17. Phẩm Trang Nghiêm

Thursday, 25 August 202211:04 AM(View: 969)
17. Phẩm Trang Nghiêm
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

17. PHẨM TRANG NGHIÊM THỨ MƯỜI BẢY

Bấy giờ Ngài Tu Bồ Đề bạch đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát đại trang nghiêm.


Những gì là đại trang nghiêm?


Bực Bồ Tát nào có thể đại trang nghiêm?”


Đức Phật nói: “Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát Đại thừa đại trang nghiêm. Chính là Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật trang nghiêm. Tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần trang nghiêm. Nội không đến vô pháp hữu không trang nghiêm. Thập lực đến pháp bất cộng và nhứt thiết chủng trí trang nghiêm.


Biến thân như Phật trang nghiêm, quang minh chiếu khắp tam thiên Đại Thiên quốc độ, cũng chiếu khắp mười, mỗi phương đều hằng sa quốc độ. Làm chấn động Đại Thiên quốc, cũng chấn động hằng sa quốc độ trong mười phương.


Bồ Tát nầy an trụ trong Đàn na ba la mật Đại thừa đại trang nghiêm. Đại Thiên quốc độ nầy biến thành cõi lưu ly. Bồ Tát nầy hóa thành Chuyển Luân Thánh Vương, chúng sanh cần dùng thứ gì thời đều cung cấp đầy đủ thứ ấy, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần mặc cho y phục, cần chỗ ở cho nhà phòng giường nệm, cần ánh sáng cho đèn đuốc, cần lành bệnh cho thuốc men, cần trang điển cho chuỗi ngọc châu báu cùng các loại hoa hương. Cấp cho xong rồi lại thuyết pháp cho họ tu hành pháp Đại thừa. Chúng sanh nghe xong, trọn chẳng rời sáu ba la mật nhẫn đến Vô thượng Bồ đề.


Đây gọi là đại Bồ Tát Đại thừa đại trang nghiêm.


Nầy Tu Bồ Đề! Ví như nhà ảo thuật giỏi, ở giữa ngã tư đường hóa làm đại chúng, rồi cung cấp đồ ăn uống, nhà phòng, thuốc men, hoa hương cho đại chúng ấy. Tu Bồ Đề nghĩa thế nào? Đối với nhà ảo thuật nầy thiệt có đại chúng cho chăng?”


Bạch đức Thế Tôn! Không có thiệt.


Nầy Tu Bồ Đề! Cũng vậy, đại Bồ Tát hóa làm Chuyển Luân Thánh Vương cung cấp nhu cầu đầy đủ cho tất cả chúng sanh, mặc dù có làm mà thiệt thời không chỗ cho. Tại sao vậy? Vì pháp tướng như ảo vậy.


Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ Thi la ba la mật hiện sanh vào nhà Chuyển Luân Thánh Vương, đem thập thiện đạo giáo hóa chúng sanh. Có vị đem tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng giáo hóa chúng sanh. Chúng sanh nghe pháp tin hiểu thọ trì mãi đến thành
Vô thượng Bồ đề trọn không rời pháp ấy.


Ví như nhà ảo thuật giỏi, ở giữa ngã tư đường hóa làm đại chúng rồi đem pháp thập thiện đạo giáo hóa, cũng đem tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng để giáo hóa khiến thật hành. Tu Bồ Đề nghĩ thế nào? Có chúng sanh thiệt được nhà ảo thuật giáo hóa chăng?


Bạch đức Thế Tôn! Không có thiệt.


Cũng vậy, nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát giáo hóa chúng sanh thật hành thập thiện đạo đến mười tám pháp bất cộng, nhưng thiệt không có chúng sanh thật hành thập thiện đạo đến pháp bất cộng. Tại sao vậy? Vì pháp tướng như ảo vậy.


Đây gọi là đại Bồ Tát đại trang nghiêm.


Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ Sằn đề ba la mật, giáo hóa chúng sanh làm cho họ thật hành Sằn đề ba la mật. An trụ và giáo hóa thế nào? Đại Bồ Tát từ lúc sơ phát tâm đến nay, dầu bị tất cả chúng sanh mắng nhiếc, đánh đập, chém giết vẫn không móng khởi một niệm động tâm và cũng dạy tất cả chúng sanh thật hành nhẫn nhục nầy, nhưng thiệt không có chúng sanh thọ giáo và thật hành nhẫn nhục. Tại sao vậy? Vì pháp tướng như ảo vậy. Ví như nhà ảo thuật giỏi, hóa hiện đại chúng rồi dạy thật hành nhẫn nhục.


Đây gọi là đại Bồ Tát đại trang nghiêm.


Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ Tỳ lê gia ba la mật, giáo hóa tất cả chúng sanh thật hành Tỳ lê gia ba la mật. An trụ và giáo hóa thế nào? Đại Bồ Tát đúng với tâm nhứt thiết trí, thân tâm tinh tấn giáo hóa chúng sanh. Nhưng thật không có chúng sanh thọ giáo. Tại sao vậy? Vì pháp tướng như ảo vậy. Ví như nhà ảo thuật giỏi.


Đây gọi là đại Bồ Tát đại trang nghiêm.


Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ Thiền na ba la mật, giáo hóa tất cả chúng sanh thật hành Thiền na ba la. An trụ và giáo hóa thế nào? Đại Bồ Tát an trụ trong pháp bất động, chẳng thấy có loạn, chẳng thấy có định, giáo hóa tất cả chúng sanh thật hành Thiền na ba la mật, nhẫn đến Vô thượng Bồ đề trọn chẳng rời Thiền na ba la mật. Nhưng thiệt không có chúng sanh thọ giáo thật hành Thiền na ba la mật. Tại sao vậy? Vì pháp tướng như ảo vậy. Ví như nhà
ảo thuật giỏi.


Đây gọi là đại Bồ Tát đại trang nghiêm.


Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát an trụ Bát nhã ba la mật, giáo hóa tất cả chúng sanh thật hành Bát nhã ba la mật. An trụ và giáo hóa thế nào? Đại Bồ Tát lúc an trụ trong Bát nhã ba la mật, không có pháp được thử ngạn bỉ ngạn, giáo hóa tất cả chúng sanh thật hành Bát nhã ba la mật, nhẫn đến Vô thượng Bồ đề trọn chẳng rời Bát nhã ba la mật. Nhưng thiệt không có chúng sanh thật hành Bát nhã ba la mật. Tại sao vậy? Vì pháp tướng như ảo vậy. Ví như nhà ảo thuật giỏi.


Đây gọi là đại Bồ Tát đại trang nghiêm.


Lại nầy Tu Bồ Đề! Tùy theo chỗ đáng được độ của chúng sanh trong hằng sa quốc độ ở mười phương, đại Bồ Tát tự biến thân hình an trụ Đàn na ba la mật nhẫn đến Bát nhã ba la mật, cũng giáo hóa chúng sanh thật hành sáu ba la mật. Chúng sanh tuân hành pháp nầy đến Vô thượng Bồ đề trọn chẳng rời pháp nầy. Nhưng thiệt không có chúng sanh tuân hành. tại sao vậy? Vì pháp tướng như ảo vậy. Ví như nhà ảo thuật giỏi.


Đây là đại Bồ Tát đại trang nghiêm.


Lại nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát đại trang nghiêm đúng với tâm nhứt thiết trí, chẳng nghĩ rằng tôi dạy bao nhiêu người nầy an trụ sáu ba la mật mà chẳng dạy những người kia.


Cũng chẳng nghĩ rằng tôi dạy bao nhiêu người nầy an trụ tứ niệm xứ đến bất cộng pháp mà chẳng dạy bao nhiêu người kia.


Cũng chẳng nghĩ rằng tôi dạy bao nhiêu người nầy cho họ được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, nhứt thiết chủng trí mà chẳng dạy bao nhiêu người kia.


Đại Bồ Tát đúng với tâm nhứt thiết trí, nghĩ rằng tôi sẽ làm cho vô lượng vô biên vô số tất cả chúng sanh an trụ sáu ba la mật. Tôi sẽ đặt tất cả chúng sanh nơi tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng. Tôi sẽ làm cho tất cả chúng sanh được quả Tu Đà Hoàn đến nhứt thiết chủng trí. Nhưng thiệt không có chúng sanh an trụ sáu ba la mật nhẫn đến được nhứt thiết chủng trí. Tại sao vậy? Vì pháp tướng như ảo vậy. Ví như nhà ảo thuật giỏi.


Đây gọi là đại Bồ Tát đại trang nghiêm”.


Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Theo ý nghĩa mà con được nghe nơi đức Phật dạy, thời đại Bồ Tát không đại trang nghiêm là đại trang nghiêm. Vì các pháp tự tánh rỗng không vậy.


Nghĩa là sắc tự tướng rỗng không nhẫn đến thức tự tướng rỗng không, nhãn tự tướng rỗng không nhẫn đến ý tự tướng rỗng không, sắc tự tướng rỗng không nhẫn đến pháp tự tướng rỗng không, nhãn thức tự tướng rỗng không nhẫn đến ý thức tự tướng rỗng không, nhãn xúc tự tướng rỗng không nhẫn đến ý xúc tự tướng rỗng không, nhãn xúc nhân duyên, sanh thọ tự tướng rỗng không nhẫn đến ý xúc, nhơn duyên, sanh thọ tự tướng rỗng không, Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật tự tướng rỗng không, nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không tự tướng rỗng không, tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng tự tướng rỗng không, Bồ Tát tự tướng rỗng không.


Do duyên cớ trên đây mà biết rằng đại Bồ Tát không đại trang nghiêm là đại trang nghiêm”.

Đức Phật nói: “Phải lắm, đúng như lời ông nói. Nầy Tu Bồ Đề! Nhứt thiết trí chẳng chẳng phải là tác pháp, chúng sanh cũng chẳng phải là tác pháp. Đại Bồ
Tát vì chúng sanh nầy mà đại trang nghiêm.

Tại sao vậy? Vì tác giả bất khả đắc vậy.


Nầy Tu Bồ Đề! Nhứt thiết trí chẳng phải là pháp làm ra, sanh ra, chúng sanh nầy cũng chẳng phải pháp làm ra, sanh ra.


Tại sao vậy? Vì sắc chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, ngã nhơn nhẫn đến tri giả, kiến giả chẳng phải? Làm ra chẳng phải chẳng làm ra.


Tại sao vậy? Vì các pháp rốt ráo bất khả đắc vậy.


Nầy Tu Bồ Đề! Mộng nhẫn đến biến hóa chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, vì rốt ráo bất khả đắc vậy.


Nầy Tu Bồ Đề! Nội không nhẫn đến vô pháp hữu hữu pháp không chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, vì rốt ráp bất khả đắc vậy. Tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, vì rốt ráo bất khả đắc vậy.


Nầy Tu Bồ Đề! Pháp như, pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thiệt tế chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, vì rốt ráo bất khả đắc vậy. Bồ Tát chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, vì rốt ráo bất khả đắc vậy. Nhứt thiết trí và nhứt thiết chủng trí chẳng phải làm ra chẳng phải chẳng làm ra, vì rốt ráo bất khả đắc vậy.


Nầy Tu Bồ Đề! Do duyên cớ nầy nên nhứt thiết trí chẳng phải pháp làm ra, sanh ra, chúng sanh nầy cũng chẳng phải pháp làm ra sanh ra. Đại Bồ Tát vì chúng sanh nầy mà đại trang nghiêm”.


Ngài thưa Tu Bồ Đề: “Bạch đức Thế Tôn! như con quán sát nghĩa của đức Phật nói thời sắc không phược, không thoát, thọ, tưởng, hành, thức không phược, không thoát”.


Ngài Phú Lâu Na hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “những sắc gì không phược, không thoát, những thọ, tưởng, hành, thức gì không phược, không thoát?”


Ngài Tu Bồ Đề nói: “Sắc như mộng và thọ, tưởng, hành, thức như mộng không phược, không thoát. Sắc như ảnh, như hưởng, như ảo, như diệm, như hóa và thọ, tưởng, hành, thức như ảnh, như hưởng, như ảo, như diệm, như hóa không phược, không thoát.


Nầy Ngài Phú Lâu Na! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, không phược, không thoát. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức vị lai không phược, không thoát. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức hiện tại, không phược, không thoát.


Tại sao không phược, không thoát?


Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức đây là vô sở hữu nên không phược, không thoát.


Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức đây là ly, là tịch diệt, là bất sanh nên không phược, không thoát.


Nầy Ngài Phú Lâu Na! Thiện và bất thiện cùng vô ký, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không phược, không thoát.


Thế gian, xuất thế gian và hữu lậu cùng vô lậu, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không phược, không thoát.


Tại sao vậy? Vì là vô sở hữu, là ly, là tịch diệt, là bất sanh nên không phược, không phước


Tất cả pháp cũng không phược, không thoát. Tại sao vậy? Vì là vô sở hữu, là ly, là tịch diệt, là bất sanh nên không phược, không thoát.


Nầy Ngài Phú Lâu Na! Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật không phược, không thoát. Vì là vô sở hữu, là ly, là tịch diệt, là bất sanh nên không phược, không thoát.


Nầy Ngài Phú Lâu Na! Nội không đến vô pháp hữu pháp không, tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng, Vô thượng Bồ đề, nhứt thiết trí, nhứt thiết chủng trí, Bồ Tát và Phật cũng đều không phược, không thoát.


Nầy Ngài Phú Lâu Na! Pháp như, pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thiệt tế, vô vi pháp cũng đều không phược, không thoát. Vì là vô sở hữu, là ly, là tịch diệt, là vô sanh nên không phược, không phước.


Nầy Ngài Phú Lâu Na! Đây gọi là đại Bồ Tát Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật không phược, không thoát, tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí không phược, không thoát.


Đại Bồ Tát an trụ trong sáu ba la mật không phược, không thoát, nhẫn đến an trụ nhứt thiết chủng trí không phược, không thoát để thực hiện không phược, không thoát thành tựu chúng sanh, không phược, không thoát thành tịnh Phật độ, không phược, không thoát cúng dường chư Phật, không phược, không thoát nghe chánh pháp, không phược, không thoát trọn chẳng rời chư Phật, không phược, không thoát trọn chẳng rời các thần thông, không phược, không thoát trọn chẳng rời ngũ nhãn, không phược, không thoát trọn chẳng rời các môn đà la ni, không phược, không thoát trọn chẳng rời các môn tam muội, không phược, không thoát sẽ sanh đạo chủng trí, không phược, không thoát sẽ được nhứt thiết chủng trí, không phược, không thoát chuyển pháp luân, không phược, không thoát an lập chúng sanh nơi Tam thừa.


Nầy Ngài Phú Lâu Na! Đại Bồ Tát thật hành không phược, không thoát sáu ba la mật, phải biết tất cả pháp đều không phược, không thoát, vì là vô sở hữu, là ly, là tịch diệt, là bất sanh nên không phược, không thoát.


Đây gọi là đại Bồ Tát không phược, không thoát đại trang nghiêm”.


***