Phẩm 29 Thập Nhân

Tuesday, 17 May 201611:48 PM(View: 3594)
Phẩm 29 Thập Nhân

KINH HOA NGHIÊM 
Hán Dịch: Đại-Sư Thật-Xoa-Nan-Đà
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

PHẨM THẬP NHÂN THỨ HAI MƯƠI CHÍN


Bấy giờ, Phổ Hiền Bồ tát bảo chư Bồ tát:


Chư Phật tử! Đại Bồ tát có mười thứ nhẫn, nếu được nhẫn nầy thì được đến nơi vô ngại nhẫn địa của tất cả Bồ tát, tất cả Phật pháp vô ngại vô tận.

Đây là mười nhẫn: âm thanh nhẫn, thuận nhẫn, vô sanh pháp nhẫn, như huyễn nhẫn, như diệm nhẫn, như mộng nhẫn, như hưởng nhẫn, như ảnh nhẫn, như hóa nhẫn, như không nhẫn.

Mười nhẫn nầy, tam thế chư Phật đã nói, nay nói, sẽ nói.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát âm thanh nhẫn?

Nghĩa là nghe những pháp của chư Phật nói, chẳng kinh chẳng hãi chẳng sợ, thâm tín ngộ giải, ưa thích xu hướng, chuyên tâm ghi nhớ, tu tập an trụ.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát thuận nhẫn?

Nghĩa là ở nơi Phật pháp tư duy quán sát bình đẳng không trái, tùy thuận biết rõ, khiến tâm thanh tịnh, chánh trụ tu tập xu nhập thành tựu.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát vô sanh pháp nhẫn?

Đại Bồ tát nầy chẳng thấy có chút pháp nào sanh, cũng chẳng thấy có chút pháp nào diệt. Tại sao vậy? Vì nếu đã vô sanh thì vô diệt. Nếu đã vô diệt thì vô tận. Nếu vô tận thì ly cấu. Nếu ly cấu thì vô sai biệt. Nếu vô sai biệt thì vô xứ sở. Nếu vô xứ sở thì tịch tịnh. Nếu tịch tịnh thì ly dục. Nếu ly dục thì vô tác. Nếu vô tác thì vô nguyện. Nếu vô nguyện thì vô trụ. Nếu vô trụ thì vô khứ vô lai. Đây gọi là thứ ba, vô sanh pháp nhẫn của đại Bồ tát.

Chư Phật tử! Thế nào là như huyễn nhẫn?

Đại Bồ tát nầy biết tất cả pháp đều như huyễn,
từ nhơn duyên khởi. Ở trong một pháp hiểu nhiều pháp, trong nhiều pháp hiểu một pháp. Đã biết các pháp như huyễn, đại Bồ tát nầy rõ thấu quốc độ, chúng sanh, pháp giới. Rõ thấu thế gian bình đẳng, Phật xuất thế bình đẳng, tam thế bình đẳng. Thành tựu những thần thông biến hóa.

Ví như huyễn chẳng phải voi, ngựa, xe, nam, nữ, đồng nam, đồng nữ, chẳng phải cây, lá, bông, trái, đất, nước, lửa, gió, chẳng phải ngày, đêm, mặt trời, mặt trăng, chẳng phải nửa tháng, một tháng, một năm, trăm năm, một kiếp, nhiều kiếp, chẳng phải định, loạn, thuần, tạp, một, khác, chẳng phải rộng, hẹp, nhiều, ít, lượng, vô lượng, thô, tế. Huyễn chẳng phải tất cả sự vật, tất cả sự vật chẳng phải huyễn, nhưng do huyễn thị hiện ra những sự vật sai khác.

Cũng vậy, đại Bồ tát quán tất cả thế gian như huyễn. Những là nghiệp thế gian, phiền não thế gian, quốc độ thế gian, pháp thế gian, thời thế gian, thú thế gian, thành thế gian, hoại thế gian, vận động thế gian, tạo tác thế gian.

Lúc đại Bồ tát quán tất cả thế gian như huyễn, chẳng thấy chúng sanh sanh, chẳng thấy chúng sanh diệt, chẳng thấy quốc độ sanh diệt, chẳng thấy các pháp sanh diệt, chẳng thấy quá khứ có thể phân biệt được, chẳng thấy vị lai có khởi tác, chẳng thấy hiện tại một niệm trụ, chẳng thấy quan sát Bồ đề, chẳng phân biệt Bồ đề, chẳng thấy Phật xuất hiện, chẳng thấy Phật Niết bàn, chẳng thấy trụ đại nguyện, chẳng thấy nhập chánh vị, chẳng ngoài tánh bình đẳng.



