Đạo Phật là đạo của trí tuệ “Duy tuệ thị nghiệp”, mà tôn giả Sàriputta được xem là đệ tử có trí tuệ bậc nhất trong hàng ngàn bậc thánh đệ tử của đức Phật. Hơn nữa, trong tiền kiếp tôn giả Sàriputta và tôn giả Moggalli Kolita (Mục-kiền-liên) đã được đức Phật Amomadari thọ kí trong tương sẽ là hai vị đệ tử lớn, như hai cánh tay phải và trái của đức Phật Thích Ca (theo Túc sanh truyện). Do vậy, tôn giả Sàriputta luôn được xem là bậc thánh đứng đầu trong hàng đệ tử của đức Phật Thích Ca, là cánh tay phải đắc lực của Ngài.
1. Dòng tộc và sự xuất thế
Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), sinh trưởng tại làng Upatissa, thuộc thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà. Đây là một ngôi làng trù phú, cổ kính tiêu biểu cho những sức sống tâm linh với những đền thờ, tháp miếu uy nghi; trong ấy thờ nhiều vị thần như: Thần Brahma có bốn mặt, thần Nàgà hình rắn khổng lồ, thần Nandì hình bò mộng to lớn, thần Sudra có ngàn mắt và bốn tay, thần Hunuman hình khỉ đen đúa, v.v… Ngoài ra, trong các am động, cội cây lớn còn có rất nhiều vị thần. Cả hàng trăm vị thần cùng ngồi hòa mình trước sự chiêm ngưỡng và thờ cúng của mọi người.
Thân mẫu Ngài tên là Sàri (Xá-lợi), là một thiếu nữ thuộc dòng Bà-la-môn, dung mạo đoan trang, tư chất thông tuệ, rất giỏi về biện luận. Thân phụ Ngài là đại luận sư dòng Bà-la-môn tên Vaganta (Đề-xá), vừa là tộc trưởng của ngôi làng, cũng là trưởng giáo trong hàng Bà-la-môn, tinh thông kinh điển Vệ-đà và các chú thuật, toán số v.v… môn sinh của ông có đến mấy trăm người. Lúc bấy giờ ông đã gần 50 tuổi, mẹ Ngài trẻ tuổi hơn ông nhiều, do phong tục tảo hôn theo luật Manu của Ấn giáo, bà đã về với chồng lúc mới 10 tuổi. Dù đầy đủ danh vọng và quyền uy cũng như sự giàu có, nhưng ông bà luôn u buồn vì chưa có con để nối dõi. Nếu ông có con thì có thể lấy tên làng để đặt tên cho con mình, vì ông là tộc trưởng của làng nên có được sự vinh hạnh ấy, và để kế thừa truyền thống tâm linh cao cả, cũng như gia sản giàu có của mình. Do vậy, trong các buổi lễ tế thần cũng như những thời lễ riêng, vợ chồng ông lúc nào cũng sắm sanh mọi vật phẩm để cúng tế và thành tâm cầu nguyện:
“Kính lạy đức Brahma vô năng thắng! Là linh hồn ti tiểu đầy nhiễm ô và bụi bặm do Ngài sáng tạo ra, con đã dọn sạch bản ngã bằng nước thiêng Soma, bởi trầm tư và thiền định. Con lắng dịu mọi vọng tưởng, chỉ còn một khát khao nối truyền tông hệ. Xin Ngài ban cho con một mụn con thơ. Con là linh hồn lạc lõng bơ vơ không còn đâu làm điểm tựa trên cuộc đời này. Vậy khát khao ấy là duy nhất và chơn chánh. Kẻ nô lệ của Ngài sẽ mừng vui tri ân Ngài mà làm một ngôi bảo tháp uy nghi và tạc tượng Ngài, trầm hương, trái cây, mâm súc vật, tế lễ quanh năm v.v… để bảo truyền linh phúc đầy ơn phúc của Ngài lan rộng ra bốn châu thiên hạ v.v… Kính lạy đức Brahma tối thượng tôn, Hóa Sanh chủ, Vô Năng thắng! Xin Ngài ban cho con một mụn con thơ!”.
Cuối cùng thì ước mơ của hai vợ chồng đã đến. Một hôm, sau buổi lễ cầu nguyện, thấy trong mình có những chuyển biến, với những dấu hiệu khác thường, bà Sàri biết trong mình đã thọ thai, bà rất mừng rỡ đến thưa cùng chồng:
“Này thần linh của thiếp! Kẻ nô lệ đã trải qua những khoảnh khắc xuất thần. Một vài linh điển ân triệu từ đấng Tối Cao đã ban xuống, rung động 32 đốt xương sống, rồi tụ sức nóng ở đốt cuối cùng v.v…”
Ông Vaganta hết sức vui mừng, biết rằng điều ước nguyện của mình sắp thành hiện thực, ông tổ chức lễ cúng tế, nguyện cầu nhiều hơn và truyền mở tiệc khoản đãi cả làng.
Bà Sàri vốn là một nữ Bà-la-môn thông thái hiểu biết nhiều, rất giỏi về biện luận. Trước đây, mỗi lần biện luận điều thua cậu em của mình là Câu-hy-la, một đại luận sư nổi tiếng thời ấy, nhưng lạ lùng thay lúc nàng thọ thai, mọi luận giải điều vượt hẳn cậu em. Câu-hy-la đoán biết đứa bé mà người chị mình đang mang trong bụng sẽ là một thiên tài về sau không ai sánh kịp; sợ rằng sau này mình sẽ tranh luận thua đứa cháu mình thì thiên hạ sẽ coi thường; do vậy, ông đã phát nguyện vào tàng kinh các ẩn mình nghiên cứu kinh điển của các học phái, phương pháp biện luận v.v... Ẩn mình gần hai mươi năm, nghiên cứu miệt mài đến nỗi móng tay của ông ta ra thật dài mà không chịu dành thời gian để cắt, vì thế người đương thời còn gọi ông là Trường Trảo Phạm chí (ông Phạm chí có móng tay dài).
