TINH HOA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO
CHƯƠNG XIII
CHƯƠNG XIII
NHẬT LIÊN TÔNG
Tân Pháp Hoa - Đại Thừa
Junjiro Takakusu - Tuệ Sỹ
Junjiro Takakusu - Tuệ Sỹ
1. CƯƠNG YẾU
Từ khi Diệu Pháp Liên Hoa Kinh được Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch và phổ biến, thì Kinh này trở nên một trong những chủ đề phổ biến nhất trong công cuộc nghiên cứu Phật học, song song với Kinh Bát-nhã và Kinh Niếtbàn. Khi nền triết học về “tính cụ” hay học thuyết Thật tướng luận được Trí Khải (531-406) truyền bá dựa trên cơ bản của Pháp hoa, thì được gọi là Thiên thai tông. Chính Tối Trừng tức Truyền Giáo Đại sư (Dengyô, 767-822) du hành sang Trung hoa và tiếp nhận học thuyết này, và khi trở về nước năm 804, sáng lập nên tông này ở Nhật. Huyền nghĩa của ông, tức giải thích trên lý thuyết về giáo nghĩa Pháp hoa, có lẽ không sai khác mấy với tông phái đặc sắc Trung hoa, nhưng khi áp dụng thực tiễn học phái này vào sự sùng tín của quốc gia và thái độ hòa hợp với tất cả những phái Phật học khác phụ thuộc tông này thì hình như nó là những sắc thái mới mẻ do nơi tài năng của Đại sư. Ngoài giáo nghĩa Pháp hoa, Sư còn giảng thuyết Chân ngôn tông, Di-đà giáo, Thiền cũng như Đại thừa Luật. Đối với ông, đây là những giáo thuyết phụ thuộc Pháp hoa, hay dù sao đi nữa, đấy cũng là những hệ thống hiệp trợ để hoàn tất học thuyết chủ yếu này. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, trong nhóm môn đệ của Sư đã có một vài người chuyên tâm vào một trong những hệ thống này và thỉnh thoảng gây nên kết quả là tách biệt khỏi tông chính. Vào thời đại Heian (781- 1183), những nghi thức thần bí và những cuộc lễ tổ chức theo mật giáo do tông này đề xướng đã đi đến chỗ cốt làm thỏa mãn cái phong cách quí tộc đương thời. Về sau lại khởi lên một tông phái chuyên tu theo tín ngưỡng Di-đà, phát triển từ căn để của tông này. Qua ảnh hưởng của hai dòng hoạt động tôn giáo, một cuộc cải cách Phật giáo lớn xảy ra trong đời sống và tư tưởng của quốc gia Nhật bản trong triều đại này.
Sự tinh luyện văn học bản xứ, tạo ảo diệu cho các nghệ thuật thẩm mỹ, sự phát triển nghệ thuật kiến trúc và kỹ nghệ quốc gia, những cung cách phong nhã và những phong tục của giai cấp ưu tú, tất cả đều do ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo. Rất có thể là nhờ sự đào luyện của Phật giáo mà người Nhật tỏ ra có tinh thần đại đồng, khoan dung và quán triệt trong việc khảo cứu. Nhưng hòa bình thường đưa đến nhu nhược. Cố nhiên sự thối nát của chính trị và sự đổ vỡ của xã hội thường không dễ gì ngăn ngừa được. Bấy giờ mở ra cơ hội tốt cho vũ lực, và có lẽ hận thù, tranh chấp, giữa triều thần, các thị tộc, các lãnh chúa và các đảng phái xảy ra còn nhiều hơn là những điều mà chúng ta biết qua trong lịch sử. Trong những ngày tàn của triều đại Bình an (Heian), khắp thiên hạ đã tràn ngập chiến tranh và biến loạn. Khi triều đình quân phiệt được thành lập trong thời Liêm thương (Kamakura), dân chúng tin tưởng là hòa bình và trật tự sẽ được vãn hồi, nhưng thật quả là vô vọng. Những cuộc mưu đồ, và xung đột vẫn tiếp diễn hơn trước. Trong đời sống cộng đồng của quốc gia người ta có cảm giác đang đến hồi mạt vận của tôn giáo. Hình như yêu sách khẩn thiết là một cuộc canh tân toàn diện trong sinh hoạt chính trị cũng như tôn giáo. Thẩm quyền của hai tông phái cũ là Thiên thai và Chân ngôn đã hết thời, hay đúng hơn, đã phải chịu cùng số phận với giai cấp quý tộc. Tông phái mới, Di-đà giáo của Pháp Nhiên (Hônen) tuy đứng vững trong quần chúng, vẫn chưa có ảnh hưởng đáng kể với giai cấp thống trị. Thiền tông lúc bấy giờ, tuy có vẻ thích hợp cho việc huấn luyện tinh thần vũ hiệp của lớp người quân sự, vẫn chưa có quyền lực nào đối với những vấn đề chính trị. Một người, có nhận thức tế nhị và bản tính cả quyết như Nhật Liên (Nichiren, 1122-1282), nếu được tiêm nhiễm với niềm tin tôn giáo quyết liệt, chắc chắn không thể không phản động trước tình thế ấy.