Đại Bồ tát nầy dầu thành tựu Phật độ mà biết quốc độ vô sai biệt. Dầu thành tựu chúng sanh mà biết chúng sanh vô sai biệt. Dầu khắp quán pháp giới mà an trụ pháp tánh vắng lặng chẳng động. Dầu thấu rõ tam thế bình đẳng mà chẳng trái phân biệt pháp tam thế. Dầu thành tựu uẩn xứ mà dứt hẳn sở y. Dầu độ thoát chúng sanh mà rõ biết pháp giới bình đẳng không các thứ sai khác. Dầu biết các pháp xa lìa văn tự không thể ngôn thuyết mà thường thuyết pháp biện tài vô tận. Dầu chẳng chấp lấy việc giáo hóa chúng sanh mà chẳng bỏ đại bi, vì độ tất cả mà chuyển pháp luân. Dầu vì chúng sanh khai thị nhơn duyên quá khứ mà biết tánh nhơn duyên không có động chuyển. Đây gọi là như huyễn nhẫn thứ tư.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát như diệm nhẫn?

Đại Bồ tát nầy biết tất cả thế gian đồng như dương diệm.

Ví như dương diệm chẳng có phương sở, chẳng phải nội, ngoại, hữu, vô, đoạn, thường, chẳng phải một màu, nhiều màu, cũng chẳng phải không màu, chỉ tùy theo ngôn thuyết thế gian mà hiển thị.

Cũng vậy, đại Bồ tát như thiệt quán sát, rõ biết các pháp, hiện chứng tất cả, khiến được viên mãn. Đây gọi là như diệm nhẫn thứ năm của đại Bồ tát.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát như mộng nhẫn?

>Đại Bồ tát nầy biết tất cả thế gian như mộng.

Ví như mộng chẳng phải thế gian, chẳng phải rời thế gian, chẳng phải Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới, chẳng phải sanh, diệt, nhiễm, tịnh, nhưng vẫn có hiển thị.

Cũng vậy, đại Bồ tát biết tất cả thế gian đồng như mộng. Vì không đổi khác, vì như tự tánh của mộng, vì như mộng chấp trước, vì như mộng tánh ly, vì như bổn tánh của mộng, vì như mộng hiện ra, vì như mộng vô sai biệt, vì như mộng tưởng phân biệt, vì như lúc mộng thức giấc. Đây gọi là như mộng nhẫn thứ sáu của đại Bồ tát.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát như hưởng nhẫn?

Đại Bồ tát nầy nghe Phật thuyết pháp quán các pháp tánh tu học thành tựu đến bỉ ngạn, biết tất cả âm thanh đồng như vang không lai không khứ mà hiển thị như vậy.

Đại Bồ tát nầy quán sát tiếng của đức Như Lai chẳng từ trong phát ra, chẳng từ ngoài phát ra, cũng chẳng từ nơi trong ngoài phát ra. Dầu biết rõ tiếng chẳng phải từ trong, từ ngoài, từ trong ngoài phát ra, mà có thể thị hiện danh cú thiện xảo diễn thuyết thành tựu.

Ví như âm vang nơi hang từ duyên phát ra, mà cùng pháp tánh không trái nhau. Khiến các chúng sanh theo loài được hiểu biết và tu học.₫

Như Thiên Đế phu nhơn, con gái vua A tu la, tên Xá Chi, trong một âm thanh phát ra ngàn thứ âm thanh, nhưng phu nhơn vẫn không có tâm nghĩ làm cho phát ra như vậy.

Cũng vậy, đại Bồ tát nhập vô phân biệt giới, thành tựu tiếng tùy loại thiện xảo, ở trong vô biên thế giới hằng chuyển pháp luân. Đại Bồ tát nầy khéo hay quan sát tất cả chúng sanh, dùng tướng lưỡi rộng dài mà vì họ thuyết pháp. Tiếng đó vô ngại khắp cõi nước mười phương khiến chúng sanh tùy cơ nghi mà nghe pháp đều riêng khác. Dầu biết tiếng không khởi mà khắp hiện âm thanh. Dầu biết không sở thuyết mà nói rộng các pháp. Diệu âm bình đẳng tùy loại đều hiểu riêng khác, đều dùng trí huệ mà có thể rõ thấu. Đây gọi là như hưởng nhẫn thứ bảy của đại Bồ tát.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát như ảnh nhẫn?

Đại Bồ tát nầy chẳng phải sanh ở thế gian, chẳng phải mất ở thế gian, chẳng phải ở trong thế gian, chẳng phải ở ngoài thế gian, chẳng phải du hành nơi thế gian, chẳng phải chẳng du hành nơi thế gian, chẳng phải đồng với thế gian, chẳng phải khác với thế gian, chẳng phải qua đến thế gian, chẳng phải chẳng qua đến thế gian, chẳng phải trụ ở thế gian, chẳng phải chẳng trụ ở thế gian, chẳng phải là thế gian, chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải tu Bồ tát hạnh, chẳng phải bỏ đại nguyện, chẳng phải thiệt, chẳng phải chẳng thiệt. Dầu thường hành tất cả Phật pháp mà có thể làm xong tất cả thế sự. Chẳng theo thế lưu cũng chẳng trụ pháp lưu.

