- Phẩm 1: TỰA
- Phẩm 2: THUẦN ĐÀ
- Phẩm 3: AI THÁN
- Phẩm 4: TRƯỜNG THỌ
- Phẩm 5: KIM CANG THÂN
- Phẩm 6: DANH TỰ CÔNG ĐỨC
- Phẩm7: TỨ TƯỚNG
- Phẩm 8: TỨ Y
- Phẩm 9: TÀ CHÁNH
- Phẩm 10: TỨ THÁNH ĐẾ
- Phẩm 11: TỨ ĐẢO
- Phẩm 12: NHƯ LAI TÁNH
- Phẩm 13: VĂN TỰ
- Phẩm 14: ĐIỂU DỤ
- Phẩm 15: NGUYỆT DỤ
- Phẩm 16: BỒ TÁT
- Phẩm 17: ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN
- Phẩm 18: HIỆN BỆNH
- Phẩm 19: THÁNH HẠNH
- Phẩm 20: PHẠM HẠNH
- Phẩm 21: ANH NHI HẠNH
- Phẩm 22: QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT
- Phẩm 23: SƯ TỬ HỐNG
- Phẩm 24:
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông
PHẨM THỨ BẢY
TỨ TƯỚNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông
PHẨM THỨ BẢY
TỨ TƯỚNG
Đức Phật bảo Bồ tát Ca Diếp: Đại Bồ tát muốn xiển dương chánh pháp, huấn đạo chúng sanh, truyền thụ kinh Đại Niết Bàn cần có bốn điều kiện cách:
Một, Tự chánh
Hai, Chánh tha
Ba, Vấn đáp linh hoạt
Bốn, Rành hiểu ý nghĩa nhân duyên
Thế nào là tự chánh ?
Giả sử có vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni phát biểu: Rằng tôi có thể ôm khối sắt nóng đỏ rực vào lòng, xương thịt có thể cháy thành tro, lòng tin của tôi đối với giáo nghĩa trong mười hai bộ kinh của Phật dạy không hề giảm sút và có ý niệm nghi ngờ. Thà tôi lấy dao cắt bỏ lưỡi, không bao giờ nói Phật, Pháp Tăng là vô thường. Giả sử có người giảng thuyết ngược lại, tôi không nghe mà còn sanh tâm thương xót.. Hiểu biết như vậy gọi là Tự chánh.
Thế nào là Chánh tha?
Một hôm nọ, thời pháp thuyết vừa xong, Phật trông thấy một thiếu phụ nét mặt hiện vẻ lo âu. Đức Phật hỏi: Cô có gì ưu tư trong lòng, Như Lai trông thấy cô có vẻ không bình thường an ổn ?
Bạch Thế Tôn ! Đúng như vậy, người nữ thưa. Tiện nữ đang lo lắng, vì sáng nay tiện nữ cho con của tiện nữ ăn nhiều chất bơ, tiện nữ không biết có tiêu hóa tốt hay không, nếu không tiêu hóa tốt ắt sẽ sanh bệnh...Ngưỡng mong Như Lai cho con một lời...
Phật dạy: Con của cô ăn thức ăn như vậy tiêu hóa tốt. Không sao đâu! Chẳng những không hại mà còn tăng sức, khỏe mạnh nữa. Người nữ nghe Phật nói vui mừng hớn hở và thốt: Vì lời của Như Lai nói đúng như thật không bao giờ sai chạy, nên con rất vui mừng. Đức Thế Tôn vì muốn điều phục chúng sanh mà khéo phương tiện nói tiêu hóa hay chẳng tiêu.
Phật nhằm hóa độ cho hàng Thanh văn tiểu quả, phải đáp ứng tâm tư nguyện vọng của họ, họ chỉ có khả năng tiêu hóa chân lý "vô thường, vô ngã và khổ". Như Lai trước nói với họ: Vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh. Nghe ra họ rất vừa lòng. Sau đó hàng Thanh văn đã đủ sức tu học Đại thừa, ở kinh Đại Bát Niết Bàn Như Lai nói: Không phải chỉ có: Vô thường (vị mặn), vô ngã (vị lạt), khổ (vị đắng) và bất tịnh (vị cay) mà còn có: Thường (vị béo), lạc (vị bùi), ngã (vị ngọt), và tịnh (vị chua).
Thế gian chỉ có bốn vị: Vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh. Phiền não làm củi, trí tuệ làm lửa, do các nhân duyên đó mà có cơm Niết bàn, tức là thường, lạc, ngã và tịnh. Nhờ vậy, các đệ tử Phật nếm được hương vị giải thoát ngọt ngon.
Đức Phật lại bảo người nữ rằng: Nếu nàng có duyên sự đi xa xứ thì sản nghiệp nên đem giao cho đức con ngoan lành, không nên đem giao cho đứa con xấu ác ! Người nữ thưa: Lời Như Lai dạy rất đúng. Gia nghiệp giao cho đứa con ngoan lành mà không nên giao cho đứa con xấu ác.
Phật dạy: Như Lai cũng vậy, lúc nhập Niết bàn, Như Lai đem tạng pháp thậm thâm vi diệu của Đại thừa giao phó cho các Bồ tát mà không giao cho các hàng Thanh văn, vì các hàng Thanh Văn tưởng là Như Lai đã diệt độ (chết rồi mất hẳn). Các Bồ tát thì biết rõ: rằng Như Lai thường trụ. Mà quả thật Như Lai thường trụ, không có diệt độ. Lúc nàng đi xa chưa về, đứa con ác kia nói nàng đã chết mất rồi, đứa con lành vẫn tin là nàng còn sống. Mà chính thật nàng còn sống.
Nếu có chúng sanh tin nhận rằng: Phật là thường trụ, phải biết người đó ở đâu, ở đó có Phật ! Đấy là chánh tha.
Thế nào là đáp vấn linh hoạt?
Một hôm có người đến hỏi đức Phật: Rằng tôi phải làm thế nào, không mất tiền của mà được gọi là đại đàn việt (đại thí chủ) ? Đức Phật dạy: Đem tôi trai, tớ gái bố thí cho sa môn, bà la môn, thiểu dục tri túc, không cất chứa các vật bất tịnh (phi thời, phi pháp). Đem người nữ thí cho người tu phạm hạnh. Đem rượu thịt thí cho những người không dùng rượu thịt. Đem đồ trang sức thí cho người không trang sức....Bố thí như vậy, có danh tiếng lớn mà tiền của chẳng tốn mất hào ly. Đấy gọi là khéo đáp vấn linh hoạt.
Bồ tát Ca Diếp hỏi: Bạch Thế Tôn ! Theo con hiểu, với người ăn thịt, không nên đem thịt đến cho. Vì con nghĩ rằng người không ăn thịt, có được phước đức lớn.
Đức Phật khen: Lành thay ! Thầy có thể khéo hiểu ý của Như Lai. Bồ tát hộ pháp phải hiểu biết như vậy. Nầy Ca Diếp ! Từ nay về sau Như Lai không cho các hàng Thanh văn đệ tử ăn thịt. Nếu đàn việt đem thịt cúng dường không được nhận mà còn khởi lòng thương xót, nghĩ đến sự đau đớn của con vật bị làm thịt !
- Lý do gì Như Lai không cho phép ăn thịt ? Ca Diếp hỏi.
Phật dạy: Người mà ăn thịt, mất hết giống đại từ.
- Duyên cớ gì ngày trước Như Lai cho phép hàng Tỳ kheo nhận và ăn ba thứ thịt, gọi là "tam tịnh nhục" ?
-
Tam tịnh nhục, chỉ là phương tiện quyền xảo mà Như Lai chế ra...trong giai đoạn...
- Bạch Thế Tôn ! Còn ngũ tịnh nhục và cửu tịnh nhục, sao Như Lai cũng không cho phép ?
- Sự mở rộng, sự thu hẹp, sự thắt chặt ấy cũng chỉ là sự quyền biến tùy thời của Như Lai. Tất cả đều nhằm mục đích đoạn nhục hiện nay.
- Bạch Thế Tôn ! Tại sao có lần Như Lai khen ngư nhục là món ăn ngon ?
- Như lai không những chỉ khen ngư nhục là món ăn ngon. Mà Như Lai cũng nói: cơm, xôi, bắp, khoai, đường, mật, bơ, sửa, chè, chuối, sầu riêng, chôm chôm, nhãn...là những món ăn ngon.
- Nầy Ca Diếp! Không nên có kiến chấp như bọn lõa hình ngoại đạo. Những cấm giới của Như Lai chế ra đều có dị ý. Vì dị ý, cho ăn "cửu tịnh nhục", vì dị ý cho ăn "ngũ tịnh nhục", vì dị ý cho ăn "tam tịnh nhục", và cũng vì dị ý cấm tất cả thứ thịt đều không được ăn. Đáp vấn như thế, gọi là khéo đáp vấn linh hoạt.
Thế nào là khéo hiểu nghĩa nhân duyê?
Giả sử trong hàng tứ chúng có người hỏi Phật: Vấn đề "Giới", "Luật" là vấn đề trọng đại đối với bốn bộ chúng đệ tử Phật. Đức Thế Tôn thành đạo, khởi đầu cuộc hành trình thuyết pháp độ sanh, duyên cớ gì Như Lai không chế ra giới luật để ngăn ngừa sai quấy cho các đệ tử ?
- Lẽ ra Như Lai nên khai thị từ ban đầu: Thế nào là giới ? Thế nào là luật ? Thế nào là trì ? Thế nào là phạm? Lúc nào Khai? Lúc nào Giá?
