1. Tôn giả Đại Ca Diếp

Friday, 08 July 201611:40 PM(View: 1207)
1. Tôn giả Đại Ca Diếp
THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT
Thích Minh Tuệ
 

Trưởng Lão Đại Ca Diếp
Maha Kasyapa - Đầu Đà Đệ Nhất


Khi còn tại thế, trong 45 năm thuyết pháp với hơn 300 hội, Đức Phật để lại 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Tùy căn cơ, trình độ hoàn cảnh, người hành giả có thể chọn tu theo một trong những pháp môn đó, có người chuyên tu thiền định, có người niệm Phật, tụng kinh, có người trì luật, có người tu phước bố thí, có người trì bình khất thực... Với tất cả hành trì, theo Phật hạnh nào cũng đáng kính nể, quý trọng. Trong số các Thánh chúng, Ma Ha Ca Diếp là người dốc lòng giữ gìn phạm hạnh, nên được Phật và Thánh chúng tôn xưng là bậc Đầu Đà Đệ Nhất.


Quê Quán Dòng Họ và Danh Hiệu của Ngài Ma Ha Ca Diếp


Ở Ấn Độ, không xa thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, tại thôn Sa La Đà, có một gia đình thuộc dòng họ Bà La Môn rất giàu có, đó là Ni Câu Lự Đà Kiệt Ba có tài sản có thể so sánh với Vua Tần Bà Sa La lúc bấy giờ. Đại Ca Diếp sinh trong gia đình phú hào này. Tên đầu tiên của Ngài là Tất Bát La Da Na, vì thân mẫu Tôn giả đi chơi quanh gốc cây Tất Bát La thì hạ sanh Tôn giả, vì thế lấy tên cây đặt cho đứa bé. Vì là con một trong gia đình, Đại Ca Diếp rất được cha mẹ thương yêu, nuôi dưỡng, nhũ mẫu có đến 4 bà, còn bồng bế cho ăn, tắm rửa, trò chơi có rất nhiều người. Đại Ca Diếp phước tướng đầy đủ, tư chất thông minh, lúc lên 8 đã được học văn học, toán thật, thi họa, âm nhạc, thiên văn, tướng số... Các Đạo sĩ Bà La Môn còn dạy cho Ngài phép tế đàn 4 mùa, Thánh điển Vệ Đà, Nhân minh học v.v... Với các môn học, Đại Ca Diếp đều thấu hiểu rất nhanh.


Lúc khôn lớn, Đại Ca Diếp khác hẳn những người cùng lứa tuổi. Với các lạc thú ở đời Ngài không ham thích, kể cả vấn đề âu yếm. Đại Ca Diếp thường tỏ chán ghét, bất tịnh, thích xa đám đông, riêng ở một mình. Ngay cả Cha mẹ, Đại Ca Diếp cũng không tưởng nhớ, trong những lúc xa nhà. Bởi thế khi phải vâng lời cha mẹ lập gia đình, Đại Ca Diếp cũng không chung giường với Người vợ mới cưới tên là Diệu Hiền, một cô gái sắc nước hương trời không ai sánh kịp. Mỗi người mang một tâm trạng riêng, từ ngày cưới Diệu Hiền cho đến hơn cả chục năm về sau khong ai nói với ai một lời nào. Im lặng lâu quá không thể nín thinh mãi được, Đại Ca Diếp hỏi Diệu Hiền lý do tại sao mặt lúc nào cũng buồn. Diệu Hiền trả lời:


Chàng đã phá hoại chí nguyện của tôi, sự giàu sang của chàng đã mê hoặc cha mẹ tôi, từ trước tôi vẫn thích phạm hạnh, ghét ngũ dục, nên hiện làm dâu gi đình nầy tôi rất lấy làm buồn!


