Huyền Luận Kinh Thắng Man

Thứ Bảy, 30 Tháng Tư 201610:32 SA(Xem: 3325)
Huyền Luận Kinh Thắng Man
KINH THẮNG MAN
Thích Đức Niệm

HUYỀN LUẬN KINH THẮNG MAN

A. ĐẠI Ý KINH

Thắng Man là danh xưng giản gọn, nếu danh xưng đủ thì phải nói là Kinh Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng. Đây là bộ kinh quan trọng trong Phật pháp, thuyết minh về yếu nghĩa Đại thừa chơn thường diệu hữu. Nội dung kinh Thắng Man bao hàm yếu nghĩa của các kinh Đại thừa như Pháp Hoa, Niết Bàn, Lăng Già v.v… Vào thời Bắc triều của Trung Hoa, kinh này được lưu truyền rộng sâu. Nay đây, trước tiên lấy ba nghĩa chính của kinh là bình đẳng, cứu cánh, nhiếp thọ để thuyết minh yếu nghĩa Kinh Thắng Man này,

1. Nghĩa bình đẳng:

Trong Phật pháp Đại thừa có một câu rất nổi tiếng và cũng rất quan trọng, đó là: “Tất cả chúng sanh đều được thành Phật”. Câu nói này bao hàm ý nghĩa rất thâm diệu, rất vĩ đại.Tất cả mọi chúng sanh đều có thể thành Phật, không phân biệt hạng nào, người người đều có thể thành phật. Chúng sanh luân chuyển trong lục đạo, không luận là thế nào, đều có khả năng tu học Phật pháp và đều có thể đạt đến mục đích thành Phật. Không thể nói những chúng sanh này có thể thành Phật, những chúng sanh kia không thể thành Phật, mà là phổ cập cho tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, nên Phật pháp rất là bình đẳng. So với tất cả tôn giáo khác, Phật giáo mới thật sự là bình đẳng, mới là chân thật đại bình đẳng, mới đích thực là rốt ráo chơn thật bình đẳng. Phật pháp là vì tất cả chúng sanh, nghĩa là tất cả chúng sanh đều thành Phật. Và con người vẫn là căn bản của sự giác ngộ thành Phật. Ngoài loài người ra, những chúng sanh khác cần phải đến địa vị con người mới có thể phát tâm tu học để thành Phật. Vì thế học giả Phật học Bùi Hưu đời nhà Đường khi làm bài tựa kinh Viên Giác có nói: “ Phật pháp khắp cho tất cả chúng sanh, nhưng thực sự phát Bồ đề tâm tiến lên Phật quả chỉ có nhơn đạo. Vì lấy người làm tiêu chuẩn để thấy khả năng con người, chứ Phật pháp không phân biệt người nào”. Quan hệ vấn đề này, nay dựa vào Kinh Thắng Man đây để thuyết minh ba điểm:

a) Xuất gia và tại gia:

Trong Phật pháp gồm có hai hạng xuất gia và tại gia. Có người cho rằng hàng xuất gia hoặc còn gọi là chúng xuất gia là đặc biệt trọng yếu của Phật pháp. Kỳ thực, nếu y cứ vào ý nghĩa bình đẳng của Đại thừa Phật giáo mà nói, thì học Phật, thành Phật, cho đến hoằng dương chánh pháp cứu độ chúng sanh, tại gia, xuất gia, đều bình đẳng. Như Thắng Man phu nhơn trong kinh này là tại gia cư sĩ mà có thể nói pháp môn hết sức là thâm diệu, viên mãn rốt ráo. Nếu hỏi Đại thừa và Tiểu thừa có chỗ nào không giống nhau, thì có thể nói rằng: Tiểu thừa lấy người xuất gia làm trọng, Đại thừa lấy sự hiện thân của cư sĩ làm đa phần. Như cư sĩ Duy Ma Cật đối với người học Phật không ai mà không biết. Vậy Duy Ma Cật đã dùng phương tiện như thế nào để độ chúng sanh? Khảo cứu kinh điển Đại thừa hiện còn thì mười đến tám, chín là lấy tại gia Bồ Tát làm chủ. Hình thức tại gia Bồ Tát thuyết pháp cũng không ít. Vả lại đa số cũng vì tại gia mà thuyết pháp.