Lẽ ra Như Lai có thể dạy cho các đệ tử ngay từ buổi đầu. Những gì là "tứ khí"? Những gì là "tăng tàng" ? Bất định là những gì? Thế nào là xả đọa ? Gì là đơn đọa ? Hối quá là sao?...cho đến "thất diệt tránh"...Nếu Như Lai dạy trước cho, có lẽ các đệ tử chúng con được nhiều lợi ích, Ca Diếp thưa.
Đức Phật dạy: Ba la đề mộc xoa, tức "giới". Giới cũng gọi là "tịnh mạng". Người tu hành giữ gìn giới, có đời sống an ổn thanh tịnh. Cũng gọi là "tri túc". Người giữ giới hạn chế được nhiều tham vọng, không đam mê tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, không cất chứa những vật "bất tịnh". Giới còn gọi là biệt biệt giải thoát. Nó có công dụng ngăn ngừa tội lỗi từng phần của thân, miệng, ý. Vì vậy, giữ được từng phần giới thì có giải thoát từng phần.
Luật là nhiều giới điều đúc kết lại thành "thiên", thành "nhóm". Nhóm "tứ ba la di", nhóm "xả đọa"...nhóm "thất diệt tránh"....Ai giữ gìn trọn vẹn gọi là người "trì luật" đệ nhất. Ai giữ không tròn đúng điều răn của Phật chế, gọi đó là người phạm giới. Ai cố ý phạm gọi là "phá giới".
Có người đến hỏi Như Lai: Rằng giới luật có ý nghĩa và công dụng rộng lớn sâu xa như thế, đức Như Lai đã biết rành, biết rõ, sự lợi ích cũng như sự tác hại của người phạm giới, cớ sao Như Lai không dạy trước cho chúng con ? Có lẽ nào Như Lai muốn để cho chúng con đọa nơi ba đường ác ? Chỉ có Như Lai là trời trong các trời. Như Lai biết thế nào là trì giới. Thế nào là phạm giới. Thế nào là phá giới. Thế nào là luật. Thế nào là phi luật. Thế mà Như Lai không thương xót chúng con chế giới trước.
Phật dạy: Các Thiện nam tử ! Lắng nghe ! Luận về phạm giới hay phá giới, không phải mọi người tu hành ai cũng phạm, cũng phá giống nhau. Có người phạm tội trọng, có người phạm tội khinh, có người hủy báng chánh pháp Đại thừa, có người phạm cả ngũ thiên, thất tụ. Có người nhất xiển đề bất tín tam bảo hoàn toàn. Thế nên, phải có NHÂN DUYÊN phạm giới, Như Lai mới chế giới, mà không nên chế trước. Cũng như người trí, vá áo, chỉ vá áo rách mà không vá áo lành. Một thày thuốc giỏi giải phẩu và băng bó cho người bị thương tật chớ không thoa thuốc băng bó cho một thân thể cường tráng không bệnh tật. Cũng vậy, khi thấy chúng sanh có nhân duyên đọa địa ngục A tỳ, Như Lai mới dùng giới lành mà vá. Thấy chúng sanh bị nhân duyên lở loét. Như Lai dùng giới sát khuẩn mà băng rịt vết thương kia.
Ví như vua Chuyển Luân Thánh Vương, trước dạy cho nhân dân tu mười thiện nghiệp, về sau có người làm ác, vua tùy việc ác mà uốn nắn khép vào khuôn khổ lần lần. Khi tội ác trong dân gian không còn, những điều răn dạy trở thành luật pháp tự hành trong dân chúng. Cũng vậy, Như Lai thuyết pháp rộng nhiều, mà không chế luật trước. Phải có nhân duyên phi pháp của các Tỳ kheo mới dựa trên tình huống mà chế lần lần. Những người ưa thích chánh pháp tu hành theo lời dạy của Như Lai, hạng người này mới có thể thấy được PHÁP THÂN NHƯ LAI.
Phải biết ! Bửu luân của Chuyển Luân Thánh Vương không thể nghĩ bàn. Phật, Pháp và Tăng không thể nghĩ bàn và những người nghe hiểu pháp Đại thừa cũng không thể nghĩ bàn. Bồ tát khéo phân biệt khai thị xiển dương bốn điều như vậy.
Đấy gọi là người khéo hiểu nghĩa nhân duyên.
Còn nữa, Thiện nam tử ! Nếu nói bằng cách khác:
"Tự chánh", Như Lai được Đại Bát Niết Bàn, đính thực.
"Chánh tha", Như Lai vì các Tỳ kheo mà nói: Như Lai thường trụ.
"Đáp vấn linh hoạt", Nhân có người hỏi mà Như Lai có cơ hội giảng nói diệu nghĩa thậm thâm liễu nghĩa Đại thừa cho Đại chúng.
"Ý nghĩa nhân duyên". Hàng Thanh văn, Duyên giác không hiểu được diệu nghĩa thậm thâm của Đại thừa. Rằng PHÁP THÂN, BÁT NHÃ và NIẾT BÀN là tạng bí mật của chư Phật. Cũng như ba điểm của chữ Y (. . .) không thể tách rời nhau.
Bồ tát Ca Diếp thưa: Như lời Phật dạy: "dứt các phiền não gọi là Niết bàn", ví như lửa tắt thì chẳng gì còn. Thế sao Như Lai vừa có Đại Niết Bàn vừa là thường trụ bất hoại ? Cũng lời Phật dạy: Rời các cõi hữu lậu gọi là Niết bàn, trong Niết bàn không có các cõi hữu lậu", vậy với hình thức nào Như Lai thường trụ bất hoại ?
Phật dạy: Này Ca Diếp ! Dứt hết phiền não không còn gọi là vật, vì đã rốt ráo vắng lặng thanh tịnh. Tánh vắng lặng thanh tịnh, không gì làm biến hoại, nên gọi là "thường". Đã là Niết bàn đương nhiên rời các cõi hữu lậu. Tánh vô lậu của Niết Bàn không gì làm tiêu hoại được, vì vậy Niết Bàn là thường.
Này Ca Diếp ! Chánh pháp là chỗ tôn thờ của chư Phật, nên chư Như Lai đều cung kính cúng dường, vì PHÁP là thường trụ nên chư PHẬT và TĂNG cũng thường trụ.
Ca Diếp Bồ tát lại hỏi: Như lời Phật dạy, từ vô lượng kiếp lâu xa, Như Lai đã vượt ra sông mê biển ái, phiền não dục nhiễm. Thế sao Như Lai còn kết tóc xe tơ với Da Du Đà La để rồi hạ sanh La Hầu La, con Phật ? Sự kiện cụ thể đó, có lẽ nào không đủ chứng minh: rằng Như Lai chưa ra khỏi dục nhiễm, ái ân ? Cúi xin Như Lai nói rõ về duyên cớ đó !
Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Ông không nên dựa trên sự kiện Như Lai kết duyên với Da Du Đà La và có con La Hầu La là điều trở ngại cho sự giải thoát giác ngộ của một Như Lai.
Này Ca Diếp! Ông hãy lắng nghe và tư duy cho chính chắn. Đại Bát Niết Bàn có mật nghĩa, huyền nghĩa, thâm nghĩa và diệu nghĩa to lớn. Nay Tỳ kheo các thày khéo lóng nghe và tư duy chính chắn rồi vì người truyền bá giảng nói không nên sanh lòng ngờ vực với diệu lý liễu nghĩa Đại thừa.
Này Ca Diếp! Nếu một Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn có thể đem núi Tu Di cao rộng để vào trong vỏ hạt cải, vậy mà các chủng loại sinh vật ở trong núi không hề hay biết cũng chẳng có bị chật hẹp hay sự khác lạ nào. Chỉ có người trình độ tương đương mới thấy biết việc làm của vị Bồ tát kia và cũng biết khi nào đem về đặt lại chỗ cũ.
Còn có Đại Bồ tát trụ Đại Niết Bàn đem cõi đại thiên để vào lỗ chân lông, mà lỗ chân lông không có to ra, cõi Đại thiên không có tướng teo nhỏ.
Lại có vị Đại Bồ tát trụ Đại Niết Bàn xắn lấy thế giới trong mười phương để trên đầu mũi kim như lấy cây tăm ghim một lá quít, rồi ném sang thế giới khác, những chúng sanh ở trong thế giới bị ném, không hề hay biết. Chỉ có những người trình độ tương đương mới thấy biết việc làm kia và cũng thấy biết lúc nào vị Đại Bồ tát kia đem trở về đặt lại chỗ cũ.
Lại có vị Đại Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn, rứt lấy thế giới trong mười phương để trên bàn tay mặt, rồi ném vút qua khỏi vô lượng thế giới khác. Cũng có vị Đại Bồ tát trụ Đại Niết bàn đem vô lượng thế giới ở mười phương để vào trong thân mình, hoặc để vào trong hạt vi trần mà không hề có sự co dãn rộng hẹp. Chúng sanh ở trong những cõi ấy không có bị bức ép chật hẹp. Chỉ có những người trình độ tương đương mới thấy biết việc làm kia và cũng biết được khi Bồ tát kia đem thế giới về đặt lại chỗ cũ.
Này Ca Diếp! Vị Đại Bồ tát trụ Đại Niết Bàn có thể "thị hiện" vô lượng "thần thông", "biến hóa", vì thế, gọi là ĐẠI NIẾT BÀN.
