18. Sáu Ba La Mật

Thứ Năm, 06 Tháng Bảy 20238:23 CH(Xem: 358)
18. Sáu Ba La Mật
TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH
(Ưu Bà Tắc Giới Kinh)

PHẨM MƯỜI TÁM
SÁU BA LA MẬT

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Vừa rồi Đức Phật có nói sáu phương tức là sáu Ba la mật, người nào cúng dường sáu phương, sẽ được tăng trưởng tài sản, thọ mệnh. Những người như thế có những đặc tính như thế nào?”


Đức Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu người nào có thể không sẻn tiếc tất cả tài vật, thường làm lợi ích cho người khác, thường nghĩ đến việc bố thí, ưa thích bố thí, có được vật gì, không cần biết ít nhiều, liền đem cho người khác. Lúc bố thí, không coi thường thân mệnh và tài sản, không phân biệt người giữ giới hay phá giới. Thường ca ngợi sự bố thí. Thấy người khác bố thí, tâm sinh hoan hỷ, vui mừng, không hề ganh ghét. Khi có người đến xin, lòng thấy vui thích, liền đứng lên chào hỏi, nhấc ghế mời ngồi, dù người đó có hỏi han hay không, cũng liền ca ngợi quả báo của sự bố thí. Thấy người sợ hãi, có thể cứu hộ họ. Ở trong đời đói khát, thường ưa bố thí đồ ăn uống. Tuy làm việc bố thí, nhưng không cầu quả báo, cũng không mong được đền ơn. Không lừa dối chúng sinh, thường ca ngợi những công đức của Tam Bảo. Khi buôn bán, không bao giờ dùng cân non, hoặc trộn những phẩm chất xấu để dối gạt người. Không thích rượu chè, cờ bạc, việc trai gái, mà thường tu hạnh hổ thẹn, sám hối. Tuy giàu có mà tâm không phóng túng; thường tu bố thí, không sinh tâm kiêu mạn.


Thiện nam tử! Người nào có được những đặc tính như vậy, nên biết là người đó có thể cúng dường Bố thí Ba la mật.


Thiện nam tử! Nếu người nào có thể thanh tịnh được hành động, lời nói, ý nghĩ, thường tu tâm nhu hòa, không làm điều quấy; giả như có làm, thường sinh lòng hổ thẹn, tin tưởng rằng nghiệp ác như vậy sẽ đưa đến quả báo dữ. Đối với điều thiện đã tu được, tâm sinh vui mừng. Đối với tội nhỏ, cũng giữ gìn không cho phạm, giống như tội rất nặng. Giả như lỡ phạm, trong lòng khiếp sợ, lo buồn, hối hận. Không bao giờ giận dữ đánh đập, làm khổ chúng sinh. Gặp ai cũng dùng lời dịu dàng hỏi han trước. Nếu thấy chúng sinh, liền sinh tâm thương mến, lo lắng. Thường biết ơn và tìm cách trả ơn. Tâm không sẽn tiếc, không lừa dối chúng sinh. Làm ra tiền đúng như pháp. Ưa làm phước đức, thường chỉ dạy người khác tu tập những công đức mà mình đã làm được. Thấy người nghèo khổ, đem thân thay họ chịu khổ, thường tu tập hạnh từ bi, thương xót tất cả. Thấy người làm ác, có thể ngăn cấm, che chở. Thấy người làm thiện, chẳng những khen ngợi công đức quả báo, mà còn đem sức lực ra phụ giúp. Thấy người  không được tự do, giúp cho họ được tự do. Thường tu tập hạnh xa lìa tâm giận dữ, nếu như đôi lúc khởi tâm giận dữ, liền biết tự trách và sám hối. Thường nói lời chân thật, lời dịu dàng, không nói những lời đâm thọc và vô nghĩa.


Thiện nam tử! Người nào có những đặc tính như vậy, phải biết người đó có thể cúng dường Trì giới Ba la mật.