Nghe ước vọng của Diệu Hiền không trái với ước vọng của chính mình, Đại Ca Diếp nói:


Thế là hai ta đã có cùng chung một ước nguyện, cùng nhìn chung về một hướng, tôi vẫn không thiết tha với việc lập gia đình, nhưng vì là con một tạm để cho cha mẹ khỏi buồn, tôi phải tạm theo ý của gia đình mà thôi. Giờ đây chúng ta hãy tiếp tục sống theo phạm hạnh và dù là vợ chồng chúng ta cũng giữ sự thanh tịnh.


Mãi 12 năm sau, khi cha mẹ đều từ giã cõi đời, Đại Ca Diếp rời gia đình đi tìm thầy học đạo, trước khi tạm biệt Đại Ca Diếp có hứa sẽ trở về hướng dẫn Diệu Hiền khi tìm được minh sư.


Đạo Nghiệp của Đại Ca Diếp


Đại Ca Diếp xuất gia trì hạnh Đầu Đà


Năm 30 tuồi, Đại Ca Diếp từ giã thân thuộc vào rừng tìm đạo, chính là lúc Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ Đề. Mãi đến hai năm sau Đại Ca Diếp vẫn chưa có đạo sĩ nào giúp thỏa mãn nguyện vọng, nhân cuộc khởi xướng dâng y rầm rộ của ngự y Kỳ Bà. Đại Ca Diếp biết Phật và tìm đến thành Vương xá, ngày ngày Ngài theo Thánh chúng đến nghe pháp mà chưa chính thức ra mắt với Phật, vì lòng còn muốn dò xét. Từ trên tòa giảng, Đức Phật nhìn xuống thấy và biết Đại Ca Diếp là người có thể kế thừa đạo nghiệp của Như Lai.


Tại hội Linh Sơn, khi đức Phật đưa lên một cành hoa, Đại Ca Diếp mỉm cười, Phật biết chánh pháp đã có người tâm đắc kế thừa sau này. Một hôm sau khi mãn buổi thuyết pháp Phật đi đường tắt đón Đại Ca Diếp ở một ngã đường. Trên đường về gặp Phật Đại Ca Diếp chính thức bái yết Phật, xin được xuất gia tiếp tục học đạo. Qua cuộc gặp gỡ, Tôn giả theo Phật trở lại Tinh Xá Trúc Lâm, ở đây Đức Phật đem pháp Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên, khai thị cho Tôn giả. Vốn thích tu hạnh Đầu Đà sau khi gặp Phật, Tôn giả vẫn tiếp tục thực hành pháp tu phạm hạnh. Hạnh đầu đà có năng lực tịnh hóa tâm hồn, khi tu theo hạnh này cần giữ đủ 10 điều.


1. Chọn ở nơi hoang vắng.
2. Sinh hoạt bằng phép trì bình.
3. Thường ở tại một nơi.
4. Ngày ăn một bữa.
5. Khất thực không phân biệt giàu nghèo.
6. Tài sản gồm có 3 y, một bình bát.
7. Tư duy dưới gốc cây.
8. Thường ngồi giữa đồng trống.
9. Mặc áo phấn tảo.

10. Sống tại các bãi tha ma.


Với 10 điều kiện trên, Tôn giả tuân giữ trọn vẹn chỉ có 9 điều, riêng điều khất thực số 5 Tôn giả không theo giáo đoàn, Tôn giả chỉ đến khất thực trước nhà người nghèo. Theo Ngài người giàu đã thừa phước đức, ta không cần phải mang phước đến cho họ, còn người nghèo vì thiếu phước đức ta cần đem phước điền cho họ gieo trồng. Trong hàng đệ tử Phật người đi khất thực ngược với Đại Ca Diếp là Ngài Tu Bồ Đề, chỉ đi khất thực nhà giàu. Nghe Tôn giả chỉ khất thực nhà nghèo, Đức Phật khiển trách và khuyên nên đem tâm bình đẳng khất thực, từ bỏ tâm phân biệt.


