28. Phẩm Thảo Nhơn Thính Pháp

Thursday, 25 August 202211:04 AM(View: 929)
28. Phẩm Thảo Nhơn Thính Pháp
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

28. PHẨM ẢO NHƠN THÍNH PHÁP THỨ HAI MƯƠI TÁM

Bấy giờ chư Thiên Tử nghĩ rằng nên dùng những người nào để nghe Đại Đức Tu Bồ Đề thuyết pháp?


Biết tâm niệm của chư Thiên Tử, Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy các Ngài! Như người ảo hóa nghe pháp, tôi phải dùng người như vậy. Vì người như vậy không có nghe, không có biết, không có chứng”.


Chư Thiên Tử hỏi: “Bạch Đại Đức! Chúng sanh như ảo, người nghe pháp cũng như ảo chăng? Chúng sanh như hóa, người nghe pháp cũng như hóa chăng?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đúng như vậy. Nầy các Ngài! Chúng sanh như ảo, người nghe pháp cũng như ảo, chúng sanh như hóa, người nghe pháp cũng như hóa.


Nầy các Ngài! Ngã như ảo, như mộng, chúng sanh đến tri giả, kiến giả cũng như ảo, như mộng.


Sắc đến thức, nhãn đến ý, sắc đến pháp, nhãn thức đến ý thức, nhãn xúc đến ý xúc, nhãn xúc nhơn duyên, sanh thọ đến ý xúc, nhơn duyên, sanh thọ cũng như ảo, như mộng.


Nội không đến vô pháp hữu pháp không, Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, tứ niệm xứ đến bất cộng pháp cũng đều như ảo, như mộng.

Tu Đà Hoàn quả đến Phật đạo cũng như ảo, như mộng”.


Chư Thiên Tử hỏi: “Đại Đức nói Phật đạo như ảo, như mộng. Niết Bàn, Đại Đức cũng nói như ảo, như mộng chăng?


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Tôi nói Phật đạo như ảo, như mộng. Tôi nói Niết Bàn cũng như ảo, như mộng. Nếu còn có pháp nào hơn Niết Bàn tôi nói cũng như ảo, như mộng. Tại sao vậy? Vì ảo mộng và Niết Bàn không hai, không khác”.


Bấy giờ các Ngài Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Ma Ha Câu Si La, Ma Ha Ca Chiên Diên, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử, Ma Ha Ca Diếp và vô số Bồ Tát hỏi
Ngài Tu Bồ Đề: “Bát nhã ba la mật như vậy rất là sâu xa, khó thấy, khó hiểu, khó biết, tịch diệt vi diệu. Ai sẽ là người lãnh thọ được?.


Ngài A Nan nói với chư đại đệ tử và chư Bồ Tát: “Chư đại Bồ Tát bất thối chuyển có thể lãnh thọ Bát nhã ba la mật rất sâu, khó thấy, khó hiểu, khó biết, tịch diệt vi diệu nầy.


Những người thành tựu chánh kiến, những bậc lậu tận A La Hán, sở nguyện đã mãn cũng có thể tín thọ.


Lại những thiện nam tử, thiện nữ nhơn đã thấy nhiều Phật, ở chỗ chư Phật đã nhiều cúng dường trồng căn lành, thường gần thiện tri thức, có căn tánh lanh lợi, những người nầy có thể lãnh thọ, chẳng nói là phải hay chẳng phải”.


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Chẳng dùng không để phân biệt sắc, chẳng dùng sắc để phân biệt không, chẳng dùng vô tướng, vô tác để phân biệt sắc, chẳng dùng sắc để phân biệt vô tướng, vô tác, chẳng dùng vô sanh, vô diệt, tịch diệt và ly để phân biệt sắc, chẳng dùng sắc để phân biệt vô sanh, vô diệt, tịch diệt và ly. Như sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, nhãn đến ý xúc, nhơn duyên, sanh thọ cũng vậy, Đàn na ba la mật đến nhứt thiết chủng trí cũng vậy. Chẳng dùng không đến ly để phân biệt nhứt thiết chủng trí, chẳng dùng nhứt thiết chủng trí để phân biệt không”.


Ngài Tu Bồ Đề lại nói vơi chư Thiên Tử: “Bát nhã ba la mật rất sâu nầy ai có thể lãnh thọ ư?


Nầy các Ngài! Trong Bát nhã ba la mật nầy không có pháp chỉ bày được, không có pháp nói luận được.


Nếu đã không có pháp chỉ được, không có pháp nói được, thời người lãnh thọ cũng bất khả đắc”.


Ngài Xá Lợi Phất nói với Ngài Tu Bồ Đề: “Trong Bát nhã ba la mật nói rộng giáo pháp tam thừa và giáo pháp nhiếp thủ Bồ Tát, từ bực sơ phát ý đến bực thập địa, từ Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, từ tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng.


Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật như vậy, thường hóa sanh chẳng mất thần thông, đầy đủ thiện căn đi đến các cõi Phật, muốn có phẩm vật để cúng dường thời liền được như nguyện. Ở chỗ chư Phật nghe lãnh giáo pháp mãi đến nhứt thiết trí không đoạn tuyệt, chưa từng rời chánh định, sẽ được biện tài mau chóng, biện tài lanh lẹ, biệt tài bất tận, biện tài bất đoạn, biện tài đúng cơ, biện tài đúng nghĩa, biện tài hơn tất cả thế gian”.


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đúng như vậy. Như lời Xá Lợi Phất nói, Bát nhã ba la mật nói rộng giáo pháp Tam thừa và giáo pháp hộ trì Bồ Tát, nhẫn đến đại Bồ Tát được tối thượng biện tài của tất cả thế gian, vì bất khả đắc vậy.


Ngã nhẫn đến tri giả, kiến giả bất khả đắc. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật bất khả đắc. Tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí bất khả đắc”.


Ngài Xá Lợi Phất hỏi: “Nhơn duyên gì mà trong Bát nhã ba la mật nói rộng về giáo pháp Tam thừa vì bất khả đắc?


Nhơn duyên gì mà trong Bát nhã ba la mật hộ trì Bồ Tát vì bất khả đắc?


Nhơn duyên gì đại Bồ Tát được biện tài mau lẹ đến tối thượng biện tài trong tất cả thế gian vì bất khả đắc?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Vì nội không nên Bát nhã ba la mật nói rộng giáo pháp Tam thừa bất khả đắc. Vì ngoại không đến vô pháp hữu pháp không nên nói
rộng giáo pháp Tam thừa bất khả đắc vậy.


Vì nội không nên hộ trì Bồ Tát đến tối thượng biện tài trong tất cả thế gian bất khả đắc. Vì ngoài không đến vô pháp hữu pháp không nên Bát nhã ba la mật hộ trì Bồ Tát đến được tối thượng biện tài trong tất cả thế gian bất khả đắc vậy”.


***