- Phẩm 1: TỰA
- Phẩm 2: THUẦN ĐÀ
- Phẩm 3: AI THÁN
- Phẩm 4: TRƯỜNG THỌ
- Phẩm 5: KIM CANG THÂN
- Phẩm 6: DANH TỰ CÔNG ĐỨC
- Phẩm7: TỨ TƯỚNG
- Phẩm 8: TỨ Y
- Phẩm 9: TÀ CHÁNH
- Phẩm 10: TỨ THÁNH ĐẾ
- Phẩm 11: TỨ ĐẢO
- Phẩm 12: NHƯ LAI TÁNH
- Phẩm 13: VĂN TỰ
- Phẩm 14: ĐIỂU DỤ
- Phẩm 15: NGUYỆT DỤ
- Phẩm 16: BỒ TÁT
- Phẩm 17: ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN
- Phẩm 18: HIỆN BỆNH
- Phẩm 19: THÁNH HẠNH
- Phẩm 20: PHẠM HẠNH
- Phẩm 21: ANH NHI HẠNH
- Phẩm 22: QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT
- Phẩm 23: SƯ TỬ HỐNG
- Phẩm 24:
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông
PHẨM THỨ MƯỜI CHÍN
THÁNH HẠNH
Bấy giờ đức Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Rằng Đại Bồ tát đối với kinh Đại Niết Bàn phải chuyên tâm quán niệm tư duy năm hạnh: Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông
PHẨM THỨ MƯỜI CHÍN
THÁNH HẠNH
Hai, Phạm hạnh
Ba, Thiên hạnh
Bốn, Anh nhi hạnh
Năm, Bệnh hạnh
Là Đại Bồ tát thường xuyên tu tập năm hạnh đó. Ngoài ra còn một hạnh tối tôn, tối thượng: Như Lai hạnh, chính là kinh Đại thừa Đại Niết Bàn!
Đại Bồ tát tu Thánh hạnh là thế nào?
Đại Bồ tát tu Thánh hạnh cần có yếu tố nhân duyên, nghĩa là phải có cơ hội nghe kinh điển Đại thừa Đại Niết Bàn. Nghe rồi sanh tâm tin thuận, ham mộ, trân trọng và thường quán niệm tư duy: Rằng chỉ có con đường giác ngộ, giải thoát là con đường duy nhất an lành. Bồ tát muốn tu Thánh hạnh nên phát tâm cầu đạo, cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo giải thoát giác ngộ vô thượng. Bồ tát tư duy rằng chỉ có xuất gia cầu đạo mới ra khỏi ngục tù tam giới vô minh phiền não, các khổ thế gian. Chỉ có giữ gìn cấm giới mà thôi. Khi Bồ tát tư duy như vậy, Thiên ma ba tuần tự nhiên sanh lòng lo sợ và tự nghĩ rằng: Bồ tát sẽ cùng ta đấu tranh một mất một còn!
Thực hiện ý chí mình, Bồ tát đến tăng già lam, thấy tăng, gặp Phật thọ giới xuất gia tu tập phạm hạnh thanh tịnh. Kể từ giờ phút này Bồ tát xuất gia như được mang trong người một bong bóng nổi để sẵn sàng tư thế vượt khổ hải, lội băng ái hà qua giác ngạn. Trong những tháng ngày phấn đấu ấy, thiên ma ba tuần trá hình la sát ngọt ngào dụ dỗ khẩn khoản xin bong bóng nổi. Bồ tát tự nghĩ, nếu ta cho nó quyết định phải chìm, không thể qua khỏi sông ái biển mê được. Cho nên ta thà chết chứ không chịu cho, dù cho một tí xíu bằng lỗ trôn kim bong bóng cũng sẽ xì hơi chìm chết. Nhờ ý chí kiên cường, quyết đoán, Bồ tát giữ trọn: Tứ Ba la di. Tăng tàng. Xả đọa. Ba dật đề. Hối quá. Chúng học. Cho đến Thất diệt tránh. Rồi Bồ tát nguyện tu tam nghiệp không sai phạm những tiểu tiết: đột kiết la.
Đối với tự thân, đối với giới luật, tu tập chân chính thành tựu phạm hạnh gọi là Bồ tát tu tập Thánh hạnh. Vì đó là hạnh của Phật, của Bồ tát nên gọi là Thánh hạnh. Vì những bậc Bồ tát, Phật, có Thánh pháp nên gọi là Thánh hạnh, vì thường quán sát các pháp tánh tướng vắng lặng, vì vậy những bậc này cũng gọi là thánh nhơn, vì có thánh giới, thánh định và thánh tuệ nên gọi là thánh nhơn. Có khả năng tu tập hạnh của thánh nhơn nên gọi là Thánh hạnh.
Rồi Bồ tát quán sát tự thân từ đầu đến chân, toàn thân chỉ là sự hội tụ ba mươi sáu vật bất tịnh: tóc, lông, răng, móng....tâm, can, tỳ, phế, thận, đại tràng, bàng quang, tam tiêu...Trong đó không có cái gọi là "ngã". Nêu từng tên, chỉ từng món trong cơ thể của ta, của người đều là "duyên" nương gá với nhau mà hình thành. Thấy rõ tánh bất tịnh của thân, tánh khổ của thọ, vô thường của tâm, vô ngã của vạn pháp, Bồ tát trụ vào bậc kham nhẫn: Nhẫn được sự bức bách, sự hà hiếp, sự bất công...của con người, nhẫn được sự bất ổn của thiên tai, địa họa của nắng hạ, mưa đông...thành tựu được sanh nhẫn và pháp nhẫn.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Bồ tát chưa đến địa vị bất động, có nhân duyên nào có thể phá giới mà không phạm tội chăng?
Phật dạy: Bồ tát có thể phá giới mà không bị xem phạm giới. Khi Bồ tát biết rõ rằng ý nghĩ lời nói, việc làm của mình, làm cho một hoặc nhiều người phát tâm tín mộ, thọ trì đọc tụng, kinh điển Đại thừa. Giảng giải truyền bá rộng rãi kinh điển Đại thừa Đại Niết Bàn, gieo vào lòng người hạt giống Vô thượng Bồ đề bất thối chuyển. Khi làm việc đó, Bồ tát nghĩ rằng; Ta có thể chịu khổ địa ngục hoặc một kiếp hoặc hai, ba kiếp nhưng ta phải gieo trồng trong tâm địa họ hạt giống bất thối chuyển với quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Với nhân duyên như thế, Bồ tát có thể phá phạm tịnh giới.
Bấy giờ Đại Trí Văn Thù xuất hiện thưa: Bạch Thế Tôn ! Nếu Bồ tát nhiếp thủ tâm ý, hộ trì chánh pháp Đại thừa, khiến chúng sanh kia không thối chuyến tâm Bồ đề, hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, theo con nghĩ, Bồ tát này không vì duyên cớ phá giới ấy mà phải đọa địa ngục a tỳ.
Phật khen: Lành thay! Văn Thù Sư Lợi! Đúng như lời ông nói. Ta nhớ chuyện xa xưa, ở cõi Diêm Phù Đề này, thuở đó, ta là một vị Đại quốc vương, tên là Tiên Dư. Nhà vua rất kính trọng ham mộ kinh điển Đại thừa. Tâm vua thuần thiện không có tật đố, không có ý cạnh tranh bảo thủ, không xan lẫn, thân, khẩu, ý nhà vua thường được nhiếp hộ, khinh an thuần thiện. Thuở đó không có Phật ra đời, cũng không có Thanh văn, Duyên giác. Nhà vua rất ham mộ giáo nghĩa Đại thừa phương đẳng. Đã mười hai năm tôn kính cung phụng vị Bà la môn, hầu hạ cung cấp mọi thứ cần dùng không hề nhàm mỏi; sau đó nhà vua khuyến thỉnh Bà la môn nên phát tâm vô thượng Bồ đề. Bà la môn đáp: Tâu Đại vương ! Tâm Bồ đề là cái chi ? Không có tâm Bồ đề. Kinh điển Đại thừa cũng vậy, không có kinh điển gọi là Đại thừa. Sao hôm nay Đại vương muốn cho con người có thật lại đồng với cái không có gì, như hư không ấy?
Nhà vua vốn tôn trọng Đại thừa giáo nghĩa, nghe Bà la môn hủy báng Đại thừa phương đẳng, bèn giết chết vị Bà la môn ấy.
Này Thiện nam tử! Do nhân duyên ấy, từ đó trở đi ta không bị đọa địa ngục nữa.
Này Thiện nam tử! Ủng hộ, truyền trì kinh điển Đại thừa, có thế lực lớn lao như vậy.
Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Lại nữa, khổ, tập, diệt, đạo, tứ thánh đế, cũng gọi là Thánh hạnh. Khổ là tướng bức bách. Tập là tướng nẩy sanh và tăng trưởng. Diệt là tướng vắng lặng. Đạo là tướng Đại thừa.
Khổ có ba tướng: Tướng khổ khổ, tướng hành khổ và tướng hoại khổ..
Tập là hai mươi lăm cõi.
Diệt là dứt trừ hết hai mươi lăm cõi.
Đạo là tu tập Giới, Định, Tuệ.
Thiện nam tử! Pháp hữu lậu có hai thứ: nhơn và quả.
Pháp vô lậu cũng có hai thứ: nhơn và quả.
Quả hữu lậu gọi là Khổ. Nhơn hữu lậu gọi là Tập
Quả vô lậu gọi là Diệt. Nhơn vô lậu gọi là Đạo
Thiện nam tử! Khổ có tám tướng: Sanh, Lão, Bệnh, Tử, Ái biệt ly, Oán tắng hội, Cầu bất đắc và Ngũ ấm thạnh khổ.
Những nguyên nhân, dữ kiện có thể sanh ra tám thứ khổ như vậy gọi là Tập.
Ở đâu không có tám thứ khổ như vậy gọi là Diệt.
Mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn niệm xứ, bốn vô lượng tâm....gọi là Đạo.
SANH có năm tướng: Một, mới sanh ra. Hai, đến rốt sau. Ba, tăng trưởng. Bốn, xuất thai. Năm, có một chủng loại mới ra đời.
LÃO có ba: Một, niệm niệm lão. Hai, chung thân lão. Ba, diệt hoại lão.
BỆNH là thất đại không điều hợp thích ứng với nhau. Có hai cách bệnh: Một, thân bệnh. Hai, tâm bệnh.
Thân bệnh có năm: nhân nước, nhân nhiệt, nhân gió, nhân tạp bệnh và khách bệnh. Khách bệnh có hai: Một, chẳng phải phận sự gắng ép làm. Hai, vô ý, sai lầm, té ngã.
Tâm bệnh có bốn: Một, hớn hở quá vui. Hai, sợ sệt cực kỳ. Ba, lo âu trầm uất. Bốn ngu si đần độn.
Thân bệnh, tâm bệnh gồm trong ba chủng loại: Một, bệnh nhân duyên. Hai, bệnh danh tự. Ba, bệnh thọ.
Bệnh nhân duyên là bệnh có tác nhân ngoại cảnh, như bệnh phong, bệnh "si da", sài uốn ván....
Bệnh danh tự như bệnh "hở van tim, ung thư, lao, bệnh tuyến tiền liệt...
Bệnh thọ như nhức đầu, đau răng, đau họng v.v...
Đó là hiện tướng của vô vàn bệnh khổ gồm trong ba danh ngôn chủng loại ấy! TỬ là bỏ thân đã thọ. Bỏ thân có hai duyên cớ: Một, do mạng hết. Hai, do duyên ngoài.
Mạng hết có ba trường hợp: Một, mạng hết, không phải phước hết. Hai, phước hết, không phải mạng hết. Ba, phước mạng đều hết.
Duyên ngoài cũng có ba trường hợp: Một, chưa đến phần, tự hại mà chết. Hai, bị kẻ khác hại chết. Ba, do mình và kẻ khác làm hại chết.
Lại còn ba thứ chết khác: Một, phóng dật chết. Hai, phá giới chết. Ba, mạng căn hư hoại chết.
ÁI BIỆT LY KHỔ là thế nào?
Những vật mình ưa thích mến yêu bị ly tán. Vật mến yêu tổng quát có hai thứ: Một, ngũ ấm trong loài người bị hư hoại ly tán. Hai, ngũ ấm trong vũ trụ thiên nhiên hư hoại ly tán. Ngũ ấm hư hoại ly tán dùng tâm phân biệt tính đếm không thể kể xiết, chỉ có thể dùng từ vô lượng vô biên.
Những gì là OÁN TẮNG HỘI KHỔ?
Chẳng thương yêu mà phải hội ngộ, phải chung chạ đối diện với nhau. Sự oán tắng này, tổng quát có ba thứ: Một, cảnh địa ngục. Hai, cảnh ngạ quỷ. Ba, cảnh súc sanh. Ba ác thú này không thể phân biệt tính đếm bằng số lượng mà hết được.
CẦU BẤT ĐẮC KHỔ là thế nào?
Đây có chia hai loại: Một, điều trông mong được mà cầu không được. Hai, tốn nhiều công sức, mà không được gặt hái thành quả.
NGŨ ẤM THẠNH KHỔ là thế nào?
Ngũ ấm thạnh khổ là thứ khổ tổng hợp: Sanh khổ. Lão khổ. Bệnh khổ. Tử khổ. Ái biệt ly khổ. Oán tắng hội khổ. Cầu bất đắc khổ.
Này Thiện nam tử! Sanh là cội gốc có ra lão, bệnh nhẫn đến ngũ ấm thạnh khổ, bảy khổ như vậy.
