- 1. Tập Hội
- 2. Phát Bồ Đề Tâm
- 3. Tâm Đại Bi
- 4. Giải Thoát
- 5. Ba Loại Bồ Đề
- 6. Tu Tập Thiện Nghiệp Ba Mươi Hai Tướng
- 7. Phát Nguyện
- 8. Bồ Tát Giả Danh Bồ Tát Thật
- 9. Tâm Kiên Cố của Bồ Tát Thật Nghĩa
- 10. Lợi Mình Lợi Người
- 11. Trang Nghiêm Mình và Người
- 12. Trang Nghiêm Phước Đức Trí Huệ
- 13. Thâu Phục Đệ Tử
- 14. Thọ Giới
- 15. Tịnh Giới
- 16. Trừ Ác
- 17. Cúng Dường Tam Bảo
- 18. Sáu Ba La Mật
- 19. Bố Thí Ba La Mật
- 20. Thanh Tịnh Tam Quy
- 21. Bát Quan Trai Giới
- 22. Ngũ Giới
- 23. Thi Ba La Mật
- 24. Nghiệp
- 25. Nhẫn Nhục Ba La Mật
- 26. Tinh Tiến Ba La Mật
- 27. Thiền Ba La Mật
- 28. Bát Nhã Ba La Mật
PHẨM THỨ TƯ
GIẢI THOÁT
- Thiện nam tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân tu hạnh Đại bi, phải biết người ấy sẽ được một pháp thể, gọi là giải thoát phần.
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Cái gọi là pháp thể đó có nghĩa gì?
- Thiện nam tử! Pháp thể đó, nghĩa là thân khẩu ý. Thân khẩu ý nầy, từ phương tiện mà có được. Phương tiện có hai loại: một là tai nghe, hai là suy nghĩ.
Lại có ba loại: một là bố thí, hai là giữ giới, ba là nghe nhiều Phật Pháp.
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn đã nói, từ ba phương tiện được giải thoát phần. Nếu vậy, ba phương tiện đó có số lượng nhất định không?
- Thiện nam tử! Không có số lượng nhất định. Vì sao? Có người ở trong vô lượng đời, đem vô lượng của cải bố thí cho vô lượng chúng sinh, mà vẫn không được giải thoát phần; lại có người chỉ trong một lần, đem một nắm bột bố thí cho một kẻ ăn mày, mà lại được giải thoát phần. Có người ở nơi vô lượng Phật thọ trì giới luật, mà vẫn không được giải thoát phần; lại có người chỉ trong một ngày một đêm thọ trì tám giới mà lại được giải thoát phần. Có người trong vô lượng đời, ở nơi vô lượng Phật, thọ trì đọc tụng mười hai phần giáo, mà vẫn không được giải thoát phần; lại có người chỉ đọc một bài kệ bốn câu mà lại được giải thoát phần. Vì sao? Vì tâm của tất cả chúng sinh không giống nhau.
Thiện nam tử! Nếu có người không thể nhất tâm quán sát tội lỗi của sinh tử, cùng sự an lạc của Niết bàn, những người như vậy, tuy đầy đủ bố thí, giữ giới, nghe nhiều Phật pháp, chung cuộc cũng không được giải thoát phần. Nếu như có thể nhàm lìa tội lỗi của sinh tử, thấy rõ công đức an lạc của Niết bàn, những người như vậy, tuy ít bố thí, ít trì giới, ít nghe Phật pháp, mà vẫn có thể được giải thoát phần.
Thiện nam tử! Hành giả ở trong ba trường hợp có thể được giải thoát phần: một là lúc Phật xuất thế, hai là lúc Bích chi phật xuất thế, ba là nếu không có Phật hoặc Bích chi phật xuất thế, thì lúc vị trời Sắc cứu cánh nói pháp giải thoát, người ấy nghe xong, liền được giải thoát phần.
Thiện nam tử! Ta lúc xa xưa, khi mới phát tâm, tuy không gặp Phật hoặc Bích chi phật, nhưng được nghe trời Tịnh cư nói pháp giải thoát, nghe xong ta liền phát tâm Bồ đề.
Thiện nam tử! Pháp giải thoát như vậy, không phải các trời cõi dục có thể chứng được. Vì sao? Vì họ buông lung theo ngũ dục. Cũng không phải các trời cõi sắc có thể chứng được. Vì sao? Vì họ không có ba phương tiện. Lại cũng chẳng phải là chỗ chứng ngộ của trời cõi vô sắc. Vì sao? Vì họ không có thân, khẩu, mà pháp thể ấy chính là thân khẩu ý. Người ở châu Bắc câu lô cũng không chứng được. Vì sao? Vì họ không có ba phương tiện. Chỉ có ba hạng người được giải thoát phần, tức là Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát. Chúng sinh nếu gặp được thiện tri thức, thì có thể chuyển đổi giải thoát Thanh văn thành giải thoát Bích chi phật, chuyển đổi giải thoát Bích chi phật thành giải thoát Bồ tát. Giải thoát phần của Bồ tát thì không còn thoái chuyển hoặc hư hoại.
