Cuốn 4 (Phần 8)

Thứ Ba, 10 Tháng Năm 20163:18 CH(Xem: 4090)
Cuốn 4 (Phần 8)
KINH LƯƠNG HOÀNG SÁM
Việt dịch: Thích Trí Quang

Mở đầu vận dụng phương pháp sám hối của "đạo-tràng từ-bi", chúng con nhất tâm đem tánh mạng mà quy y và đảnh lễ chư Phật quá-khứ, hiện-tại và vị-lai:

Nam mô Quá Khứ Tì Bà Thi Phật
Nam mô Thi Khí Phật
Nam mô Tì Xá Phù Phật
Nam mô Câu Lưu Tôn Phật
Nam mô Câu Na Hàm Mâu Ni Phật
Nam mô Ca Diếp Phật
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.

Phẩm 8: Nói Về Địa Ngục

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, phải hiểu vạn hữu tuy phẩm chất khác nhau, hiệu năng cũng bất đồng, nhưng, phản chiếu với nhau rõ ràng như sáng với tối thì chỉ có hai hiện tượng thiện ác. Nói đến thiện thì đó là phước báo tốt đẹp của loài người loài trời, nói về ác thì đó là tội báo dữ dội của tam đồ ác đạo. Đó là hai hiện tượng la liệt khắp cả thế gian, rõ nhất, thật nhất. Vậy mà những kẻ mê mờ thì nghi hoặc nổi lên đủ thứ. Có kẻ còn dám bảo thiên đường là giả tạo, địa ngục là tà thuyết. Họ không biết suy nhân để nghiệm quả, cũng không biết xét quả để tìm nhân. Nhân quả mà còn không lý giải minh bạch, thì ai nấy đều cố chấp kiến thức tầm thường của mình. Đến nỗi không phải chỉ nói không bàn có, mà còn viết bài làm sách. Tâm lý trái ngược điều thiện tốt đẹp mà vẫn chưa bao giờ tự tỉnh rằng mình đã lầm. Thậm chí có ai dẫn dụ cho thì sự cố chấp càng cứng chắc. Những kẻ như vậy là tự đâm đầu vào ác đạo, đọa địa ngục như tên phóng đi. Cha hiền con hiếu cũng hết cách cứu nhau. Chỉ còn đi tới mà vào vạc lửa, thân thể nát tan, tinh thần bi thảm. Bấy giờ hối hận, đâu còn kịp nữa?