Xưa nay thường có cảm nghĩ xuất gia hơn hẳn tại gia. Nhưng đứng từ tinh thần Đại thừa chơn chánh mà nói, thì chúng tại gia hoằng đạo độ sanh hơn chúng xuất gia cũng không phải là ít. Có một lần nọ, Văn Thù và Ca Diếp cùng đi, Văn Thù muốn mời Ca Diếp đi trước nên nói: “Tôn giả là người đầy đủ giới đức, chứng quả”. Ca Diếp lại muốn mời Văn Thù đi trước nên nói: “Tôn giả sớm đã phát Bồ đề tâm lãnh đạo chúng sanh”. Kết quả ngài Văn Thù đi trước. Đại thừa học giả phát Bồ đề tâm, mặc dù còn là chúng tại gia, nhưng cũng được kính trọng. Đứng từ Phật giáo sử, sự thật ấy: Vào đời Tấn, khi ngài Pháp Hiển đi Ấn Độ cầu học, thấy Phật giáo ở thành Hoa Thị do cư sĩ La Thêm Tư chủ trì. Đời Đường, Huyền Trang Pháp sư đến Ấn Độ cầu học, trước tiên đến Bắc Ấn Độ học Trung Quán Luận với ông Bà la môn Trường Thọ, tiếp đó đến Trung Ấn học Du Già Sư Địa Luận với ông Thắng Quân Luận sư. Cận đại Trung Hoa, hàng tại gia như cư sĩ Dương Nhơn Tiên.v.v… đối với Phật giáo có sự cống hiến và ảnh hưởng rất lớn. Gần đây ở Việt Nam, trong phong trào chấn hưng Phật giáo có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám v.v…. cũng có công lớn.

Tiểu thừa Phật giáo quan niệm rằng xuất gia hành đạo chứng đắc A la hán quả, còn tại gia thì không. Nếu lấy tinh thần Đại thừa Phật giáo mà luận thì tất cả đều bình đẳng. Trái lại, Phật tại Ấn Độ thị hiện tướng xuất gia, học đạo, cùng tu với năm vị khổ hạnh, những điều này là để thích ứng với văn minh Ấn Độ thời đó mà quyền xảo thị hiện chứ không phải tướng chơn thật của Phật. Thân chơn thật của Phật là thân Tỳ Lô Giá Na, không phải xuất gia mà là tướng tại gia, vì không lấy chúng sanh làm trọng, nên nói xuất gia và tại gia bình đẳng. Đây là một trong những đặc điểm về tinh thần bình đẳng của Đại thừa Phật giáo. Nhưng không có nghĩa là ái dục tam độc còn vướng mắc chẳng dứt sạch mà có thể chứng quả. Đây là điều căn bản nên lưu tâm.

b) Nam và nữ:

Hiện nay người ta thường hô hào nam nữ bình đẳng. Nhưng nào có biết Phật giáo vốn đã chủ trương bình đẳng cách đây gần ba ngàn năm. Nếu lấy Tiểu thứa Phật giáo mà nói thì, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni đều đồng được chứng quả A la hán. Còn Đại thừa Phật giáo thì cho rằng, tu công đức, trí huệ, đọan trừ phiền não, thực hành tự lợi lợi tha, nam nữ giống nhau. Điều này ta thấy các pháp hội Kinh Bảo Tích, hội Thắng Man, hội Diệu Huệ đồng nữ, hội Hằng Hà Thượng Ưu Bà Di v.v….Trong Kinh Đại Tập phẩm Bảo Nữ; Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham bái cầu học các thiện tri thức trong đó có nữ cư sĩ Hưu Xã, đồng nữ Từ Hạnh, Tỳ kheo ni Tần Hạp v.v….Long nữ trong Kinh Pháp Hoa; Thiên nữ trong Kinh Duy Ma Cật v.v… Trong Đại thừa Phật giáo xưa nay có tinh thần nữ chúng và nam chúng bình đẳng. Nhưng trong quá khứ Phật giáo chịu ảnh hưởng quan niệm trọng nam khinh nữ của thế gian, nên do đó nữ chúng không tránh khỏi bị xem nhẹ. Đứng trên tinh thần bình đẳng của Phật pháp mà nói thì nam nữ bình đẳng, cùng đều gánh vác Phật pháp. Sau khi Tỳ kheo ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề viên tịch, Đức Phật đem xá lợi của Bà đối trước đại chúng mà nói rằng: “Nếu nói là đại trượng phu thì Ma Ha Ba Xà Ba Đề là đại trượng phu. Những gì bậc đại trượng phu làm thì bà đều làm tới cả”. Điều này có thể thấy rằng đại trượng phu không phải chỉ câu nệ ở hình thức, mà hay y theo Phật pháp thực hành, làm đến nơi đến chốn những gì Phật pháp cần làm, không luận là nam hay nữ đều được danh xưng là đại trượng phu.