Trưởng tộc Vaganta hết sức yêu mến vợ, ông đã cho nhiều nữ tỳ hầu hạ và chăm sóc vợ rất chu đáo trong thời gian nàng mang thai. Ngày tháng dần trôi và ngày mãn nguyệt khai hoa cũng đã đến, nàng Sàri đã sanh hạ một hoàng nam khôi ngô tuấn tú hết sức phi phàm. Sắc diện và dung mạo của bé như một sư tử chúa lông vàng bước ra từ động báu, tên làng là Upatissa đã được dùng để đặt tên cho bé, kết hợp cùng với tên của người mẹ là Sàri, nên tên của hoàng nhi được gọi là đủ là Sàri Upatissa, nhưng tên thường gặp trong kinh tạng là Sàriputta (Xá-lợi-phất), nghĩa là người con trai của bà Xá-lợi.
Không phải vô tình hay ngẫu nhiên, tất cả cũng nhờ vào nhân duyên tiền kiếp, trong lúc cả làng Upatissa đang tổ chức đại lễ ăn mừng sự chào đời của con trai trưởng giáo, tộc trưởng của làng mình, thì tại làng Kolita kế cận, cũng đang tổ chức lễ vui mừng sự chào đời của con trai tộc trưởng làng của họ, và hoàng nhi này cũng được lấy tên làng để đặt tên là Kolita, gọi đủ là Moggalli Kolita (Mục-kiền-liên).
Cảm tạ ân đức thần linh đã ban cho mình một hoàng nam như ý, trưởng giáo Vaganta đã tổ chức nhiều cuộc tế lễ linh đình và mở tiệc thiết đãi dân làng. Về sau, ông còn xây thêm một bảo tháp để cúng tế, đúng như lời nguyện cầu trước kia.
2. Thuở thiếu thời
Thân phụ Ngài là tộc trưởng, là đại luận sư và cũng là trưởng giáo Bà-la-môn, nên ngay từ lúc vừa biết nói, biết chạy; hoàng nam Sàriputta, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục rất chu đáo. Ngoài ra, Ngài còn được thân phụ truyền dạy những câu mật chú, những nghi thức tế lễ, nguyện cầu và Ngài cũng được thân phụ thường dẫn theo để tham dự các khóa lễ. Năm lên sáu tuổi Sàrputta đã được phụ thân mời ba vị thầy uyên bác tại thành Vương-xá về dạy các môn: Ngữ pháp, luận lý, triết học v.v…và các môn học thường thức khác, riêng thân phụ chàng hàng ngày vẫn truyền dạy nhiều môn học, nhất là tế lễ. Mẹ chàng, bà Sàri cũng dạy con nhiều điều, nhưng lại lo sợ tham vọng của chồng mình muốn nhét mọi môn học cho đứa con còn quá nhỏ. Trái lại những điều lo sợ của bà, vốn là thần đồng tu học từ nhiều kiếp, Sàriputta lãnh hội rất mau chóng mọi môn học. Chưa đầy một năm sau, thân phụ của Ngài phải hết sức ngạc nhiên về khả năng tiếp thu cũng như sự thông tuệ của con mình, ông rất hãnh diện tuyên bố rằng: Chỉ cần vài năm nữa thôi thì các vị thầy uyên bác kia sẽ không còn điều gì để dạy cho con ta nữa!
Năm lên 8 tuổi, một sự kiện hy hữu đã xảy ra. Thời ấy trong nước Ma-kiệt-đà có hai anh em trưỡng giả, em tên là Cát-lợi, người anh là A-già-la mở tiệc đãi đằng vua quan và các luận sư, đồng thời tổ chức buổi tranh luận về các môn triết học, khoa học, số luận học, kinh điển v.v… Trong hội trường tranh luận, có thiết kế một ghế cao để dành cho vị luận sư nào giỏi nhất, tranh luận thắng thì được ngồi lên đó. Trong buổi lễ ấy cha chàng cũng được mời đến, và người con yêu quý của mình cũng được dẫn theo, khi buổi lễ bắt đầu mọi người ngồi theo vị trí đã được sắp sẵn, chỉ riêng mình Ngài chạy đến chỗ ngồi cao nhất dành sẵn cho người tranh luận giỏi nhất, mọi người đều kinh ngạc, cho là chú bé nghịch ngợm, vô phép, chưa biết gì, nhưng bằng tài thông minh ứng xử của mình, Sàriputta đã làm đẹp lòng mọi quần thần và các luận sư, buổi hội thảo tranh luận vô tình đã trở nên hấp dẫn mọi vấn đề hầu như đều dồn về phía cậu bé, mọi câu hỏi trên mọi lãnh vực được đưa ra, Sàriputta đã trả lời khúc chiết, nghĩa lý thích hợp, mọi vấn đề đều thông suốt giống như những câu trả lời của một đại luận sư nổi danh nhất, toàn thể cử tọa trong buổi hội thảo tranh luận đều kinh ngạc, và họ đều cho rằng cậu bé Sàriputta xứng đáng được ngồi vào ghế danh dự cao cả ấy. Các luận sư đều khâm phục, cha chàng rất hãnh diện và cũng tự nhận thấy rằng tài trí của mình không bằng cậu con yêu, đặc biệt là quốc vương xứ Ma-kiệt-đà rất đẹp lòng và cảm mến tặng luôn một thôn trang cho Sàriputta. Tuổi ấu thơ của Sàriputta đã nổi danh vang lừng như vậy, và cũng kỳ lạ thay bé Kolita ở làng bên cũng nổi danh về thông tuệ.
