Ý Nghĩa Nguyện Hương

Thứ Sáu, 05 Tháng Tám 20161:05 CH(Xem: 8162)
Ý Nghĩa Nguyện Hương

Ý NGHÍ̃A NGUYỆN HƯƠNG

Tích môn là những gì chúng ta nhìn thấy, nắm bắt, suy nghiệm được và Bổn môn thuộc phần sâu kín trong lòng người. Đối với hành giả Pháp Hoa, niềm tin sâu xa tự đáy lòng hướng trọn về Tam bảo rất cần thiết cho việc học đạo và hành đạo. Xây dựng trên niềm tin kiên cố, bài nguyện hương mở đầu cho nghi thức thọ trì Bổn môn Pháp Hoa kinh.


Thực sự tôi không biết làm thơ, nhưng bỗng dưng một ngày đẹp trời, nắng ấm, bài tâm hương tuôn trào. Thiết nghĩ đó là kết tinh của lòng thành trên bốn mươi năm miệt mài thọ trì kinh Pháp Hoa và đến thời điểm hữu duyên hình thành bài nguyện hương như vậy. Tôi xin giới thiệu phần tâm hương của Bổn môn Pháp Hoa mà tôi cảm nhận được để chia sẻ niềm an lạc, giải thoát với những pháp lữ đồng hành có cùng độ cảm và nhân duyên với Pháp Hoa.


"Đốt nén tâm hương trước Phật đài,

Ngũ phần dâng trọn Đức Như Lai,

Cầu xin nhân loại lên bờ giác,

Hạnh phúc bình an khắp muôn loài.

 

Đốt nén tâm hương cúng Phật Đà,

Lòng thành gởi tận chốn bao la,

Cầu xin Tam bảo thường gia hộ,

Đạo pháp hoằng thông đến mọi nhà.

 

Đốt nén tâm hương ở Ta bà,

Nhớ lời di huấn Đức Thích Ca,

Cầu xin Bồ tát Tùng địa xuất,

Thầm giúp cho người tụng Pháp Hoa”.

 


Bài nguyện hương ngắn, đơn giản có ba đoạn, mười hai câu, nhưng mở ra cánh cửa cho chúng ta vào đạo. Không qua được cửa này, chúng ta hoàn toàn tuyệt phần đối với thế giới Bổn môn.


Mở đầu, chúng ta đốt hương và nói lên tâm nguyện của mình. Người Nhật rất kỹ về việc dùng hương. Họ không đốt nhiều hương như chúng ta và cũng không dùng gỗ tạp để làm nhang vì đốt lên làm cho nước mắt nước mũi dàn dụa, ngộp thở, không thể nào thanh tịnh nổi. Nhang của họ rất nhỏ, chỉ lớn bằng chân nhang của ta và không dài quá hai tấc, họ thường chọn các danh hương là trầm, hay ít nhất cũng là bạch đàn. Tuy nhiên, dù hương thơm quý đến đâu cũng chỉ là hương trần không có khả năng bay ngược gió, thì làm sao đi vào Pháp giới để đến với Phật và làm lợi ích cho chúng sanh được. Hương thơm bên ngoài cùng với thân thể tắm rửa sạch sẽ thuộc duyên phụ, kết hợp với hương lòng, tưc tâm thành của chúng ta. Tâm tốt, hành động tốt mới là phần chính yếu đưa chúng ta đến với Phật được.


Đến trước bàn thờ Phật, nghe mùi hương thơm nhẹ nhàng phảng phất và bằng lòng thành cao độ, chúng ta quỳ xuống bạch Phật:

"Đốt nén tâm hương trước Phật đài.
Ngũ phần dâng trọn Đức Như Lai.
Cầu xin nhân loại lên bờ giác.
Hạnh phúc bình an khắp muôn loài”.


Đây là pháp tu từ ngoài lần vào tâm. Phần lớn khởi đầu, chúng ta nhìn thấy tượng Phật, hay vị Sa môn giải thoát, hoặc cảm một câu kinh bài kệ nào đó, mà phát tâm đến với đạo. Riêng tôi, luôn luôn đặt tượng Phật đẹp trước mặt để hình ảnh đẹp của Ngài thường xuyên thâm nhập vào tâm trí. Khi tham Thiền, lễ bái, hình ảnh Phật là đối tượng gần gũi tôi nhất. Từ cách sống đem Phật bên ngoài vào lòng như vậy, khi gặp nghịch cảnh thì Phật xuất hiện liền, xóa mất hình ảnh xấu, khiến tôi không khởi bực tức mà còn phát triển tâm từ.


Nhờ Phật thường xuyên hiện hữu trước mặt làm sống dậy trong lòng, bất chợt một hôm quỳ trước tượng Phật, tôi cảm nghĩ đây là tượng Phật ngồi đài sen, gọi là Phật đài, không phải Phật thật. Tuy nhiên, qua làn khói hương nhẹ nhàng, bằng độ cảm từ từ dâng lên, Phật cốt tan biến lúc nào không hay, để hiện ra cho tôi một Đức Phật thật khả kính. Lúc ấy, tôi chỉ còn một niềm tin trọn vẹn đối trước Đức Phật đầy đủ ngũ phần Pháp thân. Từ giây phút đó, cánh cửa của thế giới tôn giáo mới bắt đầu thực sự mở ra.


