Từ Bi Thủy Sám

Monday, 25 July 20167:05 PM(View: 9962)
Từ Bi Thủy Sám
TỪ BI THỦY SÁM
Thích Trí Quang dịch

Lời Ghi

Dịch sách này tôi cố dùng câu 4 chữ là để dễ tụng. Dẫu rằng như thế có chỗ hơi thừa, có chỗ hơi thiếu, có chỗ phải vụng. 

Trí Quang 

Tiểu Dẫn

Thủy sám là tên tắt, do chính tác giả dùng trong văn. Tên tắt này gọi đủ là Từ bi thủy sám pháp. Sám pháp, gọi tắt là sám, nghĩa là phương pháp sám hối. Phương pháp này mệnh danh Từ bi thủy, gọi tắt là thủy, nghĩa là nước từ bi. Tại sao mệnh danh như vậy thì bài Tựa có nói rõ. 

So với bản in thứ nhất, và thứ nhì, bản in thứ ba này chỉ để phần dịch nghĩa, bỏ phần dịch âm. 

Nguyên văn Thủy sám, mà bản in thứ hai đối chiếu để chữa, nằm trong Đại tạng kinh, quyển 45, các trang 967-978, mang số hiệu 1910. 

Thủy sám có 2 bản chú thích xưa, vào đời Thanh của Trung hoa, và 1 bản mới. 2 bản xưa, 1 của ngài Trí chứng, 1 của ngài Tây tôn. Cả 2 cùng nằm trong Tục tạng kinh, sách 129, liên tiếp từ tờ 145 đến tờ 263. Còn bản mới là của ngài Đế nhàn, nằm trong Đế nhàn đại sư di tập, trọn tập 10. Trong 3 bản chú thích này, bản trước nhất của ngài Trí chứng, cẩn trọng hơn cả. Sự sửa chữa trong bản in thứ hai đã tham chiếu tất cả tài liệu trên đây. 

Ký hiệu dẫn dụng sẽ là, thí dụ: Chính 45/967, là trang 967, quyển 45 của Đại tạng kinh bản Đại chính; Vạn 129/145, là tờ 145, sách 129 của Tục tạng kinh bản chữ Vạn. 

Thủy sám không nêu đại đề tiểu đề, nhưng trong lời văn lại có đủ và rõ. Nay tôi căn cứ lời văn ấy mà nêu đại đề tiểu đề cho dễ nhận. Khi tụng, chỉ tụng những chữ lớn. Mọi chữ nhỏ không tụng. 

Bản chữa và in lần thứ 3 này là định bản về Thủy sám tôi dịch. 

Tựa (1)

 

Thiết nghĩ, ngoài thánh điển kinh luật luận được phiên dịch mà có, những tác phẩm của các ngài tiếp theo sau đó thì không thứ nào được viết ra mà không có chỗ sở cảm. Điều đó, nếu nhất nhất nêu lên thì khó mà ghi lại cho hết. Nhưng, ngay như bản linh văn này mà mệnh danh Thủy sám, là vì nguyên do mà tôi xin kể lại sau đây. 

Xưa kia, đời Đường, triều vua Ý tông, có ngài Ngộ đạt quốc sư, pháp danh Tri huyền. Khi chưa là quốc sư, tại kinh đô, tình cờ ngài gặp một tăng nhân, nhưng quên hỏi chỗ ở của vị này. Vị này bị bịnh ca ma la (2) . Ai cũng gớm, chỉ ngài Tri huyền gần gũi, luôn luôn thăm hỏi săn sóc, chưa bao giờ có một vẻ ghê chán. Vì vậy, khi chia tay, vị ấy cảm cái nghĩa và tác phong của ngài, dặn rằng, sau này ngài sẽ bị nạn, lúc đó hãy tìm nhau tại núi Trà lũng (3) ở Bành thành, thuộc Tây Thục, chỗ có hai cây tùng làm dấu. 

Sau đó, ngài Ngộ đạt đến chùa An quốc, đạo đức rực rỡ. Ý tông thân hành đến pháp tịch của ngài, ban pháp tọa bằng gỗ trầm hương và cung phụng rất hậu. Nhưng cũng từ đó, đầu gối của ngài tự nhiên mọc cái mụt "mặt người", mắt mày răng miệng đủ cả, thỉnh thoảng đút cho đồ ăn thức uống thì cũng há miệng nuốt như người vậy. Danh y mời đủ cả mà ai cũng bó tay. 

Ngài nhớ lại lời dặn của vị tăng nhân ở chung ngày trước, nên vào núi tìm. Nhằm lúc trời đã chiều tối, ngài bàng hoàng nhìn khắp bốn phía, thấy hai cây tùng ở trong chỗ mây khói. Tin lời ước hẹn là đúng, ngài bước ngay đến chỗ ấy. Thì là lầu cao, điện lớn, ánh sáng vàng và ngọc giao xen với nhau. Vị tăng nhân đã đứng đầu cửa, đón tiếp niềm nở, và mời ngài ngủ lại. Ngài đem cái khổ của mình nói với tăng nhân thì vị này bảo không hại gì, dưới núi này có một con suối, sáng ngày xuống rửa là khỏi. 

Sáng sớm, đạo đồng dẫn ngài xuống suối, mới vốc nước, mụt ghẻ mặt người đã kêu lớn lên, khoan rửa đã, ngài là kẻ biết nhiều, hiểu rộng, đọc hết cổ kim, vậy mà ngài đã đọc cái chuyện Viên Án với Triệu Thố trong Tây Hán thư chưa? Đọc rồi, ngài Ngộ đạt trả lời. Cái mụt lại bảo, đọc rồi mà ngài không biết Viên Án đã giết Triệu Thố sao? Ngài là Viên Án, còn Triệu Thố là tôi đây. Triệu Thố bị chém ngang lưng ở chợ phía đông, oan khốc đến mức nào. Nên bao đời tôi đã tìm cách báo ngài. Nhưng ngài mười đời đều làm cao tăng, giới luật nghiêm tịnh, sự báo oán của tôi không có cơ hội. Nay ngài hưởng sự đãi ngộ của vua chúa quáxa xỉ, lòng danh lợi mống lên, cái đức có phần thương tổn, tôi mới hại ngài được. Ngày nay, mong ơn tôn giả Ca nặc rửa cho tôi bằng nước "từ bi tam muội", từ nay sắp đi, tôi không còn là kẻ oan gia của ngài nữa. 

Ngộ đạt quốc sư nghe mà cơ hồ hồn phách thoát khỏi cơ thể, luôn tay vốc nước mà rửa, đau thấu xương tủy, ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Coi lại thì mụt ghẻ mặt người đã không còn nữa. Ngộ đạt quốc sư mới biết các vị hiền thánh xen lẫn dấu vết trong dân gian là điều mà người phàm khó lường biết nổi. Muốn trở lại chiêm bái, nhưng ngoái nhìn thì tự viện đã không còn. Vì vậy, Ngộ đạt quốc sư mới dựng thảo am ngay nơi chỗ ấy, và sau này thành một tự viện. Tống triều ta đây, niên hiệu Chí đạo, sắc tứ là Chí đức thiền tự, có vị cao tăng tên Tín, húy Cổ, viết bài ký sự ghi lại việc này rất rõ. 