Muốn tìm hiểu Nhật Liên và tông phái của Sư, trước hết chúng ta phải tìm hiểu bản kinh Pháp hoa, cứ điểm của tất cả các quan niệm và các luận chứng của sư. Thế nào là Pháp hoa kinh? 1 Kiểm điểm bản văn cho thấy nguyên lai kinh Pháp hoa gồm có 21 phẩm và sau đó, do thêm thắt và phân chia khác đi mà tăng lên đến 28 phẩm. Bản Hán dịch sớm nhất do Pháp Hộ (Dharmaraksa), vào năm 286; bản dịch thứ hai do Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) năm 406 và bản thứ ba (đầy đủ nhất) do Xà-na-quật đa (Jñānagupta) và Đạt-ma-cấp-đa (Dharmagupta) năm 601. Trong mấy bản dịch này, bản thứ hai là văn chương hay nhất và có thẩm quyền nhất về Pháp hoa, được các nhà thẩm quyền nhất về Pháp hoa thừa nhận. Mặc dầu được dịch sau, nhưng bản này tiêu biểu hình thức sớm hơn đối với lần dịch trước (của Pháp Hộ), do phán xét những chứng cứ nội tại; thí dụ, theo trích dẫn của Long Thọ, và vân vân. Ngoài ra, các yếu tố nội dung của những phẩm được thêm vào này phân chia ra vẫn còn nằm ở trong hình thức của bản kinh 21 phẩm. Tuy nhiên, bản kinh 28 phẩm này được Trí Khải, Tối Trừng, và chính Nhật Liên dùng. Đây là bản dịch duy nhất được dùng ở Nhật, kể cả trong hay ngoài Nhật Liên tông. Bây giờ hãy tóm tắt qua nội dung của kinh và lập trường của Nhật Liên trong học thuyết Pháp hoa.
2. LỊCH SỬ
Những gì có tính cách lịch sử đối với những tông phái tư tưởng khác thì lại là tính cách cá nhân đối với tín ngưỡng Pháp hoa của Nhật Liên, bởi vì chính cá tính của Nhật Liên đã tạo nên sắc thái của tông này. Không phải ngẩu nhiên mà tông này được gọi theo danh hiệu của sáng tổ của nó. Nhật Liên sinh năm 1222, con của một ngư phủ ở Kaminato, Awa (An phòng tiểu tấu) miền nam duyên hải Nhật. Sư được gởi đến Thanh trừng (Kiyozumi), một ngọn đồi gần nhà, để làm tiểu trong một tu viện. Sư xuất gia năm 15 tuổi. Thắc mắc sớm nhất của sư: “Thế nào là Sự Thật mà đức Phật đã giảng dạy? “Không được giải đáp ở đây. Ông liền đến Liêm thương và sau đó đến học đạo tại núi Tỉ duệ (Hiêi). Mười năm học tập tại núi này (1243-1253) gây cho sư niềm xác tín rằng chỉ có sự phục hoạt của nền triết lý Thiên thai mới là con đường ngắn nhất bước tới Đạo. Về triết lý Thiên thai, Nhật Liên không muốn nói là cái triết lý mà mình đang học tập, nhưng là điều được chính Truyền Giáo Đại sư (Dengyô) giảng dạy. Thiên thai nguyên thủy của Trí Khải chính yếu là một triết thuyết, trong lúc Thiên thai Nhật bản của Truyền Giáo Đại sư thì vừa thực tiễn vừa lý thuyết. Nhưng sau hai vị đại sư, Từ Giác (Jikaku) và Trí Chứng (Chisho) thì khía cạnh thực tiễn của Thiên thai trở thành những nghi lễ thần bí hay tín ngưỡng Di-đà; đó là những điều có vẻ quan trọng nhất đối với hai vị này. Chân lý căn bản của học thuyết Pháp hoa hầu như bị gạt qua một bên, xem như là mạn đàm triết lý. Nhật Liên không thể nào chấp nhận thái độ này, cho nên, năm 1253, ông bỏ trở về ngôi chùa cũ ở Kiyozumi; nơi này, đề xướng học thuyết mới của ông, rằng chỉ có Pháp hoa mới duy nhất cứu độ chúng sinh khỏi thời đại suy đồi lúc bấy giờ. Pháp thức chủ yếu là đọc: “Nam mô Diệu pháp liên hoa kinh”. Đó là Dharma-smṛti (niệm Pháp) chứ không phải là Buddha-smṛti (niệm Phật) như là trong tụng niệm của Di-đà giáo. Pháp là lý tưởng được thể hiện bởi đức Phật bản hữu. Tất cả chúng sinh đều được cứu độ do xưng tụng nơi Diệu pháp Liên hoa, và chỉ có Pháp hoa, ông tuyên bố, duy nhất là thông điệp sau cùng chân thật nhất của đức Phật mà thôi.