Đức Phật đã Niết bàn hơn hai mươi lăm thế kỷ, nhưng Pháp thân Ngài vẫn thường trú vĩnh hằng; nghĩa là sự nghiệp của Ngài để lại cho chúng ta kết tinh trong năm phần chính. Trước nhất, Đức Phật tiêu biểu cho đấng trọn lành, không phạm chút lỗi lầm. Ngày nay, nhắc đến, nhân loại vẫn tôn vinh Phật là bậc đức hạnh vẹn toàn, tức Pháp thân giới đức của Ngài vẫn sống mãi trên cuộc đời này. Từ nền tảng con người giới đức hoàn toàn, tâm Đức Phật luôn thanh thản trước mọi hoàn cảnh thuận nghịch, xấu tốt, khen chê. Định lực của Pháp thân Phật uy nghi sừng sững trước mọi sự tác động của phàm phu.

Tâm hồn định tĩnh, giới đức vẹn toàn phát xuất từ nguồn tuệ giác siêu tuyệt của Đức Phật. Tuệ Pháp thân, hay những lời chỉ giáo của Phật để lại trong tam tạng giáo điển vẫn là kim chỉ nam soi đường dẫn bước cho những người hướng thượng trên khắp năm châu. Mặc dù thành tựu mọi việc khó khăn trên bước đường hành đạo, nhưng không việc nào hay điều gì có khả năng ràng buộc, làm vướng bận thân tâm Ngài. Không còn vấn đề gì tồn đọng trong tâm trí tiêu biểu cho giải thoát và giải thoát tri kiến Pháp thân.


Đức Phật vắng bóng trên cuộc đời, chúng ta nhớ nghĩ đến Ngài, tức nhớ nghĩ đến ngũ phần Pháp thân kể trên. Để đi theo con đường Phật vạch ra tương ưng với ngũ phần Pháp thân, chúng ta phải sử dụng năm phần tâm hương dâng cúng.


Trước tiên, làm sao đốt cho được nén tâm hương để cúng Như Lai mới quan trọng; không phải đọc suông nghe cho sướng tai. Trong cuộc đời tu hành, tôi đã từng thể nghiệm pháp tu này và thâm nhập được thế giới Bổn môn, nên gợi ý cho quý vị tự đốt hương lòng; đừng tưởng đọc nguyện hương cho Phật nghe mà thương ta.


Nén tâm hương là gì và đốt bằng cách nào, dùng gì để đốt. Chúng ta cần giải quyết những vấn đề mở đầu này mới có thể thọ trì được Bổn môn. Nếu không tìm ra nguyên liệu và không biết cách đốt, có nói suông năm này qua năm khác cũng vô ích. Thí dụ ai cũng biết sức mạnh của hạt nguyên tử thật kinh khủng, nhưng hạt nguyên tử là gì và làm thế nào để khai thác nó thành sức mạnh to lớn mới quan trọng. Nếu chỉ giảng giải hoài trên lý thuyết, thì nguyên tử cũng chỉ là tên gọi như bao nhiêu tên khác, chẳng ăn thua gì.


Đức Phật đã thành Vô thượng Đẳng giác, vì Ngài biết rõ tâm hương là gì và biết cách đốt tâm hương, Ngài dạy chúng ta; còn phần thực chứng, mỗi người phải tự khám phá "Ta” là gì, có phải là tứ đại ngũ uẩn hay không.


Đức Phật khẳng định tứ đại ngũ uẩn không phải là Ta, thì đốt nó vô ích; vì từ vô lượng kiếp, chúng ta đã đốt nó bao nhiêu lần rồi. Chúng ta phải thay đổi ngũ uẩn như người thay áo thôi. Từ đó, người tu phải tìm cho ra con người thật trôi lăn trong sanh tử, đã mặc muôn ngàn chiếc áo khác nhau trong các loài. Tìm được con người thật, tức chơn tâm, hay Phật tánh, hoặc Pháp thân, mà ở đây tôi dùng danh từ tâm hương.


Đọc bốn câu nguyện này nhằm nhắc lại ý Phật dạy trong kinh, giúp chúng ta nhận chân được tâm hương quan trọng và phải đốt được tâm hương. Đốt hương trong cái lư thì dễ, nhưng đốt tâm cho thành hương không đơn giản.