Mỗi khi chúng ta thấy trong kinh nói đến người nữ nghe Phật thuyết pháp liền đó chuyển nữ thân thành nam thân. Như trong Kinh Pháp Hoa, Long nữ chuyển nữ thân ra thân trượng phu mới thành Phật. Việc này há chẳng phải là hiển thị cái nghĩa thâm sâu của tinh thần bình đẳng đó ư? Kinh Thắng Man này có nội dung hàm chứa ý nghĩa rất lá thâm áo viên mãn về tinh thần Nhất thừa đại giáo, qua sự kiện Thắng Man phu nhơn thuyết pháp hiển khai chân nghĩa nam nữ bình đẳng.

c) Già và trẻ:

Trên phương diện hình thức truyền thống của tăng đoàn Thanh văn thì tôn trọng những bậc Thượng tọa tuổi lớn, nhân đó mà trong Phật giáo dưỡng thành tập quán trọng già, như nói “Hòa thượng già là quý báu”. Kỳ thực, trong Phật giáo tôn trọng bậc Thượng tọa  với ý nghĩa thù thắng, tức là bậc thượng tọa đó chứng chân giải thoát.Với ý nghĩa thù thắng này thì Tỳ kheo trẻ tuổi hoặc Sa di mà giải thoát sanh tử cũng được xưng là Thắng nghĩa Thượng tọa. Kế đến là Trí huệ Thượng tọa, là những bậc có trí huệ thông bác, giới luật tinh nghiêm, thọ trì tam tạng, xiển dương chánh pháp. Rồi Phước đức Thương tọa, là những bậc có phước duyên thù thắng, được tín chúng kính ngưỡng, có thể nhân nơi họ mà Phật pháp được tài lực, sửa chùa, đắp tượng, nuôi tăng, in kinh sách v.v…Tất cả phục vụ cho Phật pháp. Ba hạng Thượng tọa trên đây, Thắng nghĩa Thượng tọa là người chuyên ròng tịnh tu thiền định, niệm Phật. Trí tuệ Thượng tọa là người thọ trì tam tạng. Phước đức Thượng tọa là người cần mẫn lao nhọc hết mình phục vụ tăng sự. Ngoài ra còn có hạng Thượng tọa sanh niên, tức là chỉ hạng Tỳ kheo xuất gia lâu năm và tuổi già mới xuất gia làm Tỳ kheo. Hai hạng này do tuổi già suy yếu lụm cụm mà được người thương xót xưng gọi vậy thôi. Vì sao? Bởi vì xuất gia thọ giới tuy nhiều năm nhưng tánh tình phàm tục cố hữu không sửa thì không ích gì cho bản thân và đạo pháp. Còn người già đầy tội lỗi, thân yếu trí mờ, không có nhiều cơ hội và năng lực tu dưỡng và phục vụ đạo pháp. Kẻ xuất gia thọ giới tuy lâu năm, nhưng phàm tâm danh lợi không xả bỏ thì cũng không hơn gì, đáng thương hại. Khi Đức Thích Ca thành đạo chỉ mới ba mươi lăm tuổi. Trong lúc đó những kẻ ngoại đạo bảy tám mươi tuổi đến cầu quy y Phật. Trong kinh điển Đại thừa Phật giáo ta thấy dẫy đầy tín chúng thanh niên, rất nhiều đồng nam, đồng nữ đều phát tâm Đại thừa. Như Thiện Tài đồng tử trong Kinh  Hoa nghiêm, Thường Đề Bồ Tát trong Kinh Bát Nhã v.v…đều là mẫu người tốt, tu học pháp Đại thừa. Ngài Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập khi thọ học Luận Trung Quán chỉ mới hơn mười tuổi. Trong tạng kinh Phật nói: Các Thượng tọa già đấu tranh phân tán làm năm bộ, “chỉ có các Tỳ kheo trẻ phần nhiều căn tánh thông lợi trụ trì Phật pháp”. Sa di tuy nhỏ nhưng không thể khinh thường”. Kinh điển Tiểu thừa vốn đã có ý nghĩa này. Nhưng phải đợi đến khi Phật pháp Đại thừa hưng thạnh thì tư tưởng này mới được khai triển một cách rõ ràng. Thắng Man phu nhơn là ái nữ của vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu Mạt Lợi phu nhân. Thắng Man tuổi còn trẻ mà thông bác giáo pháp Đại thừa, dẫn đạo những nam nữ nhi đồng từ bảy tuổi trở lên đều tín tu Phật pháp. Từ Thắng Man phu nhơn tuổi hãy còn trẻ mà phát tâm hoằng dương đại pháp cho tất cả thanh niên tu học Phật pháp, phát tâm Bồ đề, điều này hiển bày rõ ràng trong Phật pháp Đại thừa già trẻ gái trai đều bình đẳng, quyết không có lựa chọn phân biệt khinh trọng.