Với Tôn giả Phật còn khuyên không nên quá khổ hạnh, vì khổ hạnh là một cực đoan Đức Phật đã bỏ sau khi bị kiệt sức ở xứ Ba La Nại, tu với 5 anh em Kiều Trần Như. Ngài đã tìm ra con đường trung đạo, và đạt được địa vị giác ngộ giải thoát. Với pháp khất thực bình đẳng có lúc Tôn giả tuân hành, riêng hạnh đầu đà Ngài vẫn giữ cho đến hơi thở cuối cùng, không ai lay chuyển được, cho nên Ngài được tôn xưng là bậc Đầu Đà Đệ Nhất. Tầm vóc ảnh hưởng của Tôn giả rất lớn, lấn lướt hết ảnh hưởng người khác, như ánh sáng chói chang của mặt trời khỏa hết các ánh sáng khác, vì thế Ngài còn được dịch là Ẩm Quang.


Tiếp độ Diệu Hiền


Khi Đức Phật trở về Ca Tỳ La Vệ giáo hóa cho các vương tôn công tử. Tôn giả có đi theo. Để hợp với giáo pháp bình đẳng, và cũng theo lời thỉnh cầu của A Nan, Đức Phật cho Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề xuất gia hiệu là Kiều Đàm Di, vị nữ đầu tiên trong giáo đoàn của Phật. Thấy Di mẫu của Phật được xuất gia, tôn giả có ý mừng vì đã mở lối để Ngài thực hiện lời ước hẹn với Diệu Hiền lúc từ tạ gia đình để đi xuất gia.


Chờ đợi 3, 4 năm không thấy Đại Ca Diếp trở về, Diệu Hiền cho phân tán tài sản, bố thí giúp đỡ cho bà con và những người nghèo rồi đi xuất gia theo phái ngoại đạo lõa hình ở bên bờ sông Hằng. Được tin Diệu Hiền đi tu nhưng vì sắc đẹp mà phải chịu nhiều sĩ nhục, Tôn giả nhờ một Tỳ kheo ni đi đón nàng. Khi về đến ni viện cũng vì sắc đẹp kiều diễm nàng vẫn không tránh khỏi sự xì xầm nơi chốn đông người. Tự thấy thân nữ trở ngại đạo nghiệp rất nhiều, Diệu Hiền không ra ngoài khất thực nữa, không tiếp xúc với đại chúng tránh chỗ đông đảo.


Cảm kích tình cảnh của Diệu Hiền, hàng ngày Tôn giả chia nữa phần cơm và nhờ người mang đến cho Diệu Hiền. Đời lại lắm chuyện, những người tò mò có tánh thị phi sinh tâm tật đố và cho là giữa hai người chắc còn tình ý. Để tránh tiếng đàm tiếu, Tôn giả không chia phần cơm cho Diệu Hiền như bấy lâu nữa. Tỳ kheo ni Diệu Hiền cũng muốn chóng được nhẹ nghiệp nữ lưu, ngày đêm không ăn ngủ, tịnh tọa sám hối tấn tu đạo nghiệp, chứng được Túc mạng thông, được Đức Phật khen ngợi. Tôn giả Đại Ca Diếp rất hoan hỷ, với hai mặt đạo và đời Ngài đều thực hiện viên mãn, hết mối bận tâm.


Độ Bà Lão Nghèo


Với chí nguyện, đem phước điền đến cho người nghèo thiếu khi đi khất thực, Tôn giả thường tránh những ngôi nhà giàu có, và dừng bưóc trước những ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Một hôm vào thành Vương Xá khất thực Tôn giả thấy một bà lão ăn mày đau ốm nằm rên rỉ bên vệ đường, Tôn giả đến gần và ân cần thăm hỏi:


· Này bà lão! tại sao trong lúc đau ốm bà lại nằm giữa đất và chỉ lấy lá che thân? Nơi đất hơi gió mưa sẽ làm cho bệnh của bà nặng thêm, bà không có nhà cửa con cháu gì cả sao?


· Nếu đã có các thứ như Ngài vừa hỏi thì tôi đâu có nằm rên rỉ ở đây. Ngài có gì cho tôi không? Sao tôi thấy Ngài cũng có vẻ nghèo và mang bát đi xin ăn, tôi chẳng có gì cho Ngài cả. Thế Ngài có phép gì giúp tôi hết bệnh và hết nghèo đói chăng?