Bước đầu, chúng ta mượn hình thức lư hương và đèn trí tuệ, cùng nương theo bốn câu nguyện như là điểm tựa để nhấc chúng ta từ cuộc sống thực tế của ngũ uẩn lên cuộc sống tinh thần. Trên tinh thần đó, quỳ trước Phật, dâng nén hương châm từ bản thể, tức bản tâm thanh tịnh, chúng ta nghe được tiếng lòng phát lên chân tình. Bấy giờ, đọc ra tiếng, hay không đọc, nhưng có công năng tách con người tâm linh ra khỏi con người vật chất, vui buồn vinh nhục của trần gian đều bị cắt đứt, đưa chúng ta về thể Không. Ngược lại, miệng đọc, tâm nghĩ lung tung, chắc chắn muôn đời ở lại với sanh tử khổ đau. Chúng ta tu hành, muốn đến thế giới Phật, tất yếu phải từ bỏ thế giới phàm phu, trải qua năm lần bảy lượt cương quyết thoát ly khỏi sự trói buộc hạn chế của ngũ uẩn thân.


Đốt hương bên ngoài xong, quỳ xuống, phải đốt cho được tâm hương là lòng thành của chúng ta. Không có lòng thành, thì hình thức trở thành vô ích. Ngược lại, tuy vật bên ngoài dâng cúng đơn sơ, nhưng chứa đựng tràn đầy lòng thành, thì Phật vẫn chứng. Thật vậy, các vị Tổ sư đắc đạo, sống cuộc đời đạm bạc, không cúng phẩm vật đắt tiền như chúng ta. Tuy nhiên, chắc chắn lòng thành của các ngài cao hơn chúng ta nhiều, vì các ngài đã cống hiến cả cuộc đời tu hành theo chánh pháp Như Lai. Hoặc câu chuyện bà già cắt búi tóc đem bán để mua dầu cúng Phật. Về vật chất, ngọn đèn của các vương tôn công tử trị giá gấp bội lần ngọn đèn dầu chỉ đáng một xu của bà lão. Nhưng trong tim đèn nhỏ xíu ấy của bà lão đã tỏa rực ánh sáng của niềm tin tuyệt đối và lòng chí thành của bà đến độ Đề Bà vận thần thông thổi cũng không tắt được.


Vì đốt hương lòng, chúng ta cần dùng lửa tam muội, tức chánh định; nghĩa là khi chiêm ngưỡng Phật, ta nhận thấy Ngài tỏa sức thu hút mạnh và tác động tâm ta hoàn toàn lắng yên đến mức không còn biết đến sự hiện hữu của chính mình. Ta vẫn quỳ đó, nhưng trong tâm không còn bất cứ vọng niệm nào. Lòng thành và tâm bình ổn của chúng ta hòa vào nhau, phát ra tia lửa khiến cho hương lòng chúng ta bốc lên làm ấm lòng ta và xông ngát hương thơm cho muôn loài. Nói cách khác, việc quan trọng là phải tu thế nào cho đạt hiệu quả, có được tam muội chân hỏa sưởi ấm lòng mình và kế đến, giúp cho trí tuệ bừng sáng. Chúng sanh nương theo đó phát tâm Bồ đề, xa lìa phiền não; không phải đọc suông là xong việc.


Màn ngũ uẩn ngăn che ta và Phật bị lửa chánh định thiêu hủy và chuyển đổi năm phần: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức của ngũ uẩn thành năm phần tâm hương. Bằng lòng thành thông với Phật, chúng ta dâng cúng tâm hương và Phật cho lại chúng ta phần Pháp thân. Cả hai đều ở bản thể thanh tịnh, không có trên cuộc đời.


Trước tiên, tu đúng chánh pháp, nghiệp chướng trần lao bị tiêu hủy, tạo cho chúng ta thân mới là thân giới đức. Chúng ta giữ trọn năm giới, hoặc 250 giới, 380 giới, hay Bồ tát giới và thể hiện thành việc làm lợi ích chúng sanh, khiến người quý mến, tôn trọng. Chúng ta cảm hóa người bằng đức hạnh và đem thành quả này dâng cúng Phật. Ngài nhận việc làm tốt của ta, không phải nhận phẩm vật. Phật Niết bàn có tự thọ dụng thân, không sống bằng thức ăn vật chất nữa.


Tuy dâng cúng tất cả cho Phật, nhưng hiểu cho cùng, chúng ta làm cho chính chúng ta; vì tu hành càng cúng Phật, căn lành của chúng ta càng lớn thêm, đạo hạnh càng cao hơn. Thành tựu giới đức là tạo được một phần tâm hương, hay giới hương.


Kế đến, chúng ta tu tạo định hương. Định hương tiêu biểu cho tâm bình ổn, nhờ phá bỏ được thọ uẩn. Trong cuộc sống, chúng ta luôn bị chi phối bởi khổ thọ và lạc thọ. Cái gì làm chúng ta cảm nhận sung sướng và sống với nó là lạc thọ; cái không vừa ý dày vò ta mãi là khổ thọ. Hết vui đến buồn, cứ như vậy, khổ vui bao vây hành hạ tâm hồn chúng ta không ngừng nghỉ. Muốn bình ổn, chúng ta phải từ bỏ cả hai, không nhận cái vui buồn của cuộc đời tặng cho ta.


