Phẩm 12: NHƯ LAI TÁNH

Sunday, 18 August 202410:19 AM(View: 138)
Phẩm 12: NHƯ LAI TÁNH
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông

PHẨM THỨ MƯỜI HAI
NHƯ LAI TÁNH

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Chúng sanh trong hai mươì lăm cõi có NGÃ không ?

Đức Phật dạy: Này Thiện Nam tử ! NGÃ đồng nghĩa với NHƯ LAI TÀNG. NHƯ LAI TÀNG đồng nghĩa với PHẬT TÁNH. Tất cả chúng sanh đều có PHẬT TÁNH ấy. Do vậy, chúng sanh trong hai mươi lăm cõi đều có NGÃ. NGÃ hay PHẬT TÁNH là cái vốn có của chúng sanh trong hai mươi lăm cõi; vậy mà từ lâu chúng sanh bị vô minh phiền não ngăn che lấp kín nên không nhận biết. Giống như cô gái nghèo, trong nhà đã sẵn có kho tàng ngọc báu, vàng ròng chôn dấu từ lâu mà không tự biết. Trong một dịp may, nhờ có người khách thông minh nhận biết chỉ bày cách khai quật, kho tàng châu báu hiển lộ ra, cô gái vui mừng khôn xiết, rất đỗi ngạc nhiên và kính trọng người khách tài ba đã làm việc hy hữu giúp mình !NHƯ LAI TÁNH

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Chúng sanh trong hai mươì lăm cõi có NGÃ không ?

Đức Phật dạy: Này Thiện Nam tử ! NGÃ đồng nghĩa với NHƯ LAI TÀNG. NHƯ LAI TÀNG đồng nghĩa với PHẬT TÁNH. Tất cả chúng sanh đều có PHẬT TÁNH ấy. Do vậy, chúng sanh trong hai mươi lăm cõi đều có NGÃ. NGÃ hay PHẬT TÁNH là cái vốn có của chúng sanh trong hai mươi lăm cõi; vậy mà từ lâu chúng sanh bị vô minh phiền não ngăn che lấp kín nên không nhận biết. Giống như cô gái nghèo, trong nhà đã sẵn có kho tàng ngọc báu, vàng ròng chôn dấu từ lâu mà không tự biết. Trong một dịp may, nhờ có người khách thông minh nhận biết chỉ bày cách khai quật, kho tàng châu báu hiển lộ ra, cô gái vui mừng khôn xiết, rất đỗi ngạc nhiên và kính trọng người khách tài ba đã làm việc hy hữu giúp mình!

Phật dạy: Này Ca Diếp ! Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Tất cả chúng sanh chẳng nhận thấy được, có khác gì cô gái nhà nghèo kia có kho vàng mà không biết. Nay Như Lai chỉ bày Phật tánh sẵn có của tất cả chúng sanh đang bị phiền não vô minh che lấp. Như Lai chỉ bày kho báu giác tánh vốn có của chúng sanh. Giác tánh đó, chính là Phật tánh. Chúng sanh nhận thấy được, lòng rất vui mừng, trân trọng quy ngưỡng Như Lai.

Người khách thông minh giúp cô gái chỉ là người biết sự thật đã có. Như Lai chỉ bày Phật tánh của chúng sanh cũng chỉ là người chỉ ra một sự thật vốn có của chúng sanh mà thôi !

Này Ca Diếp ! Ví như cô gái có đứa con bệnh tìm đến y sĩ. Thầy thuốc bảo: sau khi con uống thuốc, cô không nên cho nó bú sữa mẹ, vài hôm sau bệnh cháu sẽ lành. Nhằm trị bệnh cho con, cô gái lấy chất đắng màu đen thoa lên vú bảo đứa bé: vú mẹ có chất độc và nhớp con không nên bú...Đứa bé thấy nhớp và có mùi đắng không dám gần, dù khát, đói và thèm sữa mẹ.

Vài hôm sau, thuốc đứa bé uống đã tiêu hóa, bệnh đã lành. Người mẹ lấy nước rửa vú sạch, gọi con đến bú. Bấy giờ đứa bé rất đói khát, nhưng nhớ mùi đắng, chẳng dám đến bú. Người mẹ bảo: mấy ngày qua vì con uống thuốc phải kiêng sữa, mẹ lấy chất đắng thoa vào vú, bôi đen để con sợ mà không đòi. Nay thuốc con đã tiêu hóa, không cần phải kiêng sữa nữa. Con bú rất tốt chẳng có hại gì. Đứa bé nghe mẹ bảo vui mừng đến bú.

Này Ca Diếp ! Như Lai cũng như vậy. Nhằm hóa độ chúng sanh, Như Lai dạy tu quán niệm pháp vô ngã. Nhờ quán niệm pháp vô ngã mà dứt được ý niệm chấp ngã nên thọ dụng được Niết bàn. Nhằm trừ bỏ những vọng kiến trên đời, Như Lai chỉ dạy pháp xuất thế gian. Chỉ rõ quan niệm chấp ngã của người đời là hư vọng, không chân. Tu quán niệm pháp vô ngã để thân tâm được nhẹ nhàng thanh thoát. Lời dạy đó của Như Lai, giống như cô gái kia nhằm chữa bệnh cho con, lấy chất đắng màu đen bôi lên vú...Như Lai vì muốn dạy tư duy quán niệm tánh "KHÔNG" của vạn pháp nên nói các pháp VÔ NGÃ. Cô gái khi rửa sạch vú rồi, gọi con đến bú. Hôm nay Như Lai chỉ dạy Như Lai Tàng (có ngã) các Tỳ kheo chớ có sanh lòng kinh nghi sợ sệt mà nên phân biệt nhận rõ Như Lai Tàng là sự thật. Đó chính là tánh chân ngã, chân tịnh, chân thường, chân lạc của vạn pháp.

