ĐI VÀO PHÁP GIỚI HOA NGHIÊM
Thích Thái Hòa
THIỆN-TÀI-ĐỒNG-TỬ
CON NGƯỜI VÀ HẠNH NGUYỆN
Thiện-tài-đồng-tử con của một vị Trưởng giả ở Phước-thành (Dhanyākara-nagara), tên tiếng Phạn là Sudhana-Śreṣṭhidāraka. Sudhana, nghĩa là xuất hiện nhiều châu báu. Theo Hoa nghiêm 80, từ khi Thiện-tài-đồng tử nhập thai trong gia đình, tự nhiên xuất hiện lầu các thất bảo. Dưới lâu-các có bảy phục tạng. Trên mỗi phục tạng, đất tự nứt ra, nảy lên thất bảo gồm: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xa cừ, mã não. Sau mười tháng trú thai, Thiện-tài đản sanh, thân hình tay chân đầy đủ đoan chính. Bấy giờ bảy phục tạng từ dưới đất trồi lên ánh sáng rực rỡ. Mỗi tạng bảo, vuông vức, ngang dọc, cao thấp bảy khủy tay. Thích Thái Hòa
THIỆN-TÀI-ĐỒNG-TỬ
CON NGƯỜI VÀ HẠNH NGUYỆN
Trong nhà tự nhiên lại có năm trăm loại thất bảo xuất hiện chứa đựng ở trong đó như: chậu kim cang chứa đựng hết thảy thứ hương thơm. Trong chậu hương lại chứa đựng các thứ y phục. Trong bình bát Mỹ-ngọc, chứa đựng các loại 104 Đi Vào Pháp Giới Hoa Nghiêm thực phẩm thượng vị. Trong bình bát Ma-ni chứa đầy những thứ trân bảo xinh đẹp kỳ lạ. Bình vàng chứa đựng bạc. Bình bạc chứa đựng vàng. Trong bình vàng bạc chứa đựng đầy ngọc lưu ly và ma-ni. Trong bình pha lê chứa đầy xa cừ. Trong bình xa cừ chứa đầy pha lê. Trong bình mã não chứa đầy chân châu. Trong bình chân châu chứa đầy mã não. Bình hỏa ma-ni chứa đầy thủy ma-ni. Bình thủy ma-ni chứa đầy hỏa ma-ni. Năm trăm đồ chứa đựng châu bảo như vậy tự nhiên xuất hiện.
Lại chỗ ấy, mưa các loại châu bảo và những tài vật, làm cho hết thảy kho lẫm trong nhà đều chứa đựng đầy đủ.
Vì do những nhân duyên ấy, nên cha mẹ, thân thuộc, tướng sư đều gọi đứa trẻ đản sanh ấy là Sudhana, nghĩa là Thiện tài.130
Ngài Văn-thù là bậc đã đạt tới con mắt "trí lý bất nhị", nên trong năm trăm đồng tử con của vị trưởng giả ở Phước thành đến rừng Bà-la, nơi đại tháp miếu, chỗ mà chư Phật trong quá khứ đã từng ngự tọa để giáo hóa chúng sanh và cũng là nơi mà đức Thích Ca Thế Tôn đã từng tu tập Bồ tát hạnh, thường buông bỏ vô lượng điều khó buông bỏ, để họ đảnh lễ yết kiến Bồ tát Văn-thù, thì bấy giờ Bồ tát Văn-thù liền thấy Thiện-tài-đồng tử là người không phải như những đồng tử Thiện-hạnh, Thiện-giới, Thiện-oai-nghi, Thiện dũng-mãnh, Thiện-tư..., mà vị đồng tử này đã từng gieo trồng vô lượng thiện căn phước đức nhiều đời ở nơi chư Phật quá khứ và là con người đã từng phát bồ đề tâm mong cầu Bồ tát hạnh, cúng dường học hỏi đối với các bậc thiện tri thức không hề mệt mỏi, vì đạo bồ đề, vì tâm đại bi, vì lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Con người và hạnh nguyện của Thiện-tài-đồng-tử là vậy, đúng như trong kinh nói:
"Ngài Văn-thù-sư-lợi, lại biết Thiện-tài-đồng-tử đã từng cúng dường chư Phật quá khứ, căn lành đã trồng sâu, niềm tin và sự hiểu biết rất rộng lớn, lại thường ưa gần gũi các bậc thiện tri thức, ba nghiệp thân ngữ ý không có lầm lỗi, tu tập đạo Bồ tát, cầu trí tuệ toàn giác, thành pháp khí của Phật. Lại thấy tâm của vị đồng tử này, thanh tịnh như hư không, hồi hướng đạo quả vô thượng bồ đề không có chướng ngại.