Tất cả chúng sanh không thể suy lường đến được. Ông làm sao hiểu được việc làm của Như Lai qua sự kiện...La Hầu La mà cho rằng Như Lai chưa vượt ra ái dục, chưa giải thoát phiền não kiết sử.
Này Ca Diếp! Như Lai từ lâu xa đã trụ trong Đại Niết Bàn, thị hiện vô lượng thần thông, biến hóa ở trong cõi Đại thiên, hàng triệu triệu mặt trời, mặt trăng, hàng triệu triệu cõi Diêm Phù Đề như thế nầy. Như Lai ở cõi Diêm phù đề thị hiện vào thai mẹ làm cho cha mẹ tưởng là con mình, đích thực thân Như Lai chẳng từ nơi ái dục hòa hợp mà sanh. Như Lai đã lìa xa ái dục hòa hợp mà sanh. Như Lai đã lìa xa ái dục từ vô lượng kiếp. Thân của Như Lai chính là pháp thân, vì tùy thuận thế gian mà thị hiện vào thai mẹ.
Này Ca Diếp! Nơi vườn Lâm Tỳ Ni ta thị hiện từ nơi mẹ là hoàng hậu Ma Da sanh ra. Vừa ra đời liền đi qua hướng Đông bảy bước, xướng lên rằng: "Ở trong hàng trời, người, A tu la ta là bậc thượng tôn !". Cha mẹ và trời người thấy vậy vừa sợ vừa mừng, cho rằng hi hữu và mọi người đều cho hoàng hậu đã sanh một hoàng nam. Nhưng đích thực, thân Như Lai đã xa lìa sanh tử, tử sanh từ vô lượng kiếp. Thân của Như Lai là PHÁP THÂN, chẳng phải nhục thân do hòa hợp ngũ quan, tứ chi, lục phủ, tam tiêu, bì phu cốt nhục...mà thành. Vì tùy thuận cách sanh của thế gian, thị hiện làm một trẻ sơ sanh như vậy. Đi qua hướng Nam bảy bước, có ý nghĩa muốn làm phước điền vô thượng cho chúng sanh. Đi qua hướng Tây bảy bước, chứa ý nghĩa "thân này là thân cuối cùng, sẽ không còn sinh tử ưu bi". Đi qua hướng Bắc bảy bước, biểu trưng đã qua khỏi sanh tử của các cõi. Đi qua hướng Đông bảy bước, biểu trưng ý hướng sẽ làm bậc Đạo sư cho chúng sanh. Đi qua bốn hướng cạnh, mỗi hướng bảy bước, biểu trưng dứt hết các ma: phiền não ma, thiên ma, ngũ ấm ma và tử ma, thành bậc Như Lai ứng cúng, chánh biến tri...Đi lên bảy bước biểu trưng không còn bị những nhiễm ô làm ô nhiễm, như hư không. Đi xuống bảy bước, biểu trưng rưới mưa pháp dập tắt lửa địa ngục thiêu đốt chúng sanh, khiến cho thanh lương an lạc.
Cõi Diêm Phù Đề, sau khi sanh bảy ngày cạo tóc, mọi người cho Như Lai là đứa trẻ mới cạo tóc lần đầu. Kỳ thực, tất cả trời người, Sa môn, Bà la môn không một ai có thể thấy được đảnh tướng của Như Lai, huống là có người cầm dao cạo tóc. Vô lượng kiếp lâu xa, Như Lai đã cạo bỏ râu tóc rồi. Vì tùy thuận thế gian Như Lai thị hiện như vậy.
Cha mẹ đem ta đến miếu thờ trời, ra mắt Đại tự tại thiên. Đại tự tại thiên thấy Như Lai liền chắp tay cung kính đứng qua một bên. Từ vô lượng kiếp lâu xa. Như Lai đã bỏ phong tục vào miếu trời...nhưng vì tùy thuận thế gian mà thị hiện việc như vậy.
Ở cõi Diêm Phù Đề, Như Lai cũng xỏ lỗ tai. Kỳ thực, tất cả mọi người không ai có thể xỏ lỗ tai Như Lai được. Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện việc làm đó. Lại lấy các châu ngọc báu làm hoa tai, vòng chân để trang sức. Kỳ thực, Như Lai đã lìa bỏ trang sức từ vô lượng kiếp xa xưa....Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện thọ dụng để biểu lộ...hài hòa.
Rồi Như Lai cũng được vào học đường để học chữ nghĩa, học võ nghệ, học cơ giới, thủ công...Kỳ thực, từ vô lượng kiếp Như Lai đã rành rẽ tất cả những thứ đó. Khắp ba cõi, không ai có thể làm thầy Như Lai được. Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện các việc làm như vậy. Thế nên, Như Lai còn gọi là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri....
Ở cõi Diêm Phù Đề nầy, tùy thuận thế gian thị hiện làm thái tử. Mọi người đều thấy rằng Như Lai là con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, sống trong nhung gấm lụa là, hưởng thụ xa hoa trong cảnh ngũ dục. Kỳ thực, trong vô lượng kiếp Như Lai đã viễn ly lạc thú ngũ dục rồi!
Nhà tướng số đoán rằng: Lớn lên, nếu Thái tử không xuất gia tu Bồ đề đạo thì sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương cai trị cõi Diêm Phù Đề, mọi người hy vọng, tin tưởng lời đoán ấy. Kỳ thực, trong vô lượng kiếp Như Lai đã bỏ địa vị Chuyển Luân Thánh Vương mà làm bậc PHÁP VƯƠNG.
Thị hiện nhàm chán cảnh vui ngũ dục, Thái tử dạo bốn cửa thành gặp người già, bệnh, chết và vị Sa môn rồi sau đó vượt thành xuất gia hành đạo. Mọi người đều cho rằng Thái tử Tất Đạt Đa mới xuất gia tầm đạo, nhưng từ vô lượng kiếp Như Lai đã xuất gia hành đạo rồi.
Thị hiện thọ giới cụ túc, tinh tấn hành đạo. Rồi chứng quả: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, quả A La Hớn, mọi người thấy vậy mừng. Rằng Thái tử Tất Đạt Đa tu hành đắc đạo, chứng được quả A La Hớn. Kỳ thực, từ vô lượng kiếp Như Lai đã chứng quả A La Hớn rồi.
Nhằm hóa đạo độ thoát cho chúng sanh thị hiện trải cỏ làm tòa ngồi dưới cội Bồ đề, rồi hàng phục ma quân. Kỳ thực, từ vô lượng kiếp Như Lai đã hàng phục ma quân rồi!
Này Ca Diếp! Nhằm mục đích hòa quang đồng trần Như Lai có thể thị hiện: Thọ thực phẩm của người thí chủ cúng dường; thị hiện đi đứng; ngủ nghỉ; đại tiện, tiểu tiện, thở ra, hít vào. Kỳ thực, Như Lai đã xa lìa những sinh hoạt tục đế ấy từ lâu.
Này Ca Diếp! Như Lai thị hiện nhập Niết bàn tại Diêm Phù Đề đây. Kỳ thực, Như Lai chẳng rốt ráo nhập Niết bàn, chúng sanh thì cho là Như Lai nhập Niết bàn thật.
Đại Niết Bàn là cảnh giới của chư Như Lai. Chỉ có chư Phật Như Lai mới biết rõ.
Có lúc Như Lai thị hiện không cần giữ giới. Phạm tứ trọng tội...Có lúc Như Lai thị hiện Nhất xiển đề...Có lúc phá hòa hợp tăng...Có lúc làm Ma ba tuần...Có lúc thị hiện thân gái thành Phật...Có lúc thị hiện thân Phạm thiên vương...Có lúc vào nhà dâm nữ...Có lúc vào chỗ thanh y...Có khi thị hiện bác sĩ để dạy học trò...Có lúc chơi cờ bạc...Có lúc là Trưởng giả...Có lúc làm vua...làm quan để dẫn dắt thần dân về với chánh pháp. Như Lai có lúc thị hiện sanh vào thời dịch tể hoành hành rồi cho thuốc trị bệnh, sau đó giảng dạy họ quay về chánh pháp. Có lúc thị hiện trong thời kỳ đói kém để thực hành hạnh cứu khổ, bố thí cơm gạo thực phẩm cho chúng sanh. Có lúc sanh vào đời loạn lạc chiến tranh, làm nhà thuyết khách giảng hòa bằng chánh pháp, chỉ cách sống hạnh phúc trong cuộc sống. Như Lai còn vì hạng chấp thường, thị hiện thuyết pháp vô thường; vì hạng người chấp ngã, thuyết pháp vô ngã; vì hạng người chấp lạc, thuyết pháp khổ; vì hạng người chấp tịnh, thuyết pháp bất tịnh; vì hạng người dính mắc trong ba cõi thuyết pháp "tam giới duy tâm" khiến cho họ ra khỏi, xa lìa ba cõi. Như Lai vì độ thoát chúng sanh mà tuyên thuyết diệu pháp, trồng cây thuốc pháp vô thượng để thay cây cỏ phiền não hoang dại. Như Lai diễn nói chánh pháp cứu độ cho những người tà kiến ngoại đạo sống triền miên đau khổ bởi vô minh.