Ví như mặt trời, mặt trăng, nam, nữ và các vật như nhà cửa, núi rừng, sông suối, v.v… hiện bóng trong những vật thanh tịnh như nước, dầu, châu bửu, gương sáng. Bóng cùng nước gương, v.v… chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải ly, chẳng phải hiệp. Nơi trong dòng sông, bóng chẳng bị trôi, nơi giếng ao, bóng cũng chẳng bị chìm đắm. Dầu bóng hiện trong đó không chỗ chấp trước, nhưng các chúng sanh biết ở chỗ đó có bóng ấy hiện, cũng biết chỗ kia không có bóng như vậy. Vật gần vật xa dầu đều hiện bóng, nhưng bóng không theo vật mà có gần xa.

Cũng vậy, đại Bồ tát hay biết tự thân và tha thân tất cả đều là cảnh giới của trí, chẳng nhận là hai mà cho là tự tha riêng khác. Dầu vậy nhưng nơi tự quốc độ, nơi tha quốc độ, đều riêng sai khác đồng thời hiện khắp.

Như trong hột giống không có rễ, mầm, cọng, mắt, nhánh, lá, mà hay sanh khởi tất cả.

Cũng vậy, đại Bồ tát ở trong pháp vô nhị mà phân biệt hai tướng phương tiện thiện xảo thông đạt vô ngại. Đây gọi là như ảnh nhẫn thứ tám của đại Bồ tát.

Đại Bồ tát thành tựu như ảnh nhẫn nầy dầu chẳng qua đến cõi nước mười phương mà có thể hiện khắp tất cả cõi Phật. Cũng chẳng rời đây, cũng chẳng đến kia, như bóng hiện khắp, chỗ du hành vô ngại. Làm cho chúng sanh thấy thân sai khác đồng với tướng cứng chắc của thế gian. Nhưng sự sai khác nầy chánh là chẳng phải sai khác. Khác
cũng chẳng khác không có chướng ngại.

Đại Bồ tát nầy từ nơi chủng tánh Như Lai mà sanh thân ngữ và ý thanh tịnh vô ngại nên có thể được thân vô biên sắc tướng thanh tịnh.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát có nhẫn trí như hóa? Nầy Phật tử đại Bồ tát nầy biết tất cả thế gian thảy đều như hóa. Nghĩa là tất cả chúng sanh ý nghiệp hóa, vì giác tưởng sanh khởi. Tất cả thế gian chư hành hóa, vì phân biệt sanh khởi. Tất cả khổ vui điên đảo hóa, vì vọng thủ sanh khởi. Tất cả thế gian pháp chẳng thiệt hóa, vì ngôn thuyết hiện khởi. Tất cả phiền não phân biệt hóa, vì tưởng niệm sanh khởi. Lại có thanh tịnh điều phục hóa, vì vô phân biệt hiện khởi. Nơi tam thế chẳng chuyển hóa, vì vô sanh bình đẳng. Bồ tát nguyện lực hóa, vì tu hành quảng đại. Như Lai đại bi hóa, vì phương tiện thị hiện. Chuyển pháp luân phương tiện hóa, vì trí huệ vô úy biện tài diễn thuyết.

Đại Bồ tát rõ biết thế gian xuất thế gian hóa hiện như vậy, chứng biết, biết rộng lớn, biết vô biên, biết đúng sự, biết tự tại, biết chơn thiệt. Chẳng phải hư vọng kiến có thể khuynh động được. Tùy theo sở hành của thế gian cũng chẳng hư mất trí biết ấy.

Ví như hóa chẳng từ nơi tâm phát khởi, chẳng từ nơi tâm pháp phát khởi, chẳng từ nơi nghiệp phát khởi, chẳng thọ quả báo, chẳng phải thế gian sanh, chẳng phải thế gian diệt, chẳng thể theo dõi, chẳng thể rờ chạm, chẳng phải còn lâu, chẳng phải giây lát, chẳng phải ở nơi thế gian, chẳng phải rời thế gian, chẳng chuyên thuộc một phương, chẳng thuộc khắp các phương, chẳng phải hữu lượng, chẳng phải vô lượng, chẳng nhàm, chẳng dứt, chẳng phải chẳng nhàm dứt, chẳng phải phàm, chẳng phải Thánh, chẳng phải nhiễm, chẳng phải tịnh, chẳng phải sanh, chẳng phải tử, chẳng phải trí, chẳng phải ngu, chẳng phải thấy, chẳng phải chẳng thấy, chẳng phải y tựa thế gian, chẳng phải nhập pháp giới, chẳng phải thông minh, chẳng phải đần độn, chẳng phải lấy, chẳng phải chẳng lấy, chẳng phải sanh tử, chẳng phải Niết bàn, chẳng phải có, chẳng phải không có.

