Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo: Bối Cảnh Ấn Độ

Monday, 26 August 20245:59 PM(View: 433)
Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo: Bối Cảnh Ấn Độ
TINH HOA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO
CHƯƠNG II
BỐI CẢNH ẤN ĐỘ
Junjiro Takakusu
Tuệ Sỹ dịch và chú

1.PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ.

Đức Phật có thể, hay không thể đã là “người A-ri-en vĩ đại nhất của tất cả người A-ri-en” hoặc là “triết gia vĩ đại của tất cả triết gia”, như một số người thường gọi Ngài. Thật khó mà xác định một con người như đức Phật, một người hoàn toàn khác biệt với những triết gia và đạo sĩ Ấn đương thời lại đã có thể xuất hiện ở đấy, vì Ngài đã hoàn toàn chối bỏ tất cả những thần linh của truyền thống, những đức tin tôn giáo, những định chế và những tập tục của thời bấy giờ.

Khi những người A-ri-en đã chinh phục Ấn độ, họ tiến dần xuống miền Nam theo hành khúc chiến thắng cho đến khi bước vào vùng nhiệt đới. Rồi vì khí hậu quá nóng nực, họ quyết lựa chọn nơi cư ngụ trong những khu rừng mát mẻ ở Hắc sơn, một dãy núi tương đối nhỏ hơn nằm dọc theo chân Hy mã lạp sơn cao ngất. Dần dần, họ xem rừng núi như là nơi ẩn cư lý tưởng và bấy giờ họ có tập quán suy tư với Hy mã lạp sơn to lớn như là đối tượng cho những tư tưởng của mình, vì đó là Hy mã lạp sơn đời đời hùng vĩ, đời đời bất khả xâm phạm. Từ sáng đến tối tuyết rạng màu rực rỡ như được ánh mặt trời chiếu soi; mùa đông, các tảng băng đóng dày trên các thung lũng, nhưng đến mùa hạ, những tảng băng này tan giá chảy dài theo thung lũng ngoằn ngoèo trông như con rồng bắt đầu sống dậy sau một năm yên ngủ. Sau cùng, dân A-ri-en, sau khi đã chinh phục Ấn độ bằng vũ lực, nay lại hoàn toàn bị chinh phục bởi ảnh hưởng huyền bí của Thiên nhiên.

Nói một cách vắn tắt, Bà-la-môn giáo (Brahmanism), tôn giáo xưa nhất của Ấn độ, là phiếm thần giáo với Phạm Thiên (Brahman, nguyên lý vĩnh cữu, tuyệt đối, bất biến) như là nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ. Biểu hiện của Phạm thiên này thỉnh thoảng được nhân cách hóa và gọi là Thần Phạm thiên (Thượng đế hay Đại ngã). Mỗi một sinh thể đều có một Tiểu Ngã (ātman). Brahman và Ātman là một và cùng bản thể. Vì vậy, Bà-la-môn giáo là một cố gắng đi tìm nguyên lý tối hậu, tức Brahman, bằng cách nghiên tầm Tiểu ngã là Ātman. 

Đức Phật chối bỏ sự hiện hữu của Đại Ngã và Tiểu ngã, và thiết lập một giáo lý mới là vô ngã (anātman), theo đó, ngài tuyên bố rằng mọi vật đều biến đổi và không thể lý chứng được một nguyên lý bất biến tuyệt đối hay cái ngã vĩnh cửu được.

Có thể nói rằng văn minh Ấn độ là một nền văn minh Rừng Núi. Tôn giáo, triết lý, văn chương đều được phát xuất từ rừng núi. Nền giáo dục được giảng dạy trong những rừng núi âm u huyền bí. Âm nhạc, y học và các ngành văn học khác thảy đều được vun bồi ở rừng núi mà không có trường hợp ngoại lệ nào.

Như vậy, thì những lý thuyết cho rằng đời sống thành thị tạo nên văn minh; hay nguồn gốc của văn minh là sự chiến thắng của con người trước thiên nhiên, đều không được chấp nhận ở Ấn độ. Dân tộc Ấn độ tin tưởng rằng cuộc tranh sống là một trở ngại cho công việc nâng cao văn hóa. Với họ, văn minh có nghĩa là sự thể nhập của con người vào Thiên nhiên, do đó đời sống thành thị chỉ là một địa vực nuôi dưỡng tội ác mà thôi. 

