sắc hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc cấu, đều là rỗng không. Ở trong những pháp rỗng không ấy ức tưởng, phân biệt để tâm nắm lấy tướng. Đây gọi là sắc tướng.
Những gì là vô sắc tướng?
Nơi các pháp vô sắc ức tưởng, phân biệt để tâm nắm lấy tướng nên sanh phiền não. Đây gọi là vô sắc tướng.
Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, dùng sức phương tiện dạy chúng sanh xa lìa sự chấp trước phương tiện dạy chúng sanh xa lìa sự chấp trước tướng ấy. Ở trong pháp vô tướng khiến họ rời lìa hai pháp, đó là tướng, là vô tướng.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật dạy chúng sanh rời lìa tướng khiến họ an trụ trong tánh vô tướng.
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp chỉ có danh tướng, thế nào Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật có thể tự lợi ích, cũng dạy người khác khiến họ được lợi hành? Thế nào Bồ Tát đầy đủ các quả địa: từ một quả địa đến một quả địa, cũng dạy chúng sanh khiến họ được quả Tam thừa?
- Này Tu Bồ Đề! Nếu các pháp căn bổn quyết định có mà chẳng phải chỉ là danh tướng, thì Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật chẳng có thể tự lợi ích, cũng chẳng có thể lợi ích người khác.
Này Tu Bồ Đề! Vì các pháp không có căn bổn sự thiệt mà chỉ có danh tướng, nên Bồ Tát lúc hành Bát nhã ba la mật có thể đầy đủ Thiền ba la mật, Tiến ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mật, Thí ba la mật, vì vô tướng vậy. Có thể đầy đủ thứ Thiền ba la mật, Tứ vô lượng tâm ba la mật, Tứ vô sắc định ba la mật, vì vô tướng vậy. Có thể đầy đủ Tứ niệm xứ ba la mật nhẫn đến bát thánh đạo phần ba la mật. Có thể đầy đủ nội không Ba la mật nhẫn đến Vô pháp Hữu pháp không ba la mật, vì vô tướng vậy. Có thể đầy đủ Giải thoát ba la mật, Cửu thứ đệ định ba la mật, vì vô tướng vậy. Có thể đầy đủ giải thoát ba la mật, Cửu thứ đệ định ba la mật, vì vô tướng vậy. Có thể đầy đủ Phật thập lực nhẫn đến mười tám pháp bất cộng ba la mật, vì vô tướng vậy.
Vì vô tướng, nên Bồ Tát tự mình đầy đủ các pháp lành, cũng giáo hóa người khác khiến họ đầy đủ pháp lành, vì vô tướng vậy.
Này Tu Bồ Đề! Nếu các pháp tướng mà thiệt có chừng hào ly, thì lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát chẳng biết được các pháp vô tướng, vô niệm được Vô Thượng Bồ Đề, cũng dạy chúng sanh khiến họ được pháp vô lậu. Tại sao? Vì tất cả pháp vô lậu đều vô tướng, vô niệm vậy.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật dùng pháp vô lậu lợi ích chúng sanh.
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp vô tướng, vô niệm, sao lại kể là pháp Thanh Văn, là pháp Bích Chi Phật, là Bồ Tát, là pháp Phật?
- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao, pháp vô tướng với pháp Thanh Văn có khác chăng?
- Bạch đức Thế Tôn! Không có khác.
- Này Tu Bồ Đề! Pháp vô tướng có phải tức là quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát, pháp Phật chăng?
- Bạch đức Thế Tôn! Đúng như vậy.
- Này Tu Bồ Đề! Vì lẽ ấy nên biết tất cả pháp đều vô tướng.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát học tất cả pháp vô tướng này thì được thêm lớn pháp lành, đó là sáu ba la mật, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng. Tại sao vậy? Bồ Tát chẳng lấy những pháp khác làm trọng yếu bằng ba môn giải thoát. Vì tất cả pháp tự tướng không, đó gọi là không giải thoát môn. Vì tất cả pháp vô tướng, đó gọi là vô tướng giải thoát môn. Vì tất cả pháp vô tác, vô khởi, đó gọi là vô tác giải thoát môn.
Nếu Đại Bồ Tát học ba môn giải thoát thì có thể học tướng ngũ ấm, có thể học tướng thập nhị nhập, có thể học tướng thập bát giới, có thể học tướng tứ thánh đế, có thể học mười hai nhơn duyên, có thể học nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không, có thể học sáu ba la mật đến mười tám pháp bất cộng.
- Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật có thể học tướng ngũ ấm như thế nào?
- Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật biết sắc tướng, biết sắc sanh diệt, biết sắc như.
Thế nào là biết sắc tướng?
Biết sắc rốt ráo không, thành phần của nó phân chia sai khác hư giả không thiệt như bọt nước, không bền, không chắc. Đó là biết sắc tướng.
Thế nào là biết sắc sanh diệt?
Lúc sanh khởi, sắc không từ đâu lại, lúc đi không chỗ đến. Nếu biết chẳng lại, chẳng đi, đó là biết sắc sanh diệt.
Thế nào là biết sắc như?
Sắc như ấy chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng lại, chẳng đi, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng cấu, chẳng tịnh, đó là biết sắc như.
Này Tu Bồ Đề! Như đó là nói như thiệt chẳng hư. Như đó là trước sau và chặng giữa cũng vậy, thường chẳng đổi khác. Đó là biết sắc như.
Thế nào là biết thọ tướng? Thế nào là biết thọ sanh diệt? Thế nào là biết thọ như?
Bồ Tát biết các thọ tướng như bong bóng nước: một khởi, một diệt. Đó là biết thọ tướng.
Biết thọ không từ đâu lại, đi không chỗ đến. Đó là biết thọ sanh diệt.
Thọ như ấy chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng cấu, chẳng tịnh, đó là biết thọ như.
Thế nào là biết tưởng tướng? Tưởng sanh diệt? Tưởng như?
Tưởng ấy, Bồ Tát biết như diệm, chẳng thể được, mà vọng tưởng là nước. Đó là tưởng tướng.
Tưởng ấy không từ đâu lại, đi không chỗ đến. Đó là biết tưởng sanh diệt.
Tưởng như ấy chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng chuyển đổi nơi thiệt tướng. Đó là biết tưởng như.
Thế nào là biết hành tướng? Hành sanh diệt? Hành như?
Bồ Tát biết hành như thân cây chuối, từ bẹ từ bẹ lột bỏ chẳng có cứng chắc. Đó là biết hành tướng.
Các hành sanh khởi không từ đâu lại, đi không chỗ đến. Đó là biết hành sanh diệt. Các hành chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng cấu, chẳng tịnh. Đó là biết hành như.
Thế nào là biết thức tướng? Thức sanh diệt? Thức như?
Bồ Tát biết thức như nhà ảo thuật, ảo thuật ra bốn binh chủng, không có thiệt. Đó là biết thức tướng.
Thức ấy lúc phát sanh không từ đâu lại, lúc diệt không chỗ đến. Đó là biết thức sanh diệt.
Thức như ấy chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng cấu, chẳng tịnh. Đó là biết thức như.
Thế nào là biét thập nhị nhập?
Bồ Tát biết nhãn căn nhãn căn tánh không, nhẫn đến ý căn ý căn tánh không, biết sắc sắc tánh không, nhẫn đến pháp pháp tánh không.
Thế nào là biết thập bát giới?
Bồ Tát biết nhãn giới nhãn giới tánh không, nhẫn đến ý thức ý thức giới không.
Thế nào là biết tứ thánh đế?
Lúc biết khổ thánh đế, Bồ Tát xa rời quan niệm dị biệt, thấy có hai pháp mà biết khổ đế chẳng hai, chẳng khác.
Với tập, diệt và đạo cũng như vậy.
Thế nào là biết mười hai nhơn duyên?
Bồ Tát biết mười hai nhơn duyên chẳng có tướng sanh”.
Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Lúc hành Bát nhã ba la mật, nếu Đại Bồ Tát đều riêng phân biệt biết các pháp, toan không do sắc tánh mà pháp hoại pháp tánh, nhẫn đến do nhứt thiết chủng trí tánh mà phá hoại pháp tánh chăng?”.
- Này Tu Bồ Đề! Nếu ngoài pháp tánh lại còn có pháp thì mới có lẽ là pháp hoại pháp tánh.
Ngoài pháp tánh, pháp chẳng thể có được nên chẳng hoại.
Tại sao? Này Tu Bồ Đề! Phật và đệ tử của đức Phật biết ngoài pháp tánh, pháp chẳng thể có được.
Vì pháp chẳng thể có được nên chẳng thể nói ngoài pháp tánh có pháp.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật phải học pháp tánh.
- Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát nếu học pháp tánh phải chăng là không chỗ học?
- Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát học pháp tánh thì học tất cả pháp.
Tại sao? Vì tất cả pháp là pháp tánh.
- Bạch đức Thế Tôn! Duyên cớ gì tất cả pháp là pháp tánh?
