Phẩm 2. Uất Đan-Viết

Thứ Năm, 04 Tháng Sáu 20203:12 CH(Xem: 2033)
Phẩm 2. Uất Đan-Viết
KINH TRƯỜNG A HÀM
Phẩm 2. Uất Đan-Viết


P
hật bảo Tỳ-kheo:


“Cõi Uất-đan-viết có nhiều núi. Bên cạnh các núi ấy, có các vườn cảnh, ao tắm, mọc nhiều loài hoa, cây cối mát mẻ, hoa quả dồi dào, vô số các loài chim cùng nhau hót. Lại trong các núi ấy có nhiều dòng nước; nước ấy xuôi dòng ra biển, không chảy xiết; các loại hoa phủ trên mặt nước, chảy bình lặng êm ả. Sát hai bên bờ, có nhiều cây cối, cành nhánh mềm mại, hoa quả sum suê. Đất mọc cỏ mềm xoay về bên phải, màu như đuôi công, mùi thơm như bà-sư , mềm như áo trời. Đất ở đó mềm; dùng chân đạp đất, đất lún bốn tấc, dở chân lên, trở lại như cũ, mặt đất bằng như bàn tay, không có cao thấp.


“Này Tỳ-kheo! Cõi Uất-đan-viết kia bốn phía có bốn ao A-nậu-đạt; mỗi ao ngang dọc một trăm do-tuần. Nước ao lắng trong, không có cáu bẩn. Có hào cùng bậc thềm bằng bảy báu chung quanh... cho đến, vô số các loài chim cùng nhau cất tiếng hót buồn bã, giống như sự trang trí của ao Ma-đà-diên không khác. Bốn ao lớn ấy, rộng mười do-tuần, nước sông xuôi dòng ra biển, không có xiết; các loại hoa phủ trên mặt nước, chảy từ từ êm ả. Sát hai bên bờ sông có nhiều cây cối, cành nhánh mềm mại, hoa quả dồi dào. Đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như đuôi công, hương như bà-sư, mềm mại như áo trời. Đất đó mềm mại, dùng chân đạp đất, đất lún bốn tấc, giở chân lên, trở lại như cũ. Đất bằng như bàn tay, không có cao thấp. Lại đất đai kia không có ngòi rãnh, khe suối, hầm hố, gai góc, gốc cây, cũng không có muỗi mòng, rắn, rết, ong, bò cạp, cọp, beo, thú dữ. Đất thuần châu báu, không có đất cát; âm dương điều độ, bốn mùa thuận hòa, chẳng lạnh chẳng nóng, không có các sự não hoạn. Đất đai thấm ướt, bụi dơ không dậy, như dầu bôi trên đất, không có bụi bay. Trăm thứ cây cỏ thường mọc, không có mùa Đông rét mướt, mùa Hạ nóng bức. Cây cối tốt tươi; hoa trái xum xuê. Đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như lông công, hương như bà-sư, mềm như áo trời. Đất ở đó mềm mại; dùng chân đạp đất, đất lún bốn tấc, dở chân lên lại, trở lại như cũ. Đất bằng như bàn tay, không có chỗ cao, chỗ thấp.


“Cõi ấy thường có lúa thơm tự nhiên, chẳng gieo trồng mà tự mọc, không có vỏ trấu, như đóa hoa trắng, giống như thức ăn trời Đao-lợi, đầy đủ các vị. Cõi ấy luôn có nồi, vạc tự nhiên; có ngọc ma-ni tên là Diệm quang được đặt dưới nồi nấu. Khi cơm chín thì ánh sáng tắt, chẳng cần lửa củi, không nhọc sức người. Cõi ấy có cây tên là Khúc cung, lá cây dày đặc chồng lên nhau theo thứ lớp, trời mưa không dột. Đàn ông, đàn bà cư ngụ dưới cây đó. Lại có cây hương cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành. Khi quả ấy chín, vỏ nó tự nứt, tự nhiên xuất ra các loại hương. Hoặc có cây cao sáu mươi dặm, hoặc năm mươi dặm, bốn mươi dặm; cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả đầy cành. Khi quả ấy chín, vỏ nó tự nứt, tự nhiên hương tỏa.