Thiện nam tử! Nếu người nào có thể thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, giả sử có bị người ác làm hại, cũng chẳng hề khởi một niệm giận dữ, hơn nữa, quyết không bao giờ trả thù; nếu như đối phương đến sám hối tạ tội, liền tha thứ ngay. Khi thấy chúng sinh, tâm thường hoan hỷ; nếu thấy người làm ác, sinh lòng thương xót. Khen ngợi quả báo của sự nhẫn nhục, quở trách sự giận dữ, giảng nói về quả báo khổ sở của sự giận dữ. Lúc tu tập hạnh bố thí và nhẫn nhục, thường hướng đến kẻ thù trước. Thường quán sát ngũ ấm chỉ là do các nhân duyên hòa hợp, nếu chỉ là do sự hòa hợp mà thành, thì tại sao lại sinh tâm giận dữ? Thường quán sát sâu xa sự giận dữ chỉ là nhân duyên cho sự thọ nhận vô lượng khổ trong ba đường ác trong đời vị lai. Nếu tạm thời sinh tâm giận dữ, liền sinh lòng hổ thẹn, lo sợ, sám hối. Thấy hạnh nhẫn nhục của người khác hơn mình, không sinh lòng ghen ghét.


Thiện nam tử! Người nào có những đặc tính như vậy, phải biết người đó có thể cúng dường Nhẫn nhục Ba la mật.

Thiện nam tử! Nếu có người nào không biếng nhác, không hưởng thọ, hoặc tham lam cảm giác khoái lạc của sự nằm ngồi. Lúc làm những việc nhỏ, tâm ý chuyên chú như lúc làm những công đức to lớn. Bất cứ làm việc gì, đều phải làm cho hoàn tất. Lúc làm việc, không màng đến sự đói khát, nóng lạnh, đúng thời hay không đúng thời. Không bao giờ tự khinh. Làm một việc lớn chưa xong, không bao giờ khởi tâm hối tiếc; nếu hoàn tất một công việc, tự vui mừng đã làm xong. Khen ngợi quả báo của sự tinh tiến. Làm ra tiền đúng như pháp, tiêu xài hợp lý. Thấy người hay buông lung, thường nói cho họ biết quả báo không lành. Khéo dạy dỗ chúng sinh, khiến họ tu hành tinh tiến. Việc làm chưa xong, không bỏ dở giữa chừng. Lúc tu pháp lành, không bị người khác dao động.


Thiện nam tử! Nếu người nào có những đặc tính như vậy, phải biết người đó có thể cúng dường Tinh tiến Ba la mật.


Thiện nam tử! Nếu có người nào có thể thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, ưa ở chỗ vắng vẻ, hoặc trong hang, trong núi, trong rừng, hay trong nhà trống, không thích sự ồn ào, không tham luyến giường ghế, không ưa nói hoặc nghe chuyện tạp nhạp thế gian, không thích sự tham dục, giận dữ, ngu si. Thường mở lời trước, nói lời dịu dàng, thường ưa thích sự xuất gia, giáo hóa chúng sinh. Tất cả các phiền não của họ đều giảm bớt, xa lìa sự mơ tưởng viễn vông; khi thấy kẻ oán thù, bèn tu tập từ tâm, thường ưa nói quả báo của thiền định. Nếu tâm phóng dật, tán loạn, thường sinh lòng lo sợ, hối hận.
Thấy những người tu tà định, chỉ dẫn cho họ thấy rõ được sự sai lầm, khéo léo chỉ dẫn cho họ tu tập chánh định.


Thiện nam tử! Người nào có những đặc tính như thế, phải biết người đó có thể cúng dường Thiền định Ba la mật.


Thiện nam tử! Nếu có người có thể thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, học tập tất cả học vấn thế gian. Thường xa lìa tham sân si, không cuồng, không loạn. Thường cúng dường cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng, các bậc tuổi tác, đức hạnh, những người tu hạnh không phóng dật. Thường mở lời chào hỏi trước, nói năng nhỏ nhẹ, không lừa dối chúng sinh. Có thể phân biệt giảng nói đạo chánh, đạo tà, và quả báo thiện ác. Thường ưa thích chỗ vắng vẻ, xuất gia tu đạo, có thể dạy dỗ chúng sinh những kiến thức thế gian. Thấy người có tài năng hơn mình, không bao giờ sinh lòng ghen ghét, nếu thấy mình hơn người khác, cũng không bao giờ sinh lòng kiêu mạn. Khi nhận chịu sự khổ não, tâm không lo buồn; khi hưởng thọ sư sung sướng, cũng không sinh lòng hoan hỷ.