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, phải hiểu cái nhân thiện ác tuy có thể có sự tương quan như vang như bóng, nhưng cái quả tội phước thì cảnh giới khác biệt đến nỗi ta có thể dự bị trước mà chờ đợi một cách nghiêm trọng (19) . Mong rằng hãy có một sự xác tín mà không còn nghi ngờ. Trong sự khác biệt của cảnh giới tội phước, ở đây hãy nói về địa ngục. Kinh nói, cái quãng hắc ám nhất, giữa những núi thiết vi này với núi thiết vi khác của toàn cõi tam thiên thế giới, là cảnh giới địa ngục. Thành của mỗi địa ngục toàn là bằng sắt, dọc ngang rộng đến một ngàn sáu trăm vạn dặm. Trong thành có tám vạn bốn ngàn ngăn. Dưới thành là đất sắt, trên thành là lưới sắt. Lửa nung lên thì thành ấy trong ngoài đều đỏ rực. Lửa ở trên xông xuống sát đất, lửa ở dưới cũng xông lên sát lưới. Địa ngục có những tên gọi sau đây, biểu lộ hình cụ và cực hình trong những chỗ ấy: Ép lại, Tối tăm, Vầng đao, Rừng kiếm, Máy sắt, Rừng chông, Lưới sắt, Hang sắt, Viên sắt, Đá nhọn, Hầm than, Rừng cháy, Cọp sói, Kêu gào, Vạc sôi, Lò than, Núi đao, Cây kiếm, Cối lửa, Thành lửa, Trụ đồng, Giường sắt, Xe lửa, Bánh lửa, Uống đồng, Phun lửa, Cực nóng, Cực lạnh, Rút lưỡi, Đóng đinh, Trâu cày, Chém chặt, Đao binh, Mổ xẻ, Sông tro, Phẩn sôi, Băng lạnh, Bùn lầy, Si ngốc, Khóc lóc, Đui điếc, Câm ngọng, Câu sắt, Mỏ sắt. Nhưng, quan trọng nhất là địa ngục A tì. Phật dạy tôn giả A nan, tại sao mệnh danh A tì? A là không, tì là cản, cứu. A tì là tội báo không thể cản trở hay cứu vớt. A là thân mỗi tội nhân đầy cả địa ngục, không có chỗ cách hở; tì là lòng các ngục tốt tàn nhẫn cực độ, không một chút động tâm. A la rất nóng, tì là rất khổ. A là chịu khổ không có khoảng cách thì gian, tì là chịu khổ không thể đứng yên một chỗ. A là ngọn lửa rất lớn, tì là sức nóng dữ dội: lửa nóng cháy đến tâm can thì gọi là A tì địa ngục. Phật dạy tôn giả A nan, địa ngục A tì ấy, dọc ngang có ba mươi hai vạn dặm, bao bọc bởi bảy lớp thành sắt và bảy lớp lưới sắt. Trong có mười tám ngăn thì ngăn nào cũng được bao bọc bởi bảy lớp rừng đao. Trong bảy lớp thành lại có bảy lớp rừng kiếm. Dưới có mười tám ngăn thì mỗi ngăn có tám vạn bốn ngàn lớp. Bốn góc có bốn con chó đồng, thân hình cao lớn đến một vạn sáu ngàn dặm. Mắt như sấm chớp. Nanh như cây kiếm. Răng như núi đao. Lưỡi như mũi sắt. Lông phát lửa mạnh, khói rất hôi thối, thế gian này không có hơi thối nào sánh bằng. Lại có mười tám ngục tốt, đầu như đầu la sát, miệng như miệng dạ xoa. Mắt có sáu mươi bốn con,ria ra những viên sắt nóng, lớn và nhanh như xe chạy cả chục dặm. Nanh như câu sắt, vểnh lên cao một trăm sáu chục dặm. Đầu nanh lóe lửa, đốt đỏ xe sắt đằng trước, làm cho mỗi vành của bánh xe ấy biến thành mười vạn đao lửa, kiếm kích sắc nhọn đều từ trong lửa ấy tuôn ra. Thác lửa như vậy thiêu đốt thành ngục A tì, làm cho thành ấy đỏ như đồng nung. Trên đầu ngục tốt có tám đầu trâu, mỗi đầu có mười tám sừng, đầu sừng nào cũng phát ra một đống lửa. Đống lửa này biến thành mười tám vành lửa, mỗi vành lại biến thành bánh xe to lớn cắm đầy đao sắc, mỗi lưỡi đao to lớn như chính bánh xe ấy. Trong biển lửa, những bánh xe này xếp lớp với nhau đầy cả ngục A tì. Chó đồng hả miệng, thè lưỡi đến đất. Lưỡi như mũi sắt. Lưỡi ấy thè ra là hóa vô số lưỡi nữa, đầy thành A tì. Trong bảy lớp thành có bảy cây cờ sắt, đầu cờ phun lửa như thác, đổ xuống tràn đầy thành A tì. Thành này có bốn cửa, trên mỗi cửa có mười tám cái chảo, tuôn trào nước đồng sôi, theo các cửa ấy, chảy tràn vào đầy thành. Mỗi một ngăn ngục có tám vạn bốn ngàn mãng xà sắt, phun độc, nhả lửa, mà mình chúng lại lớn đầy thành. Mãng xà gầm lên thì trời nổ sấm sét, mưa ra những viên sắt nóng và lớn, ngập cả thành A tì. Cực hình trong thành A tì có đến tám ngàn tỉ. Tất cả cực hình khốc liệt nhất trong các cực hình đều tập hợp lại ở đây. Lại có năm chục triệu con trùng, mỗi con có tám vạn bốn ngàn mỏ nhọn. Đầu mỏ phun lửa như mưa, đổ ra ngập thành A tì. Khi những con trùng này mưa xuống, ngọn của lửa dữ ngục A tì lại càng bùng lên, ánh lửa đỏ ối, chiếu xa ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, từ ngục A tì xông lên bể cả của Đại thiên thế giới. Xuyên qua