Như Lai dù thị hiện làm thầy chúng sanh, nhưng không có ý niệm làm thầy. Như Lai là bậc Chánh Giác an trụ ĐẠI BÁT NIẾT BÀN thị hiện vô số thân trong mọi môi trường hoàn cảnh khác nhau, với một mục đích lợi lạc chúng sanh. Ở cõi Diêm Phù Đề, Như Lai thị hiện ở Đông Thắng thần châu, có lúc ở Tây ngưu hóa châu, có khi ở Nam thiệm bộ châu, có lúc ở Bắc câu lô châu. Chẳng những vậy, Như Lai còn thị hiện...tha phương, thử giới trục loại tùy hình...với sức tự tại thần thông như vậy nên Như Lai từ lâu đã vĩnh viễn an trụ trong Đại Bát Niết Bàn, Như Lai THƯỜNG TRỤ KHÔNG BIẾN ĐỔI.
Này Ca Diếp! Do nhân duyên nói trên, ông không nên nghĩ rằng: La Hầu La là con trai của Phật. Vì từ vô lượng kiếp, Như Lai đã vĩnh ly dục nhiễm, nên Như Lai THƯỜNG TRỤ KHÔNG BIẾN ĐỔI.
Ca Diếp Bồ tát bạch: Theo lời Phật dạy: Như ngọn đèn đã tắt thì không có phương sở. Như Lai diệt độ rồi lẽ ra cũng không có phương sở. Thế sao Như Lai được gọi là thường trụ?
Phật dạy: Người ta thắp đèn dầu, dầu còn thì ngọn lửa còn cháy; khi dầu hết thì ngọn lửa tắt. Dù lửa đèn tắt nhưng bình đèn còn, và ngọn lửa dù tắt cũng không vì vậy mà tánh lửa không còn. Cũng vậy, Ứng hóa thân Như Lai có diệt độ, phiền não hoặc có diệt tận mà Pháp thân Như Lai thường còn.
Bạch Thế Tôn! Ca Diếp thưa. Bình đèn còn nhưng bình đèn là vật vô thường, chẳng lẽ Pháp thân Như Lai đồng như vật chất vô thường sao ?
Phật dạy: Ca Diếp! Ông đừng nạn vấn như vậy. Vật chất thế gian vô thường, Như Lai không phải vật chất, Như Lai không vô thường. Trong tất cả pháp Niết Bàn là thường. Như Lai tức Niết Bàn nên Như Lai là thường. Đức "Thường" của Như Lai không phải cảnh giới hàng Thanh Văn, Duyên Giác suy lường dễ biết được.
Này Ca Diếp! Được Niết Bàn ví như dầu hết ngọn lửa đèn tắt, đó là nói Niết Bàn của hàng La Hán chứng được. Vì A La Hớn diệt tham ái phiền não, chứng đắc Niết Bàn nên ví dụ dầu hết, lửa đèn tắt. Cùng là Thanh Văn, nhưng A Na Hàm, Tư Đà Hàm không được gọi là thường. Ví như dầu hết đèn tắt , vì chưa dứt sạch hoặc KIẾN, TƯ. Ngày trước Như Lai nói "nhập Niết Bàn" ví như dầu hết, đèn tắt là nói Niết Bàn của người A La Hớn chứng. Nói đến Đại Niết Bàn thì không thể ví như dầu hết đèn tắt ! Vì Đại Niết Bàn là THƯỜNG.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Theo con hiểu Như Lai có mật ngữ mà không có bí mật tàng.
Phật khen: Đúng như cái hiểu của ông. Như Lai không có mật tàng. Như trăng tròn giữa đêm thu, trời trong xanh, thăm thẳm không có mây mù, mọi người ai cũng thấy rõ vầng trăng sáng. Lời của Như Lai khai phát, hiển lộ chân lý rõ ràng. Kẻ ngu phu không hiểu hết ý nghĩa, lời của Như Lai rồi cho Như Lai còn dấu kín kho tàng bí mật. Người trí thấu suốt tiếp thu chân lý, nhận rõ lẽ thật, thấy rằng Như Lai không hề có dấu kín kho tàng bí mật nào.
Bí mật tàng có nghĩa là cất chứa dấu kín một cách khéo léo, ngoài mình ra, không ai biết được. Ví như người giàu, có nhiều bạc vàng, châu báu, vì tánh keo kiệt bỏn xẻn, không bố thí, không giúp đỡ cho ai, chôn dấu kỹ, khóa cất kín không cho ai biết. Người như thế, gọi là người có bí mật tàng (kho tàng bí mật). Như Lai thì không vậy. Từ vô lượng kiếp chứa để vô lượng diệu pháp, lòng không bỏn xẻn, thường đem ban bố cho tất cả mọi loài. Vì vậy không thể gọi là Như Lai có bí mật tàng. Ví như người có nhiều ác bệnh: cùi cụt, lở lói, thối hôi, vì hổ thẹn không muốn cho người thấy, họ băng bó che dấu kỹ. Như thế, gọi là người có dấu kín, bí tàng. Như Lai thì không có như vậy. Bao nhiêu chánh pháp hiện hữu trong cõi đời Như Lai đem chỉ dạy hết cho tất cả chúng sanh. Thế nên không thể gọi Như Lai có bí tàng được.
Ví như người nghèo thiếu nợ quá nhiều, vì sợ chủ nợ đòi mà ẩn trốn. Trốn mất tích là một hình thức bí tàng. Như Lai thì không như vậy. Như Lai không có nợ chúng sanh về tiền tài, sự nghiệp, công danh thế gian. Như Lai có nợ chúng sanh pháp xuất thế gian, nhưng Như Lai cũng chẳng ẩn mặt tránh trốn, vì Như Lai thương tất cả chúng sanh như con, thường diễn nói pháp nghĩa thậm thâm vô thượng, cho nên không thể gọi là Như Lai có bí tàng.
Ví như ông trưởng giả giàu có chỉ có con trai. Vì thương con, bao nhiêu vàng bạc, châu báu, ngọc ngà ông đều chỉ cho con ông biết hết. Cũng vậy, Như Lai xem chúng sanh đồng như con một. Vì vậy, Như Lai không hề có bí mật tàng !
Ví như dòng Bà la môn, có những luận điệu không có tánh thuyết phục, không phù hợp chân lý, họ không muốn cho những người dòng Sát đế lợi, Tỳ xá, Thủ đà la nghe biết. Che dấu như vậy, gọi là bí mật tàng. Như Lai thì không vậy. Chánh pháp của Như Lai thuyết ra tất cả đều lành, không giấu giếm, vì vậy không thể nói Như Lai có bí mật tàng.
Này Ca Diếp! Ví như ông trưởng giả tài đức kiêm toàn, ý muốn con mình có tài đức ngang bằng mình thì vừa lòng thỏa nguyện. Nhưng giờ đây đưa nó vào trường, dạy cho nó chương trình bậc đại học, nó không hiểu nổi vì đứa con tuổi nhỏ, trí còn non nớt. Ông trưởng giả đành phải đem con về, dạy cho nó chương trình bậc tiểu học. Tuổi trẻ, trí thiển, tâm thô, dạy cho nó chương trình tiểu học nó vui vẻ tiếp thu dễ dàng. Dù không dạy ngay cho con chương trình đại học, nhưng không vì vậy mà cha có lỗi "bí tàng" giấu giếm cất chứa lại cho riêng mình.
Như Lai cũng vậy, với hàng Thanh Văn chưa đủ trí tuệ, Như Lai dạy cho họ giáo lý bán tự và chín bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Tiểu thừa. Như Lai chưa dạy cho hàng Thanh Văn luận Tỳ Già La, hệ phương đẳng Đại thừa trong mười hai bộ kinh.
Này Ca Diếp! Nếu như đứa con trai đã lớn khôn đủ sức học đại học mà trưởng giả không dạy cho con mình học đại học, như vậy gọi là ông trưởng giả bí tàng giấu giếm con mình. Nếu hàng Thanh Văn đủ sức lãnh thọ giáo lý phương quảng Đại thừa mà Như Lai lẩn tiếc không dạy mới có thể nói Như Lai có bí tàng. Sự thực Như Lai không như vậy, cho nên Như Lai không hề có tàng bí mật riêng tư. Cũng như trưởng giả dạy cho con xong bậc tiểu học rồi giảng dạy hết cho con những gì ở chương trình đại học. Như Lai vì các đệ tử dạy bán tự trong chín bộ kinh rồi tiếp dạy cho Tỳ Già La Phương quảng Đại thừa. Đó là mật ý của Như Lai vận dụng trong hành trình giáo hóa chúng sanh.
Này Ca Diếp! Như tháng mùa hạ, kéo mây, nổi sấm tuôn mưa, khiến nhà nông cày cấy được mùa. Người không gieo giống thì không có gì để được. Đó không phải lỗi ở mây mưa và mây mưa cũng không hề có lẫn tiếc, hạn chế hay cất dấu bớt lượng nước với người nào. Như Lai cũng vậy, tuôn mưa pháp lớn: Kinh Đại Niết Bàn. Nếu chúng sanh gieo hạt giống phước đức trí tuệ thì sẽ có cây trái trí tuệ, phước đức trổ hoa kết trái. Nếu không gieo hạt nhân thì hoa trái không từ đâu mà có được. Đấy không phải lỗi Như Lai, mà Như Lai trước sau không hề có chứa cất "bí tàng".
Bạch Thế Tôn ! Ca Diếp thưa: Nay con biết rõ một cách quyết định: Rằng Như Lai thương tất cả chúng sanh như con một. Vì lợi lạc chúng sanh, chỉ bày chân lý Như Lai không có bí tàng.
Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: Nếu tu học phương quảng Đại thừa thì biết rõ "Như Lai thường trụ không biến đổi". Vậy cớ sao ngày trước Như Lai nói bài kệ:
"Chư Phật cùng Duyên Giác
Nhẫn đến chúng đệ tử
Còn bỏ thân vô thường
Huống là hạng phàm phu."
Rồi nay Phật lại nói Như Lai Phật thường trụ không biến đổi. Vậy nghĩa ấy phải hiểu như thế nào ?
Đức Phật dạy: Như Lai ngày trước vì hàng Thanh Văn đệ tử mà dạy "bán tự" nên nói bài kệ "vô thường" ấy. Như Lai cũng dùng bài kệ ấy mà an ủi vua Ba Tư Nặc lúc nhà vua quá buồn khổ vì Hoàng thái hậu băng hà. Như Lai còn khuyên: Đại vương chớ nên quá sầu khổ. Tất cả chúng sanh hễ thọ mạng hết gọi là chết. Chư Phật, Duyên Giác, Thanh Văn còn bỏ thân nầy huống là phàm phu !
Này Ca Diếp ! Thâm ý của Như Lai nhằm dạy "bán tự" cho vua Ba Tư Nặc mà nói bài kệ ấy. Nay Như Lai vì hàng Thanh Văn đệ tử giảng nói luận Tỳ Già La phương quảng Đại thừa: Rằng Như Lai thường còn không biến đổi.
Bạch Thế Tôn ! Ca Diếp thưa: Bài kệ sau đây, Thế Tôn đã dạy, có ý nghĩa thế nào ?
"Không tích lũy cất dấu
Vật thực cần vừa đủ
Như chim bay trong không
Dấu vết không tìm thấy"
Bạch Thế Tôn ! Trong hải hội này ai được gọi là người không tích lũy cất giấu ? Ai là người tri túc trong việc uống ăn? Và sự bay của chim nhạn, việc đi của người này rồi sẽ đến nơi nào ?
Phật dạy: Nói về tích lũy cất dấu là muốn đề cập về của báu. Tích lũy có hai: Một, tích lũy hữu vi; hai, tích lũy vô vi. Tích lũy hữu vi là hạnh Thanh Văn. Tích lũy vô vi là hạnh Như Lai Phật. Lại nữa, hàng Thanh Văn Tăng đệ tử Như Lai không tích lũy tiền tài, sự nghiệp, tôi tớ, súc vật...những vật phi pháp bất tịnh. Người thực hành được hạnh không tích lũy cất dấu, đồng thời người này cũng là người tri túc về uống ăn. Trái lại, là người tham lam, không phải đệ tử của đấng Như Lai.
Người khó tìm dấu như bóng nhạn trong không là người gần với đạo Vô Thượng Bồ Đề. Như Lai nói người này dù đi là không dụng ý đi, dù đến mà không điểm trụ.
DẤU VẾT KHÔNG TÌM THẤY đấy chính là NIẾT BÀN ! Vì Niết bàn không có mặt trời, mặt trăng, tinh tú, không có lạnh, nóng, gió, mưa; không có sanh, già, bệnh, chết; xa lìa ngoài hai mươi lăm cõi, xa lìa hết phiền não, vô minh, ưu bi khổ não. Niết bàn như vậy là cảnh giới Như Lai an trụ. Đó là cảnh giới THƯỜNG không có biến đổi. Vì vậy, Như Lai đến rừng Ta La Song Thọ nơi ĐẠI NIẾT BÀN mà NHẬP ĐẠI NIẾT BÀN.
Này Ca Diếp! ĐẠI có nghĩa là rộng lớn, châu biến khắp cùng. Cho nên người có ý chí can cường, thanh liêm, khí khái, trong sáng, gọi là Đại trượng phu. Người có chí hướng thượng, có khả năng tư duy quán chiếu chân lý hướng lên địa vị Giải thoát, Giác ngộ, Như Lai gọi đó là ĐẠI NHÂN. Như kinh BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC mà Như Lai đã dạy.
Lại nữa, NIẾT BÀN còn có nghĩa: LIỀN LẶN KHÔNG TỲ VẾT. Ví như người bị trúng tên độc, đau nhức vô cùng. Bỗng gặp lương y, nhổ tên độc ra, tra thuốc vào, người này hết đau nhức, thịt da liền lặn, an vui. Rồi vị lương y đi đến chốn nơi thành thị khác, chỗ nào có người thương tật, khổ đau, điều trị cho họ được lành. Cũng vậy, Như Lai thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, làm vị Đại y vương, thấy chúng sanh chịu khổ não ở cõi Ta Bà, từ vô lượng kiếp bị tên độc phiền não làm nhức nhối cùng cực. Như Lai nói kinh Đại thừa cam lộ pháp dược để điều trị bệnh khổ cho. Điều trị xong, Như Lai đến xứ khác, nơi nào có người bị phải tên độc phiền não, thị hiện làm Phật để thí cho ĐẠI THỪA PHÁP DƯỢC cứu khổ cho họ. Do nhân duyên đó mà gọi là NHƯ LAI ĐẠI BÁT NIẾT BÀN.
Bạch Thế Tôn! Ca Diếp thưa: Y sư trong đời có thể điều trị lành hết thương tích cho tất cả mọi người chăng ? Phật dạy: Thương tích bệnh đau của người đời kể ra có hai thứ: Một, bệnh có thể trị. Hai, bệnh không thể trị. Bệnh có thể trị, y sư trị lành. Bệnh không thể trị, y sư không trị được.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Cứ như lời Phật dạy thì Như Lai đã trị xong cho chúng sanh cõi Diêm Phù Đề rồi. Nếu nói đã trị rồi, sao cõi này còn nhiều chúng sanh chưa có được Niết bàn ? Nếu còn nhiều người chưa hề được Niết bàn, cớ sao Như Lai nói: Rằng Như Lai điều trị đã xong và định đi đến một xứ khác ?
Đức Phật dạy: Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề này có hai hạng: Một hạng có đức tin. Một hạng không có đức tin. Hạng có đức tin gọi là trị được, vì họ sẽ đoạn trừ phiền não quyết định được Niết bàn. Thế nên Như Lai nói: Rằng Như Lai đã trị cho chúng sanh ở Diêm Phù Đề rồi và Như Lai có thể đi làm Phật sự ở một nơi khác.
Còn hạng không có đức tin gọi là NHẤT XIỂN ĐỀ. Hạng người này Như Lai gọi là không trị được. Trừ hạng Nhất Xiển Đề ra được xem đều đã trị xong. Thế nên NIẾT BÀN có nghĩa LIỀN LẶN KHÔNG THƯƠNG TÍCH.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Con muốn hiểu rõ hơn: NHỮNG GÌ GỌI LÀ NIẾT BÀN ?
Phật dạy: NIẾT BÀN LÀ GIẢI THOÁT. GIẢI THOÁT GỌI LÀ NIẾT BÀN.
- Bạch Thế Tôn ! Giải thoát là SẮC hay chẳng phải SẮC ?
- Hoặc là sắc, hoặc là không phải sắc. Giải thoát của Thanh Văn, Duyên Giác không phải sắc. Giải thoát của chư Như Lai là sắc.
Bạch Thế Tôn ! Nếu không phải sắc, hàng Thanh Văn, Duyên Giác dựa vào đâu để an trụ ?
Những nghĩa như thế, là cảnh giới của chư Phật biết, chẳng phải Thanh Văn, Duyên Giác hiểu được. Đến như ý nghĩa GIẢI THOÁT cũng vậy.
Này Ca Diếp ! Trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng cũng là sắc, cũng chẳng phải sắc. Như Lai cũng nói chẳng phải sắc. Có người nạn hỏi: Rằng Trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng nếu chẳng phải sắc, họ nương tựa nơi gì (trụ) để sinh hoạt đi lại tới lui...Ca Diếp ! Những nghĩa như vậy, thuộc về cảnh giới của chư Phật, hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể biết được.
Giải thoát cũng vậy. Cũng là sắc, cũng là chẳng phải sắc. Như Lai nói: chẳng phải sắc. Rồi cũng là tưởng, cũng là chẳng phải tưởng. Như Lai nói: Chẳng phải tưởng. Những nghĩa như vậy thuộc về cảnh giới của chư Phật, hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể biết được.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Xin Thế Tôn thương xót nói rộng về diệu nghĩa GIẢI THOÁT của ĐẠI NIẾT BÀN !
- Phật dạy: Giải thoát có nghĩa là cởi bỏ, là viễn ly. Cởi bỏ viễn ly tất cả những ràng buộc ở nội tâm, ở ngoài thân. Viễn ly sự hòa hợp, sự phát sanh. Viễn ly và cởi bỏ như thế gọi là CHÂN GIẢI THOÁT. Giải thoát còn có nghĩa KHÔNG HÒA HỢP và KHÔNG SANH. Ví như cha mẹ do hòa hợp mà sanh ra con. Chân giải thoát thì không vậy. Không có hòa hợp và không có phát sanh là chân giải thoát. Như Lai cũng vậy. Như Lai không do sự hòa hợp của cha mẹ mà sanh. Tánh Như Lai thanh tịnh bản nhiên. Như Lai thị hiện có cha mẹ chỉ vì lợi ích hóa độ chúng sanh. Do nghĩa đó, Như Lai không do sự hòa hợp mà có và Như Lai không thực có sanh. Cho nên, chân giải thoát tức Như Lai. Như Lai cùng giải thoát không hai, không khác.