Thiện nam tử! Người nào có những đặc tính như thế, phải biết người đó có thể cúng dường Bát nhã Ba la mật.


Thiện nam tử! Mỗi phương có bốn đặc tính. Phương bố thí có bốn: một là điều phục chúng sinh, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Nếu có người, trong bất cứ lúc nào, đều không tham tiếc của cải, cũng không phân biệt người thân kẻ thù, người đó có thể điều phục chúng sinh. Vì đối với của cải không tham tiếc, nên có thể bố thí; nhờ thế xa lìa được tính xấu bỏn sẻn, đây gọi là xa lìa lỗi lầm. Lúc dự định bố thí, lúc đang bố thí, và lúc đã bố thí xong, tâm đều hoan hỷ, không sinh lòng nuối tiếc, do đây trong tương lai sẽ hưởng thọ được sự vui cõi người cõi trời, nhẫn đến sự vui Vô thượng, đây gọi là lợi mình. Có thể khiến cho người khác không còn chịu tất cả khổ não của sự đói khát, cho nên gọi là lợi người.


Phương trì giới có bốn: một là trang nghiêm quả vị Vô thượng Bồ đề, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Trang nghiêm quả vị Vô thượng Bồ đề, nghĩa là từ giới Ưu bà tắc, nhẫn đến giới Bồ tát, đều có thể làm nền móng cho quả vị A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, cho nên gọi là trang nghiêm. Sau khi thọ giới, thì xa lìa được ác giới, cùng sự “không có giới”, đây gọi là xa lìa sự lỗi lầm. Nhờ trì giới, mà được sự vui trời người, nhẫn đến sự vui Vô thượng, đây gọi là lợi mình. Sau khi thọ giới, bố thí cho chúng sinh sự không sợ hãi, làm cho tất cả đều được lìa khổ được vui, đây gọi là lợi người.

Phương nhẫn nhục có bốn: một là trang nghiêm quả vị Vô thượng Bồ đề, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Trang nghiêm quả vị Vô thượng Bồ đề, có nghĩa là nhờ sự nhẫn nhục mà tu tập được pháp lành, nhờ tu pháp lành mà chứng được sơ địa, nhẫn đến quả vị Vô thượng Bồ đề, đây gọi là trang nghiêm. Sau khi tu nhẫn nhục, có thể xa lìa sự sân hận ác độc, đây gọi là xa lìa lỗi lầm. Nhân vì sự nhẫn nhục mà được sự vui cõi trời, nhẫn đến sự vui Vô thượng, đây gọi là lợi mình. Dạy dỗ chúng sinh tu pháp lành, làm cho họ xa lìa pháp ác, đây gọi là lợi người.


Phương thiền định có bốn: một là trang nghiêm Bồ đề, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Trang nghiêm Bồ đề, nghĩa là do sức mạnh của sự tu tập thiền định mà được quả vị sơ địa, nhẫn đến quả vị A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, đây gọi là trang nghiêm. Do có thiền định mà tu vô lượng pháp lành, lìa xa sự nghĩ tưởng mông lung, gọi là xa lìa sự lỗi lầm. Do nhân duyên tu tập pháp xa ma tha, ưa thích sự vắng lặng, nên được sự vui cõi trời, nhẫn đến sự vui Vô thượng, đây gọi là lợi mình. Phá trừ được tâm tham dục, giận dữ, cuồng si của chúng sinh, đây gọi là lợi người.

Phương trí tuệ có bốn: một là trang nghiêm Bồ đề, hai là xa lìa sự lỗi lầm, ba là lợi mình, bốn là lợi người. Trang nghiêm Bồ đề, nghĩa là nhân vì trí tuệ mà được quả vị Sơ địa, nhẫn đến quả vị A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, đây gọi là trang nghiêm. Do tu tập trí tuệ, lìa xa vô minh, làm cho các phiền não không còn hoạnh hành, đây gọi là xa lìa sự lỗi lầm. Trừ diệt phiền não chướng và sở tri chướng, đây gọi là lợi mình. Dạy dỗ chúng sinh, làm cho họ được điều phục, đây gọi là lợi người.