lớp núi nung đỏ, nước bể, từng giọt như trục xe, đổ xuống, biến thành những mũi sắt nhọn lớn, tràn đầy thành A tì. Phật dạy tôn giả A nan, nếu ai giết cha, giết mẹ, nhục mạ bà con, thì tội ấy, khi sắp chết, chó đồng hả miệng hóa ra mười tám cổ xe như những chiếc xe vàng, trên che bằng tàn quí. Tất cả ngọn lửa biến thành những thiếu nữ ngọc ngà. Tội nhân từ xa mới thấy đã khoái, ta muốn đến trong xe đó, ta muốn đến trong xe đó! Một ngọn gió lạnh như đao cắt mình, làm cho tội nhân la thất thanh, lửa đâu, lửa đâu? Hãy đến ngồi trên xe, đốt lửa mà sưởi. Nghĩ như vậy là chết liền. Và thoáng cái đã ngồi trên xe vàng. Nhìn lại thiếu nữ ngọc ngà thì tất cả đều cầm búa sắt, bổ chém thân tội nhân. Dưới thân ấy, lửa bốc lên, cuồn cuộn như những bánh xe bằng lửa đang quay. Trong khoảnh khắc, nhanh như lực sĩ duỗi hay co cánh tay, tội nhân rơi thẳng vào ngục lớn A tì. Từ ngăn trên hết, như bánh xe bằng lửa đang quay, lăn xuống đáy của ngăn dưới hết. Thân tội nhân đầy cả trong ngăn. Chó đồng sủa lớn, nhai xương, nhậu tủy. Ngục tốt tàn bạo thì cầm đinh ba sắt lớn, xốc kéo đầu dậy, cả mình bốc lửa ngọn, đầy ngập thành A tì. Lưới sắt mưa đao xuống, từ lỗ chân lông đâm vào cơ thể, và hóa ra Diêm vương, lớn tiếng phán bảo, kẻ ngu ngốc, giống địa ngục, khi ngươi ở nhân gian, bất hiếu cha mẹ, tà kiến và kiêu ngạo một cách hết lẽ. Chỗ ngươi sinh bây giờ là địa ngục A tì. Ngươi vốn hay phản bội, mất hết lương tính, bây giờ chịu cái khổ này có thấy thích thú không? Phán rồi biến mất. Ngục tốt liền xua tội nhân từ ngăn dưới lên ngăn trên, qua đủ tám vạn bốn ngàn ngăn, rúm người lại mà lên sát lưới sắt. Phải một ngày đêm mới khắp các ngăn. Nhưng một ngày đêm ở địa ngục A tì, tính theo thì gian của châu Diêm phù, thì có đến sáu mươi tiểu kiếp. Vậy mà tội nhân địa ngục A tì phải sống đến một đại kiếp. Tội nhân của địa ngục A tì là những kẻ đã mất hết lương tính đến độ không còn biết xấu hổ mà tạo năm thứ tội nghịch. Vì tội nghịch ấy, khi gần chết, mười tám thứ đao gió, như những chiếc xe sắt đỏ lửa, xẻ suốt cơ thể. Vì bị nóng hành hạ, tội nhân nghĩ, phải chi có cây đại thọ mát mẻ, đầy cả hoa lá, để chơi dưới đó thì khoái biết mấy. Nghĩ như vậy thì tám vạn bốn ngàn rừng kiếm của A tì biến thành cây tốt, hoa trái sum sê, hiện ra trước mắt có hàng có lối đàng hoàng. Những ngọn lửa nóng khủng khiếp thì biến thành hoa sen ở ngay dưới gốc cây. Tội nhân thấy, nghĩ rằng mơ ước của mình đã hiệu quả. Nói như vậy là, mau như mưa rào, thấy ngồi trên hoa sen liền. Trong khoảnh khắc, những con trùng có mỏ sắt, từ trong hoa sen tuôn ra, xoi xương, vào tủy, xoáy não, thủng tim, nên vin cây mà trèo. Thì các nhánh kiếm róc thịt đến xương. Và cả rừng đao đều chúc xuống. Rồi xe lửa, rồi than lò, đủ cả mười tám cực hình, nhất tề đến rước! Hiện tượng này hiện ra là hãm xuống dưới đất. Rồi từ ngăn dưới mà bị xua dần lên. Ở ngăn dưới, thân lớn dần như hoa nở, tràn đầy ngăn ấy. Bị lửa đốt dữ dội, từ ngăn dưới trồi lên ngăn trên. Ở đây, thân cũng đầy khắp cả ngăn, và vì nóng bức quá mà lồi mắt, le lưỡi. Vì tội cực ác, người này còn bị hàng tỉ giọt nước đồng sôi và trăm ngàn bánh xe đao, từ không đổ xuống, đâm vào trên đầu và xoi ra dưới chân. Cực hình mà tội nhân này chịu, hơn cả sự mô tả trước kia đến cả trăm ngàn vạn lần. Những kẻ tạo đủ năm thứ tội nghịch thì phải chịu cực hình này đủ số năm đại kiếp. Lại còn có kẻ dám phá cấm giới mà Phật đã thiết lập, tiêu thụ một cách vô ích của thí chủ hiến cúng, phỉ báng Tam bảo bằng lý thuyết tà kiến, phủ nhận nguyên lý nhân quả, triệt mất cái việc học tập tuệ giác Bát nhã, kích bác Phật đà, chiếm đoạt của Phật pháp, làm những việc nhơ bẩn đến mất hết sự trong sạch mà không biết xấu hổ, nhục mạ đến cả cha mẹ, làm đủ thứ tội ác. Kẻ ấy, khi gần chết, đao gió cắt mình, vật vả quằn quại, tựa như kẻ bị tra tấn đánh đập. Tâm trí hốt hoảng, cuồng loạn. Thấy nhà mình trai gái lớn nhỏ đều là những vật nhơ bẩn, phẩn giải hôi thối, tràn cả ra ngoài. Tội nhân nghĩ, tại sao ở đây không có thành quách và núi rừng cho tốt để mình du ngoạn, mà mình lại phải ở giữa cái chỗ nhơ bẩn này ? Nghĩ mới xong, ngục tốt tàn bạo tức thì dùng đinh ba sắt lớn kênh