· Tôi là một Tỳ kheo đang theo học đạo lý với Phật Thích Ca và đang tu khổ hạnh nên cũng đi xin như bà, nhưng lại đi bán giàu mua nghèo, bà hãy bán nghèo cho tôi để tạo nhiều phước báu giàu sang phú quý.


· Nghèo thì lấy gì để bán? đã ba ngày qua tôi không có chút gì để bỏ vào bụng, sáng sớm hôm nay có người đi đổ nước cơm, tôi hứng được một tý đỉnh, nhưng nước đã có mùi chưa dám uống sợ tháo dạ.


· Thế bà đem nước đó bố thí cho tôi chút đỉnh, gọi là gieo trồng phước đức, hy vọng tương lai gặp may mắn, trở nên giàu có.


Nghe Tôn giả giảng giải, tâm bà đầy hỷ lạc quên cả sự ô uế của thân mình, bà đem mẻ nước cơm dâng cúng cho Tôn giả. Ngài hoan hỷ tiếp nhận, và uống gần cạn mẻ nước cơm. Thấy thế bà lão vô cùng vui mừng, Tôn giả ngỏ lời chúc phúc cho bà rồi lên đường hành hóa.


A Nan Tặng Bát


Trong giáo đoàn của Phật, Tôn giả Đại Ca Diếp giữ phạm hạnh bao nhiêu thì nhóm lục quần Tỳ kheo lại thường sai trái mất phạm hạnh bấy nhiêu. Có một thời Phật ở Kỳ Viên Tinh Xá, nhóm lục quần tỳ kheo thi nhau sưu tầm bình bát. Phật chế bát có hai loại, bát bằng sắt thép và bát bằng sành sứ. Nhưng khi sản xuất hình dáng bát mỗ thứ không giống nhau, chất liệu cũng có thứ tốt thứ xấu, màu sắc cũng có nhiều. Nước Tô Ma sản xuất bát thiếc, nước Ưu Già sản xuất bát màu đỏ, nước Ô Già sản xuất bát màu đen... Nhóm lục quần chẳng lo hành thiền, tu tập, ngày này qua ngày khác lo đi tìm kiếm bát tốt, đem về trưng bày để ngắm nhìn, phòng xá của các vị giống như nhà hàng bán đồ gốm, sành sứ. Biết được tình trạng tích trữ nhiều bát, Phật ban hành luật: Tỳ kheo chứa bát dư phạm Ni bát kỳ ba dật đề.


Trong lúc đó Ngài A Nan được đàn việt cúng dường 4 cái bát của nước Tô Ma rất quý, Ngài định đem bát đó dâng cúng cho Tôn giả Đại Ca Diếp. Lúc bấy giờ Tôn giả không có mặt ở Xá Vệ, đang du hóa ở phương xa, giữ bát thừa tất phạm giới, không biết xử lý bằng cách nào, A Nan đành đem sự việc trình lên Đức Phật. Phật hỏi:


· Bao giờ Đại Ca Diếp mới trở về?


· Bạch Thế Tôn! Khoảng sau 10 ngày.


Trong giờ giảng pháp trước đại chúng, Phật hết lời khen ngợi phạm hạnh của Đại Ca Diếp và khuyên đại chúng nên noi gương, đặc biệt là lục quần tỳ kheo. Sau cùng thể theo sự tình của A Nan đã trình bày với phép cất bát dư, Đức Phật sửa lại điều luật và công bố:


· Các Tỳ kheo được phép cất bát dư trong thời gian 10 ngày.


Qua sự kiện, Phật chế giới luật Tỳ kheo giữ bát dư, chúng ta biết được địa vị và ảnh hưởng của Tôn giả Đại Ca Diếp đối với giáo đoàn rất cao.