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch thế Tôn ! Theo ý nghĩ của con thì...có lẽ không có tánh NGÃ chân thật ! Bởi vì lúc đứa trẻ mới sanh không có hiểu biết. Nếu có ngã, lẽ ra mới sanh liền có hiểu biết. Do lẽ đó, suy luận biết rằng: không có NGÃ. Nếu quyết định có ngã, sau khi thọ sanh lẽ ra không bị chết mất ! Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và thường trụ, lẽ ra không có sự biến đổi hư hoại. Nếu không có biến đổi hư hoại, tại sao có Bà la môn, Sát đế lỵ, Phệ xá, Thủ đà la...giai cấp sai biệt ? Hiện tiền ai cũng thấy rõ: Nghiệp báo không đồng, chủng tộc, màu da, ngữ ngôn sinh hoạt đều riêng khác. Nếu quyết định có ngã thì tất cả chúng sanh lẽ ra không được có hơn kém và sai khác nhau như vậy.

Do những luận cứ trên, quyết định biết Phật tánh chẳng phải pháp thường trụ. Nếu cho rằng: Phật tánh là thường trụ thì duyên cớ gì lại nói có: sát sanh, trộm cướp, tà dâm. Có vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu. Có dâm dục, sân nhuế và vô minh tà kiến. Nếu ngã tánh là thường trụ cớ gì sau khi uống rượu lại say men, mê muội ! Nếu ngã tánh là thường trụ, người mù lẽ ra thấy sắc, người điếc lẽ ra nghe thanh, người câm lẽ ra nói được. Nếu ngã tánh là thường trụ, lẽ ra chẳng cần sợ tránh kẻ ác..thú dữ, thuốc độc, dao gươm làm hại. Nếu ngã tánh là thường trụ thì những việc đã từng nghe thấy lẽ ra không quên. Nếu ngã tánh là thường trụ lẽ ra không có hài đồng, tráng niên, thiếu nữ, lão thành... Nếu ngã tánh là thường trụ thì nó ở chỗ nào trong thân thể ?

Phật dạy: Này Ca Diếp ! Ví như Đại lực sĩ của nhà vua dũng kiện tài ba, trên trán Đại lực sĩ có nạm viên bảo châu vô giá. Trong lúc Đại lực sĩ tranh tài đọ sức với một địch thủ kỳ phùng, họ tận dụng những đòn đánh đầu, những pha chạm trán hiểm hóc để dành phần chiến thắng. Do vậy, hạt bảo châu trên trán của Đại lực sĩ bị lún sâu vào trán, chỉ để lại nơi đây một dấu thương tích rướm máu và ê ẩm ! Đại lực sĩ bèn mời lương y chữa trị vết thương. Lương y tài giỏi, xem vết thương biết là do hạt bảo châu lún vào ở khuất dưới da. Lương y hỏi: Hạt bảo châu trên trán lực sĩ đâu rồi ? Đại lực sĩ kinh hãi đáp: Hạt bảo châu trên trán của tôi đã mất rồi ư ? Nói xong, lo rầu buồn bã.

Lương y an ủi: Ông không nên buồn rầu đau khổ như vậy. Tại vì lúc ông tranh tài đấu vật với lòng hiếu thắng quá hăng say khiến hạt bảo châu bị lún khuất dưới thịt da mà không hay biết.

Lực sĩ chưa tin lời của lương y sĩ. Nghĩ rằng: Nếu hạt châu ở dưới da, máu me rịn ứa, cớ sao hạt châu lại chẳng trồi lên. Còn như hạt châu ở trong gân hoặc xương lẽ ra không thể thấy. Lương y sĩ này gạt gẫm ta chăng ?

Bấy giờ, lương y sĩ cầm gương soi trên mặt Đại lực sĩ. Hạt bảo châu hiện ánh sáng trong gương. Lực sĩ nhìn thấy ngạc nhiên mừng rỡ.

Này Ca Diếp ! Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy. Tại vì không được gần gũi bậc thiện tri thức cho nên dầu có Phật tánh mà không thấy biết. Vì vậy phải sống trong đời sống địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, A tu la, Bà la môn, Sát đế lợi, Tỳ xá, Thủ đà la; thậm chí Chiên đà la, hạng người ngoại cấp. Sanh trong các đường sai khác như vậy đều do TÂM TƯỞNG và NGHIỆP DUYÊN gây tạo ra. Dầu được thân người, nhưng phải chịu điếc, đui, câm, ngọng, tật bệnh khác nhau, ê chề trong hai mươi lăm cõi. Tất cả chỉ vì vô minh. Tham sân, si, phiền não che lấp bổn tâm nên không biết Phật tánh, không hay mình có Phật tánh. Như chàng Đại lực sĩ kia, hạt bảo châu vẫn ở trong thân mà hốt hoảng tưởng là đã mất !

Người không thân cận thiện tri thức, không biết được NHƯ LAI TÀNG, nên chỉ biết tu vô ngã.