2. Ý nghĩa cứu cánh:

Ở trên nói về người. Ở đây nói về pháp. Đại thừa Phật pháp nói bình đẳng, không phải chỉ cầu bình đẳng, cũng không phải phổ biến hạ thấp, mà là cần phổ biến tiến triển, đề cao, khuếch trương hoằng dương rộng lớn để đạt đến rốt ráo viên mãn. Trong Phật pháp nói cứu cánh bình đẳng nghĩa là thành Phật, người người đều có thể thành Phật, người người đều có thể đạt đến, vì vậy gọi là bình đẳng rốt ráo viên mãn. Kinh này từ chương Nhất Thừa đến chương Tự Tánh Thanh Tịnh đều phát huy lý nghĩa của Phật thừa cứu cánh viên mãn. Trong Phật pháp có Thanh văn, Duyên giác, nhung đây là phương tiện mà nói chứ không phải là cứu cánh chân thật. Cứu cánh viên mãn chỉ có Như Lai, tức là tất cả chúng sanh đều được thành Phật, tức là chỉ có duy nhất quả vị Phật mà thôi. Nhưng tại sao Như Lai mới là cứu cánh viên mãn? Nay đây có thể lược cứ vào ba điểm: Như Lai công đức, Như Lai cảnh trí, Như Lai nhơn y để thuyết giải:

a) Như Lai công đức:

Phật quả là công đức rốt ráo viên mãn, Tiểu thừa không thể sánh bằng. Chứng đắc Niết Bàn của Như Lai Phật quả là Vô Dư Niết bàn. Còn Tiểu thừa chứng phần nhỏ của Niết bàn Phật, nên gọi là Hữu dư Niết bàn. Về phần đoạn trừ phiền não thì Phật đoạn hết năm trụ phiền não[1]. Còn Nhị thừa Thanh văn chỉ đoạn trừ bốn phiền não trước mà thôi. Về đoạn khổ sanh tử thì Phật đã vĩnh viễn xa lìa hai thứ khổ[2] . Còn Nhị thừa Thanh văn chỉ mới dứt Phần đoạn sanh tử[3]. Đối với Đạo để tu thì Phật tu tất cả đạo. Vì vậy Phật pháp trùm khắp tất cả như hằng sa, nên đắc Đệ nhất nghĩa trí[4]. Còn Nhị thừa chỉ tu số ít đạo, nên chỉ được Sơ thánh đế trí[5]. Bất luận đứng từ phương diện nào để quán sát, thì chỉ có Như Lai Phật quốc mới là thường trú công đức, mới là cứu cánh viên mãn.

b) Như Lai cảnh trí:

Cảnh là Phật đã ngộ chứng chân thật tức là Diệt đế cũng là thật tướng các pháp. Trí ở đây là chỉ ngộ chứng thật tướng đệ nhất nghĩa trí của Phật, tức là đại huệ bình đẳng. Trí là sở ngộ thật tướng, cảnh là sở phát thật huệ. Cả hai đều là cứu cánh viên mãn. Trong Phật pháp thường nói: “ Như như, Như như trí gọi là Pháp thân”. Đây tức là Diệt đế và Đệ nhất nghĩa trí . Y cứ Phật Địa Kinh Luận nói thì, công đức Phật quả tròn đầy. Nghĩa là lấy tứ trí Bồ đề[6], viên thành thật tánh, ngũ pháp[7]  làm thể. Vì vậy, từ Đức Phật vô lượng vô biên thống nhiếp trí và cảnh đều siêu việt Nhị thừa rốt ráo viên mãn.

c) Như Lai nhơn y:

Đức Như Lai có đủ năng chứng trí và sở chứng lý, nên nói cho cùng thì phải đạt đến cảnh giới của Như Lai mới rốt ráo. Kỳ thực, cứu cánh chơn như thì thường hằng bất biến, nên trí huệ và công đức vô biên cũng không lìa chơn thật, tức là năng lực công đức thù thắng mà tất cả chúng sanh xưa nay vốn sẵn có. Điều đó như kinh này nói là Như Lai tạng, tức là Phật tánh. Như Lai tạng tức Không tánh của tất cả pháp, tức Diệt đế là nơi nương tựa và phát sanh của công đức thù thắng. Mọi người đều có Như Lai tạng, nên mọi người đều có thể thành Phật. Từ cảnh trí cứu cánh của Như Lai truy cầu căn nguyên, tức để chỉ bày Như Lai tạng là chỗ sở y cứu cánh của Như Lai. Như sông dài rộng lớn, nếu cứ một mạch theo dòng tìm nguồn thì có thể phát hiện được chỗ phát nguyên của sông. Mọi người đều có Như Lai tạng, chỉ cần xứng tánh thì trí năng công đức của Như Lai tạng sẽ dẫn phát khai triển, tức đạt Như Lai. Như Lai là cứu cánh. Bởi do tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng, nên tất cả chúng sanh đều bình đẳng, và rốt cùng tất cả đều thành Phật. Tư tưởng “Chơn thường diệu hữu bất không” này được thể hiện và phát huy đến cực điểm trong khắp điển Đại thừa.

3. Nghĩa nhiếp thọ:

Đây là nói về sự tương quan giữa người và pháp. Thọ là lãnh thọ, tiếp thọ. Nhiếp là nhiếp thủ, nhiếp thuộc. Nhiếp thọ chánh pháp tức là tiếp thọ Phật pháp, lãnh thọ Phật pháp, khiến cho Phật pháp thuộc về hành giả. Nói cách khác là Phật pháp thành của chính mình, đạt đến Phật pháp thì mình và Phật pháp hợp nhất làm một. Nhiếp thọ chánh pháp, đứng về lập trường người tu học Phật pháp mà nói thì điều này rất là trọng yếu. Nếu như không thể nhiếp thọ Phật pháp vào đời sống của mình, không thể hiện mình với Phật pháp là một, thì cho dù nói bình đẳng, cứu cánh, những danh từ hoa mỹ cao thượng, điều đó đối với chính bản thân chúng ta nào có lợi gì? Chúng sanh vốn có nguồn gốc công đức trí huệ, nhưng vẫn là phàm phu, thì cái nguồn gốc đầy đủ đó nào có lợi ích gì, nếu không biết sống khai triển? Nguyên nhân bởi tại không biết nhiếp thọ Phật pháp, không biết khiến cho Phật pháp với mình hợp nhất làm một. Tức là chưa đích thật từ thâm tâm thực hành thể nghiệm Phật pháp. Không có chuyện trời sanh Di Lặc, hay tự nhiên thành Thích Ca, mà sở dĩ Di Lặc, Thích Ca thành tựu đều là do từ sức dõng mãnh tinh tấn tu học Phật pháp không ngừng mà thành. Ấy là do sự quyết chí hung lực phát triển nguồn gốc công đức trí tuệ khiến cho Phật pháp chính từ thâm tâm mình thể hiện ra. Đây chính là nhơn Như Lai tạng bình đẳng rốt ráo của tất cả chúng sanh và chính chúng sanh hoàn thành cứu cánh Như Lai công đức đó chứ không phải ai khác.

Nhiếp thọ chính pháp cũng nên phân làm ba nghĩa để nói. Ấy là Tín, Nguyện, Hạnh. Thường thì người ta cho rằng niệm Phật phải đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh. Kỳ thực hễ phàm là Phật pháp đều cần phải có ba yếu tố này chứ không phải chỉ riêng cho người tu Tịnh độ thôi. Tín là nơi nương tựa của lòng hâm mộ, mà hâm mộ là nơi nương tựa của chí chuyên cần. Dùng Tín làm y chỉ mà khởi tâm nguyện hâm mộ cầu đắc. Một khi có tâm nguyện cầu thì khởi chí tinh tấn thực hành. Nhưng trong đây điều rất trọng yếu là Tín. Về nghĩa Chơn thường diệu hữu trong Đại thừa Phật pháp thì Tín lại còn đặc biệt trọng yếu hơn. Có người thông hiểu Phật pháp, nhưng lại không y Phật pháp thực hành, điều này chứng minh lòng tin không thật sự chân thành tha thiết. Nếu thật một lòng tin Phật pháp chơn chánh, tức là tin Đức Phật công đức vô biên, trí huệ vĩ đại; tin công dụng Phật pháp có khả năng cứu độ chúng sanh, tin nhơn sanh đích thực bị các khổ bức bách. Một khi đích thực tin chắc như thế rồi thì không thể không khởi nguyện, rồi từ nguyện mà khởi thực hành.