Ngộ đạt quốc sư, lúc ấy, cảm kích sự kỳ lạ của Ca nặc tôn giả, thấm thía rằng oan trái nhiều kiếp phi gặp thánh nhân không làm sao cởi mở cho được. Nhân đó mà thuật lời thánh giáo, viết ra sám văn này, để hôm sớm lễ bái trì tụng, và sau đó đã phổ biến khắp cả nhân gian. Sám văn gồm có ba cuốn ngày nay là sám văn ấy. Đem nước từ bi tam muội rửa sạch oan nghiệp nhiều kiếp, lấy ý nghĩa đó để mệnh danh Thủy sám, là Ngộ đạt quốc sư cảm sự kỳ lạ của Ca nặc tôn giả, nên chính xác cái tên và nêu lên cái nghĩa như thế để báo đáp ơn ngài. Nay kể rõ sự thật từ ngày xưa, nêu cao cống hiến của người trước, là mong những kẻ sau này, hoặc lễ bái hoặc trì tụng, hễ dở sám văn ra là đã biết sự tích người xưa vốn có lý do, và nhân quả nhiều đời vẫn không khuất mờ.

 

 

Quyển 1

Khai Kinh


Chân ngôn làm sạch ngoại cảnh: Án lam (7 lần). 

Chân ngôn làm sạch thân miệng ý: 

Án sa phạ bà phạ, thuật đà sa phạ, đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám (3 lần). 

Hương thơm giữ giới, 

thiền định, tuệ giác, 

hương thơm giải thoát, 

cùng với hương thơm 

giải thoát thấy biết, 

làm thành đài mây 

chói sáng rực rỡ, 

bủa khắp pháp giới, 

hiến cúng mười phương 

các đấng Vô thượng, 

xứng với tự tánh 

làm mọi việc Phật, 

xông ướp chúng sinh 

phát tâm bồ đề, 

thoát bỏ vọng nghiệp, 

thành vô thượng giác. 

Nam mô hương cúng dường bồ tát, 

Nam mô hương cúng dường bồ tát, 

Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát. 

Đại từ đại bi 

thương xót chúng sinh, 

đại hỷ đại xả 

cứu vớt muôn loài, 

hào quang diệu tướng 

dùng tự trang nghiêm, 

chúng con chí thành 

qui y đảnh lễ. 

Phật với chúng con 

tánh vốn thanh tịnh, 

nên sự cảm ứng 

thật bất tư nghị; 

như những viên ngọc 

ảnh hiện với nhau, 

thập phương chư Phật 

ảnh hiện nơi con, 

thân con hiện trước 

thập phương chư Phật, 

con đem đầu mặt 

lạy sát chân Phật. 

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá hiện vị lai, thập phương Chư phật, Tôn pháp, Hiền thánh tăng, thường trú Tam bảo (1 lạy). 

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Sa bà giáo chủ, bổn sư Thích ca mâu ni phật, Đương lai Di lạc tôn phật, Đại trí Văn thù sư lợi bồ tát, Đại hạnh Phổ hiền bồ tát, Linh sơn hội thượng Phật Bồ tát (1 lạy). 

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới, đại từ đại bi A di đà phật, Đại bi Quan thế âm bồ tát, Đại lực Đại thế chí bồ tát, Thanh tịnh đại hải chúng bồ tát (1 lạy). 

Giọt nước trong sạch 

đầu cành dương chi, 

rưới thấm tất cả 

toàn cõi tam thiên, 

tự tánh chân không 

đức dụng đủ tám, 

lợi ích hết thảy 

nhân loại chư thiên, 

làm cho pháp giới 

thanh tịnh liên miên, 

diệt trừ tội nghiệp, 

sạch hết oan khiên, 

lửa ngọn đỏ rực 

biến thành sen hồng. 

Nam mô Đại bi Quan thế âm bồ tát (3 lần). 

Nam mô Đại bi hội thượng Phật Bồ tát (3 lần). 

Thần chú Tinh túy của đại từ bi. 

Nam mô hát ra đát na đá ra dạ da. Nam mô a rị da. Bà lô yết đế thước bát ra da. Bồ đề tát đỏa bà da. Ma ha tát đỏa bà da. Ma ha ca rô ni ca da. Án. Tát bàn ra phạt duệ. Số đát na đát tả. Nam mô tất cát lật đỏa y mông a rị da. Bà lô cát đế thất phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì. Hê rị ma ha bàn đa sa mế. Tát bà a tha đậu du bằng. A thệ dựng. Tát bà tát đá na ma bà dà. Ma phạt đặc đậu. Đát điệt tha. Án. A bà lô hê, lô ca đế. Ca ra đế. Di hê rị. Ma ha bồ đề tát đỏa. Tát bà tát bà. Ma ra ma ra, ma hê ma hê rị đà dựng. Câu lô câu lô yết mông. Độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế. Đà ra đà ra. Địa rị ni. Thất phật ra da. Dá ra dá ra. Mạ mạ. Phạt ma ra. Mục đế lệ. Y hê y hê, thất na thất na. A ra sâm phật ra xá lị, phạt sa phạt sâm. Phật ra xá da. Hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị. Sa ra sa ra. Tất rị tất rị. Tô rô tô rô. Bồ đề dạ bồ đề dạ. Bồ đà dạ bồ đà dạ. Di đế lị dạ. Na ra cẩn trì. Địa lị sắc ni na. Ba dạ ma na, sa bà ha. Tất đà dạ, sa bà ha. Ma ha tất đà dạ, sa bà ha. Tất đà du nghệ. Thất bàn ra dạ, sa bà ha. Na ra cẩn trì, sa bà ha. Ma ra na ra, sa bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, sa bà ha. Sa bà ma ha a tất đà dạ, sa bà ha. Giả cát ra a tất đà dạ, sa bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, sa bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra da, sa bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, sa bà ha. Nam mô hát ra đát na đá ra dạ da. Nam mô a lị da, Bà lô cát đế, Thước bàn ra dạ, sa bà ha. Án tất điện đô, Mạn đa ra, Bạt đà da, sa bà ha. 

Kính lạy đức Thế tôn, 

qui y các Phật đà, 

nay con phát đại nguyện, 

trì tụng văn Thủy sám, 

trên trả bốn ân nặng, 

dưới giúp ba đường khổ. 

Những người thấy nghe được, 

đều phát tâm bồ đề, 

thực hành hạnh trí tuệ, 

tập hợp mọi phước đức, 

báo thân này kết thúc, 

cùng sinh cõi Cực lạc.

(Nếu bái sám cho người, bái sám để cầu an hay cầu siêu, đều phải tác bạch rõ ràng ở đây, về tên mình, tên người mình cầu và cầu mục đích nào. Đại khái, đệ tử tên X X, nguyện bái sám theo văn Thủy sám để cầu cho X X được thân tâm an lạc hay được vãng sinh tịnh độ). 

Phật pháp tuyệt diệu 

cực kỳ cao xa, 

trăm ngàn vạn kiếp 

khó mà gặp được; 

nay con thấy nghe 

lại được thọ trì, 

nguyện cầu thấu hiểu 

ý thật của Phật. 

Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni phật (3 lần). 

*

Mở đầu vận dụng phương pháp sám hối "đạo tràng từ bi", chúng con nhất tâm đem cả tính mạng qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật trong ba thì gian: 

Nam mô quá khứ Tì bà thi phật, 

Nam mô Thi khí phật, 

Nam mô Tì xá phù phật, 

Nam mô Câu lưu tôn phật, 

Nam mô Câu na hàm mâu ni phật, 

Nam mô Ca diếp phật, 

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật, 

Nam mô đương lai Di lạc tôn phật. 

