Chương 1 - Nghĩa Không của Trung Luận

Thứ Sáu, 08 Tháng Bảy 20161:05 CH(Xem: 4029)
Chương 1 - Nghĩa Không của Trung Luận
TRUNG QUÁN LUẬN
Đại Sư Ấn Thuận - Thích Nguyên Chơn dịch Việt

Chương Một
NGHĨA KHÔNG CỦA TRUNG LUẬN
(Giảng tại chùa Tuyết Đậu ở Tứ Minh vào mùa Đông năm 1947)


Lời dẫn


Phật thuyết Duyên khởi không
Đồng nghĩa với trung đạo
Kính lễ đức Thích Tôn
Thắng diệu thay lời này.


Hồi Tránh luận


Tất cả sự vật ở thế gian đều tồn tại trong quan hệ tương y tương duyên. Sự tồn tại và sanh khởi tương y tương duyên chính là Duyên khởi. Đã là Duyên khởi thì phải chịu hạn cuộc và quyết định trong nhiều quan hệ tương liên; chịu các điều kiện liên quan mà quyết định hình thái và tác dụng của mình, như thế tức là vô tự tánh.


Tự tánh là tánh tự có hoặc tự thành, hoặc có tự thể tồn tại, hoặc tự thể quy định cho tự thể. Như cho rằng tất cả đều là những tồn tại trong quan hệ, là nương vào Duyên sanh khởi, điều này tương phản với nghĩa tự tánh (Kim Luật đặt biệt sẽ nêu lên cho chúng ta biết tự thành, tự hữu, tự thể tồn tại). Vì thế, hễ là pháp Duyên khởi tức vô tự tánh, vô tự tánh là không. Duyên khởi tức không là luận đề rất căn bản và trọng yếu của Đại thừa Trung Quán.


Chấp tự tánh là một lầm lẫn căn bản rất phổ biến của nhân loại; không là thoát khỏi sự lầm lẫn về tự tánh (tồn tại tự ngã) này mà trực nhận chân tướng của tất cả. Vì thế không là tất cánh không, là không tịch siêu việt hữu vô, lìa tất cả các hí luận. Ngay cả tướng của không cũng không tồn tại, đó chẳng phải là không đối đãi với bất không mà thế gian thường nhận biết. Thế thì, đã gọi là không thì trên ngôn thuyết đã rơi vào đối đãi, hoặc giả danh an lập.


“Không” lìa ngôn ngữ, siêu việt tất cả phân biệt hý luận mà nội chứng tịch diệt, điều này chỉ có chứng cảnh giới tương ứng, chứ đâu có thể dùng ngôn thuyết được ? sở dĩ gọi không là vì để độ chúng sanh, bất đắc dĩ ngay nơi danh ngôn vốn có của chúng sanh mà khéo léo sử dụng, hầu quét sạch các chấp trước mà đạt đến chánh giác sừng sững độc tồn.


Trí Luận cũng từng nói: “Vì độ chúng sanh mà nói tất cánh không”. Luận Sư Thanh Mục (Phạn: Pingalanetra) chú thích Trung Luận có đọan: “Không cũng lại không, nhưng vì dẫn dắt chúng sanh nên dùng ngôn thuyết”. Duyên khởi vô tự tánh mà nói tức không, cũng như ngón tay chỉ mặt trăng, phá tan các hý luận phân biệt có không mà đạt tịch diệt, vì thế không tức trung đạo.Trung đạo nương vào không mà hiển bày, không nương vào Duyên khởi mà thành lập.Vả lại, căn cứ vào Duyên khởi vô tự tánh để rõ không, nên vô tự tánh tức là Duyên khởi, đó là kiến giải chân chính về Trung đạo Duyên khởi.Vì thế Duyên khởi, không, trung đạo, nếu nhìn từ phương tiện khéo léo của nhà Phật, tuy có ba từ ngữ khác nhau, nhưng đều nêu lên bản tánh của sự vật.


Trong Hồi Tránh luận, Ngài Long Thọ đã nói về sự đồng nhất của ba từ này rất rõ ràng. Trung Luận cũng nói: “Các pháp do duyên sanh, ta nói tức là không, cũng gọi là giả danh, cũng là nghĩa trung đạo”. (Phẩm Quán Tứ Đế).