Hạng chưa phải thánh nhân xuất thế, dầu nói có ngã, nhưng chẳng biết được tánh chân thực của ngã.

Hàng đệ tử Phật, không gần gũi thiện tri thức, thường tu học vô ngã, mà không biết được tánh chân thực của vô ngã.

Này Ca Diếp ! Như Lai nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và chỉ rõ Phật tánh như Lương y sĩ chỉ viên bảo châu cho chàng Lực sĩ thấy rõ trước gương.

Lại nữa ! Ca Diếp ! Ví như đất ở vùng núi tuyết có thứ thảo mộc tên A Dà Dà (vị thuốc thượng hảo hạng trị lành những chứng bịnh ngặt nghèo), dược vị hảo hạng này vốn đã có cũng như đang có và sẽ có mãi mãi ở vùng đất ấy; nhưng vì nó mọc len lõi với cỏ cây, lẫn lộn trong lùm rừng cho nên người thường chẳng mấy ai biết được. Vả lại với người thường dược vị chỉ là một thứ thảo mộc có thể trở thành vị đắng, vị chua hay chát, thậm chí trở thành vị độc có hại cho người. Chỉ có người giỏi thuốc (đại lương y) mới nghe được mùi, biết giá trị của thuốc và phát hiện tìm ra được nó mà thôi. Nếu không phải bàn tay của đại y vương thì không ai nhờ cậy được gì. Nhờ bàn tay đại y vương làm cho A Dà Dà trở thành linh dược cứu khổ cho những người đang bị bệnh khổ hoành hành.

D Này Ca Diếp ! Như Lai Tánh, vốn có trong mọi con người, cũng như dược vị A Dà Dà vốn có trong vùng núi tuyết vậy, vì dược vị A Dà Dà đã mọc lẫn lộn với cỏ cây, len lõi trong lùm rừng thường nhân không mấy ai tìm phát hiện được. Chỉ có y vương tài giỏi mới phát hiện, tìm ra và chế biến nó thành vị thuốc quý. Như Lai Tánh bị tánh phiền não vô minh lẫn lộn và len lõi chung cùng làm cho chúng sanh thường nhận không ra. Chỉ có Như Lai Thế Tôn xuất hiện ra đời mới phát hiện, mới có khả năng chế biến bằng cách chỉ rõ Như Lai Tánh cho tất cả chúng sanh. Vì lùm bụi vô minh che lấp khiến mọi người không nhờ cậy dược tánh Như Lai vốn có của mình. Thậm chí biến chất trở thành tánh: Tỳ xá, Thủ đà la..., tánh địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh trong hai mươi lăm cõi, như vị A Dà Dà trở thành độc dược trong tay người vô trí !

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Do duyên cớ gì, Như Lai nói kinh Đại thừa phương đẳng như chất cam lồ mà cũng có lúc như độc dược !

Phật bảo: Này Ca Diếp ! Nay ông muốn biết nghĩa chân thực của kho tàng Như Lai (Như Lai Tàng) ta sẽ vì ông mà chỉ dạy:

Bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ:

Có người uống cam lồ
Hại mạng bị chết sớm
Cũng có người uống cam lồ
Thêm tuổi thọ sống lâu
Có người uống thuốc độc được sống
Có người uống thuốc độc bị chết
Kinh Đại thừa cũng thế
Người có trí vô ngại là cam lồ
Kẻ chấp nê là độc dược
Sữa bơ "pho-mai", "ya-ua"
Đường phèn, mật ong, nước trái cây
Uống tiêu hóa là thuốc bổ
Không tiêu hóa thành độc dược
Kinh Đại thừa cũng vậy
Với người trí: cam lồ
Kẻ mê mờ Phật tánh
Nghe Đại thừa: độc dược
Cũng như trong các vị
Vị sữa bơ hơn cả
Người tinh tấn tiến tu
Nương nơi pháp Đại thừa
Được chứng nhập Niết bàn
Người chứng biết Phật tánh
Thọ dụng vị cam lồ
Không tử cũng không sanh
Này Ca Diếp ! nên biết
Khéo phân biệt "Tam quy y"
Thật tánh của "tam quy"
Là chân tánh của "ngã"
Gẫm kỹ tư duy sâu:
Tánh NGÃ là tánh Phật
Người mà hiểu được vậy
Thể nhập Như Lai Tàng
Biết NGÃ và NGÃ SỞ
Là hạng người xuất thế
Hiểu thực tánh Tam Bảo
Là vô thượng trên đời
Kệ Như Lai vừa nói
Chỉ Phật tánh mọi người !

