Việt dịch: Thích Huyên Vi
Tôi nghe như vầy: một thuở nọ đức Phật ngự tại nước Xá Vệ, nơi vườn đại thần Cấp Cô Độc trong rừng cây của Thái tử Jeta, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo, chung sống trong pháp hội giảng kinh. Lúc bấy giờ, hiền-giả A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy bạch với Phật rằng: “Chúng con có một việc nghi ngờ, muốn nêu ra giữa pháp hội này, nhờ đấng Thiên Trung Thiên giải thích, không biết có được không?”
Đức Phật nói: “Được lắm! A Nan cứ hỏi, ta sẽ vì đại chúng giải thích rõ ràng cho.”
A Nan cung kính hỏi: “Bạch Thế Tôn! Câu hỏi chung là vấn đề học đạo và tu tập của các vị cận sự nam cùng cận sự nữ có phân ra thượng phẩm trung phẩm và hạ phẩm không? Cúi xin Thế Tôn từ bi giảng giải.”
Đức Phật rất hoan hỷ giải đáp: “Này A Nan! Ông và đại chúng chính vì hàng Phật tử tại gia hiện tại và tương lai, nên phát ra lời hỏi hữu ích này. Ta sẽ vì đại chúng mà giải thích, các vị hãy đem hết tâm trí để nghe nhớ và truyền lại.”
Hiền giả A Nan: “Xin vâng lời Phật chỉ giáo.”
Đức Phật nói: “Có ba phẩm hạnh của cận sự nam cùng cận sự nữ. Ấy là Thượng phẩm, Trung phẩm và Hạ phẩm. Hàng cận sự nam và cận sự nữ thượng phẩm phải như thế nào? Người đã thọ trì năm giới, không bao giờ hủy phạm dù là các lỗi lầm thường. Mỗi khi làm việc đạo, hoặc khai hóa cho người khác, đều khiến họ phát tâm Bồ Tát. Thế nào gọi là người phát tâm Bồ Tát? Thường nghĩ chúng sanh trong mười phương như cốt nhục của chính mình, độ người lên đường giải thoát; thật hành hạnh đại thừa, dạy trao hết sức đầy đủ về đạo hạnh, nhưng không bao giờ hy vọng trả ơn, không cầu mong người khác biếu các đồ y phục, đồ uống ăn, đồ quí giá hoặc tiền của; không theo con đường nhỏ hẹp lấy sự độ người làm căn bản. Thế nào gọi là con đường nhỏ hẹp? Ấy là thể nhập pháp môn cao thượng, thật hành hạnh đại thừa. Ai chí cầu các quả vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và Bích Chi Phật, đó là con đường nhỏ hẹp; không phải là pháp môn của Bồ Tát. Hạnh Bồ tát dạy trao tất cả phương pháp để vào “trí huệ cao thượng” giải thích các “hành sự khéo léo” để được “tất cả giống trí” phải biết bực ấy rất là thượng hạnh, giống như người đã sinh trong thời chư Phật quá khứ, họ cung cấp nuôi dưỡng sư trưởng cũng như đức Phật không khác. Người thật hành như thế là bậc thượng phẩm cận sự nam và cận sự nữ vậy.”
“Thế nào gọi là trung phẩm cận sự nam cùng cận sự nữ? Người thọ năm giới, giữ gìn không cho phạm, cũng giống như người sinh trong thời Phật quá khứ, học đạo có căn bản nhưng không gặp được minh sư, không nghe được “bát nhã ba la mật”, không rõ “phương tiện thiện xảo”, chỉ hành được một pháp “ba la mật”, là bố thí; còn trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm chưa được thật hành; đối với kinh pháp chưa được huệ giải, chỉ nhờ phước đức đời trước, được sinh trong nhân đạo, cũng do kiến thức trước kia, nên vào được trong cửa pháp, giữ giới có phần kỹ lưỡng, đối với sư phụ xem như đức Phật không khác. Hạng người như thế, ấy là trung phẩm cận sự nam và cận sự nữ."