Lý Do Sám Hối

Hết thảy chư Phật, vì thương chúng sinh, đã nói tổng quát về pháp Thủy sám, bằng cách đem nước từ bi tam muội rửa sạch tội lỗi. Lý do là vì phiền não con người quả thật quá nặng, ai mà không tội, ai chẳng lỗi lầm? Phàm phu ngu muội, vô minh khuất lấp, thân gần bạn xấu, phiền não loạn tâm, bẩm tính si mê, buông thả tự thị. Không tin Phật đà, không tin Phật pháp, không tin Thánh tăng, không hiếu cha mẹ, họ hàng bà con. Tuổi trẻ phóng túng, tự kiêu tự thị. Đối với tài sản, ca nhạc nữ sắc, lòng sinh đam mê, ý nổi phiền não. Bạn với phàm tục, thân với kẻ ác, không biết đổi bỏ. Hoặc là sát sinh, hoặc là rượu chè, hoặc lại ngu si, đồng đẳng kẻ ác, làm các nghịch tội, phá các tịnh giới. Một cách tổng quát, tội lỗi quá khứ, cũng như ác nghiệp trong đời hiện tại, chúng con ngày nay chí thành sám hối, những điều chưa phạm nguyện không dám làm. 

Vì lý do đó, ngày nay chúng con chí thành đảnh lễ hết thảy chư Phật, chư Đại bồ tát, Bích chi La hán, Phạn vương Đế thích. Thiên long bát bộ, hết thảy Thánh chúng khắp cả mười phương, cùng tận không giới, nguyện xin các ngài từ bi chứng giám: 

Nam mô Tì lô giá na phật, 

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật, 

Nam mô A di đà phật, 

Nam mô Di lạc phật, 

Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật, 

Nam mô Long tự tại vương phật, 

Nam mô Bảo thắng phật, 

Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật, 

Nam mô Ca sa tràng phật, 

Nam mô Sư tử hống phật, 

Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát, 

Nam mô Phổ hiền bồ tát, 

Nam mô Đại thế chí bồ tát, 

Nam mô Địa tạng bồ tát, 

Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát, 

Nam mô Quan tự tại bồ tát. 

Căn Bản Sám Hối

Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Nhưng muốn sám hối, thì việc trước hết, là phải qui kính ba ngôi vô thượng. Lý do là vì ba ngôi vô thượng là người bạn hiền, và là ruộng phước, của cả chúng sinh. Qui kính ba ngôi vô thượng như vậy, thì diệt trừ được vô lượng tội ác, và tăng trưởng được vô lượng phước thiện, làm cho hành giả thoát ly sinh tử, thực hiện giải thoát. Vì vậy chúng con:

Qui y đảnh lễ hết thảy Phật đà khắp cả mười phương, cùng tận không giới (1 lạy). 

Qui y đảnh lễ hết thảy Phật pháp khắp cả mười phương, cùng tận không giới (1 lạy). 

Qui y đảnh lễ hết thảy Thánh tăng khắp cả mười phương, cùng tận không giới (1 lạy). 

Những Điều Sám Hối

Chúng con ngày nay sở dĩ sám hối, là vì vô thỉ cho đến hiện tại, ở trong cương vị của kẻ phàm phu, bất luận sang hèn, sắc thái tội lỗi thật là vô lượng. Hoặc do ba nghiệp mà tạo tội ác, hoặc do sáu căn mà sinh lỗi lầm, hoặc vì nội tâm tư duy bất chính, hoặc vì ngoại cảnh làm cho mê hoặc, tội lỗi như vậy tăng lên cho đến mười thứ ác nghiệp, tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. 

Sắc thái tội lỗi tuy thật vô lượng, đại thể mà nói, không ngoài ba thứ, một là phiền não, hai là ác nghiệp, ba là khổ báo. Cả ba thứ này có thể trở ngại tuệ giác giải thoát của các thánh giả, lại còn trở ngại quả báo tốt đẹp của cả nhân thiên, nên trong khế kinh mệnh danh ba chướng. Và cũng vì vậy, chư Phật Bồ tát dạy cách áp dụng phương pháp sám hối để trừ diệt đi. Diệt được ba chướng thì sáu giác quan, mười thứ ác nghiệp, cho đến tám vạn bốn ngàn trần lao đều sạch tất cả. 

Phương Tiện Sám Hối

Vì lý do đó, đệ tử chúng con hôm nay vận dụng tâm chí vượt bậc, sám hối ba chướng. Nhưng phải vận dụng tâm chí vượt bậc có sắc thái nào, mới mong diệt được cả ba chướng ấy? 

Trước khi sám hối, cần phải vận dụng tâm chí vượt bậc có bảy sắc thái để làm phương tiện, thì cả ba chướng mới tận diệt được. Bảy sắc thái ấy, một là hổ thẹn, hai là sợ hãi, ba là chán bỏ, bốn là dũng mãnh phát bồ đề tâm, năm là quan niệm thân thù bình đẳng, sáu là thiết tha nghĩ báo ơn Phật, bảy là quán sát tội tánh vốn không. 

Thứ nhất hổ thẹn, là tự nghĩ rằng chúng ta cùng với bổn sư Thế tôn đồng là phàm phu, vậy mà ngày nay Thế tôn thành đạo trải qua kiếp số quá hơn cát bụi, còn chúng ta đây đam mê lục trần, lưu chuyển sinh tử, chưa thấy giải thoát. Điều ấy mới thật đáng xấu hổ nhất. 

Thứ hai sợ hãi: đã là phàm phu thì thân miệng ý luôn luôn thích ứng với mọi tội lỗi. Vì lý do đó mà sau khi chết, chúng ta sẽ phải đọa lạc địa ngục, ngạ quỉ súc sinh, chịu khổ vô cùng. Điều ấy mới thật đáng sợ hãi nhất. 

Thứ ba chán bỏ: hãy thường quán sát, ở trong phạm vi sinh tử luân hồi, chỉ có vô thường, đau khổ không thật, không có bản ngã, bất tịnh hư ảo, thoạt hiện thoát biến in như bóng nước, quay qua đảo lại y hệt bánh xe. Sinh lão bịnh tử, tám thứ đau khổ thi nhau chưng nấu, liên miên không ngừng. Chúng ta chỉ nhìn thân mình mà thôi, cũng đủ để thấy, từ đầu đến chân, toàn thân thường có ba mươi sáu vật (4) toàn vật bất tịnh, chín lỗ bài tiết, bài tiết dơ bẩn. Vì vậy trong kinh mô tả như sau, thân thể là nơi khổ não tập hợp, toàn bộ chỉ là bất tịnh dơ bẩn, ai người trí tuệ thích được thân ấy? Sinh tử là nơi tập hợp đủ thứ ác pháp như vậy, thật đáng thoát bỏ. 