Thừa Kế Đức Phật


Thấy Đại Ca Diếp đạo cao đức trọng, Phật và giáo đoàn đều vị nể, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên yêu cầu Tôn giả tham gia việc hoằng pháp, nhưng Tôn giả từ chối vì việc đi bố giáo đã có các vị thông minh tài trí như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên. Tôn giả chỉ chú trọng đến cuộc sống phạm hạnh, thiểu dục tri túc, vì đó cũng là cách gián tiếp truyền bá giáo lý của Đức Phật. Tôn giả trọn giữ hạnh đầu đà, lúc nào Tôn giả cũng ở trong rừng già, kinh hành hoặc tọa thiền dưới gốc cây, quán xương trắng ở bãi tha ma chẳng quản nắng mưa, sương gió... Mãi đến lúc tuổi già râu tóc bạc phơ, thân thể gầy guộc Tôn giả vẫn không bao giờ chểnh mảng.


Thấy thế không đành lòng Phật yêu cầu Tôn giả về sinh hoạt tại Tinh Xá Kỳ Viên. Dù biết rằng cung kính không bằng phụng mạng, nhưng Tôn giả thấy sống với tập thể thì phải theo khuôn khổ chung và đành phải ngưng thực hành hạnh Đầu Đà, hơn nữa ở chốn rừng sâu không phiền hà gì đến ai, khi cần gieo phước điền cho người thì đi vào thành khất thực, khi mệt mỏi không đi được thì kiếm hoa quả rau trái ở rừng, thọ dụng qua ngày. Thực hành phạm hạnh đầu đà đã là trực tiếp củng cố giáo đoàn, gián tiếp lợi lạc chúng sanh, củng cố tăng đoàn là điều kiện thừa kế Đức Phật. Tôn giả xin Phật được tiếp tục con đường đã chọn. Biết không thể lay chuyển được ý hướng của Ngài, Phật hướng về đại chúng dạy rằng:


· Này các Tỳ kheo! Đại Ca Diếp luôn luôn lo ngại cho tiền đồ chánh pháp, thiên ma ngoại đạo hay thế lực cường quyền không thể phá hoại chánh pháp, nội tình lộn xộn, Tăng đoàn hủ hóa thiếu phạm hạnh, là điều kiện chính làm cho chánh pháp tiêu diệt "Trùng trong sư tử ăn thịt sư tử." Vì thế nếu Tăng đoàn được củng cố, giới đức trang nghiêm, nội tình ổn định hòa hợp tất yếu chánh pháp được trường tồn. Để củng cố Tăng đoàn, sinh hoạt phải nghiêm túc, giới luật phải được tôn trọng giữ gìn, giới luật còn thì đạo ta còn. Người có thể chủ trì thừa kế chánh pháp nhãn tạng của ta phải là Ma Ha Ca Diếp, điều đó ta đã thấy rõ ngay ở hội Linh Sơn, khi ta đưa lên cành hoa sen, Ma Ha Ca Diếp liền mỉm cười.


Kiết Tập Kinh Điển


Đúng là người thừa kế mang mạng mạch của Như Lai, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 7 ngày, Tôn giả Đại Ca Diếp liền triệu tập hội nghị kiết tập kinh điển, trong suốt 3 tháng. Tinh Xá của giáo đoàn rộng rãi có rất nhiều, nhưng đa phần chưa phải là nơi hoàn toàn thanh tịnh, các Tỳ kheo lân cận chưa phải thật sự ly dục chứng Thánh quả. Suy xét kỹ lưỡng Tôn giả thấy chỉ có động Kỳ Xà Quật mới xứng đáng là nơi kiết tập kinh điển. Đó là nơi u tịch, rộng rãi, cảnh trí thoát trần. Tôn giả triệu tập 500 vị đã chứng A La Hán quả, riêng Ngài A Nan luôn luôn gần Phật lại đa văn, thuộc tất cả các lời Phật dạy, nhưng lại chưa chứng Thánh quả lại còn có 6 tội. Để có thể và duy trì chánh pháp lâu dài, sự sinh hoạt của giáo đoàn phải oai nghiêm, không thể có người còn lỗi lầm, Tôn giả Đại Ca Diếp buộc A Nan phải sám hối 6 tội trước đại chúng, còn vấn đề chưa chứng Thánh quả, Đại Ca Diếp buộc A Nan phải ra ngoài động, kiếm nơi an tĩnh tu tập lúc nào chứng Thánh quả A La Hán hãy trở vào. Nhờ nhất tâm, chỉ tĩnh tu trong thời gian ngắn, Ngài A Nan liền chứng quả A La Hán.