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Người thuyết pháp làm thế nào để phân biệt rõ người nào được giải thoát phần, người nào chưa được giải thoát phần?
- Thiện nam tử! Có hai hạng người được giải thoát phần, tức là Bồ tát tại gia và Bồ tát xuất gia. Hai hạng người đó, chí tâm nghe pháp, nghe xong liền thọ trì. Nghe sự khổ của ba đường ác, tâm sinh sợ hãi, lông tóc dựng đứng, nước mắt tuôn trào, phát lòng kiên quyết thọ trì trai giới, cho đến tội rất nhỏ cũng không dám phạm. Nên biết người ấy là người được giải thoát phần.
Thiện nam tử! Bọn ngoại đạo tuy được định Phi tưởng phi phi tưởng, sống lâu vô lượng kiếp, nếu như không được giải thoát phần, nên quán sát bọn họ chỉ là người cõi địa ngục. Lại nếu có người, tuy ở địa ngục A tỳ, lâu vô lượng kiếp, chịu tất cả sự thống khổ khốc liệt nhất, nhưng nếu được giải thoát phần, nên quán sát người ấy như người cõi Niết bàn.
Thiện nam tử! Vì thế ta đối với ông Uất Đầu Lam Phất sinh tâm thương xót, còn đối với ông Đề Bà Đạt Đa thì không lo lắng gì cả.
Thiện nam tử! Như ông Xá Lợi Phất, trong sáu vạn kiếp cầu đạo Bồ đề, sở dĩ bị thoái chuyển là vì chưa được giải thoát phần, dù thế, căn cơ vẫn còn hơn hàng Duyên giác lợi căn.
Thiện nam tử! Giải thoát phần có ba bậc: hạ, trung và thượng. Bậc hạ là Thanh văn, bậc trung là Duyên giác, bậc thượng tức là chư Phật.
Thiện nam tử! Có người chuyên cần cầu giới Ưu bà tắc, trong vô lượng kiếp, tuy y như điều đã nghe mà thực hành, mà vẫn không được giới. Có người xuất gia cầu giới Tỳ khưu, giới Tỳ khưu ni, trong vô lượng kiếp, tuy y như điều đã nghe mà thực hành, mà cũng chẳng được giới. Vì sao? Vì không được giải thoát phần. Họ chỉ có thể gọi là tu tập giới luật, mà không thể gọi là nghiêm trì giới luật.
Thiện nam tử! Các vị Bồ tát được giải thoát phần, tuy không còn tạo nghiệp sinh vào ba cõi, mà vẫn thường nguyện sinh vào các cõi có thể làm được lợi ích cho chúng sinh. Nếu biết chắc mình có nghiệp sinh về cõi trời, liền hồi hướng nghiệp ấy cầu sinh cõi người. Nghiệp ấy chính là bố thí, trì giới và tu định.
Thiện nam tử! Nếu Thanh văn được giải thoát phần, không quá ba đời sẽ được giải thoát. Bậc Bích chi phật cũng thế. Các vị Bồ tát được giải thoát phần, dù trải qua vô lượng thân, nhưng luôn luôn không thoái chuyển. Tâm không thoái chuyển nầy, vượt hẳn tất cả Thanh văn, Duyên giác.
Thiện nam tử! Nếu được giải thoát phần như vậy, tuy ít bố thí mà vẫn được vô lượng quả báo. Ít trì giới, ít nghe pháp cũng giống như vậy. Người ấy giả sử ở trong ba đường ác, cũng không giống như chúng sinh ở trong ba cõi ấy thọ khổ. Nếu các vị Bồ tát được giải thoát phần như vậy thì được gọi là Điều nhu địa. Vì sao gọi là Điều nhu địa? Vì tất cả phiền não từ từ trở nên yếu thế. Đây cũng được gọi là ngược dòng sinh tử.
Thiện nam tử! Có bốn hạng người: một là thuận dòng sinh tử, hai là nghịch dòng sinh tử, ba là không thuận không nghịch, bốn là đến bờ bên kia.
Thiện nam tử! Giải thoát phần nầy, đối với hàng Thanh văn, gọi là Nhu nhuyễn địa; đối với Bồ tát cũng gọi là Nhu nhuyễn địa, lại gọi là Hoan hỉ địa. Vì nghĩa nào mà gọi là Hoan hỉ địa? Vì nghe Pháp nên không thoái chuyển. Lại còn gọi là Bồ tát chân thực. Vì nghĩa nào mà gọi là Bồ tát chân thực? Vì thường làm cho chúng sinh khởi tâm giác ngộ. Các vị Bồ tát đó, tuy biết rõ sách vở ngoại đạo, tự mình không thọ trì, cũng không dạy cho người khác. Họ không được gọi là người hoặc trời, cũng không thuộc vào năm nẻo. Đây gọi là tu hành đạo không chướng ngại.