Ca Diếp Bồ tát nói kệ hỏi Phật:

Con nay chưa biết rõ
Quy Tam Bảo thế nào ?
Được vô thượng, vô úy
Quy y Phật thế nào ?
Để được sự an ổn
Thế nào quy y Pháp ?
Xin Phật dạy bảo cho !
Quy y Tăng thế nào ?
Được lợi lớn vô thượng
Đức Phật trí tuệ lớn
Xin thương, phân biệt rõ
Bí mật tạng Như Lai

Đức Phật dạy qua bài kệ:

Ca Diếp! Ông nên biết
Như Lai sẽ vì ông
Mở kho tàng bí mật
Khiến ông được dứt nghi
Nay hãy khéo lóng nghe
Ông trong hàng Bồ tát
Cùng đồng một danh hiệu
Với đức Phật thứ bảy
Người quy y Phật
Đích thực Ưu bà tắc
Không quy y ai nữa
Dầu xưng "Đấng thần tiên" !
Quy y với Pháp rồi
Lánh xa đường sát hại
Quy y thanh tịnh Tăng
Không theo thờ ngoại đạo
Nương về với Tam bảo
Ắt được vô sở úy

Ca Diếp Bồ tát bạch Phật:
Con quy y Tam bảo
Là đi trên đường chánh
Cảnh giới của chư Phật
Tánh bình đẳng nhất chân
Nhìn đời bằng tuệ nhãn
Tánh ngã và tánh Phật
Không hai, không sai khác
Hiểu vậy, Phật ngợi khen
Thẳng đến nơi an ổn
Cũng gọi Chánh biến tri
Thường được Phật tán thán
Đi hết con đường Phật
Thọ dụng vị cam lồ
Các cõi không hiện hữu

Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Này Ca Diếp ! Nay ông chẳng nên giống hàng Thanh văn và phàm phu mà phân biệt Tam bảo ! Đối với tư tưởng của người Đại thừa, không có tướng "Tam quy y" sai khác. Bởi ngay nơi Phật tánh có Pháp tánh và Tăng tánh rồi. Vì hóa độ hàng Thanh văn và phàm phu nên phân biệt nơi tướng Tam quy y sai khác đó thôi !

Này Ca Diếp ! Chân lý đích thực không cần phải có ba pháp quy y. Quy y Phật là đủ cả rồi. Ví như thân người, đầu trên tất cả, không đồng với tay chân lóng đốt. Phật là bậc tối tôn, tối thượng không sánh với Pháp cùng Tăng. Chỉ vì hóa độ thế gian, thị hiện những tướng tam quy y sai khác. Vì thế, ông chẳng nên như hàng phàm phu, nhận biết ba pháp quy y sai khác. Đối với Đại thừa, ông phải như dao bén mạnh mẽ cắt đứt lưới nghi !

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Con vẫn biết nhưng dụng ý hỏi. Con vì hàng Bồ tát Đại dũng mãnh mà bạch hỏi yếu điểm thực hành đem lại kết quả giải thoát quyết định. Con cũng muốn Như Lai vì các Bồ tát tuyên dương kinh điển phương đẳng Đại thừa Đại Niết bàn , và hôm nay con cũng đã an trụ trong đó. Con đã chứng biết pháp Tam Quy y chân thực. Nếu có chúng sanh nào tin kinh Đại Niết bàn, người đó tự nhiên rõ thấu ba pháp Quy y. Biết rõ: Rằng Phật tánh có đủ Pháp tánh và Tăng tánh đồng thời. Người này không cần ba pháp quy y ở đâu xa và biết chắc rằng vị lai đây, thân ta sẽ thành tựu ngôi vị Tam Bảo. Vì vậy, ta siêng năng tinh tấn tu học Đại thừa.

Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Lành thay ! Này Thiện nam tử, ông đã thành tựu trí tuệ rất sâu. Nay ta sẽ vì ông chỉ bày pháp tư duy, mở mang trí tuệ ngõ hầu chứng nhập kho tàng bí mật của Như Lai.

Nếu NGÃ là có thì rơi vào chấp thường, không thể rời khổ.

Nếu NGÃ là không, rơi vào đoạn kiến, dù có tu hành thanh tịnh cũng chẳng có lợi ích gì.

Nếu cho rằng tất cả hành pháp vô thường thì rơi vào đoạn kiến. Nếu cho rằng tất cả hành pháp là thường thì rơi vào thường kiến.

Nếu nói đời hoàn toàn khổ, là nhìn đời bằng đoạn kiến. Nếu nói đời là cảnh an lạc, rơi vào thường kiến rồi !

Chấp thường, chấp đoạn là còn vướng trong phạm trù cực đoan thiên kiến. Do vậy, người tu pháp khổ là không tốt. Người tu các pháp lạc được coi là tốt. Người tu các pháp vô ngã, thuộc về phiền não. Người tu các pháp thường gọi là người có khả năng thể nhập kho tàng bí mật Như Lai.

Niết bàn không có nơi chốn cố định. Tu những pháp vô thường...thì vướng vào tiền tài vật chất hữu vi. Tu những pháp thường...là môi trường thể nhập Phật tánh, Pháp tánh, Tăng tánh và chánh giải thoát Niết bàn. Nên biết ! Phật Pháp là trung đạo. Phải xa lìa hai bên mà nhận thức các pháp. Người phàm phu ngu mê tiếp thu được những tư tưởng Đại thừa liễu nghĩa đó không nghi hoặc sẽ giống như người gầy yếu được uống thuốc bổ "thánh dược thần phương" chắc chắn khí lực tăng, thân thể phục hồi khỏe mạnh. Những pháp "hữu", "vô", "thường", "đoạn" không có tánh cố định. Ví như tứ đại tánh không có chuẩn quân bình, cho nên chúng thường tương phản. Lương y khéo biết, tùy tướng đại nào thịnh suy tăng giảm mà điều chỉnh, thân thể sẽ an khang.

Này Ca Diếp ! Như Lai đối với các chúng sanh cũng như vị lương y. Chỉ vẽ rõ ràng thể tướng sai khác của các loại vô minh phiền não để diệt trừ. Phật cũng khai thị kho tàng bí mật của Như Lai: Rằng Phật tánh, Pháp tánh, Tăng tánh thanh tịnh, thường trụ không biến hoại.

