- Phẩm 1: TỰA
- Phẩm 2: THUẦN ĐÀ
- Phẩm 3: AI THÁN
- Phẩm 4: TRƯỜNG THỌ
- Phẩm 5: KIM CANG THÂN
- Phẩm 6: DANH TỰ CÔNG ĐỨC
- Phẩm7: TỨ TƯỚNG
- Phẩm 8: TỨ Y
- Phẩm 9: TÀ CHÁNH
- Phẩm 10: TỨ THÁNH ĐẾ
- Phẩm 11: TỨ ĐẢO
- Phẩm 12: NHƯ LAI TÁNH
- Phẩm 13: VĂN TỰ
- Phẩm 14: ĐIỂU DỤ
- Phẩm 15: NGUYỆT DỤ
- Phẩm 16: BỒ TÁT
- Phẩm 17: ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN
- Phẩm 18: HIỆN BỆNH
- Phẩm 19: THÁNH HẠNH
- Phẩm 20: PHẠM HẠNH
- Phẩm 21: ANH NHI HẠNH
- Phẩm 22: QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT
- Phẩm 23: SƯ TỬ HỐNG
- Phẩm 24:
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông
PHẨM THỨ TƯ
TRƯỜNG THỌ
* Phật dạy: Nầy các thầy Tỳ kheo ! Đối với Như Lai, "Tất cả các pháp bổn tánh không tịch". Đó là kết quả của sự tu hành trải qua vô lượng kiếp mà nên. Tuy nhiên, trên đường hóa độ chúng sinh, không phải vậy. Về giới luật, thiền định và trí tuệ học, các thầy còn có chỗ nghi ngờ chưa quyết thì đem ra hỏi, Như Lai sẽ giải thích cho. Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông
PHẨM THỨ TƯ
TRƯỜNG THỌ
Các Tỳ kheo thành phần A La Hán, tự thấy trí tuệ nhỏ nhoi, không đủ trình độ đặt vấn đề hỏi Phật. Mọi người có ý nghĩ: Pháp Phật thậm thâm vi mật, truyền dạy cho Bồ tát, thì mới bảo tồn kiên cố, mới có khả năng truyền bá ở đời, lợi lạc chúng sinh.
* Bấy giờ có vị Bồ tát họ Đại Ca Diếp, giòng Bà la môn, từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo bên hữu, cung kính nhiễu Phật, rồi quỳ gối chấp tay hỏi Phật qua bài kệ:
Làm sao được trường thọ ?
Thân Kim Cang không hoại ?
Nên tạo nhân duyên gì
Để được sức kiên cố ?
Làm gì ở kinh nầy
Để được đến bờ kia ?
Xin Phật mở kho tàng
Vì chúng sinh dạy rõ!
Làm sao được rộng lớn
Làm y chỉ chúng sinh
Làm sao biết thiên ma
Để làm chúng khiếp sợ?
Lời Phật, lời Ma Ba tuần
Làm sao phân biệt biết?
Thế nào các Bồ tát
Thấy được tánh khó thấy?
Nghĩa mãn tự bán tự
Phải hiểu như thế nào?
Làm sao ở đời trược ác
Chẳng ô nhiễm như hoa sen
Thế nào ở trong phiền não
Mà phiền não chẳng nhiễm ?
Như y sư trị bệnh
Không bị bệnh truyền lây ?
Con nay thỉnh Như Lai
Vì các hàng Bồ tát
Diễn nói pháp thậm thâm
Thế nào tất cả pháp
Đều có tánh an lạc
Cúi xin đấng Thế Tôn
Phân biệt dạy chúng con.
Phật khen Ca Diếp Bồ tát. Lời hỏi của ông có giá trị như người được Nhất thiết trí. Lúc Như Lai mới thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội bồ đề cũng có vô số Bồ tát đến hỏi ta như vậy.
Này Ca Diếp Bồ tát ! Hãy lóng nghe ! Như Lai sẽ vì ông mà nói về nghiệp nhân trường thọ của một Bồ tát.