Bà-la-môn giáo, nền triết học Ấn độ, và Phật giáo, cả hai đều có thể được xem như là sản phẩm của “tu dưỡng tự ngã” thuận theo Thiên nhiên.1 Kết quả của tập quán suy tư ngày đêm kính cẩn trước Thiên nhiên đó gọi là du-già (yoga, tập trung tư tưởng) theo Bà-la-môn, và thiền na (dhyāna, tĩnh lự) hay thiền (zen) trong Phật giáo. Có thể là một chi phái trong Bà-la-môn giáo không cần đến yoga nhưng trong Phật giáo không có một chi phái nào có thể thành lập mà không có thiền. Hiện tại, có một vài tông phái Phật giáo không tập thiền thường nhật, nhưng chắc chắn là chúng vẫn bắt nguồn từ thiền. Điều này đúng cho cả Tiểu thừa và Đại thừa. Chẳng hạn như Tam học (triśikṣa) của Phật giáo là giới, định và huệ và một trong sáu Ba-la-mật (pāramitā) là Thiền. Không có Thiền thì không thể đạt được Phật tri kiến. Đối với Phật giáo, hành động đúng là suy tư sâu. 

2. ĐỨC PHẬT, TƯ TƯỞNG GIA UYÊN THÂM

Đức Phật (khoảng 566-468 ttl.) không thỏa mãn với những quan điểm của các tư tưởng gia đương thời. Số người nhìn cuộc sống trên thế gian này bằng cặp mắt lạc quan thì quên rằng những thất bại và thất vọng còn đang chờ. Một số nhìn đời bi quan thống khổ, có thể được dung thứ khi nào họ chỉ đơn giản cảm thấy không thích cuộc đời, nhưng khi họ bắt đầu bỏ cuộc sống vô vọng đó để thử tìm ẩn trú vào một cuộc đời tốt đẹp hơn bằng cách khổ hạnh ép xác thì họ đáng bị khinh tởm. Đức Phật dạy rằng cả hai cực đoan hưởng lạc và khổ hạnh phải tránh xa và trung đạo mới là con đường lý tưởng để theo. Điều đó không có nghĩa là chỉ cần xa lánh hai thái cực và đi theo trung đạo như là con đường duy nhất còn lại để trốn chạy cuộc đời. Mà đúng hơn là ta phải siêu việt chúng, chứ không phải chạy trốn một cách đơn giản cả hai cực đoan ấy. 

Tóm lại, giáo lý của đức Phật dựa trên quan điểm “như thực tri kiến”. Điều đó có nghĩa là ta phải biết những sự kiện chân thực chung quanh cuộc sống trần gian của ta, nhìn nó mà không biện giải, và hằng ngày tu chỉnh đạo đức cho cuộc sống tùy theo tri kiến ấy. 

Quan niệm rằng thế gian này không có gì ngoài sự đau khổ - cho đến hạnh phúc rồi cũng phải chung kết trong đau khổ - một trong những định đề của Phật giáo. Người ta có thể cho rằng ý niệm đó, xem đời là khổ, không gì khác hơn là bi quan. Thật là không đúng. Quan điểm đó như thế này: trong đời sống hiện tại vừa có hạnh phúc vừa có đau khổ. Thật là nông cạn mới nghĩ rằng thế giới này toàn là hạnh phúc. Cái mà người ta xem là lạc thú, nó sẽ gây đau khổ khi lạc thú chấm dứt. Nói cách khác, khổ đau đã nằm ẩn trong khoái lạc rồi. Vì vậy, phải nhìn cuộc đời như là một tràng tiếp nối khổ đau. Như vậy không nên than thở về điều đó. Nếu ai không biết rằng hạnh phúc là mầm đau khổ, họ sẽ vô cùng chán nản khi đau khổ hiện đến. Đức Phật dạy rằng chúng ta nên nhận thức đau khổ là đau khổ, chấp nhận nó như thực kiến và chống lại nó. Từ đó, đức Phật nhấn mạnh đến chuyên cần, tinh tấn và nhẫn nhục. Nhẫn nhục là một trong Lục độ. Nói vắn tắt, trong cuộc sống có cả khoái lạc và đau khổ, nhưng ta không được chán nản khi đau khổ đến, cũng như không được sa đọa khi hạnh phúc đến. Cả hai, khoái lạc và đau khổ đều phải được chúng ta dè dặt và chống lại với tận cùng sức lực của ta. Vì lẽ đó mà tinh tấn được kể trong Lục độ. 

Trung đạo không có nghĩa là chối từ cuộc sống mà là bước vào cuộc sống và do đó không có nghĩa là trở thành nô lệ cuộc sống.