Đại Bồ tát phương tiện thiện xảo như vậy, du hành thế gian tu hạnh Bồ tát. Biết rõ thế pháp phân thân hóa hiện mà đến, chẳng chấp thế gian, chẳng lấy tự thân, nơi thế gian và thân không phân biệt. Chẳng trụ thế gian, chẳng rời thế gian, chẳng trụ nơi pháp, chẳng rời nơi pháp. Do bổn nguyện nên chẳng bỏ một chúng sanh giới, chẳng điều phục thiểu chúng sanh giới, chẳng phân biệt nơi pháp, chẳng phải chẳng phân biệt. Biết các pháp tánh không lai không khứ. Dầu không chỗ có mà tròn đầy Phật pháp. Rõ pháp như hóa, chẳng có chẳng không.

Đại Bồ tát lúc an trụ như hóa, nhẫn đến hay tròn đủ tất cả đạo Bồ đề của chư Phật lợi ích chúng sanh.

Đây gọi là như hóa nhẫn thứ chín của đại Bồ tát.

Đại Bồ tát thành tựu như hóa nhẫn nầy, phàm việc làm ra đều đồng với hóa, ví như hóa sĩ. Nơi tất cả cõi Phật không chỗ y trụ. Nơi tất cả thế gian không chỗ chấp lấy. Nơi tất cả Phật pháp chẳng sanh phân biệt. Dầu vậy mà hướng đến Phật Bồ đề không lười mỏi, tu hạnh Bồ tát, rời những điên đảo. Dầu không có thân mà hiện tất cả thân. Dầu không chỗ trụ mà trụ các quốc độ. Dầu không có sắc mà hiện khắp các sắc. Dầu chẳng chấp lấy thiệt tế mà chiếu sáng pháp tánh bình đẳng viên mãn.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát nầy nơi tất cả pháp không chỗ y chỉ nên gọi là bực giải thoát. Thảy đều bỏ rời tất cả lỗi lầm nên gọi là bực điều phục. Chẳng động chẳng chuyển vào khắp tất cả chúng hội Như Lai nên gọi là bực thần thông. Nơi pháp vô sanh đã được thiện xảo nên gọi là bực vô thối. Đủ tất cả lực, núi Tu Di núi Thiết Vi không làm chướng được, nên gọi là bực vô ngại.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ tát như không nhẫn?

Đại Bồ tát nầy rõ tất cả pháp giới như hư không, vì vô tướng. Tất cả thế giới như hư không, vì vô khởi. Tất cả pháp như hư không vì vô nhị. Tất cả chúng sanh hạnh như hư không, vì vô sở hành. Tất cả Phật như hư không, vì vô phân biệt. Tất cả Phật lực như hư không, vì vô sai biệt. Tất cả thiền định như hư không, vì tam thế bình đẳng. Tất cả pháp diễn thuyết như hư không, vì chẳng ngôn thuyết được. Tất cả thân Phật như hư không, vì vô trước vô ngại.

Bồ tát dùng phương tiện như hư không rõ thấu tất cả pháp đều không chỗ có.

Đại Bồ tát dùng nhẫn trí như hư không lúc thấu rõ tất cả pháp thì được thân và thân nghiệp như hư không, được ngữ và ngữ nghiệp như hư không, được ý và ý nghiệp như hư không.

Ví như hư không, tất cả pháp y tựa, chẳng sanh chẳng diệt. Cũng vậy, đại Bồ tát, tất cả pháp thân chẳng sanh chẳng diệt.

Ví như hư không, chẳng thể phá hoại được. Cũng vậy, đại Bồ tát, tất cả trí huệ các lực chẳng thể phá hoại được.

Ví như hư không là chỗ y chỉ của tất cả thế gian mà không sở y. Cũng vậy, đại Bồ tát là chỗ y chỉ của tất cả pháp mà không sở y.

Ví như hư không bất sanh bất diệt mà hay giữ lấy tất cả thế gian sanh diệt. Cũng vậy, đại Bồ tát không hướng không đắc mà hay thị hiện hướng đắc, khiến khắp thế gian tu hành thanh tịnh.

Ví như hư không chẳng có chỗ chẳng có góc mà hay hiển hiện vô biên chỗ góc. Cũng vậy, đại Bồ tát không nghiệp không báo mà hay hiển thị những thứ nghiệp báo.

Ví như hư không chẳng đi chẳng đứng mà hay thị hiện các thứ oai nghi. Cũng vậy, đại Bồ tát chẳng đi chẳng đứng mà hay phân biệt tất cả các hành.

Ví như hư không chẳng phải sắc, chẳng phải phi sắc mà hay thị hiện các loại màu sắc. Cũng vậy, đại Bồ tát chẳng phải sắc thế gian, chẳng phải sắc xuất thế gian mà hay thị hiện tất cả thân sắc.

Ví như hư không chẳng phải lâu chẳng phải gần mà hay ở lâu hiển hiện tất cả vật. Cũng vậy, đại Bồ tát chẳng phải lâu chẳng phải gần mà hay ở lâu hiển thị những hạnh của Bồ tát làm.