Gia đình của Sàriputta và gia đình của Kolita có sự giao hảo thân mật từ bảy đời, nên hai trẻ được bố mẹ tạo cho nhiều cơ hội cho hai trẻ gặp nhau cùng vui chơi và sinh hoạt một cách rất hòa thuận và vui vẻ. Có một điều đặc biệt là tự thân Kolita và Sàriputta gọi nhau là huynh đệ, Sàriputta là huynh và Kolita là đệ không cần ai chỉ dạy. Năm lên 12 tuổi, Sàriputta càng nổi tiếng thêm, các môn học về số học tự nhiên học, địa lý, chiêm tinh, triết học v.v… được nhiều vị thầy uyên bác do cha chàng mời thêm tiếp tục truyền trao, trí tuệ của trẻ Sàriputta được các bậc thầy công nhận như là đại dương dung chứa hàng trăm con sông kiến thức, bao nhiêu kiến thức đều được tiếp thu không bao giờ có dấu hiệu tràn đầy. Hạnh phúc càng nhân đôi khi mà vợ Ông, bà Sàri các năm sau lại sanh thêm nhiều người con nữa.
Năm lên 15 tuổi, đúng như lời thân phụ chàng dự tính, các vị thầy uyên bác đã gặp ông và nói rằng: “Thưa trưởng giáo, sở học và chữ nghĩa của chúng tôi thì có hạn mà sự thông minh và lòng ham hiểu biết của công tử thì vô hạn. Chúng tôi, mỗi người chỉ làm thầy công tử một môn học, công tử hiện nay có khả năng làm thầy chúng tôi nhiều môn học khác”. Và tất cả các vị thầy xin được rút lui. Cũng ở tuổi này Sàriputta đã có xung quanh mình cả trăm đồ chúng theo học.
Những năm 17, 18 tuổi chàng chuyên sâu vào nghiên cứu về kinh điển Vệ-đà, đây là kinh điển truyền thống mà dòng dõi Bà-la-môn phải thừa kế. Với trí thông minh và sự hiểu biết của mình, chàng suy tư sâu sắc trên mọi khía cạnh của hệ thống kinh, nhưng kinh này lại tổng hợp nhiều tri thức phức tạp đa dạng phong phú và đôi khi lại có nhiều mâu thuẫn nhau, chàng không sao giải đáp và hiểu tất cả được. Truyền thống của kinh này lại chỉ cho phép ghi nhận hoặc học thuộc và không được hoài nghi. Những suy tư và thắc mắc của Sàriputta ngày càng sâu lắng, không bao giờ chàng dám tự mãn hay tự cao mà luôn suy tư, khiêm tốn vì biết rằng còn rất nhiều điều mà mình chưa biết được, những bài thánh ca, tán tụng, cầu khẩn, tế lễ, thần chú, mà truyền thống Bà-la-môn cho rằng sẽ đưa đến Phạm thiên tối cao hằng hữu, siêu thế v.v… cũng chưa đem đến một ánh sáng nào cho mình, bóng tối về sự hoài nghi đã bắt đầu xuất hiện trong tâm chàng.
Đến tuổi 18, Chàng đã có phong độ và tư cách của một đạo sư lỗi lạc. Cha chàng đã giao tất cả những sự tế lễ cũng như những môn sinh của ông cho chàng đảm trách. Tuy nhiên những phút giây đơn độc, suy tư một mình, hay những khi dạo một mình chàng vẫn có những u hoài, những thắc mắc nan giải trong lòng.
3. Sự xuất ly gia đình
Lúc bấy giờ tại thành Vương-xá có tổ chức đại hội Bà-la-môn, hai làng Upatissa, Kolita đã đề cử hai chàng Sāriputta và Kolita đại diện cho hai làng đi tham dự. Thành Vương-xá là một kinh đô hoa lệ, thịnh vượng bậc nhất nước Ma-kiệt-đà và của cả xứ Ấn Độ. Nơi đây là điểm giao lưu thương mại kinh tế và văn hóa của các nền văn minh Indus cổ với các tiểu quốc miền Đông và Nam của Ấn Độ. Đây cũng là kinh đô hội tụ rực rỡ của tâm linh tôn giáo. Nhân lễ đại hội, hàng trăm học thuyết, triết thuyết tôn giáo đều qui tụ về. Tất cả những gì hay đẹp trong tế lễ, hội họa, thi ca, múa hát… cũng được tổ chức biểu diễn ở khắp mọi nơi, quả là một khung cảnh náo nhiệt, vui vẻ đầy hân hoan chưa từng thấy xưa nay. Ngày tranh luận bắt đầu, hai chàng đã chứng kiến được rất nhiều giáo phái với những cách ăn mặc phục sức khác nhau, những tư tưởng vô cùng đa dạng và khác biệt; biết bao nhiêu là học thuyết, triết lý cùng nhau đưa ra quan điểm của mình, nào là phái Thắng luận, phái Số luận, phái Khổ hạnh, phái Ngụy biện v.v… nào là những chủ thuyết Duy tâm, Duy vật, Duy lý, Duy thực… Có những học thuyết, những chủ trương trái ngược hẳn với truyền thống của thánh kinh mà hai chàng đã được học. Có những học thuyết bác bỏ thượng đế thần linh, mọi hình thức nguyện cầu tế lễ. Có những chủ thuyết vô thần chủ trương hưởng thụ, cho rằng chết là hết, cứ mặc sức mà hưởng thụ bất cứ điều gì, không có gì là tội, là phước… Chứng kiến những gì diễn ra trong buổi lễ, tâm của hai chàng càng thêm thắc mắc và hoài nghi cực độ. Ba ngày lễ hội đã đi qua, khung cảnh tươi đẹp lúc đầu không còn nữa, thay vào ấy chỉ là những rác rưởi, những điêu tàn khi tan cuộc.
Trong những ngày du ngoạn và tham dự đại hội Bà-la-môn, cả hai chàng đều hoang mang cực độ. Cả hai đều cảm nhận rằng mọi giáo phái, học thuyết… đều mang những bản chất tranh giành, hơn thua kinh khiếp, không chân thật. Kiếp người mong manh, tụ tán, vui buồn, khóc cười theo những trò giả ảo của thế nhân. Trong tâm hai chàng đều có ý muốn thoát ly cuộc sống gia đình, cuộc sống ràng buộc đầy khổ lụy của thế gian.