Bồ tát Văn-thù quán sát Thiện-tài-đồng-tử thấy sự thật như vậy rồi, liền an ủi vỗ về và dạy cho Thiện-tài-đồng-tử tất cả pháp của Phật, như: Pháp tích lũy và huân tập của chư Phật; Pháp tiếp nối của chư Phật; Pháp tuần tự của chư Phật; Pháp hội chúng thanh tịnh của chư Phật; Pháp chuyển vận pháp luân hóa đạo của chư Phật; Pháp tướng sắc thân tốt đẹp của chư Phật; Pháp thành tựu pháp thân của chư Phật; Pháp biện tài về ngôn và từ của chư Phật; Pháp tỏa ra ánh sáng mầu nhiệm của chư Phật; Pháp bình đẳng không hai của chư Phật".131
Sau khi, Thiên-tài-đồng-tử được nghe Bồ tát Văn-thù-sư-lợi dạy về các pháp thành tựu công đức của chư Phật, liền một lòng phát tâm mong cầu đạo quả Vô-thượng-bồ-đề, đi theo ngài Văn-thù-sư-lợi mà nói bài kệ rằng:
"Ba hữu 132 làm thành quách
Kiêu mạn làm tường vách
Các thú 133 làm cửa ngõ
Nước ái làm hồ hào.
Che ám bởi ngu si
Lửa tham sân hừng hực
Ma vương làm quân chủ
Trẻ dại nương tựa đó.
Tham ái làm trói buộc
Dối nịnh làm dây cương
Nghi hoặc che hai mắt
Đi vào các đường tà.
Do đầy tham, tật, kiêu
Vào nơi ba chỗ ác
Hoặc đọa trong các thú
Sanh già bệnh chết khổ.
Trời thanh tịnh diệu trí
Vầng viên mãn đại bi
Làm khô biển phiền não
Nguyện ban chút quán sát.
Trăng thanh tịnh diệu trí
Vầng vô cấu đại từ
Thí vui đến tất cả
Nguyện thương soi xét con.
Vua hết thảy pháp giới
Pháp bảo đạo tiên phong
Du không không chướng ngại
Nguyện thương răn dạy con.
Đại thương chủ phước trí
Dõng mãnh cầu tuệ giác
Lợi khắp các quần sanh
Nguyện thương thủ hộ con.
Thân mặc giáp nhẫn nhục
Tay cầm kiếm trí tuệ
Tự tại hàng quân ma
Nguyện thương cứu tế con.
Pháp trú đỉnh Tu-di
Định nữ thường cung kính
A-tu-la diệt não
Đế-thích nguyện nhìn con.
Nhà phàm ngu ba hữu
Nhân hoặc, nghiệp, địa thú
Nhân giả, đều điều phục
Như đèn soi đường con.
Rời bỏ đến chỗ ác
Thanh tịnh các đường lành
Bậc siêu xuất thế gian
Chỉ con ngõ giải thoát.
Thế gian điên đảo chấp
Tưởng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh
Bậc Trí nhãn xả ly
Mở con cửa giải thoát.
Biết rõ đường tà chánh
Phân biệt tâm không sợ
Người quyết rõ tất cả
Chỉ con đường giác ngộ.
Trú bậc chánh kiến Phật
Cây lớn công đức Phật
Mưa hoa pháp mầu Phật
Chỉ con đường bồ đề.
Khứ, lai, hiện tại Phật
Mọi chốn đều cùng khắp
Mặt trời xuất thế gian
Vì con dạy đạo ấy.
Biết rõ hết thảy nghiệp
Đạt sâu hạnh các thừa
Bậc trí tuệ quyết định
Bày con pháp Đại thừa.
Nguyện bánh, gọng đại bi
Tín trục, chốt kiên nhẫn
Trang hoàng báu công đức
Khiến chở con xe này.
Rương rộng lớn giữ gìn
Lọng trang nghiêm từ mẫn
Linh biện tài âm vang
Khiến chở con xe này.
Phạm hạnh làm đệm cỏ
Thể nữ làm thiền định
Trống pháp vang tiếng mầu
Nguyện cho con xe này.
Kho Tứ nhiếp vô tận
Báu công đức trang nghiêm
Tàm quý làm dây thắng
Nguyện cho con xe này.
Thường chuyển xe bố thí
Luôn xoa hương tịnh giới
Trang nghiêm nhẫn nhục bền
Khiến chở con xe này.