Lại giải thoát là pháp vô vi. Nó hoàn toàn khác với hữu vi. Ví như thợ gốm làm ra đồ gốm, rồi sẽ bị bể. Giải thoát thì không như vậy. Chân giải thoát không có sanh, vì không sanh cho nên không có diệt. Không sanh, không diệt tức là Như Lai. Như Lai không sanh, không diệt, không già, không chết, không có hư hoại. Do những nghĩa đó mà gọi là Như Lai NHẬP ĐẠI NIẾT BÀN.
Lại giải thoát là không già, không bệnh, không chết. Không già, không bệnh, không chết là chân giải thoát. Chân giải thoát tức Như Lai.
Lại giải thoát là không ưu sầu. Có ưu sầu, như vị quốc vương lo sợ nước láng giềng hùng cường xâm phạm biên cương...Giải thoát không như vậy. Như tiêu trừ hết oán địch thì không còn lo sợ nữa. Giải thoát cũng như vậy, trong giải thoát không còn nguyên nhân lo sợ. Không lo sợ là chân giải thoát. Chân giải thoát tức Như Lai.
Giải thoát là không có tạp tưởng ví như vàng ròng. Ai được vàng ròng là tự biết là mình có của báu. Tánh giải thoát thanh tịnh như chất vàng ròng. Thanh tịnh như vàng ròng, dụ chân giải thoát. Chân giải thoát tức Như Lai.
Lại nữa, giải thoát là đoạn hết sự ham muốn, sự hệ phược, đoạn hết phiền não sanh tử, nhân duyên quả báo trong tam giới. Đoạn hết như vậy là chân giải thoát. Chân giải thoát tức Như Lai. Như Lai tức Đại Niết Bàn. Đại Niết Bàn tức vô tận. Vô tận tức Phật tánh. Phật tánh tức quyết định. Quyết định tức là Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác.
Ca Diếp thưa: Nếu Niết Bàn, Phật tánh, Quyết định, Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác và Như Lai là một nghĩa, thế sao pháp quy y lại phải nói có ba ?
- Phật dạy: Tất cả chúng sanh vì sợ sanh tử nên cầu tam quy y. Nhờ nền tảng tam quy y rồi bước lên hiểu được Niết Bàn, Như Lai, Phật tánh, Quyết định và Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác.
Này Ca Diếp ! Có pháp tên thì một mà nghĩa thì khác. Có pháp tên cùng nghĩa đều khác. Có pháp tên khác mà nghĩa thì một.
Tên khác, nghĩa một như: Phật thường, Pháp thường, Tăng thường. Niết bàn, Hư không cũng đều thường.
Tên cùng nghĩa đều khác như: Phật gọi là Giác. Pháp gọi là Bất giác (bởi vì pháp chỉ cho tất cả những sự vật vô tình). Tăng gọi là Hòa hợp. Niết bàn gọi là giải thoát. Hư không gọi là Vô ngại.
Này Ca Diếp! Tam quy y danh và nghĩa đều khác. Vậy mà có lần Như Lai bảo Kiều Đàm Di: Bà khỏi cúng dường Như Lai. Bà chỉ cúng dường Tăng thôi. Bà cúng dường Tăng là bà đã cúng dường Tam Quy đầy đủ rồi. Vì sao vậy ? Vì tuân lời Phật là cúng dường Phật rồi. Vì mục đích giải thoát mà cúng dường, là cúng dường Pháp rồi. Chư Tăng thọ nhận phẩm vật, là cúng dường Tăng rồi.
Này Ca Diế! Có khi pháp sự có một Như Lai nói thành ba. Có lúc pháp sự ba Như Lai nói thành một. Những duyên cớ ấy là cảnh giới của chư Phật, hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể biết được.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Như lời Thế Tôn dạy: "Rốt ráo an vui gọi là Niết bàn". Bạch Thế Tôn ! Người được Niết bàn có cần rời bỏ thân, bỏ tâm, bỏ trí không ? Nếu rời bỏ thân, bỏ tâm, bỏ trí thì ai là người lãnh thọ cái vui Niết bàn ? Kính mong Thế Tôn dạy bảo.
Phật dạy: Này Ca Diếp! Ví như người ăn phải độc tố khó chịu buồn nôn, đi ra ngoài sân mà ói. Ói rồi trở vào nhà. Bạn bè xúm lại hỏi thăm "anh đã lành mạnh chưa mà trở vào nhà ?" Người ấy đáp: Tôi đã lành mạnh. Thân tôi được an vui. Như Lai cũng như vậy. Hoàn toàn xa lìa những ưu bi trong hai mươi lăm cõi, trọn vẹn được Niết Bàn an vui. Như Lai không động chuyển bởi ngoại duyên, không có cái gọi là diệt tận. Dứt hết các thọ, gọi đó là sự vui không thọ. Sự vui không thọ như vậy gọi là vui thường trụ. Cho nên, nói Như Lai có thọ vui là không đúng. Do nghĩa đó, cho nên RỐT RÁO AN VUI CHÍNH LÀ NIẾT BÀN. Niết Bàn tức là chân giải thoát. Chân giải thoát tức là Như Lai.
Ca Diếp Bồ tát hỏi: Bất sanh bất diệt là chân giải thoát ư ?
- Phật dạy: Đúng vậy. Bất sanh bất diệt là chân giải thoát. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.
- Nếu bất sanh bất diệt là chân giải thoát thì hư không cũng không sanh không diệt. Vậy thì hư không cũng là chân giải thoát và cũng là NHƯ LAI ? Ca Diếp thưa.
- Không nên lý luận như vậy. Cũng là tiếng hót. Nhưng không thể đem tiếng hót của chim quạ, chim cú sánh với tiếng hót của chim sơn ca, chim họa mi. Giải thoát và Như Lai không phải pháp có thể so sánh. Ví dụ nhằm để giáo hóa chúng sanh cho nên Như Lai mượn hư không chưa đúng mức ví dụ, để làm dụ. Người đệ tử Phật phải biết: Giải thoát tức là Như Lai. Tánh Như Lai tức là tánh giải thoát.
Ca Diếp nên biết. Vật không có gì sánh bằng, không thể dẫn vật khác làm dụ. Vì có nhân duyên, có thể ví dụ. Như Lai nói: diện mạo đoan trang, tươi mát và đẹp dường như mặt trăng tròn. Voi trắng sạch sẽ như núi tuyết. Trăng tròn không đồng với gương mặt. Núi tuyết không được nói là voi trắng. Làm sao có ví dụ đúng mức để dụ cho chân giải thoát được. Ví dụ chỉ là phương tiện thôi. Người trí nhân nơi ví dụ để có khái niệm. Từ khái niệm để nhận biết pháp tánh....
Này Ca Diếp! Giả như đứa con nghịch ác muốn hại mẹ nó. Nhằm lúc mẹ con cùng ở bên đống thóc. Mẹ nó đang lúi húi xớt sửa thức ăn và đem cơm cho nó ăn. Khi trông thấy mẹ, nó liền đi mài dao để giết mẹ. Bà mẹ biết ý, khéo léo lẫn chui vào đống thóc trốn. Nó cầm dao chém khắp đống thóc. Nó tự thỏa mãn, vừa lòng và in trí mình đã giết được mẹ rồi. Lát sau mẹ nó lén chui ra khỏi đống thóc, trở về nhà.
Ca Diếp! Thầy nghĩ thế nào ? Đứa con ấy có thành tội nghịch vô gián không ?
Ca Diếp thưa! Không quyết định được. Vì nếu nói thành tội, thì mẹ nó chưa bị giết chết. Nếu nói là không tội, thì chính nó tự cho là mình đã giết được mẹ và nó rất vừa lòng. Nó dầu không đầy đủ tội nghịch mà cũng là nghịch. Do nhân duyên sự kiện như vậy, nên dẫn các ví dụ để suy biết pháp chân thực.
Phật khen: Hay! Hay lắm! Vì nhân duyên ấy nên Như Lai thường phương tiện dẫn nhiều ví dụ để dụ giải thoát. Dù dẫn vô số ví dụ mà thật ra không thể đem dụ để sánh được. Thế cho nên, giải thoát thành tựu vô lượng công đức. Do vì thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy, nên gọi là ĐẠI NIẾT BÀN.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Nay con mới biết chỗ đến của Như Lai thật không cùng tận, vì vậy, thọ mạng của Như Lai cũng không cùng tận.
Phật khen: Hay lắm! Này Ca Diếp! Thầy hãy khéo hộ trì chánh pháp. Nếu có người phát tâm ra khỏi sanh tử ưu bi, đoạn trừ phiền não trói buộc thì phải nên học chánh pháp, hành chánh pháp và hộ trì chánh pháp như vậy.
TRỰC CHỈ
Tứ tướng là bốn đức tướng cần phải có cho người học Phật, tìm hiểu đức Phật và tiếp thu giáo lý của đạo Phật. Cũng như muốn đựng sữa tốt cần phải có cái bình. Bình đó phải lành, phải là bình không, chưa đựng gì trong đó, bình phải sạch và bình đẹp đẽ mỹ quan.
Muốn đựng sữa quý, người trí sử dụng cái bình có bốn đức tính như vậy để mà đựng thì sữa đó mới đủ yếu tố là thứ sữa quý.
Người Nho đạo, muốn làm nên một người quân tử, trượng phu, anh hùng lưu danh ư hậu thế, người ta phải học cái đạo: "Tiên thành kỳ ý", "Tiên chánh kỳ tâm"...để thành tựu cái chí lớn "Bình thiên hạ" !