Người phàm phu không hiểu kho tàng bí mật của Như Lai. Nếu nói KHỔ, họ cho thân là vô thường tuyệt đối không có tánh lạc. Nếu nói VÔ THƯỜNG, họ chấp tất cả thân đều mục bở vô dụng như gạch ngói chưa hầm.

Nếu là người trí phải quán sát, phải tư duy, chẳng nên nói tất cả đều vô thường, vì chính thân tâm ta có chủng tử Phật, có Phật tánh.

Nếu nói VÔ NGÃ, phàm phu sẽ cho rằng tất cả Phật, Pháp, Tăng đều không thực chất (vô ngã). Người trí phải biết VÔ NGÃ là giả danh, là phương tiện của Như Lai. Nó có giá trị ở lớp học khi còn "bán tự giáo" mà thôi. Là người trí không được nghi ngờ !

Nếu nói Như Lai Tàng là không tịch, người phàm phu sanh kiến chấp đoạn diệt. Người trí phải hiểu Như Lai thường trụ không biến hoại.

Nếu nói giải thoát không có tướng mạo, người phàm phu cho rằng chứng giải thoát là dứt mất. Người trí quán biết Như Lai giải thoát dù có đi, đứng, ra vào...nhưng vẫn thường trụ không biến đổi.

Nếu nói vô minh làm nhân mà có các hành pháp, phàm phu phân biệt tưởng rằng có hai pháp: MINH và VÔ MINH. Người trí rõ biết không có hai tánh. Tánh không hai là thực tánh, tức là tánh Phật !

Nếu nói các hành (sự vận động duyên khởi nương gá kết hợp thành vật chất) là nhân, duyên khởi có thức, phàm phu cho rằng "hành" và "thức" hai tánh riêng nhau. Người biết rõ không có hai tánh. Tánh không hai tức là Phật tánh.

Nếu nói thập thiện, thập ác có thể tạo tác đường lành, đường dữ, pháp lành, pháp dữ. Người phàm phu nghe rồi cho rằng có hai con đường. Người trí rõ biết "đường" không có hai. Tánh không hai, tức là thực tánh...

Kho tàng bí mật của Như Lai (Như Lai Tàng) ý nghĩa về TÁNH vô lượng vô biên như thế. Đó là chỗ mà chư Phật đều tán thán.

Này Ca Diếp ! Ngã và vô ngã, tánh và tướng không có hai thứ. Ông phải thận trọng mà thọ trì, ghi nhớ, giữ gìn kinh điển này !

Này Ca Diếp ! Ví như sữa. Từ sữa có bơ, có "phó mát", "ya ua". Do đổi duyên thay nhân mà sanh ra bốn thứ tên khác nhau và bốn thứ hương vị sai khác. Dù có bốn thứ tên, bốn thứ hương vị mà không thể nói sữa có bốn tên và bốn tánh như vậy. Nếu sữa là bơ thì không gọi nó là sữa. Nếu bơ không từ sữa, bơ hiện hữu từ đâu ? Tánh và vị của sữa bơ không thể nói hai, cũng không thể nói một. Phó mát, ya-ua cũng vậy.

Do cỏ lúa làm nhân duyên, con bò cái được ăn cỏ lúa tươi tốt thì sữa bò có chất lượng, khi chế biến thành bơ, phó mát ...hương vị sẽ ngon, nhiều bổ dưỡng. Nếu bò cái ở chỗ cỏ cháy đồng khô thì sữa của nó không đạt yêu cầu chất lượng, khi chế phẩm làm ra. Cũng như vậy, các chúng sanh do MINH cùng với VÔ MINH, do nghiệp làm nhân duyên mà sanh, có hai thứ tướng. Nếu VÔ MINH được chuyển hóa sẽ biến thành MINH. Tất cả những pháp thiện, bất thiện; khổ hay lạc; triền phược hay giải thoát..cũng như vậy, không có hai thứ. Đó là chân lý "BẤT NHỊ", Như Lai đem dạy vẽ cho các ông !

Này Ca Diếp ! Chân lý "nhân duyên sanh", người trí đừng bao giờ có ý mong tìm đầu mối.

Này Ca Diếp ! Do vì phiền não che đậy, chúng sanh không thấy biết Phật tánh, như người phước mỏng không được gặp được con bò cái ăn cỏ phì nhị ở Tuyết sơn.

Nên biết, trong biển lớn, nước chỉ có một vị mặn, nhưng trong đó cũng có nước ngọt ngon. Đất núi Tuyết sơn dù sanh nhiều cỏ thuốc quí, nhưng cũng có cỏ độc. Thâm tâm chúng sanh cũng vậy, dù có rắn độc tứ đại nhưng trong đó cũng có diệu dược Phật tánh. Phật tánh ấy không phải pháp mới kiến tạo, mới làm ra, chỉ vì phiền não khách trần che khuất. Nếu chúng sanh dứt trừ phiền não thì liền thấy Phật tánh thành đạo Vô thượng Bồ đề. Ví như giữa hư không, mây đen giăng, sấm nổ nổi lên, lúc này trên ngà của voi đều hiện ra bông. Nếu không có sấm nổ thì bông không hiện. Phật tánh của chúng sanh cũng vậy, thường bị phiền não che khuất nên không thấy được. Nếu được nghe, bằng lòng tiếp thu kinh Đại thừa Đại Niết bàn vi diệu này thì được thấy Phật tánh, như bông hiện trên ngà voi. Giả sử nghe hiểu tất cả tam muội, giáo nghĩa trong khế kinh mà chưa nghe kinh Đại Niết Bàn này thì chẳng biết được kho tàng vi diệu bí mật của Như Lai. Như lúc không có tiếng sấm thì không sao tìm thấy bông trên ngà voi vậy.

