Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Giảng Giải

Thứ Hai, 18 Tháng Tư 20169:53 CH(Xem: 4898)
Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Giảng Giải
Lời Nó́i Đầu

Kinh Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa và là tâm ẩn bí mật đại tổng trì môn của chư Phật Như Lai, bao gồm toàn bộ hệ thống giáo lý nhân quả, mê ngộ, chơn vọng, thánh phàm của tất cả đại tạng. Kinh soi chiếu rõ ràng giúp chúng sinh thấy sự sai khác của chánh tà trong quá trình tu chứng và tình trạng điên đảo của luân hồi cũng như thấu triệt cả nguồn nhất tâm, bao gồm cả vạn pháp một cách rộng lớn và đầy đủ. Học kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ giúp con người thấu rõ vị trí của mình đối với quả vị Bồ Đề Niết Bàn vô thượng. Chính Đức Phật Thích Ca sống bằng “Chơn tâm thường trú” và sinh hoạt trong “Thể tánh tịnh minh” cái mà đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh nhưng con người lại bỏ quên nó đi. Phật và chúng sinh thật ra vẫn đồng một thể tánh chơn tâm, nhưng chư Phật đã hoàn toàn giác ngộ được thể tánh ấy. Ngược lại, chúng sinh vì mê lầm thể tánh chơn tâm nên suốt đời sống trong điên đảo khổ đau và phải chịu trầm luân trong biển sanh tử luân hồi. Vì thế chủ yếu của kinh không ngoài mục đích xác định rằng còn phiền não khách trần là còn điên đão khổ đau và phủi hết phiền não khách trần là có an lạc Niết Bàn.

Kinh Lăng Nghiêm có thể giáo hóa, khiến cho “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí” nghĩa là tất cả loài hữu tình và vô tình đều có thể viên thành Phật đạo. Đối tượng cứu cánh của kinh là “Chơn Tâm Thường Trú” và “Thể Tánh Tịnh Minh” trong khi công dụng của kinh là hàng phục phiền não trần lao để trở về với tánh giác diệu minh của chính mình. Nhưng mục đích tối hậu của kinh vẫn là giải thoát giác ngộ đưa con người từ phàm phu đến địa vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tức là thành Phật. Tất cả Như Lai trong mười phương có Bồ Đề Niết Bàn đều do thành tựu đại định Thủ Lăng Nghiêm. Thủ Lăng Nghiêm đại định là định rất kiên cố, vững chắc nhất để phát sinh vô lượng trí tuệ. Có cái định này thì tâm lúc nào cũng “như như bất động, liễu liễu thường minh” nghĩa là cho dù thế gian vũ trụ có biến đổi, hấp dẫn, quyến rũ cách mấy thì tâm người có định này vẫn yên lặng, thanh thản, không bị ngoại trần chi phối và họ lúc nào cũng sống với tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Đó chính là “Kiến sắc phi can sắc, Văn hương bất nhiễm hương” vậy. Định của Thủ Lăng Nghiêm là “tự tánh bổn định” nên thường hằng, lúc nào cũng có. Cái định này khác hẳn với định có xuất có nhập nghĩa là nhập thì có định, xuất thì định mất cho nên định đó vẫn không thoát khỏi luân hồi sinh diệt. Do đó, định Thủ Lăng nghiêm tức là thể nhập Phật tri kiến, Như Lai Viên Giác Diệu Tâm. Kinh Thủ Lăng Nghiêm giúp chúng sinh có được tuệ giác mà phá trừ tất cả những dục vọng, đánh tan phiền não khổ đau, tiêu trừ những vô minh đen tối và sau cùng đạt đến cứu cánh tối thượng là chứng đắc Diệu Giác Như Lai tức là thành Phật

Đặc biệt trong phần tu chứng viên thông của hai mươi lăm vị đại đệ tử Phật, có hai chương rất quý báu giúp cho tất cả Phật tử tùy theo sở ngộ của mình mà áp dụng thực hành để có giải thoát. Chương Đại Thế Chí Niệm Phật viên thông rất sâu xa huyền diệu giúp chúng sinh thấy thấu suốt, hiểu tận cùng rốt ráo pháp môn niệm Phật để hạ thủ công phu. Sau đó kinh giới thiệu pháp môn Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông tức là pháp tu “phản văn văn tự tánh” nghĩa là xoay tánh nghe của mình vào trong mà lắng nghe tiếng nói thanh tịnh của tâm mình để sống gần với chơn tánh của chính mình thì sẽ có an lạc giải thoát ngay trong cõi đời này.

Vì thế tất cả mọi chúng sinh không phân biệt căn cơ mau chậm, không phân biệt tuổi tác và hoàn cảnh, mọi người mọi giới và mọi lúc đều có thể áp dụng tham học kinh này để lau sạch phiền não khách trần mà sống với Chơn Tâm thường có và Thể Tánh thanh tịnh sáng suốt của mình.

Vì sự thâm sâu huyền nghĩa của kinh, chúng tôi tha thiết kính mong quý Phật tử tham khảo kinh rất nhiều lần để tự mình tìm ra ánh sáng chân lý. Quý vị nghe, đọc mười lần thì thấu hiểu được bốn năm chục phần trăm. Nghe, đọc trăm lần thì mới có thể lãnh hội được ý nghĩa huyền diệu của kinh. Khi đã ngộ nhập kinh Lăng Nghiêm, quý Phật tử sẽ không cầu chơn cũng không trừ vọng mà chỉ sống “Như thị chân, như thị huyễn, như thị công đức” với tâm nguyện hằng “phục vụ chúng sinh tức cúng dường chư Phật”.

Chúng tôi trí mỏng nghiệp dày nên trong bộ “kinh giải” này không sao tránh khỏi những thiếu sót sai lầm, kính mong các bậc cao minh hỷ xả chỉ giáo cho. Chân thành cảm tạ.
Viết tại Washington Mùa Thu năm Canh Dần, 2010. Nam Mô A Di Đà Phật
Lê Sỹ Minh Tùng