Phàm có hạnh nghiệp, có thể làm nhân cho quả Vô Thượng Bồ đề thì thành tâm nghe kỹ và lãnh thọ giáo nghĩa đó. Tự mình lãnh thọ rồi truyền dạy cho người khác để nhiều người được lợi lạc. Do tu tập hạnh nghiệp ấy mà Như Lai được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nay lại vì mọi người nói rộng ý nghĩa ấy.
Muốn thực hiện sâu rộng nghiệp nhân trường thọ, Bồ tát phải:
Phát tâm đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, hộ niệm tất cả chúng sinh, như thương con ruột của mình.
Dạy cho tu tập pháp ngũ giới, thập thiện.
Những chúng sinh bị khổ ba đường ác, cứu độ cho được ra.
Giải thoát cho người chưa giải thoát.
Người chưa giác ngộ dạy cho pháp tu tỉnh thức.
Do tu các nghiệp nhân như vậy mà Bồ tát được "thọ mạng lâu dài", trí tuệ tự tại.
Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: Theo con nghĩ, Thế Tôn không nên nói Bồ tát đối với tất cả chúng sinh tâm bình đẳng xem đồng như con. Vì trong Phật pháp có người phá giới, có kẻ phạm tội nghịch, có người hủy báng chánh pháp.....với hạng người như vậy làm sao xem đồng như con ?
Phật dạy: Như Lai đối với chúng sinh ấy xem đồng như con, như La Hầu La. Cho đến người hủy báng chánh pháp, hàng nhứt xiển đề, hoặc những kẻ tà kiến....Như Lai đều thương xót như con. Như Lai không giống các quốc vương, bầy tôi phạm pháp cứ theo tội mà tru lục.
Ca Diếp ! Nên biết, Như Lai là người ban bố vô úy bình đẳng cho chúng sinh. Như Lai phóng ra một, hai, hoặc năm tia sáng, kẻ nào gặp đều xa lìa tất cả điều ác. Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, nơi nào có Tỳ kheo trì giới, đầy đủ oai nghi hộ trì chánh pháp, thấy được hoại pháp thì quở trách trừng trị. Vị Tỳ kheo ấy được phước báo vô lượng. Đó chính là đệ tử của Như Lai, đích thực là Thanh Văn. Nếu thấy lỗi mà bỏ qua, vị Tỳ kheo nầy là người góp phần làm bại hoại Phật pháp.
Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Như lời Phật vừa dạy, e là không bình đẳng, xem tất cả chúng sinh như con. Bạch Thế Tôn ! Giả sử có người cầm dao với ý đồ hảm hại Phật, lại có người đem nước chiên đàn thoa thân Phật. Nếu sử dụng tâm bình đẳng lẽ ra hai người đều phải được xem là người tốt, cớ sao lại bảo rằng phải trừng trị kẻ phạm luật nghi ? Nếu trừng trị kẻ phạm luật nghi thì lời dạy kia có lỗi."
Phật nói: Như Quốc vương có bốn người con trai khôi ngô, thông minh sáng suốt, đem giao cho giáo sư dạy dỗ và dặn rằng: Thầy gắng dạy cho chúng được toàn vẹn tài đức. Nếu chúng ngỗ nghịch, thầy phải nghiêm trị, dầu ba đứa bị đòn chết, còn một đứa được nên, nhà vua cũng vui lòng.
Này Ca Diếp ! Cha và thầy của các trẻ có phải tội ác và sát sanh chăng?
Ca Diếp Bồ tát thưa: "Bạch Thế Tôn ! Không. Vì lòng thương, muốn cho các trẻ được nên, chớ chẳng phải ác tâm. Dạy dỗ như thế được phước vô lượng".
Phật nói: "Cũng vậy, Như Lai đối với kẻ phạm pháp xem đồng như con. Nay Như Lai đem chánh pháp vô thượng phó chúc cho vua, đại thần, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Các vua quan và bốn bộ chúng phải nên khuyên răn, khích lệ những người phát tâm tu học, khiến được tăng thượng giới, định, tuệ và nên nghiêm khắc dạy bảo những người lười biếng, phá giới, hủy hoại chánh pháp, lơ là đối với pháp tam vô lậu học".