Tín tâm là bước đầu của sự học Phật. Cũng như Thắng Man phu nhơn nghe Phật là bậc có vô lượng công đức thì muốn được gặp Phật. Khi thấy Phật, bà khởi tín tâm cầu quy y, tiếp đó là phát ngưyện tu chánh hạnh. Điều này cho thấy rằng tất cả đều từ tín tâm mà ra. Đến khi nghe Phật giảng về Như Lai tạng là nhơn của Đại thừa Phật đạo thì liền phát lòng tin sâu rộng, để rồi hình thành bài pháp về “ Khuyến Tín “. Điều rốt ráo của Như Lai thừa là chỉ có tâm khẩn thiết thành tín mới có thể nhiếp thọ Phật pháp thành tựu. Thế nên, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là nguồn gốc, mẹ các công đức lành”. Trí Độ Luận nói: “Tín như cái tay”. Tay thì cầm, nắm, giữ tất cả vật. Hành giả muốn đạt Phật pháp nên bắt đầu từ nơi Tín. Phât pháp là kết tinh của vô biên trí huệ công đức quý báu. Ai có tín tâm thực hành thì có thể đạt được ( nhiếp thọ ) vô cùng kho báu. Nếu tu học Phật mà thiếu tín tâm, thì chẳng khác nào người muốn làm giàu vào được núi đầy vàng bạc ngọc ngà châu báu mà lại mang hai tay không ra về. Quả vị Phật thừa rốt ráo bình đẳng. Từ bình đẳng đến rốt ráo, yếu kiện nằm ở chỗ nhiếp thọ chánh pháp. Mà muốn nhiếp thọ chánh pháp thì tín là bước đầu để vào cửa Phật thừa. Có tin rồi mới lập đại nguyện, tu đại hạnh. Kinh đây thuyết minh điều này, ở từ chương Tán Thán Công Đức của Phật đến chương Nhiếp Thọ Chánh Pháp. Như vậy, ta thấy rằng cứu cánh, bình đẳng, nhiếp thọ, ba ý nghĩa này là trọng tâm, là ý nghĩa tinh yếu của Kinh Thắng Man.

B. GIẢI THÍCH  TÊN KINH

Thắng Man Sử Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng Kinh.

Kinh khác với Luật và Luận. Kinh là tiếng gọi chung của tất cả kinh. Kinh có kinh Đại thừa, kinh Tiểu thừa. Nay nói Phương Quảng tức là khác biệt với kinh Tiểu thừa. Phương Quảng là tiếng thông xưng cho tất cả kinh Đại thừa. Kinh Đại thừa vốn có bộ môn rất nhiều. Hễ phàm nói nhất Phật thừa mà lại có Thanh văn, Duyên giác thì chưa phải là cứu cánh nhất Phật thừa, tức có thể xưng đó là Kinh Nhất Thừa và Kinh Đại Phương Tiện. Như tên Kinh Pháp Hoa gồm có mười ba chữ, trong đó lại có xưng là Nhất Thừa Kinh và Đại Phương Tiện Kinh. Đây là thông danh trong kinh điển Đại thừa “tam quy nhất giáo”. Kinh này nằm trong hệ thống kinh điển Đại thừa, còn có danh xưng là Thắng Man Sư Tử Hống. Bởi vì kinh đây do Thắng Man phu nhơn nói. Vì vậy đề kinh có đến ba tầng thông biệt, nay phân khai để giảng giải:

1) Thắng Man:

Tức là Thắng Man phu nhơn, con gái của vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu Mạt Lợi. Truyền thuyết rằng, Thắng Man phu nhơn đã đạt đến thất địa hoặc bát địa Bồ Tát. Đứng về danh nghĩa thế gian mà nói thì, tiếng Phạn gọi là Thất Lợi Mạt Lợi. Trung Hoa dịch Thắng Man. Mạt Lợi là tên của Mẹ (Mạt Lợi phu nhơn ), Tàu dịch là Man. Người Ấn Độ phần nhiều có thói quen lấy tên cha mẹ đặt tên cho con mình. Như Xá Lợi Phất là con của Ưu Bà Đề Xá. Thất Lợi, Trung Hoa dịch là Thắng. Lấy tên Thắng Man với ý nghĩa cha mẹ hy vọng con gái mình tướng tốt, tài cao phước đức hơn mình. Man là thứ hoa kết thành tràng để trang sức của người Ấn Độ đeo nơi trán hay đầu. Đứng về ý nghĩa Phật pháp “y đức lập danh” mà nói thì, danh từ Man là chỉ cho các thứ công đức, các bậc Thánh hiền lấy công đức để trang nghiêm gọi là Man. Như Kinh Đại Niết Bàn nói: “Thất giác diệu man”, “Đức man Ưu Bà Di”. Kinh Duy Ma Cật nói: “Thâm tâm là Hoa Man”. Như Kinh Hoa Nghiêm thì lấy đại hạnh của Bồ Tát là hoa làm nhơn để trang nghiêm Phật quả vô thượng.

Pháp thân tức như Lai tạng thì tất cả chúng sanh đều có đầy đủ. Nhưng vì chúng sanh không có công đức trang nghiêm, nên Pháp thân chưa thể hiện bày. Còn Bồ Tát phát Bồ đề tâm tu hạnh tự lợi lợi tha, nghĩa là vì trang nghiêm Pháp thân Nhất thừa. 

Nay Thắng Man phu nhơn tu Nhất thừa hạnh, hoằng Nhất thừa giáo, tức là dùng công đức Man để trang nghiêm Nhất thừa Phật quả. Nhơn thiên công đức, Nhị thừa công đức đều có thể nói là trang nghiêm. Nhưng đại hạnh trang nghiêm của Bồ Tát thì trang nghiêm thù thắng, tức là thù thắng công đức Man. Vì vậy gọi là Thắng Man.

2) Sư tử hống:

Sư tử là chúa tể các loài thú. Trong kinh mỗi lần nói đến Phật Bồ Tát thuyết pháp thường dụ như tiếng gầm của sư tử gọi là Sư Tử Hống. Sư Tử Hống có rất nhiều ý nghĩa, nay đây lược nói hai:

  • Vô úy: Khi Sư tử hống đối ở trong tất cả các loài thú, nó chẳng những không có sự sợ hãi mà còn rất ung dung tự tại. Nay Thắng Man phu nhơn ở trong Phật nói Nhất thừa Đại pháp với tâm vô ngại, không có sự sợ hãi, nên khen như Sư tử hống. Thắng Man phu nhơn thuyết pháp khéo hàng phục phi pháp, đánh tan chủng tử hủ bại của ngoại đạo. Điều này ta thấy trong kinh đây ở chương “ Thắng Man Sư Tử Hống”. Chẳng khác nào một khi tiếng gầm của sư tử vang lên thì muôn thú đều khiếp đảm. Vô úy ở đây hữu ý nghĩa là không sợ kẻ khác mà khiến cho kẻ khác khiếp phục mình. Kinh đây xưng là Sư Tử Hống có nghĩa đặc biệt để chỉ giáo pháp Nhất thừa. Như ở chương Nhất Thừa trình bày: “Nói Nhất thừa đạo, Như Lai thành tựu tứ vô sở úy[8] tiếng nói pháp như Sư tử hống”. Do thành tựu bốn thứ vô sở úy, xướng lên nghĩa cứu cánh của Nhất thừa, nên gọi là Sư tử hống.
  • Quyết định: Truyền thuyết nói rằng Sư tử thẳng một mạch đi tới chứ không đi quanh co. Thuyết pháp có hai cách. Một là phương tiện nói: Nghĩa là nói không có rốt ráo triệt để, nói rồi sau đó cần phải bổ túc giải thích. Hai là quyết định thuyết: Nghĩa là nói một cách khẳng định chắc chắn, chắc chắn triệt để. Kinh đây nói: “Như Sử Tử Hống. Có nghĩa là kinh này nghĩa lý rõ ràng, một mạch rốt ráo”. Một mạch rốt ráo có nghĩa là giáo pháp triệt để rốt ráo không cần phải giải thích bổ túc, tu chính. Cách thuyết pháp quyết định này giống như sư tử một mạch đi thẳng tới không có quanh co. Pháp môn trong Phật pháp có đủ các pháp cho Nhơn, Thiên, Thanh văn, Duyên giác thừa. Những pháp này đều là pháp thừa phương tiện. Chỉ có Bồ Tát đại hạnh, quả vị tột cùng Như Lai mới là duy nhất Đại thừa pháp, mới là liễu nghĩa tối cứu cánh triệt để. Nay Thắng Man phu nhơn cũng nói pháp cứu cánh liễu nghĩa, nên mới gọi là Thắng Man Sư Tử Hống.