Đốt cháy cảm thọ, hay an trú xả thọ rồi, chúng ta thâm nhập bể Không của Bát Nhã, ai làm gì mặc họ. Tâm hồn hoàn toàn yên tĩnh, việc đời không còn tác động. Người cầu nguyện thật khác với người cầu nguyện giả ở điểm đó. Cầu nguyện giả nên liếc qua liếc lại và tiếng khấn phát xuất từ lòng tham lam ích kỷ. Trái lại, từ tâm hương cầu nguyện, họ chỉ quỳ yên lặng. Và trong sự yên lặng đó, chúng ta thấy cả một sức sống mãnh liệt toát ra. Tâm của người cầu nguyện hoàn toàn định tĩnh, phiền não nhiễm ô không quấy rầy, không có gì trên cuộc đời có sức thu hút cám dỗ mới có tư cách cúng dường và thông được với Phật, nên nhận được Phật lực hộ niệm.


Khi thành tựu được định hương, cảm thọ đã dứt, không còn nghĩ tưởng đủ thứ như trước; cho nên tưởng uẩn cũng theo đó chấm dứt. Nhờ hết sạch vọng tưởng điên đảo, chuyên tu Thiền quán, chúng ta phát huệ, Lúc ấy, những gì phát xuất từ tâm bừng sáng đều là Pháp Hoa, hay Tối thượng thừa Viên giáo, không loại bỏ gì, tất cả đều là nhân của Vô thượng Bồ đề. Tâm bừng sáng, thâm nhập được những gì Phật muốn truyền trao và nắm bắt được yêu cầu của thế gian, tùy theo đó giúp đỡ, khai ngộ cho người. Hiểu biết sáng suốt, dứt trừ phiền não cho mình và làm lợi ích cho người, kết thành huệ hương dâng cúng Phật.


Phật tại thế, thuyết pháp làm trời người an lạc thế nào thì ngày nay, ta cũng làm như vậy để cúng dường Phật. Trên tinh thần ấy, tôi rất vui khi hướng dẫn quý vị tu thanh tịnh; nhưng nếu quý vị không thanh tịnh, thì tôi tự thấy mình có lỗi với Phật.


Có được giới, định, huệ hương sẽ dẫn chúng ta đến giải thoát và giải thoát tri kiến hương. Trước khi tu, chúng ta muốn và nghĩ đủ thứ. Đến lúc vào chùa, chạm phải thực tế lại khác, việc không giống như chúng ta tưởng; cho nên dễ trở thành bực bội, chán nản, gây gổ. Đó là tâm của người mới phát tâm đầy tham vọng.


Trải qua thời gian dài thọ trì kinh điển, như pháp tu hành, nhận ra người và việc hiện hữu đều có lý do, muốn khác không được. "Muốn” hoàn toàn là tham vọng. Tâm bình ổn, thấy được thực tế, những gì tồn tại đều có ý nghĩa. Hết duyên thì có muốn cũng không được; còn duyên thì muốn xóa cũng không nổi. Với huệ sáng suốt, dưới mắt Thiền sư, những gì tồn tại trên nhân gian không có gì không phải đạo, không có gì không đẹp. Các ngài sống trong trần lao mà hoàn toàn giải thoát, khác với kẻ ở chốn giải thoát Thiền môn mà vẫn đầy ắp tranh chấp, triền phược.

Nếu chúng ta thực sự giải thoát, mọi gương mặt đỏ, đen, trắng, vàng đều không chướng ngại. Đó là một thực thể tiêu biểu cho nghiệp của chúng sanh. Nhờ nó mà chúng ta thấy chân lý, hiểu chân lý và đến gần chân lý. Và cũng nhờ đó mà chúng ta rèn luyện ý chí của người xuất gia cầu đạo.


Tu đúng pháp, chứng được quả giải thoát, không ai dám làm phiền chúng ta. Người còn gây khó khăn được là biết chúng ta còn nghiệp, nên thầm cám ơn họ đã giúp ta phát giác ra nghiệp và tiếp tục sám hối. Chẳng những giải thoát được những khó khăn, bức ngặt của cuộc đời, chúng ta còn nhẹ nhàng thanh thản với mọi thành quả tạo được, khác với người thế gian càng thành công thì càng bị công việc bao vây phiền toái hơn.


Chúng ta xếp những thành quả đạt được cho vào quá khứ, không nhớ tiếc cái đã qua, không mơ mộng điều chưa đến. Chỉ có một niệm hiện tiền, một lòng thẳng tiến, giải quyết việc trước mắt cho tốt đẹp, không còn gì khắc khoải, thắc mắc trong lòng.


