Tổng Luận Ý Nghĩa Thọ Trì Trong Kinh Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật

Thứ Tư, 04 Tháng Năm 201611:03 SA(Xem: 5091)
Tổng Luận Ý Nghĩa Thọ Trì Trong Kinh Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật
TỔNG LUẬN Ý NGHĨA THỌ TRÌ TRONG KINH
NĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Phước Nguyên

Từ nơi Thánh Trí tối thượng ba-la-mật, đức Thế Tôn tuyên thuyết Kinh Năng Đoạn Kim Cương, nên Kinh này dạy rất nhiều vấn đề cốt lõi của giáo Pháp, và thọ trì là một trong những vấn đề đó. Vậy thọ trì là có ý nghĩa như thế nào?


Thọ trì 受持, từ Sanskrit gọi là udgrahītavyo, do thành lập từ tiếp đầu âm ud cộng với động từ căn grah, thường làm tất yếu phân từ, giống đực, số ít, thể cách. Có nghĩa là: thọ trì, hành trì, phụng trì v.v...Tây Tạng gọi là: གཟུང་བ།, Ed. Conze trong Diamond-sutra dịch là: seize upon.


Theo ý nghĩa đó Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền Khuyến Phát[1], phần đầu giải thích ý nghĩa từ ngữ “thọ trì” tức là lãnh nhận vào tâm, ghi nhớ tư duy không quên, chia ra ba phương diện:


1. Thọ trì giới luật: Bất luận người xuất gia hay tại gia, một khi đã nhận lãnh các Học xứ (Śīla) do Thế Tôn chế định thì phải thệ nguyện giữ gìn.


2. Thọ trì kinh điển: Khi thọ học kinh điển thì phải phát tâm tín giải thanh tịnh, xem và đọc với tâm cung kính, đồng thời phải luôn luôn hành trì, nhớ nghĩ. Lại tin nhận giáo pháp của Phật, gọi là thọ trì Phật ngữ; tin nhận một bộ kinh nào đó, như tín nhận kinh Pháp Hoa, gọi là thọ trì Pháp Hoa.


3. Thọ trì tam y: Nhận giữ ba y. Người xuất gia thọ nhận ba y: Tăng-già-lê (Đại Y), Uất-đa-la-tăng (Thượng Y) và An-đà-hội (Hạ Y).


Thọ trì cũng được hiểu là Lãnh Nạp 領納: Thân tâm nhận lãnh những cảm thọ vui hay buồn v.v..


Ngài Huyền Tráng ở Luận Thành Duy Thức[2] giải thích: Thọ trì tức là lãnh nạp những cảnh tượng thuận, nghịch, chẳng thuận, chẳng nghịch làm tính[3].


Còn Ý nghĩa thọ trì của Kinh Năng Đoạn Kim Cương hết sức đặc biệt.


Kinh văn nói: “…Api tu khalu punaḥ subhūte bhaviṣyantyanāgate'dhvani bodhisattvā mahāsattvāḥ paścime kāle paścime samaye paścimāyāṁ pañcaśatyāṁ saddharmavipralope vartamāne guṇavantaḥ śīlavantaḥ prajñāvantaśca bhaviṣyanti, ye imeṣvevaṁrūpeṣu sūtrāntapadeṣu bhāṣyamāṇeṣu bhūtasaṁjñāmutpāadayiṣyanti”[4]: Lại nữa, này Subhūi! Vào thời kỳ tương lai, thời kỳ sau cùng, trong thời kỳ chót, sống tại thời kỳ chánh Pháp bị hoại diệt, những câu trong kinh điển này, nếu được tuyên dương, thì sẽ có những vị Bồ-tát Đại sĩ đầy đủ công đức, giới hành và bát-nhã, phát sinh ấn tượng chân thật.