Thùng tam muội thiền định
Vai phương tiện trí tuệ
Điều phục không thoái chuyển
Khiến chở con xe này.
Xe nguyện lớn thanh tịnh
Lực kiên cố tổng trì
Thành tựu bởi trí tuệ
Khiến chở con xe này.
Hạnh lớn đi dạo khắp
Tâm bi từ từ chuyển
Không sợ làm chỗ đến
Khiến chở con xe này.
Kiên cố như kim cương
Thiện xảo như huyễn hóa
Tất cả không chướng ngại
Khiến chở con xe này.
Rộng lớn rất thanh tịnh
Ban vui khắp chúng sanh
Đồng pháp giới hư không
Khiến chở con xe này.
Sạch các vòng nghiệp, hoặc
Dứt các khổ chuyển lưu
Dẹp tà ma ngoại đạo
Khiến chở con xe này.
Trí tuệ khắp mười phương
Trang nghiêm cùng pháp giới
Thấm khắp nguyện chúng sanh
Khiến chở con xe này.
Thanh tịnh như hư không
Ái kiến đều trừ diệt
Lợi ích hết thảy chúng
Khiến chở con xe này.
Sức nguyện đi nhanh chóng
Tâm định sống an ổn
Chở khắp các hàm thức
Khiến chở con xe này.
Như đất chẳng lay động
Như nước lợi ích khắp
Chở chúng sanh như vậy
Khiến chở con xe này.
Vầng viên mãn tứ nhiếp
Sáng thanh tịnh tổng trì
Trời trí tuệ như vậy
Nguyện dạy cho con thấy.
Đã vào thành vua pháp
Đã đội mũ vua trí
Đã thêu buộc pháp mầu
Nguyện thương xót nhìn con!".
Sau lời thỉnh cầu ấy, Thiện-tài-đồng-tử, đi theo Bồ tát Vănthù và đã được Bồ tát Văn-thù xoay nhìn Thiện-tài-đồng-tử, như phong thái của một bậc Tượng vương mà bảo rằng:
"Lành thay, lành thay! Này Thiện nam tử! Ngươi đã phát tâm Vô thượng bồ đề; lại muốn thân cận các bậc thiện tri thức, hỏi hạnh Bồ tát, tu tập Bồ tát đạo.
Này Thiện nam tử! Gần gũi các bậc thiện tri thức để cúng dường là nhân duyên đầu tiên để đầy đủ nhất-thiết-trí. Nên, đối với điều này, ngươi đừng sanh tâm mệt mỏi!"
Thiện-tài-đồng-tử bạch rằng: "Cúi xin Thánh giả, hãy vì con mà dạy rộng rãi: Bồ tát thì nên học Bồ tát hạnh như thế nào? Nên tu Bồ tát hạnh như thế nào? Nên đến với Bồ tát hạnh như thế nào? Nên thực hành Bồ tát hạnh như thế nào? Nên thanh tịnh Bồ tát hạnh như thế nào? Nên chứng nhập Bồ tát hạnh như thế nào? Nên thành tựu Bồ tát hạnh như thế nào? Nên tùy thuận Bồ tát hạnh như thế nào? Nên ghi nhớ Bồ tát hạnh như thế nào? Nên phát triển rộng lớn Bồ tát hạnh như thế nào? Nên làm như thế nào, khiến hạnh nguyện Phổ-hiền sớm được viên mãn?".134
Qua mười một điều tham vấn Bồ tát hạnh của Thiện-tàiđồng-tử đến Bồ tát Văn-thù, bấy giờ Bồ tát Văn-thù liền nói lời tán thán Thiện-tài-đồng-tử rằng:
"Lành thay, tạng công đức,
Có thể đến nơi ta
Phát khởi tâm đại bi
Siêng cầu Vô-thượng-giác.
Đã phát nguyện rộng lớn
Diệt trừ khổ chúng sanh
Vì khắp các thế gian
Tu hành Bồ tát hạnh.
Nếu có các Bồ tát
Không chán khổ sanh tử
Ấy đủ đạo Phổ-hiền
Hết thảy không thể hoại.
Quang phước, uy lực phước
Xứ phước, biển tịnh phước
Ngươi vì các chúng sanh
Nguyện tu hạnh Phổ-hiền.
Ngươi thấy không ngằn mé
Hết thảy Phật mười phương
Nghe pháp khắp các Ngài
Thọ trì không quên mất.