Ở kinh Đại Bát Niết Bàn thượng thừa nầy, đức Phật dạy Bồ tát Ca Diếp: Là Bồ tát muốn xiển dương chánh pháp phổ độ chúng sinh cần có bốn đức:
Tự chánh
Chánh tha
Đáp vấn linh hoạt
Khéo hiểu ý nghĩa nhân duyên
* TỰ CHÁNH có nghĩa rằng: Người đệ tử Phật phải vận dụng trí tuệ, xác lập đức tin, giữ vững lập trường, kiên định hóa lý tưởng của mình.
Rằng:
Phật thường trụ
Pháp thường trụ
Tăng thường trụ
Rằng: Thà nhảy vào vạc dầu sôi; Thà nuốt hoàn sắt nướng đỏ; Thà dùng dao cắt lưỡi bỏ đi, đối với giáo lý trong mười hai bộ kinh Phật dạy, không một niệm nghi ngờ. Có được đức tánh như vậy gọi là người tự chánh.
* CHÁNH THA có ý nghĩa rằng, trên bước đường thuyết giáo độ sinh, Bồ tát vận dụng trí tuệ quán sát căn cơ chủng tánh của đối tượng, xác định cho rõ ràng. Sau đó theo cơ mà thuyết pháp giáo hóa thì mới đem lại hậu quả tốt. Giống như một thầy thuốc giỏi, với một bệnh nhân trước mặt. Vị thầy thuốc phải sử dụng kiến thức chuyên môn nghề nghiệp của mình: vọng, văn, vấn, thiết. Rồi nhận định: phù, trầm, trì, sát để biết bệnh chứng: hàn, nhiệt, hư, thật.
Cuối cùng ứng dụng chín cách trị bệnh, theo đó mà cắt thuốc, bệnh nhân chắc chắn sẽ chịu thuốc và lành bệnh.
Căn cơ của chúng sanh có bậc thượng, bậc trung, bậc hạ.
Chủng tánh thì có: phàm phu, bất định, ngoại đạo, tiểu thừa và đại thừa. Để cho công việc độ sanh có hiệu quả cao, Bồ tát độ sanh phải đủ trí tuệ để "Tùy cơ đậu giáo"..
Đối với căn cơ chủng tánh Nhị thừa. Phật chỉ truyền dạy cho họ chân lý ngang tầm "Tục đế". Rằng:
"Thế gian vô thường.
Quốc độ nguy thúy.
Tứ đại khổ không
Ngũ ấm vô ngã
Sanh diệt biến dị
Hư ngụy vô chủ
Tâm thị ác nguyên
Hình vi tội tẩu
Như thị quán sát
Tiệm ly sanh tử"....
Và Như Lai chỉ truyền dạy cho họ có chín bộ kinh..
Đối với hàng phàm phu Như Lai phải hạ thấp giáo lý ngang bằng với khả năng nhận thức tiếp thâu của họ qua giáo lý Nhơn thừa, Thiên thừa...mà giáo lý của Như Lai lẽ ra không cần đề cập hai thừa như vậy.
Những người căn cơ chủng tánh Đại thừa, phải dạy cho họ:
Phật thường trụ
Pháp thường trụ
Tăng thường trụ
Giáo lý vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh chỉ là phương tiện của Như Lai. Phải dạy cho họ: Rằng tất cả vạn pháp đều có tính Thường. Lạc. Ngã. Tịnh.
Trên đường hóa đạo, làm được việc đó, truyền bá được việc đó in sâu vào lòng người, gọi là Bồ tát có được đức CHÁNH THA.
* ĐÁP VẤN LINH HOẠT biểu lộ tư chất thiên tài, sức thần của trí tuệ Bồ tát. Bồ tát xiển dương chánh pháp độ sanh "đáp vấn linh hoạt" là Bồ tát có "biện tài". Biện tài có bốn thứ:
Pháp vô ngại biện tài
Từ vô ngại biện tài
Nghĩa vô ngại biện tài
Lạc thuyết vô ngại biện tài
Tứ vô ngại biện tài của Bồ tát là một lợi khí sắc bén trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, lợi lạc hữu tình. Dựa trên cơ cở Tứ vô ngại biện, Bồ tát nói "quyền", nói "thật", nói "đốn", nói "tiệm", nói "tạng", nói "thông", nói "biệt", nói "viên", tùy ý, trước một hay nhiều đối tượng đang đối thoại với mình. Về mặt nầy, ở kinh Diệu Pháp Liên Hoa, điển hình chỉ có hai vị Bồ tát thành công. Đó là Bồ tát Dược Vương và Bồ tát Đại Lạc Thuyết. Vì có sức trí tuệ áp đảo ma quân ngoại đạo, vì có lợi khí vô ngại biện tài, hai vị Bồ tát nầy phát nguyện truyền bá kinh Pháp Hoa ở cõi Ta bà. Còn bao nhiêu Bồ tát rất đông đảo, nguyện truyền bá kinh Pháp Hoa ở một thế giới khác hìền hòa hơn, dễ dãi và an lành hơn cõi Ta bà, chúng sanh cang cường, nan điều, nan phục...Vì thế, cho nên hộ trì chánh pháp, truyền bá kinh Đại Niết Bàn, yêu cầu phải có ĐÁP VẤN LINH HOẠT.
* KHÉO HIỂU NGHĨA NHÂN DUYÊN mà đức Phật đã dạy. Nói cách khác, học Phật, nghe pháp của Phật, phải hiểu Phật. Không hiểu Phật mà cứ nghe, cứ đọc rập ràng theo văn tự. Hãy coi chừng ! "Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan" đấy !
Phải hiểu Phật như thế nào ? Phải hiểu cho rõ: Rằng suốt hành trình giáo hóa độ sanh của đức Phật, Như Lai vận dụng vô số phương tiện, tận dụng mọi nhân duyên, linh động ngôn từ, tạm mượn thí dụ để giáo hóa chúng sanh, ở mọi căn cơ, ở nhiều chủng tánh, trong mọi giai cấp và trình độ khác nhau. Kinh điển gọi đó là "Tứ tất đàn", vì lòng từ bi vô hạn Như Lai vận dụng qui tắc đó, suốt hành trình giáo hóa bốn mươi chín năm. Không khéo hiểu nghĩa nhân duyên, đồng nghĩa không hiểu qui tắc "Tứ tất đàn" Như Lai vận dụng. Học Phật, nghe pháp, không hiểu qui tắc "Tứ tất đàn" thì sẽ rơi vào lưới "thiên la địa võng" không có cách nhoi ra !
Người đệ tử Phật có trí tuệ hiểu Phật:
Có lúc Như Lai nói vậy mà không phải vậy
Có lúc Như Lai nói không phải vậy mà vậy
Có lúc Như Lai nói vậy là vậy
Hiểu như vậy, gọi là Bồ tát xiển dương chánh pháp truyền bá kinh Đại Niết bàn "KHÉO HIỂU NGHĨA NHÂN DUYÊN".
* Thông thường người ta cho rằng: ngọn đèn dầu, nếu dầu hết thì ngọn đèn tắt. Ca Diếp Bồ tát cũng cùng ý nghĩ như vậy rồi đem quan niệm đó làm ví dụ để nạn vấn Phật về ý nghĩa nhập NIẾT BÀN. Nhập Niết Bàn có phải chăng là sự diệt tận, DỨT MẤT HẲN, giống như sự "mất hẳn" của ngọn đèn tắt khi dầu hết?
Phật dạy: Dầu hết đèn tắt, nhưng còn một cái còn, đó là bình đèn. Bình đèn là vật chất, bình đèn giả sử có thể bể nát tiêu tan đi nữa nhưng không vì vậy mà lửa đèn "diệt tận" chẳng còn gì ! Như Lai há chẳng dạy "TÁNH HỎA CHÂN KHÔNG, TÁNH KHÔNG CHÂN HỎA, THANH TỊNH BẢN NHIÊN CHÂU BIẾN PHÁP GIỚI, TÙY CHÚNG SANH TÂM ỨNG SỞ TRI LƯỢNG, TUẦN NGHIỆP PHÁT HIỆN, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đó sao ? Do nghĩa đó, Niết Bàn không diệt tận, không dứt mất hẳn như phàm phu quan niệm dầu hết ngọn đèn diệt tận không còn gì ! Thế cho nên, người đệ tử Phật hiểu rằng: NIẾT BÀN tức NHƯ LAI. NHƯ LAI tức NIẾT BÀN. Vì vậy Niết Bàn là THƯỜNG TRỤ. NHƯ LAI cũng THƯỜNG TRỤ như vậy.
Tuy nhiên, cũng có lúc Như Lai nói: Được Niết bàn ví như ngọn đèn tắt vì dầu hết. Dầu phiền não KIẾN TƯ HOẶC hết thì lửa sanh tử ưu bi khổ não hết, gọi đó là Niết bàn. Những lần Như Lai nói thế, là nói Niết Bàn của người A La Hán chứng được. Niết bàn đó chưa được gọi là ĐẠI NIẾT BÀN. Niết Bàn của hàng A La Hán chứng đắc cũng được gọi là "thường". Nhưng Niết bàn đó "còn dư". Cho nên Niết bàn của người A La Hớn chứng chưa phải VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN, chưa được gọi ĐẠI NIẾT BÀN. ĐẠI NIẾN BÀN là NIẾT BÀN của NHƯ LAI PHẬT. Nó "không còn dư..." cho nên có tên VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN.
* Giấu kín chừa lại cho riêng mình, Bồ tát Ca Diếp gọi đó là "bí tàng" hay "bí mật tàng". Bồ tát Ca Diếp nêu vấn đề "bí mật tàng" hỏi Phật: Rằng trong hành trình giáo hóa chúng sanh Như Lai có dành riêng cho mình những gì mầu nhiệm, kín đáo, bí mật chăng ?
Phật dạy: Trong quá trình cũng như tiến trình giáo hóa chúng sanh, Như Lai không hề có nắm tay lại mà luôn luôn mở rộng vòng tay. Như Lai không như các võ sư dạy cho học trò còn chừa lại "tuyệt chiêu" không truyền, phòng để hộ thân. Như Lai không giống những người cự phú vì quá sợ trộm cướp đánh cắp nên chôn dấu kín đáo bí tàng và Như Lai không phải như nhà phát minh vũ khí tối tân, cho nên không cần có bí tàng bí mật tuyệt đối để củng cố quốc phòng, ngõ hầu thống lãnh địa vị bá quyền...Như Lai không hề có ý niệm đó trong vô lượng kiếp rồi. Như Lai không hề có gì hết, nhưng Như Lai có tất cả. Nên biết ! Tất cả pháp mà Như Lai dạy cho chúng sanh, không có pháp nào là pháp của Như Lai. Nhưng không có một chúng sanh nào có khả năng chiếm hữu, khiến cho giáo pháp kia hao mòn suy giảm tí ti nào. Vì vậy, cho nên Như Lai cần chi làm cái việc "bí tàng "!
Tuy nhiên nên nhớ: Như Lai không có BÍ MẬT TÀNG, nhưng Như Lai thường sử dụng "MẬT Ý". Mật ý hay "dị ý" là phương tiện sử dụng có hiệu quả trong hành trình hóa độ chúng sanh của Phật. Giáo lý TỨ CHÂN ĐẾ: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Những chân lý VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ và BẤT TỊNH cũng vì có "mật ý" mà Như Lai thuyết giảng như thế. Như ông trưởng giả chưa vội cho con vào trường Đại học mà bằng lòng dạy chương trình tiểu học cho con mình. Như Lai cũng vậy. Vì "mật ý" mà dạy cho hàng Thanh văn giáo lý "TỨ CHÂN". Vì "mật ý" Như Lai dạy cho hàng Nhị thừa chỉ có chín bộ kinh. Vì "mật ý" mà Như Lai nói "VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ và BẤT TỊNH.
Như Lai vận dụng giáo lý "bán tự" dạy cho hàng Thanh Văn chín bộ kinh điển Tiểu thừa. Đến khi hàng Thanh Văn đủ sức tiếp thu Như Lai dạy cho họ luận Tỳ Già La, tức giáo lý phương quảng Đại thừa qua mười hai bộ kinh. Đấy gọi là giáo lý "mãn tự", như ông trưởng giả truyền dạy cho con mình hết những gì ờ chương trình Đại học khi nó đủ trí lớn khôn. Vì nhân duyên ấy, ông trưởng giả không có lỗi xan lẫn, giấu diếm sự hiểu biết đối với con. Cũng như Như Lai không có "bí tàng" đối với hàng Thanh văn dù đang dạy họ học tu giáo lý "bán tự" !
"Như chim bay trong không
Dấu vết không tìm thấy"
Đó là trạng thái Niết Bàn của người chứng đắc (nhập) NIẾT BÀN. Bởi vì Niết Bàn không là gì hết. Niết Bàn không phải vật, cho nên Niết Bàn không có hình sắc: dài ngắn, rộng hẹp, vuông tròn...Niết Bàn không có màu cho nên Niết Bàn không phải hiển sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng...Không cần có ánh sáng mặt trời, mặt trăng mới có Niết Bàn. Cũng không cần không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng mới có Niết Bàn. Không phải ở xứ lạnh mới có Niết bàn. Cũng không đòi hỏi xứ nóng mới có Niết bàn. Người được Niết bàn là người được nhổ tên độc phiền não, được tra vào vết thương một diệu dược linh đơn, là người được điều trị hoàn toàn an lành. Một trạng thái an lành thanh thoát "bất tư nghì" chỉ có người ấy mới biết. Niết bàn không hạn cuộc ở không gian, thời gian, nơi chốn, không do có sáng cũng không cần có tối...mới có Niết bàn. Vì vậy Niết bàn không lệ thuộc ngày đêm. Đó là "cảnh giới" NIẾT BÀN của những người được nhập ĐẠI NIẾT BÀN.
Vì vậy, Như Lai đến rừng TA LA SONG THỌ nơi ĐẠI NIẾT BÀN mà NHẬP NIẾT BÀN.
* Đức Phật dạy Ca Diếp Bồ tát: Rằng Như Lai thường trụ trong Niết Bàn mà giáo hóa chúng sanh ở cõi Ta bà ngót năm mươi năm. Như Lai đến rừng Ta La Song Thọ, NHẬP NIẾT BÀN chỉ là một sự kiện ghi dấu chấm dứt một giai đoạn, một hành trình giáo hóa độ sanh viên mãn của đức Phật. Người đệ tử Phật chân chính không được hiểu đức Phật đến rừng Ta La Song Thọ NHẬP NIẾT BÀN và từ đó đức PHẬT MỚI CÓ ĐƯỢC NIẾT BÀN. Càng không được hiểu rằng PHẬT NHẬP NIẾT BÀN đồng nghĩa như đức PHẬT ĐÃ CHẾT.
* Lương y trị bệnh dịch tả cho những người mắc bệnh, khi những con bệnh lành rồi thì lương y đến xứ khác để tiếp tục công việc trị liệu cứu nhân độ thế của mình. Đức Phật ban pháp dược điều trị chúng sanh cõi Ta Bà rồi thì đức Phật sang thế giới khác tiếp tục làm công việc trị bệnh ưu bi khổ não cho chúng sanh đang cần thầy thuốc.
* Nói là Như Lai đã trị bệnh xong, cũng có người thấy Như Lai trị bệnh chưa xong ở cõi Ta Bà. Đức Phật dạy: xong hay chưa xong là tùy đối tượng khách quan của chúng sanh có bệnh. Như Lai trị xong với những ai có đức tin Tam bảo chân chánh, có hạt giống chánh pháp Đại thừa. Người không có lòng tin như hạng Nhất xiển đề hoặc có lòng tin mà tà kiến, tin huyển hoặc hoang đường. Nhìn vào số người này, người ta nói Như Lai "trị bệnh" chưa xong. Nói cũng đúng đó chớ !
Phật dạy Bồ tát Ca Diếp: Rằng giải thoát có nhiều nghĩa, như cởi bỏ, xa lìa, không hòa hợp, không sanh, không già, không ưu sầu, không tạp tưởng, dứt hết tham muốn. Không còn dục vọng, dứt hết phiền não, vượt ra nhân duyên quả báo trong tam giới, viễn ly những nguyên nhân bất như ý như vậy gọi là chân giải thoát. Chân giải thoát tức Như Lai. Như Lai tức Đại Niết Bàn. Đại Niết Bàn tức Vô tận. Vô tận tức Phật tánh. Phật tánh tức Quyết định. Quyết định tức Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác.
Đó là thứ pháp, tên thì một, mà nghĩa thì khác.
Có thứ pháp, tên khác nghĩa khác, như pháp Tam Quy Y: Phật là Giác. Pháp là Chánh. Tăng là Tịnh.
Có thứ pháp, tên khác mà nghĩa một, như Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Lại có thứ pháp, Như Lai nói hoặc bốn hoặc ba hoặc hai hoặc một...cho đến một cũng không có...Đó là cảnh giới của chư Phật, hàng Thanh Văn, Duyên giác không thể biết được.
Người được NIẾT BÀN, không cần hủy bỏ thân. Không cần diệt tận tâm trí mà cũng chẳng cần có ý tưởng lãnh thọ NIẾT BÀN. Bởi vì Niết Bàn chẳng có gì đó để cho ai đó lãnh thọ. Người được NIẾT BÀN như người trí chỉ cần biết cách "Ói". Và trước lúc ói, biết rằng mình đã ăn nhằm những thức ăn có độc tố cho nên bị đau như vậy. Người trí nầy tạo cho mình một cách Ói để ói hết ra, vậy thôi ! Cho nên, ai đó nói Như Lai có THỌ VUI NIẾT BÀN là không đúng. Bởi vì cái vui Niết Bàn không phải là cái vui mới có mà là cái vui vẫn có. Vì tánh của Niết Bàn là Thường. Như Lai tánh là Thường.
Tuyệt đối AN VUI là NIẾT BÀN. NIẾT BÀN LÀ CHÂN GIẢI THOÁT. CHÂN GIẢI THOÁT TỨC NHƯ LAI.
Niết Bàn, Chân giải thoát và Như Lai là pháp bất sanh bất diệt. Hư không cũng là pháp bất sanh bất diệt. Có lúc Như Lai mượn Hư không để dụ Niết Bàn. Cũng mượn Hư không dụ Phật tánh, dụ Như Lai..Hư không chưa phải là pháp cân xứng để tỷ dụ, chỉ là phương tiện tạm mượn làm dụ, vì hư không là pháp đối đãi trong đối đãi. Không thể đem mắt của cá sánh với ngọc minh châu.
GIẢI THOÁT là kết quả của sự thành tựu vô lượng vô biên công đức. Thế cho nên, GIẢI THOÁT tức là ĐẠI NIẾT BÀN vậy./