Ví như hư không chẳng phải tịnh chẳng phải uế, chẳng rời tịnh uế. Cũng vậy, đại Bồ tát chẳng phải chướng chẳng phải không chướng, chẳng rời chướng không chướng.

Ví như hư không tất cả thế gian đều hiện ra trước, chẳng phải hiện ra trước tất cả thế gian. Cũng vậy, đại Bồ tát tất cả pháp đều hiện ra trước, chẳng phải hiện ra trước tất cả pháp.

Ví như hư không vào khắp tất cả mà không biên tế. Cũng vậy, đại Bồ tát vào khắp tất cả pháp, mà tâm Bồ tát không có biên tế. Tại sao vậy? Vì chỗ làm của Bồ tát như hư không. Nghĩa là việc tu tập, việc nghiêm tịnh, việc thành tựu thảy đều bình đẳng, một thể, một vị, một thứ phần lượng. Như hư không thanh tịnh khắp tất cả chỗ.

>Đại Bồ tát như vậy chứng biết tất cả pháp, với tất cả pháp không có phân biệt. Nghiêm tịnh tất cả Phật độ. Viên mãn tất cả thân vô sở y. Rõ tất cả phương không có mê lầm. Đủ tất cả lực chẳng thể phá hoại. Đầy đủ tất cả vô biên công đức. Đã đến tất cả pháp xứ thậm thâm. Thông đạt tất cả đạo ba la mật. Ngồi khắp tất cả tòa kim cang. Phát khắp tất cả tiếng tùy loại. Vì tất cả thế gian
mà chuyển pháp luân chưa từng lỗi thời.

>Đây gọi là như không nhẫn thứ mười của đại Bồ tát.

Đại Bồ tát thành tựu nhẫn nầy thì được thân vô lai, vì vô khứ. Được thân vô sanh vì vô diệt. Được thân bất động vì vô hoại. Được thân chơn thiệt vì rời hư vọng. Được thân nhứt tướng vì vô tướng. Được thân vô lượng vì Phật lực vô lượng. Được thân bình đẳng vì đồng tướng như. Được thân vô sai biệt, vì quán tam thế bình đẳng. Được thân đến tất cả chỗ, vì tịnh nhãn chiếu khắp không chướng ngại. Được thân rời dục tế, vì biết tất cả pháp không hiệp tan. Được thân hư không vô biên tế, vì phước đức tạng vô tận như hư không. Được thân biện tài vô đoạn vô tận pháp tánh bình đẳng, vì biết tất cả pháp tướng chỉ là một tướng, không tánh làm tánh như hư không. Được thân âm thanh vô lượng vô ngại, vì không chướng ngại như hư không. Được thân đầy đủ tất cả Bồ tát hạnh thiện xảo thanh tịnh, vì nơi tất cả chỗ đều không chướng ngại như hư không. Được thân tất cả Phật pháp thứ đệ tiếp nối,vì chẳng thể đoạn tuyệt như hư không. Được thân trong tất cả cõi Phật hiện vô lượng Phật độ, vì rời tham chấp như hư không vô biên. Được thân thị hiện tất cả pháp tự tại không thôi nghỉ, vì như hư không chẳng có biên tế. Được thân tất cả thế lực kiên cố chẳng thể phá hoại, vì như hư không nhiệm trì tất cả thế gian. Được thân các căn sáng lẹ như kim cang kiên cố không thể phá hoại, vì như hư không tất cả kiếp hỏa chẳng đốt cháy được. Được thân có sức giữ lấy tất cả thế gian, vì sức trí huệ như hư không.

Chư Phật tử! Trên đây gọi là mười nhẫn của đại Bồ tát.

Bấy giờ, Phổ Hiền Bồ tát muốn tuyên lại nghĩa nầy mà nói kệ rằng:

Như trong đời có người

Nghe chỗ có kho báu

Vì có thể hưởng được

Nên lòng rất vui mừng.

Cũng vậy, đại trí huệ

Bồ tát chơn Phật tử

Được nghe các Phật pháp

Tướng thậm thâm tịch diệt,

Lúc nghe thâm pháp nầy

Trong tâm được an ổn

Chẳng kinh cũng chẳng hãi

Cũng chẳng sanh sợ sệt.

Đại sĩ cầu Bồ đề

Nghe tiếng quảng đại nầy

Tâm tịnh hay kham nhẫn

Nơi đây không nghi lầm.

Tự nghĩ: Do nghe được

Pháp thậm thâm vi diệu

Sẽ thành Nhứt thiết trí

Nhơn Thiên đại Đạo sư.

Bồ tát nghe tiếng nầy

Trong lòng rất hoan hỷ

Phát sanh ý kiên cố

Nguyện cầu các Phật pháp.

Vì mến thích Bồ đề

Nên tâm lần điều phục

Lòng tin thêm tăng trưởng

Không trái chê chánh pháp.