Thức uẩn, hay tri thức thế gian biến mất, để Phật huệ sanh, tạo thành giải thoát tri kiến. Ai đến với hành giả cũng được an vui. Điển hình như Xá Lợi
Phất, một đại luận sư biết nhiều, nói giỏi, nhưng không ai khổ tâm hơn ngài. Bất chợt ngài gặp Tỳ kheo Mã Thắng đi khất thực không nói. Trong sự yên lặng của người chứng đắc Pháp thân giải thoát, Mã Thắng đã tác động cho Xá Lợi Phất giải thoát, nên tức thì tất cả sự thao thức từ ngàn đời của ngài tự rơi rụng.


Trong năm phần tâm hương, hôm nay chúng ta dâng cúng Phật được một phần, ngày mai cúng thêm được hai phần. Cứ như vậy, y theo pháp tiến tu để cúng Phật, thì trên bước đường tu, mỗi ngày đạo đức chúng ta cao hơn, tâm hồn giải thoát hơn, hiểu biết sâu rộng thêm. Những thành quả chúng ta đạt được tương ưng với năm phần Pháp thân Phật mới có thể dâng cúng được. Trái lại, ở trong cung điện xông ngát hương trầm, nhưng không có năm tâm hương, thì Phật cũng không đến được. Trên tinh thần ấy, kinh Pháp Hoa dạy rằng ở bất cứ chỗ nào có lòng thành, có đạo đức, có trí tuệ, chỗ đó có Phật, dù là ngã tư đường, hay đồng trống, hoặc điện đường.


Như vậy, cúng hương nhằm nhắc nhở chúng ta phải trang bị năm phần là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Ngày nào chúng ta cũng quỳ đọc bạch Phật, hứa cúng, nhưng không cúng, vì có năm phần hương đâu mà cúng; như vậy, chúng ta đã phạm tội nói láo nặng. Tôi rút gọn nguyện hương thành tâm hương, tức là bằng tâm thành tương ưng với Pháp thân Phật, thì chỗ nào cũng cúng được, vì không đâu không có Pháp thân.


Từ năm phần tâm, chúng ta kết hợp với năm phần Pháp thân Phật, hình thành một thế giới tín ngưỡng; lúc đó, mới khả dĩ nói bằng tâm, hay thốt lên: "Đốt nén tâm hương trước Phật đài. Ngũ phần dâng trọn Đức Như Lai”. Tất cả những gì tôi hiểu biết, tu hành và thành đạt được kết quả tốt, xin dâng cho Phật. Khi lòng thành và năm phần tâm của chúng ta tự nhiên hội nhập với Pháp thân Phật, chúng ta có yêu cầu: "Cầu xin nhân loại lên bờ giác. Hạnh phúc bình an khắp muôn loài”. Thiết nghĩ cúng cho Phật, nhưng chúng sanh phải được hưởng, phải phát tâm, mới đi đúng lộ trình Bồ tát đạo, thực hiện đúng nguyện của Như Lai. Ý này thường được kinh diễn tả rằng thành tựu chúng sanh là cúng dường Phật.


Hành động cúng Phật, lòng chí thành và việc làm tốt của chúng ta dâng cúng Như Lai, nhưng thực Như Lai có dùng đâu. Cúng Như Lai xong, tất cả thành quả này quay về cho nhân loại. Năm phần hương là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến ở trong yên lặng, đốt lên từ bản thể và cúng Như Lai mười phương. Và bản tâm thanh tịnh cuộn theo làn hương âm thầm lặng lẽ đi vào lòng người, giúp họ xa rời vọng tưởng điên đảo và phát tâm Bồ đề. Từ đó, thấy được việc nào đáng làm và không nên làm, nên đều thành tựu việc một cách tốt đẹp, tứ sanh lục đạo nương theo được bình an. Trái lại, nếu không làm được như vậy, chúng ta đã phạm tội phá pháp.


Khi chưa thành tựu năm phần Pháp thân, chúng ta khó giáo hóa được chúng sanh; vì càng xây dựng, họ càng chống trái. Nhưng trang nghiêm được thân tâm bằng năm phần Pháp thân, thì việc làm và lời nói của chúng ta đều là chân lý. Hành giả vào đời, mỗi người đi một hướng để đưa tất cả chúng sanh lên bờ giác; đó là mục tiêu trước nhất. Nhờ tâm tiếp cận Pháp thân Phật, chúng ta được an vui, giải thoát, nên cũng ước mơ cho người thân kẻ oán đều tiếp thu ánh sáng trí tuệ Phật và cảm nhận sự an lành trong pháp giống như chúng ta.


Đoạn niệm hương này tuy ngắn, nhưng quan trọng. Không làm đúng như vậy, không nhấc ngũ uẩn thân thành tâm hương đi vào thế giới Phật để cầu nguyện, thì tụng trăm ngàn lần cũng vô ích. Thâm nhập thế giới Phật và dâng cúng năm phần tâm hương cho Phật, tâm trí chúng ta luôn sống dậy Phật, Pháp, Thánh hiền. Từ đó, tạo thành thế giới Thật Báo của Phật trong tâm tưởng, nên dù cuộc sống có hẩm hiu, chúng ta vẫn cảm thấy an lành. Đó là giai đoạn hai, thế giới của tâm, của niềm tin hiện ra.