Này Ca Diếp ! Như vậy các vua quan, bốn bộ chúng có mắc tội chăng
Ca Diếp Bồ tát thưa: "Bạch Thế Tôn ! Không".
Phật nói: "Các vua quan và bốn bộ chúng còn không tội, huống là Như Lai.
Này Ca Diếp ! Như Lai khéo tu đức bình đẳng, xem các chúng sinh đồng là con. Tu như vậy gọi là Bồ tát tu tâm bình đẳng, với các chúng sinh xem đồng là con. Bồ tát tu tập hạnh nghiệp bình đẳng nầy được thọ mạng lâu dài, khéo biết những việc đời trước.
Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Như Lai chẳng nên dạy như thế ! Bồ tát tu tâm từ bình đẳng lẽ ra không đoản thọ, được thọ mạng lâu dài, biết được túc mạng thường ở nơi đời. Nay do duyên cớ gì, Thế Tôn thọ mạng rất ngắn, chẳng khác người thế tục trần gian ? Hay Như Lai oán ghét chi chúng sinh ? Ngày trước Như Lai làm nghiệp ác gì, mà mắc báo đoản thọ sống không đầy trăm tuổi ?"
Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: "Nay duyên cớ gì ông nói lời thô trước Như Lai như thế ? Như Lai trường thọ hơn hết trong các tuổi thọ. Như Lai được pháp thường trụ hơn hết trong các pháp thường trụ." Các ông cần phải học !"
Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Đức Như Lai thọ mạng dài lâu như thế nào ?"
Phật nói: Ví như tám con sông: sông Hằng, sông Diêm Ma La, sông Tát La, sông A Lợi La, sông Ma Ha, sông Tân Đầu, sông Bác Xoa, sông Tát Da. Tám con sông này cùng các sông nhỏ đều chảy vào biển lớn.
Cũng vậy, tất cả con sông thọ mạng của người, của trời đất, của hư không, đều vào trong biển thọ mạng của Như Lai. Vì vậy nên thọ mạng của Như Lai vô lượng, vô cùng.
Ví như ao A Nậu chảy ra thành bốn con sông lớn. Cũng vậy, ở trong các pháp thường trụ, Như Lai là đệ nhứt.
Phật dạy: Ca Diếp ! Đối với Như Lai, ông không nên có quan niệm diệt tận. Hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni,Ưu bà tắc, Ưu bà di vẫn có thể sống lâu trăm tuổi hoặc hơn trăm tuổi. Hàng ngoại đạo có được ngũ thông, hạng luyện đơn, chế thuốc tu tiên, họ vẫn có thể kéo dài mạng sống ngàn năm, hoặc vạn năm tùy ý. Như Lai có sức tự tại, Như Lai là vua của các pháp, há lại không thể trụ thế một kiếp hoặc hơn một kiếp hay sao ?
Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Nếu thọ mạng của Như Lai dài lâu như vậy, Như Lai ở nơi đời hoặc một kiếp hoặc ít hơn để thường tuyên diệu pháp, như tuôn mưa lớn".
Như Lai là pháp thường trụ chẳng biến đổi, thân Như Lai là thân biến hóa chẳng phải thân tạp thực. Vì độ chúng sinh nên thị hiện có sinh có diệt. Vì độ chúng sinh nên thị hiện bỏ thân mà nhập Niết bàn.
Ông nên biết, Phật là pháp thường trụ, không biến đổi. Ở trong đệ nhất nghĩa này, các ông phải nên siêng năng tinh tấn nhất tâm tu học. Mình đã tu học và vì người khác mà giảng nói.
Ca Diếp Bồ tát thưa: "Có sự sai khác gì giữa xuất thế pháp cùng thế pháp ? Như lời Phật dạy: Phật là pháp thường trụ, không biến đổi. Người đời cũng nói Phạm Thiên là thường, Tự Tại Thiên là thường. Họ cũng nói Ngã là thường, Tánh là thường và vi trần cũng là thường, tất cả đều không biến đổi.