Ca Diếp ! Nên biết nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào có thể tu học kinh Đại Niết bàn này, đó là người báo được ơn Phật, là Phật tử chân chính.

Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: Thế Tôn ! Như lời Phật dạy, Phật tánh rất sâu, mầu nhiệm, khó thấy, khó thể nhập. Hàng Thanh văn, Duyên giác có thể không đến được ?

Đức Phật khen: Ca Diếp ! Đúng như lời ông vừa tán thán. Kinh Đại Bát Niết Bàn là kho tàng bí yếu của Như Lai, cho nên tiểu trí như hàng Thanh văn, Duyên giác khó thâm nhập.

Ca Diếp ! Nên biết, kinh Đại Niết bàn vi diệu này, lúc Như Lai chưa nói, các Bồ tát đầy đủ các ba la mật như hàng Thập Trụ Bồ tát mà chỉ thấy biết một phần ít. Khi chứng địa vị Thập Địa hãy còn chưa thấy Phật tánh rõ ràng.

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Phật tánh vi diệu khó thấy như vậy, những người nhục nhãn làm sao thấy được ?

Phật dạy: Người và trời chỉ tin thuận lời kinh mà biết. Hàng Thanh Văn, Duyên giác tin thuận kinh Đại Niết bàn này sẽ tự chứng biết nơi thân mình có Phật tánh. Vì vậy, phải tinh tấn tu tập kinh Đại Niết bàn. Phật tánh chỉ có Phật mới biết rõ.

Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Tất cả chúng sanh phàm phu chưa chứng thánh đều nói có NGÃ. Kiến giải đó như thế nào ? Xin Thế Tôn dạy bảo.

Phật nói: Sự hiểu biết đó giống như câu chuyện "một con dao".

Hoàng tử của một Quốc vương, thường có một gia nô hầu hạ đỡ đần. Thỉnh thoảng đôi lúc gia nô trộm thấy Hoàng tử có con dao quý báu. Dao này vốn là bảo vật trong kho của quốc vương. Chàng gia nô đem lòng mơ tưởng ham thích một con dao như vậy. Dịp nọ, Hoàng tử đào tẩu lưu vong đem theo con dao báu sang nước khác. Dân trong cả nước ai cũng biết trong kho tàng bảo vật của Quốc vương có một con dao báu. Một hôm chàng gia nô ngủ trọ nhà dân, nửa đêm mớ nói: "con dao ! con dao !" Người nhà nghe được bắt nạp cho vua. Vua gạn hỏi: "Nhà người nói con dao. Nay con dao ở đâu ?" Người gia nô thuật rõ lại mọi việc liên hệ với Hoàng tử trước kia và tâu rằng: Hiện nay nhà vua có giết chết thần cũng không có khả năng tìm ra con dao ấy. Là một gia nô, muốn nhìn cho rõ con dao báu còn không dám, làm sao được chạm đến và đánh cắp con dao. Xin Đại vương lượng xét.

Vua hỏi: Lúc nhà ngươi trộm thấy dao, hình dạng con dao giống thứ gì?

Gia nô thưa: Tâu Đại vương ! Thần thấy con dao giống như sừng dê đen.

Vua nghe xong cả cười bảo: Nhà ngươi đừng sợ, ta tha cho ngươi. Trong kho báu vật của ta không có thứ dao ấy, làm sao ngươi thấy con dao như thế ở nơi vương tử !

Sau sự kiện đó, vị Quốc vương băng hà.

Triều thần liền lập Vương tử khác kế vị làm vua. Tân vương đem chuyện con dao hỏi các quan: Chư khanh có ai từng thấy con dao báu đó chăng ? Hình dáng nó như thế nào ? Các quan đồng tâu: Chúng thần từng thấy con dao như sừng dê đen.

Vua nói: Trong kho báu vật của trẫm không có thứ dao hình dạng như vậy.

Lần lượt năm tháng trôi qua, bốn triều đại Tân vương thừa kế, cũng tra hỏi con dao ấy, nhưng đều không kết quả.

Sau đó, vị Vương tử bôn đào lưu vong ngày trước trở về nước, được nhân dân trăm họ tôn làm vua. Sau khi lên ngôi xong, Tân vương lại đem chuyện con dao hỏi các triều thần văn võ: Các khanh trong triều có thấy con dao đó không ? Hình mạo nó như thế nào ?

Các quan tâu: Chúng tôi có thấy. Rồi lần lượt mỗi người nói lên cái thấy của mình. Người nói con dao màu đen như sừng dê đen. Người nói con dao có dáng cong cong như trái cà tím. Kẻ nói con dao có màu xanh nhạt cong và nhọn nhọn như trái đậu bắp. Người nói chính tôi thấy con dao đen và dài như trái ô môi...