Sau khi tham dự đại hội trở về, Sàriputta vẫn trầm tỉnh như không có việc gì xảy ra. Thân phụ chàng nhìn con trai trưởng của mình lớn lên với tư cách đạo đức hơn người, uyên bác, thông minh siêu việt, lại cũng đã kế thừa sự nghiệp giáo hóa môn sinh, tiếp nhận đồ chúng cũng như kế thừa mọi truyền thống viên mãn nên ông rất hài lòng. Cả hai ông bà đều tính chuyện lo gia thất cho chàng. Vốn là người thông tuệ, chàng đã cảm nhận và từng nghiên cứu qua những niềm vui về tinh thần và vật chất mà đấng tối cao đã dạy trong thánh điển, cộng với hoài bảo muốn thoát ly của mình, chàng đã từ chối lời yêu cầu của cha mẹ và cầu xin cha mẹ cho mình được xuất gia tầm đạo giải thoát. Bằng mọi hình thức ràng buộc của gia đình, của truyền thống, danh dự, cũng như sự giàu sang… bố mẹ chàng đã tìm mọi cách phủ dụ, khuyên can cũng như buồn thảm và khóc lóc… không cho đứa con yêu kính của mình từ bỏ những quyền uy, danh vọng, giàu sang, ước vọng, ước nguyện của mình mà dấn thân vào con đường đói khổ, lang thang rày đây, mai đó của đời sống xuất gia, xin từng chén cơm thừa, canh cặn bố thí của thế gian.
Thế nhưng, ý chàng đã quyết và không gì lay chuyển được, chàng đã đi đến gặp thân phụ, và đứng vòng tay thưa xin cha mẹ cho xuất gia, nếu không chàng sẽ đứng mãi ở đấy đến chết… Nhìn con mình đứng trân, sắc mặt tiều tụy, không uống không ăn suốt hai ngày qua, đôi chân đã run lên sắp quỵ và té xỉu, ông bà đã khóc nhiều, khuyên nhiều nhưng không sao lay chuyển được ý chí xuất trần của con, nếu không đồng ý chắc chắn chàng sẽ chết dần, chết mòn trước mặt; cuối cùng, ông bà đã đồng ý cho chàng xuất gia.
Kỳ diệu thay, Kolita ở làng bên cạnh cũng phải trải vô vàn khó khăn mới được gia đình cho xuất gia. Vì mục đích giải thoát cao cả, hai chàng đã gạt nước mắt đảnh lễ cha mẹ, từ bỏ tất cả danh vọng, quyền uy cũng như sự giàu sang của gia đình, chủng tộc để dấn thân vào con đường tầm đạo.
Khi hai chàng ra đi thì có gần 250 môn sinh cũng nguyện xin theo hai chàng xuất gia tìm chân lý. Sàriputta và Kolita đều suy nghĩ rằng lâu nay mình chỉ học các giáo phái, học thuyết thuộc truyền thống nên bị bó buộc trong khuôn khổ không thể nào thoát ly ra để thấy được các chủ trương hay của các học thuyết khác. Từ ý nghĩ sáng suốt đó, hai chàng quyết định tìm đến học hỏi những giáo phái ngoài truyền thống Bà-la-môn. Hai chàng đã tìm đến các triết gia, các nhà tư tưởng, nhà ngụy biện… nhưng hai chàng càng cay đắng nhận ra rằng: Mọi học thuyết, giáo phái chỉ là sự tập hợp đông đúc, mang hình thức bên ngoài, ồn ào, hỗn loạn… Ai cũng muốn lập tông, lập giáo, dạy đạo, chỉ là những trưng bày và khoa trương. Bọn thì được các phú thương ủng hộ, bọn thì được các tiểu vương hậu thuẫn, bọn thì mưu đồ chính trị thế quyền, v.v…
Cuối cùng thì hai chàng cũng tìm được một đạo sư nổi tiếng đương thời với nhiều tư tưởng và học thuyết lỗi lạc; đó là đạo sư Sanjaya. Hai chàng và gần 250 đồ chúng của mình đã đồng ý làm môn đệ của vị đạo sư này, điều đó làm cho giáo phái của đạo sư Sanjaya càng nổi tiếng thêm lên. Nhưng sau một thời gian học tập tư tưởng chủ đạo của Sanjaya, Sàriputta và Kolita nhận ra rằng đây cũng chỉ là một học thuyết “bất khả tri”, không mang lại chút ánh sáng chân lý nào cho mình. Vì vậy, hai chàng lại quyết định ra đi, tiếp tục hành trình tầm đạo, mặc dù vị đạo sư Sanjaya cố nài nỉ hai chàng ở lại để giao tất cả đồ chúng mà ông đã từng hướng dẫn lại cho hai chàng.
Từ đây, hai chàng dấn thân vào cát bụi của xứ Ấn khắc nghiệt. Nghe nơi nào có một đạo sư lỗi lạc, hai chàng liền tìm đến để tham vấn, hỏi đạo. Cái băng giá của miền Tuyết Sơn hay cái nóng bỏng của vùng sa mạc, cái hừng hừng khô khát của miền nhiệt đới… gót chân của hai chàng quí tộc đều trải qua. Nhưng hình bóng vị đạo sư chân chánh và ánh sáng giác ngộ vẫn còn xa vời, chưa tìm thấy được.
4. Hội ngộ chân lý
Sau khi chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề thành Đẳng Chánh Giác, nhớ lại lời nguyện xưa, đức Thế Tôn trở lại Ma-kiệt-đà để độ vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la). Vua Bimbisàra vô cùng vui mừng, kính phục bậc Đại-giác đã xin thọ Tam qui Ngũ giới, làm một Phật tử tại gia. Đồng thời Ông phát tâm dâng cúng tinh xá Trúc Lâm cho đức Phật và chư Tăng. Từ đây, đạo Giác ngộ và hình bóng giải thoát của chư Tăng đã có mặt trên quốc gia này.