Ngài phương trượng và các tăng chúng khác đều chống đối ông khiến ông phải trốn đi Kamakura, nơi đó ông dựng một thảo am và ẩn cư một thời gian; ông giảng học thuyết của mình trên đường lộ hay trong công viên, công kích các tông phái khác thật mãnh kiệt. Ông viết Lập chính An quốc 2 mà ông trình lên Nhiếp chính vương Bắc Điều (Hôjô) năm 1260. Biện luận chính yếu của ông nhằm đả kích Di-đà giáo của Pháp Nhiên, mà ông xem như là chịu trách nhiệm chính yếu về những tệ hại và suy đồi trong và ngoài nước. Trong luận này, ông kết án Pháp Nhiên như là kẻ thù của chư Phật, của Pháp, Tăng và của tất cả chúng sinh. Nhiệm vụ của chính quyền là, ông nói, phải chấm dứt tà giáo này, nếu cần thiết phải dùng đến lưỡi kiếm cũng nên. Ý tưởng thống nhất tôn giáo với sinh hoạt quốc gia được biểu lộ suốt trong bộ luận này.
Sự phân loại về “thời mạt pháp” của Nhật Liên bắt đầu từ năm 1050, tính từ ngày Niết bàn. Biến cố sau cùng của 7 cơn loạn lạc, ngoại xâm, được tiên đoán trong đó. Ông chủ trương rằng hoà bình và thịnh vượng của đất nước chỉ có thể đạt được bằng sự thống nhất tất cả các tông phái Phật giáo qua học thuyết Pháp hoa. Sau đó, ông đả kích các tông phái hiện hữu lúc bấy giờ và đưa ra ý kiến như sau: Tịnh độ tông là địa ngục; Thiền tông là yêu ma; Chân ngôn tông (bí mật giáo) là diệt vong quốc gia và Luật tông là phản bội. Bốn tông phái này thực tế bao gồm tất cả chi phái hiện hữu đương thời và là những học thuyết vốn tùy thuộc vào Thiên thai. Về Di-đà giáo của Pháp Nhiên, Thân Loan và những người Về Di-đà giáo của Pháp Nhiên, Thân Loan và những người khác, có ảnh hưởng nhất trong quần chúng; khuynh hướng tư tưởng Thiền đặc biệt lôi cuốn được cấp võ biền bấy giờ, có lẽ là học thuyết có ảnh hưởng thứ yếu. – Nhờ hoạt động của Vinh Tây (1141-1215), Đạo Nguyên (1200 và Viên Nhĩ (kh. 1235) ở Kyoto và các Thiền sư Trung hoa như Lan Khê, Tổ Nguyên và Nhất Ninh ở Kamakura, Thiền chắc chắn đang tạo được một địa vị quan trọng trong đời sống và văn hóa quốc gia. Còn về Chân ngôn tông, thế lực thần bí mà nó tâng tiu không bao giờ mất chỗ đứng trong tâm tưởng dân chúng. Chân ngôn tông có ảnh hưởng khắp toàn quốc Nhật bản. Luật tông do Duệ Tôn cải tổ, là người từng phụng chiếu lập đàn tế thần cầu chống lại cuộc xâm lăng Mông cổ tại một đền thờ Thần đạo (Shinto) ở Iwashimizu, và Qui Sơn Thiên hoàng (Kameyama) thân hành dự lễ trong dịp này, Thiên hoàng nguyện hy sinh tính mạng của mình để đánh đổi lấy sự an ninh cho đất nước. Do đó mà Ritsu chắc chắn có ảnh hưởng lớn