Thế nên nghe tiếng nầy

Nơi lòng được kham nhẫn

An trụ vững chẳng động.

Tu hành hạnh Bồ tát.

Vì cầu đạo Bồ đề

Chuyên tu hướng về đó

Tinh tấn không thối chuyển

Chẳng bỏ những thiện nghiệp.

Vì cầu đạo Bồ đề

Trong lòng không hãi sợ

Nghe pháp thêm dũng mãnh

Cúng Phật khiến hoan hỷ.

Như có người đại phước

Gặp được kho chơn kim

Theo thân chỗ nên đeo

Chế tạo đồ trang nghiêm.

Bồ tát cũng như vậy

Nghe nghĩa thậm thâm nầy.

Tư duy thêm trí huệ

Để tu pháp tùy thuận.

Pháp hữu cũng thuận biết,

Pháp vô cũng thuận biết,

Tùy pháp đó như vậy

Như vậy biết các pháp.

Thành tựu tâm thanh tịnh

Minh triệt rất hoan hỷ

Biết pháp theo duyên khởi

Dũng mãnh siêng tu tập.

Bình đẳng quán các pháp

Biết rõ tự tánh đó

Chẳng trái Phật pháp tạng

Biết khắp tất cả pháp.

Chí nguyện thường kiên cố

Nghiêm tịnh Phật Bồ đề

Bất động như Tu Di

Nhứt tâm cầu Chánh giác.

Do phát tâm tinh tấn

Lại tu đạo tam muội

Vô lượng kiếp siêng làm

Chưa từng có thối thất.

Pháp của Bồ tát nhập

Là chỗ đi của Phật

Nơi đây rõ biết được

Thì không lòng lười chán.

Như lời chư Phật dạy

Bình đẳng quán các pháp

Chẳng phải nhẫn bất đẳng

Thành được trí bình đẳng.

Tùy thuận lời Phật nói

Thành tựu môn nhẫn nầy

Biết rõ đúng như pháp

Cũng chẳng phân biệt pháp.

Trong Tam Thập Tam Thiên

Có bao nhiêu Thiên tử

Cùng đồng ăn một bát

Đồ ăn đều khác nhau.

Đồ ăn riêng nhiều món

Chẳng từ mười phương đến

Đúng theo nghiệp đã tu

Tự nhiên hiện trong bát.

Bồ tát cũng như vậy

Quán sát tất cả pháp

Đều từ nhơn duyên khởi

Vô sanh nên vô diệt,

Vô diệt nên vô tận,

Vô tận nên vô nhiễm,

Nơi pháp biến dị kia

Biết rõ không biến dị.

Không đổi thì không xứ

Không xứ thì tịch diệt,

Trong lòng không nhiễm trước

Nguyện độ các chúng sanh.

Chuyên niệm nơi Phật pháp

Chưa từng có tán động

Mà dùng tâm bi nguyện

Phương tiện đi trong đời.

Siêng cầu nơi thập lực

Ở đời mà chẳng trụ,

Không đi cũng không đến

Phương tiện khéo thuyết pháp.

Nhẫn nầy là trên hết

Biết pháp là vô tận

Vào nơi chơn pháp giới

Thiệt cũng không sở nhập.

Bồ tát trụ nhẫn nầy

Thấy khắp các Như Lai

Đồng thời thọ ký cho

Gọi là thọ Phật chức.

Thấu rõ pháp tam thế

Tướng tịch diệt thanh tịnh

Mà đều độ chúng sanh

Để ở trong đường lành.

Các loại pháp thế gian

Tất cả đều như huyễn

Nếu biết được như vậy

Thì tâm không bị động.

Các nghiệp từ tâm sanh

Nên nói tâm như huyễn

Nếu rời phân biệt nầy

Diệt hết cõi hữu lậu.

Ví như nhà huyễn thuật

Khắp hiện các sắc tượng

Cho chúng luống tham vui

Rốt ráo vô sở đắc.

Thế gian cũng như vậy

Tất cả đều như huyễn

Vô tánh cũng vô sanh

Thị hiện có các thứ.

Độ thoát các chúng sanh

Khiến biết pháp như huyễn

Chúng sanh chẳng khác huyễn

Biết huyễn không chúng sanh.

Chúng sanh và quốc độ

Những pháp trong tam thế

Như vậy đều không thừa

Tất cả đều như huyễn.

Huyễn làm hình nam nữ

Và voi, ngựa, trâu, dê,

Nhà cửa, núi, suối, ao

Vườn, rừng, cùng bông, trái,

Vật huyễn không tri giác

Cũng không có trụ xứ

Rốt ráo tướng tịch diệt

Chỉ theo phân biệt hiện.

Bồ tát được như vậy

Thấy khắp các thế gian

Tất cả pháp hữu vô

Thấu rõ đều như huyễn.

Chúng sanh và quốc độ

Các thứ nghiệp tạo ra

Vào nơi như huyễn tế

Với kia không nương chấp.