Nếu nói Như Lai là pháp thường trụ, cớ sao Như Lai chẳng thường hiện nơi đời ? Có khác gì nghĩa thường của thế gian ? Vì Phạm Thiên nhẫn đến vi trần cũng chẳng thường hiện ở nơi đời.
Phật bảo Ca Diếp: Phàm phu dầu có pháp lành nhưng đều là pháp thừa của Như Lai. Sau khi Thế Tôn nhập Niết bàn, họ trộm pháp lành thừa của Như Lai, hoặc giới, hoặc định, hoặc tuệ nhưng không có phương tiện nên chẳng giải quyết được, họ không thể được thường giới, thường định, thường tuệ và giải thoát. Vì mong được giải thoát, hạng phàm phu nói Ngã, hoặc Phạm Thiên, Tự Tại Thiên, Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng chính là Niết bàn, kỳ thật họ chẳng được giải thoát Niết bàn.
Hạng phàm phu có chút ít phạm hạnh, cúng dường cha mẹ nên được sanh lên trời hưởng một ít an lạc. Mà thật chẳng biết được giới, định, tuệ, quy y tam bảo rồi do chẳng biết mà nói thường, lạc, ngã, tịnh. Dầu nói thường, lạc, ngã, tịnh mà thật ra họ chẳng biết. Vì thế nên sau khi ra đời, Như Lai vì chúng sinh diễn nói thường, lạc, ngã, tịnh.
Này Ca Diếp ! Như Lai là thường, là pháp không biến đổi. Chẳng đồng hạng với người ngu trong đời gọi Phạm Thiên.v .v...là pháp thường còn. Gọi là pháp thường trụ phải là Như Lai chớ chẳng phải pháp nào khác. Ca Diếp ! Ông phải hiểu thân Như Lai là như vậy.
Này Ca Diếp ! Mọi người nên thường xuyên tu học hai chữ: Phật là THƯỜNG TRỤ.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào tu hai chữ nầy, người ấy đi theo đường Phật đi, đến chỗ Phật đến.
Này Ca Diếp ! Nghĩa Niết bàn chính là pháp tánh mà chư Phật nói.
Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: "Pháp tánh của chư Phật nghĩa thế nào ? Mong đức Như Lai giải rộng cho. Theo con hiểu: Pháp tánh có nghĩa là phải xả bỏ sắc thân. Đã xả bỏ sắc thân tức là vô sở hữu, nếu vô sở hữu thì thân không còn. Thân nếu còn tại sao lại nói thân có pháp tánh ? Thân có pháp tánh sao thân lại còn ?
Phật dạy: "Ca Diếp ! Ông chẳng nên nói diệt mới là pháp tánh. Pháp tánh không có diệt.
Ví như Vô Tưởng Thiên thành tựu sắc ấm mà không có sắc tướng. Chẳng nên hỏi các ông trời ấy sung sướng hưởng vui thế nào? Nghĩ tưởng những gì?
Này Ca Diếp ! Cảnh giới của Như Lai chẳng phải chỗ biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Chẳng nên nói thân của Như Lai là pháp diệt. Ông không nên nghĩ Như Lai ở chỗ nào, đi chỗ nào, thấy, vui, chỗ nào ? Pháp thân của Phật, các thứ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải điều mà các ông biết được.
Này Ca Diếp ! Nên tu tập Phật, Pháp và Tăng mà quán tưởng là thường. Ba pháp ấy không có dị tưởng, không vô thường tưởng, không biến dị tưởng. Đó là tu đúng chánh giáo. Nếu ở nơi ba pháp, tu dị tưởng, phải biết rằng pháp tam quy thanh tịnh của những người này bị lệch lạc chánh pháp, cấm giới của họ chẳng viên mãn. Họ chẳng chứng được quả Thanh Văn, Duyên Giác Bồ đề. Nếu có thể ở nơi ba pháp bất khả tư nghì này, tu thường tưởng thì có chỗ quy y.