với triều đình. Những trận công kích các tông phái này của Nhật Liên trở nên vô cùng mãnh liệt hơn trước khi ông bị vây đánh, đuổi xua tại Izu năm 1261. Ngay cả sau khi ông trở về Kamakura và hồi hương thăm thân mẫu bịnh nặng, ông vẫn không ngừng chống báng chính quyền cũng như các tông phái một cách kịch liệt và quá hăng đến nỗi nói rằng, Nhiếp chính vương Bắc Điều Thời Lại (Hôjô-Tokiyori), là người tin tưởng theo Thiền và thường mặc tăng bào, đang sống trong địa ngục, và người nhiếp chính kế tiếp Tokumune, đang ở trên đường đi đến địa ngục. Nhân việc sứ thần Mông cổ sang đòi cống vật, Sư kháng cáo triều đình phải đàn áp các tông phái khác và nhìn nhận học thuyết Pháp hoa như là đường lối duy nhất đưa quốc gia ra khỏi sự diệt vong. Năm 1271, ông bị bắt, kết án và xử tử hình. Nhưng với một phép lạ, ông thoát khỏi cuộc xử tử và bị đày ra đảo hoang Sa- độ (Sado) vào cuối năm đó.
Mặc dầu phải trải qua nhiều gian khổ và khó khăn ở đây, Nhật Liên cũng viết được nhiều tác phẩm. Trong Khai mục sao, 3 nguyện danh tiếng của ông là: “Ta sẽ là cột trụ của Nhật bản, ta sẽ là con mắt của Nhật bản, ta sẽ là huyết mạch của Nhật bản”. Ở đây, ông tự nhận ông là Bồ-tát Thượng Hành (Viśiṣṭacarita Bodhisattva) là vị mà đức Phật phó thác công việc bảo vệ Chính pháp. Sau ba năm, được phép trở về Kamakura, năm 1274. Sư không khứng chịu bất cứ hòa hoãn, thỏa thuận, hay khoan dung nào cả, mặc dù chính quyền đã nỗ lực. Ông lui về núi Thân diên (Minobu), phía tây Phú sĩ sơn (Fuji) và sống an bình ở đây. Ông thị tịch tại Ikegami, gần Tokyo, năm 1282. Tinh thần hiếu chiến của Nhật Liên vẫn sống còn với các đồ đệ của ông, trong đó có sáu người thật là những người truyền bá hăng say. Một trong những người này, Nhật Thì (Nichiji) du hành sang Tây-bá-lợi-á năm 1295, nhưng sau đó bặt tăm dạng luôn. Tông này, luôn luôn mang màu sắc của thái độ đấu tranh, đã gây nhiều tranh biện với các học phái khác. Tỉ dụ như, năm 1532, xung đột với Thiên thai, là tông phái gốc của Nhật Liên, được gọi là cuộc chiến Tembun. Một phái trong Nhật Liên tông mệnh danh phái “Bất thọ Bất thi” (Fujifuse) từ chối không tuân giữ luật lệ hành đạo do chính quyền tự đặt ra nên bị chính phủ Đức Xuyên Tướng quân (Tokugawa Shogun) cấm đoán năm 1614 cùng lượt với Thiên chúa giáo. Hiện tại có tám phái Nhật Liên, trong đó có hai là quan trọng: 1. Nhật liên tông, trung tâm đặt tại Minobu, gồm có 3.600 tự viện; 2. Hiển bản Pháp hoa tông (Kenpon-Hokke) còn được gọi phái Diệu mãn tự (Myômanji), với 580 ngôi chùa.