Khi Tôn giả A Nan trở vào thạch động, cuộc kiết tập kinh điển chính thức bắt đầu. Đại chúng nhất trí đề cử Tôn Giả Đại Ca Diếp làm chủ tọa.
· Ngài Ưu Ba Ly tuyên trì tạng Luật.
· Ngài A Nan tuyên trì tạng Kinh.
· Ngài Phú Lâu Na tuyên trì tạng Luận.


Ngoại hộ đắc lực cho cuộc kiết tập kinh điển là vua A Xà Thế.


Đại Ca Diếp Nhập Niết Bàn


Trong hàng đệ tử của Đức Phật, Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên Niết Bàn trước Phật, Niết Bàn sau Phật có Ngài Đại Ca Diếp. Sau cuộc kiết tập kinh điển tại động Kỳ Xà Quật, khoảng hai hoặc ba mươi năm sau, cảm thấy cơ thể đã già yếu, mệt mỏi vì đã trên trăm tuổi, Đại Ca Diếp quyết định Niết Bàn. Tôn giả tìm đến nơi Ngài A Nan đang du hóa để phú chúc pháp tạng, yêu cầu A Nan tiếp nối sứ mạng thừa kế truyền bá chánh pháp, rồi không nề mệt mỏi, Tôn giả đến 8 tháp thờ Xá Lợi phật để lễ lạy cúng dường.


Sau đó Ngài trở về thành Vương Xá để tạ từ Vua A Xà Thế, nhưng gặp lúc nhà vua đang ngủ nghĩ, quân hầu không cho Tôn giả vào cung. Rời thành Vương Xá Tôn giả mang theo y bát của Phật đến núi Kê Túc, ngồi nhập định và Niết Bàn, nơi đây cách thành Vương Xá khoảng 8 dặm về phía Tây Nam. Nghe tin Tôn Giả Đại Ca Diếp đã Niết Bàn, vua A Xà Thế rất bi thương! Nhà vua lập tức đến thông báo cho A Nan và yêu cầu cùng nhà vua đến núi Kê Túc đảnh lễ cúng dường. Mặc dù Tôn giả Đại Ca Diếp đã nhập Niết Bàn, nhưng ảnh hưởng nếp sống đạo đức, phạm hạnh của Tôn giả vẫn còn tồn tại mãi với thời gian...


Nhận Thức và Kết Luận


Với những phép khất thực, Đức Phật dạy phải bình đẳng không thiên chấp, phân biệt, nhưng Tôn giả Ca Diếp chỉ đi khất thực nhà nghèo, trong khi Ngài Phú Lâu Na thì khất thực nhà giàu, vì thế nên cả hai Ngài đều bị Phật khiển trách. Tuy thế, theo Tôn giả Ca Diếp người nghèo là kẻ đáng thương, đáng lân mẫn để an ủi họ, từ quan niệm đó, bất luận một hành vi một cử chỉ nhỏ nào của Tôn giả đều biểu thị đức từ bi bao la vô tận. Bởi thế, tăng hay tục, mọi người đều kính nể Tôn giả, hào quang hiền dịu của Tôn giả đã lấn lướt ảnh hưởng của người khác. Do đó tên của Ngài còn được dịch là Ẩm Quang (uống ánh sáng).