“Lại có cây Y cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín vỏ tự nứt ra, tuôn ra các loại y phục; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, nhỏ nhất là năm dặm, hoa quả đầy cành, tuôn ra các loại y phục. Lại có cây trang nghiêm, cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, tuôn ra các thứ đồ trang nghiêm thân thể; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi dặm, đều đầy cành hoa quả, tuôn ra đủ các đồ trang nghiêm thân thể. Lại có cây hoa man cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại tràng hoa; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi dặm, cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả cũng đầy cành, xuất ra các loại tràng hoa. Lại có cây khí, cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành. Khi quả ấy chín vỏ tự nứt ra. Xuất ra các khí cụ; hoặc có cây sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả đều đầy cành, xuất ra các loại khí cụ. Lại có cây quả cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại quả; hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cây nhỏ nhất cao năm dặm, hoa quả đều đầy cành, xuất ra các loại quả. Lại có cây nhạc khí cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; quả ấy khi chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại nhạc khí, hoặc có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cây nhỏ nhất cao năm dặm, đều đầy cành hoa quả, xuất ra các loại nhạc khí.


“Cõi ấy có ao tên là Thiện kiến, ngang dọc một trăm do-tuần, nước ao trong vắt, không có cáu bẩn. Các bên ao được xây lát bằng hào bảy báu. Bốn mặt quanh ao có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây. cho đến, vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng giống như trước.


“Phía Bắc ao Thiện kiến có cây tên là Am-bà-la, vòng thân bảy dặm, cao một trăm dặm, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi dặm. Phía Đông của ao Thiện kiến phát xuất sông Thiện đạo, rộng một do-tuần, nước sông chảy chậm, không có dòng xoáy, có nhiều loại hoa phủ trên mặt nước; sát hai bên bờ cây cối tốt tươi, cành nhánh mềm mại, hoa quả đầy cành; đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như lông công, hương như bà-sư, mềm như áo trời; đất ở đó mềm mại, khi đạp chân xuống, đất lún bốn tấc, dở chân lên, trở lại như cũ; đất bằng như bàn tay, không có cao thấp.


“Lại nữa, trong sông ấy, có các thuyền báu. Nhân dân ở nơi ấy khi muốn vào sông tắm rửa vui chơi, cởi y phục để trên bờ. Lên thuyền ra giữa dòng; nô đùa vui vẻ xong, lên bờ gặp y phục thì mặc, lên trước mặc trước, lên sau mặc sau, chẳng tìm lại y phục cũ. Sau đó, đi đến cây hương. Cây cong mình xuống; những người ấy lấy các loại tạp hương để xoa trên mình. Rồi đến cây y phục. Cây cong mình xuống; những người ấy lấy các loại y phục, tùy ý mặc vào. Tiếp đến, đi đến cây trang nghiêm, cây cong mình xuống, những người ấy lấy các thứ trang nghiêm để tự trang sức. Xong, đến cây hoa man; cây cong mình xuống, những người ấy lấy các thứ tràng hoa, để đội trên đầu. Rồi đến cây khí, cây cong mình xuống; những người ấy lấy các loại khí vật báu; lấy khí vật báu xong, tiếp theo, đến cây quả, cây cong mình xuống, những người ấy hái các quả đẹp, hoặc có người ăn nuốt, có người ngậm, có người vắt nước uống. Kế tiếp, đến cây nhạc khí; cây cong mình xuống, những người ấy lấy các loại nhạc khí, chơi đàn, đánh trống và dùng âm thanh vi diệu hòa với tiếng đàn mà đi đến khu vườn, tùy ý vui chơi, hoặc một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày, sau đó lại đi, không có chỗ nhất định.