Như vậy, trong thời mạt kiếp, năm trăm năm sau, trong thời kỳ chánh pháp bị hủy diệt, nếu có người con trai, con gái gia đình hiền thiện nào, tiếp nhận và hành trì kinh này, cho đến chỉ một bài kệ bốn câu, tâm có khả năng sinh đức tin trong sạch, rồi lại vì người khác mà độc tụng, diễn giảng thì sinh ra phước đức vô lượng hơn phước đức cúng dường chư Phật, tháp miếu, và bố thí v.v.. người đó thành tựu công đức hiếm có bậc nhất![5]


Người nào lãnh thọ và hành trì Kinh Năng Đoạn Kim Cương, người đó thành tựu công đức tối thượng, Kinh gọi là: “Parameṇa te subhūte āścaryeṇa samanvāgatā bhaviṣyanti”[6]: họ là những người thành tựu công đức hiếm có tối thượng


1. Tiếp nhận và hành trì đề kinh Năng Đoạn Năng Đoạn Kim Cương.


Kinh văn: “evam ukta āyuṣmān subhūtir bhagavantam etad avocat | ko nāma ayaṃ bhagavan dharmaparyāyaḥ kathaṃ cainaṃ dhārayāmi |evam ukte bhagavān āyuṣmantaṃ subhūtim etad avocat | prajñāpāramitā nāma ayaṃ subhūte dharmaparyāyaḥ | evaṃ cainaṃ dhāraya | tatkasyahetoḥ | yaiva subhūte prajñāpāramitā tathāgatena bhāṣitā saiva-a-pāramitā tathāgatena bhāṣitā | tenocyate prajñāpāramiteti |”[7]: Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề (Subhūti), bạch đức Thế Tôn rằng: “Pháp bản này, nên được gọi bằng tên gì? Và con nên phụng trì như thế nào?” Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy Tôn giả Tu-bồ-đề rằng: “Pháp bản này tên là Bát-nhã Ba-la-mật đa, tôn giả hãy như thế mà phụng trì. Tại sao? Này Tu-bồ-đề! Vì do Bát-nhã Ba-la-mật đa được tuyên thuyết bởi Như Lai, chính nơi nó không phải là Bát-nhã Ba-la-mật được Như Lai tuyên thuyết. Cho nên, gọi là Bát-nhã-ba-la-mật”


Thọ trì đề kinh Năng Đoạn Kim Cương qua ý nghĩa Giáo, Lý, Hành, Quả có năng lực nhiếp hộ Tâm Ý, chuyển hóa căn bản phiền não, làm dẫn sinh Tuệ Giác, chặt đứt khái ái và phiền não.


2. Tiếp nhận và hành trì, cách phát tâm vô trú: an trú tâm, tu tập và nhiếp hộ tâm.


Kinh văn: “Tatkathaṃ Bhagavān Bodisattvayāna saṃprasthitena kulaputreņa vā kuladuhitrā vā sthātavyaṃ kathaṃ pratipattavyaṃ kathaṃ cittaṃ pragrahītavyam?”[8]: Nếu có người con trai, người con gái dòng dõi, gia đình hiền thiện nào, khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát thì phải nên an trụ như thế nào? phải nên tu tập như thế nào? Phải nhiếp hộ tâm như thế nào?


Ed. Conze dịch Anh ngữ: “…who have set out in the Bodhisattva-vehicle, stand, how progress, how control their thoughts?”[9]: Người đã khởi hành với cỗ xe Bồ-tát, làm thế nào để an trú, tu tập và nhiếp phục tâm?


Trừ bản dịch của Ngài La Thập ra, các bản Hán và Anh đều có đủ ba câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề: phương thức an trú tâm, tu tập và nhiếp hộ tâm


Bản La-Thập: Làm thế nào để an trú và phải nên hàng phục tâm như thế nào? 應云 何 住 ?云 何 降伏 其心[10]?không có câu: “…pratipattavyaṃ kathaṃ”: Làm thế nào để tu tập?


