- Phẩm 1: TỰA
- Phẩm 2: THUẦN ĐÀ
- Phẩm 3: AI THÁN
- Phẩm 4: TRƯỜNG THỌ
- Phẩm 5: KIM CANG THÂN
- Phẩm 6: DANH TỰ CÔNG ĐỨC
- Phẩm7: TỨ TƯỚNG
- Phẩm 8: TỨ Y
- Phẩm 9: TÀ CHÁNH
- Phẩm 10: TỨ THÁNH ĐẾ
- Phẩm 11: TỨ ĐẢO
- Phẩm 12: NHƯ LAI TÁNH
- Phẩm 13: VĂN TỰ
- Phẩm 14: ĐIỂU DỤ
- Phẩm 15: NGUYỆT DỤ
- Phẩm 16: BỒ TÁT
- Phẩm 17: ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN
- Phẩm 18: HIỆN BỆNH
- Phẩm 19: THÁNH HẠNH
- Phẩm 20: PHẠM HẠNH
- Phẩm 21: ANH NHI HẠNH
- Phẩm 22: QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT
- Phẩm 23: SƯ TỬ HỐNG
- Phẩm 24:
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông
PHẨM THỨ MƯỜI BẢY
ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN
Bấy giờ đức Thế tôn, từ bạch hào tướng trên mặt phóng ra ánh sáng nhiều màu. Màu trắng, hồng, xám, đỏ, tím, vàng, chiếu ra chạm phải Thuần Đà. Ông Thuần Đà gặp ánh sáng liền nhớ tâm nguyện của mình là cúng dường đức Phật trước khi Phật nhập Niết bàn và đại chúng đang tề tựu chiêm ngưỡng tôn nhan Phật. Ông Thuần Đà và quyến thuộc mang những thức ăn trai tịnh và phẩm vật thanh khiết trên đời đến rừng Ta La Song Thọ để cúng dường đức Phật, đại chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và quyến thuộc trong hàng ngũ xuất gia. Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông
PHẨM THỨ MƯỜI BẢY
ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN
Lúc bấy giờ có trời Đại Oai Đức phát xuất từ lòng quyến luyến thương quí Thế Tôn, đứng án trước mặt và ngăn cản ông Thuần Đà rằng: Thuần Đà! Ông nên hoãn lại bữa trai phạn này, không nên dâng cúng Phật và đại chúng hôm nay.
Như Lai dự biết sự cố xảy ra, bèn phóng thêm ánh sáng nhiều vô lượng vô biên, chư thiên các cõi đều tiếp nhận, trời oai đức không ngăn cản nữa, Thuần Đà và quyến thuộc đem trai nghi phẩm vật dâng cúng dường Phật cùng các chúng đệ tử hiện diện. Ngoài phẩm vật cúng dường Phật và chúng tăng trong bữa ngọ trai, họ còn trang sức: tràng phan, bảo cái, hoa hương, thượng diệu cực kỳ báu đẹp trên đời. Như Lai hứa khả, thọ dụng những phẩm vật cúng dường của Thuần Đà. Như Lai cũng cho phép các chúng Tỳ kheo đồng thọ dụng.
Các hàng Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, các hàng chư thiên ngạc nhiên đến độ bàng hoàng, vừa "mừng" vừa "tủi", tự nghĩ trong lòng: "Cớ gì Như Lai riêng nhận bữa cúng dường trai phạn của ông Thuần Đà, trước giờ phút thiêng liêng quan trọng kia mà Như Lai không nhận của đại chúng trong hải hội mười phương ?".
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn cho đại chúng an tâm, mãn nguyện. Từ mỗi lỗ chân lông trên thân Phật phóng ra ánh sáng, sắc màu rực rỡ chiếu khắp vô lượng cõi nước chư Phật mười phương. Trong ánh sáng báu lạ hiện ra vô lượng Phật. Mỗi đức Phật có vô lượng quyến thuộc đệ tử Tỳ kheo Tăng Ni. Chư Phật và chư Tỳ kheo đồng thọ dụng trai nghi cúng dường của đại chúng. Riêng Thích Ca Như Lai thọ phần cúng dâng của Thuần Đà.
Do sức thần Phật, lượng cơm dâng cúng của Thuần Đà, cung cấp đầy đủ cho cả hải hội chư Phật và chúng Tăng. Ông Thuần Đà vui mừng khôn diễn tả hết được nỗi lòng. Các hàng Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, trời, người...tất cả đều hoan hỉ. Trong niềm hoan hỉ có lẫn ý lo âu: Rằng: Như Lai đã nhận sự cúng dường rồi, ngày nhập Niết Bàn của Như Lai ắt chẳng còn lâu!
