Hindu giáo là một tôn giáo truyền thống của người Ấn nên còn gọi là Ấn Độ giáo. Tôn giáo này có mặt từ rất xa xưa trước khi đức Thế Tôn đản sinh (vào khoảng năm 560 TCN). Tiền thân của tôn giáo này là Bà La Môn giáo với những qui định nghiêm ngặt về giáo điều, phép tu, tầng lớp xã hội... Các vị thần của tôn giáo lớn nhất, xa xưa nhất ở Ấn Độ này, đó là "Tam vị nhất linh" hay còn gọi là "Tam vị nhất thể" Brahma - Visnu – Shiva được thể hiện đầy kỳ công tại Công viên Phật Xieng Khuan để du khách chiêm ngưỡng.
Đầu tiên là tượng thần Brahma. Pho tượng bốn mặt này được tạc dựng ở nhiều nơi, dưới nhiều hình ảnh khác nhau trong công viên, nhưng có một điều chắc chắn là tượng thần Brahma luôn được đặt ở những vị trí tôn nghiêm và được bao bọc bởi nhiều pho tượng thần khác trong Ấn độ giáo. Theo truyền thuyết, thần Brahma là người sáng tạo và lèo lái vũ trụ, là cha của các thần và của cả loài người. Brahma cùng với Shiva và Visnu hợp thành bộ ba gọi là Trimurti. Visnu và Shiva là hai thế lực đối lập, còn Brahma là thế lực cân bằng. Brahma tạo ra nữ thần Satarupa từ chính cơ thể mình. Nàng đáng yêu đến nỗi Brahma nhìn nàng đăm đăm. Mỗi khi nàng nhích qua một bên để tránh thì Brahma lại mọc ra một đầu khác để nhìn. Cuối cùng Brahma đã chinh phục được Satarupa. Họ lui về sống ở một nơi bí mật trong 100 năm thiên giới. Và, Manu – con người đầu tiên – được sinh ra…Thần Brahma thường được thể hiện với 4 mặt và 4 tay, mỗi tay cầm một cuốn kinh Vệ đà. Các biểu trưng khác là lọ nước sông Hằng, vòng hoa, ấn thí vô uý…
Một hình ảnh khác mà ta luôn gặp, không chỉ trong Công viên Phật Xieng Khuan mà hầu như trong mọi công trình kiến trúc Phật giáo của đất nước này là hình ảnh thần Vishnu nằm trên biển sữa trên mình con rắn vũ trụ nhiều đầu Ananta hay Sesha. Trong lúc ngủ, một đóa hoa sen từ lỗ rốn thần mọc ra trên một cuống dài do thần gió Vayu nắm giữ. Trên hoa sen là thần Brahma bắt đầu công việc sáng tạo. Thần Vishnu ngủ trong các khoảng thời gian giữa những đợt sáng tạo nối tiếp này. Trong lúc ngủ, thần sẽ biến thành một hoá thân khác xuất hiện trong các chu kỳ sáng tạo sau đó. Theo thần thoại Ấn giáo, thần Vishnu có tất cả 10 (*) hoá thân, nhưng hoá thân thứ 10 chưa xuất hiện trong cõi này.
Trong công viên ta còn thấy hình ảnh nhiều loài vật huyền thoại của Ấn độ giáo, như hình ảnh bò thần Nandin, vật cưỡi của thần Shiva, vị thần của hủy diệt tài tạo. Thần Shiva cưỡi bò Nandin ra trận mỗi khi Ngài giao chiến với lũ ác quỉ luôn tìm cách nhấn chìm trái đất xuống đáy biển sâu. Rồi hình ảnh của chim thần Garuda (đại bàng Kim Sí điểu), vật cưỡi của Nữ thần Laksmi, vợ của thần Vishnu, tượng trưng cho sự giàu có và may mắn. Ở đâu có sự hiện diện của đại bàng Kim Sí là ở đó có Nữ thần Laksmi và có sự giàu sang, may mắn.
Nếu trong công viên này còn có hình ảnh của voi thì chắc trong chúng ta không ai ngạc nhiên vì Lào vốn được gọi là “Đất nước triệu voi”. Nhưng tượng voi trong Công viên Phật Xieng Khuan thì lại mang ý nghĩa khác, đó chính là hình ảnh của thần Ganesha mình người, đầu voi. Thần Ganesha vốn là con trai của thần Shiva và nàng Parwati, ngài là vị thần của Trí tuệ, May mắn và Bảo trợ. Chắc hẳn khi quyên góp và khổ công cho xây dựng Công viên này trong hàng chục năm trời, tu sĩ Luang Pu Bunleua Sulilat cũng đã dành một tình cảm rất lớn cho trẻ em, cho thế hệ mai sau của đất nước. Bằng chứng là bên cạnh những pho tượng Phật, tượng thần, ông còn cho tạc một số nhóm tượng trẻ em vui đùa, tượng một số con vật của đời sống dân dã như con châu chấu, con cá sấu rồi đến lũ khỉ con đang nô đùa… để mỗi khi theo người lớn đến thăm Phật nơi này, các em sẽ đỡ cảm thấy nặng nề khuôn phép mà vẫn học, vẫn thấm được cái tinh thần của quốc giáo.