Một hôm trên đường tầm đạo trong thành Vương-xá, Sàriputta thấy một vị sa-môn y bát trang nghiêm, dung nghi từ tốn, gương mặt trầm tĩnh với hình bóng uy nghi giải thoát, từng bước có chánh niệm đang khất thực trên đường. Chưa bao giờ chàng thấy một vị sa-môn nào có một hình dáng đơn sơ vĩ đại như vậy. Dự định chạy đến hỏi đạo, nhưng cái gì đó quá trang nghiêm làm chàng cứ từ từ theo sau vị sa-môn này. Khi ấy cũng đã khất thực xong, vị sa-môn hướng đến một nơi vắng vẻ, dưới một gốc cây to có bóng mát để thọ thực. Như hiểu được ý của vị sa-môn, Sàriputta nhanh nhẹn dùng tọa cụ của mình trải xuống một nơi an tịnh và mời vị sa-môn ngồi thọ thực; sau khi thọ thực xong, chàng dùng nước và tăm xỉa răng của mình mời vị sa-môn dùng. Mọi việc xong xuôi, Sàriputta liền trình bày ước nguyện của mình và cầu xin vị sa-môn chỉ dạy đạo giải thoát, vì chàng chắc rằng đây thực sự là bậc đã giải thoát mọi sự ràng buộc. Vị sa-môn từ tốn giải thích rằng Ngài là đệ tử của đức Thế Tôn, tên là Assaji (A-thị-thuyết, là một trong năm vị A-la-hán đầu tiên) chỉ mới xuất gia nên chưa hiểu gì nhiều về đạo giải thoát. Do quá khát ngưỡng chánh pháp giải thoát, Sàriputta cầu xin Ngài chỉ dạy cho chàng dầu là một câu kệ ngắn cũng được, thế là tôn giả Assaji đọc bài kệ về Duyên khởi cho Sàriputta nghe:
Các pháp do nhân-duyên sanh, cũng do nhân-duyên diệt,
Đức Phật của chúng ta, thường dạy nói như vậy.
(Chư Pháp tùng duyên sanh, diệc tùng nhân duyên diệt
Ngã Phật Đại Sa môn, thường tác như thị thuyết).
Với trí tuệ đã chín muồi, khi nghe xong bài kệ, Sàriputta liền tỏ ngộ, toàn thân rúng động chứng được sơ quả Tu-đà-hoàn. Sau đó, tôn giả Assaji khuyên Sàriputta hãy đến tinh xá Trúc Lâm diện kiến đức Thế Tôn để học đạo giải thoát.
Với tâm vô cùng hân hoan, Sàriputta chí thành đảnh lễ từ tạ tôn giả Assaji, chàng trở về gặp hiền đệ Kolita. Thấy sàriputta với vẻ mặt rạng rỡ chưa từng thấy, Kolita ngạc nhiên hỏi duyên cớ, Sàriputta đã kể lại nhân duyên kì ngộ cùng tôn giả Assaji. Sau khi nghe xong bài kệ, Kolita cũng tỏ ngộ chứng được sơ quả Tu-đà-hoàn.
Không muốn riêng mình nhận được giáo pháp bất-tử, hai chàng nghĩ về đạo sư cũ và các môn đệ của mình. Sàriputta và Kolita đã trở lại báo tin cho họ rằng mình đã tìm thấy đạo giải thoát, và khuyên họ cùng mình đến tinh xá Trúc Lâm diện kiến đức Như Lai; Nhưng nghiệp duyên còn nặng, vị đạo sư này không nghe còn dụ hai chàng ở lại để trao đồ chúng cho hai chàng lãnh đạo… Khuyên không được Sanjaya, hai chàng đã từ giả ông ra đi. Hơn 250 đồ chúng của Ông cũng đi theo hai vị huynh trưởng thông tuệ của mình để học đạo giải thoát. Nhìn đồ chúng của mình lần lượt ra đi, Sanjaya quá uất ức hộc máu mà chết.
5. Trở thành đệ tử của đức Thế Tôn
Khuyên không được vị thầy cũ, Sàriputta và Kolita dẫn hơn 250 môn đệ đến tinh xá Trúc Lâm. Khi vào đến giảng đường, hai chàng cùng các môn đệ đồng quì xuống cầu xin đức Thế Tôn nhận làm đệ tử, xuất gia trong đạo giải thoát của Ngài. Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của họ, liền nói: Etha bhikkhave (Thiện lai Tỳ-kheo), đức Thế Tôn vừa dứt lời cả hai chàng cùng hơn 250 môn đệ đều đầy đủ y bát, mang hình bóng xuất trần của những bậc Tỳ-kheo. Sau đó, đức Thế Tôn thuyết pháp cho các vị tân Tỳ-kheo; thời pháp vừa dứt, lạ lùng thay tất cả đều chứng quả Vô sanh (A-la-hán), chỉ riêng Sàriputta và Kolita đều không chứng thêm thánh quả nào. Mãi đến một tuần sau Kolita nỗ lực tu tập mới chứng được thánh quả A-la-hán, còn Sàriputta nửa tháng sau mới chứng đắc quả vị Vô sanh, trở thành bậc có trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử Thanh văn của đức Phật.
Truyền thống của Đại thừa Phật giáo đã kể lại sự chứng đắc thánh quả A-la-hán của tôn giả Sàriputta như sau:
Sau gần hai mươi năm ẩn mình trong tàng kinh các để nghiên cứu tất cả mọi học thuyết, Câu-hy-la, người cậu của tôn giả Sàriputta đã xuất quan ra khỏi tàng kinh các trở thành người thông biện, chưa ai biện luận thắng ông được. Khi biết người cháu mình đã xuất gia theo đức Phật, ông nghĩ rằng nay ta đã là người biện luận giỏi nhất và dĩ nhiên cháu ta sẽ không bằng ta, ta sẽ biện luận để thu phục sa môn Cù Đàm (đức Phật), như vậy cháu ta và mọi người mới hoàn toàn kính phục ta. Nghĩ là làm, ông đã đến gặp đức Phật. Lúc bấy giờ, đức Phật đang thuyết pháp cho đại chúng, tôn giả Sàriputta đang đứng hầu bên cạnh. Phạm chí Câu-hy-la thấy cơ hội tốt đã đến, ông liền hỏi để chất vấn đức Thế Tôn:
-“Này sa môn Cù Đàm, người không chấp ngã, chấp pháp. Ý ông nghĩ sao?”