Rừng cây vốn không rộng lắm ! Lúc bấy giờ do sức thần Phật, khoảng không gian chừng như mũi kim, chứa vô lượng chư Phật Thế Tôn và vô lượng Bồ tát quyến thuộc đồng ngồi thọ thực mà không bị chật chội. Vật dụng cúng dường, không có chướng ngại gì nhau.
Bấy giờ chư thiên, thế nhơn, A tu la...buồn khóc và than: Nay Như Lai đã thọ lần cúng dường cuối cùng của chúng ta, rồi đây Phật sẽ nhập Niết Bàn, chúng ta còn biết nương tựa vào ai. Chúng ta sẽ mất đấng điều ngự sư vô thượng, khác nào người không còn con mắt!
Đức Thế Tôn vì đại chúng, nhắc nhở qua bài kệ: Đại chúng chớ buồn than
Phật pháp, pháp tùy thuận
Phật đã nhập Niết Bàn
Vĩnh cửu với thời gian
Thường trụ chánh định tụ
An lạc tùy sở trụ
Đại chúng lóng lòng nghe:
Phật đã lìa ăn uống
Không đói khát mọi thời
Phật sẽ vì chúng sanh
Nói về nghĩa tùy thuận
Khiến tất cả đại chúng
An ổn dứt buồn than:
Giả sử rắn chuột, sói
Đồng ở chung một hang
Thương nhau như ruột thịt
Phật mới hẳn nhập Niết bàn!...
Như Lai xem tất cả
Thương như La Hầu La
Thường làm cha chúng sanh
Sao nhập Niết bàn hẳn?...
Giả sử hoa bán hạ
Thơm như hoa Ngọc lan
Trái cây Ca la ca
Chuyển thành Trấn đầu ca
Nếu việc đó có thật
Như Lai hẳn Niết Bàn!...
Giả sử Nhất xiển đề
Chuyển thân thành Phật đạo
Thọ hưởng vui Niết Bàn
Phật mới Niết Bàn hẳn!...
Đệ tử Phật chân chánh
Phải ham thích chánh pháp
Chớ khởi tâm sầu khổ
Than khóc hiện ưu bi
Như phàm phu tục tử!...
Người tri hành chân chánh
Tu học: Phật thường trụ
Pháp và Tăng cũng vậy
Thường trụ như thời gian...
Tứ chúng phải khéo nghe
Nghe rồi nên vui mừng
Bồ đề tâm khai phát
Tam bảo hằng thường trụ
Vĩnh cửu ở thế gian...
Đây là lời di huấn
Tối hậu của chư Phật...
Phật dạy tiếp Bồ tát! Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, y theo lời dạy sau cùng của Như Lai, phát nguyện dũng mãnh nên biết người này được quả báo tốt lành ở thế gian, đồng như các bậc A La Hán. Những người không có khả năng nhận biết Tam Bảo thường trụ, là người phước mỏng như hạng chiên đà la trong cõi đời.
Lúc bấy giờ cả đại chúng, trời, người, A tu la...nghe Phật dạy vui mừng hớn hở, ý tưởng nhu hòa, dung nhan vui vẻ, oai đức trang nghiêm. Xa lìa ngũ cái, thập triền. Tâm tưởng rỗng rang vượt qua phân biệt tầm thường, tôn ti cao hạ...Biết rõ: Phật, Pháp, Tăng, Tam bảo thường trụ. Đại chúng chung lòng sắm sửa: hương trời, hoa trời, tràng phan, bảo cái, kỷ nhạc trời, vô số thức ăn thượng vị cõi trời dâng lên cúng dường đức Phật và toàn thể đại chúng đông vầy, không thể dùng toán học mà tính đếm...
Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Ông đã thấy việc hi hữu này của đại chúng rồi chứ?
Ca Diếp Bồ tát thưa: Con đã thấy, bạch Thế Tôn. Con đã thấy Như Lai đông vô lượng vô biên không thể dùng toán học mà tính đếm hết được. Và số tăng chúng trong mười phương cùng dự hải hội này cũng đông như vậy. Con thấy chư Như Lai và đại chúng đang thọ những thức ăn uống cúng dường mà ông Thuần Đà là đại thí chủ. Con lại thấy sự hi hữu lạ kỳ: Thân chư Như Lai trang nghiêm cao lớn, thế mà chỗ ngồi của mỗi vị chỉ choán một diện tích chừng đầu mũi kim. Số đại chúng, dâng phẩm vật cúng dường chư Phật và chúng Tỳ kheo cũng đông vầy không kể xiết, đang đi nhiễu Phật mấy vòng. Vậy mà không có chướng ngại gì nhau. Con cũng hiểu rằng, đấy là do thần lực Phật mà buổi lễ cúng dường chư Phật và đại chúng trong mười phương mới được viên mãn khắp đủ thế này ! Nếu không vậy, giả sử đem tất cả vật thực của ông Thuần Đà có, nghiền nát thành vi trần, dùng một vi trần dâng cúng một vị Phật vẫn còn không khắp đủ !