Này Ca Diếp ! Ví như nhơn nơi cây mà có bóng cây. Cũng vậy, vì Như Lai có pháp thường trụ nên có chỗ quy y. Nếu cho rằng Như Lai là vô thường thì Như Lai không phải là chỗ quy y. Nếu cho rằng Như Lai là vô thường thì Như Lai không phải là chỗ quy y của người trời.
Ca Diếp Bồ tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn ! Ví như trong tối có cây mà không có bóng !"
Phật nói: "Ca Diếp! Ông không nên nói có cây mà không có bóng, chỉ vì nhục nhãn nhìn thô thiển nên không thấy đó thôi.
Cũng vậy, tánh Như Lai là thường trụ, không biến đổi. Người không có con mắt trí tuệ không thấy được, như trong bóng tối không thấy bóng cây. Cũng vậy, sau khi Phật nhập diệt, hạng phàm phu nói Như Lai là vô thường.
Nếu cho rằng Phật khác với Pháp và Tăng, chẳng thành chỗ của ba pháp quy y. Như cha mẹ của ông mỗi mỗi sai khác, nên thành vô thường".
Ca Diếp Bồ tát lại bạch Phật: "Từ nay, con sẽ đem ba pháp thường trụ: Phật, Pháp, Tăng để khai ngộ cho cha mẹ, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đều khiến phụng trì.
Bạch Thế Tôn ! Nay con phải học Phật, Pháp, Tăng bất khả tư nghì. Tự mình học rồi lại sẽ vì người mà giảng giải những nghĩa ấy. Người nào không tin tưởng không nhận được, vì họ đã tu pháp vô thường từ lâu, con sẽ làm sương móc, mưa giá cho hạng người này".
Phật khen Ca Diếp Bồ tát: "Lành thay ! Lành thay ! Nay ông khéo có thể hộ trì chánh pháp. Hộ pháp như vậy là không khinh khi người. Do nơi nghiệp nhơn không khinh khi người mà được quả báo trường thọ.
TRỰC CHỈ
Phẩm kinh nầy có nhan đề TRƯỜNG THỌ. Phật dạy phẩm TRƯỜNG THỌ, nhưng không phải là dạy cho con người dưỡng sinh, tập luyện cách nào đó để được sống lâu. Bởi vì giáo lý của đạo Phật nhận thức về con người, cái "tối linh ư vạn vật" nói chung, "tối linh ư động vật" nói riêng, không phải ở nơi sự sống dài hay sống ngắn, ở nơi ít tuổi hay cao tuổi và sự so sánh ít năm hay nhiều năm.
Những cụm từ đó, đối với đệ tử Phật, có học đạo, hành đạo và chứng đạo, nó không có giá trị cao siêu hay một sự vui mừng, hãnh diện gì hết. Cho nên, người Phật tử với vấn đề tử sinh, sinh tử là chuyện "tùy thuận", không cầu nguyện, không khấn vái van xin mà cũng không cần có ý chối bỏ hay trốn chạy sự sống.
Tiêu chỉ mà đạo Phật đặt ra đối với con người là:
Sống một đời sống đáng sống
Sống có an lạc và hạnh phúc
Sống có tự tại và khinh an
Sống có phước đức và trí tuệ
Sống có Bồ đề, Niết bàn hữu thượng và vô thượng.
Hiện thực được những tiêu chỉ đó là đạt mục đích yêu cầu của đời sống đáng sống của con người.
Đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội có xác "con rùa thuộc" to tướng, dài hơn một thước tây. Nhà sinh vật học cho biết con rùa ấy sống 500 năm tuổi, tính theo tuổi thọ con người "trường thọ" 500 tuổi, thế mà chẳng thấy ai gọi dù là một tiếng "Ông rùa" giữa cảnh ngựa xe như nước, áo quần như nêm của cố đô Thăng Long nghìn năm văn vật !