Đức Thế Tôn không trả lời mà vặn hỏi lại ông:
-“Này Phạm chí, ông bảo rằng ông không chấp ngã, chấp pháp, vậy ông có chấp vào cái tri kiến không chấp ngã, chấp pháp của ông không?”.
Ngay câu hỏi vặn của đức Thế Tôn, Phạm chí Câu-hy-la thất kinh tự biết mình đã thua, toàn thân toát mồ hôi nhưng vẫn tự kiêu nên vặn hỏi lại để trả lời:
-“Này sa môn Cù Đàm, người không chấp ngã, chấp pháp cũng không chấp vào tri kiến không chấp ngã, chấp pháp. Ý ông nghĩ sao?”
Đức Thế Tôn liền trả lời:
-“Này ông Phạm chí, ông bảo ông không chấp ngã, chấp pháp, cũng không chấp vào tri kiến không chấp ngã, chấp pháp; vậy hà cớ gì ông đến đây để chất vấn Như Lai?”.
Ngay khi câu hỏi của đức Thế Tôn vừa dứt, phạm chí Câu-hy-la liền tỏ ngộ chứng được sơ quả Tu-đà-hoàn, và xụp lạy xin đức Thế Tôn cho làm đệ tử xuất gia tu tập. Tôn giả Sàriputta đang đứng hầu sau đức Thế Tôn, cũng ngay nơi câu trả lời ấy liền hoát nhiên đại ngộ, chứng được thánh quả A-la-hán.
Ngay buổi chiều hôm tôn giả Sàriputta chứng đắc thánh quả A-la-hán, đức Thế tôn đã tập hợp hàng ngàn vị Tỳ-kheo và cư sĩ tại gia đến tinh xá Trúc Lâm để tuyên bố: “Từ đây, Như Lai đã có hai vị Đại đệ tử, là hai vị trưởng tử của Như Lai, đó là tôn giả Sàriputta và tôn giả Kolita. Sàriputta là đệ nhất đại đệ tử và Kolita là đệ nhị đại đệ tử. Họ sẽ là hai cánh tay trợ thủ đắc lực cho Như Lai, được quyền thay mặt Như Lai giải quyết tất cả mọi lãnh vực thuộc về Phật sự hay Tăng sự”. Toàn thể đại chúng thảy đều kinh ngạc và thắc mắc: Tại sao những tôn giả, trưởng lão như nhóm năm ngài Kiều Trần Như, nhóm ngài Yasa, hay nhóm 30 Tỳ-kheo ở Chư Tiên đọa xứ v.v… không được làm trưởng tử, mà hai tôn giả Sàriputta và Kolita còn trẻ, mới xuất gia cũng như mới chứng đắc thánh quả… lại được vinh dự ấy?
Biết được tư tưởng của đại chúng, đức Thế Tôn đã thuyết giảng cho đại chúng nghe về những nhân duyên, sự phát nguyện của hai tôn giả trong tiền kiếp, cũng như những tài năng và quả vị mà hai tôn giả đã chứng đắc trong hiện tại…Toàn thể đại chúng đều dứt mọi nghi ngờ và thảy đều kính phục hai tôn giả.
6. Bậc tướng quân Chánh pháp:
Sau khi đảm nhận trọng trách “Đại đệ tử của đức Thế Tôn”, lúc nào đức Phật cũng bảo tôn giả Sàriputta đứng hầu bên phải của mình (lúc này chưa có tôn giả Ananda), do vậy mọi thời pháp của đức Thế Tôn đều được tôn giả Sàriputta lãnh hội một cách trọn vẹn, sự đa văn thông tuệ của tôn giả ngày càng siêu việt hơn. Có những lúc, đức Thế Tôn vừa thuyết pháp cho nhóm Tỳ-kheo này xong, thì những đoàn Tỳ-kheo khác đến. Những lúc như vậy, đức Thế Tôn thường bảo tôn giả Sàriputta thuyết lại thời pháp của Ngài cho những vị Tỳ-kheo mới đến, để Ngài đi kinh hành một lát. Hay có những khi vì sự bất hòa của thân tứ đại, những lúc như vậy Ngài liền bảo tôn giả Sàriputta thuyết hết bài pháp còn lại mà Ngài chưa hoàn tất, hay thuyết toàn bộ những thời pháp để giáo giới, khuyến khích sự tu tập của hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… Những thời pháp của tôn giả Sàriputta vừa dứt thì cả đại chúng bao giờ cũng vang lên tiếng “Sàdhu” (lành thay) để ngợi khen tôn giả. Những lúc ấy, đức Thế Tôn cũng đã có mặt trên pháp tòa và tán thán tôn giả Sàriputta trước hội chúng:
“Này các thầy Tỳ-kheo! Xá-lợi-phất trước đây là trưởng giáo Bà-la-môn lỗi lạc lúc vừa 18 tuổi, là một học giả Vệ-đà hữu danh, đa văn, bác học, quảng kiến. Ông thông hiểu rành rẽ, uyên bác tất cả mọi loại triết học trong và ngoài truyền thống. Ông cũng là nhà ngôn ngữ siêu việt hai loại diễn ngôn: Bác học và bình dân, thường ngữ và pháp ngữ. Lại nữa, Xá-lợi-phất còn là một nhà thông thiên văn, địa lý, thuật số, vật lý, tự nhiên học… Với kho tàng kiến thức mênh mông ấy, thế nhưng không bao giờ ông ấy thuyết ra một câu thừa, một chữ thừa. Tất cả chỉ cần vừa đủ, trọn ý; vừa văn chương quí tộc, vừa giản dị bình dân, lúc nghiêm túc, lúc dí dỏm. Ai đã từng nghe Xá-lợi-phất thuyết pháp một lần rồi thì dường như đối với họ, trên đời này không có một pháp sư, một giảng sư nào nữa cả.