Sự kiện hy hữu này, chỉ các hàng Bồ tát như Đại Trí Văn Thù hiểu rõ. Hàng Duyên giác, Thanh văn chợt tỉnh ngộ nhận biết: NHƯ LAI là PHÁP THƯỜNG TRỤ.
Đức Thế Tôn bảo: Thuần Đà ! Ông đã thấy rõ việc hy hữu lạ lùng này rồi chứ?
- Bạch Thế Tôn! Con đã thấy. Con thấy vô lượng chư Phật đều có ba mươi hai tướng đại nhơn, tám mươi vẻ đẹp, trang nghiêm nơi thân. Và chư Đại Bồ tát cung kính nhiễu quanh chư Như Lai.
- Phật bảo: Thuần Đà! Vô lượng chư Phật mà ông đã thấy, do Như Lai hóa hiện để đem lợi ích cho tất cả chúng sanh. Hàng Đại Bồ tát đó, công hạnh tu hành thâm hậu có thể làm nên vô lượng Phật sự trọng đại. Này Thuần Đà ! Nay ông đã thành tựu hạnh Đại Bồ tát. Ông được an trụ trong hàng Thập Địa. Ông hoàn thành công hạnh của một Bồ tát ngang với địa vị Thập địa rồi!
Ca Diếp Bồ tát hỏi: Bạch Thế Tôn! Tất cả khế kinh của Phật nói ra có nghĩa dư hay hoàn toàn trọn nghĩa?
Phật dạy: Này Thiện nam tử! Kinh của Phật đã nói, có lúc nghĩa "còn dư". Có lúc hoàn toàn trọn nghĩa?
Thuần Đà hỏi: Bạch Thế Tôn! Như có lần Phật nói bài kệ:
"Tất cả sở hữu mình có
"Đem bố thí cho mọi người
"Hạnh bố thí, nên tán thán
"Với tấm lòng tùy hỉ hoàn thành.
- Bạch Thế Tôn! Ý nghĩa bài kệ đó thế nào? Đem tài vật sở hữu cúng dường bố thí cho người trì giới và người hủy phạm giới có sai khác chi chăng ? Xin Thế Tôn dạy bảo?
Phật dạy: Gieo hạt giống xuống chỗ đất xốp, phân hoại, nước im, nắng ấm thì hạt giống chắc chắn sẽ sanh cây, đơm hoa kết trái. Trái lại, gieo hạt giống xuống đất cháy, đá cuội, núi cao thì không hy vọng được gì ! Bố thí cúng dường cho những người có nhiều phước đức, bố thí cho tất cả chúng sanh đều có quả báo tốt. Duy có bố thí cho hạng người nhất xiển đề, giống như ươm hạt giống trên đá cuội, núi cao...hy vọng gì ngày đơm bông kết quả!
- Thuần Đà hỏi: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn dạy rõ về NHẤT XIỂN ĐỀ? NHẤT XIỂN ĐỀ thường hành động ra sao ? Đạo đức, tư tưởng của người NHẤT XIỂN ĐỀ, chúng con muốn biết!
- Phật bảo Thuần Đà: Nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di nói lời thô ác, chê bai chánh pháp, hành động tổn thương với mọi người mà không có lòng ăn năn, chẳng có tâm hổ thẹn; người như vậy là người xu hướng NHẤT XIỂN ĐỀ. Người phạm bốn tội trọng, năm tội nghịch, tự biết tội ác mình mà không sợ sệt, không hổ thẹn, không có hối lỗi ăn năn. Đối với chánh pháp không có đức tin, không có tâm học hiểu tu tập, còn chê bai phỉ báng. Người như vậy gọi là người NHẤT XIỂN ĐỀ. Những người tà kiến chưa hề biết thế nào là PHẬT, PHÁP, TĂNG, và còn cho rằng không PHẬT, không CHÁNH PHÁP, không TĂNG. Những người như thế, gọi là người NHẤT XIỂN ĐỀ.
- Thuần Đà hỏi: Bạch Thế Tôn ! Phá giới là thế nào ? Người làm gì gọi là người phá giới ?
- Phật dạy: Phạm bốn tội trọng, năm tội nghịch, không tu học chánh pháp, hủy báng chánh pháp. Người như vậy gọi là người phá giới.
- Bạch Thế Tôn! Người phá giới, trong Phật pháp có thể cứu vớt được không?
