KINH NA TIÊN TỲ KHEO
Việt dịch: Cao Hữu Đính
LỜI NÓI ĐẦU
Kinh này theo bản văn Pali lấy nhan đề là: Milindapanhà.
Millinda là tên một vị vua người gốc Hy Lạp [1], trị vì từ năm 163 đến năm 150 trước Tây lịch, trên một lãnh thổ rộng lớn, chiều đông tây chạy dài từ phía tây lưu vực sông Hằng đến miền Đông nước Ba tư ngày nay, chiều nam bắc chạy từ cửa sông Ấn lên tới chân núi Hy mã lạp, hoặc xa hơn nữa, trong vùng A Phú Hãn ngày nay. Thủ đô đóng tại Sàkalà (cũng viết là Ságala), trên vùng thượng lưu Ngũ hà. Nhà vua là bậc văn võ toàn tài, kết tinh của hai giòng máu, cha người Hy, mẹ người Trung Á, sinh tại vùng Kabal. Ông xuất thân là một bộ tướng của Démétrios, vua nước Đại Hạ (Bactriane), được vua nầy gã con gái cho là công chúa Agathocleia. Trên đường chinh phục nước Ấn Độ, Démétrios cùng với Millinda từng kéo quân đến vây hãm thành Hoa Thị (Patalipatra). Đương vây thành nầy thì được tin tại thủ đô nước Đại Hạ có chính biến do Eucratidès cầm đầu. Vua Démétrios cho Milinda về đóng gữi vùng Ngũ Hà, còn mình thì trực chỉ Đại Hạ để dẹp nội loạn, nhưng khi đến gần thủ đô thì bị Eucratidè phục kích giết chết. Bấy giờ là năm 167 trước Tây lịch, từ đó, vương quốc Đại Hạ tách ra làm hai: vương quốc miền Tây do Eucratidè cai trị, và vuơng quốc miền Đông do Apollodots I (em ruột Démétrios) cai trị. Đến năm 163 trước Tây lịch, Apollodotes I bị Eucratidè tiến đánh và giết chết luôn, Milinda lên kế vị và dời đô từ Taxila về Sàkala. Trong 13 năm trị vì, ông mở mang bờ cõi đất nước mỗi ngày một rộng thêm. Cuộc đối thoại về giáo pháp giữa nhà vua và Đại đức Na Tiên (Nagasena) xảy ra tại thủ đô Sàkala trong khoảng thời gian từ năm 163 đến năm 150 trước Tây lịch.
Về danh xưng Milinda, có nhiều cách ghi khác nhau: trên các đồng tiền vàng do triều đại này đúc thì thấy ghi là Menendra, trên bí ký thì là Minapra, trong kinh Tàranàtha thì ghi là Minara, bản Pháp văn ghi là Ménandre, bản dịch Hán văn phiên âm là Di Lan Đà.
Panhà nghĩa là "hỏi", Milindapanhà như vậy có nghĩa là "Di Lan Đà hỏi". Nếu dịch ra chữ Hán thì có lẽ nên dịch là "Di Lan Đà vấn kinh".
Nội dung kinh nầy, Hán văn có cả thảy 3 bản dịch do các dịch kinh Trung Hoa phiên dịch vào thế kỷ III, IV, và V. Bản hiện lưu hành là bản thứ nhì, dịch trong khoảng từ năm 317 đến năm 420, lấy nhan đề là "Na Tiên Tỳ Kheo Kinh". Nguyên bản của bản này do Hữu bộ kiết tập và viết bằng văn tự Pràkrit.
So sánh hai bản "Na Tiên Tỳ Kheo Kinh" và "Milindapanhà" người ta thấy rằng bản thứ nhất tương đồng với phần đầu của bản thứ hai. Trong số 7 quyển của bản nầy (Milindapanhà), chỉ một phần của quyển I, trọn quyển II, và quyển III, nội dung không khác gì Na Tiên Tỳ Kheo Kinh. Bốn quyển còn lại, từ quyển IV đến quyển VII, là do Phật giáo Tích Lan thêm dần vào từ thế kỷ thứ V, cho hợp với lập trường giáo nghĩa của Thượng tọa bộ Tích Lan (Theravada) [2].
Gác ngoài những phần thêm thắt, nội dung nguyên thủy chia hai phẩn: phần mở đầu và phần đối thoại chính. Phần mở đầu gồm một đoạn văn tả cảnh kinh thành Sákala (Xá Kiệt) chỗ vua Di Lan Đà đóng đô, sự tích của vua Di Lan Đà và những nỗi bâng khuâng bất mãn của ông trên con đường tầm đạo vấn chân, sự tích sơ lược về Tỳ kheo Na Tiên, và cuối cùng là sự đối diện giữa hai người.
Phần đối thoại đề cập đến hầu hết các vắn đề từng được Giáo pháp Nguyên Thủy giảng dạy như: vô ngã, luân hồi, tái sanh của danh sắc trạng thái của La Hán, bản thể của Niết Bàn, sự xuất thế của Phật, tánh cách vô thượng của Phật v.v. Trong cuộc đối thoại nầy, vấn đề hấp dẫn nhà vua nhất là sự lợi ích của đời sống tu hành mà từ trước chưa được ai giải đáp thỏa mãn. Câu giải đáp của Na Tiên là: người xuất gia chắc chắn đạt được thánh thiện, và đạt được mau chóng hơn kẻ tại gia.
Tuy nội dung phần đối thoại không có gì mới so với giáo nghĩa Nguyên Thủy, nhưng cách trình bày thật là sắc sảo, mạnh mẽ, sáng sủa, tinh vi và nhất là sống động, luôn luôn kèm theo nhiều thí dụ rất sát ý, khiến người đọc thấy tâm hồn mình phấn khởi một cách phơi phới. Đặc điểm độc đáo là chính ở đấy.
Và chính vì đặc điểm độc đáo ấy mà Milindapanhà được Giáo Hội Phật Giáo Tích Lan tôn thờ gần ngang hàng với thánh điển Ngũ bộ Kinh; Phật giáo Miến Điện thì xếp Milindapanhà vào thánh điển hẳn. Vào thế kỷ thứ V, luận chủ số một của Nam Tông là ngài Phật Âm (Buddhaghosa) thường trích dẫn kinh nầy để dùng làm luận cứ chứng minh cho các tác phẩm của ngài, và trên lục địa Ấn độ, một đại luận chủ khác là ngài Thế Thân (Vasubandhu) cũng nhắc đến kinh Milindaphanhà trong khi soạn bộ luận trứ danh của ngài là bộ A tỳ đạt ma Câu xá luận (Abhidharmakosa).
Như trên, ta đã thấy giá trị và uy tín của Milindapanhà đối với Phật giáo đồ như thế nào, và địa vị của Milindapanhà trong rừng Thánh điển Phật giáo cao cả trang trọng ra sao.
Theo bản văn Pali của Tích Lan thì soạn giả là đại đức Pitakaculàbhaya, người Trung Ấn. Theo bản Hán dịch hiện lưu hành trong Bắc Phương Phật giáo thì soạn giả là Bồ tát Long thọ, vị luận sư số một của Đại thừa Phật giáo thường được tôn xưng là Đệ Nhị Thích Ca.
Có lẽ cả hai thuyết đều đúng. Và đúng hơn nữa là soạn giả không chỉ có hai, mà còn nhiều vị khác nữa. Bằng chứng là phương Bắc có 3 bản Hán dịch dựa vào 3 nguyên bản khác nhau.
Theo sử liệu chắc thật thì vua Di Lan Đà trị vì từ năm 163 đến năm 150 trước Tây lịch. Bấy giờ, nhà vua chỉ hỏi miệng, và ngài Na Tiên khi đáp,cũng chỉ đáp miệng. Cuộc đối thoại đầy đạo vị hứng thú dĩ nhiên được truyền tụng khắp nơi trong giới Phật giáo cũng như ngoài nhân gian. Về sau, vào thế kỷ đầu sau Tây lịch, sợ để khẩu truyền lâu ngày, từ miệng này sang miệng khác có sai lệch đi chăng, cho nên bấy giờ các Thánh Tăng mới bắt đầu kiết tập thành sách. Hiện tượng giống như việc kết tập "Những lời Phật dạy" thành Thánh điển A Hàm hay Thánh Điển Ngũ Bộ Kinh. Vì có nhiều người trước soạn trong nhiều thứ tiếng khác nhau, do đó mà tuy nội dung vẫn chỉ một, nhưng cách bố cục và cách hành văn có xê xích bất đồng.
Một điều khác cần sự lưu ý là trong phần mở đầu có đoạn ám chỉ rằng Phật giáo bấy giờ đang bị tai biến (Mi Tiên vấn đáp trang 29) . Vậy tai biến đó là gì? Ta nên biết rằng khi Di Lan Đà lên ngôi (163) thì triều đại Khổng Tước của A Dục đã sụp đổ năm 187 tức trước đó 24 năm. Bấy giờ ở lưu vực sông Hằng, triều đại kế tiếp thuộc dòng họ Sanga của võ tướng Pusyamitra, một quyền thần của tiền triều lên chiếm. Triều đại nầy rất có ác cảm với Phật giáo và tập trung hết nỗ lực vào việc chấn hưng Bà la môn giáo. Vua Di Lan Đà người gốc Hy, vào làm vua ở Tây bắc Ấn Độ và quy y theo Phật giáo, ngoài lý do tín ngưỡng, chắc hẳn thế nào cũng còn có lý do chính trị nhằm mục đích thu phục nhân tâm mà đa số là tín đồ Phật giáo chống lại Pusyamitra. Cái tai biến của Phật giáo lúc bấy giờ chính là cái tai biến do Pusyamitra gây ra vậy. Do đó, sự xuất hiện của Na Tiên và cuộc đối thoại về đạo lý với vua Di Lan Đà lại càng dễ được người đời truyền tụng và nhớ dai, cho nên ai sức nào ghi lại sức ấy. Đây là lý do thứ hai khiến có nhiều bản kinh Na Tiên khác nhau.
Cuối cùng, đứng về mặt giáo nghĩa, đọc kinh Na Tiên, ta thấy rõ tư tưởng của ngài mặc dù là tuyệt đối trung thành với giáo pháp nguyên thủy, nhưng có nhiều khía cạnh đã manh nha những điểm tế nhị ảo diệu của tư tưởng đại thừa. Có lẽ chính vì đặc điểm này mà ngài Long Thọ (xuất hiện hơn 2 thế kỷ sau) cũng trước soạn lại kinh Na Tiên để mở màn cho giáo lý trung quán xuất hiện. Xét ở khía cạnh này, rõ ràng tư tưởng Na Tiên là tư tưởng chuyển tiếp giữa Tiểu thừa và Đại thừa. Như vậy địa vị quan trọng của Kinh Na Tiên lại cũng được chứng minh ở đặc điểm này nữa.
Về tiểu sử của Đại đức Na Tiên, tài liệu hiện lưu truyền nói rất mơ hồ, lắm khi còn mâu thuẫn nhau nữa.
Phần I của Na Tiên Tỳ Kheo Kinh (tương đương với quyển I kinh Milindapanhà) có cung cấp cho ta một ít tia sáng. Nhưng các chi tiết của tiểu sử ấy quá sơ sài và lờ mờ khiến các sử gia Phật giáo bâng khuâng tự hỏi nhân vật Na Tiên có quả thật là nhân vật lịch sử không?
Có người từng khẳng định rằng đồng đời với vua Di Lan Đà (Milinda) không thấy có ghi vị tỳ kheo đắc đạo nào tên là Na Tiên (Nagasena) cả. Họ ức đoán rằng có lẽ Bồ tát Long Thọ (Nagarjuna), vị thánh tăng xuất hiện sau hơn hai thế kỷ, vì muốn soạn một quyển kinh bằng thể vấn đáp để dễ truyền bá Phật pháp nên nhân có vua Di Lan Đà là người gốc Hy quy y theo Phật giáo và cai trị vùng Tây bắc Ấn Độ bao trùm cả lãnh thỗ Ba Tư và A Phú Hãn trong thế kỷ II trước Tây lịch, Bồ tát bèn sáng chế ra tên Nagasna mà cách phát âm lơ lớ giống tên Nagarjana để gửi gấm những ý kiến của riêng mình. Giả thuyết này từng được soạn giả Đoàn Trung Còn ghi lại trong bài tựa của Na Tiên Tỳ Kheo Kinh do ông phiên dịch.