Theo Asaṅga (Vô-trước) giải thích: Ba câu hỏi mà ngài Tu-bồ-đề thưa hỏi đức Thế-tôn, nó thuộc về ‘phát khởi hành tướng’:


Câu hỏi thứ nhất: nêu lên một ước muốn hợp lý, do tâm và ý chí tác động;


Câu hỏi thứ hai: câu hỏi liên hệ đến sự thực tập hành trì các pháp môn Thiền-định;


Câu hỏi thứ ba: là câu hỏi liên hệ đến chế ngự và nhiếp phục tâm khi tâm bị thối thất hoặc tán loạn[11].


Đó là ba vấn đề quan trọng cần tiếp nhận và hành trì trong Phạn và Anh bản của Kinh Năng Đoạn Kim Cương.


3.Tiếp nhận và hành trì tinh thần không lý của Năng Đoạn Kim Cương, mà tinh thần biểu hiện qua không còn có ấn tượng về Ngã (Atmasaṃjñā), ấn tượng về bổ-đặc-già-la (Pudgalasaṃjñā), về chúng sanh (Sattvasaṃjñā), và về thọ giả (Jīvasaṃjñā).


Từ Atmasaṃjñā: ấn tưởng, khái niệm hay ý tưởng về ngã. Ngã 我, Sanskrit gọi là Ātman là thuật ngữ quan trọng của Upanisad và Vedāna, được dùng để diễn tả về tự ngã, thần chủ, thần ngã, thần linh hay linh hồn… Ātman có động từ căn Van (hơi thở). Saṃjñā: căn jñā có nghĩa là: ý niệm, khái niệm, ấn tượng, tư tưởng, hiểu biết v.v.. ở đây đúng sát theo nghĩa Phạn văn nên chọn là là tập hợp những ấn tượng, ý tưởng hay khái niệm. La Thập dịch là Ngã tướng 我 相. Nếu dùng 相 (Skt. lakṣaṇa –tướng) thì dễ bị hiểu lầm là hình tướng hay sắc tướng… Hán dịch Năng Đoạn Kim Cương chỉ có La Thập và Cấp Đa dịch là tướng, còn lại đều dịch là tưởng


Pudgalasaṃjñā: Hán phiên âm: Bổ-đặc-già-la tưởng. Dịch là ấn tượng con người, hay ý tưởng sĩ phu. Những khí chất kết nên nhân cách con người, gọi là nhân hay sĩ phu


Sattvasaṃjñā: ấn tượng chúng sinh, ấn tượng hữu tình. Hán dịch là Chúng sinh tưởng, hữu tình tưởng. Sattva, từ giống đực, được thành lập từ động từ Saint, hiện tại phân từ của nó có nghĩa là “sự tồn tại” hay “sự hiện hữu” (to be hay being) và được giải thích là một chúng sinh hay hữu tình. Một số nhà Phạn ngữ từ điển viết là sakta, như vậy nó được hình thành từ động từ căn Sanj, có nghĩa là: liên kết, nối kết, gắn bó, miệt mài, gắn chặt v.v.. Trong Pāli ngữ Satta nó có nghĩa là một chúng sinh, một hữu tình hay một con người, đồng nghĩa với དཔའ་ dpa’ của Tạng ngữ, nghĩa là một anh hùng (hero), một người dũng cảm (intrepid person), một chiến sĩ tâm linh (heroic spirit) v.v..


Jīvasaṃjñā. Jīvasa: ấn tượng thọ giả hay ấn tượng mệnh giả, có động từ Jīva: cá thể, chủ thể… nên Jīvasa: cá thể có sinh mạng hay chủ thể của nhân cách. Cát Tạng giải thích: “ .. Ngoại đạo chấp có thần ngã, chết nơi này sinh nơi khác, lang thang sáu đường, cho nên gọi Thọ giả”[12]. Theo Khuy Cơ: “Thấy mệnh căn đoạn diệt ở quá khứ, đời sau sinh trong sáu đường, gọi là Thọ giả tướng”[13]. Ngoài ra, Theo Đại phẩm bát nhã: “… danh từ Thọ giả là một trong mười sáu tên gọi khác của Ngã”[14].