TRƯỜNG THỌ đức Phật dạy cho Bồ tát Ca Diếp là sự trường thọ với không gian, với thời gian. Là Bồ tát phải tu học cái nhân trường thọ. Phải phát tâm đại từ, đại bi, mở rộng lòng đại hỉ, đại xả. Phải vun bồi tự giác cho mình, phải huấn đạo tha giác cho chúng sinh. Đem giới, định, tuệ mà truyền trao cho mọi người. Dẫn dụ mọi người quay về với Phật, với Pháp, với Tăng. Gieo trong lòng mọi người hạt giống giác ngộ, giải thoát. Đó là việc làm của Bồ tát hạnh. Việc làm đó phù hợp chân lý. Tu như vậy gọi là "xứng tánh khởi tu". Làm như vậy gọi là "tùy thuận pháp tánh". Đó chính là Bồ tát vun bồi, xây dựng cái nhân "trường thọ" để rồi thọ dụng cái quả "trường thọ" vĩnh cửu với không gian vô tận, thời gian vô cùng.
TRƯỜNG THỌ mà đức Phật dạy: Là Bồ tát phải tu học rằng: Hiện tượng vạn pháp xưa nay bản tánh của nó RỖNG RANG và VẮNG LẶNG, không có lẫn lộn chất liệu nhiễm ô.
TRƯỜNG THỌ mà Bồ tát phải tu học là: Thọ mạng của Như Lai trường thọ hơn hết trong tất cả trường thọ. Sự trường thọ của vạn pháp ví như sông ngòi. Trường thọ của thọ mạng Như Lai ví như tất cả đại dương hợp lại.
TRƯỜNG THỌ Bồ tát Ca Diếp phải học là: Phật thường trụ, Pháp thường trụ, Tăng thường trụ. Vì tánh của tam bảo là tánh thanh tịnh bản nhiên vốn không có khởi điểm và cũng không có cuối cùng.
TRƯỜNG THỌ mà Bồ tát phải tu học là: Không được hiểu thân Như Lai là thân tạp thực, có ăn uống, có đi đứng, nằm ngồi. Thân có đi, đứng nằm ngồi, có ăn uống, chỉ là ứng thân Phật vì lợi ích chúng sinh mà thị hiện.
Điều quan trọng cuối cùng, đức Phật dạy Ca Diếp Bồ tát, rằng: Muốn hiểu Phật, phải tu học PHÁP THÂN NHƯ LAI. Tu học PHÁP THÂN NHƯ LAI mới hiểu được thọ lượng của Như Lai. Hiểu được thọ lượng của Như Lai mới hiểu được giá trị thế nào là "trường thọ" của cái từ TRƯỜNG THỌ mà Như Lai đinh ninh dạy bảo.
TRƯỜNG THỌ mà Như Lai dạy ở đây phải được hiểu là: THƯỜNG TRỤ. Phật thường trụ, Pháp thường trụ, Tăng thường trụ, Pháp thân thường trụ. Như Lai thường trụ. Niết bàn thường trụ. Tam bảo thập phương thường trụ. Bởi vì chân lý của vạn pháp trong vũ trụ LOẠN KHỞI LOẠN DIỆT như hoa đốm trong hư không. Mà hư không thì không có sinh, không có diệt!
Đừng đau đớn gì hết! Đừng xót thương gì hết ! Như Lai sắp nhập Niết bàn mà tỏ vẻ xót thương đau đớn là những người đệ tử chỉ có nhục nhãn và nhìn Như Lai bằng cái nhục nhãn khốn khổ của chính mình. Là Bồ tát hãy sử dụng tuệ nhãn mà chiêm ngưỡng Như Lai.
"Nhất thiết pháp bất sanh
"Nhất thiết pháp bất diệt
"Nhược năng như thị giải
"Chư Phật thường hiện tiền
"Hà khứ lai chi hữu…"
Bồ tát Ca Diếp hứa trước Phật, rằng mình sẽ nổ lực phấn đấu tu học, rằng mình sẽ truyền đạt cho mọi người lời dạy của Phật. Rằng TRƯỜNG THỌ đồng nghĩa với chân lý của vạn pháp là THƯỜNG TRỤ. Phật không dạy cách "trường thọ" để kiếm chác thêm dăm ba mươi tuổi nữa...../.