Được thiện xảo như vậy

Tịch diệt không hý luận

Trụ nơi bực vô ngại

Khắp hiện oai lực lớn.

Các Phật tử dũng mãnh

Tùy thuận nhập diệu pháp

Khéo quán tất cả tưởng

Ràng rịt các thế gian.

Các tưởng như dương diệm

Khiến chúng hiểu điên đảo.

Bồ tát khéo biết tưởng

Bỏ rời những điên đảo.

Chúng sanh đều riêng khác

Hình loại chẳng phải một

Thấu rõ đều là tưởng

Tất cả không chơn thiệt.

Các chúng sanh mười phương

Đều bị tưởng che ngăn

Nếu bỏ thấy điên đảo

Thì diệt tưởng thế gian.

Thế gian như dương diệm

Do tưởng có sai khác

Biết thế gian do tưởng

Xa lìa ba điên đảo.

Như nắng quá gắt nóng

Người đời cho là nước

Thiệt ra không có nước

Người trí chẳng nên cầu.

Chúng sanh cũng như vậy

Đời loài đều không có

Như diệm ở nơi tưởng

Cảnh giới tâm vô ngại.

Nếu lìa những vọng tưởng

Cũng lìa những hý luận

Kẻ ngu si chấp tưởng

Đều khiến được giải thoát.

Xa lìa tâm kiêu mạn

Trừ diệt tưởng thế gian

Ở chỗ tận vô tận

Phương tiện của Bồ tát.

Bồ tát biết thế pháp

Tất cả đều như mộng

Chẳng chỗ, chẳng không chỗ

Thể tánh hằng tịch diệt.

Các pháp vô phân biệt

Như mộng, tâm không khác

Tam thế những thế gian

Tất cả đều như vậy.

Tánh mộng không sanh diệt

Cũng không có phương sở

Ba cõi đều như vậy

Người thấy tâm giải thoát.

Mộng chẳng tại thế gian

Chẳng tại phi thế gian

Cả hai chẳng phân biệt

Được nhập nơi bực nhẫn.

Như trong mộng ngó thấy

Những cảnh loại khác nhau,

Thế gian cũng như vậy

Cùng mộng không sai khác.

Người trụ trong mộng định

Biết đời đều như mộng

Chẳng phải đồng và khác

Chẳng phải một và nhiều.

Chúng sanh các cõi, nghiệp,

Tạp nhiễm và thanh tịnh

Như vậy đều biết rõ

Cùng mộng đều bình đẳng.

Hạnh của Bồ tát làm

Và cùng các đại nguyện

Biết rõ đều như mộng

Cùng thế gian không khác.

Biết thế gian không, tịch

Chẳng hoại nơi thế pháp

Như chiêm bao ngó thấy

Những hình sắc dài ngắn.

Gọi đây: Như mộng nhẫn

Nhơn đây biết thế pháp

Mau thành trí vô ngại

Rộng độ các chúng sanh.

Tu hành hạnh như vậy

Xuất sanh trí rộng lớn

Khéo biết các pháp tánh

Nơi pháp tâm không chấp.

Tất cả các thế gian

Những âm thanh sai khác

Chẳng phải trong, chẳng ngoài

Biết đó đều như vang.

Như nghe các tiếng vang

Tâm chẳng sanh phân biệt

Bồ tát nghe âm thanh

Không phân biệt cũng vậy.

Chiêm ngưỡng các Như Lai

Và nghe nói pháp âm

Diễn Khế kinh vô lượng

Dầu nghe mà không chấp.

Như vang không lai khứ

Tiếng đã nghe cũng vậy

Mà hay phân biệt pháp

Cùng pháp không trái lầm.

Khéo biết các âm thanh

Nơi tiếng không phân biệt

Biết tiếng đều không, tịch

Khắp phát âm thanh tịnh.

Biết pháp chẳng tại lời

Khéo vào vô ngôn tế

Mà hay hiện ngôn thuyết

Như vang khắp thế gian.

Biết rõ ngôn ngữ đạo

Đầy đủ phần âm thanh

Biết thanh tánh không, tịch

Dùng thế ngôn để nói.

Như âm thanh thế gian

Hiện đồng pháp phân biệt

Tiếng đó đều cùng khắp

Khai ngộ các quần sanh.

Bồ tát được nhẫn nầy

Tịnh âm độ thế gian

Khéo diễn thuyết ba đời

Nơi đời không chấp trước.

Vì muốn lợi thế gian

Chuyên ý cầu Bồ đề

Mà thường nhập, pháp tánh

Nơi đó vô phân biệt.

Quán khắp các thế gian

Tịch diệt không thể tánh

Mà thường làm lợi ích

Tu hành ý chẳng động.

Chẳng trụ nơi thế gian

Cũng chẳng rời thế gian

Nơi thế không sở y

Y xứ bất khả đắc.