"Đốt nén tâm hương cúng Phật Đà. Lòng thành gửi tận chốn bao la”.


Tâm hương chúng ta gởi theo mây khói đi xa hơn nữa, tới mười phương bao la không cùng tận; chỗ nào có Phật, lòng chúng ta sẽ đến đó cúng. Ý này được diễn tả trong kinh Hoa Nghiêm: "Nhất thân phục hiện sát trần thân, nhất nhất biến lễ sát trần Phật”.


Chúng ta có nhân duyên căn lành, đời này bị kẹt trong xác thân ngũ uẩn, nên thường bị vướng mắc với sự hiểu biết giới hạn của sáu giác quan. Tuy nhiên, nhờ có lòng thành cao, niềm tin lớn, chúng ta phá tung được vỏ ngũ uẩn, sáu giác quan của thân không còn tác dụng nữa. Người nào có sống với cảnh giới Thiền định dễ nhận ra điều này. Chúng ta lìa ngũ uẩn, vì lòng để vào thế giới Phật, nên mười phương Phật hiện ra. Nói cách khác, từ con người ngũ uẩn của chúng ta chuyển đổi thành niềm tin, thành tâm hương thâm nhập Pháp giới và đi khắp mười phương. Tùy lòng thành của chúng ta muốn đến đâu cũng được, vì đi bằng tâm niệm, không phải dùng xác phàm này. Đây là loại hình thế giới tu chứng do tâm thành tột đỉnh mà tạo được.


Trên bước đường tu, thâm nhập được thế giới bao la, tức giới đàn vô tướng, có được những điều kỳ diệu, như một Phật tử đến nói với tôi rằng "Con đã thấy Thầy mười mấy năm trước”, mặc dù trên thực tế thì đây là lần đầu họ gặp tôi. Điều này gợi cho tôi hiểu vô tướng giới đàn có khả năng mang tâm đại bi đi cùng khắp. Ta không có ý nghĩ đến với họ, nhưng ai có nhân duyên thì tự nhiên nhận được sự tương ưng. Ngài Thiên Thai giải thích ý này bằng thí dụ nước không lên trăng, trăng không xuống nước; nhưng trong nước có trăng. Cảm ứng đạo giao ở trong vô hình, chúng ta không thể thấy bằng mắt và khó giải thích được, nhưng có thật. Giống như âm thanh và hình ảnh đưa vào thể điện, không thấy, nhưng truyền đi khắp mọi nơi.


Cũng vậy, người tu Bổn môn ngồi yên, tham Thiền, tụng kinh, chuyển làn sóng điện vào vô tướng giới đàn và từ đây truyền xuống tâm thức của tất cả người có nhân duyên căn lành. Họ tiếp thu được và nghĩ đến ta, thì phát tâm Bồ đề và thoát được khổ ách. Thành tựu được pháp này chứng tỏ chúng ta đã sử dụng được tâm hương ở giai đoạn hai.


Tuy lòng thành của chúng ta gởi tận chốn bao la, nhưng có định hướng rõ rệt, thể hiện qua lời "Cầu xin Tam bảo thường gia hộ”. Tam bảo Phật, Pháp, Tăng là ba nơi mà chúng ta gởi tâm tới, không bao giờ lạc hướng. "Phật bảo”, hay sự hiểu biết sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn. Chúng ta hướng tâm gởi lòng thành đến đó, đến bất cứ người nào sáng suốt, giác ngộ, hay lòng mong cầu của chúng ta là mong cầu Vô thượng Bồ đề. Kế đến, màn vô minh che kín cuộc sống con người, chẳng ai hiểu bên kia cửa tử, chúng ta sẽ ra sao, chỉ trừ các bậc Lục thông La hán. Vì vậy, tôi thường suy nghĩ về quả vị A la hán cho chúng ta biết được ngày giờ mãn duyên ở cuộc đời này, biết được người đến với chúng ta vì yêu cầu nào, giúp ích hay ám hại chúng ta. Nói chung, hàng đệ tử Phật thực tâm tu hành, ít nhất đều hướng đến quả vị Lục thông La hán, từ bỏ tất cả sự toan tính của thế nhân và biết tất cả mọi việc xảy ra cho ta và người, nghĩa là biết chân lý hay là pháp. Sau cùng, chúng ta nguyện đến với bậc chân tu thật học Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác để cùng làm pháp lữ tu hành.


Khi tham quan thế giới Phật, sống thân cận với Tam bảo, chúng ta ước mơ Đức Phật ứng hiện trên cuộc đời, Bồ tát xuất hiện cứu khổ ban vui cho người, vì sức của chúng ta có giới hạn, khả năng yếu kém, thân phận hẩm hiu, thì làm gì được. Vì vậy, chúng ta khởi ý niệm mong cầu "Đạo pháp hoằng thông đến mọi nhà”. Nhà ở đây phải hiểu là nhà ngũ uẩn, tức từng con người, từng tâm hồn. Mong sao ai cũng tin Phật, không tin tà ma. Tin tà ma là tin gian dối sẽ giàu có. Tin Phật là tin nhân quả, nên phải sống đời sống chân chính. Tin Tam bảo là tin trí tuệ sáng suốt, tin chân lý và tin người làm tốt, chắc chắn thế giới này sẽ an lành.