Vua nghe cả cười phán: Các khanh đều chẳng thấy biết hình dáng đích thật con dao của ta !

Phật bảo: Này Ca Diếp ! Bồ tát xuất hiện ở nơi đời nói tướng chân chật của NGÃ cũng như vậy. Nói xong, bỏ đi cũng như Vương tử mang con dao quý bôn đào lưu vong qua nước khác.

Người phàm phu u mê cho rằng tất cả đều có NGÃ. Như người gia nô kia ngủ nhờ nhà người, mớ nói: "con dao ! con dao !"

Hàng Thanh văn, Duyên giác cùng các chúng sanh luận đàm tướng NGÃ. Người nói, tôi thấy tướng của NGÃ lớn bằng ngón tay cái. Người nói tướng NGÃ cỡ hạt đậu xanh. Kẻ nói nhỏ như hạt cải. Cũng có kẻ nói: Tướng của NGÃ ở trong tâm, nó sáng rỡ như mặt trời.

Đích thực, những chúng sanh đó đều chẳng biết tướng của NGÃ, như các quan của năm triều đại, chẳng có ông nào biết được hình dáng đích thực của con dao.

Bồ tát nói tướng trạng của NGÃ, hàng phàm phu chẳng rõ biết, vọng tưởng tượng ra các hình tướng của NGÃ, như những ông quan các tiên triều diễn tả hình dáng con dao.

Các hạng phàm phu đó, lần lượt nối nhau mà sanh những tà kiến cho riêng mình.

Nhằm dọn quét sạch những tà kiến cho chúng sanh, Như Lai xuất hiện ra đời nói pháp "VÔ NGÃ". Như Vương tử bảo các quan: "Trong kho tàng của ta không có thứ dao như vậy".

Này Ca Diếp ! Hôm nay Như Lai nói NGÃ đích thực là PHẬT TÁNH. Phật tánh đó, ở trong giáo pháp của Như Lai, như con dao báu kia.

Này Ca Diếp ! Nếu có người khéo phân biệt, diễn đạt rõ ràng, xiển dương chánh pháp Đại thừa Đại Niết bàn. Nên biết người đó chính là Bồ tát. TRỰC CHỈ

NHƯ LAI, một đức hiệu trong mười đức hiệu của một vị Phật. Chư Phật trong mười phương đều có mười đức hiệu như nhau: Như Lai. Ứng Cúng. Chánh Biến Tri. Minh Hạnh Túc. Thiện Thệ. Thế Gian Giải. Vô Thượng Sư. Điều Ngự Trượng Phu. Thiên Nhơn Sư. Phật. Thế Tôn. Như Lai được hiểu là Phật, nhưng đặc biệt chỉ Phật Pháp thân Tỳ Lô Giá Na.

NHƯ LAI TÁNH, tức Phật tánh hiểu vậy không sai. Nhưng phải hiểu "Phật tánh" trong kinh Đại Bát Niết Bàn là PHÁP THÂN TỲ LÔ GIÁ NA. Tánh thanh tịnh bản nhiên BIẾN NHẤT THIẾT XỨ. Tánh hiện hữu tồn tại vĩnh cửu với không gian vô tận, thời gian vô cùng.

NHƯ LAI TÁNH ở kinh Đại Niết Bàn, Như Lai dạy: TÁNH PHÁP THÂN NHƯ LAI.

Tất cả chúng sanh đều có, vốn có Phật tánh. Thế nhưng chúng sanh không biết, như cô gái nhà nghèo, chịu cảnh nghèo trong khi dưới nền nhà của mình có kho tàng vàng ròng, châu báu...

Người khách thông minh phát hiện chỉ giúp cho cô kho báu cô vừa cám ơn, vừa thán phục. Sự thực, cô thọ dụng những gì vốn có của cô mà thôi !

Phật đối với chúng sanh, chỉ là người khách thông minh ấy !

Vô ngã hay ngã trong Phật pháp là vấn đề phải có học kỹ, có tu thật mới đúng được. Giáo lý của đạo Phật có: vô tự giáo, bán tự giáo và mãn tự giáo. Khi luận về vô ngã hay ngã phải đặt mình vào loại hiểu biết văn tự nào trong ba thứ văn tự ngôn giáo ấy.

Vô ngã là Như Lai dạy. Ngã cũng là lời Như Lai dạy. Dạy giáo lý "vô ngã", Như Lai dạy "lớp bán tự" cho Nhị thừa. Đại thừa Bồ tát học "mãn tự giáo" phải biết Ngã chính là Như Lai Tánh thường trụ không biến hoại. Như Lai dạy "vô ngã" cho hàng phàm phu, Nhị thừa, trong lúc "bệnh chấp" của họ còn tác động âm ỉ chưa tiêu.

Như Lai hành sử cách giáo hóa đó như người mẹ tự bôi đen vú mình và thoa chất đắng cay để cho con đừng đòi bú trong lúc thuốc trong bụng bé uống chưa tiêu.

Thuốc đã tiêu hóa bụng của bé ổn, người mẹ rửa sạch vú kêu con cho bú trở lại, vì sữa mẹ rất tốt con ạ !

Kinh Đại Bát Niết Bàn Như Lai dạy NGÃ, phải biết cho rõ.

Có NGÃ. NGÃ là PHẬT TÁNH. PHẬT TÁNH là NGÃ. NGÃ TÁNH tức là NHƯ LAI TÁNH thường trụ không biến hoại. Thường, Lạc, Ngã, Tịnh cũng là tánh chân thực không biến hoại như vậy.