Này các thầy Tỳ-kheo! Tiếng sóng của trăm con sông, ngàn con sông đổ dồn về biển. Cũng vậy, giáo pháp Như Lai thuyết là hải triều âm. Giáo pháp mà Xá-lợi-phất thuyết lại, cũng là hải triều âm, không hai, không khác”.
Tìm trong Kinh tạng, chúng ta thấy những thời pháp của tôn giả Sàriputta thuyết giảng rất nhiều và đều có sự ngợi khen và ấn chứng của đức Thế Tôn. Do vậy, những thời pháp ấy được xem là những kinh điển mà tôn giả Sàriputta đã thuyết giảng. Những kinh ấy bao gồm nhiều đề tài khác nhau có liên hệ đến đời sống phạm hạnh. Chuyển tải những giáo lý từ đơn sơ, giản dị cho đến những tư tưởng sâu xa, uyên thâm trong Phật Pháp.
Ví dụ như các kinh:
Những kẻ thừa hưởng pháp bảo (Pháp số 3)
Sự chấm dứt tội lỗi (Pháp số 5)
Sammàdhitthi Sutta (Nói về chánh kiến-pháp số 9) v.v…
Quả thật, những kinh như vậy được tìm thấy rất nhiều trong các kinh: Trường Bộ, Trung Bộ, Trường A Hàm, Tạp A Hàm v.v…
Ngoài sự đảm nhận thuyết giảng Chánh pháp, tôn giả Sàriputta còn thay mặt đức Thế Tôn để giải quyết những vấn đề của chư Tăng, tiếp xúc với vua quan, đại thần, hàng cư sĩ, thí chủ v.v… Có lúc, tinh xá Kỳ Viên lên đến 5000 thầy Tỳ-kheo, bên cạnh những tôn giả đức hạnh cao cả, còn có hàng ngàn Tỳ-kheo mới xuất gia, giới hạnh còn yếu kém… Biết bao nhiêu chuyện quan trọng trong Tăng đoàn từ ẩm thực, y phục, phòng thất… cho đến sự phân công mọi công việc, tu tập… nhiệm vụ mà tôn giả Sàriputta đảm nhận rất to lớn và nặng nề. Ấy vậy mà mọi công việc Ngài đều hoàn thành vô cùng tốt đẹp, thời này được gọi là thời “hoàng kim của Chánh pháp”.
Đặc biệt, tôn giả Sàriputta có công rất lớn trong việc truyền bá Chánh pháp về phương Bắc của xứ Ấn. Tôn giả là người tiên phong trong việc hoằng dương Phật pháp đến xứ này, qua lần đảm trách xứ mệnh kiến thiết đại tinh xá Kỳ Hoàn.
Chính những sự việc to lớn mà tôn giả Sàriputta đã đảm trách và thể hiện, đức Thế Tôn và toàn thể chư Tăng đã ban tặng cho Tôn giả mỹ hiệu là: “Bậc tướng quân của Chánh pháp”
7. Truyền bá Phật pháp về Bắc Ấn hay công cuộc kiến thiết đại tinh xá Kỳ Hoàn:
Nếu tại Nam Ấn có tinh xá Trúc Lâm, thì tại Bắc Ấn có tinh xá Kỳ Hoàn. Đây là tinh xá tuyệt đẹp và rất có công trong việc hoằng dương Chánh pháp. Trong thời đức Phật, tinh xá này do trưởng giả Sudatta (Tu-đạt) dâng cúng.
Ở thành Sàvatthi (Xá-vệ), có vị trưởng giả triệu phú tên là Sudatta. Ông là người rất mực giàu có, lại có lòng thương yêu những người nghèo khổ, cô đơn và thường cung cấp thức ăn, y phục hay những vật dụng cần thiết cho họ, do đó ông được mọi người ban tặng một mỹ danh là: Cấp-cô-độc. Trưởng giả Sudatta có đại thiện duyên hội ngộ với đức Thế Tôn và được đức Thế Tôn thuyết giảng Chánh pháp. Sau khi nghe Pháp, ông chứng được quả vị Tu-đà-hoàn, cảm nhận được pháp lạc vô biên của đạo giải thoát. Với niềm hân hoan sung sướng chưa từng có trong đời, Ông cũng muốn chia sẻ Chánh pháp an lạc giải thoát đến với những người thân của mình và cho cả quê hương mình. Do đó, ông đã cung kính, thỉnh cầu đức Phật cùng đại chúng đến vương thành Sàvatthi, quê hương của ông để hoằng dương Chánh pháp, ban pháp lạc cho chúng sanh.
Được sự đồng ý của đức Phật, trưởng giả Sudatta liền vội vã trở về quê hương tìm một vùng đất như ý để thiết lập tinh xá làm nơi trú ngụ cho đức Phật và chư Tăng. Trải qua mấy ngày tìm kiếm, ông vẫn không tìm được nơi vừa ý, ngoại trừ khu rừng xinh đẹp của thái tử Kỳ-đà. Đây là khu rừng nhỏ rất đẹp, tọa lạc không gần cũng không xa vương thành Sàvatthi, là nơi lý tưởng cho chư Tăng an trú tu tập: “Ở đây có đồi núi nhấp nhô, nước suối ngọt ngào, mát lạnh, tỏa nức mùi hương. Từng khoảng rừng suốt ngày im bóng bởi những tàng cổ thụ xanh um; cây lá phong phú sắc màu, kỳ hoa dị thảo đua nở khắp nơi. Xuyên trong rừng là những khoảng trống lớn nhỏ có thể làm nơi tụ họp hoặc hành thiền cho cả hàng trăm người. Lại có những tảng đá bằng phẳng, nối dài khoảng hai ba chục đòn gánh chạy trong một thung lũng im mát. Suốt ngày gió hát chim ca, mù sương khi đậm khi nhạt, mây trắng vắt ngang đầu núi. Ôi! Quả thật là sơn thủy hữu tình, khí linh thiêng hội tụ từ ngàn năm để chào đón bước chân của đấng vĩ nhân xuất thế!”.