- Này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp vào trong tánh vô vi vô tướng. Vì thế nên học pháp tánh thì học tất cả pháp.
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp là pháp tánh, tại sao Đại Bồ Tát học sáu ba la mật, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định? Tại sao Bồ Tát học ba mươi bảy pháp trợ đạo, ba môn giải thoát, tám bội xả, chín định thứ đệ, mười trí lực nhẫn đến mười tám pháp bất cộng? Tại sao học sáu thần thông, ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo? Tại sao Bồ Tát học sanh vào nhà đại tộc, các cõi Trời? Tại sao Bồ Tát học địa phát tâm thứ nhứt đến địa thứ mười? Tại sao Bồ Tát học địa Thanh Văn, địa Bích Chi Phật, vị Bồ Tát? Tai sao Bồ Tát học thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ, các môn đà là ni, nhạo thuyết biện tài. Tại sao Bồ Tát học Vô Thượng Bồ Đề, học xong được nhứt thiết chủng trí biết tất cả pháp?
Bạch đức Thế Tôn! Trong pháp tánh của các pháp không có sự khác biệt ấy.
Bạch đức Thế Tôn! Phải chăng Bồ Tát sa vào phi đạo? Tại sao? Vì trong pháp tánh không có sự khác biệt ấy. Trong pháp tánh không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Pháp tánh cũng chẳng xa rời sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc tức là pháp tánh, pháp tánh tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Tất cả pháp cũng vậy.
- Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Đúng như lời ông nói: sắc tức là pháp tánh, thọ, tưởng, hành, thức tức là pháp tánh.
Này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, nếu Đại Bồ Tát thấy có pháp ngoài pháp tánh thì là chẳng cầu Vô Thượng Bồ Đề.
Lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát biết tánh của tất cả các pháp là Vô Thượng Bồ Đề. Vì thế nên lúc hành Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát biết tất cả pháp là pháp tánh rồi ở nơi pháp không danh tướng dùng danh tướng để giảng thuyết, đó là sắc, là thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến là Vô Thượng Bồ Đề.
Này Tu Bồ Đề! Ví như nhà ảo thuật ở trước công chúng thuật làm các thứ hình sắc, nào là gái, trai, voi, ngựa, nào là vườn rừng xinh tươi và những nhà cửa, nào là suối chảy, ao tắm, xiêm Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, hoa hương, anh lạc, đồ uống, món ăn, nào là hòa ca tấu nhạc để giúp vui mọi người.
Nhà ảo thuật lại thuật làm ra người rồi bảo bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, tu trí huệ.
Nhà ảo thuật này lại thuật làm dòng đại tộc, các cõi Trời, các Thánh Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Đại Bồ Tát từ sơ phát tâm thật hành sáu ba la mật, hành sơ địa đến thập địa, nhập vị Bồ Tát, du hí thần thông, thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc độ, du hí các thiền định giải thoát tam muội, thật hành Phật thập lực nhẫn đến thân Phật đủ ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo.
Nhà ảo thuật, thuật làm ra như vậy cho mọi người xem.
Trong hàng khán giả, người vô trí hết sức khen ngợi tài giỏi của nhà ảo thuật. Người có trí suy gẫm rằng: thật chưa từng có, trong ấy không có sự thiệt mà có thể dùng pháp không chỗ có để làm vui đẹp mọi người, từ nơi không hình tướng, không sự có sự tướng nhưng vẫn không có tướng có.
Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát chẳng thấy có pháp rời ngoài pháp tánh. Lúc hành Bát nhã ba la mật, vì sức phương tiện, Đại Bồ Tát dầu chẳng thấy có chúng sanh mà tự bố thí, cũng dạy người khác bố thí, khen ngợi bố thí, vui mừng khen ngợi bố thí. Nhẫn đến tự tu trí huệ, cũng dạy người tu trí huệ, vui mừng khen ngợi người tu trí huệ.
Đại Bồ Tát tự thật hành thập thiện, ngũ giới, bát giới, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, ba mươi bảy pháp trợ đạo, nhẫn đến tự thật hành mười tám pháp bất cộng, khen ngợi mười tám pháp bất cộng, vui mừng khen ngợi người thật hành mười tám pháp bất cộng.
Này Tu Bồ Đề! Nếu pháp tánh trước, sau và giữa có dị biệt thì Đại Bồ Tát chẳng thể do sức phương tiện để hiển thị pháp tánh, thành tựu chúng sanh.
Này Tu Bồ Đề! Do vì pháp tánh trước, sau và giữa không dị biệt, thế gian Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật vì lợi ích chúng sanh mà thật hành Bồ Tát đạo vậy”.