“Phía Nam ao Thiện kiến, phát xuất sông Diệu thể. Phía Tây ao Thiện kiến, phát xuất sông Diệu vị. Phía Bắc ao Thiện kiến, phát xuất sông Quang ảnh, cũng giống như trên. Phía Đông ao Thiện kiến có khu vườn tên là Thiện kiến, ngang dọc một trăm do-tuần; vòng quanh bốn bên khu vườn có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây, nhiều màu đan xen bảy báu tạo thành. Bốn phía vườn ấy có bốn cửa lớn, lan can bao quanh, đều do bảy báu tạo thành; trong vườn sạch sẽ, không có gai góc, đất đai bằng phẳng, không có ngòi rãnh khe suối, hầm hố, đồi gò, cũng không có muỗi mòng, ruồi, rệp, rận, rắn rết, ong, bò cạp, hổ báo, ác thú; đất toàn các báu, không có cát, âm dương điều độ, bốn mùa thuận hòa, chẳng lạnh chẳng nóng, không có các hoạn nạn; đất đai nhuận thấm, không có bụi bặm, như có dầu xoa đất, đi bụi không bốc lên, hằng trăm loài cỏ thường mọc, không có Đông rét Hạ bức; cây cối tươi tốt, hoa quả đầy cành; đất mọc cỏ mềm, xoay về phía phải, màu như lông công, hương như bà-sư, mềm như áo trời; đất đai mềm mại, khi đạp chân xuống, đất lún bốn tấc, dở chân lên, đất lại như cũ.


“Vườn ấy thường mọc lúa thơm tự nhiên, không có vỏ trấu, trắng như đóa hoa, đầy đủ các vị, như cơm trời Đao-lợi. Vườn ấy thường có nồi chõ tự nhiên; có ngọc ma-ni, tên là Diệm quang đặt dưới nồi chõ; khi cơm chín, ánh sáng tắt, chẳng cần lửa củi, chẳng nhọc công người. Vườn ấy có cây tên là khúc cung, lá chồng lên nhau theo thứ lớp, trời mưa không dột. Các nam nữ ấy cư ngụ ở đó. Lại có cây hương, cao bảy mươi dặm, hoa quả đầy cành; khi quả ấy chín, vỏ tự nứt ra, xuất ra các loại hương, có cây cao sáu mươi dặm, năm mươi, bốn mươi, cho đến cao năm dặm, hoa quả đầy cành, xuất ra các loài hương... cho đến cây khí, cũng giống như trên.

“Nhân dân ở cõi ấy đến vườn ấy vui chơi giải trí, một ngày, hai ngày... cho đến bảy ngày. Vườn Thiện kiến ấy không người bảo vệ, tùy ý dạo chơi, sau đó lại đi.


“Phía Nam ao Thiện kiến có khu vườn tên là Đại thiện kiến, phía Tây ao Thiện kiến có khu vườn tên là Ngu lạc ; phía Bắc ao Thiện kiến có khu vườn tên là Đẳng hoa, cũng giống như thế.


“Ở cõi ấy, vào nửa đêm, cuối đêm, Long vương A-nậu-đạt thường thường vào lúc thích hợp khởi mây lành cùng khắp thế giới rồi mưa nước ngọt xuống, giống như khi vắt sữa bò; nước đủ tám vị, thấm nhuận khắp nơi; nước không đọng lại, đất không bùn lầy. Giống như thợ làm tràng hoa dùng nước rưới hoa, khiến không khô héo, thấm ướt tốt tươi. Khi ấy, ở cõi đó vào lúc gần sáng không có mây che, bầu trời trong vắt; biển nổi gió mát, trong lành hiu hiu, chạm nhẹ vào người, toàn thân sảng khoái.


“Cõi ấy trù mật, nhân dân sung túc. Nếu khi cần ăn thì dùng gạo thơm tự nhiên bỏ vào trong chõ, dùng ngọc Diệm quang để ở dưới chõ; cơm tự nhiên chín, ánh sáng ngọc tự tắt. Các người đi đến, tự do ăn cơm. Người ăn không đứng dậy thì cơm không hết; người ăn đứng dậy thì cơm cũng hết. Cơm ấy tinh khiết như đóa hoa trắng, đầy đủ mùi vị như cơm cõi trời Đao-lợi. Người ăn cơm đó không có các bệnh, khí lực dồi dào, nhan sắc tươi vui, không có gầy còm.