- Phật dạy: Này Thuần Đà ! Có điều kiện, có thể cứu vớt được. Nếu người đó còn mặc pháp phục chưa bỏ, tâm luôn hổ thẹn, sợ sệt tội lỗi. Tự trách mình, lòng ăn năn, phát nguyện hộ trì chánh pháp, kiến lập chánh pháp, tùy hỉ cúng dường người hộ pháp. Phát tâm thọ trì kinh điển Đại thừa, tu học thông thuộc, truyền bá cho mọi người. Người phạm giới mà có tâm hối quá như vậy, Phật gọi đó là người "không phá giới". Ví như mặt trời mọc lên ắt phá trừ hết sương mù kể cả bóng đêm. Cũng vậy, kinh Đại Niết Bàn vi diệu này xuất hiện nơi đời sẽ phá trừ những tội nghiệp trong vô lượng kiếp của chúng sanh. Thế nên, kinh nói: Hộ trì chánh pháp được quả báo lớn, là điều kiện cứu vớt cho người lỡ lầm phá giới.
Này Thuần Đà! Người phá giới, hủy báng tam bảo, tà kiến, tức là người NHẤT XIỂN ĐỀ. Tuy nhiên, Thuần Đà nên biết, Nhất xiển đề, nếu gặp Thiện tri thức khuyến hóa, hướng dẫn rồi tự trách, ăn năn, sanh tâm tàm quý, quay về với Tam Bảo, hộ trì chánh pháp, tu học Đại thừa, người đó không gọi là "nhất xiển đề" nữa. Người đó cũng đáng được nhận sự cúng dường của người bố thí.
Do nghĩa đó, lời dạy của Như Lai trong khế kinh tùy đối tượng, tùy lúc mà lời dạy của Như Lai còn có "NGHĨA DƯ" và cũng có nhân duyên, trường hợp Như Lai dạy đủ đầy "TRỌN NGHĨA".
- Này Thiện nam tử ! Xưa kia có lần Như Lai nói kệ:
Tất cả sông ngòi, quyết có xoáy cong
Tất cả rừng rậm, ắt có cây cối
Tất cả người nữ, có tâm dua vạy
Tất cả tự tại, quyết hưởng an vui
Lúc đó Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đến lễ dưới chân Phật rồi nói kệ rằng:
Chẳng phải tất cả sông, quyết định có xoáy cong
Chẳng phải tất cả rừng, quyết chắc là cây cối
Chẳng phải mọi người nữ, đều có tâm dua vạy
Tất cả hàng tự tại, không quyết được hưởng vui.
Văn Thù Sư Lợi dẫn ra những sự thật cụ thể:
Rằng con sông "Ta Ba Đa" thẳng như sợi dây giăng, chảy thẳng ra biển Tây, không có chỗ xoáy cong.
Những cánh rừng nhân tạo, các vua chúa họ có thể thiết kế bằng: san hô, mã não, lưu ly, vàng bạc...những thứ cây cối đó, không thể là cây cối của một đám rừng rậm!
Nữ giới cũng từng có người phát Bồ đề tâm, giữ trọn cấm giới, thành tựu công đức, có tâm đại bi, không hề có tâm dua vạy.
Trời Phạm Thiên, Đế Thích, tuy có tự tại, nhưng chưa vượt ra khỏi luật vô thường chi phối thì sao được gọi là an vui.
- Này Thuần đà! Những luận cứ chứng minh, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát nêu ra để cầu xin Như Lai giải đáp đều là sự thật, không ai có thể chối cãi quanh co. Nhưng tất cả đệ tử của Như Lai nên biết rằng "Lời dạy của Như Lai trong các khế kinh, có lúc Như Lai nói "TRỌN NGHĨA", có lúc Như Lai dạy còn có "NGHĨA THỪA" là vậy đó.
- Này Thiện nam tử! Bài kệ mà Như Lai nói ở trên, thuộc loại giáo pháp "ĐỐI TRỊ", có mật ý của Như Lai sử dụng. Bài kệ đó, có giá trị trong lúc đó, ở nội cung vua Ba Tư Nặc, Vương tử và Hậu phi, họ đang ôm lòng kiêu mạn. Đó là cách "Ứng bệnh dữ dược" của một Đại y vương. Cho nên lời dạy của Như Lai: Còn có NGHĨA DƯ. Vậy đó!
Văn Thù Sư Lợi Bồ tát dẫn lại bài kệ của Phật và cầu xin giải quyết chỗ nghi:
Nghe lời của người, tùy thuận đừng chống trái
Chẳng phê phán người khác, tu hành hay chẳng tu hành
Nên tự xét bản thân, làm lành hay chẳng lành.
- Này Thuần đà! Bài kệ Đại trí Văn Thù Sư Lợi nêu ra cũng thuộc loại nghĩa lý "CÒN DƯ". Kệ đó không phải vì tất cả chúng sanh, mà Như Lai nói riêng cho vua A Xà Thế. Ông vua đã hại cha rồi, còn muốn chiết phục Như Lai. Đến trước Như Lai, vua hỏi: "Thế Tôn có nhất thiết trí hay không có nhất thiết trí ? Điều Đạt trong nhiều đời kiếp đã qua, ôm lòng ác theo dõi muốn hãm hại Phật. Nếu là nhất thiết trí, sao Như Lai thu nhận cho Điều Đạt xuất gia ?"
Phát xuất từ nhân duyên đó, Như Lai mới nói bài kệ trên, nhằm gợi ý cho nhà vua tỉnh thức !
- Này Thuần Đà ! Là đệ tử Phật, hãy siêng năng tu học, phải thông thạo "mật ngữ" của Như Lai. Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn ! Như thế nào mới gọi nghĩa "KHÔNG DƯ" ? Thế nào được gọi là "NHẤT THIẾT NGHĨA" ?
- Này Thiện nam tử ! THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH gọi là pháp NHẤT THIẾT NGHĨA cũng gọi là pháp "KHÔNG DƯ" (liễu nghĩa). Ngoài ra, tất cả pháp đều là pháp "CÓ DƯ" (bất liễu nghĩa).
Là đệ tử Phật, học chánh pháp của Như Lai, phải biết lúc nào Như Lai nói pháp CÓ DƯ, lúc lào Như Lai nói pháp KHÔNG DƯ.
Ca Diếp Bồ tát vui mừng hớn hở bạch Phật: "Thật lạ lùng ! Rất lạ lùng ! Như Lai Thế Tôn bình đẳng xem chúng sanh như La Hầu La!"
- Đức Phật khen: Này Ca Diếp ! Chỗ kiến giải của ông như thế là tốt. Ông đã nhận thức được TỪ TÂM và DỊ Ý của Như Lai.
Lúc bấy giờ, Ca Diếp Bồ tát thưa: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Như Lai nói về thành quả sở đắc của người tu học kinh Đại thừa Đại Niết bàn?
-Này Thiện nam tử! Nếu có người nghe danh hiệu của kinh này, chỉ nghe được tên kinh thôi, phước đức của người này nhiều vô lượng vô biên. Người phước mỏng, nghiệp chướng dày, không thể nghe được danh hiệu của kinh này. Còn người thọ trì, đọc tụng, biên chép giảng thuyết, truyền bá kinh này, phước đức của người này, hàng Duyên giác, Thanh văn không thể tuyên thuyết. Vì kinh Đại Niết Bàn này từ kho tàng bí mật của Như Lai, chỉ dạy cảnh giới bất tư nghì của Phật. Thế cho nên, duy có Phật mới biết rõ công đức vi diệu của "Hành giả" tu học kinh Đại thừa Đại Niết Bàn !
Bấy giờ các hàng chư thiên, A tu la đông đảo phàm nhân trước Phật, dị khẩu đồng âm nói bài kệ đại lược như:
"Phật, Pháp, Tăng, Tam bảo công đức khó nghĩ bàn. Chúng con kính thỉnh Phật nán ở lại. Đại Ca Diếp và A Nan chưa về kịp. Vua nước Ma Kiệt Đà, Đại Vương A Xà Thế là những vị vua kính tin Phật mà cũng chưa đến. Xin Như Lai thương xót nán lại giây lát đừng vội nhập Niết Bàn để cởi mở cho chúng con một số nghi ngờ chưa tháo gỡ được !"
Đức Như Lai vì Đại chúng nói kệ, đại lược sau đây:
"Như Lai truyền dạy: Ông Đại Ca Diếp làm trưởng tử. A Nan đa văn, nghe và thuộc kỹ những kinh điển Như Lai nói. A Nan đủ khả năng truyền đạt lại ý của Như Lai, không sợ sai lầm. Những tư tưởng thuộc Tiểu thừa, Đại thừa bán tự, mãn tự. Thường, vô thường. Lạc, khổ. Ngã, vô ngã. Tịnh, bất tịnh. Hữu, vô...Đại chúng tin A Nan, không sợ sai lầm. Vì vậy, Đại chúng không nên sanh lòng lo buồn, sầu khổ. Đừng thổ lộ tánh tầm thường, tỏ ra là những người đệ tử mà chẳng hiểu Như Lai!"
Bấy giờ đại chúng dâng các phẩm vật cúng dường Như Lai. Cúng dường trai phạn xong. Tất cả đại chúng đồng hoan hỉ phát tâm Vô thượng Bồ đề. Vô lượng, vô số hằng sa Bồ tát được trụ bậc Bồ tát Sơ địa.
Đức Thế Tôn thọ ký cho Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Ca Diếp Bồ tát và Thuần Đà. Sau khi thọ ký, đức Phật dạy rằng:
Này các Thiện nam tử! Mọi người hãy tự tinh tấn tu tập, thường nhiếp niệm, định tâm, tư duy chánh pháp. Quán chiếu nội thân, ngoại vật đều là pháp "duyên sanh". Quán chiếu Như Lai thường trụ. Tam Bảo thường trụ. Không nên phóng dật trong cuộc sống.
Giờ phút này, tứ chi Như Lai nhức mỏi, lưng đau. Như Lai muốn nằm như trẻ nít, như mọi người trên đời khi có bệnh. Các Bồ tát Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử, hãy vì bốn bộ chúng mà giảng thuyết truyền đạt chánh pháp. Nay Như Lai đem hết chánh pháp giao phó cho các ông. Khi Đại Ca Diếp và A Nan đến, các ông hãy phó chúc chánh pháp như vậy.
Dặn dò xong, nhằm điều phục chúng sanh, Như Lai hiện thân có bệnh, nằm nghiêng bên tay mặt...
TRỰC CHỈ
ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN = những vấn đề CÁC ĐỆ TỬ cần HỎI PHẬT. Thực vậy, bốn mươi chín năm giáo hóa, đức Phật tiếp xúc với nhiều "hạng người", nhiều trình độ, căn cơ chủng tánh khác nhau. Nếu nói "hạng người", lúc Phật ra đời tại xứ Ấn Độ có những giai cấp: Bà la môn. Sát Đế Lỵ. Phệ Xá. Thủ Đà La. Lại còn một giai cấp người thời bấy giờ cho là "ngoại cấp" tức là giai cấp chỉ được làm nô lệ cho các cấp kia. Giai cấp đã nhiều như vậy, đương nhiên "căn cơ, trình độ" kiến thức khác hẳn nhau. Sẽ có căn cơ bậc thượng, bậc trung, bậc hạ là chuyện hiển nhiên, dù xã hội có muốn chối bỏ, trốn chạy cũng không thể được.
Nhìn bằng "đạo nhãn", đạo Phật mới phân loại "chủng tánh". Chủng tánh có nghĩa trong tánh vốn có của người đó "hiện giờ", thứ "hạt giống" nào trong con người đó có sinh lực nẩy nở sanh trưởng mạnh nhất: Hạt giống phàm phu, ngoại đạo, bất định, Nhị thừa hay Đại thừa. Phật giáo chia chủng tánh con người có thể ai đó, có một, trong năm thứ ấy.
Từ chỗ nhận xét, xếp loại về chủng tánh. Giáo lý đạo Phật xếp hạng "cỗ xe". Xe nào chuyên chở hạng người nào, hạng người nào đi xe nào, không thể đi xe khác được. Đó là vấn đề "THỪA" trong Phật giáo. Thừa trong Phật giáo có năm: Nhơn thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. Đó là "ngũ thừa Phật giáo".
Căn cứ giáo lý của năm thừa, đạo Phật còn phân ra ba THỜI: "Nhật xuất tiên chiếu", "Nhật thăng chuyển chiếu" và "Nhật một hoàn chiếu". Theo nhận định, phán đoán của Hoa Nghiêm Tôn.
Nhận định giáo lý, lại còn đòi hỏi chất liệu uyên thâm của người đệ tử Phật mới nhìn rõ và phân chất, giáo lý đó thuộc hệ tư tưởng nào trong năm hệ: "Thỉ giáo", "Chung giáo", "Tiệm giáo", "Đốn giáo" và "Viên giáo". Do vậy, học Phật phải chuyên cần, phải ứng dụng VĂN, TƯ, TU sâu sắc mới thọ dụng được hương vị vô cùng tuyệt diệu của kho tàng chánh pháp, đem đến cho con người hiệu quả GIẢI THOÁT GIÁC NGỘ ngay trong cuộc sống trên cõi đời. Nguồn giáo lý chia ra như vậy dựa trên cơ sở từ "Tiểu thừa" đến "Đại thừa". Từ "phương tiện" đến "cứu cánh". Từ "chậm lụt" đến "nhanh chóng". Từ "chưa hoàn thiện" đến "viên mãn".
Về mặt ngôn ngữ văn tự, còn có: vô tự, bán tự và mãn tự...Rõ ràng, lối thuyết pháp, giáo hóa của Như Lai Thế Tôn, hàng Thanh văn, Duyên giác không sao thấu hiểu trọn vẹn âu cũng là chuyện tất nhiên. Đến như hàng Bồ tát cũng còn phải học hỏi nhiều.
Đó là những sự kiện, những lý do: ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN để rồi đức Phật giải đáp, quyết nghi cho đại chúng ở phẩm ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN này.
Hồi này, nhắc lại duyên cớ ông Thuần Đà cúng Phật và đức Phật chỉ nhận lễ vật cúng dường của ông Thuần Đà ở phẩm thứ hai của bộ kinh này.
*Phật thì có ánh sáng, có hào quang, chân lý là như vậy. Vì Phật là "Bồ đề vô thượng", là một đức hiệu nói lên sự tích lũy, sự cô đọng của toàn bộ trí tuệ trong vô lượng vô số kiếp. Cho nên thân Phật là một khối trí tuệ, tỏa ánh sáng, phóng hào quang, nhằm nói với tất cả chúng sanh, dạy cho mọi người về ý nghĩa "phóng quang" của Phật.
Hào quang Phật phóng chiếu tới đâu thì ranh giới "cõi nước" của chư Phật không còn. Dùng Phật nhãn mà nhìn pháp giới, pháp giới "bình đẳng", "nhất chân", "bất nhị".
Dựa trên bầu pháp giới BÌNH ĐẲNG, NHẤT CHÂN, BẤT NHỊ đó mà tư duy, trong đó có: Phật tánh, pháp tánh, tăng tánh thường trụ hiện hữu khắp không gian vô tận, khắp thời gian vô cùng. Bởi lẽ: PHÁP GIỚI BẤT NHỊ đó không có chất liệu nhiễm ô. Vì vậy, nhìn đâu cũng thấy chánh pháp và Phật, nhìn đâu cũng thấy thanh tịnh Tăng.
Phật dạy cho đại chúng hãy biết: Rằng Phật vĩnh cửu trụ Niết bàn, chớ không phải giờ phút này Phật mới có Niết Bàn. Đại chúng nên tu học, phải tư duy về Như Lai, Phật. Nếu hiểu rằng, giờ phút này, tại rừng Ta La Song Thọ, đức Phật "sẽ" nhập Niết Bàn.. Đó là hiểu biết của hạng bạc địa phàm phu và hàng Tỳ kheo tân phát ý với chủng tử Nhị thừa. Sự đến đi của Như Lai giống như sự đến đi của một lương y vô thượng xuất hiện ở một vùng mà nhiều người mắc phải dịch bệnh hiểm nguy. Trị lành bệnh mọi người, lương y không hiện diện ở vùng này, không được hiểu là lương y đã chết.
Người đạt đạo, thành đạo là người:
"...Vãng lai tam giới chi tân.
"Xuất một vị tha tác tắc.."
(Người khách qua lại trong tam giới
Ẩn hiện làm gương sáng cho đời)
*Ai cũng có thể tưởng tượng được rằng: Thực phẩm trai nghi của quyến thuộc ông Thuần Đà mang chở đến, so với số khách Phật, Bồ tát mười phương đến dự, rõ là chẳng cân đối. Cung cầu chênh lệch dường nào, người dở toán nhất đời cũng biết là...không đáp ứng nổi ! Vậy mà, "do sức thần Phật", đầy đủ, viên mãn hết ! Đó là Phật muốn dạy cho đệ tử học hiểu giáo lý:
Nhất đa tương dung
Đồng thời cụ túc tương ứng
Quảng hiếp tự tại vô ngại
Chư pháp tương tức
Nhất tức nhất thiết
Nhất thiết tức nhất.."
Một và nhiều chứa đựng lẫn nhau
Trong một thực tại tương ưng đầy đủ tất cả
Rộng hẹp không ngại nhau tự tại
Trong vật này, có chất liệu vật kia, và ngược lại:
Một là tất cả
Tất cả là một...
Và:
"Mộng lý minh minh hữu lục thú
Giác hậu không không vô đại thiên..."
*Nói là "Như Lai hóa hiện". Sự thật Như Lai không "vẽ bùa", không đọc thần chú "úm ba la", không phun "phèo" để hóa hiện như những người bạc địa phàm phu tưởng tượng!
Pháp thân Tỳ lô giá na = BIẾN NHẤT THIẾT XỨ của Như Lai chứa đầy dẫy, khít khao chỗ nào cũng Phật, Bồ tát. Nhìn đâu cũng Bồ tát, Phật. Chất liệu nào thuộc loại "nhiễm ô, đau khổ, phiền muộn" thì không có trong PHÁP THÂN PHẬT.
*Khế kinh Như Lai nói có nghĩa DƯ, cũng không có nghĩa DƯ. Có nghĩa DƯ là lúc Như Lai sử dụng "phương tiện". Có nghĩa DƯ, có nghĩa là chưa trọn nghĩa.
Không nghĩa DƯ là những kinh thuộc hệ tư tưởng Đại thừa. Kinh Đại thừa Phật nói chân lý "cứu cánh", trọn nghĩa, KHÔNG DƯ.
Kinh nghĩa lý còn DƯ là kinh "bất liễu nghĩa". Kinh nghĩa lý "KHÔNG DƯ" là kinh "liễu nghĩa".
Do vậy, người đệ tử xuất gia, trưởng tử Phật có nhiệm vụ hoằng dương chánh pháp, tục diệm truyền đăng, tiếp dẫn hậu lai phải hiểu kỹ bổn sư mình. Như quan hầu cận hiểu rành rõ "mật ngữ" của nhà vua vậy.
Lúc nào Như Lai sử dụng: Thế giới tất đàn?
Lúc nào Như Lai sử dụng: Vị nhơn tất đàn?
Lúc nào Như Lai sử dụng: Đối trị tất đàn?
Lúc nào Như Lai dạy về: Đệ nhất nghĩa tất đàn?
Cuộc hành trình giáo hóa của Phật ngót năm mươi năm. Lời Phật dạy ở trong các kinh đều vận dụng "sách lược" như nhà chính trị tài ba. Vận dụng "chiến lược" như nhà quân sự thiên tài. Vận dụng "ứng bệnh dữ dược" như vị lương y vô thượng.
Cho đến lúc vai trò, nhiệm vụ hoàn thành Như lai mở kho tàng bí mật, truyền đạt tư tưởng Đại thừa Đại Niết bàn, dạy "ĐỆ NHẤT NGHĨA TẤT ĐÀN", là kinh trọn nghĩa không DƯ.
*NHẤT XIỂN ĐỀ đối với giáo lý kinh điển Phật là người bị khiển trách nặng nề. Nhưng thật ra không có cái "tự tánh xiển đề" dành cho riêng ai cả. Cũng như trong xã hội loài người, cuộc sống không có giai cấp "xì ke ma túy", mà tại người nào đó hút, chích, hít "xì ke ma túy" mà gọi là "người xì ke ma túy" vậy thôi. Ngày nọ họ "cai" tốt, không còn "hút, hít..." họ đi dạy học, bấy giờ họ là thầy giáo. Họ đi làm kế toán ngân hàng..Trong buổi chợ đời, không có người miệt khinh tam bảo, phỉ báng chánh pháp, làm điều ác đức. Sát, đạo, dâm, vọng...thì cái từ "NHẤT XIỂN ĐỀ" không có. Hoặc từ trước đến nay, từng làm những điều tội ác thành NHẤT XIỂN ĐỀ rồi. Nhưng bất chợt trong một dịp tình cờ, văng vẳng tai nghe được một câu kinh của ai đó, giảng nói chánh pháp Đại thừa. Nghe rồi tâm đắc, tìm tòi, học hỏi, tu tập theo chánh pháp, hộ trì chánh pháp, lúc bấy giờ, người nhất xiển đề này không là "nhất xiển đề" nữa ! Họ là Bồ tát trên đời, vì họ đã đổi đời, như thầy giáo và cô kế toán ngân hàng kia.
*Phạm giới hay phá giới, đỉnh cao tột tội lỗi của nó là biến con người sai phạm trở thành người NHẤT XIỂN ĐỀ. Nhất xiển đề còn có cơ hội "quay về", xoá sạch dấu vết "nhất xiển đề". Đối với người lỡ phạm giới hoặc "thất trận" mà phá giới, Phật dạy CỨU ĐƯỢC, với điều kiện kèm theo. Bởi vì, giáo lý Phật dạy rõ rằng:
"Tội tánh bổn không do tâm tạo
"Tâm nhược diệt thời, tội diệc vong
"Tội vong tâm diệt, lưỡng câu không
Thị tắc danh vi chân sám hối..."
Tội do tâm khởi, do tâm diệt
Tâm đã diệt rồi tội sạch trong
Tội vong tâm diệt cả hai không
Được vậy gọi là người chân sám hối
*Học Phật, học giáo lý Tiểu thừa chưa đủ. Phải học giáo lý Đại thừa mới đủ.
Học giáo lý bán tự chưa đủ, phải học giáo lý mãn tự mới đủ
Học chín bộ kinh chưa đủ, phải học mười hai bộ kinh mới đủ
Học rất nhiều các khế kinh khác chưa đủ. Phải học hệ tư tưởng Đại thừa liễu nghĩa mới đủ.
Học Đại thừa liễu nghĩa cũng chưa đủ trọn vẹn, phải học hệ tư tưởng tối thượng Đại thừa của thời PHÁP HOA và ĐẠI NIẾT BÀN mới hoàn toàn viên mãn
*Một số người trong đại chúng, trước Phật tỏ vẻ buồn bã thương tiếc việc Phật sắp nhập Niết bàn. Họ trịnh trọng dâng món ngon vật lạ Phật dùng trước khi chết. Như Lai thương xót họ lắm, Như Lai không thể nói nên lời. Nhưng Như Lai không nhận đồ ăn của họ.
*Các Đại Bồ tát như Đại Trí Văn Thù, Đẳng Quán Bồ tát, Bất Đẳng Quán Bồ tát...thì quá rõ Như Lai:
"Tỳ da thành lý bất tằng sanh
"Ta la thọ gian bất tằng diệt
Tuy nhiên, vì giáo hóa chúng sanh, Như Lai vẫn phải hành động như mọi người đời. Như Lai đau, Như Lai bị nhức mỏi, Như Lai muốn trở mình, nằm nghiêng bên mặt...Bởi vì Như Lai đang đóng vai trò "NGƯỜI TU MẪU" cho cửu giới chúng sanh ./.