Theo Phật giáo Bắc Tông sau khi Phật nhập Niết Bàn, Đại Ca Diếp được tôn vinh là tổ sư thứ nhất, trong khi Phật giáo Nam Tông lại tôn vinh Ngài Ưu Ba Ly. Vì quan điểm của hai phái có thiên trọng khác nhau, nên dự suy tôn sư tổ đương nhiên có khác. Đó cũng chính là một trong những điểm mà Phật giáo có hai tông phái. Phật giáo Bắc Tông thiên về thiền, về giáo ngoại biệt truyền, không lập văn tự chỉ dùng tâm ấn tâm, cho nên qua biểu thị Đức Phật đưa hoa sen, Đại Ca Diếp liền mỉm cười (Chính ngộ yếu chỉ niêm hoa vi tiếu), vì thế Ngài được suy tôn là Sư tổ. Trong khoa chúc tán có bài tán đã nói lên ý nghĩa đó như sau:


· Niêm hoa ngộ chỉ, tổ đạo sơ hưng, miên diên tứ thất diễn chơn thừa, lục đại viễn truyền đăng, dịch diệp tương thừa chánh pháp vĩnh xương minh.


Thấy hoa liền ngộ, vị tổ đầu tiên, liên tục bốn bảy giảng chơn thừa, đèn soi suốt sáu đời, cây lá nối nhau, chánh pháp mãi thịnh hành).


Phật giáo Nam Tông chủ yếu vẫn tọa thiền, loại trừ phiền não triều cái, nhưng lại nhắm hướng giải thoát cá nhân làm trọng điểm... Muốn giải thoát tất yếu phải giữ giới luật, chính chữ giới luật có nghĩa là biệt giải thoát, Phật tìm đạo vì muốn để giải thoát sinh tử luân hồi cho chúng sanh. Lúc Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài A Nan hỏi Phật:


· Sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn chúng con biết lấy ai làm thầy. Phật bảo: "Lấy giới luật làm thầy, giới luật còn thì đạo còn". Ưu Ba Ly là vị trì luật đệ nhất, với mục đích duy trì mạng mạch của Đức Phật lâu dài, đồng thời cũng tiến đến chân trời giải thoát, nên Phật giáo Nam Tông suy tôn Ngài Ưu Ba Ly làm sư tổ.


Nhìn chung suốt cả cuộc đời Tôn giả Đại Ca Diếp luôn luôn hướng dẫn phẩm hạnh đạo đức thiểu dục tri túc là chính, cuộc sống nội tâm, hành vi cử chỉ, lời ăn tiếng nói vào một khuôn khổ lề lối. Bởi thế người khác nhìn vào có vẻ thấy tiêu cực, thụ động, yếu đuối... nhưng ở đời có mấy ai ép mình được trong khuôn khổ đạo đức, lo trau dồi phẩm hạnh. Cái lăng xăng, tích cực tham dự và sự thu hút của xã hội, của cuộc đời có thể dễ dàng thực hiện. Cái tích cực diệt trừ thói hư tật xấu trong mỗi tự thân của con người thật khó thực hiện. Thắng người thì dễ, thắng mìn rất khó.


Tôn giả Đại Ca Diếp luôn luôn hướng về tự thắng, nhờ đó Tôn giả trở thành một con người gương mẫu trong giáo đoàn. Phẩm hạnh của Tôn giả đã có một tầm mức ảnh hưởng rất rộng. Đức Phật cũng đã vị nể xem Tôn giả như bạn, có lần Phật đã nhường nửa tòa ngồi giảng pháp cho Tôn giả. Nhờ phẩm hạnh đầu đà sau khi Phật Niết Bàn Tôn giả đã được giáo đoàn suy tôn lên ngôi thủ lãng trong cuộc kiết tập kinh lần thứ nhất tại Kỳ Xà Quật. Ngày nay để duy trì đạo pháp lợi lạc chúng sanh, hàng tăng sĩ chúng ta hãy noi gương Tôn giả Đại Ca Diếp, để nâng cao phẩm hạnh đạo đức ở đời. Người có tư cách đạo đức bao giờ cũng được kính nể, ngược lại không tư cách đạo đức dù giàu mạnh đến đâu, cuối cùng cũng bị cuộc đời đào thải.