3) Nhất thừa:

Nói đến Nhất thừa, xưa nay tranh luận về Nhất thừa cũng lắm người lợi dụng danh từ này để biện minh, đề cao cách tu hành của mình cũng nhiều. Ngoài ba thừa thì Đại thừa tức Nhất thừa, hay còn có thừa nào nữa? Ở Trung Hoa, từ Ngài Quang Trạch Pháp Vân, Thiên Thai Trí Giả đến nay đều có khuynh hướng như sau: Luận về Nhất thừa, nhất thì không phải là hai. Nghĩa là chỉ duy nhất không có hai, nên gọi là Nhất, Thừa tức là ngồi xe, xe chở, vận chuyển tự tại. Đây là dụ cho Phật pháp có khả năng chuyên chở chúng sanh từ sông mê biển khổ đến bến bờ giác ngộ an vui Niết bàn, lìa ba cõi luân hồi sanh tử khổ. đến biển nhất thiết trí huệ công đức. Trong Phật pháp, có chỗ nói năm thừa, tức là Nhơn thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ Tát thừa. Có chỗ nói ba thừa, tức là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ Tát thừa. Có chỗ còn gọi Bồ Tát thừa là Đại thừa. Nay đây nói Nhất thừa tức là chỉ riêng nói về Nhất thừa chứ không phải phải Ngũ thừa hay Tam thừa, Thanh văn thừa và Duyên giác thừa không phải là thừa cứu cánh, nên hành giả chứng đắc Niết bàn của hai thừa này chẳng phải chân thật Vô dư Niết bàn. Vô dư Niết bàn là dứt sạch phiền não, đoạn sạch phân biệt ngã chấp, pháp chấp, tâm cảnh đạt đến an lạc rốt ráo. Chân thật cứu cánh Niết bàn, tức là Phật quả. Nên Nhất thừa tức là Nhất Phật thừa, Để giản biệt Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, phủ định sự cứu cánh của hai thừa này mà nói Nhất thừa, điều này là ý đương nhiên, không phải có sự tranh cãi. Nhưng Nhất thừa chính là Đại thừa trong Tam thừa, tức là vô nhị duy nhất Đại thừa phải không? Hay là ngoài ba thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát còn có Nhất thừa? Vấn đề này có nhiều cách nói khác nhau. Kỳ thật, nói nhất là đối với nhị hoặc tam, nên có nhất, đó chỉ là phương tiện chứ thật ra có một. Như trong tay chỉ có một trái vải, chứ không có hai, ba. Kinh Pháp Hoa nói: “Đây chỉ có một sự thật, nếu hai sự thật thì không phải là chơn”. Nhưng cũng có thể nói luôn cả ba quả cũng chẳng có mà chỉ có một quả duy nhất. Lúc ban sơ thì nói có ba, đến khi mở tay ra thì chỉ có một quả. Như Kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ có duy nhất một Phật thừa, không có thừa nào khác, nhưng vì chúng sanh mà nói pháp, hoặc hai, hoặc ba thừa”. Do đây chúng ta thấy, giản lược ba mà nói một, giản lược hai nói một, căn bản giống nhau, vẫn không có sự mâu thuẫn nào. Vì vậy, bất luận nói là vô nhị duy nhất hoặc nói vô tam duy nhất, tinh thần Đại thừa quán triệt thỉ chung, tức là Nhất thừa. Đây chẳng qua là căn cứ vào sự tu hành của Bồ Tát mà nói, thì đều gọi là Đại thừa. Nếu giản biệt quả vị không cứu cánh của Thanh văn, Duyên giác mà nói, thì chỉ có Phật quả mới là cứu cánh, gọi là Nhất thừa, cũng tức là Đại thừa. Vì vậy, Kinh Pháp Hoa chuyên nói Nhất thừa, lại cũng nói: “Phật trụ Đại thừa”. Đại thừa và Nhất thừa có thể thấy rõ qua đồ biểu dưới đây: