Phẩm 3: AI THÁN

Sunday, 18 August 202410:19 AM(View: 80)
Phẩm 3: AI THÁN
ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG
Từ phẩm I đến phẩm XXIII
Pháp Sư Thích Từ Thông

PHẨM THỨ BA
AI THÁN

* Cuộc tranh luận trao đổi chấm dứt. Ông Thuần Đà và Bồ tát Văn Thù cùng lo sắm sửa trai nghi phẩm vật dâng cúng Phật và đại chúng.

Bấy giờ đại chúng cùng có cảm giác "rúng động sáu thứ", đất như chuyển, trời như xoay, toàn thân rợn ốc, sợ hãi và lo buồn. Có lẽ, đây là điềm Như Lai sắp nhập Đại Niết Bàn.

Đại chúng cùng có một ý nghĩ buồn khổ tiếc thương qua bài kệ:


Cúi đầu lạy Thế Tôn
Chúng con đồng khuyến thỉnh
Phật ở lại nơi đời
Chúng con mà xa Phật
Ai giáo đạo chúng con
Như Lai nhập Niết bàn
Chúng con chìm bể khổ
Nghé con mà mất mẹ
Sầu khổ kể sao cùng
Nguyện Thế Tôn thương xót......

Bạch Thế Tôn ! Ví như quốc vương sanh các vương tử diện mạo khôi ngô, ngoan hiền, thông minh, vua rất yêu, dạy cho nghề văn nghiệp võ rồi sai người giết chết, thật là đáng thương. Phật thương chúng con, dạy dỗ chúng con, dạy dỗ chúng con vừa đủ chánh kiến, Như Lai vội nhập Niết bàn rời bỏ chúng con có khác nào các vương tử bị đem đi giết ! Chúng con mong Phật ở luôn nơi đời.

Bạch Thế Tôn ! Ví như Y vương hiểu rành các phương thuốc, đem phương bí truyền dạy riêng con mình, không dạy cho các trò khác. Như Lai đem tạng Pháp thậm thâm bí mật dạy riêng cho Văn Thù Sư Lợi mà chẳng thương, chẳng dạy cho chúng con, như ông thày thuốc kia vì lòng còn riêng tư, thân sơ nên dạy không bình đẳng, rộng rãi, chỉ dạy cho con mình môn bí phương mà không dạy cho các trò khác. Như Lai hẳn không có lòng thân sơ, thiên vị, tại sao chẳng dạy dỗ chúng con ? Ngửa mong đức Phật ở lâu nơi đời chớ vội nhập Niết bàn.

Bạch Thế Tôn ! Ví như có người học giỏi các bộ luận rồi lại sanh lòng sợ các bộ luận ấy. Đức Như Lai thông đạt các pháp mà lại sợ các pháp. Nếu Như Lai ở luôn nơi đời giảng "pháp cam lộ" cho chúng con được thấm nhuần đầy đủ thì chúng con không còn sợ phải bị sa vào địa ngục nữa ! Cúi mong Thế Tôn ở lại nơi đời !

Phật bảo các thầy Tỳ kheo: Các thầy đừng sầu thảm, thương khóc như hàng trời, phàm phu kia. Các thầy phải siêng năng tinh tấn, giữ vững chánh niệm. Nghe Phật nhắc nhở, trời người, bát bộ chúng nén lòng và thôi khóc.

* Đức Thế Tôn dạy: Nầy các thầy Tỳ kheo ! Nếu trong đại chúng, còn chỗ nào nghi ngờ thì nên bạch hỏi. Đối với những pháp:

Không, bất không.
Thường, vô thường.
Khổ, phi khổ.
Y, phi y.
Khứ, bất khứ.
Qui, phi qui.
Hằng, phi hằng.
Đoạn, phi đoạn.
Chúng sinh, phi chúng sinh.
Hữu, vô hữu.
Thực, phi thực.
Chơn, phi chơn.
Diệt, bất diệt.
Mật, bất mật.

Nhị, bất nhị .v.v....nếu còn chỗ nghi ngờ, nên hỏi. Như Lai sẽ giải rõ cho. Như Lai dạy pháp cam lồ cho các thầy rồi sau mới nhập Niết bàn.

* Này các thầy Tỳ kheo! Phật ra đời khó gặp. Thân người khó được. Được thân người, được gặp Phật lại có được tín tâm, đầy đủ giới hạnh, chứng quả A La Hán lại là việc khó hơn nhiều.

Này các thầy Tỳ kheo ! Thành báu chánh pháp trang nghiêm, đầy đủ các thứ công đức trân bảo. Giới, định, tuệ làm tường thành kiên cố. Nay các thầy gặp được thành báu chánh pháp chẳng nên lượm lấy những vật vặt vảnh tầm thường như: nhà thương mại vào thành trân bảo mà chỉ lượm lấy sỏi đá rồi trở về nhà. Các thầy chớ để tâm hạ liệt, được chút ít pháp mọn mà cam tâm thỏa mãn. Dù xuất gia mà không ham mộ Đại thừa, dù được khoác áo ca sa mà tâm chưa được nhuộm màu pháp Đại thừa. Các thầy dù khất thực nhiều nơi mà chưa từng khất thực Đại thừa. Các thầy dù cạo bỏ râu tóc mà chưa vì chánh pháp cạo sạch kiết sử.

Này các thầy Tỳ kheo ! Nay Như Lai vì đại chúng hòa hợp trong pháp tánh chơn tịnh. Các thầy phải nhiếp tâm, dũng mãnh tinh tấn, dẹp bỏ các kiết sử. Đừng để khi mặt trời Phật lặn rồi, các thầy sẽ bị vô minh bao trùm trong đêm đen si mê tà kiến.

* Này các thầy Tỳ kheo ! Những cỏ thuốc trên mặt đất để cho chúng sinh dùng khi có bệnh. Pháp vị cam lồ thượng diệu, làm thuốc chữa bệnh phiền não của chúng sinh. Nay Như Lai làm cho bốn bộ chúng đều được an trụ trong bí mật, cũng ví như chữ Y, nếu ba điểm đứng chung hàng hoặc đứng ngay, hoặc khác nhau đều không thành chữ Y. Ba điểm phải như ba con mắt trên mặt Đại tự tại thiên mới thành chữ Y. Như Lai cũng vậy. Giải thoát không phải Niết bàn. Pháp thân không phải Niết bàn. Ma ha bát nhã không phải Niết bàn. Ba pháp rời ra không phải Niết bàn. Như Lai an trú ba pháp ấy. Vì chúng sinh mà nói nhập Đại Niết bàn như chữ Y trong đời.

* Bạch Thế Tôn các pháp quán vô thường, khổ, không, vô ngã, Thế Tôn khéo dạy cho chúng con thì vô thường là ưu việt hơn hết. Ví như các dấu chân thú, dấu chân voi lớn hơn hết. Vô thường quán nếu tinh tấn tu tập có thể trừ hết ái nhiễm cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, trừ hết vô minh kiêu mạn và thường tưởng.

Bạch Thế Tôn ! Nếu Như Lai đã lìa hẳn các ái nhiễm của ba cõi, của vô minh kiêu mạn và thường tưởng thì Như Lai không cần phải nhập Niết bàn mà chi ! Còn như chẳng lìa hẳn được, cớ sao Như Lai dạy cho chúng con rằng: tu vô thường quán trừ được sự ái nhiễm của ba cõi, của vô minh, kiêu mạn và thường tưởng.

Bạch Thế Tôn ! Không ai có thể khen cây chuối là cứng chắc, cũng như không ai có thể nói: ngã, nhơn, chúng sinh, thọ mạng, tác giả, thọ giả là chơn thực.

Bã xác không còn dùng được, trái trôm không có mùi thơm, thân thể con người không ngã, không chủ. Chúng con tu vô ngã quán, thấy biết rõ những điều đó. Không bao giờ có dấu chim bay trong hư không, người tu tập pháp quán vô ngã không còn các thứ kiến chấp.

Đức Phật khen: Rất tốt ! Các thầy khéo tu tập pháp quán vô ngã.

Các thầy Tỳ kheo bạch Phật: Ngoài pháp quán vô ngã, chúng con còn siêng tu các pháp: Vô thường, không, khổ và bất tịnh.

Bạch Thế Tôn ! Người say, tâm trí mê loạn thấy nhà cửa, cỏ cây, núi rừng đều xoay nghiêng đảo lộn. Không tu các pháp quán vô thường, vô ngã, khổ, bất tịnh thì không gọi là bậc hiền thánh. Vì người này nhiều phóng dật, trôi lăn trong sanh tử, khổ não, ưu bi. Vì vậy, chúng con siêng năng tu tập các pháp quán ấy.

Phật dạy các thầy Tỳ kheo: Lóng nghe ! Hãy để ý lóng nghe ! Vừa rồi các thầy nói ví dụ người say, các thầy chỉ biết danh tự mà chưa biết rõ thực nghĩa. Thế nào là thực nghĩa ? Nhà cửa, cỏ hoa, cây cối vốn không có xoay nghiêng đảo lộn. Chúng sinh bị phiền não vô minh che lấp, tâm điên đảo sinh khởi: Ngã cho là vô ngã. Thường cho là vô thường. Lạc cho là khổ. Tịnh cho là bất tịnh. Vì phiền não vô minh che lấp nên cái hiểu của phàm phu không hiểu rõ được thực nghĩa. Như người say kia cảnh vật vốn không đảo lộn mà anh ta thấy thật có đảo lộn.

NGÃ chính là thực nghĩa của PHẬT.

THƯỜNG chính là thực nghĩa của PHÁP THÂN.

LẠC chính là thực nghĩa của NIẾT BÀN.

TỊNH là thực nghĩa của PHÁP (Bát nhã ba la mật).

Do nghĩa đó, các thầy nói người có ngã thì kiêu mạn, cống cao, luân chuyển sinh tử là không đúng lý. Cũng do vậy, người tu pháp quán vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, nếu không khéo thì chỉ biết danh tự mà không có thể biết thực nghĩa.

Đây là bốn pháp đặc thắng, các thầy nên tu học.

Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, là điên đảo. Khổ cho là vui, vui cho là khổ, đó là điên đảo. Vô ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, là pháp điên đảo. Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, đó là pháp điên đảo. Mắc phải bốn pháp điên đảo, ấy là người chưa biết pháp tu chân chính.

Thế gian có thường, lạc, ngã, tịnh. Xuất thế gian cũng có thường, lạc, ngã, tịnh. Pháp thế gian có văn tự mà không có thực nghĩa. Xuất thế gian có văn tự, có thực nghĩa. Vì sao ? Vì pháp thế gian có bốn thứ điên đảo cho nên không biết thực nghĩa.

Ngoài bốn thứ điên đảo còn có tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo nữa ! Vì có ba thứ điên đảo này cho nên người thế gian ở trong thường thấy vô thường, ở trong lạc thấy khổ, ở trong ngã thấy vô ngã, ở trong tịnh thấy bất tịnh. Đấy gọi là điên đảo. Vì điên đảo nên thế gian biết văn tự mà không biết thực nghĩa.

Gì là thực nghĩa? Vô ngã gọi là sinh tử, ngã là NHƯ LAI. Vô thường là Thanh Văn, Duyên Giác. Thường là PHÁP THÂN NHƯ LAI. Khổ là tất cả ngoại đạo. Lạc là GIẢI THOÁT NIẾT BÀN. Bất tịnh là pháp hữu vi.Tịnh là BÁT NHÃ CHÁNH PHÁP của chư Phật Bồ tát. Đấy gọi không điên đảo. Vì không điên đảo nên biết văn tự, biết thực nghĩa. Nếu muốn lìa khỏi bảy thứ điên đảo thì phải biết rõ: THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH như vậy. Các thầy Tỳ kheo hỏi: Như lời Thế Tôn dạy: Rằng lìa bảy thứ điên đảo thì được rõ biết THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH. Nay Như Lai hoàn toàn không có bảy sự điên đảo thì đã biết rõ THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH. Nếu đã biết rõ rồi, cớ sao Như Lai không ở đời một kiếp hoặc nửa kiếp để dạy dỗ chúng con, cho chúng con lìa khỏi bảy sự điên đảo. Như Lai lại vất bỏ chúng con muốn nhập Niết bàn?

* Phật dạy: Các thầy Tỳ kheo đừng nói như vậy. Chánh pháp vô thượng của Phật, Như Lai đã giao phó cho Ma Ha Ca Diếp. Các thầy y chỉ nơi Ma Ha Ca Diếp mà tu học. Cũng như Quốc Vương đi xa, giao phó quốc sự cho đại thần vậy.

Các thầy nên biết: pháp tu quán vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh trước đây chưa phải là chơn thật, cứu cánh. Ví như mùa Xuân có một nhóm người chơi thuyền trong hồ lớn làm rơi viên ngọc lưu ly. Họ cùng nhau hụp lặn tìm ngọc. Đến lúc đem lên khỏi nước mới rõ là không phải, ngọc lưu ly vẫn còn dưới nước. Lúc nước hồ đứng trong, nhóm người lại nhìn thấy viên ngọc. Có một người trí, tìm cách khéo, chậm rãi lặn xuống vớt được ngọc thật.

Các thầy chớ lầm tưởng: Quán vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh là tu pháp thực nghĩa. Nó cũng như nhóm người lặn xuống nước lượm nhằm đá sỏi mà tưởng là ngọc vậy. Các thầy phải khôn khéo như người khôn khéo kia. Phải luôn luôn tu tập: THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH và phải tỉnh thức chánh niệm: Rằng từ trước đến nay, tu pháp quán vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh là tu pháp điên đảo!

* Các thầy tỳ kheo hỏi: Sao trước đây Thế Tôn dạy chúng con tu pháp vô ngã ? Rằng tu pháp vô ngã xa lìa chấp ngã, lìa chấp ngã thì lìa kiêu mạn, lìa kiêu mạn thì được Niết bàn, nghĩa ấy thế nào ?

Phật dạy: Nầy các thầy Tỳ kheo ! Ví như Quốc Vương kém sáng suốt tin dùng một y sư vụng về, tính tình cao ngạo. Trị bịnh gì cũng thuần dùng sữa để làm thuốc, lại thêm không biết căn do của bịnh. Dầu biết dùng sữa mà chẳng hiểu rành sữa tốt, xấu, lành hay không lành. Một hôm, từ phương xa đến, một minh y hiểu rành chín cách trị bịnh, thông thạo các phương, trị bịnh rất giỏi. Kết thân, làm người hầu hạ, tôn cựu y làm thầy. Do đó được vào yết kiến Quốc vương. Sau đó, hướng dẫn Quốc vương cách sử dụng thuốc và nghệ thuật trị bịnh.....

Bấy giờ Quốc vương tỉnh ngộ xét biết cựu y là hạng vụng về mà cao ngạo, liền biếm truất, trọng dụng minh y. Minh y yêu cầu Quốc vương cấm uống thuốc sữa của cựu y vì thuốc ấy độc hại làm tổn thương người bịnh. Quốc vương chuẩn tấu ra lệnh cấm hẳn, nếu ai dùng thuốc sữa sẽ bị nghiêm trị. Minh y theo phương bào chế, tùy bịnh cho thuốc. Dân chúng có bịnh nhất nhất trị lành.

Ít lâu sau, Quốc vương bịnh nặng, truyền mời minh y đến điều trị. Sau khi định bệnh biết rằng Quốc vương cần phải dùng thuốc sữa. Minh y tâu rằng: Ngày trước tôi yêu cầu cấm dùng sữa để làm thuốc, đó chưa phải là ý hay tuyệt đối có tính cố định. Nay nhà vua đang mắc phải bịnh nóng, chính là lúc nên dùng thuốc sữa để trị ắt bịnh sẽ được lành.

Vua bảo: Có lẽ ông điên cuồng, loạn óc rồi, mới nói rằng uống sữa trị được bệnh của ta ! Cựu y dùng sữa ông bảo là độc. Yêu cầu biếm truất và cấm hẳn. Nay trở lại nói sữa là tốt, hay, trị được bệnh? Ông muốn khi dối ta ư ? Cứ theo lời ông nói thì cựu y có thể hơn ông rồi !

Minh y tâu vua: Như mối ăn gỗ ngẫu nhiên thành chữ. Con mối tự nó không biết là chữ hay không phải chữ. Người trí xem thấy, không bao giờ tuyên nói rằng con mối biết chữ và cũng không lấy làm lạ. Cựu y không rõ căn bệnh, bệnh gì cũng dùng thuần sữa để trị, lại không biết sữa là tốt hay xấu, lành hay không lành.

Vua nói: Xin ông giải thích cho ta rõ.

Minh y tâu: Thuốc sữa cũng là độc hại, cũng là cam lồ. Nếu bò cái không ăn bã hèm, cỏ úng thì bê con khỏe mạnh. Cho bò ăn không thả ở cao nguyên có nhiều đồng khô, cũng không cho ăn chỗ cỏ úng đầm lầy, nước uống trong sạch và không cho chung bầy với bò đực, cho ăn uống vừa chừng, phải cách, sữa của bò nầy trị được nhiều bệnh gọi đó là cam lồ. Không được vậy, các thứ sữa khác thì có thể trở thành độc tố.

Nghe minh y giảng giải, vua khen: Nay ta mới rõ thế nào là sữa tốt, thế nào là xấu, lành hay không lành.

Sau khi được uống sữa, vua lành bệnh. Vua liền truyền lệnh cho dân chúng được dùng sữa để trị bệnh. Dân chúng không vừa lòng thái độ bất nhất của nhà vua, liền hội đến hoàng triều để cật vấn.

Quốc vương bảo dân chúng: Mọi người không nên oán trách ta. Thuốc sữa nên uống hay không nên uống, đều là ý của y sư không phải lỗi của ta.

Dân chúng vui lòng, tuân lời minh y dùng thuốc sữa tốt trị bệnh, được nhiều kết quả vượt hơn ý mong muốn ban đầu.

Các thầy nên biết: Ngoại đạo nói ngã như mối ăn cây ngẫu nhiên thành chữ. Vì thế trong Phật pháp, Như Lai nói vô ngã để điều phục chúng sinh và vì có nhân duyên Như Lai nói có ngã như minh y biết rõ sữa nên thuốc hay không nên thuốc. Ngã mà Như Lai nói, chẳng phải như chấp ngã của phàm phu hiểu. Phàm phu chấp ngã hoặc lớn bằng ngón tay cái hoặc nhỏ như hạt đậu, hoặc bé xíu như vi trần. Ngã của Như Lai nói không phải như vậy. Thế nên Như Lai nói các pháp không ngã mà chính thực không phải là không ngã.

Thế nào là chính thực ? Nếu pháp là chính thực, là chơn, là thường, là chủ tể, là sở y: tự tánh không biến đổi thì gọi đó là ngã, như minh y hiểu rành thuốc sữa. Như Lai vì chúng sanh nói: Tất cả các pháp chơn thực có ngã. Bốn bộ đệ tử Như Lai đều phải tu pháp quán: "chơn ngã" như vậy.

TRỰC CHỈ

Ai thán là thương tiếc, khóc lóc và thở than. Sầu khổ, kể lể, tiếc thương...khẩn khoản với một người thân thương kính quý trước giờ phút tử biệt sinh ly là việc bình thường. Thế gian phàm phu đều vậy và phải như vậy. Vì quan niệm rằng: Chết là hết. Một lần ra đi là một lần vĩnh viễn chia ly.

Còn sự "ai thán" của thiên long bát bộ, của tứ chúng đệ tử Phật, trong kinh Đại Bát Niết Bàn có thể:

A. Thành phần chất liệu mê mờ còn nhiều hơn chủng tử giác ngộ giải thoát. Đây là thành phần "Ai thán" thật sự.

B. Thành phần chứng quả đạt đạo, thanh lọc hết chất vô minh phiền não nội tâm, thanh thản tự tại với cuộc sống ngoại cảnh. Sự "ai thán" của bậc người nầy hẳn không phải là ai thán thật ! Kinh điển Phật có danh từ "thị hiện". Đây là sự dàn cảnh có dụng ý.

Giá trị cao quý của người xuất gia là học chánh pháp, hành chánh pháp, sống theo chánh pháp. Tu học là nhiệm vụ chánh yếu của một Tỳ kheo, của người khất sĩ. Tiếc thương, khóc lóc, sầu khổ dành cho những người phàm phu. Đường tu học phải luôn tiến bước. Học kinh điển Phật có hệ tư tưởng Tiểu thừa, có hệ tư tưởng Trung thừa và có hệ tư tưởng Đại thừa là đỉnh cao trong quá trình tu học chánh pháp. Sở dĩ Bát bộ, nhơn thiên, quyền, tiểu khóc than sướt mướt, sợ Phật nhập Niết bàn, theo họ nghĩ: Niết bàn đồng nghĩa với "chết mất".

Đừng khờ khạo như nhà kinh doanh khờ khạo, vào kho trân bảo mà ra về chỉ có một con trâu đá xinh xắn trong tay. Học Đại thừa, tu hạnh Đại thừa mới có cơ hội nhận thức chân lý toàn diện.

Chừng nào chưa tu học Đại thừa thì không thể hiểu:


Phật thường trụ
Pháp thường trụ
Tăng thường trụ

Chừng nào chưa tu học Đại thừa thì không thể hiểu:

Pháp thân tỳ lô giá na thường trụ
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa thường trụ
Niết Bàn tịch tịnh thường trụ

Học Đại thừa, sử dụng kiến giải Đại thừa. Người đạt đạo nhận rõ ba đức: PHÁP THÂN, BÁT NHÃ, GIẢI THOÁT của Như Lai không nghi ngờ, bỡ ngỡ hay lạ lùng. Như Lai là vậy đó.

PHÁP THÂN, không phải Như Lai nhưng không có Pháp thân, không có Như Lai.

NIẾT BÀN, không phải Như Lai nhưng không có Niết bàn, không có Như Lai.

BÁT NHÃ không phải Như Lai nhưng không có Bát nhã, không có Như Lai.

Như chữ Y ( ... ) ba điểm sai vị trí không còn là chữ Y được. Là đệ tử Phật phải tu học như thế.

* Xuất gia, theo học, học hiểu giáo lý Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, tư duy quán chiếu chân lý: vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh là một thành công đáng kể. Phật thường khích lệ, ngợi khen hạng người nầy. Vì vậy, những người hậu học thường nghĩ tưởng rằng: "vô thường, vô ngã, khổ, bất tịnh" là "chân lý tuyệt đối", cứu kính của Phật.

Với nguồn giáo lý Đại thừa Đại Niết Bàn thì "vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh " chỉ là những viên sỏi đá mà nhóm người chơi thuyền vui xuân, hấp tấp vội vàng nhặt được ở đáy hồ mà tưởng là mình đã vớt mò được ngọc. Phải thật nhẹ nhàng và khéo léo người trí mới vớt được ngọc lưu ly thật.

Không tu học Đại thừa Đại Niết Bàn, không biết được THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH là bốn thực đức, tùy duyên mà bất biến ấy.

Không tu học Đại thừa Đại Niết Bàn, không biết được:

THƯỜNG chính là PHẬT
NGÃ chính là NHƯ LAI
LẠC chính là NIẾT BÀN
TỊNH chính là BÁT NHÃ BA LA MẬT

* Ngoại đạo nói "ngã" (thần ngã) là nói cầu may, không biết thế nào "ngã", thế nào không "ngã". Như mối ăn gỗ, ngẫu nhiên thành nét chữ. Do duyên cớ đó, trước kia Như Lai nói "vô ngã"

Tu học Đại thừa Đại Niết Bàn:

"NGÃ tức NHƯ LAI PHÁP THÂN VẬY !"

Một thầy thuốc giỏi:

Cấm bệnh nhân uống thuốc sữa để trị lành bệnh cứu người.
Bắt bệnh nhân uống thuốc sữa, cũng để trị lành bệnh cứu người.
Như Lai Thế Tôn là vị Vô Thượng Y Vương đó.
Nói vô ngã để đem lại sự giải thoát giác ngộ cho mọi người.
Nói Ngã cũng đem lại sự giải thoát giác ngộ cứu cánh cho mọi người.

Rõ là ĐẤNG Y VƯƠNG VÔ THƯỢNG!