Ở giai đoạn hai, tu hành, cầu nguyện, từ tâm đi vào thế giới bao la của Phật và sang giai đoạn ba, từ bao la trở về thực tế Ta bà. Trước ở thế giới Phật lý tưởng, thấy Phật, nghe pháp, đẹp tuyệt vời bao nhiêu, thì nay trở lại Ta bà thấy thực tế kinh dị bấy nhiêu. Tuy nhiên, dù có phũ phàng đến đâu, chúng ta cũng bình tâm lại, mở mắt huệ ra mà quan sát thực tế, xét coi con người thực của mình là gì, tiền bạc có bao nhiêu, đạo đức và hiểu biết đến đâu. Thiên hạ cần gạo, chúng ta đáp lại bằng gạo, hỏi kỹ thuật phải trả lời kỹ thuật, hoặc nhờ che chở trước thế lực ác, chúng ta sẵn sàng bảo vệ họ. Như vậy, trở lại Ta bà tu, phải thấy rõ tâm địa từng người mà đối xử. Mỗi người có hoàn cảnh sống và tu khác nhau, phải giải quyết được tất cả mọi yêu cầu cho người.


Đối trước vấn đề quá khó như vậy, trong khi thân phận nghèo hèn, khổ nhục của chúng ta sống trong sanh tử khổ đau, làm sao giải quyết đây. Nếu thật lòng tu, mặc dù còn nhiều phiền muộn khổ đau bao vây bức bách chúng ta, hoặc còn bận rộn nhiều việc, chúng ta cũng quyết chí dành một niệm tâm, một niệm thức tỉnh nhỏ bé nào đó, phát tâm Bồ đề tu hành. Những việc lớn lao chúng ta không làm nổi, chỉ cố gắng nuôi dưỡng một niệm, tự dặn lòng rằng Ta bà là như thế, ai có xấu với ta thế nào đi nữa, chúng ta cũng đừng tệ với họ. Nó Ta bà, nhưng chúng ta phải giữ tâm hương để làm sợi chỉ vàng nối tiếp ta xuyên suốt với thế giới Phật. Ngược lại, nó Ta bà, ta cũng Ta bà lại, chúng ta đã đánh mất sợi dây liên hệ với Phật, đành phải ở luôn thế giới phàm phu này với họ! Còn gì kinh khủng hơn nhỉ!


Trước thực tế Ta bà như vậy, chúng ta không gửi tâm hương đi thế giới khác nữa, mà phải đốt nén tâm hương ở Ta bà. Nhắc đến Ta bà, chúng ta nhớ ngay đến đấng giáo chủ cõi này là Đức Thích Ca, vị Thầy duy nhất mà chúng ta cần nương theo tu hành.


Kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Lượng đã khẳng định rằng Đức Phật không chết, Ngài vẫn thường trụ ở Ta bà thuyết pháp, che chở chúng ta; nhưng chỉ người nào có tâm ý ngay thật, diệu hòa mới thấy Phật. Chúng ta đi khắp mười phương cũng không thấy Phật nào khác ngoài Đức Thích Ca; vì Ngài xác định rằng ở chỗ khác, Ngài có tên khác, mang loại hình khác. Vì vậy, chúng ta đến đâu đều có Đức Thích Ca hiện hữu bên cạnh; cho nên thốt lên rằng: "Nhớ lời di huấn Đức Thích Ca. Cầu xin Bồ tát Tùng địa xuất. Thầm giúp cho người tụng Pháp Hoa”.


Đức Phật dạy rằng Bồ tát mười phương đến Ta bà trợ hóa rồi cũng về bổn địa của các ngài. Duy có Bồ tát Tùng địa dũng xuất giữ tạng bí của Như Lai, phát nguyện giữ gìn người thọ trì kinh Pháp Hoa sau Phật diệt độ ở Ta bà. Tôi cảm nhận sâu sắc lực gia bị vô hình của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni và Bồ tát Tùng địa dũng xuất luôn mật tá cho tôi trên bước đường tu, giúp cho tôi luôn sống trong an lành và thành tựu được Phật sự, mặc dù không tài giỏi, không khỏe mạnh. Nhờ lực vô hình sắp xếp cho tôi làm đạo, khiến người lớn che chở tôi, người nhỏ thì tận tình với tôi. Những điều thật tốt không tính toán được, do người không quen biết giúp đỡ bất ngờ trong cuộc sống tu hành, chúng ta thường gọi nôm na là gặp quý nhân. Khi chúng ta gặp tai nạn, khó khăn, họ giúp không cần trả ơn và chúng ta tìm họ cũng không được. Trong đời tôi thường gặp không biết bao ân nhân mà tôi muốn trả ơn không được. Đối với tôi, đó là Phật gia bị cho Bồ tát Tùng địa dũng xuất đến giúp tôi vượt khó khăn, nguy hiểm một cách nhẹ nhàng. Được các ngài mật tá rồi, chúng ta tiến tu thanh thản. Tuy nhiên, vì nhìn thấy người khác tu Pháp Hoa không đúng pháp, bị nhiều tai nạn, khổ đau, chúng ta khởi tâm từ bi, nhờ Bồ tát Tùng địa dũng xuất thầm giúp cho họ cũng được may mắn như hành giả.