Theo tài liệu về Phật học sử do các sử gia đứng đắn kê cứu thì Bồ tát Long Thọ, xuất hiện vào đầu hoặc giữa thế kỷ II sau Tây lịch mà kinh Milindapanhà bằng tiếng Pali thì đã từng được lưu hành trong khoảng thế kỷ đầu của Tây lịch. Như vậy, giả thuyết trên khó có thể đứng vững được. Phương chi, truyền thống Nam Tông theo văn hệ Pali ít có thiện cãm với tư tưởng Long Thọ, và những gì bắt gốc từ Long Thọ đều bị truyền thống ấy gạt ra ngoài, không bao giờ nhắc nhở đến. Như thế nếu Na Tiên Tỳ Kheo Kinh thật là sáng tác của Long Thọ thì e rằng Nam Tông không chịu kết tập lại, như họ đã từng không chịu chấp nhận các tác phẩm lừng danh trong học giới của vị Bồ tát "Đệ Nhị Thích Ca" nầy là Trung Quán, Thập Nhị Môn Quán v.v.
Do đó mà suy, ta chỉ có thể chấp giả thuyết đã được trình bày ở đoạn đầu Lời Nói Đầu này, với một Na Tiên có thật.
Tiểu sử của ngài, căn cứ vào phần một của Na Tiên Tỳ Kheo Kinh, hoặc quyển I của Milindapanhà, đại khái như sau:
Ngài sanh tại làng Casangala (Kajangala), dưới chân núi Hy Mã Lạp, ở vùng Tây bắc Ấn Độ, trong một gia đình Bà La Môn mà thân phụ tên là Sonattara. Theo bản Hán dịch thì làng nầy thuộc nước Kế Tân (Kashmir). Ngài xuất gia thọ giáo với La hán Lâu Hán (Rohana), từng được bổn sư cho tháp tùng để học đạo và du hóa tại các chùa trên núi Hy Mã Lạp. Tiếp theo ngài được gửi đến thọ giáo với La hán Át Bá Nhựt (Assagutta) tại chùa Hộ Tân (Vattaniya). Trong thời gian thọ giáo với La hán Át Bá Nhựt, nhân một thời pháp nói cho một lão tín nữ nghe, cã ngài và lão tín nữ bổng nhiên được pháp quả "nhãn tịnh", và cả hai cùng chứng đắc sơ quả "Dự lưu" mà siêu phàm nhập thánh. Sau đó, Ngài được La hán Át Bá Nhựt cho đông du, đến thọ giáo với La hán Đạt Ma Ra Khi Ta (Dhammarakhita) tại chùa A Dục (Asokàrama) ở thành Hoa Thị (Pataliputra). Ngài thông suốt Tam Tạng Thánh Giáo và chứng quả A La Hán tại đây. Từ đó, tiếng tăm lừng lẫy, ngài đi giáo hóa khắp đó đây. Cuối cùng, ngài dừng chân tại chùa San Khế Da (Sankkheyà) ở thủ đô Xá Kiệt (Sagala) trong vùng thượng lưu Ngũ Hà (Punjab) . Tại đây, Ngài gặp vua Di Lan Đà, trước đó đã quy y với trưởng lão Dã Hòa La (Ayupàla) mà nhà vua đã nhiều lần đến hỏi đạo và không mấy được thỏa mãn. Sự tương ngộ giữa Di Lan Đà và ngài là đầu mối của Kinh Milindapanhà hay Na Tiên Tỳ Kheo Kinh nầy mà nội dung sẽ được trình bày lại trong mục đối thoại sau đây.
Nha Trang, ngày 7 tháng 5, 1970
Soạn giả
Cao Hữu Đính