34. Phẩm Khuyến Trì

Thursday, 25 August 202211:04 AM(View: 933)
34. Phẩm Khuyến Trì
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

34. PHẨM KHUYẾN TRÌ THỨ BA MƯƠI BỐN

Bấy giờ cả Đại Thiên thế giới có bao nhiêu hàng Tứ Thiên Vương đến Sắc Cứu Cánh Thiên bảo Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn và chư Thiên rằng: “Các Ngài phải thọ, phải trì, phải thân cận, phải đọc tụng, phải giảng thuyết, phải chánh ức niệm Bát nhã ba la mật nầy.


Tại sao vậy?


Vì thọ trì đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật nầy, thời tất cả pháp lành tu tập sẽ được đầy đủ. Hàng Thiên chúng thêm đông, hàng A tu la giảm bớt.


Vì thọ trì đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật nầy, thời Phật chủng chẳng dứt, Pháp chủng chẳng dứt, Tăng chủng chẳng dứt.


Vì Phật chủng, Pháp chủng và Tăng chủng chẳng dứt, nên có lục ba la mật, tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng xuất hiện nơi đời, nên có quả Tu Đà Hoàn đến Phật quả xuất hiện nơi đời”.


Đức Phật bảo Thiên Đế: “Nầy Kiều Thi Ca! Ngài nên thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm Bát nhã ba la mật nầy.


Tại sao vậy?


Nếu A tu la sanh tâm muốn chiến đấu với chư Thiên cõi Đao Lợi, Ngài nên tụng niệm Bát nhã ba la mật, tâm ác của A tu la liền tiêu diệt, chẳng còn muốn đấu chiến.


Nếu có Thiên Tử hay Thiên Nữ hiện năm tướng chết và sẽ sa vào loài chẳng vừa ý, Ngài nên ở trước mặt họ mà đọc tụng Bát nhã ba la mật. Nhờ nghe Bát nhã ba la mật, các Thiên Tử, Thiên Nữ ấy tăng trưởng công đức nên được sanh trở lại bổn xứ. Vì nghe Bát nhã ba la mật thời được lợi ích lớn.

Nầy Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ hay là Thiên Tử, Thiên Nữ nghe Bát nhã ba la mật nầy, vì được công đức nên lần lần sẽ được Vô thượng Chánh giác.


Tại sao vậy?


Vì quá khứ chư Phật và hàng đệ tử đều học Bát nhã ba la mật nầy mà được Vô thượng Bồ đề, nhập vô dư Niết Bàn.


Vị lai và hiện tại chư Phật cùng hàng đệ tử cũng đều học Bát nhã ba la mật nầy mà được Vô thượng Bồ đề, nhập vô dư y Niết Bàn.


Nầy Kiều Thi Ca! Bát nhã ba la mật nầy nhiếp tất cả pháp lành như là pháp Thanh Văn, pháp Bích Chi Phật, pháp Bồ Tát và Phật pháp”.


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Bát nhã ba la mật là đại minh chú, là vô thượng minh chú, là vô đẳng đẳng minh chú.


Tại sao vậy?


Vì Bát nhã ba la mật nầy hay trừ tất cả pháp bất thiện, hay cho tất cả pháp thiện”.


Đức Phật nói: “Đúng như vậy. Nầy Kiều Thi Ca! Bát nhã ba la mật là đại minh chú, là vô thượng minh chú, là vô đẳng đẳng minh chú.


Tại sao vậy?


Vì quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật đều nhơn minh chú nầy mà được Vô thượng Bồ đề.


Nhơn minh chú nầy nên thế gian có mười nghiệp đạo lành, có tứ thiền, có vô lượng tâm, tứ vô sắc định, có Đàn na ba la mật đến pháp bất cộng, có pháp tánh, pháp như, pháp tướng, pháp trụ, pháp vị, thiệt tế, có ngũ nhãn, quả Tu Đà Hoàn đến nhứt thiết trí và nhứt thiết chủng trí.


Nầy Kiều Thi Ca! Do nơi đại Bồ Tát nên thế gian xuất hiện thập thiện, tứ thiền nhẫn đến nhứt thiết chủng trí, Tu Đà Hoàn nhẫn đến Phật.


Ví như trăng tròn chiếu sáng, các tinh tú cũng có thể chiếu sáng.


Tất cả thiện pháp đến nhứt thiết chủng trí tại thế gian, nếu thời kỳ không có Phật xuất thế, thời đều phát sanh từ chư Bồ Tát.


Phương tiện lực của đại Bồ Tát nầy đều sanh từ Bát nhã ba la mật.


Đại Bồ Tát dùng phương tiên lực nầy để thật hành Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật, để thật hành nội không đến vô pháp hữu pháp không, để thật hành tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng, chẳng chứng đặng Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng có thể thành tựu chúng sanh, thành tịnh Phật độ, có thể thành tựu thọ mạng, thành tựu quốc độ, thành tựu quyến thuộc Bồ Tát, được nhứt thiết chủng trí. Tất cả như thế đều từ Bát nhã ba la mật phát sanh. Lại nầy Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, thiện nữ nghe Bát nhã ba la mật, thọ trì, thân cận, nhẫn đến chánh ức niệm thời sẽ được thành tựu công đức đời nầy, đời sau”.


Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ thọ trì nhẫn đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật được công đức đời hiện tại như thế nào?”


Đức Phật nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, thiện nữ thọ trì Bát nhã ba la mật nhẫn đến chánh ức niệm thời trọn chẳng bị trúng độc mà chết, đao thương chẳng hại được, nước lửa cũng chẳng chìm đốt được, nhẫn đến bốn trăm lẻ bốn thứ bịnh chẳng xâm được, trừ nghiệp báo đời trước của người ấy.


Nếu có quan sự phát khởi, thiện nam, thiện nữ nầy đến trước mặt quan không ai khiển trách được. Tại sao vậy? Vì oai lực của Bát nhã ba la mật vậy.


Nếu thiện nam, thiện nữ đọc tụng Bát nhã ba la mật đến trước mặt vua chúa, đại thần, thời vua chúa đại thần đều hoan hỷ đón tiếp, chuyện trò niềm nở.

Tại sao vậy? Vì thiện nam, thiện nữ nầy thường có tâm từ bi hỉ xả đối với chúng sanh vậy.


Nầy Kiều Thi Ca! Đó là Thiện nam, thiện nữ thọ trì đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật được công đức trong đời hiện tại.


Những gì là công đức ở đời vị lai?


Thiện nam, thiện nữ thọ trì đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật thời trọn chẳng rời thập thiện đạo, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ không định, lục ba la mật, tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng. Người nầy trọn chẳng sa vào ba ác đạo. Thân mạo hoàn cụ. Trọn chẳng sanh vào nhà nghèo hèn hạ tiện. Thường được ba mươi hai tướng. Thường được hóa sanh trong nước hiện có Phật. Trọn chẳng rời lìa Bồ Tát thần thông. Nếu muốn từ một Phật quốc đến một Phật quốc để cúng dường chư Phật và nghe Phật thuyết pháp thời được như ý. Những nước đã được đến, người nầy đều có thể thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, lần lần được Vô thượng Bồ đề.


Nầy Kiều Thi Ca! Đó là công đức ở đời sau.


Vì thế nên thiện nam, thiện nữ phải thọ trì, thân cận, đọc tụng, chánh ức niệm Bát nhã ba la mật nầy, dùng hoa hương, phan cái, kỹ nhạc cúng dường, thường chẳng rời tâm nhứt thiết trí. Thiện nam, thiện nữ nầy được thành tựu công đức đời nầy, đời sau nhẫn đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.


***