Thiện nam tử! Tâm Bồ Đề có bốn hạt giống: một là không tham của cải, hai là không tiếc thân mệnh, ba là tu hạnh nhẫn nhục, bốn là thương xót chúng sinh.
Thiện nam tử! Có năm việc làm tăng trưởng hạt giống Bồ Đề: một là không nên tự khinh, cho rằng mình không thể được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; hai là thọ khổ, tâm không hối hận; ba là siêng năng tu hành, chưa từng ngơi nghỉ; bốn là cứu vớt chúng sinh đang chịu vô lượng khổ não; năm là thường ca ngợi công đức vi diệu của Tam Bảo. Người trí khi tu tập tâm Bồ đề, thường nên tu tập năm việc trên. Lại có sáu pháp làm cho hạt giống Bồ đề nảy nở tốt tươi, tức là Bố thí Ba la mật, cho đến Bát nhã Ba la mật. Sáu pháp Ba la mật nầy, do vì một việc mà được tăng trưởng, đó là sự không phóng dật. Bồ tát nếu phóng dật, sẽ không tăng trưởng sáu pháp Ba la mật nầy. Nếu không phóng dật thì sẽ tăng trưởng.
Thiện nam tử! Bồ tát khi cầu Bồ đề, lại có bốn việc: (1) một là gần gũi bạn lành, (2) hai là tâm bền chắc không lay chuyển, (3) ba là có thể làm những hạnh khó làm, (4) bốn là thương xót chúng sinh. Lại có bốn việc: (5) một là thấy người khác được lợi ích, tâm sinh vui mừng; (6) hai là thường vui vẻ khen ngợi công đức người khác; (7) ba là thường thích tu tập pháp lục niệm; (8) bốn là thường nói lỗi lầm của sinh tử.
Thiện nam tử! Thật là phi lý nếu có người cho rằng không có tám pháp nầy mà được Bồ đề.
Thiện nam tử! Bồ tát khi vừa phát tâm Vô thượng Bồ đề, liền được gọi là ngôi phước điền vô thượng. Vị Bồ tát đó đã vượt lên tất cả sự vật thế gian và tất cả chúng sinh.
Thiện nam tử! Tuy có người nói rằng trong vô lượng thế giới có vô lượng Phật, nhưng Phật đạo rất khó thành tựu. Vì sao? Thế giới vô biên, chúng sinh vô biên, nên chư Phật cũng vô biên. Giả sử Phật đạo dễ thành, chỉ một Đức Phật Thế Tôn cũng có thể hóa độ tất cả chúng sinh, và như vậy thì thế giới và chúng sinh đều có hạn lượng.
Thiện nam tử! Lúc Đức Phật ra đời, có thể độ chín vạn chín na do tha chúng sinh; mỗi một vị đệ tử Thanh văn của Phật độ một na do tha chúng sinh, mà số chúng sinh vẫn không thể độ hết được, vì thế gọi là vô biên. Do đó, trong kinh Thanh văn, ta nói không có mười phương chư Phật. Vì sao? Vì sợ các chúng sinh xem thường Phật đạo. Thánh đạo của chư Phật không nằm trong các pháp thế gian. Nên biết, lời của Như Lai không phải hư vọng, Như Lai không có tâm ghen ghét, chỉ vì Phật đạo khó thành, nên nói là không có chư Phật ở mười phương.
Thiện nam tử! Vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ đề, mà không thể tu hành thành tựu đạo Bồ tát. Nếu có người hỏi: “Nếu hiện tại có vô lượng chư Phật, tại sao trong kinh chỉ nói hai đời quá khứ và vị lai có vô lượng Phật, mà không nói hiện tại có vô lượng Phật?”
Thiện nam tử! Ta nói rằng ở trong một thế giới, thì đời quá khứ và vị lai có vô lượng Phật, còn đời hiện tại chỉ có một Đức Phật.
Thiện nam tử! Người nào thấu rõ nghĩa chân thực sẽ thành tựu Phật đạo. Tuy vô lượng chúng sinh tu hành Phật đạo, phần lớn đều thoái chuyển. Nếu có một người thành tựu giải thoát, người đó hiếm có, như hoa Yêm la kết trái, và như trứng cá chuyển biến thành cá lớn.
Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia được giải thoát phần, điều này không khó. Bồ tát tại gia được giải thoát phần, điều này mới khó. Vì sao? Vì người tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.