Duyên khởi, không, trung đạo đồng nghĩa, là một nhận thức chính xác đầu tiên trong việc tin hiểu Phật pháp. Học thuyết Trung Quán trình bày nghiêm mật và sâu xa giáo lý căn bản này của Phật-đà. Ngài Long Thọ đã nắm vững về điều này, nhìn suốt thấu được sự chứng ngộ của Phật-đà, cho đến việc cốt yếu vì chúng sanh thuyết pháp. Chỉ có như thế, mới đúng là giáo thuyết rốt ráo của Phật pháp. Trong Trung Luận, ngài Long Thọ nêu ra Bát Bất, là thuyết Duyên khởi tức không, tức trung. Đó chính là :


“Chẳng sanh cũng chẳng diệt,
Chẳng thường cũng chẳng đoạn,
Chẳng một cũng chẳng khác,
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Con cúi đầu lễ Phật,
Tối thắng trong thế gian ?
Khéo nói pháp nhân duyên,
Hay diệt các hý luận.

(Phẩm Quán Nhân Duyên).


Căn cứ theo Duyên khởi bát Bất, có thể diệt trừ được tất cả các hí luận thế gian mà trở về nơi tịch diệt, đó chính là tâm yếu cùng tột của Phật pháp. Còn sở dĩ nói: “Con cúi đầu lễ Phật, tối thắng trong thế gian?” là Luận giả muốn tỏ bày lòng cung kính tán ngưỡng Phật-đà.


Học thuyết của Long Thọ, đương nhiên là xiểng dương tất cả đều không, những luận điển của Ngài đều dùng Trung Luận, một tác phẩm đại biểu của Ngài để thuyết minh. Vì thế ta chẳng gọi đó là không mà gọi là trung. Như vậy có thể biết được ngài Long Thọ đề xướng Duyên khởi, không, trung đạo đồng nhất, lại lấy trung đạo lìa nhị biên làm tông yếu. Trong Trung Luận, mỗi phẩm đều gọi là Quán. Như phẩm Quán nhân duyên cho đến phẩm Quán Tà Kiến….Quán tức quán xét, quán xét một cách chính xác Duyên khởi, không, trung đạo. Từ quán xét luận chứng mà đạt đến hiện quán thể chứng. Vì thế đời sau đều gọi học thuyết của ngài Long Thọ là phái Trung Quán, hoặc tông Trung Quán, các nhà Trung Quán thì gọi là Trung Quán Sư.


Học thuyết Trung Quán của Ngài Long Thọ được pháp Sư Cưu-ma-la-thập truyền đến Trung Quốc vào đầu thế kỷ VI. Các phái Phật giáo vốn có từ trước ở Trung Quốc và những trào lưu tư tưởng thích ứng thời gian quốc độ, thì từ dòng Trường Giang về Nam, cả hai có một sự hoằng dương tương đối bằng nhau. Trong đó tông Tam Luận được xem chánh thống của Trung Quán. Ngoài ra, tông Thiên Thai cũng y cứ vào yếu nghĩa Duyên khởi tức không, tức giả, tức trung mà phát huy và xiểng dương Viên tông độc đáo của mình. Trung Quán hệ Long Thọ đã ảnh hưởng rất sâu sắc và rộng rãi trong giới Phật giáo Trung Quốc, khiến cho những học giả Phật giáo khác phải sùng kính hoặc nương theo tu tập. Do đó, khi truyền vào Nhật Bản thì có truyền thuyết của ngài Long Thọ là tổ của tám tông (Bát tông cộng tổ).


Tại Tây Tạng, vào khoảng năm 800, Trung Quán cũng được các học giả Ấn Độ truyền đến. Theo truyền thuyết thì ngài Phật Hộ, Nguyệt Xứng của phái Ứng Thành và ngài Tĩnh Mạng, Thanh Biện của phái Tự Tục của Ấn Độ đã truyền vào. Khi truyền vào, tuy mỗi mỗi đều có nhân duyên khác nhau, nhưng qua sự hoằng dương thì phái Ứng Thành đã chiếm ưu thế và trở thành hệ chánh thống của Trung Quán. Còn về kinh điển Trung Quán thuộc Tạng truyền thì gần đây mới phiên dịch được một phần sang Hán văn. Đồng thời do Trung Luận bản Phạn mới được phát hiện, qua sự khảo chứng văn nghĩa của các học giả người Nhật, mà có thêm nhiều lý giải mới mẻ.


Đặc chất của Trung Quán, nếu trong tương lai được sự đối chiếu, khảo chứng từ các bản Tạng truyền, Hán truyền và Phạn truyền ắt sẽ có những phát hiện chính xác và đầy đủ hơn.