Quan điểm của đức Phật về thực tại đó càng ngày càng phát triển và trở thành triết lý của đạo Phật. Thể hiện điều đó trong cuộc sống thực tế của con người, đó là khía cạnh tôn giáo của đạo Phật. 

Ngoài đạo Phật ra, vẫn có nhiều tư tưởng gia cố gắng thiết lập tư tưởng của họ trên phương diện lạc quan hay bi quan. Ngay cả trước thời đức Phật cũng đã có hai luồng tư tưởng đó rồi. Tư tưởng lạc quan phát triển thành những chủ nghĩa duy nhiên, khoái lạc, duy vật, cơ giới… Vào thời đức Phật, chủ nghĩa duy vật còn mạnh hơn là chúng ta thấy bây giờ. Phái bi quan phát triển theo đường hướng mà chúng ta có thể nói là có tính tôn giáo hơn. Họ lý luận rằng vì cơ thể chúng ta (thân thể và tinh thần) là bất toàn, chúng ta cần phải chiến thắng nó bằng cách ép xác để có thể được sinh vào cõi thiên đường ở kiếp sau. Từ đó, họ phát minh nên nhiều phương cách khắc kỷ và tu tập theo. Đức Phật đã từng chối bỏ lối tu này. 

Bởi vì quan điểm của đức Phật đối với bi quan và lạc quan rất sáng tỏ nên chẳng có người nào trong Phật giáo mà lại đi lạc theo chủ nghĩa duy vật hay lối tu ép xác cả. Tóm lại, hai thái cực lạc quan và bi quan đều bị chận đứng bởi học thuyết trung đạo của đức Phật. Như vậy, Phật giáo là phác đồ chống lại mọi sự xâm lăng của cả hai chủ nghĩa duy vật và khổ hạnh. 

3. TỰ NGÃ LÀ GÌ?

Đức Phật xem thế giới này là thế giới của khổ đau, và dạy những phương pháp đối trị nó. Vậy, cái do đâu khiến thế giới này toàn khổ đau? Lý do đầu tiên, như đức Phật đã dạy, là các pháp đều vô ngã, nghĩa là vạn vật - hữu tình hay vô tình - tất cả không có cái mà chúng ta có thể gọi là bản ngã hay thực thể. Ta thử khảo sát con người. Một người không thể xem hạch nhân hay hồn của y là một thực ngã. Y hiện hữu, nhưng không thể nào nắm được cái thực thể của y, không thể tìm thấy được hạch nhân của y, bởi vì hiện hữu của con người không gì ngoài cái “hiện hữu tùy thuộc vào một tràng nhân duyên”. Mọi vật hiện hữu đều là vì nhân duyên, và nó sẽ tan biến khi những tác dụng của tràng nhân duyên đó chấm dứt.

Những làn sóng trên mặt nước quả là hiện hữu, nhưng có thể gọi mỗi làn sóng đều có tự ngã không? Sóng chỉ có khi mà gió lay động. Mỗi làn sóng đều có riêng đặc tính tùy theo sự phối hợp của những nhân duyên, cường độ của gió và những chuyển động, phương hướng của gió... Nhưng khi mà những tác dụng của những nhân duyên đó chấm dứt, sóng sẽ không còn nữa. Cũng vậy, không thể nào có cái ngã biệt lập với nhân duyên được. 

Khi con người còn là một hiện hữu tùy thuộc một tràng nhân duyên thì, nếu y cố gắng trì giữ lấy chính mình và nhìn mọi vật quanh mình từ quan điểm độc tôn ngã là một điều thật vô lý. Mọi người phải từ bỏ cái ngã của mình, cố gắng giúp đỡ kẻ khác và phải nhận thức cái hiện hữu cộng đồng, vì không thể nào con người hoàn toàn hiện hữu độc lập được. 

Nếu mọi vật đều hiện hữu tùy thuộc vào tràng nhân duyên thì cái hiện hữu đó cũng chỉ là một hiện hữu tùy thuộc điều kiện mà thôi; không có một vật nào trong vũ trụ này có thể trường tồn hay biệt lập. Do đó, đức Phật dạy rằng vô ngã là yếu tính của vạn vật và từ đó tất yếu dẫn đến một lý thuyết nữa là vạn vật đều vô thường (anitya). 

Hầu hết mọi người đều dốc năng lượng vào việc bảo tồn hiện hữu và những tư hữu của mình. Nhưng thực ra, không thể nào tìm được hạch nhân cho hiện hữu của họ, cũng không thể bảo tồn nó đời đời. Không vật nào là không biến chuyển ngay cả trong một sát-na. Không những nó bất ổn trong tương quan với không gian mà nó cũng bất ổn trong tương quan với thời gian nữa. Nếu ta có thể tìm được một thế giới không có không gian và thời gian, thế giới đó mới thật là thế giới tự do chân thật, tức là Niết bàn (Nirvāṇa). 

Nếu, như những nhà vật lý hiện đại xác nhận, không gian thì gấp khúc và thời gian thì tương đối, thế giới của không gian thời gian này là cái tù ngục mà chúng ta không thể nào thoát ra được - chúng ta đã bị buộc chặt trong vòng nhân quả rồi vậy.

Khi nào con người chưa tìm được cái thế giới không bị hạn cuộc bởi thời gian và không gian, con người vẫn còn phải là một tạo vật khổ đau.

Quả quyết rằng con người có thể đạt đến một trạng thái như thế, không bị cục hạn trong thời gian và không gian, đó là thông điệp của Phật giáo. Lẽ dĩ nhiên không có gì có thể được xem như là không gian vô hạn và thời gian vô cùng. Ngay cả khoa học vật lý ngày nay cũng không thừa nhận tính vô hạn của thời-không. Tuy nhiên, Phật đã xướng thuyết về lý tưởng Niết bàn (tịch diệt), theo nguyên tắc vô thường và vô ngã. Niết Bàn có nghĩa là hủy diệt sinh tử, hủy diệt thế giới dục vọng, hủy diệt những điều kiện thời-không.

Sau hết, Niết bàn có nghĩa là cảnh giới của giải thoát viên mãn. Vô ngã (không có cái bất biến), vô thường (không có cái trường tồn) là trạng huống thật sự của hiện hữu của chúng ta. Niết bàn, theo nghĩa tiêu cực là hủy diệt, theo tích cực là tròn đầy, là lý tưởng của chúng ta, ấy là giải thoát trọn vẹn. 

4. LÝ TƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO

Đoàn thể đặc biệt do Phật lập nên gọi là Thánh Chúng (Ārya saṅgha), với chủ đích đó là cái nôi của những con người cao quí. Vì truyền thống Bà-la-môn đã được thiết lập kiên cố, nên giai cấp bấy giờ đã được phân chia thật là rõ rệt. Bởi lẽ đó, đức Phật luôn luôn xác nhận rằng trong hàng Tăng chúng của Ngài không có phân biệt giữa Bà-la-môn (đạo sĩ) và võ tướng, hay giữa chủ và tớ. Ai đã được nhận vào hàng Tăng chúng đều cơ hội học hỏi và tu tập như nhau.

Để chống lại tính tự cao của giống dân A-ri-a và chống lại cách giống dân này đã mệnh danh cho những thổ dân hay những người di cư thời cổ đại, tức những người không phải là A-ri-a (anārya) là hạ tiện, đức Phật thường dạy rằng danh từ A-ri-en (ārya) 2 có nghĩa là cao quí và chúng ta không thể gọi một giai cấp nào là cao quí hay không cao quý được, bởi vì vẫn có những người hạ tiện trong cái giai cấp gọi là cao quý và đồng thời cũng có những người cao quý trong giai cấp hạ tiện. Khi chúng ta gọi cao quý hay đê tiện là chúng ta nói về một người nào đó chớ không thể cả toàn thể một giai cấp. Đây là vấn đề của tri thức hay trí tuệ chứ không phải vấn đề sinh ra ở giòng họ hay giai cấp nào. Do đó, chủ đích của đức Phật là tạo nên một người cao quý (ārya-pudgala: Thánh nhân), theo nghĩa một cuộc sống cao quý.

Thánh chúng (Ārya saṅgha) đã được thiết lập theo nghĩa đó. Thánh Pháp (ārya-dharma) và Thánh Luật (āryavinaya) được hình thành để cho những ai muốn trở thành cao quý. Con đường mà Thánh giả đi theo là con đường Thánh Đạo tám chi (ārya-aṣṭāṅgika-mārga) và cái sự thật mà Thánh giả tin theo là Bốn Thánh Đế (catvari āryasatyāni). Sự viên mãn mà Thánh giả đạt tới là Bốn Thành Quả (ārya phala) và tài sản mà Thánh giả sở đắc là Bảy Thánh Giác Chi (sapta ārya-dharma). Đó toàn là những đức tính tinh thần cả. Người học Phật không nên đánh mất ý nghĩa của từ ngữ “thánh” này vốn được áp dụng cẩn thận vào mỗi điểm quan trọng trong giáo pháp của đức Phật. Đức Phật, như vậy, đã cố gắng làm cho sống lại ý nghĩa nguyên thủy của từ “ārya (thánh)” nơi cá tính con người trong cuộc sống thường nhật của đồ chúng. Đức Phật có phải là một người A-ri-en hay không, chúng ta không thể nói được. Có người cho rằng ngài thuộc giống Indo-scythian, một số khác cho là người Indo-Sumerian. Vấn đề giòng giống không quan hệ đối với Ngài, là người mà tư tưởng siêu việt tất cả những phân biệt giai cấp và chủng tộc. Lý tưởng mà Ngài dựng lên phải được nhận thức là hoàn toàn thuộc cá nhân. Là con một người, Ngài đã dạy con người trở thành con người toàn thiện, nghĩa là con người của giác ngộ viên mãn. 

5. THÁNH ĐẾ LÀ GÌ ? ĐẠO LÀ GÌ?

Đức Phật đã trình bày ý tưởng đó trong Bốn Thánh đế như sau:
1. Đời sống hoàn toàn là khổ,
2. Đau khổ đó có nguyên nhân, (Hai chân lý trên mô tả hiện thực).
3. Nguyên nhân của đau khổ có thể bị hủy diệt,
4. Con đường để diệt khổ. (Hai chân lý sau diễn đạt lý tưởng).

Bốn Thánh đế được Thánh giả hay những người đang tu tập trên con đường đi đến Niết bàn tin theo. (Chữ “thánh” ở đây - ārya hay ariya - trong Phật giáo bao gồm cả những người còn đang tu tập hay những người đã đạt được thành quả)3

 Và để giải thích Bốn Thánh đế, đức Phật đã dạy Thánh Đạo tám chi mà Thánh giả tu tập theo:

1. Chính kiến 2.
Chính tư duy 3.
Chính ngữ
4. Chính nghiệp (Chính tư duy, Chính ngữ và Chính nghiệp là những yếu tố nhân cách.)
5. Chính tinh tấn
6. Chính niệm
7. Chính mạng5 (Ba Chính này là những yếu tố của cuộc sống con người hay những khía cạnh sinh động của nhân cách.)
8. Chính định, là động lực đưa con người vượt qua mọi thế giới gồm Dục, Sắc, Vô sắc và Xuất thế để đi đến Niết bàn (Pariṇirvāṇa), tức là Phật địa hay Phật quả.

Thánh Đạo tám chi còn có thể được xem như là nền đạo đức học thực nghiệm của Phật giáo dùng để huấn luyện đức tính của con người trở nên
cao đẹp hơn, đồng thời cũng là một con đường tôn giáo đưa con người đến giác ngộ, thành Phật.

Những cảnh giới đạt được do tu tập Thiền định:
Tinhhoatriethocpg
Thánh Đạo tám chi không phải là tổ hợp của những con đường khác nhau, mà đó là con đường nhất trí. Con Đường của Trực Ngộ (darśana-mārga: kiến đạo) đưa thánh giả đến nơi viên mãn. Giai đoạn thứ hai của con đường6 này là con đường tu tập hay Tu Đạo (bhāvana-mārga) được diễn tả là Bảy Bồ đề phần 7 như sau: 

1. Trạch pháp: tư duy và khảo sát về thực tại.
2. Tinh tấn
3. Hỉ
4. Khinh an
5. Niệm
6. Định
7. Xả

Rồi bậc Thánh đi đến giai đoạn sau cùng, là con đường không còn gì để học hỏi nữa, Vô học đạo. Khi đó, kết quả mà hành giả hướng đến khi tu tập Bốn Thánh đế sẽ tự đến.

Ba giai đoạn trên hành giả phải trải qua khi tu tập Bốn Thánh đế. Giai đoạn đầu: Thánh đế được tu tập bằng cách thực hành Thánh Đạo tám chi, kế đến, Thánh đế được quan sát tinh tường bằng bảy Giác chi và cuối cùng là chứng nghiệm hoàn toàn bằng Vô học đạo. 

Khi Thánh giả đạt đến giai đoạn cuối cùng này thì trở thành một vị A-la-hán (Arahat). Theo Tiểu thừa, đó là quả vị cao nhất của giác ngộ. Nhưng theo Đại thừa, A-la-hán chỉ mới giác ngộ được một phần mà thôi. Lý tưởng của đạo Phật là hoàn tất phẩm chất của một con người, hay là đưa con người tiến đến Phật quả bằng căn bản trí tuệ và giới hạnh (là nhân cách cao nhất). Đó là những đặc điểm của đạo Phật.