“Lại ở cõi ấy, thân thể con người như nhau, hình mạo giống nhau, không thể phân biệt. Dáng người trẻ trung, như người khoảng hai mươi tuổi ở Diêm-phù-đề. Người cõi ấy, răng họ bằng đều, trắng sạch, kín sát không hở; tóc màu xanh biếc, không có cáu bẩn; tóc xõa xuống bằng tám ngón tay, ngang vai thì dừng, không dài không ngắn. Người ở cõi đó nếu khi khởi tâm dục thì nhìn chăm chăm nữ nhân rồi bỏ đi; người nữ ấy theo sau vào trong vườn. Nếu nữ nhân và người nam kia là cha, mẹ hoặc liên hệ trong cốt nhục, không phải là người nên hành dục thì cây không cong xuống che lại, thì họ tự chia tay. Nếu chẳng phải cha, mẹ và nhiều liên hệ đến cốt nhục, đúng là đối tượng hành dâm thì cây cong xuống che phủ thân họ, tùy ý hưởng lạc, một ngày, hai ngày... hoặc đến bảy ngày, khi ấy mới thôi. Người nữ ấy mang thai; bảy hoặc tám ngày thì sanh. Sanh ra con trai hay con gái, cũng mang đặt ở ngã tư đường, đầu trục lộ giao thông, bỏ đó rồi đi. Các người đi đường, đi ngang qua bên nó, đưa ngón tay cho nó mút, ngón tay chảy ra sữa ngọt, nuôi lớn thân bé. Qua bảy ngày rồi, bé ấy trưởng thành, bằng với người lớn; nam thì theo nhóm nam, nữ thì theo nhóm nữ.


“Người cõi ấy khi mạng chung, không ai khóc lóc, trang nghiêm tử thi, đặt ở ngã tư đường, bỏ đó rồi đi. Có loài chim tên là Ưu-úy thiền-già gắp tử thi ấy để ở phương khác.


“Lại nữa, người ở cõi ấy khi đại tiểu tiện, đất liền nẻ ra; đại tiểu tiện rồi, đất khép trở lại. Nhân dân cõi ấy không lệ thuộc sự tham luyến, cũng không cất chứa, thọ mạng có hạn định; chết rồi sanh lên trời. Vì sao người cõi ấy thọ mạng luôn có hạn định? Đời trước người cõi ấy tu mười hạnh thiện, khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn tuổi, chẳng hơn chẳng kém. Vì thế, người cõi ấy thọ mạng như nhau.


“Lại nữa, người sát sanh đọa vào đường ác; người không sát sanh sanh vào nẻo thiện. Kẻ trộm cắp, tà dâm, hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói thêu dệt, tham lam, ganh ghét, tà kiến đều đọa vào đường ác. Người không trộm cắp, không tà dâm, không hai lưỡi, không ác khẩu, không nói dối, không nói thêu dệt, không tham lam, không ganh ghét, không tà kiến thì khi thân hoại mạng chung sanh cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn năm, chẳng hơn chẳng kém. Vì vậy, người ở cõi kia thọ mạng bằng nhau. Lại nữa, tham lam keo kiệt chẳng thường bố thí thì chết đọa đường ác; tâm thoáng không keo thường hành bố thí sanh chốn thiện. Có người bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn và bố thí cho người bần cùng, ăn xin, bệnh ghẻ, khốn khổ, cho họ y phục, thức ăn uống, xe cộ, tràng hoa, hương thơm, giường chõng, phòng xá; lại tạo lập tháp miếu, đèn đuốc cúng dường, thì người ấy khi mạng chung sanh vào cõi Uất-đan-viết, thọ mạng ngàn tuổi, chẳng hơn chẳng kém, vì vậy, người cõi kia thọ mạng bằng nhau. Vì sao gọi người Uất-đan-viết là hơn hết? Vì nhân dân cõi ấy chẳng thọ thập thiện nhưng toàn bộ hành động của họ tự nhiên hợp với thập thiện, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi lành. Vì vậy, người ở đó được khen là Uất-đan-viết hơn hết. Uất-đan-viết, ý nghĩa như thế nào? Đối với ba cõi kia, cõi này là tối thắng, tối thượng cho nên gọi là Uất-đan-viết.


-ooOoo-