Rõ biết tánh thế gian

Nơi tánh không nhiễm trước

Dầu chẳng nương thế gian

Giáo hóa khiến siêu độ.

Bao nhiêu pháp thế gian

Đều biết tự tánh nó

Rõ pháp không có hai

Cũng không chấp không hai.

Tâm chẳng rời thế gian

Cũng chẳng trụ thế gian

Chẳng phải ngoài thế gian

Tu hành Nhứt thiết trí.

Ví như bóng trong nước

Chẳng phải trong chẳng ngoài

Bồ tát cầu Bồ đề

Biết thế chẳng phải thế.

Chẳng nơi thế trụ xuất

Vì thế bất khả thuyết

Cũng chẳng trụ trong ngoài

Như bóng hiện thế gian.

Nhập nghĩa thậm thâm nầy

Lìa nhơ đều sáng suốt

Chẳng bỏ tâm bổn thệ

Đèn trí huệ chiếu khắp.

Thế gian không biên tế

Trí nhập cũng vô biên

Giáo hóa khắp quần sanh

Khiến họ bỏ những chấp.

Quan sát pháp thậm thâm

Lợi ích những quần sanh

Từ đây nhập vào trí

Tu hành tất cả đạo.

Bồ tát quán các pháp

Biết chắc đều như hóa

Mà tu hạnh như hóa

Rốt ráo trọn chẳng bỏ.

Tùy thuận hóa tự tánh

Tu tập đạo Bồ đề

Tất cả pháp như hóa

Bồ tát hạnh cũng vậy.

Tất cả các thế gian

Và cùng vô lượng nghiệp

Bình đẳng đều như hóa

Rốt ráo trụ tịch diệt.

Những Phật trong tam thế

Tất cả cũng như hóa

Bổn nguyện tu các hạnh

Biến hóa thành Như Lai.

Phật dùng đại từ bi

Độ thoát hóa chúng sanh

Độ thoát cũng như hóa

Hóa lực vì thuyết pháp.

Biết thế gian như hóa

Chẳng phân biệt thế gian

Hóa sự nhiều loại khác

Đều do nghiệp sai biệt.

Tu tập hạnh Bồ đề

Trang nghiêm nơi hóa thành

Vô lượng khéo trang nghiêm

Như nghiệp làm thế gian.

Pháp nầy rời phân biệt

Cũng chẳng phân biệt pháp

Cả hai đều tịch diệt

Hạnh Bồ tát như vậy.

Hóa hải rõ nơi trí,

Hóa tánh ấn thế gian

Hóa chẳng phải sanh diệt

Trí huệ cũng như vậy.

Nhẫn thứ mười quán rõ

Chúng sanh và các pháp

Thể tánh đều tịch diệt

Không xứ sở như không.

Được trí như không nầy

Lìa hẳn các chấp trước

Như hư không vô tướng

Nơi thế gian vô ngại.

Thành tựu sức không nhẫn

Như hư không vô tận

Cảnh giới như hư không

Chẳng phân biệt hư không.

Hư không không thể tánh

Cũng chẳng phải đoạn diệt

Cũng không những sai khác

Trí lực cũng như vậy.

Hư không không sơ tế

Cũng không có trung, hậu

Lượng đó bất khả đắc

Trí Bồ tát cũng vậy.

Quán pháp tánh như vậy

Tất cả như hư không

Không sanh cũng không diệt

Sở đắc của Bồ tát.

Tự trụ pháp như không

Lại vì chúng sanh nói

Hàng phục tất cả ma

Phương tiện của nhẫn nầy.

Tướng thế gian sai khác

Đều không chẳng có tướng

Vào nơi chỗ vô tướng

Các tướng đều bình đẳng.

Chỉ dùng một phương tiện

Vào khắp các thế gian

Là biết pháp tam thế

Đều đồng tánh hư không.

Trí huệ cùng âm thanh

Và thân của Bồ tát

Tánh đó như hư không

Tất cả đều tịch diệt.

Mười thứ nhẫn như vậy

Phật tử đã tu hành

Tâm họ khéo an trụ

Rộng vì chúng sanh nói.

Nơi đây khéo tu học

Thành tựu sức quảng đại

Pháp lực và trí lực

Là phương tiện Bồ đề

Thông đạt môn nhẫn nầy

Thành tựu trí vô ngại

Vượt hơn tất cả chúng

Chuyển pháp luân vô thượng.

Hạnh quảng đại đã tu

Lượng đó bất khả đắc

Điều Ngự Sư trí hải

Mới phân biệt biết được.

Bỏ ngã mà tu hành

Nhập vào pháp tánh sâu

Tâm thường trụ tịnh pháp

Dùng đây thí quần sanh.

Chúng sanh và sát trần

Còn biết được số đó

Công đức của Bồ tát

Không thể biết hạn lượng.

Bồ tát hay thành tựu

Mười thứ nhẫn như vậy

Trí huệ và công hạnh

Chúng sanh chẳng lường được.