NGÃ tánh thường trụ không biến hoại nhưng có thể biến dạng. Tùy "duyên cớ", hoàn cảnh, môi trường đến lúc kết quả NGÃ TÁNH mỗi mỗi đều khác biệt. Ví như tánh vàng ròng, người ta ứng dụng chế tạo: kiềng, vòng, trâm, nhẫn, hoa tai, nút áo, gọng kính, dây đồng hồ....Thực chất, vàng không có nhiều tên và nhiều dạng như vậy. Vậy mà thực tế, không tên và những dạng ấy, không có món nào không phải vàng. Vàng ròng một, có thể biến dạng ra nhiều. Đến tay người thợ kim hoàn tài giỏi, tất cả vàng tản mạn sẽ hoàn nguyên trở thành vàng khối.

Đối với Phật tánh của chúng sanh, phân tán trong ba giới, sáu đường và hai mươi lăm cõi, đức Thế Tôn làm công việc như người thợ kim hoàn tài giỏi chỉ dạy cho chúng sanh nấu lọc quặng mõ vô minh, phân chất thiện ác chánh tà để cô đọng, hoàn nguyên Phật tánh vốn có của mình.

Thuốc A dà dà thượng vị vốn có ở vùng núi Tuyết. Đối với người bình thường không biết, thuốc dù có cũng như không có. Phải nhờ bậc y vương tài giỏi mới phát hiện dược vị và biến chế dược vị thành thứ thuốc vô giá phục vụ lợi ích cho người.

Phật là bậc y vương tài năng ấy.

Cao ly nhân sâm có người uống khỏe, tăng tuổi thọ. Cũng có người uống cao ly nhân sâm bị chết là sự có thực. Đại thừa, Phật tánh, Pháp thân, Niết bàn vô trụ xứ...Với người trí, nghe qua được lợi ích vô lượng vô biên. Họ sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên đường giải thoát giác ngộ. Bậc hạ lưu không tiếp thu được thậm chí có kẻ hủy báng Đại thừa, tự biến mình thành "nhất xiển đề", há chẳng phải "nhân sâm thành độc dược" đó sao?

Người chủng tánh Đại thừa quy y Phật, vĩnh viễn không thay lòng đổi dạ, không theo quy y với ai khác, dù họ giới thiệu: họ là đấng thần tiên...Quy y chánh pháp không quy y tà giáo, lánh xa việc làm ác, có tánh giết hại chúng sanh...Quy y Tăng không quy y với ngoại đạo, những người không tin khả năng giải thoát giác ngộ của mình. Quy y theo chánh pháp Đại thừa là Ưu bà tắc chân chính ắt được an ổn vô úy.

Người chủng tánh Đại thừa nhận thức rằng: Quy y Phật là đủ Pháp và Tăng, không cần ba pháp quy y riêng biệt. Bởi Phật tánh, Pháp tánh, Tăng tánh cùng một thể: THANH TỊNH BẢN NHIÊN. Quy y như vậy là người Đại thừa quy y NHẤT THỂ TAM BẢO.

Vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh cũng là một lối chấp. Thường, Lac, Ngã,Tịnh lại cũng là một lối chấp khác mà thôi. Người mẹ thông minh thương con cho con bú. Rồi không cho con bú (thoa chất đắng cay bôi lên vú đen nhơ). Rồi lại dỗ dành kêu con đến bú. Ba việc làm, một mục đích: vì con, thương con.

Vì sợ chúng sanh chấp "thường", Như Lai nói VÔ NGÃ .

Vì sợ chúng sanh chấp "đoạn", Như Lai nói HỮU NGÃ .

Phật tánh, không phải VÔ NGÃ, cũng không phải NGÃ .

Phật tánh cũng NGÃ, cũng VÔ NGÃ .

Do nghĩa đó, Phật tánh có thể "biến tướng": Bà la môn, Sát đế lỵ, Thủ đà la...như sự biến tướng của vàng ròng qua các dạng nữ trang, vật dụng...

Là đệ tử Phật, người có trí phải học nghĩa TRUNG ĐẠO trong Phật pháp mới vượt ra phạm trù đối đãi: HỮU, VÔ, THƯỜNG, ĐOẠN...nguyên nhân của mọi vướng mắc khổ đau.

TRUNG ĐẠO là chân lý KHÔNG HAI. Hãy nhìn vạn pháp qua tuệ nhãn, để nhận thức tánh KHÔNG HAI. Hãy tư duy, quán chiếu:

Minh và vô minh không hai.
Sanh tử, Niết bàn không hai.
Phiền não và Bồ đề không hai.
Mê, giác không hai.
Thiện, ác không hai.
Thường, vô thường không hai.
Ngã, vô ngã không hai.
Khổ, lạc không hai.
Tịnh, bất tịnh không hai

Là đệ tử Phật, người có trí phải tu học kinh Đại thừa Đại Niết bàn. Đàm luận về NGÃ rồi chấp NGÃ chỉ là lời đàm luận của anh chàng gia nô và các quan lại ù ơ vô liêm, vô trí mô tả con dao báu của vua theo ức đoán, tưởng tượng của mình.

Chỉ có vua, hoàng tử đích thực của vua mới thật biết con dao vốn có trong kho báu của nhà vua!