ngục A tì và các rừng đao hóa thành cây quí giá và hồ mát trong, ngọn lửa vĩ đại thì hóa thành hoa sen cánh vàng, những con trùng mỏ sắt thì hóa thành le le và chim nhạn, và tiếng đau đớn trong địa ngục hóa thành âm thanh hát ca. Tội nhân nghe thấy thì khoái liền, cảnh trí tốt đẹp này ta phải du ngoạn mới được. Nghĩ xong là đã thấy ngồi trên hoa sen. Bấy giờ thì những con trùng mỏ sắt, từ các lỗ chân lông, chui vào mà rỉa ăn cơ thể tội nhân. Trăm ngàn bánh xe sắt, từ đỉnh đầu xoáy vào cơ thể ấy. Hằng hà sa số đinh ba sắt móc mắt tội nhân. Chó đồng của địa ngục thì biến ra hàng chục triệu chó sắt, tranh nhau xé xác tội nhân, moi tim gan mà ăn. Trong khoảnh khắc, thân thể tội nhân như hoa sắt, nở đầy cả mười tám ngăn của địa ngục A tì. Hoa này có tám vạn bốn ngàn cánh, mỗi cánh chính là chân tay hay các bộ phận khác của thân thể tội nhân, và tràn đầy cả một ngăn. Địa ngục không lớn, nghĩa là thân thể tội nhân không nhỏ, đầy khắp một cách như thế trong cả địa ngục A tì. Những tội nhân loại này ở trong địa ngục A tì ấy đến tám vạn bốn ngàn đại kiếp. Như thế, nếu địa ngục A tì thế giới này hủy hoại thì nhập qua mười tám ngăn ở phương đông mà chịu khổ như trước. Địa ngục A tì ở đây, cũng như ở phương nam, phương tây hay phương bắc, đều là mười tám ngăn cả. Những tội nhân phỉ báng đại thừa, làm đủ năm thứ tội nghịch, phá hoại hiền thánh, diệt tận gốc rễ điều lành, nghĩa là một tội nhân đủ mọi thứ đại ác, thì thân thể đã đầy địa ngục A tì mà tứ chi lại đầy cả mười tám ngăn. Địa ngục A tì chỉ thiêu đốt những kẻ ấy, những kẻ thuộc giống địa ngục. Khi thế giới này bước vào thời kỳ hủy hoại, thì cửa đông của A tì địa ngục tự nhiên mở ra. Tội nhân thấy ngoài cửa đó, suối trong, nước chảy, hoa tốt, trái thơm, cây và rừng, hiện đủ tất cả. Từ ngăn dưới nhìn thấy, mắt tội nhân bỗng ngưng bốc lửa. Tội nhân vươn mình, bò lết bằng bụng, rồi rúm người mà chạy lên ngăn trên, đưa tay vin cây. Thì ra là vin vào bánh xe đao. Bấy giờ, trong không gian mưa xuống những hoàn sắt nóng, tội nhân hoảng chạy đến cửa phía đông. Mới đến ngưỡng cửa, ngục tốt tàn bạo tức thì nắm đinh ba sắt đâm ngược vào mắt, còn chó đồng thì nhai tim, làm cho tội nhân chết ngất. Nhưng rồi phải sống lại ngay, thấy cửa phía nam mở ra, với bao nhiêu ảo tượng, rồi tiếp đến những cực hình, cũng y như cửa phía đông. Và cứ như thế, tội nhân qua đủ các cửa phía tây và phía bắc. Thì gian này phải đến nửa đại kiếp. Từ địa ngục A tì chết, tội nhân lại phải sinh trong địa ngục Băng lạnh. Ngục này chết thì sinh trong địa ngục Hắc ám. Ở đây tám ngàn vạn năm không thấy gì cả, làm thân con trùng lớn, quằn quại bò lết, giác quan bế tắc, không thấy biết gì, nên bị cả trăm ngàn chồn sói kéo xé mà ăn. Sau đó lại sinh trong súc sinh, năm ngàn vạn năm làm thân cầm thú. Tội báo như thế này hết rồi, được sinh trở lại nhân gian thì đui, điếc, câm, ngọng, phung lác, ung thư, nghèo nàn, hèn hạ, tự trang sức thân mình và đời sống của mình bằng hết thảy mọi sự suy tổn. Vậy mà phải chịu cái thân và cuộc đời ấy đến năm trăm năm. Sau đó phải sinh trở lại trong ngạ quỉ. Ở đây gặp các vị Thiện tri thức, các vị Đại bồ tát, quở trách như sau. Ngươi trong vô số kiếp trước đã tạo vô số tội ác, nhất là phỉ báng không tin những gì đáng tin, nên đã đọa Atì địa ngục, chịu những thống khổ đến nỗi không thể diễn tả. Ngày nay ngươi phải biết phát bồđề tâm mới được. Ngạ quỉ nghenói, liền niệm "nam mô Phật đà ". Nhờ năng lực ân đức của Phật, tính mạng kết thúc ngay, và sinh lên cõi trời Tứ thiên vương.Ở đấy, hối lỗi, tự trách, lại phát bồ đề tâm nữa. Ánh sáng tâm Phật không bao giờ rời bỏ những người này. Luôn luôn nhiếp thọ họ, xót thương họ, như đối với tôn giả La hầu la vậy. Giáo hóa để giữ cho họ khỏi đọa địa ngục, y như con người tiếc giữ con mắt. Phật dạy vị đại vương đang nghe Ngài nói về địa ngục, muốn biết ánh sáng tâm Phật chiếu đến ở đâu, thì phải biết luôn luôn chiếu đến những kẻ thống khổ trong địa ngục A tì. Muốn biết tâm Phật nghĩ đến ai, thì phải biết luôn luôn nghĩ đến những kẻ rất ác đó. Nhờ năng lực tâm Phật tự bất tư nghị, mà qua kiếp số vượt quá toán số, vẫn làm cho những kẻ rất ác phát được bồ đề tâm.


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, được nghe chính Phật nói về mọi sự thống khổ như trên, thì phải tăng thêm tột bậc sự tập trung tâm trí, đừng cho tính phóng dật phát sinh ra nữa. Hãy nghĩ, nếu vẫn không nỗ lực áp dụng các phương tiện để thực hành bồ tát hạnh, thì trong mỗi một địa ngục chúng ta đều có phần cả. Hôm nay, tất cả chúng ta hãy vì những kẻ đang chịu và sẽ chịu thống khổ trong địa ngục A tì, rộng ra nữa, hãy vì hết thảy mọi người đang chịu khổ hay sẽ chịu khổ trong tất cả địa ngục của mười phương thế giới, mà đồng một nỗi thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, qui y và đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian:


Kính lạy đức Phật Di lạc,

Kính lạy đức Phật Thích ca mâu ni,

Kính lạy bảy đức Phật quá khứ,

Kính lạy mười đức Phật ở mười phương,

Kính lạy ba mươi lăm đức Phật,

Kính lạy năm mươi ba đức Phật,

Kính lạy một trăm bảy mươi đức Phật,

Kính lạy một ngàn đức Phật thuộc Trang nghiêm kiếp,

Kính lạy một ngàn đức Phật thuộc Hiền kiếp,

Kính lạy một ngàn đức Phật thuộc Tinh tú kiếp,

Kính lạy các vị Bồ tát đại sĩ khắp cả mười phương,

Kính lạy mười hai vị Bồ tát,

Kính lạy Địa tạng bồ tát,

Kính lạy Vô biên thân bồ tát,

Kính lạy Quan thế âm bồ tát,


Kính lạy vô lượng hình tượng Phật khắp cả mười phương, cùng tận không giới, tượng vàng và tượng đàn hương của Ưu điềnvương tạo ra, tượng đồng của A dục vương tạo ra, tượng đá ở Trung hoa (20) , tượng ngọc ở Tích lan, và hết thảy các tượng khắp trong các quốc độ làm bằng vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách,xa cừ, mã não, chân châu, ma ni, và bằng vàng Diêm phù đàn có sắc tía thượng thặng.


Kính lạy hết thảy tháp thờ tóc, răng, răng lớn, móng tay, xương đỉnh đầu, hết thảy tháp thờ các xá lợi khác trong toàn thân, hết thảy tháp thờ ca sa, bát, bình, tích trượng, nói tóm là tất cả những gì làm Phật sự của các đức Như lai khắp cả mười phương.


Kính lạy hết thảy tháp kỷ niệm các chỗ giáng sinh, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập niết bàn của hết thảy chư Phật, tháp Đa bảo phật, tám vạn bốn ngàn tháp của A dục vương kiến tạo, tháp trên loài trời, tháp trong nhân gian và tất cả tháp trong Long cung.


Kính lạy hết thảy Phật đà khắp cả mười phương, cùng tận không giới.

Kính lạy hết thảy Phật pháp khắp cả mười phương, cùng tận không giới.

Kính lạy hết thảy Thánh hiền khắp cả mười phương, cùng tận không giới.


Nguyện xin Tam bảo cùng đem năng lực đại từ đại bi, năng lực an ủy chúng sinh, năng lực vô lượng tự tại, năng lực vô lượng đại thần thông mà chứng minh và nhiếp thọ cho tất cả đại chúng sám hối hôm nay, đồng vì hết thảy chúng sinh chịu khổ trong địa ngục A tì mà khẩn cầu sám hối, đồng vì hết thảy chúng sinh chịu khổ trong địa ngục ở khắp mười phương thế giới nhiều đến không thể tả mà khẩn cầu sám hối, đồng vì cha mẹ, sư trưởng và tất cả thân quyến mà khẩn cầu sám hối. Nguyện xin Tam bảo đem nước đại bi mà rửa sạch tội lỗi nhơ bẩn cho hết thảy chúng sinh hiện chịu khổ trong địa ngục A tì và tất cả địa ngục khác, làm cho họ thân tâm thanh tịnh ; rửa sạch tội lỗi nhơ bẩn cho chúng con cùng sám hối trong đạo tràng hôm nay, cùng cha mẹ, sư trưởng và thân quyến của chúng con, làm cho thân tâm thanh tịnh tất cả; rửa sạch tội lỗi nhơ bẩn cho tất cả chúng sinh trong lục đạo, làm cho họ đạt đến tuệ giác vô thượng, thực hiện thanh tịnh tuyệt đối. Nguyện xin Tam bảo làm cho tất cả và hết thảy, từ nay sắp đi cho đến ngày toàn giác, triệt hết thống khổ trong địa ngục A tì cũng như trong địa ngục khắp cả mười phương, cùng tận không giới, nhiều đến số lượng nhị trùng không thể mô tả, làm cho họ vĩnh viễn từ biệt tam đồ ác đạo, vĩnh viễn từ biệt địa ngục, vĩnh viễn không làm mười thứ ác nghiệp và năm thứ tội nghịch để phải chịu mọi thứ thống khổ. Nguyện xin Tam bảo làm cho chúng sinh tận trừ tội lỗi, bỏ sự sinh ra với đời sống địa ngục mà được sự sinh ra với đời sống tịnh độ, bỏ tính mạng địa ngục mà được tính mạng tuệ giác, bỏ thân thể địa ngục mà được thân thể kim cang, bỏ cái khổ địa ngục mà được cái vui niết bàn, nhớ cái khổ địa ngục mà phát bồ đề tâm, tứ đẳng và lục độ biểu hiện thường trực, tứ biện và lục thông tự tại như ý, đầy đủ trí tuệ mà làm bồ tát hạnh, dũng mãnh tinh tiến mà không ngừng không nghỉ, tiến tu viên mãn hạnh nguyện thập địa, nhập kim cang tâm thành chánh biến giác, trở lại giáo hóa mười phương chúng sinh.


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, nên biết, ngoài địa ngục A tì, những thứ địa ngục khác có những sự thống khổ phức tạp đến nỗi không thể ghi lại. Chỉ cái tên của những địa ngục ấy cũng đã biểu thị những nỗi đau đớn khốc liệt. Mở kinh mà xem cũng thấy đủ cả.

Kinh nói, Diêm vương chỉ vì một niệm ác mà tổng quản địa ngục, nhưng bản thân chịu khổ cũng khó mà tả nổi. Diêm vương xưa kia là vua nước Tì sa, chiến tranh với vua Duy đà, nhưng quân lực không bằng nên thề rằng, đời sau sẽ làm chúa địa ngục để trừng trị kẻ ấy. Mười tám đại thần và hàng trăm vạn quân dân cũng thề như thế. Nên vua Tì sa xưa kia thì bây giờ là Diêm vương, mười tám đại thần bây giờ là mười tám chúa ngục, còn trăm vạn quân dân thì nay là ngục tốt đầu trâu. Nhưng mà hệ thống sở thuộc thì tất cả đều thuộc quyền của Đa văn thiên vương ở phía bắc. Trường a hàm nói, chỗ của Diêm vương ở là phía nam châu Diêm phù, trong núi Kim cang, cung điện dọc ngang rộng đến sáu ngàn dặm. Kinh thuyết về địa ngục nói, cung điện ấy ở ngay trong địa ngục, và rộng đến ba vạn dặm, dựng lên bằng đồng và sắt. Mỗi một ngày đêm, ba lần có cái vạc đồng cực lớn, trong chứa đầy đồng sôi, tự nhiên hiện ra trước mặt Diêm vương. Một ngục tốt to lớn nhất, vật ngã Diêm vương trên giường sắt nóng, dùng móc sắt vạch miệng ra mà đổ đồng sôi vào, làm cho Diêm vương từ cổ suốt xuống đều cháy tất cả. Mười tám đại thần, tức mười tám chúa ngục, cũng bị cực hình như vậy. Mười tám chúa ngục ấy, một là Ca diên, quản ngục Nê lê, hai là Khuất tôn, quản ngục Núi đao, ba là Phất thọ, quản ngục Cát sôi, bốn là Phất khúc, quản ngục Phân sôi, năm là Ca thế, quản ngục Tai đen, sáu là Hạp sai, quản ngục Xe lửa, bảy là Thang vị, quản ngục Vạc sôi, tám là Thiết ca, quản ngục Giường sắt, chín là Ác sinh, quản ngục Núi ép, mười là Thân ngâm, quản ngục Băng lạnh, mười một là Tì ca, quản ngục Lột da, mười hai là Diêu đầu, quản ngục Súc sinh, mười ba là Đề bạc, quản ngục Đao binh, mười bốn là Di đại, quản ngục Cối sắt, mười lăm là Duyệt đầu, quản ngục Sông tro, mười sáu là Xuyên cốt, quản ngục Thiết sách, mười bảy là Danh thân, quản ngục Dòi sâu, mười tám là Quán thân, quản ngục Đồng sôi. Những ngục như thế này còn có vô số địa ngục phụ thuộc khác nữa, và mỗi ngục có một viên chúa. Còn ngục tốt đầu trâu thì tính khí thật là hung hăng tàn bạo, không có một chút từ tâm hay trắc ẩn. Thấy tội nhân chịu cực hình của tội báo, chúng chỉ lo họ không đau đớn, không khốc liệt. Ai hỏi chúng, người ta chịu khổ như vậy thật đáng xót thương, vậy mà tại sao anh vẫn độc ác mãi, không một chút động lòng ? Chúng đáp, những kẻ tội ác chịu khổ như thế này đây là những kẻ đã bất hiếu cha mẹ, phỉ báng Phật, phỉ báng Phật pháp, phỉ báng Hiền thánh, nhục mạ lục thân, khinh khi sư trưởng, hãm hại mọi người, nói thô ác, nói hai lưỡi, dua nịnh, ganh ghét, làm cho người khác cốt nhục phân ly; giận dữ, tàn sát, tham vọng, xảo trá, mưu sống phi chánh pháp, mưu cầu phi chánh pháp, kiến thức phi chánh pháp, nhác, phóng túng, kết oán gây thù. Những kẻ như vậy đến chịu khổ ở đây, mỗi khi được ra, chúng tôi đã khuyên rằng, chốn này khổ lắm, không thể chịu nổi, anh đã được phóng thích thì đừng tạo nguyên nhân vào đây nữa. Ấy vậy mà tội nhân này có bao giờ hối cải. Mới được ra đã thấy trở vào. Luân hồi như vậy mà chúng không biết khổ. Chúng làm cho gân sức chúng tôi mệt nhọc vì chúng. Hết đời này đến kiếp khác, luôn luôn chúng tôi phải đụng đầu với chúng. Vì vậy mà với tội nhân này chúng tôi không còn chút từ tâm nào. Chúng tôi phải cố hành phạt cho khốc liệt là mong chúng biết khổ, để rồi biết xấu biết hổ mà không còn trở lại. Nhưng, xem ra bọn này, khổ đến mấy, chúng cũng không bao giờ chịu tránh. Chúng thật không muốn làm lành, xoay người qua đường hướng niết bàn. Chúng là vật vô tri, không biết tránh khổ cầu vui, không biết nhớ cái lý do tại sao sự thống khổ ở đây khốc liệt gấp mấy nhân gian. Như vậy làm sao chúng tôi còn có thể từ tâm, trắc ẩn, đối với chúng?


Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, hãy lấy ngay lao ngục trần gian mà đối chiếu thì tức khắc biết được, và tin những lời trên đây là đúng. Trần gian này, nếu có kẻ vào trong kia cửa ngục đến ba lần, thì dẫu cha mẹ thân thích cũng đã hết thương tưởng. Huống chi ngục tốt đầu trâu thấy tội nhân mới ra lại vào liền? Vì vậy, cái việc chịu khổ rất lớn mà lại rất dài kia, đã được thoát ly, thì chỉ còn mỗi một việc là phải sửa chữa tâm tính, thay đổi thói cũ. Nếu không hối cải thì phải chìm mãi trong khổ hải. Và đã sa vào đó thì tuần tự hết chỗ này qua chỗ khác, từ chỗ đau khổ lại vào chỗ đau khổ, liên miên bất tận. Thế nên ba đời oán đối, nhân quả tiếp nhau, là do hai cái vòng thiện ác chưa bao giờ đứng lại. Mà chứng cớ của báo ứng như thế nào thì đã quá rõ ràng để có thể nhìn thấy. Vậy nếu cứ làm ác thì vẫn phải chịu khổ. Khổ chỉ là cái quả trả lại cho cái nhân của nó. Nên trong địa ngục thì cái khổ dữ dội sẽ đủ tất cả, sẽ suốt năm và suốt đời. Rồi thoát ở đấy lại vào súc sinh. Hết súc sinh thì ngạ quỉ. Lịch trình như vậy, sống chết đã vô lượng mà thống khổ lại càng vô số. Như vậy, ai nấy há lại không tranh thủ thì gian mà thực hành bồ tát đạo? Ngày nay, hãy cùng nhau đồng một nỗi thống thiết, gieo xuống đất năm bộ phận của cả cơ thể, khắp vì chúng sinh trong mười phương địa ngục, vì Diêm vương, ngục chúa, ngục tốt và những kẻ liên hệ của họ, khắp vì chúng sinh trong mười phương ngạ quỉ, vì chúa ngạ quỉ và những kẻ liên hệ của họ, khắp vì chúng sinh trong mười phương súc sinh, vì chúa súc sinh và những kẻ liên hệ của họ, rộng ra nữa, khắp vì mười phương vô cùng vô tận hết thảy chúng sinh mà khẩn cầu sám hối. Hãy tự nguyện và cầu cho họ, biết cải vãng tu lai, không còn làm ác, tội đã làm thì xin tiêu diệt, tội chưa có thì nguyện không dám. Nguyện xin mười phương chư Phật đem thần lực bất tư nghị và đại tự tại mà đồng cứu giúp, đồng xót thương, đồng nhiếp thọ, làm cho chúng sinh tức khắc giải thoát khổ não. Nguyện rồi, đại chúng hãy cùng nhau qui y và đảnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của cả thế gian:


Nam mô Di lạc phật,

Nam mô Thích ca mâu ni phật,

Nam mô Hoa nhật phật,

Nam mô Quân lực phật,

Nam mô Hoa quang phật,

Nam mô Nhân ái phật,

Nam mô Đại oai đức phật,

Nam mô Phạn vương phật,

Nam mô Vô lượng minh phật,

Nam mô Long đức phật,

Nam mô Kiên bộ phật,

Nam mô Bất hư kiến phật,

Nam mô Tinh tiến đức phật,

Nam mô Thiện thủ phật,

Nam mô Hoan hỷ phật,

Nam mô Bất thoái phật,

Nam mô Sư tử tướng phật,

Nam mô Thắng tri phật,

Nam mô Pháp thị phật,

Nam mô Hỷ vương phật,

Nam mô Diệu ngự phật,

Nam mô Ái tác phật,

Nam mô Đức tí phật,

Nam mô Hương tượng phật,

Nam mô Quan thị phật,

Nam mô Vân âm phật,

Nam mô Thiện tư phật,

Nam mô Sư tử phan bồ tát,

Nam mô Sư tử tác bồ tát,

Nam mô Địa tạng bồ tát,

Nam mô Vô biên thân bồ tát,

Nam mô Quan thế âm bồ tát.


Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành qui y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận không giới. Nguyện xin Tam bảo đem tự tại thần lực mà cứu vớt địa ngục đạo gồm có Diêm vương, ngục chúa, ngục tốt, thân thuộc của họ, và hết thảy tội nhân trong địa ngục, trong mười tám ngăn địa ngục phụ thuộc và trong tất cả địa ngục phụ thuộc của mười tám ngăn ấy, làm cho họ siêu thoát hết thảy, bằng cách tội nhân và khổ quả đều tan biến cả. Từ nay sắp đi, vĩnh viễn từ bỏ cái nghiệp địa ngục, vĩnh viễn từ biệt tam đồ ác đạo, bỏ sự sinh ra với đời sống địa ngục mà được sự sinh ra với đời sống tịnh độ, bỏ tính mạng địa ngục mà được tính mạng tuệ giác, bỏ thân thể địa ngục mà được thân thể kim cang, bỏ cái khổ địa ngục mà được cái vui niết bàn. Quan trọng nhất là nhớ nghĩ cái khổ địa ngục mà phát bồ đề tâm. Để rồi tứ đẳng lục độ thì biểu hiện một cách thường trực, tứ biện lục thông thì tự tại một cách như ý, dũng mãnh tinh tiến không ngừng không nghỉ, tiến tu viên mãn hạnh nguyện thập địa, trở lại hóa độ hết thảy chúng sinh, nhập Kim cang tâm thành Chánh biến giác.