Kinh nói: Lìa hết thảy ấn tượng được gọi là chư Phật Thế Tôn. Ấn tượng chưa thoát ly, thì tuệ giác trực tiếp, không bao giờ phát sinh được. Khi nào mọi ấn tượng, khái niệm được đoạn diệt khi ấy hành giả bước lên bờ giác ngộ chân như.


4. Tiếp nhận và hành trì tinh thần “Pháp và phi pháp”.


Kinh văn: “Này Tu-bồ-đề, cái nói là Phật pháp đó tức chẳng phải là Phật pháp須 菩 提!所 謂 佛 法 者,即 非 佛 法”[15]


Chúng ta có thể thấy nguyên văn Sanskrit của câu này: “… buddhadharmā buddhadharmā iti subhūte abuddhadharmāścaiva te tathāgatena bhāṣitāḥ | tenocyante buddhadharmā iti”[16]: Vì sao? Này Subhūti! Vì những Phật pháp được nói bởi Như Lai với tên là những Phật pháp, chính những điều ấy, không phải là Phật pháp, cho nên mới gọi chúng là Phật pháp”.


Vài bản dịch tương đương như sau:


Lưu Chi dịch: “Sở vị Phật pháp, Phật pháp giả, tức phi Phật pháp”[17];


Huyền Tráng dịch: “Vi phi chư Phật pháp, thị cố Như Lai thuyết danh chư Phật pháp chư Phật pháp”[18].


Ed. Conze dịch Anh Ngữ: “For the Tathagata has taught that the dharmas special to the Buddhas are just not a Buddha's special dharmas. That is why they are called 'the dharmas special to the Buddhas'”: Vì đối với đức Như Lai đã dạy rằng những pháp đặc biệt của chư Phật thật sự không phải các Pháp đặc biệt chỉ của một đức Phật. Đó là lý do vì sao chúng được gọi là “Những Pháp đặc biệt của chư Phật”.


Phật pháp 佛 法 , từ Sanskrit gọi là Buddha dharmā, Buddha có động từ căn Budh: hiểu biết, tỉnh giác, giác ngộ, tận tri, liễu tri v.v… Dharmā: động từ căn Dhr: nguyên tắc, nguyên lý,… Ed. Conze dịch là: The dharmas special to the Buddhas: Pháp đặc biệt của Chư Phật.


Trừ bản dịch Hán La Thập và Bồ Đề Lưu Chi không có câu: Tenocyante buddhadharmā iti: Cho nên mới nói chúng là Phật pháp. Còn lại các bản Hán và Anh dịch Ed. Conze đều có câu này.


Vì pháp mà chư Phật nói Pháp đó không thể diễn thuyết, không thể nghĩ bàn, không thể suy lường, không thể nắm bắt đó không phải pháp cũng không pháp phi pháp. Đó cũng là giáo lý bất nhị pháp môn của Kinh Duy Ma.


5. Tiếp nhận và hành trì cách nhìn vạn Pháp, cái nhìn ngay tới ấn tượng không phải ấn tượng. Nhìn với ngũ nhãn: Nhục, Thiên, Tuệ, Pháp và Phật nhãn.


5. Tiếp nhận và hành trì cách nhìn vạn Pháp, cái nhìn ngay tới ấn tượng không phải ấn tượng. Nhìn với ngũ nhãn: Nhục, Thiên, Tuệ, Pháp và Phật nhãn.


Kinh văn: “Này Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn không? Bạch Thế Tôn, đúng như thế! Như Lai có nhục nhãn.


Này Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn không? Bạch Thế Tôn, đúng như thế! Như Lai có thiên nhãn.


Này Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có tuệ nhãn không? Bạch Thế Tôn, đúng như thế! Như Lai có tuệ nhãn.


Này Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãn không? Bạch Thế Tôn, đúng như thế! Như Lai có pháp nhãn.


Này Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn không? Bạch Thế Tôn, đúng như thế! Như Lai có Phật nhãn ».