Đọc câu kệ cuối cùng này, có người chỉ trích rằng tôi ích kỷ, vì chỉ xin Bồ tát giúp cho người tu Pháp Hoa. Theo tôi, chúng ta tu hành cần phải kiến lập đạo tràng, hay chuyên môn hóa pháp tu mới có kết quả. Ở Nhật, họ rất chú trọng đến vấn đề này. Họ có nhiều tông phái, mỗi tông tu khác nhau; người tu Thiền phải vào Thiền đường, không thể tu chung với người chuyên trì chú hay niệm Phật được. Chúng ta không chống nhau, vì tất cả các pháp đều tốt; nhưng cách hành trì mỗi pháp khác nhau, nên tu chung sẽ thành chỏi nhau, chín người mười ý thì sao tu được.


tu Pháp Hoa mới có độ cảm và liên hệ với Bồ tát Tùng địa dũng xuất, vì các ngài chỉ hiện hữu trong thời Pháp Hoa và phát nguyện hoằng truyền, hộ trì người trì kinh Pháp Hoa mà thôi. Chúng ta cầu nguyện Bồ tát Tùng địa dũng xuất, trong đó có bốn vị thượng thủ là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh và An Lập Hạnh. Bốn vị này tiêu biểu cho bốn đức. Chúng ta phải thành tựu một trong bốn đức giống các ngài, tức đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, mới có thể bước vào thế giới Pháp Hoa mầu nhiệm.


Bồ tát Tùng địa dũng xuất phát nguyện hành đạo mãi mãi ở Ta bà; người trì kinh Pháp Hoa cũng có nguyện như vậy. Chúng ta sống trên cuộc đời thể hiện được một trong bốn hạnh của các ngài và Bồ tát ẩn mật giúp đỡ chúng ta. Đó là sợi dây liên hệ giữa ta và các ngài. Đọc đến đây, chúng ta tự cảm nhận trong thế giới vô hình có hàng hàng lớp lớp Bồ tát gia bị đến, chúng ta rất yên lòng. Các ngài giúp, không ai thấy; nhưng chúng ta cảm nhận được sự trợ lực ấy, mới dám phát nguyện ở lại đây hành đạo, không sợ.


Tóm lại, ba đoạn ngắn của bài kệ nguyện hương phát xuất từ tâm thành, tạo mối liên hệ mật thiết giữa ta với Phật, Bồ tát hữu hình, vô hình và chúng sanh; không phải là lời rên rỉ van xin mà không được gì.


Từ khởi tu của phần tâm hương giúp chúng ta phát Bồ đề tâm, thâm nhập đạo tràng, tiến tu giải thoát và mang an lạc đến cho người. Từ thế giới hiện tượng này, chúng ta tiến sang thế giới Thật Báo của chư Phật, mười phương nghe được pháp âm Phật và thấy Phật nhiều hơn. Bấy giờ, mọi người, mọi vật được ảnh hiện qua lăng kính tâm của chúng ta. Tùy tâm mà tạo ra xấu đẹp, khổ vui. Vì vậy, người tu Pháp Hoa không dại gì thấy xấu để khổ. Lúc nhỏ, tánh tôi dễ bực, nên tôi tập nhắm mắt nhìn vật để thấy thế giới đẹp bằng tâm Bồ đề. Thấy bằng tham vọng, thì đẹp không nổi.


Sau cùng, tâm hương đưa chúng ta đến thế giới Thường Tịch Quang, nhìn nhau dưới dạng Bồ tát Tùng địa dũng xuất thân màu hoàng kim tiêu biểu cho ý Phật dạy rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tôi nhận được cốt lõi này, ứng dụng trong cuộc sống tu hành, chỉ tiếp xúc với ông Phật bên trong của người, với tâm Bồ đề của họ, không giao thiệp với nghiệp ác bên ngoài, thì người xấu ác cũng trở thành tốt với tôi.


Mong rằng Tăng Ni và Phật tử sử dụng được tinh ba của ba lời nguyện này trong cuộc sống tu hành để tâm hương của mỗi người chúng ta ở Ta bà mỗi ngày tỏa rộng, lan xa cho cuộc đời này mãi mãi thơm ngát hương giới đức, hương từ bi và hương trí tuệ.