Thứ tư dũng mãnh phát bồ đề tâm: trong kinh khuyến cáo nên thích thân Phật, vì lẽ thân Phật tức là pháp thân, được phát sinh bởi vô lượng phước đức, vô lượng trí tuệ, tức là sáu thứ ba la mật đa, từ bi hỷ xả, ba mươi bảy thứ bồ đề phần pháp, bởi các thành phần của mọi phước đức và mọi trí tuệ lớn lao như vậy, mà phát hiện được pháp thân của Phật. Muốn được thân ấy thì phải chí thành phát bồ đề tâm, cầu nhất thế trí - trí tát bà nhã (5) thường lạc ngã tịnh - làm sạch thế giới, làm nên chúng sinh, tính mạng tài sản không hề lẫn tiếc. Thứ năm quan niệm thân thù bình đẳng: từ bi thương xót hết thảy chúng sinh, không chia thân thù. Tại sao như vậy? Vì thấy kẻ thù khác với người thân, như vậy tức là có sự phân biệt, có sự phân biệt là có vướng mắc: chính sự vướng mắc phát sinh phiền não, rồi vì phiền não mà tạo ác nghiệp, vì tạo ác nghiệp mà bị khổ báo. Thứ sáu thiết tha nghĩ báo ơn Phật, vì lẽ xưa kia, trong vô lượng kiếp, chính Phật đã bỏ đầu mắt tủy não, chi tiết tay chân, quốc gia thành trì, vợ đẹp con khôn, đã bỏ voi ngựa, bảy thứ quí báu (6) vì thương chúng ta mà đã tu tập vô số khổ hạnh. Ân đức như vậy thật khó báo đáp. Nên trong khế kinh huấn thị như sau, dầu đội trên đầu hay vác hai vai, trải qua nhiều kiếp như cát sông Hằng, cũng chưa thể nào báo đáp ơn Phật. Muốn báo ơn Phật thì ngay đời này, phải cố nỗ lực, dũng mãnh tinh tiến, chịu khổ chịu nhọc, không tiếc thân mạng, hộ trì Tam bảo, truyền bá đại thừa, cảm hóa chúng sinh đồng vào biển giác. 

Thứ bảy quán sát tội lỗi vốn không, vì lẽ tội lỗi chỉ do nhân duyên mà được phát sinh, thực chất chỉ có bởi sự thác loạn. Đã do nhân duyên phát sinh tội lỗi, thì tội lỗi ấy cũng do nhân duyên mà bị tiêu diệt. Nhân duyên làm cho tội lỗi phát sinh là gần bạn xấu, hành động thác loạn (7) , nhân duyên làm cho tội lỗi tiêu diệt là chính ngày nay gột rửa tâm trí, chí thành sám hối. Vì lý do này, trong kinh huấn thị, thực thể tội lỗi không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải trung gian, cho nên tội lỗi thực thể vốn không. 

Nghĩ Nhớ Tam Bảo Để Sám Hối

Phát khởi tâm chí có bảy sắc thái như đã nói rồi, hãy cố chuyên chú nghĩ tưởng chư Phật, chư vị hiền thánh khắp cả mười phương, đảnh lễ chí thành, bộc bạch khẩn thiết, phơi trải tim gan, tẩy rửa lòng dạ, hổ thẹn đổi bỏ. Sám hối cách đó, tội nào không mất, phước nào không sinh? Nếu không như vậy, mà lại đủng đỉnh chần chờ buông thả, tâm ý xáo động, thì chỉ mệt xác, đâu có ích gì. 

Cảnh Giác Vô Thường Và Khổ Báo Để Sám Hối

Huống chi mạng người thực chất vô thường, y như đèn đuốc lung lay trước gió. Một hơi thở ra không trở vào lại, thì thân này đây đã đồng tro đất. Quả báo khốc liệt ở trong tam đồ chính mình chịu lấy, tiền tài châu ngọc cũng không hối lộ mà cầu thoát khỏi. Mịt mù mênh mang, ân xá đâu có, chịu khổ một mình, nào ai thế được. 

Cảnh Giác Tội Lỗi Để Sám Hối

Đừng nên tự hào, rằng trong đời này ta không lầm lỗi, như vậy cần chi khẩn thiết sám hối. Vì lẽ trong kinh đã dạy như sau, những kẻ phàm phu động chân cất bước toàn là tội lỗi (8) . Huống chi đời trước đã làm đủ cả vô số ác nghiệp. Nghiệp ấy theo ta như bóng theo hình. Như vậy nếu ta không biết sám hối, thì mọi tội lỗi ngày càng sâu nặng. Vì lý do đó, chúng ta biết rằng, che dấu tội lỗi Phật không chấp nhận, bộc bạch sám hối Bồ tát tán thưởng (9) . Cũng vì lẽ đó, chúng ta lại biết, nguyên nhân làm cho chúng ta chìm mãi trong biển đau khổ, đích xác là vì che dấu tội lỗi. 

Vì vậy ngày nay chúng con chí thành phát lộ sám hối, không còn dám có ý tưởng che dấu tội lỗi đã tạo. 

Sám Hối Phiền Não

Như trước đã nói, chướng có ba thứ, một là phiền não, hai là ác nghiệp, ba là khổ báo. Ba thứ chướng này lại nhân vì nhau: nhân vì phiền não mới nổi ác nghiệp, nhân vì ác nghiệp mới bị khổ báo. Vì lý do đó, ngày nay chúng con chí thành sám hối. Trước hết chúng con chí thành sám hối về các phiền não. 

Sám Hối Căn Bản Của Phiền Não

Nhưng các phiền não đều do ý nghiệp. Lý do là vì ý nghiệp phát động, thì cả thân miệng tùy theo mà động. Ý nghiệp có ba, một là tham lẫn, hai là giận dữ, ba là ngu tối. Chính vì ngu tối mà nổi tà kiến, mà tạo ác nghiệp. Và vì điều này, trong kinh đã nói, nghiệp tham sân si làm cho mọi người sa vào địa ngục, ngạ quỉ súc sinh, chịu đủ thống khổ; nếu được trở lại làm thân con người, thì bị nghèo nàn, cô thế cô độc, hung dữ đần độn, u mê vô trí, cọng với bao nhiêu quả báo khác nữa của các phiền não. Ý nghiệp đã có mọi thứ khổ báo nặng nề như vậy, ngày nay chúng con chí thành qui y, đảnh lễ chư Phật, khẩn cầu sám hối. 

Sám Hối Tính Chất Qua Danh Nghĩa Của Phiền Não

Phiền não ý nghiệp, chính các đức Phật, các vị Bồ tát, và các Thánh giả thể nhập chân lý, đã từng trách cứ bằng nhiều từ ngữ. Các ngài đã bảo nó là kẻ thù, vì đã giết chết tính mạng tuệ giác. Nó là giặc cướp, vì đã cướp đoạt hết thảy thiện pháp. Nó là dòng sông nước chảy cuồn cuộn, trôi cuốn mọi người vào trong biển cả sinh tử thống khổ. Nó là xích khóa, xích khóa chúng sinh trong ngục sinh tử, không cho giải thoát. Vì lý do đó, sáu nẻo không cùng, bốn loài bất tận, ác nghiệp miên man, khổ báo mãi hoài, tất cả đều vì phiền não tác hại. Cho nên ngày nay, chúng con vận dụng thiện tâm tăng thượng như trước đã nói, khẩn cầu sám hối. 

Sám Hối Nhân Duyên Của Phiền Não (10) 

Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc ở loài người, hoặc trong loài trời, trong cả lục đạo, chịu đủ quả báo, tuy có tâm thức mà thường ngu muội, một sự ngu muội tràn lòng đầy dạ. Vì lý do đó, hoặc do ba độc mà nổi phiền não, hoặc do ba lậu mà nổi phiền não, hoặc do ba khổ mà nổi phiền não, hoặc do ba đảo mà nổi phiền não, hoặc do ba hữu mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả. 

Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do bốn trụ mà nổi phiền não, hoặc do bốn lưu mà nổi phiền não, hoặc do bốn thủ mà nổi phiền não, hoặc do bốn chấp mà nổi phiền não, hoặc do bốn duyên mà nổi phiền não, hoặc do bốn đại mà nổi phiền não, hoặc do bốn phược mà nổi phiền não, hoặc do bốn tham mà nổi phiền não, hoặc do bốn sinh mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả. 