Vẫn biết rằng đây là khu rừng quí giá của thái tử Kỳ-đà, không dễ gì mua được, nhưng vì sự an lạc và hạnh phúc của muôn người, trưởng giả Sudatta cũng quyết định đến gặp thái tử Kỳ-đà để trình bày ước vọng quan trọng nhất trong đời mình và xin thái tử Kỳ-đà bán lại khu rừng ấy cho mình. Trước sự thỉnh cầu tha thiết của trưởng giả Sudatta, thái tử Kỳ-đà rất cảm động, nhưng cũng không muốn mất khu rừng xinh đẹp của mình, do vậy thái tử đã nói một câu đùa vui, để cho Sudatta từ bỏ ý định mua khu rừng: “Nếu ông có khả năng thì cứ lấy vàng mà đổi đất, ta sẽ bán cho.”
Trưởng giả Sudatta vui mừng liền hỏi: “Thưa Thái tử đổi như thế nào ạ!”. Thái tử Kỳ-đà nói: “Suối không kể, đá không kể, chỉ tính đất thôi, Ngài lấy vàng lát cho đầy mặt đất, vàng lát đến đâu là ta bán cho Ngài tới đó.”
Trưởng giả Sudatta liền theo lời nói ấy mà làm. Không ngờ một câu nói đùa mà thành hiện thực, thái tử Kỳ-đà vì trọng tín nghĩa nên không thể rút lại lời hứa. Trong lúc lấy vàng lát đất, còn những gốc cây chưa trải được, trưởng giả Sudatta dừng lại suy nghĩ. Thấy vậy, tưởng Sudatta đã thối tâm, thái tử Kỳ-đà liền hỏi lý do. Sau khi hiểu được lý do và nghe danh về bậc Thánh vĩ đại, thái tử Kỳ-đà đã phát tâm cúng phần gốc cây mà Sudatta không lát vàng được. Từ đó về sau, tinh xá này thường được gọi là: “Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên” (Cây của thái tử Kỳ-đà, khu vườn (đất) của trưởng giả Cấp-cô-độc).
Có được khu rừng như ý, trưởng giả Sudatta liền trở lại tinh xá Trúc Lâm để thỉnh ý đức Thế Tôn chỉ đạo phương pháp xây dựng đại tinh xá, đồng thời ông cũng thưa rằng: “Vương thành Sàvatthi là nơi chưa từng có Phật Pháp, lại là nơi có nhiều bàng môn tả đạo đang lộng hành, mê hoặc quần chúng. Kính thỉnh đức Thế Tôn quang lâm đặt viên đá đầu tiên và hàng phục các tà phái ngoại đạo ở đấy”.
Trước sự việc vô cùng quan trọng ấy, đức Thế Tôn đã cử tôn giả Sàriputta sang Bắc Ấn để kiến thiết đại tinh xá, đồng thời hàng phục hàng ngoại đạo tà giáo ở đấy. Vâng lời đức Thế Tôn, tôn giả Sàriputta cùng với trưởng giả Sudatta lên đường sang Bắc Ấn. Đúng như lời thưa thỉnh của Sudatta, những ngoại đạo ở đây khi biết được việc Sudatta dâng cúng khu rừng và ủng hộ một tôn giáo xa lạ nào ấy ở Nam Ấn, họ vô cùng ganh tị, tức giận tìm mọi cách để quấy phá. Họ sử dụng những năng lực thần thông và giáo lý của họ để tranh biện, xô dẹp không cho tôn giáo mới tồn tại, phát triển làm lu mờ, mất uy tín tôn giáo của họ… Chính vì thế mà tôn giả Sàriputta đã gặp rất nhiều khó khăn ở xứ này. Tuy nhiên, bằng tất cả tài năng, đức hạnh của mình, Tôn giả đã dần cảm hóa mọi tầng lớp thần dân ở đây. Với năng lực thần thông đã chứng đắc, với trí tuệ tuyệt vời, sự uyên thâm về giáo điển cũng như sự thông tuệ mọi tư tưởng, triết lý… Tôn giả Sàriputta đã hàng phục các ngoại đạo, học phái ở đây. Một số lượng rất đông ngoại đạo vô cùng kính phục, đã trở về qui y với Chánh pháp.
Ngay từ thuở còn tại gia, Tôn giả đã thông tuệ về thiên văn, địa lý… với năng lực này, Tôn giả đã kiến thiết đại tinh xá một cách hoàn hảo, từ cách thiết kế hương phòng của đức Tôn sư, các đại giảng đường để thuyết pháp, hành thiền v.v… cho đến những am cốc nhỏ của chư tăng, nhà khám bệnh, suối tắm… Không bao lâu, một tinh xá kỳ vĩ và huy hoàng đã được hoàn thành. Ngày khánh thành tinh xá cũng chính là ngày vương thành Sàvatthi đón tiếp đức Thế Tôn và hàng ngàn vị Tỳ-kheo từ Nam Ấn, tinh xá Trúc Lâm quang lâm đến xứ này. Trong Kinh tạng, tinh xá này mang nhiều tên gọi như: tinh xá Kỳ Hoàn, tinh xá Kỳ Viên, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên… Tinh xá này được đánh giá là một trong những tinh xá đẹp nhất, lớn nhất và là nơi đức Thế Tôn thuyết pháp nhiều nhất. Kinh điển của Phật giáo được hình thành nhiều nhất. Cũng chính vì thế mà trong Kinh tạng, chúng ta thường bắt gặp câu mở đầu: “Như thị ngã văn… Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên…”.