3. TRIẾT LÝ VÀ TÔN GIÁO
Cũng như nhân cách của Nhật Liên tạo nên Nhật liên tông mà tinh yếu là câu nhật tụng: “Nam mô Diệu pháp Liên hoa kinh”, cũng vậy chính nhân cách của đức Phật tạo nên giáo thuyết Pháp hoa. Toàn bộ kinh Pháp hoa có thể là một bản kịch, như giáo sư Kern tưởng tượng, nhưng đức Phật không phải chỉ là nhân vật chính của vỡ tuồng – mà đức Phật còn là người tổ chức hay sở hữu của bản kịch nữa. Chân lý trong kinh Pháp hoa không phải là một thứ chân lý chết cứng vô hồn; mà đó là lý tưởng; là chân lý bừng sáng, thơm ngát và kết hạt như hoa sen, là chân lý tích cực, chân lý được hóa thân trong đức Phật, là Pháp thân, là tự thân Giác ngộ, Năng giác và Sở giác đều là một. Như vậy, đức Phật chân thật trong kinh không phải là sắc thân của đức Phật đã giác ngộ dưới cội bồ đề, chuyển pháp luân lần đầu tại Vườn Nai ở Ba-la-nại và nhập Niết bàn tại rừng Sala ở Kusinagāra lúc tám mươi mốt tuổi - mà ngài là đức Phật của Vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, là bậc Năng Giác thường trụ thuyết pháp. Ngài thể hiện từ tâm đối với chúng sinh qua sự giác ngộ cho tất cả. Do bi tâm, Ngài nói ra giáo pháp quyền nghi. Ngài thực sự là người tổ chức vở kịch, và Ngài cũng tự đóng vai chính của vở kịch, hướng dẫn tất cả các diễn viên khác, ngay cả những người kém khả năng sau một thời gian cũng sẽ có thể đóng được vai trò. Ba thừa, lẽ dĩ nhiên, cũng như Đề-bà-đạt-đa kẻ hung ác và Long nữ, tất cả đều nằm trong sự Giác ngộ của đức Phật. Thế giới giác ngộ của đức Phật xa xưa được gọi là “bản môn” và thế giới giác ngộ của hóa thân Phật được gọi là “tích môn”. Chữ “môn”, ở đây không có nghĩa là một phân bộ hay nơi chốn biệt lập. Nó chỉ có nghĩa là “hoạt động của Phật ở trong bản vị nguyên thủy” (bản môn bản hóa) hay “hoạt động của Phật có biểu lộ còn lưu dấu tích” (tích môn tích hóa). “Bản địa” (Bản vị nguyên thủy) “và thùy tích” (biểu lộ dấu tích) là những vấn đề tranh luận trường kỳ trong các trường phái thuộc Pháp hoa và tất cả đều qui chú vào nhân cách của Phật, đó là Phật đà luận. Khi áp dụng vào kinh Pháp hoa, vấn đề trước tiên là: “Đức Phật nào khai thị chân lý?”.
Trên đại thể, người ta cho rằng 14 phẩm đầu của kinh, gồm một phần tựa, một phần chính tông và đoạn kết, dành riêng nói về “Tích môn”; 14 phẩm cuối, cũng gồm có phần tựa, một phần chính tông và đoạn kết, nói về “Bản môn”. Chủ đích của toàn bộ Pháp hoa là khai thị chân lý. Phần trước, chủ yếu là phẩm “Upāya” hay “phương tiện”, Phật khai thị rằng Ngài thuyết pháp trong hơn 40 năm trước thời Pháp hoa chỉ là phương tiện; nói chính xác hơn, là pháp thuyết cho các đệ tử trực tiếp (Thanh văn), cho các Độc giác (Pratyekabuddha) và cho các Bồ-tát sơ phát tâm, pháp thuyết cho cả ba thừa chỉ là phương tiện, và Ngài chỉ định rõ ràng rằng chỉ có Nhất thừa mới là Chân lý (khai tam hiển nhất). Ở phần sau, nhất là phẩm “Thọ lượng”, Phật nói về nhân cách của chính Ngài và khai thị rằng hiện hữu lịch sử mà Ngài gần hoàn tất ở đây không phải là chân thân của Ngài, và chỉ dạy rành mạch rằng chính Pháp thân mới thật là thể hiện chân thật của a-tăng-kỳ kiếp ở quá khứ (khai cận hiển viễn).
Phần trước nói về học thuyết trong đó chân lý được khai thị; phương tiện được thuyết như là phương tiện và chân thật như là chân thật. Phần sau, trái lại, nói về nhân cách trong đó chính đức Phật tự khai thị, mà tự thân bấy giờ chỉ là hóa thân còn ở cổ đại mới là bản thân chân thật. Nhật Liên đồng ý với Truyền Giáo Đại sư ở điểm này. Tuy nhiên, Nhật Liên dựa trên học thuyết về nhân cách, cả quyết rằng tất cả những pháp thuyết trước thời Pháp hoa và ngay cả phần đầu của kinh Pháp hoa cũng chỉ là “tích môn tích hóa”. Ông thiết lập tông phái của mình trên căn bản của kinh Pháp hoa “bản môn bản hóa”. Do đó, tông này hoặc được gọi là Nhật Liên tông theo danh hiệu của sáng tổ hay là “Bản môn Pháp hoa tông” (Hommon Hokke) theo học thuyết.
Sự sai biệt về các quan điểm giữa Truyền Giáo Đại sư và Nhật Liên lại được tìm thấy trong thái độ với bản chất của kinh Pháp hoa. Học thuyết Pháp hoa cho là có mười “giới”, mười “như” và ba “môn”. Truyền Giáo Đại sư đặt sự quan trọng nơi nguyên lý về tích môn. Tích môn lại chỉ bàn đến chín “giới”, thuyết về trạng thái nhân duyên của sự tu tập (tùng nhân môn) và từ đó quan niệm tâm và ý là những yếu tố quan trọng trong công cuộc tu tập và sau cùng cho rằng thế giới hiện tượng tùy thuộc vào giáo nghĩa duy thức. Các điểm như “Nhất tâm tam quán” và “Nhất niệm tam thiên” được giảng dạy chi tiết. Theo Nhật Liên tông, thì Thiên thai tông quá thiên trọng đến khía cạnh lý thuyết của chân lý, nên quên mất khía cạnh thực hành của nó. Nhật Liên tin rằng “bản môn” thuyết về trạng thái hiệu lực của giác ngộ (quán hóa môn) và nhân cách của Phật là trọng tâm của chân lý; thực tại của các thế giới hiện tượng quy tụ nơi tâm điểm nhân cách của Phật và tất cả hành giả cần phải được hướng dẫn đến thể nghiệm Pháp thân Lý thể của Ngài.
Kinh Pháp hoa khai thị đức Phật bản hữu mà lý và hành của Ngài được giải thích đầy đủ trong các phần chính yếu của kinh. Điều mà nhà sáng tổ này cho là quan trọng là hành cuả Phật, chứ không phải là lý. Người nào thâm hiểu và thi hành các phương diện hành của Phật thì sẽ là một hành giả của Pháp hoa kinh (Pháp hoa kinh hành tọa), cũng như một vị Bồ-tát có hành động tối thượng (Viśiṣṭacarita: Thượng Hành Bồ-tát) được đặt vào địa vị tuyệt đỉnh trong kinh này. Ai tu tập theo đó sẽ thành tựu Phật quả, giác ngộ viên mãn ngay trong thân xác này (tức thân thành Phật). Đức Phật bản hữu cũng giống như mặt trăng trên trời và Phật của các kinh như: Hoa nghiêm, Ahàm, Phương đẳng (Vaipulya), Bát-nhã, Kim quang minh (Suvarṇaprabhāsa), Di-đà và Đại nhật chỉ là những vầng trăng phản chiếu trong các dòng nước từ một mặt trăng bản hữu. Chỉ có kẻ điên mới cố công vói bắt ánh trăng trong nước.
Tựa kinh Pháp hoa tóm tắt tất cả những “lý” và “hành” của tất cả chư Phật bản môn, và đối với Nhật Liên, là phương pháp tu bổ duy nhất để cứu vãn tình trạng suy đồi của thời “mạt pháp”, bất chấp mọi phản động từ những chất độc (các tông phái khác) hiện hành. Bốn cảnh ngữ Nhật Liên đề xướng như ta đã thấy ở trên, là cái đích lừng danh cho thù hận đối với tất cả các tông phái khác của Phật giáo Nhật bản, bởi vì khẩu hiệu này đối lập với tín ngưỡng Di-đà của Tịnh độ tông (Jôdô), với chủ trương trực giác của Thiền, với thần bí thức của Chân ngôn và với luật nghi câu nệ hình thức của Ritsu (Luật tông). Đấy là bài bác toàn diện tất cả những tông phái Phật giáo hiện hành trừ Thiên thai tông của Truyền Giáo Đại sư, mà ông (Nhật Liên) cố gắng cải sửa và giữ đúng hình thức nguyên thủy của nó.