Đệ tử chúng con kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do năm trú mà nổi phiền não, hoặc do năm cái mà nổi phiền não, hoặc do năm xan mà nổi phiền não, hoặc do năm kiến mà nổi phiền não, hoặc do năm tâm mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả. 

Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do sáu căn mà nổi phiền não, hoặc do sáu thức mà nổi phiền não, hoặc do sáu thọ mà nổi phiền não, hoặc do sáu tưởng mà nổi phiền não, hoặc do sáu hành mà nổi phiền não, hoặc do sáu ái mà nổi phiền não, hoặc do sáu nghi mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả. 

Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do bảy lậu mà nổi phiền não, hoặc do bảy sử mà nổi phiền não (11) , hoặc do tám đảo mà nổi phiền não, hoặc do tám cấu mà nổi phiền não, hoặc do tám khổ mà nổi phiền não. Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại hết thảy lục đạo chúng sinh, ngày nay chúng con tàm quí phát lộ, sám hối tất cả. Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, hoặc do chín não mà nổi phiền não, hoặc do chín kiết mà nổi phiền não, hoặc do chín duyên mà nổi phiền não, hoặc mười phiền não gây ra tội lỗi, hoặc do mười triền, mười một biến sử, mười hai thứ nhập, mười sáu tri kiến, mười tám thứ giới, hai mươi lăm ngã, sáu mươi hai kiến, hoặc do kiến hoặc tám mươi tám sử, cọng với mười sử thuộc về tư hoặc, hoặc do một trăm lẻ tám phiền não bùng cháy ngày đêm, mở hết cửa ngõ cho mọi sơ hở (12) mà gây tội lỗi, tác hại hiền thánh, cùng với toàn thể bốn loài chúng sinh. Tràn đầy tam giới, khắp hết lục đạo, không một chỗ nào tránh chúng cho khỏi. Ngày nay chúng con khẩn thiết hướng về mười phương Phật đà, Phật pháp Thánh chúng, tàm quí phát lộ sám hối tất cả. 

Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Nhân Duyên Của Phiền Não

Nguyện cho chúng con nhờ những công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân ba số, mà đời kiếp nào, ba tuệ cũng sáng, ba minh cũng chói, ba khổ cũng diệt, ba nguyện cũng thành. Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân bốn số, mà mọi đời kiếp, phát triển tất cả bốn vô lượng tâm, xây dựng bốn thứ tín tâm kiên cố, diệt sạch bốn chỗ ác đạo thống khổ, hoàn thành bốn thứ không còn sợ hãi. Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân năm số, mà mọi đời kiếp, siêu thoát ngũ đạo, xây dựng ngũ căn, lọc sạch ngũ nhãn, hoàn thành ngũ phần. Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân sáu số, mà đời kiếp nào, cũng đủ tất cả sáu thứ thần thông, sáu ba la mật, không bị sáu trần làm cho mê hoặc, hoạt động thường trực sáu thứ diệu hạnh. Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân bảy số, tám số chín số, cùng với mười số, mà mọi đời kiếp, ngồi trên cái hoa của bảy thanh tịnh, rửa bằng thứ nước của tám giải thoát, đầy đủ cái trí của chín đoạn trừ, hoàn thành cái hạnh của mười địa vị. 

Nguyện nhờ công đức sám hối mọi thứ phiền não xuất từ nguyên nhân mười một, mười hai mười tám, mà mọi đời kiếp, lý giải toàn bộ mười một không tánh, hằng ngày vận dụng cái không tánh ấy, ký thác tâm trí nơi không tánh ấy một cách tự tại, có thể chuyển vận bánh xe chánh pháp mười hai hàng lớp, hoàn thành trọn vẹn mười tám bất cọng, vô lượng công đức đầy đủ hết thảy. 

Phát nguyện xong rồi, chúng con chí thành đảnh lễ chư Phật: 

Nam mô Tì lô giá na phật, 

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật, 

Nam mô A di đà phật, 

Nam mô Di lạc phật, 

Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật, 

Nam mô Long tự tại vương phật, 

Nam mô Bảo thắng phật, 

Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật, 

Nam mô Ca sa tràng phật, 

Nam mô Sư tử hống phật, 

Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát, 

Nam mô Phổ hiền bồ tát, 

Nam mô Đại thế chí bồ tát, 

Nam mô Địa tạng bồ tát, 

Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát, 

Nam mô Quan tự tại bồ tát. 

Giá Trị Của Sự Sám Hối

Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Sám hối vốn là từ bỏ quá khứ, tu tỉnh tương lai, triệt hạ điều ác, xây dựng điều lành. Con người ở đời ai mà không lỗi? Thánh giả ở trong giai đoạn tu học, nếu hở chánh niệm, còn nổi phiền não, La hán mà vì tập quán phiền não, có lúc còn động thân nghiệp khẩu nghiệp. Huống chi phàm phu mà không tội lỗi? Có điều trí giả thì tự giác trước, nên biết sám hối và chừa bỏ được. Còn kẻ ngu muội thì cố dấu diếm, làm cho tội lỗi ngày càng thêm lên. Vì lý do này, tội lỗi chất chứa liên miên bất tận, còn sự tỉnh ngộ chưa biết lúc nào. Nếu biết hổ thẹn, phát lộ sám hối, thì thật không những hủy diệt tội lỗi, mà còn tăng thêm vô lượng công đức, xây dựng niết bàn mầu nhiệm như Phật. 

Lặp Lại Tâm Tư Để Sám Hối

Nếu muốn thực hành phương pháp sám hối, trước hết cần phải ngoài thì nghiêm chỉnh thân hình cử động, chiêm bái tôn tượng, trong thì phát khởi ý thức thành kính, chuyên chú quán tưởng, thiết tha thành khẩn đề khởi hai thứ suy tưởng sau đây. 

Thứ nhất tự nghĩ thân mạng ta đây thật khó giữ mãi, một mai tan rã, không biết lúc nào mới phục hồi được. Nếu rủi không gặp chư Phật hiền thánh, mà còn gặp phải bạn bè xấu ác, gây mọi tội lỗi, thì lại sa vào hố sâu chỗ hiểm. 

Thứ hai tự nghĩ trong đời này đây, tuy đã gặp được Phật pháp tuyệt diệu, nhưng ta không biết sống vì Phật pháp, nối tiếp dòng giống của các vì Thánh, bằng cách rửa sạch thân khẩu ý nghiệp, sống theo thiện pháp, lại còn đích thân lén lút làm ác, rồi cố che đậy, cho không ai thấy, bảo chẳng ai hay, gói lại trong lòng, ngoài mặt nghênh ngang, không biết xấu hổ. Như thế mới thật ngu nhất thiên hạ. Vì lẽ hiện có thập phương chư Phật, đại địa Bồ tát, chư thiên thiện thần, làm sao không thấy ta tạo tội ác bằng mắt thiên nhãn cực kỳ trong suốt? 

Lặp Lại Cảnh Giác Để Sám Hối

Lại còn thần linh, khuất mặt đã có, hiển hiện cũng có, ghi chép tội phước mảy may không sai. Nên kẻ tạo tội thì sau khi chết, ngục tốt đầu trâu lục nghiệp thức họ, bắt đến Diêm vương đối chất sự việc (13) . Bấy giờ hết thảy những kẻ oán hận đều hiện làm chứng. Kẻ bảo đời trước ngươi giết thân ta, nướng nấu chưng ram. Kẻ bảo đời trước ngươi đã bóc lột chiếm đoạt của ta, cướp hết tài sản. Kẻ bảo đời trước ngươi làm tan nát thân quyến của ta. Tất cả đều bảo, ngày nay chúng ta mới được cơ hội báo oán nhà ngươi. Chứng nhân hiện diện làm chứng như vậy, người chết làm sao dám chối dám cãi, chỉ còn cam tâm chịu hết oán cũ. 

Khế kinh đã nói, ở trong địa ngục không trị tội ai một cách oan uổng. Nếu bình sinh họ tạo ra tội ác mà họ quên đi, thì lúc sắp chết, hết thảy cảnh tượng của chỗ làm ác đều hiện ra cả, hết thảy nạn nhân của tội ác đó đều bảo ngày trước, đối với chúng ta, nhà ngươi đã làm tội ác như vậy, nay chối sao được. Tội nhân lúc ấy hết cách dấu diếm. Diêm vương tức thì nghiến răng quở trách, giao phó địa ngục, trong vô lượng kiếp hết cách cầu thoát. 

Việc này đâu xa, đâu dính kẻ khác, mà chính thân ta tự làm tự chịu. Dẫu cho chí thân như tình phụ tử, một khi quả báo phải đến đã đến, cũng không thể nào chịu thay cho được. Chúng ta đã được cái thân con người, cơ thể lại không mọi thứ bịnh tật thì tự mỗi người phải cố nỗ lực, đua với tính mạng. Cái nỗi sợ hãi lớn nhất đời người (14) bất thần ập đến, thì dẫu hối hận cũng không kịp nữa. Vì vậy ngày nay phải tận lòng thành, khẩn cầu sám hối. 

Sám Hối Những Phiền Não Nặng Nhất

Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, chất chứa vô minh, che tâm bít mắt, tùy theo tính chất của các phiền não, tạo tác đủ thứ tội ác lầm lỗi, suốt cả quá khứ hiện tại vị lai: Đam mê yêu thích: phiền não tham dục. Ôm lòng tác hại: phiền não sân hận. Rối ruột u mê: phiền não ngu si. Ngã mạn tự cao: phiền não kiêu ngạo. Nghi ngờ chánh pháp: phiền não do dự. 

Phủ nhận nhân quả: phiền não tà kiến. Không biết nhân duyên chỉ là giả hợp: phiền não chấp ngã. Mù mờ ba đời: phiền não chấp đoạn phiền não chấp thường. Cuồng tín đối với lý thuyết tai hại: phiền não kiến thủ. Cuồng tín đối với những kẻ chủ trương lý thuyết tai hại: phiền não giới thủ (15) . Cho đến bốn chấp: phiền não vọng chấp. Ngày nay chúng con chí thành khẩn thiết, sám hối tất cả. 

Sám Hối Những Phiền Não Nặng Và Sâu

Kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, tiếc giữ cứng chắc: phiền não xan lẫn. Buông thả sáu căn: phiền não phóng dật. Tâm hạnh tồi tệ: phiền não không nhẫn. Biếng nhác trì hoãn: phiền não không siêng. Thắc mắc nghĩ ngợi náo động mông lung: phiền não giác quán (16) . Đối cảnh mê hoặc: phiền não ngu muội. Cuốn theo tám thứ gió lộng của đời: phiền não nhân ngã. Nịnh khen trước mặt: phiền não dối trá. Dữ dằng khó chạm: phiền não không luyện (17) . Dễ giận khó vui: phiền não ngậm hờn. Ganh ghét công kích: phiền não tức giận (18) . Hung bạo hiểm ác: phiền não độc địa. 

Chống trái bản thể mà các vì Thánh đã phát giác được: phiền não chấp tướng. Với bốn chân lý thì nổi phiền não gọi là thác loạn. Mười hai nhân duyên cuốn theo sinh tử (19) gọi là phiền não tạo ra luân hồi. Vô minh trú địa phát động phiền não, thì phiền não ấy như cát sông Hằng. Do bốn trú địa phát động phiền não, gọi là phiền não tạo ra khổ báo khắp cả tam giới. 

Phiền não như vậy vô lượng vô biên, tác hại chúng sinh, quấy phá hiền thánh, ngày ngay chúng con chí thành phát lộ, hướng về Phật đà, Phật pháp Thánh chúng, sám hối hết thảy. 

Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Những Phiền Não Trên

Nguyện cho chúng con, nhờ những công đức chí thành sám hối hết thảy phiền não phát từ ý nghiệp, căn bản trong đó là tham sân si, mà mọi đời kiếp bẻ cờ kiêu ngạo, khô nước ái dục, diệt lửa sân hận, phá tối ngu si, nhổ rễ nghi ngờ, xé lưới vọng kiến. Nhận thức sâu xa ba cõi y như lao ngục khổ nhất, bốn đại giống hệt rắn độc dữ nhất, năm uẩn mới là kẻ thù ác nhất, sáu nhập thực chất chỉ như làng xóm trống rỗng hoang vắng (20) , đặc biệt ái dục đích thị kẻ thù giả bộ thân thiện. Nỗ lực thực tập tám thứ thánh đạo, lấp nguồn vô minh, chính hướng niết bàn một cách liên tục, ba mươi bảy thứ nhân tố tuệ giác thì tâm niệm này nối tâm niệm khác, mười thứ hạnh nguyện ba la mật đa thì được biểu hiện một cách thường trực. 

Khẩn thiết sám hối và phát nguyện rồi, chúng con chí tâm qui y đảnh lễ thường trú Tam bảo. 

Lạy Phật Và Lặp Lại Tâm Tư Để Sám Hối

Hết thảy chư Phật, vì thương chúng sinh, đã nói tổng quát về pháp Thủy sám, bằng cách đem nước từ bi tam muội rửa sạch tội lỗi. Vì vậy chúng con đem cả tính mạng qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật: 

Nam mô Tì lô giá na phật, 

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật, 

Nam mô A di đà phật, 

Nam mô Di lạc phật, 

Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật, 

Nam mô Long tự tại vương phật, 

Nam mô Bảo thắng phật, 

Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật, 

Nam mô Ca sa tràng phật, 

Nam mô Sư tử hống phật, 

Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát, 

Nam mô Phổ hiền bồ tát, 

Nam mô Đại thế chí bồ tát, 

Nam mô Địa tạng bồ tát, 

Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát, 

Nam mô Quan tự tại bồ tát. 

Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Đệ tử chúng con trong giờ phút này, thân tâm thanh tịnh, không còn hoa dạng, không còn vướng mắc, đích thị là lúc sinh thiện diệt ác, nên cùng phát thêm bốn thứ quán sát để làm phương tiện diệt trừ tội ác: quán sát nhân duyên, quán sát quả báo, quán sát bản thân, quán sát thân Phật. Quán sát nhân duyên là xét tội lỗi của chúng con đây xuất từ vô minh, từ những tư tưởng không phải hiền lành, từ cái lý do không có sức mạnh của sự chánh quán. Nên đã không thấy tội lỗi của mình, không gần thiện hữu là Phật Bồ tát, chạy theo đường ma, đi vào cái ngõ cong mà lại hiểm. Như cá cắn câu không biết tai họa, như tằm làm kén tự quấn tự buộc, như con thiêu thân nhào vào lửa ngọn tự thiêu tự đốt. Vì lý do đó, không thể siêu thoát. 

Quán sát quả báo là xét tất cả hành vi tội ác đều có tác dụng tạo sự luân chuyển, chuyền từ quá khứ nối đến hiện tại, đến cả tương lai, kết thành quả báo thống khổ vô tận, làm cho con người ngập trong bể cả đã không bờ bến, lại suốt đêm dài, bị quỉ phiền não cấu xé nhai nuốt, sinh tử vị lai mênh mang vô bờ. Nên dẫu quả báo được làm luân vương, thống trị toàn bộ bốn châu loài người, phi hành tự do, có đủ tất cả bảy thứ quí báu, nhưng sau khi chết, cũng vẫn không khỏi sa vào đường dữ. Thậm chí kết quả của bốn không định là cái quả báo cao nhất ba cõi, nhưng khi phước hết thì phải đảo lại làm thân con trùng nơi cổ con trâu. Huống chi những kẻ không có phước đức. Vậy mà vẫn nhác, vẫn không nỗ lực sám hối tội lỗi, thì không khác gì đã ôm đá nặng lại ngập nước sâu, khó mong giải thoát. Quán sát bản thân là xét tuy có giác tánh chánh nhân, nhưng hiện đang bị rừng rú âm u của các phiền não che phủ khuất lấp, không có năng lực tuệ giác liễu nhân nên không lộ được. Vì vậy chúng con cần phải phát khởi tâm chí vượt bậc, xé nát vô minh là sự trở ngại nặng mà thác loạn, chặt đứt nghiệp nhân sinh tử luân hồi khổ mà hư ảo, phát hiện tuệ giác sáng nhất của Phật, hoàn thành giải thoát cao nhất của Ngài. Quán sát thân Phật vốn bất sinh diệt, đứng lặng trong sáng, siêu việt tứ cú, tuyệt cả bách phi (23) , muôn đức trọn vẹn, trạm nhiên thường trú. Dẫu cho nhập diệt, cũng là phương tiện thực hiện từ bi tiếp độ vạn loại, chưa có lúc nào tạm bỏ chúng sinh. Phát sinh bốn thứ quán sát như vậy, thật là phương tiện hiệu quả hơn cả trong việc hủy diệt mọi thứ tội lỗi, chính yếu bậc nhất trong sự loại trừ mọi thứ chướng ngại. Nên bây giờ đây chúng con tiếp tục chí thành sám hối. 

Sám Hối Sự Chướng Ngại Của Phiền Não

Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, nuôi dưỡng phiền não ngày càng sâu nặng, ngày càng lớn mạnh, che mắt tuệ giác không cho thấy gì, hủy diệt điều lành không cho liên tục. Vì lý do đó, nổi cái phiền não làm cho chướng ngại sự được thấy Phật, sự nghe Phật pháp, sự gặp Thánh tăng. 

Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại sự nhận thưc được đường nẻo giải thoát hết thảy hạnh nghiệp trong cả ba thì quá khứ hiện tại cùng với vị lai. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại sự hưởng thọ được quả báo tôn quí ở trong loài người cũng như loài trời. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại sự sinh sắc giới, sự sinh không giới (24) hưởng thụ phước lạc của các thiền định. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại thần thông tự tại, ẩn được hiện được, tùy ý phi hành, đến các tịnh độ của các đức Phật khắp cả mười phương mà nghe chánh pháp. 

Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu sổ tức quán (25) tu bất tịnh quán (26) và nhân duyên quán (27) . Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu bảy phương tiện, trong đó gồm có bốn thứ da hành (28) . 

Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại từ bi hỷ xả và văn tư tu. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học nghĩa lý tam quán: vô tánh, bình đẳng, phối với trung đạo. 

Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học bốn thứ niệm xứ, bốn thứ chánh cần, năm căn năm lực, bốn thứ thần túc, trong bâm bảy thứ hỗ trợ tuệ giác. Nổi cái phiền não thuộc loại thị tướng, làm cho chướng ngại công hạnh tu học tám thứ chánh đạo. Nổi cái phiền não thuộc bất thị tướng, làm cho chướng ngại công hạnh tu học bảy thứ giác chi (29) . 

Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tám thứ giải thoát, chín thứ không định. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu học mười trí, ba thứ tam muội. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu học ba minh, sáu thứ thần thông, bốn thứ vô ngại. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học sáu ba la mật, bốn vô lượng tâm. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại tu học cái hạnh hóa độ tất cả của bốn nhiếp pháp. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tâm nguyện đại thừa là bốn hoằng thệ. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học mười minh mười hạnh. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học mười hướng mười nguyện. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tuệ giác minh giải của địa thứ nhất đến địa thứ tư. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tuệ giác tri kiến của địa thứ năm đến địa thứ bảy. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học tuệ giác song chiếu của địa thứ tám đến địa thứ mười. Nổi cái phiền não làm cho chướng ngại công hạnh tu học hàng trăm hàng vạn vô số hạnh nguyện xây dựng Phật quả. Phiền não chướng ngại công hạnh như vậy, vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành khẩn thiết, hướng về mười phương Phật đà Phật pháp cùng với Thánh chúng, tàm quí sám hối, nguyện tiêu diệt cả. 

Lời Nguyện Và Lạy Phật Về Sự Sám Hối Trên

Nguyện nhờ công đức sám hối phiền não chướng ngại các hạnh, bất cứ ở đâu, cũng được cái việc tự tại thọ sinh, không bị ác nghiệp cùng với thói quen của ác nghiệp ấy chi phối xoay chuyển (30) . Bằng như ý thông, trong một ý nghĩ, đến khắp mười phương, làm sạch quốc độ, làm nên chúng sinh (31) . Thấu triệt tận cùng cảnh giới sâu xa của các thiền định cùng các tuệ giác. Tâm trí thấu triệt toàn bộ các pháp, cái hạnh vui vẻ diễn giảng pháp ấy cũng không cùng tận, thế nhưng tâm trí không nhiễm không vướng. Tự tại với tâm, tự tại với pháp, lại còn tự tại với các phương tiện, vì vậy làm cho hết thảy thói quen của mọi phiền não, và mọi vô minh, vĩnh viễn hủy diệt một cách tuyệt đối, hết còn liên tục. Tuệ giác thuần túy sáng như mặt nhật. 

Phát nguyện xong rồi, chúng con chí thành đảnh lễ chư Phật: Nam mô Tì lô giá na phật,

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật, 

Nam mô A di đà phật, 

Nam mô Di lạc phật, 

Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật, 

Nam mô Long tự tại vương phật, 

Nam mô Bảo thắng phật, 

Nam mô Giác hoa định tự tại vương phật, 

Nam mô Ca sa tràng phật, 

Nam mô Sư tử hống phật, 

Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát, 

Nam mô Phổ hiền bồ tát, 

Nam mô Đại thế chí bồ tát, 

Nam mô Địa tạng bồ tát, 

Nam mô Đại trang nghiêm bồ tát, 

Nam mô Quan tự tại bồ tát. 

Sám Hối Ác Nghiệp

Đảnh lễ Phật rồi, lại sám hối tiếp. Đệ tử chúng con, trước đã chí thành tóm tắt sám hối phiền não chướng rồi, bây giờ tiếp theo sám hối nghiệp chướng. 

Giải Tỏa Nghi Hoặc Bằng Cách Phân Loại Về Nghiệp

Nghiệp là năng lực trang bị tất cả nẻo đường luân hồi. Bất cứ ở đâu, nghiệp làm cho ta không còn suy nghĩ, tìm cách giải thoát cho khỏi chỗ ấy. Chính vì lẽ đó, quả báo lục đạo đủ thứ khác nhau, hình thái bất đồng, hết thảy đều do nghiệp lực tạo ra. Cũng vì lẽ đó, trong mười trí lực của đức Như lai, cái trí sâu nhất là biết về nghiệp. 

Nhưng kẻ phàm phu, đối với nghiệp ấy, hay sinh nghi ngờ. Tại sao như vậy, vì lẽ hiện thấy trong cuộc đời này, có người làm lành đụng đâu khổ đó, còn kẻ làm ác mọi việc vừa lòng, nên cho cuộc đời thiện ác bất phân. Nhưng cho như vậy, là không hiểu gì về nghiệp lý cả. Bởi lẽ trong kinh nói nghiệp có ba: một là hiện báo, hai là sinh báo, ba là hậu báo. 

Hiện báo nghĩa là có nghiệp thiện ác đời này làm ra thì chính thân này hưởng chịu kết quả. Sinh báo nghĩa là có nghiệp thiện ác đời này làm ra, tiếp ngay đời sau hưởng chịu kết quả. Hậu báo nghĩa là có nghiệp thiện ác đã được làm ra từ nhiều đời kiếp trong thì quá khứ, nhưng đến đời này hưởng chịu kết quả, hay nhiều đời kiếp trong thì vị lai mới hưởng mới chịu. 

Như vậy nếu thấy có kẻ đời này làm ác mà lại hưởng được việc tốt, là vì thiện nghiệp trong thì quá khứ, thuộc về sinh báo hay thuộc hậu báo, đã có kết quả, nên trong hiện tại hưởng thụ việc tốt, đâu phải hiện tại làm ác mà vui. Đối lại nếu thấy trong thì hiện tại, có kẻ làm lành mà chịu khổ sở, là vì ác nghiệp trong thì quá khứ, thuộc về sinh báo hay thuộc hậu báo, đã có kết quả, năng lực thiện nghiệp trong đời hiện tại lại đang yếu kém, không thể trừ khử, nên phải chịu khổ, đâu phải hiện tại làm lành mà khổ. Đoan chắc như vậy là vì hiện thấy những kẻ làm lành được người ca tụng, được người kính mến, nên biết vị lai chắc chắn đón nhận quả báo an vui. 

Nhưng nay chúng con đã có ác nghiệp thuộc thì quá khứ, nên Phật Bồ tát khuyên gần thiện hữu, cùng nhau sám hối. -Được gần thiện hữu, là lợi toàn diện trong sự đắc đạo. Vì vậy chúng con ngày nay chí thành mà qui y Phật, sám hối ác nghiệp. 

Sám Hối Tổng Quát Về Ác Nghiệp

Đệ tử chúng con, kể từ vô thỉ cho đến ngày nay "tích chứa ác nghiệp như cát sông Hằng, tạo ra tội lỗi tràn đầy quả đất, vậy mà bỏ thân cũng như thọ thân, không hề tự giác cũng không tìm hiểu": Hoặc làm năm thứ nghịch tội sâu nặng: nghiệp vô gián ngục. Hoặc tạo cái tội của nhất xiển đề: nghiệp triệt thiện căn (32) . Khinh chê lời Phật: nghiệp phá đại thừa. Quấy rối Tam bảo: nghiệp phá chánh pháp. 

Không tin tội phước: tạo mười ác nghiệp. Lầm chân phản chánh: nghiệp của ngu si. Bất hiếu cha mẹ: nghiệp của phản bội. Khinh mạn sư trưởng: nghiệp của vô lễ. Không thật với bạn: nghiệp của bất nghĩa. 

Phạm vào bốn thứ tám thứ trọng tội: nghiệp hại thánh đạo. Phạm vào ngũ giới và bát quan trai: nghiệp phá trai giới. Không giữ năm thiên cùng với bảy loại của tỷ kheo giới: nghiệp thiếu và phạm quá nhiều giới hạnh. Phá luật tại gia: nghiệp phạm đủ cả nhơ bẩn nặng nhẹ. Phạm bồ tát giới: nghiệp thiếu khả năng thực hành thanh tịnh lời Phật huấn dụ. Làm các phương tiện trước sau sinh lý: nghiệp làm nhơ bẩn phạn hạnh thanh tịnh. Hằng tháng không có sáu ngày ăn chay: nghiệp của biếng nhác. Hằng năm không có ba tháng chay trường: nghiệp không tu hành một cách liên tục (33) . Không giữ toàn bộ ba ngàn oai nghi: nghiệp sống không đúng chánh pháp Phật dạy. Không giữ trọn vẹn tám vạn luật nghi: nghiệp phạm rất nhiều tội lỗi chi tiết. Không giữ giới luật kềm chế thân miệng: nghiệp làm trở ngại tuệ giác của tâm. Bốn mùa tám tiết thiếu sự tự chế: nghiệp lắm tội lỗi (34) . Hành mười sáu nghề: nghiệp của luật ác (35) . Tác hại chúng sinh: nghiệp không từ tâm. Không thương không nghĩ: nghiệp không trắc ẩn. Không nâng không đỡ: nghiệp không cứu giúp. Lòng giữ đố kﺠnghiệp không hóa độ. Phân chia thân thù: nghiệp không bình đẳng. 

Đam mê ngũ dục: nghiệp không siêu thoát. Đam mê ăn mặc vườn tược ao hồ: nghiệp ưa hoang đãng. Tuổi trẻ phóng túng: nghiệp thích tạo tội. Làm lành không thuần, lại còn hướng về quả báo ba cõi: nghiệp làm chướng ngại cho sự giải thoát. 

Ác nghiệp như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành phát lộ, hướng về mười phương Phật đà Phật pháp, cùng với Thánh chúng, sám hối hết thảy. 

Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Trên

Nguyện nhờ công đức sám hối ác nghiệp đã được phát sinh bởi các phiền não vô minh vân vân, mà ác nghiệp ấy tiêu tan tất cả. Mọi thứ phước đức được phát sinh bởi sự sám hối này, thì nguyện đời đời diệt tội ngũ nghịch, trừ ngu xiển đề. Bao nhiêu ác nghiệp, nặng có nhẹ có, như trên đã nói, từ nay sắp đi đến ngày được ngồi nơi bồ đề tràng, thề không tái phạm. Thực tập liên tục mọi thứ thiện pháp giải thoát thanh tịnh. Nghiêm giữ giới luật, kính giữ oai nghi, không khác những người bơi qua bể cả tiếc giữ chiếc phao. Sáu ba la mật, bốn vô lượng tâm, thì đặt hàng đầu của các diệu hạnh. Giới định tuệ phẩm ngày càng thêm sáng. Mau chóng hoàn thành bâm hai tướng tốt, tám mươi tướng phụ, mười thứ trí lực, bốn thứ vô úy, ba niệm đại bi, bốn đức thường lạc, bốn thứ diệu trí, tám tự tại ngã (36) của đức Như lai. Phát nguyện như vậy, chúng con chí thành, đem cả tính mạng qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật, nguyện xin các Ngài dủ lòng từ bi, hộ niệm chúng con. 

Sám Hối Riêng Biệt Về Ác Nghiệp

Đệ tử chúng con đã sám hối xong, một cách tổng quát, về các ác nghiệp. Bây giờ tiếp theo, chúng con nhất nhất sám hối riêng biệt về ác nghiệp ấy. Để ác nghiệp ấy, hoặc chung hoặc riêng, hoặc to hoặc nhỏ, hoặc nặng hoặc nhẹ, hoặc nói hoặc không, theo loại với nhau, nguyện tiêu diệt cả. 

Sám hối riêng biệt là trước sám hối ba nghiệp của thân, kế đó sám hối bốn nghiệp của miệng. Những ác nghiệp khác cũng sẽ tuần tự chí thành sám hối.