Cách nhìn vạn Pháp theo Kinh Năng Đoạn Kim Cương là cách nhìn không bị vướng mắc bởi bất cứ cái gì. Như Lai là người có đầy đủ ngũ nhãn, nhưng ngài không vướng kẹt nơi loại nhãn quan nào, như thế mới là cách nhìn hợp lý, chính xác, trực tiếp và toàn diện.


6. Tiếp nhận và hành trì tuệ giác: vạn Pháp đều là Phật pháp.


Kinh văn: “Này Tu-bồ-đề! Tuệ giác vô thượng đích thực do Như Lai thành tựu được, ở trong đó không phải chân thực, không phải hư dối. Thế nên, Như Lai nói hết thảy pháp đều là Phật pháp”.


Năng Đoạn Kim Cương Sanskrit như sau: “Tasmāt Tathāgato bhāsïate -sarva dharmā buddhadharmā iti.”[19]: Do đó, Như Lai nói hết thảy pháp đều là Phật pháp


Hết thảy Pháp đều là Phật Pháp, nên không thể rời thế gian mà giác ngộ được. Đây là một trong những điểm then chốt của Kinh Năng Đoạn Kim Cương. Nếu thấy tất cả Pháp đều là Phật Pháp rồi, rồi thấy Phật Pháp cũng chẳng phải Phật Pháp, cũng như chiếc bè qua sông, chánh Pháp còn buông bỏ, huống chi là Phi Pháp. Lúc ấy, hành không còn khát ái và chấp mắc vào Pháp nữa, tiến đến cửa ngõ giải thoát.


7. Tiếp nhận và hành trì tinh thần Nhất thừa đạo, hay chính là Phật thừa, Đại thừa, Tối thượng thừa, Tối thắng thừa v.v..


Kinh văn: “Như Lai thuyết giảng kinh này vì những người khởi hành trên cỗ xe vĩ đại, thuyết giảng vĩ những người khởi hành trên cỗ xe tối thắng”.


Chúng ta đọc các tụng bản Kinh Kim Cương Hán ngữ, chúng ta thấy không có sử dụng từ Nhất Thừa mà dùng các từ như: Bồ-tát Đại Thừa [20], Tối Thượng Thừa[21], hoặc Vô Thượng Thừa, Vô Đẳng Thừa[22]; bản Chân Đế hoặc Thắng Thừa[23], Tối Thắng Thừa[24]; Tối Thượng Thừa, Tối Thắng Thừa[25], và La Thập cùng với Nghĩa Tịnh đều sử dụng từ: Đại Thừa, Tối Thượng Thừa[26]. Truy nguyên về bản Sanskrit của Kinh Kim Cương hiện có Agrayāna và Śreṣṭhayāna[27]. Từ Agra là: tối cao, tối thượng, cao nhất…; yāna là thừa, cần phân biệt: yāna: “cỗ xe” với yana: “một con đường”. Hán dịch là Tối Thượng Thừa. Từ Sanskrit Śreṣṭha: bậc nhất, cao nhất, Nên Śreṣṭhayāna là cỗ xe bậc nhất, cỗ xe tuyệt bậc, vượt trên hết. Hán dịch là Tối Thắng Thừa, Vô Đẳng Thừ v.v..


Đây là phù hợp với tinh thần giáo nghĩa của Kinh Pháp Hoa, chỉ có một cỗ xe tối thắng, một cỗ xe duy nhất đó chính là Phật thừa.


9. Tiếp nhận và hành trì đức tin Năng Đoạn Kim Cương, để thấy được sự chuyển hóa tự thân và hoàn cảnh thời đại.


Kinh văn: “Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có người con trai, người con gái gia đình hiền lành nào, thọ nhận, hành trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, thì người này do tội nghiệp đời trước đáng lẽ phải đọa vào đường ác, nhưng nhờ đời này bị người khinh chê, nên tội nghiệp đời trước ắt bị tiêu diệt, sẽ đạt được quả Tuệ giác tối thượng đích thực.”[28]


Vì Kinh này có năng lực chặt đứt mọi phiền não, phiền não không sinh khởi thì tội lỗi làm sao có. Do vậy, hành giả thành tựu Như trí hay cũng chính là thành tựu được Tuệ Không vậy.


Tóm lại, cần phải tiếp nhận và hành trì pháp “không có khởi sinh mọi ấn tượng” Tại sao? Vì:


“Vô ấn tượng” tức là Nhất Pháp, khiến cho hết thảy pháp sinh khởi và đồng quy; “Vô ấn tượng” là Nhất Hành khiến cho hết thảy hành từ đó khởi phát và đó cũng là điểm đồng quy của muôn hành;


“Vô ấn tượng” là Nhất Đạo, khiến cho hết thảy đạo từ đó mà đi và đó cũng là điểm đồng quy của muôn đạo;


“Vô ấn tượng” là Nhất Thừa khiến cho Tam thừa từ đó mà khởi hành và cũng là điểm đồng quy của Tam thừa.


Và cũng vì là Nhất Thừa Đạo, là con đường duy nhất thể nhập bản tính: Thường – Lạc – Ngã -Tịnh của Niết-bàn.


Đó là ý nghĩa thọ trì đặc biệt và tinh yếu nhất qua cách nhìn của Kinh Năng Đoạn Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật.
Rừng Lu-mu, An cư PL. 2559.
[Trích Tổng Luận Kinh Kim Cương PN]
Phước Nguyên ______________________________
[1] Cf 妙法蓮華經, 後秦龜茲國三藏法師鳩摩羅什奉 詔譯, T09n0262, tr. 0001a01;勝鬘寶窟卷上, T37n1744, tr. 0001c02.
[2] Quyển 3, Đại 31, tr. 11bc.
[3] Cf. Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao, q.thượng, phần 1, tiết 3.
[4] Buddhist Sanskrit Texts, No.17, Vajra., tr. 77.
[5] Phạn – Hán đối chiếu đối chiếu dịch nhiều đoạn. Đại 08, No. 0235, tr. 0749a28: 莫作是說。如來滅後,後五 百歲,有持戒修 福 者,於此章句能生信 心,以 此為實.
[6] Buddhist Sanskrit Texts, No.17 p.77.
[7] Buddhist Sanskrit Texts, No.17 p.77.
[8] Buddhist Sanskrit Texts, n17p75. Cf. Htr.:爾時,具壽善現復白佛言:「世尊,諸有發趣菩薩乘者,應云何住、云 何修行、云何攝伏其心?」 Nght.: “復次,妙生白佛言:「世尊,若有發趣菩薩乘者,應云何住、云何修行、 云何攝伏其心?”
[9] The Diamond-sutra, Edward Conze, Luân Đôn, 1957.
[10] T08 No 0235, tr. 0748c28- tr.0748c29.
[11] Kim Cương Bát Nhã Luận, Đại 25, tr.757ab.
[12] Cf. Kim cương bát nhã sớ Đại 33, No 03.
[13] Cf. Kim cương bát nhã kinh tán thuật quyển thượng, Đại 33, No 131.
[14] Bản Huyền Tráng dịch, Đại 7, No 02.
[15] Đại 08n0235, tr. 0749b25.
[16] Bud. No 17, p77.
[17] Đại 08, tr. 753c05.
[18] Đại 07, tr. 981a24.
[19] Vajracchedikā prajñāpāramitā sūtra, Buddhist Sanskrit Texts, No.17 p.80.
[20] Bản Bồ Đề Lưu Chi 1, T08, tr.752c.
[21] Sđd, tr.755a.
[22] Bản Bồ Đề Lưu Chi 2, T08, tr.579c.
[23] Chân Đế, T08, tr.674b.
[24] Cấp Đa, T08, tr 769b.
[25] Huyền Tráng, T07, tr.983a.
[26] La Thập, T08, tr.750c; Nghĩa Tịnh,T08, tr.773c.
[27] Buddhist Sanskrit Text, No 17, P 80.
[28] Ibid, tr. 79.