Này Thiện nam tử! Luận về già suy, chẳng phải tất cả đều có. Phật tánh và thiên nhiên quyết định không. Loài người thì không nhất định, hoặc có, hoặc không.
Này Thiện nam tử! Thọ thân trong ba cõi không ai chẳng có sanh, cho nên sanh là cội gốc của tất cả thân. Già thì chẳng quyết định. Chúng sanh trong thế gian do vọng tưởng điên đảo che mờ tâm tánh nên tham đắm sanh mà nhàm lo già chết. Bồ tát thì quán sát thấy thân mới sanh đã khổ rồi....
Này Thiện nam tử! Giả dụ có người nữ đoan trang xinh đẹp, trang sức nhiều vàng ròng, châu báu, ngọc ngà cực kỳ diễm lệ với một dáng vẻ quí tộc sắc đẹp lẫn hương thơm đến vào nhà người nọ. Chủ nhà hỏi: Xin lỗi ! Nàng tên họ là chi ? Thành phần giai cấp nào ? Sở thuộc nơi ai ? Đến nhà tôi để làm gì ?
Người nữ đáp: Tôi là Công Đức Đại Thiên. Tôi đến chỗ nào, tôi có thể cho chủ nhà đó các thứ vàng bạc, ngọc ngà, trân châu, mã não.....voi ngựa, xe cộ, tôi tớ...đầy đủ các thứ tiện nghi cực kỳ khoái lạc theo ý muốn của chủ nhà đó !
Người chủ nhà nghe rồi hớn hở vui mừng nói: Nay ta phước đức lắm nên khiến nàng đến nhà ta. Rồi chủ nhà đốt hương, rãi hoa cúng dường cung kính lễ bái Công Đức Đại Thiên.
Liền sau đó, chợt có một người nữ hình mạo xấu xa, áo xiêm tơi tả, da thứa nức nẻ rỉ máu hôi tanh, sắc diện xù xì xám bệnh, toàn thân bẩn thỉu, dáng vẻ uể oải lừ lừ vào cửa. Chủ nhà hỏi: Nàng tên gì ? Thuộc về ai ? Đến đây để làm gì?
Cô gái đáp: Tôi tên Hắc Ám
Tại sao cô có tên Hắc Ám?
Tại vì tôi đến chỗ nào thì chỗ đó suy tàn bại hoại, đau khổ ngập tràn, không có được một chút an vui chân thực.
Chủ nhà nghe vậy, bèn cầm dao bén bảo rằng: Nàng hãy ra khỏi nơi đây. Nếu không ta sẽ giết chết!
Cô gái nói: Ông ngu si lắm ! Chẳng có trí tuệ gì hết!
- Tại sao nói ta ngu si không có trí tuệ?
- Người đẹp đang đứng trong nhà ông, chính là chị của tôi. Tôi thường khắn khít với chị tôi. Nếu ông đuổi tôi đi cũng phải đuổi chị tôi!
Chủ nhà trở vào hỏi Công Đức Thiên: Ngoài cửa có cô gái nói là em của nàng, có phải vậy chăng?
Công Đức Thiên đáp: Nó thật là em gái của tôi. Nó và tôi luôn luôn khắn khít không rời, tôi ở đâu thì chị em cùng chung có mặt, chưa lúc nào xa nhau. Ở đâu cũng vậy, tôi thường làm việc tốt, đem lại vừa lòng thích ý cho chỗ nơi mà tôi có mặt. Còn nó luôn luôn làm việc xấu, đem lại sự tổn hại đau thương, khổ sở, bất an. Vì vậy, nếu ai thương yêu tôi thì cũng phải yêu nó. Nếu cung kính tôi cũng phải quý trọng nó.
Chủ nhà nói: Nếu có tốt mà có xấu như vậy, ta đây không cần. Hai cô hãy tùy ý, chọn đi nơi khác! Hai người nữ lủi thủi dắt nhau ra đi. Chủ nhà thấy hai cô ra đi lòng rất vui mừng...
Bấy giờ hai người nữ cùng dắt nhau đến một nhà nghèo. Chủ nhà nghèo lòng rất vui mừng, rước mời: "Từ rày trở đi, xin hai nàng ở luôn nhà tôi, đừng đi đâu nữa nhé!
Công Đức Thiên: Chị em tôi vừa bị người ta đuổi, cớ sao ông chủ mời chị em tôi ở với tâm lượng có vẻ ưu ái khoan dung ?
- Nay nàng tưởng đến tôi mà đến, vì nàng tôi phải kính cô kia. Thế nên, tôi mời cả hai nàng cùng ở ! Đức Phật dạy: Này Thiện nam tử ! Đại Bồ tát cũng vậy, chẳng nguyện sanh cõi trời. Vì sanh cõi trời, hễ có sanh thì có già, bệnh, chết. Bồ tát không luyến ái sanh. Kẻ phàm phu không phân biệt tai hại khổ hoạn của già, bệnh, chết nên ai cũng tham luyến sanh.
Này Thiện nam tử! Như đứa trẻ dòng Bà la môn trong lúc quá đói, thấy trong đống phân có trái am la bèn lượm cầm lên. Người trí ngó thấy quở: Người dòng Bà la môn, dòng giống thanh tịnh, cớ sao lại lượm trái nhơ trong đống phân ? Đứa trẻ nghe rồi hổ thẹn nói: Thật tình nói, tôi chẳng ăn đâu ! Tôi muốn lượm trái ấy đem rửa sạch rồi ném bỏ. Người trí nói: Ngươi ngu si lắm! Nếu rồi sẽ ném bỏ, người có trí ai lượm rửa làm chi?
Này Thiện nam tử! Ví như nơi ngã tư đường có hàng quán trưng bày đầy thức ăn thơm ngon la liệt, để bán. Có người khách viễn phương đang lúc quá đói, thấy đồ ăn thơm ngon liền hỏi: Những thức ăn này có bổ dưỡng không ? Người bán hàng nói: Đây là đồ ăn thơm ngon, nếu ai ăn những thức ăn này sẽ được sắc diện tốt tươi, sức mạnh cường tráng, hết đói, hết khát và được thấy chư thiên. Nhưng chỉ có một điều tai hại là sau đó sẽ chết. Người khách nghe xong nghĩ rằng: Ta chẳng dùng sắc đẹp, sức mạnh thấy chư thiên vì ta không muốn chết. Nghĩ xong, lại hỏi cô bán hàng: Ăn vật thực này, nếu phải chết, sao cô lại bán?
Người bán hàng đáp: Những người có trí không ai bằng lòng mua. Chỉ có những kẻ ngu si chẳng lường biết hậu quả, tham ăn nên họ trả giá đắt cho tôi.
Này Thiện nam tử! Đại Bồ tát cũng như vậy, không nguyện sanh cõi trời, không cầu sắc đẹp, sức mạnh thấy chư thiên, vì sanh cõi trời chẳng khỏi được những khổ não ưu bi....Kẻ phàm phu ngu si sanh chỗ nào cũng đều tham luyến, vì họ không lường biết được cái khổ hoạn của già, bệnh, chết.
Này Thiện nam tử! Ví như cây độc, gốc rễ có thể giết chết người. Thân cây, vỏ cây, bông trái, hạt cũng đều có thể giết chết người. Thân ngũ ấm của chúng sanh trong hai mươi lăm cõi đều có thể hại chúng sanh cũng như vậy.
Này Thiện nam tử! Ví như phẩn nhơ, nhiều hay ít đều thối cả. Thọ sanh dù sống muôn tuổi hay mười tuổi đều khổ như nhau.
Đấy là Đại Bồ tát trụ nơi kinh Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát thấy SANH là khổ.
Đại Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát LÃO khổ như thế nào?
Bồ tát thấy rằng: Sự già yếu hay ho hen, ngăn ngực, tức ngực, đầy hơi, nhức mỏi tứ chi, sức lực suy tàn, lụm cụm chân đi, mắt mờ, tai lãng, trí nhớ kém đi, tráng kiện không còn. Mất hết sự an vui thơ thới. Lưng còng, gối yếu, uể oải mệt nhọc, lười biếng, khù khờ. Do vậy, bị người xem thường khinh rẻ. Có nhận được chút ân huệ nào thì đó chỉ là tình thương rơi rớt!
Này Thiện nam tử! Ví như hoa sen nở tươi tốt đầy ao, ai trông cũng ưa thích. Gặp trận mưa đá tất cả đều tan tác xác xơ. Tuổi già phá hoại nhan sắc, tráng kiện tươi trẻ, như mưa đá hủy hoại hoa sen vậy.
Xe gẫy trục không dùng được việc gì. Tuổi già không dùng được việc gì, như xe gẫy trục.
Nhà giàu thất bảo đầy muôn, kẻ cướp vào nhà, bao nhiêu ngọc ngà châu báu đều mất hết. Tuổi tráng niên sung mãn, sắc đẹp diễm kiều, giặc già đến chiếm đoạt anh hùng, thục nữ không còn.
Người nghèo cùng túng thiếu, ham muốn ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ xa hoa, không thể được. Tuổi già suy dù tham muốn hưởng thụ ngũ dục, thỏa mãn vọng tâm cũng không thể được.
Như con rùa ở trên đất cao thường nghĩ đến nước. Cũng vậy, người đã già suy khô héo, mà lòng thường nhớ tưởng khoái lạc, ngũ dục thuở tráng niên!
Ví như cây mía bị đem ép, bã xác không còn vị ngọt. Cũng vậy, tráng kiện, sắc đẹp bị già ép thì không còn ba thứ vị: xuất gia, đọc tụng và tọa thiền.
Ví như trăng tròn, ban đêm tỏa sáng, ban ngày thì không. Cũng vậy, tráng kiện hình mạo nở nang xinh đẹp, già thì suy yếu, thân thể khô gầy, tinh thần lu mờ kém nhớ dễ quên.
Ví như cây cheo leo bờ sông, nếu gặp gió to ắt sẽ đổ ngã. Đến tuổi già nua ắt chẳng còn lâu, chắc chắn sẽ chết.
Này Thiện nam tử! Đại Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát BỆNH khổ như thế nào?
- Bồ tát quán sát BỆNH khổ:
Ví như mưa đá làm tàn hại lúa mạ, hoa màu. Tật bệnh, phá hoại sắc đẹp, an vui và những hy vọng vàng son thích ý trong cuộc sống.
Ví như người có đối địch oán thù, tâm thường lo âu sợ sệt. Tất cả chúng sanh thường bị bệnh khổ rình rập hằng lo lắng sợ sệt, phòng ngự, nhưng chẳng mấy lúc được an tâm.
Ví như tài tử giai nhân sắc nước hương trời, sau một trận thanh toán hãi hùng bằng "a xít" của tình địch, mắt mù, mũi nát, môi hở, răng lòi xỉ, thân hình tiều tụy, gầy guộc trông như bộ xương khô. Người người trông thấy kinh hãi, gớm ghê không dám lại gần. Cũng vậy, con người thời oanh liệt, lịch lãm oai phong, thiên hương quốc sắc, khi bệnh hoành hành, mất tất cả. Người ta chỉ còn khóc than trong tuyệt vọng.
Ví như cây chuối, cây tre, con ong, con la hễ có trái, đẻ con là chết. Cũng vậy, người có bệnh thì sự chết đã tới nơi.
Ví như ong chúa, kiến chúa, trâu chúa và chúa tể hễ khởi hành đi đâu thì toàn thể thuộc hạ đi theo không rời. Sự chết "trung thành" với bệnh khổ, thường theo sát bệnh khổ không rời.
Này Thiện nam tử! Nguyên nhân bệnh khổ, nhiều vô lượng, không thể kể hết. Đây là cái thấy của Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát BỆNH khổ.
Này Thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ tát tu hành Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát TỬ khổ.
Sự chết đốt cháy, tiêu hoại tất cả, chấm dứt tất cả. Như hỏa tai khởi lên, không một thứ gì tồn tại ở nhơn gian, trừ cõi Nhị thiền trở lên. Sự chết hủy diệt tất cả chỉ trừ Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn, vì thế lực của sự chết không làm lay động đến được.
Khi thủy tai khởi dậy, tất cả đều trôi và ngập lụt, trừ cõi Tam thiền trở lên, vì thế lực của thủy tai chẳng đến được. Sự chết có thể nhận chìm mất tất cả, trừ Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn.
Khi phong tai nổi lên có thể thổi sập và bay tất cả, chỉ trừ cõi Tứ thiền, vì thế lực gió lốc không đến được. Sự chết tiêu hao tất cả, trừ Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn! Cõi Tứ thiền kia, do duyên cớ gì mà gió không tàn phá được, nước không ngập chìm đắm được, lửa không thiêu cháy được?
Này Thiện nam tử! Cõi Tứ thiền kia không có quá hoạn nội thân và ngoại cảnh.
Cõi Sơ thiền có quá hoạn: Trong có giác quán cho nên ngoài có hỏa tai.
Cõi Nhị thiền có quá hoạn: Trong có vui mừng cho nên ngoài có thủy tai.
Cõi Tam thiền có quá hoạn: Trong có hơi thở cho nên ngoài có phong tai.
Cõi Tứ thiền trong không có quá hoạn, ngoài cũng không có quá hoạn cho nên ba thứ "tai họa lớn" không thể đến được.
Đại Bồ tát cũng vậy, trụ trong Đại thừa Đại Niết Bàn trong ngoài đều không quá hoạn, cho nên sự chết chẳng đến được.
Này nữa Thiện nam tử! Như loài Kim Súy Điểu có thể nuốt, tiêu hóa tất cả loài rồng, cá và các thứ châu báu trong bụng, trừ chất kim cương không tiêu hóa được. Sự chết nuốt tất cả chúng sanh nhưng không tiêu được Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn.