Thiện nam tử! Hoặc có người cho rằng: “Ngoài giới không có nhẫn, ngoài tuệ không có định, do đây nói chỉ có bốn Ba la mật. Nếu có thể nhẫn nhục, không trả đủa lại, đây gọi là giới. Nếu tu thiền định, tâm không phóng dật, đây tức là trí tuệ. Cho nên giới tức là nhẫn, tuệ tức là định. Ngoài tuệ không có định, ngoài định không có tuệ, cho nên tuệ tức là định, định tức là tuệ. Ngoài giới không có tinh tiến, ngoài tinh tiến không có giới, cho nên giới tức là tinh tiến, tinh tiến tức là giới. Ngoài bố thí không có tinh tiến, ngoài tinh tiến không có bố thí, cho nên giới tức là tinh tiến, tinh tiến tức là giới. Cho nên không có sáu Ba la mật.” Điều này không đúng! Vì sao? Trí tuệ là nhân, bố thí là quả. Tinh tiến là nhân, trì giới là quả. Tam muội là nhân, nhẫn nhục là quả. Thế nhưng, nhân và quả không thể là một, do đó phải có sáu Ba la mật. Nếu có người cho rằng: “Giới tức là nhẫn nhục, nhẫn nhục tức là giới”, nghĩa này không đúng. Vì sao? Giới phải từ người khác mà lãnh thọ, nhẫn nhục thì không phải thế. Có người không thọ giới, nhưng có thể nhẫn nhục những sự ác độc, vì chúng sinh mà nhẫn chịu vô số khổ não, trong vô lượng đời, thay cho chúng sinh nhận chịu sự khổ vô cùng, nhưng tâm vẫn không hối hận thoái chuyển. Bởi thế, ngoài giới vẫn có sự nhẫn nhục.


Thiện nam tử! Tam muội tức là xa ma tha, còn trí tuệ tức là tỳ ba xá na. Xa ma tha, là sự chuyên tâm một cảnh, còn tỳ bà xá na là sự quán sát phân biệt. Trong mười hai phần giáo, ta đã có nói định khác với tuệ, cho nên biết rằng phải có sáu Ba la mật. Đức Như Lai trước tiên nói pháp Bố thí Ba la mật là muốn điều phục chúng sinh. Vì muốn chúng sinh, trong khi bố thí, tâm không còn sẻn tiếc, cho nên kế đến nói pháp Trì giới Ba la mật. Vì muốn chúng sinh, trong lúc bố thí, có thể nhẫn thọ được sự mất mát tài sản, cho nên kế đến nói pháp Nhẫn nhục Ba la mật. Vì muốn chúng sinh, bất cứ giây phút nào, tâm đều vui vẻ làm việc bố thí, cho nên kế đến nói pháp Tinh tiến Ba la mật. Vì muốn chúng sinh, trong lúc bố thí, tâm ý chuyên nhất, không nghĩ tưởng tán loạn, cho nên kế đến nói pháp Thiền định Ba la mật. Vì muốn chúng sinh, trong lúc bố thí, không cầu sự vui trong sinh tử, cho nên kế đến nói pháp Trí tuệ Ba la mật.


Thiện nam tử! Thế nào gọi là Ba la mật? Lúc bố thí không cầu quả báo, trong cũng như ngoài, cũng không phân biệt phước điền hay không phải phước điền, bố thí tất cả tài sản, tâm không sẻn tiếc, không chọn lựa ngày giờ, cho nên gọi là Bố thí Ba la mật. Tuy là tội nhỏ, dù mất thân mạng, cũng không hủy phạm, cho nên gọi là Trì giới Ba la mật. Dù cho người ác đến xâm phạm thân mình, vẫn có thể nhẫn thọ mà không sân hận, cho nên gọi là Nhẫn nhục Ba la mật. Trong ba tháng dùng một bài kệ tán thán đức Phật, không hề ngơi nghỉ, cho nên gọi là Tinh tiến Ba la mật. Chứng đắc đầy đủ Kim cương tam muội, cho nên gọi là Thiền định ba la mật.


Thiện nam tử! Lúc chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, đầy đủ cả sáu Ba la mật, cho nên gọi là Trí tuệ Ba la mật.


Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia có thể thanh tịnh sáu Ba la mật, điều này không khó. Bồ tát tại gia có thể thanh tịnh sáu Ba la mật, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.