“Còn hạ phẩm cận sự nam và cận sự nữ thì như thế nào? Những người tuy thọ năm giới nhưng rồi huỷ phạm, nếu thấy các vị minhh sư cùng các hiền giả hiếu đạo thì thọ lãnh những điều pháp yếu, lúc ấy hoan hỷ và sám hối các lỗi lầm, rồi sinh tinh tiến giữ giới và không phần phúc. Nhưng khi xa lìa các minh sư ý niệm liền thay đổi, không phụng trì giới pháp, nhiều khi tự đắc cống cao trở lại khi mạn minhh sư, chê bai hiền giả, chỉ trích nói xấu đủ điều. Rồi lý luận rằng tôi thấy các vị ấy chỉ lo ăn uống và thọ lãnh của cúng dường rồi không tin thờ những lời nói trong kinh giới do các vị kia giảng giải. Các vị cận sự nam cùng cận sự nữ có hành vi như thế, gọi là hạ phẩm. Ngoài ra còn có một số người khác mang danh nghĩa là đệ tử của Như Lai, song phá hoại tâm tốt của kẻ khác. Tự xưng mình là người biết đạo, muốn khai hóa nhân dân và nói ít lời thật trong giáo lý để hy vọng dân chúng ủng hộ, muốn có tiền của, đồ y phục, đồ uống ăn để cung cấp sự sống còn cho vợ con, cho bản thân; họ mượn oai thần của Phật pháp, tâm không thương nghĩ người các cõi trong mười phương đang cần họ cứu giúp về tinh thần. Trái lại làmm cho người đời chán nản, và tinh thần càng bị càng thẳng thêm, không gieo được hạt giống trí huệ đại thừa. Như vậy làm sao truyền bá giáo pháp chân chính của Như Lai.”
Rồi đức Phật lại nói thêm rằng: “Có nhiều người mệnh danh là Phật tử, thật hành bổn phận khai đạo dạy trao giáo lý đến nhân dân, nhưng không muốn cho hàng tứ chúng nghe biết những lý nhiệm mầu.”
Khi ấy A Nan quỳ gối chắp tay hỏi Phật: “Vì sao, họ không muốn cho hàng tứ chúng nghe biết?”
Phật đáp: “Các cận sự nam cận sự nữ ấy, tâm tính còn mờ tối không hiểu biết cao rộng cứ tự cho mình là có trí huệ, nhưng không rõ biết trí huệ thâm yếu trong kinh điển, không hổ thẹn không xét nét, lại làm trở ngại hạn chế cho các hàng tân học, hiền giả, không muốn cho họ thấy rõ hiểu biết các việc tốt của các Tỳ kheo khác, các sư tăng khác. Vì sao? Vì muốn được độc quyền nhận lãnh đồ cúng dường, rồi ngăn trở đạo đại thừa, tức là đại đạo. Các vị cận sự nam cận sự nữ ấy, mặc dù nói là độ người, giúp người về phần tinh thần, nhưng không thấy được “bát nhã ba la mật”, không hiểu rõ “phương tiện thiện xảo”. Ấy là con đường mờ tối, chuyên đi theo con đường nhỏ hẹp (tiểu đạo), hoặc dạy người làm phước, không thật hành bốn tâm bình đẳng “từ, bi, hỷ, xả”, không phổ biến sự bố thí vô tướng, làm cho các tầng lớp người theo con đường đạo pháp không hướng thượng.”
Lúc bấy giờ các vị tứ thiên vương, thiên tử, sứ giả, các thiên thần ủng hộ Phật giáo, mỗi vị đều ghi nhớ những lời Phật nói, khuyên bảo mọi người lưu tâm tối đa, để biết rõ các danh tướng của tội trạng, đưa lên bề trên phán xét. Tuổi thọ chưa chấm dứt, bỗng gặp ác thần điều khiển, nhân đó mà phạm tội, có khi phải hoại diệt mạng sống, rồi bị đọa lạc trong địa ngục, sẽ bị thọ tội trong mười tám địa ngục, đợi đến khi thiên địa thiêu rụi mới ra khỏi địa ngục, đi đầu thai hoặc đọa lạc trong loài cầm thú, hoặc được đầu sinh làm người, thường bị ngu si điên đảo, không thấy được ánh sáng chân lý.”
Cuối cùng đức Phật bảo hiền giả A Nan: “Đạo lý phải thường xuyên học tập, giảing nói các nghĩa thiết yếu, phải biết rõ những lời nói của kẻ phàm ngu sẽ bị tội báo đoạn chánh pháp, diệt Phật giáo.”
Các Tỳ Kheo và toàn thể đại chúng nghe đức Thế Tôn giảng nói những yếu điểm trên ai cũng lưu tâm cẩn thận, đều đem lòng chân chính, thọ lãnh lời Phật dạy, đồng đảnh lễ đức Phật rồi thối lui.
(Trích từ Đại Tạng Kinh)