Lại ví như cỏ cây ở bờ sông, nước lụt dâng lên đều bị cuốn trôi theo dòng vào biển lớn, trừ cây dương liễu vì cây này mềm và dẻo. Tất cả chúng sanh đều bi trôi phăng vào biển chết, trừ Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn.
Này Thiện nam tử! Luận về sự chết là chỗ hiểm nạn không gì giúp đỡ. Đi đường xa xôi mà không bạn bè, ngày đêm đi mãi, đích đến không có. Sâu thẳm tối tăm, không có đuốc đèn. Không có cửa nẻo mà có chỗ nó vào. Nó qua không ai ngăn được, nó đến không ai lánh được. Nó không phá phách mà thấy sầu khổ. Nó không có hình thù quái dị mà khiến ai cũng kinh sợ. Nó ở bên người mà người chẳng hay chẳng biết!
Này Ca Diếp Bồ tát! Những điều dụ đó chỉ là một phần khổ trong vô lượng thí dụ, đủ biết rằng chết là rất khổ.
Này Thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát ÁI BIỆT LY khổ?
- Ái biệt ly khổ cũng có thể là gốc cội sanh ra nhiều khổ. Như Lai há chẳng dạy cho các đệ tử qua một bài kệ:
Nhân ái sanh lo rầu
Từ lo rầu đi đến sợ sệt
Nếu xa lìa ái nhiễm
Sẽ không còn lo và sợ
Luận về ái biệt ly khổ có hai: Một, ái sanh ly. Hai, ái tử biệt. Tử biệt sanh ly là nổi thống khổ của con người không một chúng sanh nào trốn tránh khỏi.
Thiện nam tử! Ta hồi tưởng: Thuở quá khứ, người sống rất dài lâu. Lúc bấy giờ có nhà vua tên Thiện Trụ. Vua ở ngôi trị nước tám muôn bốn ngàn năm. Đỉnh đầu của vua mọc lên một bướu thịt mềm nhuyễn như bông, mỗi ngày một lớn. Mãn mười tháng, bướu nứt ra, sanh một đồng tử hình dung đẹp lạ. Nhà vua vui mừng, đặt tên là Đảnh Sanh. Khi thấy con đủ trí khôn ngoan, vua Thiện Trụ giao hết việc trị nước cho Thái tử Đảnh Sanh, rời bỏ ngai vàng điện ngọc, quyến thuộc, mỹ nữ cung phi, vào núi rừng ẩn dật tu hành.
Vào ngày trăng tròn, cảnh vật tốt tươi như hân hoan chào đón một tân vương tức vị. Vua Đảnh Sanh xưng vương ! Từ đây vua sẽ thống trị thần dân thiên hạ. Do phước đức tích lũy thiện nghiệp lâu đời, bỗng nhiên từ các phương Đông, Tây, Nam, Bắc lần lượt hiện ra và bay đến tay vua, dâng tặng nhà vua bảy thứ báu của một vị Chuyển Luân Thánh Vương mới có quyền được sử dụng. Đó là:
Kim luân bảo, bánh xe vàng ngàn căm.
Tượng bảo, voi chiến trăm trận trăm thắng.
Mã bảo, vạn lý mã, lần đi muôn dặm.
Ngọc nữ bảo, hầu vua, giúp vua, chăm lo sức khỏe vua.
Ma ni bảo, chiếu ánh sáng năm dặm nếu vua phải ở chỗ tối.Che an toàn năm dặm, nếu vua bị mưa và mưa đá.
Chủ tạng thần bảo. Vua cần vàng ngọc châu báu, vật dụng, chủ tạng thần sẽ chu cấp đầy đủ ngay ý muốn.
Chủ binh thần bảo, binh thiện chiến đánh đâu thắng đó. Cần nhiều hiện nhiều theo ý muốn. Không cần, thần binh ẩn mất. Khỏi chu chấp lương tiền.
Thất bảo tự hiện đến tay. Vua Đảnh Sanh tự biết mình là "Chuyển Luân Thánh Vương". Phước đức uy quyền, thế lực trùm thiên hạ như các Chuyển Luân Thánh Vương trong quá khứ. Vua bèn phán cho các thần tướng thiên binh rằng: Cõi Diêm phù đề nay đã an ổn giàu có, vui đẹp không còn phải lo gì! Sự hùng cường và uy lực của một Chuyển Luân Thánh Vương, tượng mã thất trân sung mãn giờ đây ta nên làm gì? Các thần quan thưa: Phương Đông, châu Đông Thắng Thần (Phất bà đề) chưa qui thuận, Đại vương nên đem binh đi chinh phục. Vua chuẩn tấu dùng thất bảo bay qua châu Đông Thắng Thần, cả nhân dân trong châu lập hương án nghinh đón vui mừng qui thuận với tấm lòng ái mộ.
Các quan khuyên vua nên chinh phục tiếp châu Tây Ngưu Hóa (Cù đà ni) ở phương Tây. Rồi châu Bắc Cu Lô (Uất đơn việt). Thế là bốn châu thiên hạ đều qui thuận, thần phục dưới sự thống trị của Chuyển Luân Thánh Vương.
Các quan tâu: Bốn châu thiên hạ đã gồm thâu một mối, nhân dân an ổn. Nay còn cõi trời Đao Lợi, chưa qui thuận, xin Đại vương cử binh chinh phạt để tỏ rõ sức mạnh uy thế của vua.
Vua Đảnh Sanh khởi binh bay đến cõi trời Đao Lợi, nhà vua trông thấy cây Ba lợi chất đa xinh đẹp. Chư thiên trong mùa hạ thường tụ họp vui chơi dưới bóng cây này. Lại thấy một lâu đài màu trắng dịu đẹp mắt, các cận thần cho biết đó là Thiện pháp đường, nơi Đế Thích giảng đạo và chư thiên hội họp bàn luận việc trời, việc người.
Thiên chúa Thích Đề Hoàn Nhơn, biết vua Đảnh Sanh đến liền ra tiếp rước, niềm nở cầm tay rước vào Thiện pháp đường. Hai vua cùng ngự trên tòa báu. Hai vua giống nhau như đúc khó mà phân biệt, chỉ có đôi mắt nhìn và nháy mà phân biệt được thôi.
Bấy giờ vua Đảnh Sanh nghĩ bụng: Nay ta có thể đuổi Thiên Đế này, để ta ở đây làm Thiên vương thọ hưởng khoái lạc cõi trời!
Thiên Đế Thích là vị vua trời ham thọ trì, đọc tụng kinh điển Đại thừa, thường vì chư thiên giảng kinh Đại thừa, Có điều là chưa thâm đạt thâm nghĩa của kinh. Do thọ trì, giảng thuyết kinh điển Đại thừa nên Thiên đế có oai đức lớn. Khi vua Đảnh Sanh khởi ác tâm đối với Thiên Đế, tổn phước, liền tự rơi xuống Diêm phù đề trở lại. Thất trân....tượng mã tự mất hết. Vua hối tiếc, lòng rất sầu khổ, không bao lâu vua phải bệnh mà chết (băng hà).
Này Thiện nam tử! Thiên Đế thuở đó là tiền thân đức Phật Ca Diếp. Vua Đảnh Sanh hồi ấy, chính là tiền thân của ta.
Này Thiện nam tử! Phải biết ái biệt ly như vậy là rất khổ. Bồ tát tu hành Đại thừa Đại Niết Bàn mà chẳng quán sát ái biệt ly khổ là một thiếu sót lớn trên con đường giải thoát giác ngộ.
Này Thiện nam tử! Thế nào Đại Bồ tát tu hành Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát OÁN TẮNG HỘI khổ?
- Bồ tát thấy rõ: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, loài người, loài trời đều có sự oán tắng hội khổ giống nhau, không có một loài nào tránh khỏi. Ví như có người suy nghĩ thấy rõ rằng lao ngục nhốt, giam, còng, trói, gông, cùm, xiềng, xích, hành hạ là rất khổ. Cũng vậy, Đại Bồ tát quán thấy năm loài chúng sanh đều ở trong hoàn cảnh chung sống mà oán tắng lẫn nhau, thật là rất khổ. Lại ví như có người sợ kẻ oán thù ám hại, giết chết nên bỏ cha mẹ vợ con, thân bằng quyến thuộc, tài sản sự nghiệp bỏ xứ, trốn tránh đi xa ! Bồ tát cũng vậy, vì tránh khỏi sanh tử nên tu hành lục độ ba la mật chứng nhập Niết Bàn. Đấy gọi là Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát oán tắng hội khổ.
- Này Thiện nam tử! Thế nào là Bồ tát tu hành Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát CẦU BẤT ĐẮC khổ?
Cầu là mong cầu, ước muốn. Sự mong cầu có nhiều dạng, tổng quát mà luận có hai thứ: Một, cầu pháp lành. Hai, cầu pháp chẳng lành. Cầu pháp lành mà chưa được hoặc không được nên khổ. Pháp chẳng lành muốn rời bỏ mà chưa được hoặc không được nên khổ.
Đấy là lược nói ngũ ấm thạnh khổ, được đúc kết trong quá trình tương tục và liên hoàn: Sanh, Lão, Bệnh, Tử, Ái biệt ly, Oán tắng hội, Cầu bất đắc mà gọi chung là NGŨ ẤM THẠNH KHỔ: KHỔ ĐẾ.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn! Theo lời Phật nói "ngũ ấm thạnh khổ" hôm nay, con nhớ không lầm, rằng trước đây Phật đã dạy cho Thích Ma Nam: "Nếu sắc là khổ, tất cả chúng sanh, lẽ ra chẳng nên cầu sắc, nếu có người cầu thì chẳng gọi là khổ".
Lần khác Phật dạy các Tỳ kheo: "Thọ có ba thứ: khổ thọ, lạc thọ và bất khổ bất lạc thọ".
Có lần Phật dạy: "Nếu người tu pháp lành thì được thọ lạc. Mắt thấy sắc đẹp vui. Tai, mũi, lưỡi, thân cho đến ý suy nghĩ pháp lành là có được an vui".
Rồi có lần Phật cũng nói cho các thầy Tỳ kheo:
Trì giỏi sẽ được vui
Thân chẳng bị sự khổ
Ngủ nghỉ được an ổn
Thức dậy lòng khoan khoái
Lúc nhận lấy y thực
Đọc tụng và kinh hành
Ở riêng nơi rừng núi
Vui thanh tịnh, gì hơn?
Ít muốn biết tư duy
Vui học rộng biết nhiều
A la hớn không chấp
Cũng gọi là thọ vui
Các vị Đại Bồ tát
Rốt ráo đến bờ kia
Việc làm, làm đã xong
Đây gọi là rất vui.
Bạch Thế Tôn! Trong các kinh nói về sự an vui đức Thế Tôn đã dạy như vậy, thế nào phù hợp với nghĩa KHỔ Phật dạy hôm nay?
Phật dạy: Này Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đối với sự khổ hạng hạ, tưởng lầm là vui, vì vậy ta nói có vui. Sự thật, khổ hạng hạ: ba ác thú; khổ hạng trung: con người; khổ hạng thượng: hàng trời, đều khổ, không có vui. Ví như người bị phạt đòn ba roi: roi đầu, roi giữa, roi sau cùng đều đau và khổ như nhau. Vì vậy, lời dạy của Phật trước kia và lời Phật nói hôm nay không có chống trái.
Này Thiện nam tử! Nói về THỌ có ba thứ: lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ (không khổ cũng không vui).
Nói về KHỔ cũng có ba: KHỔ KHỔ, HÀNH KHỔ và HOẠI KHỔ. Do vậy, trong sanh tử có thể nói có "lạc thọ". Nhưng dùng tuệ nhãn mà quán sát, Đại Bồ tát thấy tánh khổ và tánh lạc chẳng rời nhau nên nói rằng tất cả đều khổ. Và sự thật trong sanh tử trọn không có vui, chư Phật, Bồ tát tùy thuận thế gian mà nói là "có vui".
Như Lai nói "có vui", mà Như Lai không có lỗi hư vọng. Vì do lời động viên, khuyến khích đó mà chúng sanh phát tâm hướng đến giác ngộ, giải thoát làm nhơn cho Vô thượng Bồ đề.
Vả lại cũng là sự thật: Những tiện nghi vật chất, giúp cho đời sống được nâng cao, thoải mái là cho sự vui. Ăn ngon vui, uống rượu có vui, café, nữ sắc có vui, không ai phủ nhận được. Cũng là điều không ai phủ nhận được: Sự vui nào cũng gắn liền sự khổ đi kèm theo. Do vậy, Phật, Bồ tát thấy rõ và nói: KHÔNG CÓ TƯỚNG RỐT RÁO vui !
Này Thiện nam tử! Đại Bồ tát đối với tám điều khổ hiểu rõ là khổ nên không bị khổ.
Này Thiện nam tử! Tất cả Thanh văn, Duyên giác, không biết nhơn của sự vui, nên Phật vì họ ở trong sự khổ hạng hạ nói có tướng vui. Chỉ có Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn mới biết được nhơn của sự khổ, sự vui nầy ! Bồ tát các ông hãy tư duy KHỔ ĐẾ TRÊN ĐƯỜNG tu học.
TRỰC CHỈ
*Thánh hạnh là hạnh tu, là việc làm của bậc thánh nhơn. Thánh nhơn xuất thế gian là người có chánh niệm, thường tỉnh thức, làm chủ được thân, khẩu, ý của mình. Thánh hạnh ở đây chỉ cho việc làm của Đại Bồ tát tu nhân thành Phật và là việc làm của chư Phật thường làm. Bồ tát tu tập Đại thừa Đại Niết Bàn nương theo "Thánh hạnh" mà tu, quyết định thẳng tiến đến địa vị Phật.
Bồ tát tu Thánh hạnh, phải là người có chủng tử Đại thừa, phát tâm cầu thành Phật, thường quán niệm tư duy "phú quý hoa gian lộ, công danh thủy thượng âu". Lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử trên thế giới, ai là người có để tâm đã thấy nghe không biết bao nhiêu những tấm gương sờ sờ kim cổ.
"Ai công hầu, ai khanh tướng, cuộc trần ai ai dễ biết ai!" "Thế chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!"
Tư duy và quán chiếu sự trần ai. Bồ tát cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu hành phạm hạnh hồi hướng Vô thượng bồ đề.
*Người xuất gia thọ cụ túc giới, từ "tứ ba la di" đến "thất diệt tránh" thọ trì nghiêm túc, như người lội qua biển khổ đã có được chiếc phao. Phải giữ gìn chiếc phao tức giữ gìn "tuệ mạng". Dễ duôi để hư hỏng, thủng rách, dù vết nhỏ như lỗ kim cũng khó mà qua biển được!
*Bồ tát thường tư duy về thân. Thân chỉ là một tổng hợp của ba mươi sáu vật bất tịnh. Tóc, lông, răng, miệng....đến đại tràng, tiểu tràng, bàng quang, tam tiêu...đều là "giả chúng duyên", do duyên hòa hợp...
*Phá giới tùy động cơ, tùy mục đích, cho nên phá giới có thể cứu được, cũng có thể không cứu được. Phá giới phải đọa tam đồ, cũng có trường hợp phá giới lại vun bồi sâu cội rễ Bồ đề thêm vững chắc, như chuyện nhà vua Tiên Dư giết chết vị Bà la môn mà mười hai năm qua mình đã một lòng kính quý và cung phụng!
*Người tu tập Tứ thánh đế cũng được gọi là Thánh hạnh. Do vậy, Bồ tát tu Đại thừa Đại Niết Bàn cũng không thể không quán sát TỨ THÁNH ĐẾ trên đường tu tập học đạo, hành đạo của mình.
KHỔ là tướng bức bách.
TẬP là tướng nảy sanh và tăng trưởng.
DIỆT là tướng vắng lặng.
ĐẠO là tướng Đại thừa.
*Khổ có ba tướng: Khổ khổ. Hành khổ. Hoại khổ. Tập là hai mươi lăm cõi. Diệt là dứt trừ hết hai mươi lăm cõi. Đạo là tu tập giới định tuệ.
*Khổ là quả, Tập là nhơn. Khổ tập là cặp phạm trù nhơn quả thế gian. Nhơn quả khi còn trong cảnh giới mê mờ.
*Diệt là quả. Đạo là nhơn. Diệt đạo thuộc phạm trù nhơn quả xuất thế gian. Nhơn quả của con người bước sang con đường giác ngộ.
*Ba khổ, tám khổ trong khổ đế. Kiến hoặc, tư hoặc trong tập đế. Hai đế này làm nhơn quả cho nhau, nối dài dòng sanh tử không có lúc cùng tận. Diệt đế là cảnh giới mà không cảnh giới. Do "diệt" hết hai mươi lăm cảnh giới từ "tam hữu" mà có ra. Đạo đế chỉ là hành động của con người thấy đúng lẽ thật, biết đúng lẽ thật, hành động đúng lẽ thật trong cuộc sống. Do vậy, loại bỏ được hết nhơn khổ, Niết bàn an lạc hiển hiện ra.
Giáo lý tứ đế là hệ giáo lý trọng tâm then chốt của Tiểu thừa mà cũng là nền móng cơ sở của Đại thừa. Vì vậy, thời pháp Đại thừa Đại Niết Bàn này, đức Phật dạy lại cho các Đại Bồ tát rất rõ ràng tường tận hơn lúc nào hết.
*Từ khổ thọ mà có sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, cầu bất đắc và ngũ ấm thạnh khổ. Bồ tát tu tập Đại thừa Đại Niết Bàn vẫn phải thường quán chiếu tư duy như vậy.
Thủy tai, hoả tai, phong tai gọi chung là đại tam tai. Hỏa tai tiêu hoại tới cõi sơ thiền. Thủy tai tiêu hoại đến nhị thiền. Phong tai tiêu hoại đến tam thiền. Cõi tứ thiền không bị liên lụy gì về đại tam tai ấy. Lý do, cõi tứ thiền không còn ý nghĩ chấp nê lầm lỗi ở tâm, thân. Nội tâm có "quá hoạn", ngoại cảnh có "nguy cơ". Nội tâm thanh tịnh, ngoại cảnh không có gì là "trần cấu" cả!
"Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh"
Đức Phật kể câu chuyện vua Thiện Trụ sanh Thái tử Đảnh Sanh. Lên ngôi vào ngày trăng tròn, vua Đảnh Sanh là Chuyển Luân Thánh Vương có tượng...mã...thất trân. Vua chinh phục nơi nào nơi đó đều thần phục thắng lợi vẻ vang. Chỉ có thất bại trận cuối cùng rồi hết phước, đau khổ luyến tiếc mà chết. Qua câu chuyện xa xưa ấy, người học Phật không được lơi cảnh giác để rơi vào tư tưởng hoang đường của "cổ tích" rời xa thực tế. Mà phải hiểu rằng, đấy là bộ môn VỊ TẰNG HỮU trong mười hai cách thuyết giáo của đấng Thế tôn!
Người phàm phu không tranh luận khổ vui với những bậc tu hành an bần lạc đạo. Ca Diếp Bồ tát mượn ý tưởng thường tình đó để cầu Phật khai thị cái vui nào có giá trị chơn thật, cái vui nào là "phương tiện", cái vui nào chỉ là "ảo" do "tưởng" sanh ra./.
Đức Phật dạy: Này Thiện nam tử ! Đại Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát TẬP ĐẾ như thế nào ?
- Bồ tát quán sát rằng tập đế là nhơn của ngũ ấm. Tập có nghĩa tích lũy, luyến ái "tam hữu". Ái có hai thứ: Một, ái ngã. Hai, ái ngã sở hữu, những tiện nghi vật chất cần dùng.
Lại nữa, còn có thiện ái và bất thiện ái. Người ngu si hay tìm cầu bất thiện ái. Bồ tát thường cầu thiện ái. Kẻ phàm phu tham ái cho nên gọi là "tập đế" mà không có chơn đế. Ái của Bồ tát gọi là "chơn đế" không gọi là tập đế, vì Bồ tát muốn độ sanh nên thị hiện thọ sanh, không phải vì tham ái.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Trong các kinh khác đức Phật thường dạy: Nghiệp làm nhơn duyên có ngũ ấm xí thạnh. Có chỗ Phật nói kiêu mạn, có chỗ Phật nói vô minh làm nhơn duyên mà có ngũ ấm xí thạnh. Hôm nay có diệu ý gì Phật nói "tứ đế" riêng lấy ái làm nhơn duyên ngũ ấm xí thạnh khổ?
Phật bảo: Ví như quốc vương lúc du hành, các quan hầu, cận vệ thảy đều đi theo. Cũng vậy, ái xuất hiện chỗ nào chỗ đó có kiết sử hiện hữu không rời. Như y phục thấm mồ hôi, bụi bặm liền bám dính, chỗ nào có ái những kiết sử triền phược có mặt. Đất ướt có thể mọc mầm thảo mộc. Ái có thể sanh mầm nghiệp phiền não. Do vậy, Bồ tát trụ Đại Thừa Đại Niết Bàn quán sát ái có chín dạng nguy hiểm:
Một, như thiếu nợ
Hai, như lấy vợ La sát
Ba, như cành hoa đẹp có rắn độc quấn.
Bốn, như vật thực độc mà cố ăn
Năm, như dâm nữ
Sáu, như ma lâu ca (xanh đeo)
Bảy, như thịt thối trong ung nhọt
Tám, như gió bão
Chín, như sao chổi
Người thiếu nợ không trả nổi phải bị giam nhốt trong ngục tù mất hết tự do. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác còn tập khí thừa của "ái" nên không thể thẳng tiến đích Vô Thượng Bồ Đề.
Lấy gái La sát làm vợ sanh con ra nó ăn thịt con, hết thịt con, nó ăn thịt chồng. Ái cũng vậy, người gieo trồng được chút ít thiện căn, nó ăn thiện căn, ăn hết thiện căn, nó ăn luôn cả giới thân, tuệ mạng khiến cho đọa lạc trong ba đường ác. Chỉ ngoại trừ các vị Bồ tát.
Cành hoa đẹp có rắn độc quấn, người thích hoa đẹp đến ngắt hoa mà không lường được trong cành hoa có rắn độc, liền bị rắn độc cắn chết. Phàm phu tham ái ngũ dục, chẳng thấy sự độc hại của ái, bị ái làm hại trôi lăn trong ba đường ác, khó có cơ hội vượt ra.
Vật thực độc cố ăn thì chết. Ái là độc địa, đam mê ái sẽ ở mãi trong tam đồ.
Như dâm nữ
Hạt xanh đeo, hạt chùm gởi, chim ăn hạt, phân chim rơi bám da cây cổ thụ. Cây xanh đeo mọc lên, to dần, lấn lướt, áp đảo làm cho cây cổ thụ suy tàn khô chết. Tham ái buộc quấn phàm phu, pháp lành không tăng trưởng thậm chí không có cơ hội nảy sanh, đành vùi lấp mình trong bùn lầy ác đạo.
Nhọt mủ, ung thư không chạy chữa ắt phải chết. Thân ngũ ấm của phàm phu đựng một bầu ái dục, nếu không tinh tấn đoạn trừ tham ái, quyết chết trong tam đồ.
Gió bảo có thể lở núi, ngã cây to. Ái dục có thể sanh tâm ác đối với cha mẹ, dư sức làm ngã đổ cội cây Vô Thượng Bồ đề.
Nhơn gian thấy sao chổi thường là năm không thuận lợi cho việc đồng áng, cho hoa màu, cho cuộc sống. Ái cũng vậy, có nó trong cuộc sống, con người có thể bị nhiều khổ lụy, nhiều phiền não mà căn lành thì không có điều kiện phát sanh.
Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát tham ái có chín dạng tai hại như vậy.
Do những nghĩa nói trên, hàng phàm phu có "khổ đế" không có chơn đế. Thanh Văn, Duyên Giác cũng vậy.
Các vị Bồ tát hiểu khổ, không có thật khổ. Bồ tát có chơn đế.
Hàng phàm phu có tập đế, không có chơn đế. Thanh Văn, Duyên Giác cũng vậy.
Các vị Bồ tát hiểu tập, không thật có tập. Bồ tát có chơn đế.
Hàng Thanh Văn, Duyên Giác có đạo đế, chẳng có chơn đế.
Đại Bồ tát có Đạo đế, có chơn đế.
Này Thiện nam tử! Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát DIỆT THÁNH ĐẾ như thế nào?
- Diệt có nghĩa hoàn toàn trừ dứt các phiền não. Dứt trừ hết phiền não gọi là "tịch diệt". Thể "tịch diệt" ấy gọi là THƯỜNG. Do phiền não tịch diệt mà thọ dụng sự an vui: LẠC . Thọ dụng quả an lạc không do ước mơ, mong đợi, van xin nên gọi là TỊNH. Vì là THƯỜNG, LẠC, TỊNH nên không còn lăn lội lại qua trong hai mươi lăm cảnh giới, đích thực là NGÃ. Đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; với sanh, lão, bệnh, tử; với thành, trụ, hoại, không; với thân, sơ, bỉ, thử...không chấp thủ, không phan duyên nên gọi là cứu cánh tịch diệt. Đấy là Đại Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát DIỆT THÁNH ĐẾ
Đại Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát ĐẠO THÁNH ĐẾ như thế nào?
- Ví như đêm tối nhơn nơi đèn mà được thấy các vật lớn nhỏ. Cũng vậy, Đại Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn nhơn nơi bát chánh đạo mà được thấy tất cả pháp: Thường, vô thường. Lạc, phi lạc. Ngã, phi ngã. Tịnh, phi tịnh. Hữu vi, vô vi. Vật, phi vật. Chúng sanh, phi chúng sanh. Tịnh, bất tịnh. Phiền não, phi phiền não. Nghiệp, phi nghiệp. Thừa, phi thừa. Thật, phi thật. Kiến, phi kiến. Sắc, phi sắc. Đạo, phi đạo. Giải thoát, phi giải thoát. Đại Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn quán sát ĐẠO THÁNH ĐẾ như vậy.
Bạch Thế Tôn! Ca Diếp thưa: Nếu tám thánh đạo là đạo thánh đế, nghĩa này không phù hợp những điều Phật dạy trước kia. Có những lần Phật dạy:
Đức tin là Đạo, vì do đức tin có thể dứt bỏ các phiền não.
Chẳng phóng dật là Đạo, vì chư Phật chẳng phóng dật mà được đạo Vô thượng Bồ đề.
Tinh tấn là Đạo, Phật dạy cho A Nan: Nếu có người tinh tấn thì được Vô thượng Bồ đề. Có lúc Phật nói: Quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp có thể thành tựu Vô thượng Bồ đề. Rồi có lúc Phật nói chánh định là Đạo, quán vô thường là Đạo. Có khi Phật nói trụ A Lan Nhã, quán không tịch là Đạo. Lúc Phật nói lòng từ là Đạo. Lúc Phật nói bố thí là Đạo. Có lúc Phật nói trí tuệ là Đạo...
- Bạch Thế Tôn ! Nếu bát chánh đạo là đạo thánh đế, thì những kinh Phật dạy như vậy há chẳng phải là hư vọng ! Nếu những kinh đó chẳng phải hư vọng, duyên cớ gì trong những kinh đó không nói bát chánh đạo là đạo thánh đế ? Chẳng lẽ trước kia đức Phật có lầm lộn quên sót chăng ? Nhưng con biết rằng chư Phật từ lâu đã xa lìa lầm lộn.
Đức Phật khen Ca Diếp Bồ tát: Lành thay! Này Thiện nam tử! Nay ông muốn biết kinh điển Đại thừa vi diệu có những pháp bí mật ẩn tàng nên hỏi Phật như vậy.
Này Thiện nam tử! Những kinh điển ngày trước Phật đã nói như vậy, tất cả đều thu nhiếp vào trong Đạo thánh đế.
Này Thiện nam tử! Ta nói lòng tin là Đạo, vì tín căn có thể hổ trợ đạo Bồ đề. Do có lòng tin mà tinh tấn tiến lên Bồ đề vô thượng. Vì thế, lời Phật nói hiện nay cũng như trước kia đều không lầm lộn. Như Lai khéo biết vô lượng phương tiện, vì hóa độ chúng sanh nên phương thức thuyết pháp của Phật có nhiều dạng. Ví như lương y khéo biết các căn bệnh của bệnh nhân, tùy bệnh mà hợp thuốc và những thứ cấm kỵ. Đối với thuốc chỉ có nước, không ở trong lệ cấm. Có thể cho uống nước gừng, nước cam thảo, nước tế tân, nước đường phèn, nước trái táo, hoặc cho uống nước nóng, nước lạnh, nước trà...Lương y ấy khéo biết căn lành của bệnh nhân, dù thuốc có nhiều điều cấm kỵ, nhưng chỉ có nước, không ở trong lệ cấm. Cũng như vậy, Như Lai khéo biết phương tiện, trong một pháp tướng, tùy các loại chúng sanh, phân biệt diễn thuyết nhiều danh tướng. Các chúng sanh kia, theo chỗ lãnh thọ của mình mà tu tập dứt trừ phiền não, được sự an vui. Như những bệnh nhân kia theo lời dặn của lương y mà bệnh được lành.
Này Thiện nam tử! Ví như có người biết nhiều thứ tiếng ở chung trong một nhóm đông. Một hôm cả nhóm người cùng khát nước, đồng kêu lên: Tôi muốn uống nước ! Họ gọi tên nước bằng danh tự khác nhau. Hoặc nói: ba lũy. Hoặc nói: ba đa. Hoặc gọi: water. Hoặc kêu: phất tức. Có người nói: nhẩm xùi...Họ gọi bằng vô số tên như vậy để cầu xin nước uống. Người thông minh, rành tiếng liền đem một thứ nước mát trao cho từng người, mọi người uống nước đều được khỏe mạnh vui tươi. Như Lai cũng vậy. Chỉ một "thánh đạo" thôi, Như Lai vì hàng Thanh Văn diễn thuyết nhiều ngôn từ: Tín căn, niệm lực, chánh cần, như ý túc, trạch pháp, khinh an, định tuệ, hành xả...và bát chánh đạo.
Này Thiện nam tử ! Như người thợ kim hoàn dùng một chất vàng, tùy ý chế tác làm các thứ trang sức: khoen tai, cà rá, kiềng cổ, vòng tay, dây chuyền, trâm, nhẫn...dù làm ra nhiều thứ khác nhau, nhưng tất cả không ngoài chất vàng. Cũng như vậy, Như Lai dùng một Phật đạo, tùy mọi loài chúng sanh mà phân biệt diễn thuyết:
Hoặc nói một thứ, như: Chư Phật một đạo, không hai.
Hoặc nói hai thứ: Định và tuệ.
Hoặc nói ba thứ: Kiến, trí, và tuệ.
Hoặc nói bốn thứ: Kiến đạo, tu đạo, vô học đạo, và Phật đạo.
Hoặc nói năm thứ: Tri hành đạo, pháp hành đạo, tín giải thoát đạo, kiến đáo đạo, thân chứng đạo.
Hoặc nói sáu thứ: Tu đà hoàn đạo, Tư đà hàm đạo, A na hàm đạo, A la hán đạo, Bích chi Phật đạo và Vô thượng Bồ đề đạo.
Hoặc nói bảy thứ: Niệm giác phần, trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần, hỉ giác phần, khinh an giác phần, định giác phần và xả giác phần.
Hoặc nói tám thứ: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Hoặc nói chín thứ: Bát chánh đạo và tín.
Hoặc nói mười thứ: Thập trí lực.
Hoặc nói mười một thứ: Thập trí lực và đại từ.
Hoặc nói mười hai thứ: Thập trí lực, đại từ và đại bi.
Hoặc nói mười ba thứ: Thập trí lực, đại từ, đại bi và niệm Phật tam muội.
Lại nói hai mươi đạo: Thập trí lực, tứ vô sở úy, đại từ, đại bi, niệm Phật tam muội và chánh niệm.
ĐẠO chỉ một thể. Ngày trước Như Lai tùy căn cơ chúng sanh mà phân biệt diễn thuyết sai khác đó thôi!
Lại nữa, như một thứ lửa, dựa vào thứ nó đốt cháy mà có nhiều tên sai khác: Lửa củi, lửa rơm, lửa mạt cưa, lửa than đước, lửa than đá, lửa phân bò, lửa gió đá, lửa hàn xì. Cũng vậy, ĐẠO chỉ có một, nhưng vì chúng sanh phân biệt diễn nói sai khác. Lại nữa, thức chỉ có một làm gì có sáu, nhưng phân biệt nói thành sáu. Thức xúc tác nhãn căn gọi là nhãn thức....cho đến xúc tác ý căn thì gọi là ý thức. ĐẠO cũng vậy, chỉ có một, không có hai, vì hóa độ chúng sanh mà phân biệt nói, thành ra có sai khác.
Này Thiện nam tử ! Như một sắc pháp, mắt thấy gọi là sắc, tai nghe gọi là thanh, mũi ngửi gọi là hương, lưỡi nếm gọi là vị, thân cảm nhận gọi là xúc, ý nhận thức phân biệt gọi là pháp. Cũng vậy, ĐẠO chỉ có một không có hai, vì hóa độ chúng sanh, Như Lai phân biệt nói sai khác.
Do nghĩa đó, nên Bát thánh đạo gọi là Đạo thánh đế. Bốn thánh đế như vậy, chư Phật tùy thuận theo thứ lớp mà giảng nói, vô lượng chúng sanh nhờ vậy được thoát khổ sanh tử ưu bi khổ não.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Ngày trước có một lần nọ, Phật ở trong rừng Thi thủ bên bờ sông Hằng, Như Lai lấy một ít lá cây giơ lên bảo các thày Tỳ kheo: "Lá cây trong tay ta nhiều hay tất cả lá cây trên đại địa (địa cầu) nhiều ?" Các Tỳ kheo bạch Phật: "Lá cây trên đại địa nhiều vô lượng, mấy chiếc lá trên tay Phật quá ít, không thể so sánh tỷ lệ được !". Đức Phật dạy các Tỳ kheo: Những pháp Như Lai giác ngộ nhiều như những lá cây trên toàn đại địa, còn những pháp ta vì chúng sanh tuyên nói ít như mấy chiếc lá trong tay này!
Bạch Thế Tôn ! Cứ như lời Phật, Như Lai rõ biết vô lượng pháp môn, tất cả đều thu nhiếp trong tứ thánh đế. Giả sử còn pháp nào lọt ngoài tứ thánh đế lẽ ra còn phải có đế thứ năm?
Phật khen Ca Diếp Bồ tát: Lời hỏi của ông có thể đem lại an vui cho vô lượng chúng sanh!
Này Thiện nam tử! Tất cả pháp môn đều thu nhiếp trong tứ thánh đế.
- Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng còn pháp nào lọt ngoài tứ thánh đế, cớ sao Như Lai bảo trước đại chúng rằng: "Còn vô lượng pháp môn mà Như Lai chưa nói ra?
- Này Thiện nam tử ! Dù nhiếp thu trong bốn thánh đế, nhưng chẳng gọi là đã nói hết. Vì người rõ biết tứ thánh đế có hai thứ trí: một, trí bậc trung. Hai, trí bậc thượng. Bậc trung là trí của Thanh Văn, Duyên giác. Bậc thượng là trí của Bồ tát, Phật.
Biết thân ngũ ấm khổ là trí bậc trung. Biết thân ngũ ấm có vô lượng tướng khổ là trí bậc thượng. Hàng Thanh văn, Duyên giác không biết được.
Biết các "nhập" khổ là trí bậc trung. Biết rất rõ các "nhập" có vô lượng tướng khổ là trí bậc thượng.
Biết các "giới" khổ là trí bậc trung. Biết rất rõ các "giới" có vô lượng tướng khổ là trí bậc thượng.
Biết "sắc" có tướng hư hoại là trí bậc trung. Biết rất rõ các sắc có vô lượng tướng hư hoại là trí bậc thượng.
Biết "thọ" là tướng xúc giác là trí bậc trung. Biết rất rõ thọ có vô lượng tướng xúc giác là trí bậc thượng.
Biết "tưởng" là chấp lấy tướng là trí bậc trung. Biết rất rõ tưởng có vô lượng tướng chấp lấy là trí bậc thượng.
Biết "hành" là tướng vận hành tạo tác là trí bậc trung. Biết rất rõ hành có vô lượng tướng vận hành tạo tác là trí bậc thượng.
Biết "thức" là tướng phân biệt là trí bậc trung. Biết thức có vô lượng phân biệt là trí bậc thượng.
Biết "ái" làm nhân duyên sanh năm ấm là trí bậc trung. Biết rõ mỗi người có thể có vô lượng vô biên ái là trí bậc thượng.
Biết "dứt diệt phiền não" là trí bậc trung. Biết rõ phiền não vô lượng không thể tính đếm, dứt diệt là trí bậc thượng.
Biết "đạo" có thể xa lìa phiền não là trí bậc trung. Biết rõ đạo có vô lượng vô biên tướng xa lìa phiền não là trí bậc thượng.
Biết "thế đế" là trí bậc trung. Biết rõ thế đế có vô lượng vô biên tướng là trí bậc thượng.
Này Thiện nam tử! Tất cả hạnh vô thường. Các pháp vô ngã. Niết bàn tịch diệt. Đấy là đệ nhất nghĩa. Hiểu như vậy là trí bậc trung. Biết rõ đệ nhất nghĩa vô lượng vô biên không có giới hạn là trí bậc thượng.
- Này Ca Diếp Bồ tát ! Những kinh nghĩa Như Lai tuyên thuyết trước đây nhằm dạy cho hàng Thanh văn, Duyên giác, những người có trí bậc trung. Những kinh nghĩa Như Lai nói hôm nay mà ở các kinh trước dạy Như Lai chưa nói. Vì vậy, đối với kinh Đại thừa Đại Niết Bàn này người có trí bậc thượng mới tiếp thu viên mãn!
Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn! Thế đế và đệ nhất nghĩa đế là hai hay là một. Trong đệ nhất nghĩa đế có thế đế chăng ? Trong thế đế có đệ nhất nghĩa đế chăng ? Nếu là có thì chỉ cần nói một đế là đủ rồi! Nếu không, lẽ nào lời diễn thuyết của Như Lai có lầm lộn?
Phật bảo: Thiện nam tử! Thế đế chính là đệ nhất nghĩa đế!
- Bạch Thế Tôn! Như vậy không cần nói có hai đế!
Phật bảo: Có nhân duyên, khéo tùy thuận vì chúng sanh phân biệt diễn thuyết có hai đế.
Dựa trên ngôn thuyết, đáp ứng sự nhận thức của người thế gian. Pháp có thể chia hai thứ: Một, thế pháp. Hai, xuất thế pháp.
Chỗ hiểu biết của người xuất thế gọi là đệ nhất nghĩa đế.
Chỗ hiểu biết của người đời gọi là thế đế.
Năm ấm hòa hợp gọi tên AB. Chúng sanh phàm phu chấp thủ tên gọi đó là thế đế.
Hiểu biết năm ấm không có tên AB, rời năm ấm cũng không có tên AB. Người xuất thế đúng theo tánh tướng mà hiểu biết, gọi là đệ nhất nghĩa đế.
Này Thiện nam tử! Có pháp có tên, có sự thật. Có pháp có tên, không sự thật. Có tên, không sự thật là thế đế. Có tên, có sự thật là đệ nhất nghĩa đế. Ví dụ: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng, tri kiến, dưỡng dục, sĩ phu, tác giả, thọ giả, càn thát bà thành, quy mao, thố giốc, ấm, giới, nhập...là thế đế. Khổ, tập, diệt đạo là đệ nhất nghĩa đế.
Thế pháp có năm loại: Một, danh thế. Hai, cú thế. Ba, phược thế. Bốn, pháp thế. Năm, chấp thủ thế.
Nam, nữ, bình, bàn, con ngựa, chiếc xe, hoa hồng, hoa cúc...do người thế áp đặt cho, gọi là danh thế.
Bốn câu thành một bài kệ: Cú thế
Mở ra, gói lại, trói, buộc, gông, xiềng, chấp tay...là phược thế.
Đánh kiềng chùy hợp tăng, gảy đàn tỳ bà tập binh xuất trận, đánh trống thúc quân..gọi là pháp thế.
Thấy người mặc y phục hoại sắc nghĩ đó là sa môn không phải Bà la môn. Thấy người gút dây đeo trên thân, bèn nghĩ đó là Bà la môn không phải sa môn...ấy là chấp thủ thế.
Đấy là năm thứ thế pháp. Nếu có chúng sanh nào đối với năm thứ thế pháp như vậy mà tâm không điên đảo, biết đúng như thật, gọi là : ĐỆ NHẤT NGHĨA ĐẾ.
Nói tổng quát: Những thứ vật hữu vi, hữu hình, hữu hoại là pháp thế đế. Những thứ pháp vô vi, vô hình, bất hoại gọi là đệ nhất nghĩa đế.
Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Chơn đế, Phật nói ý nghĩa thế nào?
Phật bảo: Chơn đế là pháp chơn thật. Nếu pháp không chơn thật, không gọi chơn đế.
Chơn đế là không điên đảo. Chơn đế là không hư hoại. Chơn đế là đại thừa. Chơn đế là lời của Phật nói, không có pha lẫn ý tứ của lời ma. Chơn đế là đạo (con đường) duy nhất có thanh tịnh, không con đường thứ hai nào giống như vậy. Chơn đế có Thường, có Lạc, có Tịnh, có Ngã. Có đủ những đặc tính thanh tịnh đó, gọi là chơn đế.
- Bạch Thế Tôn ! Nếu chơn đế là pháp chơn thật, vậy thì chơn đế tức Như Lai, cũng tức hư không, nhưng cũng tức là Phật tánh ? Vậy thì Như Lai, hư không, Phật tánh không sai khác ?
- Này Văn Thù Sư Lợi ! Có khổ đế, có chơn đế. Có tập đế, có chơn đế. Có diệt đế, có chơn đế. Có đạo đế, có chơn đế.
Như Lai chẳng phải khổ đế nên Như Lai là chơn đế. Hư không và Phật tánh cũng vậy.
Khổ là tướng vô thường, là tướng có thể dứt diệt được không gọi chơn đế. Như Lai chẳng phải khổ, chẳng phải vô thường, chẳng phải tướng có thể dứt diệt được, vì vậy Như Lai là chơn đế. Hư không và Phật tánh cũng vậy.
Tập là những nhân tố kết hợp ngũ uẩn, sanh trưởng ngũ uẩn cho nên gọi là khổ, vô thường cũng là tướng dứt diệt được, không gọi chơn đế. Như Lai chẳng phải tập, chẳng phải nhơn của ngũ ấm, chẳng phải tướng diệt được, vì vậy Như Lai là chơn đế. Hư không và Phật tánh cũng vậy.
Diệt là vắng lặng không còn phiền não, là thường mà cũng là vô thường. Diệt của Như Lai chứng được là thường. Diệt của Nhị thừa chứng được là vô thường. Diệt là pháp đối tượng chứng được là chơn đế. Như Lai tánh chẳng gọi là diệt mà có thể dứt diệt phiền não. Hư không cũng vậy.
Đạo là con đường khai thông, là phương pháp dứt diệt phiền não. Đạo cũng thường cũng vô thường. Đạo là pháp có thể tu tập, cho nên cũng là chơn đế. Như Lai chẳng phải là đạo nhưng Như Lai có thể dứt diệt vắng lặng phiền não, Như Lai chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Như Lai chẳng phải là pháp tu tập, Như Lai thường trụ không biến hoại, vì vậy nên Như Lai là chơn đế. Hư không và Phật tánh cũng vậy.
Này Thiện nam tử! Chơn đế chính là Như Lai. Như Lai là chơn đế. Hư không và Phật tánh cũng vậy.
Văn Thù Sư Lợi Bồ tát hỏi: Theo lời Phật nói: chẳng điên đảo gọi là chơn đế. Vậy trong tứ đế có bốn thứ điên đảo và hư vọng chăng?
Phật bảo: Tất cả điên đảo đều nhiếp thuộc vào khổ đế. Lời nói của ma cũng nhiếp thuộc vào khổ đế và tập đế.
- Bạch Thế Tôn ! Như lời Phật nói: "Đạo đế" là con đường, là pháp tu duy nhất thanh tịnh không hai. Các phái ngoại đạo họ cũng nói: Ta có "đạo" duy nhất thanh tịnh không hai. Nếu "đạo" của Phật nói là chân đế, còn "đạo" của ngoại đạo nói phải hiểu như thế nào?
- Này Thiện nam tử! Các phái ngoại đạo có khổ đế, có tập đế mà không có diệt đế và đạo đế. Ở trong môi trường chẳng phải quả, chẳng phải nhơn mà họ tưởng là quả là nhơn. Do vậy, họ không có "đạo" duy nhất thanh tịnh không hai.
Ngoại đạo họ cũng có nói: Thường, lạc, ngã, tịnh nhưng thường, lạc, ngã, tịnh họ nói không có sự thật. Thường của ngoại đạo do ức tưởng cục bộ hẹp hòi cho nên với pháp tương tợ thường, họ tưởng chơn thường. Với lạc tương tợ, họ tưởng chơn lạc. Với ngã tương tợ, ngoại đạo cho là chơn ngã. Do vậy, ngoại đạo không hề có chơn tịnh. Với pháp tịnh tương tợ, ngoại đạo tưởng họ cũng có được chơn tịnh. Cho nên tất cả lý lẽ của ngoại đạo không có chơn đế, đều là vọng ngữ mà thôi.
Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thưa: Hi hữu thay! Bạch Thế Tôn! Hôm nay Như Lai sắp nhập Niết bàn, phương tiện chuyển pháp luân vô thượng, phân biệt dạy rõ chơn đế với ý nghĩa sâu xa như vậy.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ tát: Cho đến giờ phút này mà ông còn quan niệm : NHƯ LAI SẮP NHẬP NIẾT BÀN ư?
Này Thiện nam tử! Như Lai thường trụ, làm gì có xuất, có nhập?
Như Lai chẳng bao giờ có quan niệm: Ta là Phật. Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là quả sở chứng của ta.
Như Lai cũng chẳng có quan niệm: Rằng Như Lai có thuyết pháp, tất cả pháp mà Như Lai thuyết hơn 49 năm qua là pháp của Như Lai. Những quả vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát chứng đắc, không phải của Như Lai. Càng không phải Như Lai đặt ra để ban bố tặng thưởng cho chúng sanh nào.
Như Lai không có quan niệm rằng: Ta có thấy biết. Sự thấy biết là của ta. Cho đến tai nghe, mũi ngửi... cũng vậy.
Như Lai cũng chẳng có quan niệm: Ta là "sắc". Sắc là cái của ta. Thanh, hương, vị, xúc... cũng vậy.
Như Lai cũng chẳng có quan niệm: Ta là địa đại. Địa đại là ta. Thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức cũng như vậy.
Như Lai dù có thuyết: Tứ đế, ngũ uẩn, lục căn, lục trần, thất bồ đề phần, bát chánh đạo, cửu duyên, thập lục, thập nhị nhân duyên, lục ba la mật...nhưng lại không bao giờ có quan niệm những pháp mà Như Lai nói là "của Ta". Của ta nói, của ta biết. Như Lai trọn không có quan niệm như vậy, cho nên Văn Thù Sư Lợi không nên nghĩ rằng Như Lai có "chuyển pháp luân"! Vì Như Lai thường trụ. Đã thường trụ thì không có biến đổi. Không biến đổi, sao lại gọi là "Như Lai phương tiện chuyển pháp luân"?
Này Thiện nam tử! Qua trí tuệ nhận thức của Như Lai, tất cả đều duyên sanh, do duyên hòa hợp. Như nhơn nhãn căn, sắc pháp, ánh sáng và tư duy hòa hợp mà có ra nhãn thức. Sắc chất, ánh sáng và tư duy chẳng nghĩ rằng ta sanh nhãn thức. Nhãn thức cũng chẳng nghĩ rằng ta có thể tự sanh. Những nhơn duyên hòa hợp như vậy, người đời gọi đó là thấy. Như Lai cũng như vậy, nhơn lục ba la mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo...mà giác ngộ rõ thấu các pháp lại nhơn yết hầu, lưỡi, răng, môi, miệng có ra lời, ra tiếng. Rồi vì các ông Kiều Trần Như...mà thuyết pháp lần đầu tiên gọi đó là "chuyển pháp luân". Do nghĩa đó, Như Lai chẳng gọi là Như Lai có "chuyển pháp luân"! (tam chuyển pháp luân ư Đại thiên. Kỳ luân bản lai thường thanh tịnh).
Này Thiện nam tử! Pháp không thể chuyển. Như Lai cũng không có gì để chuyển, vì pháp tức Như Lai vậy. Ví như do bùi nhùi, do cọ xát, do phân bò khô, do tay người tác động mà có lửa sanh ra. Bùi nhùi chẳng nghĩ rằng ta sanh ra lửa, phân bò khô cũng không nghĩ lửa có ra ta...bàn tay, thanh thép, cục đá cũng chẳng phải nghĩ rằng ta sanh ra lửa. Lửa cũng chẳng nghĩ rằng ta có thể tự sanh ra. Như Lai cũng vậy, nhơn lục ba la mật, tứ đế...rồi vì các ông Kiều Trần Như...tuyên nói gọi là "chuyển pháp luân". Thực lý, Như Lai chẳng có pháp luân nào riêng của Như Lai để cho Như Lai chuyển!
Này Thiện nam tử! Chuyển pháp luân là cảnh giới của chư Phật, Thế Tôn, chẳng phải hàng Thanh văn, Duyên giác biết được.
Này Thiện nam tử! Hư không chẳng phải sanh, chẳng phải xuất, chẳng phải tạo tác, chẳng phải pháp hữu vi. Như Lai cũng chẳng phải sanh, chẳng phải xuất, chẳng phải tạo tác, chẳng phải pháp hữu vi. Vậy nên, Như Lai tức Phật tánh. Phật tánh tức Như Lai.
Này Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn thuyết giáo có hai thứ ngôn từ: Một, thế ngữ. Hai, xuất thế ngữ.
Như Lai vì hàng Thanh văn, Duyên giác dùng thế ngữ để thuyết giáo.
Vì hàng Bồ tát dùng xuất thế ngữ để triển khai.
Đại chúng nghe pháp cũng có hai hạng: Một, hạng cầu Tiểu thừa. Hai, hạng cầu Đại thừa.
Ngày trước ở thành Ba La Nại, Như Lai chuyển pháp luân cho hàng Thanh Văn.
Nay ở thành Câu Thi Na, Như Lai vì hàng Bồ tát mà chuyển ...Đại pháp luân.
Này Thiện nam tử! Căn tánh người cũng chia hai hạng: Trung căn và thượng căn.
Vì hạng trung căn ở thành Ba La Nại, Như Lai chuyển pháp luân "tứ chơn đế" cho nhóm ông Kiều Trần Như…
Vì hàng thượng căn như Ca Diếp Bồ tát...ở thành Câu Thi Na này, Phật chuyển: ĐẠI PHÁP LUÂN.
Còn hạng tối hạ căn, Như Lai chẳng chuyển pháp luân cho họ. Đó là hạng người nhất xiển đề.
Này Thiện nam tử! Người cầu Phật đạo có hai hạng: Một, hạng tinh tấn bậc trung. Hai, hạng tinh tấn bậc thượng.
Ở thành Ba La Nại, Như Lai vì người tinh tấn bậc trung mà chuyển pháp luân. Nay ở thành Câu Thi Na này, Như Lai chuyển pháp luân cho người tinh tấn bậc thượng.
Ngày trước Như Lai ở thành Ba La Nại chuyển pháp luân lần đầu tiên có tám muôn thiên nhơn chứng được quả Tu Đà Hoàn. Nay hội thuyết pháp tại thành Câu Thi Na này có tám muôn triệu người chứng được bậc bất thối chuyển Bồ đề vô thượng.
Ngày trước ở thành Ba la nại Đại Phạm thiên vương đảnh lễ thỉnh Phật chuyển Pháp luân. Nay ở thành Câu thi na này Ca Diếp Bồ tát đảnh lễ thỉnh Phật chuyển pháp luân.
Này Thiện nam tử! Ngày trước ở thành Ba La Nại lúc chuyển pháp luân Phật giảng thuyết về vô thường, khổ, không, vô ngã. Nay tại thành Câu Thi Na Như Lai giảng thuyết về THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH.
Ngày trước ở thành Ba La Nại, lúc thuyết pháp, tiếng của Phật nghe xa đến trời Phạm Thế. Nay tại thành Câu Thi Na này lúc chuyển pháp luân, tiếng của Phật nghe khắp hai mươi hằng sa thế giới mười phương.
Này Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn phàm có nói ra đều gọi là CHUYỂN PHÁP LUÂN. Ví như Chuyển Luân Thánh Vương có luân bảo, kẻ chưa hàng phục làm cho hàng phục. Người đã hàng phục làm cho an ổn tự tại trong đời sống. Chư Phật Thế Tôn phàm có thuyết pháp cũng có công năng như vậy: Vô lượng phiền não của người chưa điều phục khiến cho điều phục. Người đã điều phục khiến cho tăng trưởng căn lành thân tâm an ổn. Ví như luân bảo của Chuyển Luân Thánh Vương phá tan tất cả oán tặc. Pháp luân của Như Lai hóa giải diệt hết giặc cướp phiền não vô minh. Đem lại cho chúng sanh kiếp sống tịch tĩnh an lành.
Chuyển Luân Thánh Vương có luân bảo có thể chuyển xoay dưới trên, trên dưới trong việc chinh phục của mình. Như Lai chuyển pháp luân khiến cho chúng sanh ở các ác thú có thể xoay chuyển cõi trời, cõi người...nhẫn đến thành Phật đạo.
Này Thiện nam tử! Với công dụng thậm thâm vi diệu đó, nay ông chẳng nên khen rằng: Như Lai ở nơi đây lại CHUYỂN PHÁP LUÂN!
Này Ca Diếp! Nghe như vậy, suy nghĩ như vậy, tu hành như vậy gọi là Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn thực hành THÁNH HẠNH.
Thánh hạnh là hạnh của chư Phật Thế Tôn thực hành. Tuy nhiên, hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát nghe rồi cũng có thể thực hành, nên gọi là Thánh hạnh. Đại Bồ tát tu hạnh này, sẽ được trụ vào bậc VÔ SỞ ÚY chẳng còn sợ tham, sân, si; chẳng còn sợ sanh, lão, bệnh, tử; cũng chẳng còn sợ ác đạo, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.
Luận về ác đạo trong loài người có ba hạng: Một, nhất xiển đề. Hai, hạng hủy báng Đại thừa kinh điển. Ba, phạm tứ trọng tội. Bồ tát trụ bậc vô sở úy chẳng còn sợ rơi vào những hạng ác như vậy. Cũng chẳng còn sợ sa môn, Bà la môn, ngoại đạo, thiên ma ba tuần; cũng chẳng sợ phải thọ thân trong hai mươi lăm cõi.
Này Thiện nam tử! Đại Bồ tát trụ bậc VÔ SỞ ÚY chứng được hai mươi lăm muôn tam muội, phá vỡ tan hai mươi lăm cõi:
Được Vô cấu tam muội, phá vỡ cõi địa ngục.
Được Bất thối tam muội, phá vỡ cõi súc sanh.
Được Tâm lạc tam muội, phá vỡ cõi ngạ quỷ.
Được Hoan hỉ tam muội, phá vỡ cõi A tu la.
Được Nhật quang tam muội, phá vỡ cõi Đông thắng thần châu.
Được Nguyệt quang tam muội, phá vỡ cõi Tây ngưu hóa.
Được Nhiệt diệm tam muội, phá vỡ cõi Bắc câu lô.
Được Như huyển tam muội, phá vỡ cõi Nam diêm phù đề.
Được Nhất thiết pháp bất động tam muội, phá vỡ cõi Tứ thiên vương thiên.
Được Tồi phục tam muội, phá vỡ cõi Đao lợi thiên.
Được Duyệt ý tam muội, phá vỡ cõi Diệm ma thiên.
Được Thanh sắc tam muội, phá vỡ cõi Đâu xuất thiên.
Được Huỳnh sắc tam muội, phá vỡ cõi Hóa lạc thiên.
Được Xích sắc tam muội, phá vỡ cõi Tha hóa tự tại thiên.
Được Bạch sắc tam muội, phá vỡ cõi Sơ thiền thiên.
Được Chủng chủng tam muội, phá vỡ cõi Đại phạm thiên vương.
Được Phong tam muội, phá vỡ cõi Nhị thiền.
Được Lôi tam muội, phá vỡ cõi Tam thiền thiên.
Được Chú võ tam muội, phá vỡ cõi Tứ thiền thiên.
Được Như hư không tam muội, phá vỡ cõi Vô tưởng thiên.
Được Chiếu kính tam muội, phá vỡ cõi Tịnh cư ngũ bất hoàn thiên.
Được Vô ngại tam muội, phá vỡ cõi Không vô biên xứ thiên.
Được Thường tam muội, phá vỡ cõi Thức vô biên xứ thiên.
Được Lạc tam muội, phá vỡ cõi Vô sở hữu thiên.
Được Ngã tam muội, phá vỡ cõi Phi tưởng, phi phi tưởng xứ thiên.
Đấy gọi là Bồ tát chứng được hai mươi lăm thứ tam muội, phá vỡ tan hai mươi lăm cõi.
Này Thiện nam tử! Hai mươi lăm môn tam muội này là vua của các môn tam muội. Đại Bồ tát nhập những môn tam muội vương này, nếu muốn thổi cho tan hoại núi Tu di liền có thể tùy ý. Nếu muốn biết tam muội của mọi chúng sanh đều có thể biết. Muốn đem mọi loài chúng sanh trong cõi đại thiên để vào lỗ chân lông nơi thân của mình đều có thể tùy ý và khiến cho chúng sanh đó không có quan niệm bị chật hẹp. Nếu muốn hóa làm vô lượng chúng sanh đầy khắp cõi đại thiên cũng liền tùy ý. Nếu muốn một thân hóa làm nhiều thân, lại nhập nhiều thân làm một thân, dù làm những việc như vậy nhưng tâm không trụ chấp vướng bận như hư không.
Này Thiện nam tử! Đại Bồ tát nhập những môn tam muội vương như vậy rồi, liền được sức tự tại, tùy ý muốn sanh cảnh giới nào liền được vãng sanh. Ví như Chuyển Luân Thánh Vương, thống lãnh bốn châu thiên hạ, tùy ý qua lại không bị chướng ngại.
Bấy giờ có vị Bồ tát tên Vô Cấu Tạng Vương, đầy đủ các môn tam muội an trụ cảnh giới vô sở úy, bạch Phật rằng: Theo lời Phật dạy, con có ý nghĩ: Dù có được các món tam muội tùy ý vãng sanh, công đức đã lớn, nhưng con cho đó không thể sánh bằng kinh điển Đại Niết Bàn này. Vì kinh này sản sanh ra chư Phật Thế Tôn, Vô Thượng Chánh Giác !
Phật khen: Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông nói. Kinh điển Đại thừa làm nên vô lượng vô biên công đức. Không có công đức nào sánh bằng dù dùng phân số một phần triệu, một phần tỷ cũng không đáng được ! Ví như từ bò có sữa; từ sữa sanh chất lạc; từ lạc sanh ra sanh tô; từ sanh tô sanh chất thục tô; từ thực tô sanh chất đề hồ. Đề hồ là vị ngon, bổ dưỡng hơn hết. Cũng như vậy, từ Phật có ra mười hai bộ kinh; từ mười hai bộ kinh có ra Tu đa la; từ Tu đa la có ra Phương đẳng; từ Phương đẳng có ra Bát Nhã Ba La Mật; từ Bát Nhã Ba La Mật có ra Đại Niết Bàn, như chất đề hồ kia. Chất đề hồ dụ cho Phật tánh. Phật tánh tức Như Lai. Do nghĩa đó, nên nói rằng Như Lai có vô lượng vô biên công đức chẳng thể nói hết được.
Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn! Theo con nghĩ nếu có người không nghe nổi, chẳng lãnh thọ kinh này, phải biết người đó rất là vô trí không có thiện tâm.
Bạch Thế Tôn! Nay con có thể kham chịu lột da làm giấy, chích máu làm son, chẻ xương làm bút, để biên chép kinh này và thọ trì, đọc tụng, giảng nói rộng cho nhiều người mới thỏa lòng tôn quý của con đối với kinh này.
Phật khen: Ca Diếp! Rất lành thay! Ông đáng gọi là người trân quý Đại thừa, tôn trọng Đại thừa. Do tâm lành này, ông sẽ siêu việt vô lượng vô biên, hằng hà sa Đại Bồ tát. Ông sẽ thành tựu quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trước. Chẳng bao lâu ông sẽ vì Đại chúng diễn nói về tạng bí mật Đại thừa Đại Niết Bàn, về Như Lai, về Phật tánh như ta hôm nay !
Này Thiện nam tử! Về thuở quá khứ, thời kỳ không có Phật ra đời, lúc đó ta làm Bà la môn tu hạnh Bồ tát, có khả năng thông suốt tất cả kinh luận của ngoại đạo. Ta tu hạnh tịch diệt, đầy đủ oai nghi, tâm thường thanh tịnh không bị các dục nhiễm tác động, trừ bỏ tam độc, thọ trì pháp môn Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Khắp nơi ta tìm cầu kinh điển Đại thừa mà chưa hề được nghe tên kinh. Lúc bấy giờ ta ở núi Tuyết, núi này thanh tịnh, có suối chảy, có ao tắm, rừng rậm mát mẻ, có cây thuốc, có hoa thơm khắp núi. Chim muông vô số chủng loại. Có nhiều loại trái ngon, củ ngọt, ngào ngạt hương thơm. Ta ở một mình trong núi. Đói ăn trái rừng, khát uống nước suối. Lúc thiền tọa, khi thiền hành. Dù trụ, dù ngọa, ta thường quán sát tư duy suy tầm chân lý. Ta tu khổ hạnh như vậy, trải vô lượng năm, cũng chẳng được nghe có Phật ra đời; cũng chẳng được nghe tên dù chỉ một bộ kinh Đại thừa Phương đẳng.
Trời Thích Đề Hoàn Nhơn và chư thiên thấy ta bền tâm tu khổ hạnh, lòng họ kinh sợ bảo nhau qua nội dung một bài kệ:
Trời núi Tuyết thanh bình
Người ly dục tịch tịnh
Vua công đức trang nghiêm
Đã viễn ly ...sân mạn
Dứt hẳn lòng ngu si
Miệng chưa từng nói ra
Những lời thô ...và ác.
Có vị Thiên tử, tên Hoan Hỉ nói:
Người ly dục như vậy
Thanh tịnh và tinh tấn
Tâm chẳng cầu Đế Thích?
Và địa vị chư thiên?
Nếu là hàng ngoại đạo
Họ tu hành khổ hạnh
Mục đích họ mong cầu
Ngai vàng của Đế thích
Vị Thiên tử này lại thưa với Đế Thích: Bậc đại sĩ trên đời vì chúng sanh chẳng tham luyến thân mình, tu vô lượng khổ hạnh để làm lợi ích cho chúng sanh. Hạng người này thấy rõ lỗi lầm trong đường sanh tử, dù của báu đầy cả mặt đất cũng không tham muốn mà còn xem đó như thấy đàm mũi đã khạc hỉ ra. Bậc Đại sĩ này rời bỏ tiền tài sự nghiệp, vợ con, chỉ mong làm sao cho tất cả chúng sanh được an vui. Theo chỗ tôi hiểu, bậc Đại sĩ này lòng thanh tịnh, đã dứt phiền não chỉ cầu quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Thích Đề Hoàn Nhơn bảo: Này Đại tiên! Theo lời ông nói, người ấy vì lợi ích chúng sanh mà tu hành cam chịu nhiều hạnh khổ để mong làm bóng mát, làm thuyền bè che chở chúng sanh. Nhưng ở trên đời, người có ý chí kiên cường nhẫn nại mới có thể gánh vác việc lớn sanh tử cho chúng sanh. Nếu không có chí lớn sẽ là người bại trận trước giặc vô minh, giặc ngũ dục thất tình. Bởi vì người phát khởi sơ tâm thì không ít, mà đi đến đích giải thoát giác ngộ thì không nhiều, cũng như bông cây am la thì nhiều mà trái rất ít, cá đẻ trứng nở ra con nhiều mà cá còn đến lớn rất ít. Vậy ta cùng đại tiên nên qua đó, thử trắc nghiệm ý chí của người khổ hạnh kiên thực đến độ nào!
Rồi, Thích Đề Hoàn Nhơn biến mình thành quỷ La Sát, dung mạo thấy rất đáng sợ, bay xuống núi Tuyết đến gần người khổ hạnh cất tiếng thanh nhã, tuyên nói nửa bài kệ của Phật quá khứ:
Các hành pháp vô thường
Vì là pháp sanh diệt
Nói nửa bài kệ xong, quỉ La Sát liếc mắt ngó tìm bốn phía. Người tu khổ hạnh nghe hai câu kệ ấy lòng thanh thản và rất vui mừng, như người bệnh gặp lương y, như người trôi dạt trên biển gặp thuyền bè...
Này Thiện nam tử! Người khổ hạnh được nghe nửa bài kệ rồi, liền đứng dậy, tay vuốt tóc vén lên, ngó tìm bốn phía nói rằng: "Chẳng biết ai vừa nói hai câu kệ ?" Ngó quanh tìm mãi, chợt thấy có quỷ La Sát, chẳng có ai khác. Người khổ hạnh nói: "Ai khai môn giải thoát như vậy ? Ai có thể ở trong giấc ngủ sanh tử mà riêng được giác ngộ xướng lên lời đó vậy ? Ai có thể ở chốn núi thẳm, rừng xanh, quạnh quẽ, cô liêu này, đem đạo vị vô thượng chỉ dạy cho chúng sanh đang đói khát trong ngục tù sanh tử ưu bi ? Ai có thể làm thuyền lớn cứu vớt vô lượng chúng sanh đang nổi chìm lặn hụp trong biển sanh tử? Ai có thể làm minh sư, nói hai câu kệ ấy khai ngộ tăm tối, như trăng vừa mọc, như sen hé nở ?
Người khổ hạnh thầm nghĩ: Có lẽ nào quỉ La Sát nói hai câu kệ ấy chăng ? Lại nghĩ rằng: Quỉ này hình thù đáng sợ có lẽ nào nói ra được những lời trong sáng làm cho ai nghe được đều phải thanh thoát nhẹ nhàng ? Có lẽ nào trong lửa mọc được hoa sen. Trong ánh nắng mặt trời sanh được nước mát ! Rồi người khổ hạnh lại tự trách: Ta thật là vô trí. Biết đâu quỉ La Sát này đã được gặp chư Phật trong quá khứ nên được nghe nửa bài kệ ấy ! Vậy ta nên hỏi ý nghĩa của lời kệ ấy. Suy nghĩ rồi liền đứng trước quỉ La Sát nói rằng: Lành thay ! Lành thay ! Đại sĩ ! Ngài ở đâu mà học được nửa bài kệ của Phật quá khứ như vậy?
Quỉ La Sát liền đáp: Này Bà la môn ! Ông chẳng nên hỏi ta về việc ấy, vì ta đã nhiều ngày không được ăn, đói khát khổ não, tâm ý mê loạn. Ta đã tìm cầu khắp nơi mà chẳng được thức ăn, vì thế nên ta nói những lời như vậy".
Người khổ hạnh nói với quỉ La Sát: Nếu Đại sĩ có thể vì tôi nói trọn bài kệ, tôi xin trọn đời làm đệ tử hầu hạ phục vụ ngài. Kệ của Đại sĩ vừa nói chưa đủ, nghĩa chưa trọn, sao Đại sĩ chẳng nói cho trọn? Luận về tài thí thì có cạn hết, còn pháp thí không thể cùng tận. Mong Ngài vì tôi nói cho trọn nghĩa tôi nguyện trọn đời làm đệ tử phục vụ cho Ngài !
Quỉ La Sát nói: Ông tham thái quá! Chỉ biết tự thương thân mình mà chẳng nghĩ đến người. Ta đang đói khổ, thật chẳng thể nói được!
Người khổ hạnh nói: Xin phép được hỏi: Thức ăn của Đại sĩ là vật gì?
Quỉ nói: Ông đừng hỏi, nếu ta nói ra, mọi người ắt phải kinh sợ!
Người khổ hạnh nói: Giữa đây chỉ có mình tôi, không có người nào khác. Tôi không sợ. Ngài cứ nói thật ra đi !
Quỉ La Sát nói: Tôi chỉ ăn thịt người tươi và uống máu còn nóng của người. Vì ta phước mỏng nên chỉ ăn những thứ đó. Khổ nỗi, ta tìm khắp nơi mà chẳng được thức ăn như vậy. Trong cõi đời dù có người đông, nhiều, nhưng mỗi người đều có phước đức của họ, ta không đủ sức bắt họ để ăn!
Người khổ hạnh nói: Xin Ngài nói đủ bài kệ. Tôi nghe xong bài kệ rồi, sẽ đem thân này dâng cho Ngài dùng. Thưa Đại sĩ ! Xin Ngài nhận lời tôi vì tôi biết rằng lúc tôi chết, thân này chẳng dùng vào việc gì, sẽ bị cọp, sói, kên kên, quà quạ, ăn mổ không được mảy may phước đức, chẳng có chút lợi ích cho ai. Nay tôi vì cầu Vô Thượng Bồ đề, xả thí thân vô thường chẳng bền chắc này để đổi lấy thân thường trụ bền chắc.
Quỉ nói: "Ai tin được lời nói của ông. Chỉ vì nửa bài kệ mười chữ mà thí bỏ thân đáng tiếc!".
Người khổ hạnh nói: "Tôi đem thân vô thường mục bở làm việc bố thí để đổi lấy thân Kim cang bất hoại mà ngài nói "ai tin được lời tôi" ư ? Tôi đem đồ sành sứ, đất nung để đổi lấy đồ thất bảo. Thế mà Ngài còn nói: "ai tin được lời tôi" ư ?
Các vị Bồ tát tu hạnh Đại thừa, lợi ích chúng sanh chứng biết lời tôi. Thập phương chư Phật, chứng biết cho tôi. Tôi vì mười chữ, nửa bài kệ, vui lòng đổi sinh mạng của tôi.
Quỉ nói: Nếu ông chịu xả thí thân mạng như vậy, thì nên lóng nghe cho kỹ ta sẽ vì ông nói nửa bài kệ mười chữ phần sau !
Người khổ hạnh nghe quỉ hứa nói vui mừng hớn hở, liền cởi tấm y da nai đang mặc trên thân, trải làm tòa, rồi mời quỉ: Bạch Hòa thượng! Xin cung thỉnh Hòa thượng lên ngồi tòa này!
Quỉ ngồi xong, người khổ hạnh quỳ dài, vòng tay thưa: Mong Hòa thượng vì tôi nói nửa bài kệ còn lại cho được đầy đủ.
Quỉ La Sát liền truyền kệ rằng:
Diệt ý niệm sanh diệt
Được cái vui tịch diệt
Quỉ La sát nói hai câu kệ xong, bảo rằng: Này Đại Bồ tát! Nay ông đã nghe đủ nghĩa của bài kệ, lòng mong muốn của ông đã đầy đủ, nếu ông muốn lợi ích chúng sanh, giờ đây ông nên thí thân cho ta!
Người khổ hạnh suy nghĩ kỹ nghĩa lý bài kệ, chép lên vách đá, trên da cây bên đường đi và tự cột áo xiêm, để sau khi chết thân khỏi lõa lồ. Rồi leo lên cây cao.
Thọ thần bảo người khổ hạnh: Nay ông muốn làm gì mà leo lên cây cao thế này?
Người khổ hạnh đáp: Tôi muốn thí xả thân này để trả giá bài kệ.
Thọ thần nói: Bài kệ như vậy có lợi ích gì?
Người khổ hạnh đáp: Những câu kệ ấy là lời thuyết pháp của chư Phật ba đời. Trong đó chỉ dạy đạo pháp tịch diệt chơn không. Tôi vì pháp này mà và muốn đem lợi ích cho chúng sanh mà thí xả thân mạng.
Tôi không vì cầu lợi danh, không vì cầu địa vị Chuyển Luân Thánh Vương hay Phạm Thiên, Đế thích, càng không cầu quả lạc thú của người, của trời.
Nói xong, người khổ hạnh buông mình từ trên cao rơi xuống. Thân chưa tới đất, trong hư không vọng ra các thứ tiếng, thấu đến cõi trời sắc cứu cánh. Lập tức quỉ La Sát hoàn lại nguyên hình Thiên Đế Thích hứng lấy thân người khổ hạnh nhẹ nhàng để xuống đất.
Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhơn, Đại Phạm Thiên Vương, chư thiên đảnh lễ người khổ hạnh và khen rằng: Lành thay ! Lành thay ! Thật là Bồ tát trên cõi đời, Ngài sẽ làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh. Ngài sẽ là người thắp đuốc pháp lên giữa đêm tối vô minh. Tôi vì mến pháp lớn của Như Lai nên cố nhiễu não Ngài. Ngưỡng mong Ngài cho tôi sám hối tội lỗi. Thuở vị lai Ngài quyết định thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi được thành Phật, mong Ngài tế độ cho tôi !
Nói xong, Thích Đề Hoàn Nhơn và chư thiên đảnh lễ người khổ hạnh, cáo từ và bỗng nhiên ẩn mất.
Này Thiện nam tử! Người khổ hạnh thuở xưa đâu phải người nào lạ. Nay chính là ta đây. Tiền thân của ta ngày trước vì mười chữ, nửa bài kệ ấy mà xả thí thân mạng. Do duyên cớ đó, ta được vượt bậc thành Phật trước Di Lặc Bồ tát những mười hai kiếp.
Này Thiện nam tử! Ta được vô lượng công đức như vậy đều do cúng dường chánh pháp của Như Lai. Nay ông phát tâm Vô Thượng Bồ đề thì ông đã vượt hơn vô lượng vô biên hằng hà sa Bồ tát.
Này Thiện nam tử! Đây gọi là Bồ tát trụ Đại thừa Đại Niết Bàn tu hành THÁNH HẠNH.
TRỰC CHỈ
Là học giả cũng như hành giả trong đạo Phật cần nổ lực quán chiếu, tư duy về hai mặt của một vấn đề , khi tìm hiểu giáo lý Phật. Cái từ TỤC ĐẾ và CHƠN ĐẾ, đức Phật cặn kẽ chỉ bày cho Bồ tát Ca Diếp, Đại trí Văn Thù là bài học muôn đời cho người đệ tử Phật, có ý chí muốn đi đến đích giác ngộ , giải thoát.
Khổ đế là quả, gồm có ba khổ tổng quát, tám khổ chi tiết.
Tập đế là nhân, gồm chứa vô minh phiền não kiến tư hoặc.
Diệt đế là vắng lặng phiền não, tên gọi khác của Niết Bàn.
Đạo đế gồm các pháp để tu hành đoạn trừ phiền não, diệt hoặc kiến tư.
Dựa theo lời dạy đó của Phật mà tu mà hành, được gọi là người đệ tử khá đáng khen, có tinh tấn tu hành và đương nhiên là sẽ có kết quả: được liệt vào hàng "Thanh văn" tứ quả.
Đối với giáo lý TỨ ĐẾ mà học như vậy, tu như vậy và kết quả như vậy. Đó là người tu TỤC ĐẾ của giáo lý TỨ ĐẾ mà thôi. Tu học giáo lý Tứ đế như vậy, thành tựu cái quả chỉ là hàng nhị thừa. Địa vị Bồ đề vô thượng coi như tuyệt phần không có hy vọng đạt đến.
Cùng giáo lý TỨ ĐẾ, đức Phật dạy ở kinh Đại Niết Bàn cho các Bồ tát: Phải tu học CHƠN ĐẾ của TỨ ĐẾ mới thành tựu quả Bồ đề vô thượng.
...VÔ KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO. VÔ TRÍ DIỆC BÔ ĐẮC".
Phải học như vậy, phải hiểu như vậy mới thấy, biết được CHƠN ĐẾ của giáo lý TỨ ĐẾ.
..."Chư pháp tùng bản lai
"Thường tự tịch diệt tướng "Phật tử hành đạo thời "Nhiên hậu đắc thành Phật" (Kinh Pháp Hoa) Các pháp tánh xưa nay thường vắng lặng. Các pháp có làm gì cho ai khổ đâu ! ..."Gọi tam độc thực tánh không hề độc Ví như bọt bèo sanh diệt huyển hư Hễ khi mê, nó tác động hoành hành Bằng tỉnh thức không sao tìm được chúng" (Chứng Đạo Ca) Bằng kiến giải của người giác ngộ, Huyền Giác Thiền sư chỉ ra rằng: "Tập đế" phiền não Kiến tư hoặc chẳng có thực tánh. Thế cho nên dưới mắt của Thiền gia: ..."Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh Xu hướng chân như tổng thị tà..." Niết bàn không phải là cảnh giới xa xăm nào khác mặc dù Niết bàn là "cảnh giới" chân như. Muốn hiểu CHƠN ĐẾ của Diệt đế phải tư duy quán chiếu, phải nhận thức cho được rằng: "Niết bàn sanh tử đẳng không hoa!" Cho đến chừng nào hành giả tỏ ngộ rằng: "Tu vô tu tu, hành vô hành hạnh, chứng vô chứng chứng" thì biết rằng ta đã quán triệt CHƠN ĐẾ trên đường tu tập Đạo đế. Bấy giờ cánh cửa Bồ đề vô thượng đã mở rộng thông thương vào ra tự tại. * Với giáo lý "sanh diệt tứ đế", đạo đế thường dạy có ba mươi bảy pháp cho hành giả quán niệm tư duy. * Với "vô lượng tứ đế" Phật dạy ở kinh Đại thừa Đại Niết Bàn này, số lượng tùy nghi có thể nói vô tận. Ví như đại lương y tùy bệnh mà hòa hợp thuốc thang gia giảm biến hóa vô cùng. Y giả ý dã. * Trí tuệ của con người có thể chia: thượng, trung, hạ. Vì vậy, Như Lai thuyết giáo tùy cơ. Chẳng hạn Như Lai ấn chứng: Các pháp hữu vi vô thường Tất cả pháp vô ngã Niết Bàn hằng tịch tịnh Kinh điển gọi đó là "tam pháp ấn", là chân lý đệ nhất nghĩa của Như Lai ấn chứng. Đó là đệ nhất nghĩa nhưng là đệ nhất nghĩa của Như Lai ấn chứng cho người có trí bậc trung. Đệ nhất nghĩa này chỉ có giá trị bên tục đế mà không có chơn đế. Nói cách khác, có giá trị tương đối, không có giá trị tuyệt đối. * Thế đế và đệ nhất nghĩa đế không hai, cũng không phải một. Cùng nhìn ngắm một mỹ nhân kiều diễm, bằng nhục nhãn, người phàm phu ngây ngất đam mê. Đó là thế đế. Bằng tuệ nhãn, người trí thấy đó chỉ là: "Đầu xương sọ cài trâm thắt lụa "Đãy da hôi ướp xạ xông hương "Khéo đòi nhung gấm phô trương "Chỉ tuồng che lớp vô thường hôi tanh". Người trí thấy rõ bản chất của ngũ ấm hòa hợp, nhận thức bao quát hết tánh duyên sanh huyển hóa của nó. Đó là đệ nhất nghĩa đế. * Hiểu đúng chân lý, không được nói "Như Lai sắp nhập Niết bàn". Cũng không được nói "Như Lai chuyển pháp luân" ! Bởi vì Phật thường trụ, Pháp thường trụ, "Thường tự tịch diệt tướng", Không hề có xuất nhập, có chuyển động. * Hai mươi lăm cõi đó, do con người tạo nhơn của hai mươi lăm cõi. Muốn đập vỡ hai mươi lăm cõi phải tiêu diệt nhơn của hai mươi lăm cõi bằng hai mươi lăm thứ tam muội. Dùng "như huyển tam muội" đập vỡ tan cõi Diêm phù đề, cõi Ta bà khổ mà vô lượng chúng sanh đang khổ. Rõ là một chân lý vô cùng xác đáng. * Hai mươi lăm cõi vỡ tan, pháp giới thành bất nhị. Vì vậy, Bồ tát muốn vãng sanh cảnh giới nào tùy ý. * Câu chuyện VỊ TẰNG HỮU nói về tiền thân Phật, vì cầu chánh pháp Đại thừa chỉ mười chữ thôi mà người khổ hạnh thuở ấy đổi bằng thân mạng của chính mình ! "Diệt ý niệm sanh diệt "Được cái vui tịch diệt