Ngươi ở mười phương cõi
Thấy khắp vô lượng Phật
Thành tựu các nguyện hải
Đầy đủ hạnh Bồ tát.
Hoặc vào biển phương tiện
An trú tuệ giác Phật
Hay theo học Đạo sư
Sẽ thành Nhất thiết trí.
Ngươi khắp hết thảy cõi
Các kiếp như vi trần
Tu hành hạnh Phổ-hiền
Thành tựu đạo bồ đề.
Ngươi nơi vô lượng cõi
Các biển kiếp vô biên
Tu hành hạnh Phổ-hiền
Trọn thành các đại nguyện.
Chúng sanh vô lượng này
Vui mừng nghe nguyện ngươi
Đều phát ý bồ đề
Nguyện học Phổ-hiền-thừa".135
Bấy giờ Bồ tát Văn-thù-sư-lợi nói xong bài tụng này, liền bảo Thiện-tài-đồng-tử rằng:
"Lành thay, lành thay! Này Thiện nam tử! Ngươi đã phát tâm Vô thượng bồ đề, cầu hạnh Bồ tát. Này Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh có khả năng phát tâm Vô thượng bồ đề, ấy là việc khó. Đã có thể phát bồ đề tâm rồi, cầu Bồ tát hạnh, lại còn khó gấp bội phần. Này thiện nam tử! Nếu muốn thành tựu nhất thiết chủng trí, thì phải quyết định tìm cầu chơn thiện tri thức.
Này thiện nam tử! Tìm cầu thiện tri thức thì không nên sanh tâm chán mệt. Thấy thiện tri thức đừng nên sanh tâm đủ và chán. Ở nơi thiện tri thức được dạy dỗ điều gì, thì phải tùy thuận; đừng thấy những lầm lỗi ở nơi phương tiện thiện xảo của thiện tri thức".136
Ấy là những lời dặn dò của Bồ tát Văn-thù-sư-lợi đến Thiện-tài-đồng-tử và chỉ đường cho Thiện-tài-đồng-tử đi về phương Nam để tìm cầu thiện tri thức.
Phát bồ đề tâm, tu Bồ tát hạnh, tìm cầu thân cận, kính trọng cúng dường thiện tri thức đã tạo thành con người của Thiện-tài-đồng-tử không phải ngay trong đời này mà đã từ vô lượng kiếp từ chư Phật quá khứ, đời này chỉ là sự tiếp nối để đạt đến chỗ rộng lớn và thâm sâu không thể nghĩ bàn của con đường Bồ tát đi, hạnh Bồ tát làm và đích điểm Bồ tát đến.
(Trích Đi vào Pháp Giới Hoa Nghiêm của HT. Thích Thái Hòa)
Chú thích:
130 Hoa nghiêm 80 tr 332b, Đại chính 10.
131 Hoa nghiêm 80, tr 332bc, Đại chính 10.
132 三有= tam hữu = ba hữu: Dục hữu, hiện hữu ở trong cõi Dục giới; Sắc hữu, hiện hữu ở trong cõi Sắc giới; Vô sắc hữu, hiện hữu ở trong cõi Vô sắc giới.
133 諸 趣 = chư thú = sáu sinh thú. Sáu chỗ đi đến tái sinh, gồm: địa ngục thú, ngạ quỷ thú, súc sanh thú, a-tu-la thú, nhân thú, thiên thú.
134 Ở Hoa nghiêm 80, tr 333c, Đại chính 10, mười một câu hỏi này là Thiện-tài-đồng-tử tham vấn Bồ tát Văn-thù. Nhưng ở Hoa nghiêm 60, tr 689b, Đại chính 9, lại chỉ có chín câu hỏi. Nhưng chín câu hỏi này không phải Thiện-tài-đồng-tử hỏi Bồ tát Văn-thù mà Bồ tát Văn-thù dạy Thiện-tài-đồng-tử, nên cầu thiện tri thức, thân cận, cung kính, cúng dường mà hỏi. Ở Hoa nghiêm 40, tr 679a, Đại chính 10, không những Thiện-tài-đồng-tử nêu lên mười một câu hỏi với Bồ tát Văn-thù như Hoa nghiêm 80, hay chín câu hỏi như Hoa nghiêm 60 mà nêu lên mười ba câu hỏi và mười ba câu hỏi này là hỏi Bồ tát Văn-thù, chứ không phải hỏi các thiện tri thức như Hoa nghiêm 60.
135 Hoa nghiêm 80, tr 332c, Đại chính 10.
136 Hoa nghiêm 80, tr 334a, Đại chính 10.