Cửa Thứ 1 - Tâm Kinh Tụng

Thứ Tư, 01 Tháng Hai 20235:58 CH(Xem: 562)
Cửa Thứ 1 - Tâm Kinh Tụng
Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất

Tổ Bồ Đề Đạt Ma - HT Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

CỬA THỨ NHẤT - TÂM KINH TỤNG

Bây giờ bắt đầu vào ngay cửa thứ nhất: TÂM KINH TỤNG. Sở dĩ cửa đầu là cửa Tâm Kinh, thì quí vị cũng thấy rõ bản ý của Thiền viện chúng ta. Vừa bước vô tới cổng thì thấy đề hai chữ gì? Ờ, Chân Không. Chính đó là cửa mà tôi nói rằng: “Bao nhiêu Phật tử đều nhắm thẳng vào đó để tiến đến chỗ cứu kính viên mãn.” Cho nên bước vào cửa thiền là cửa Bát-nhã. Cửa Bát-nhã là cửa Chân Không.


1. Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa Tâm Kinh.

Trí tuệ biển thanh tịnh
Lý mật nghĩa u thâm
Ba-la qua bờ ấy
Soi đường chỉ do tâm
Nghe nhiều ngổn ngang ý
Chẳng lìa chỉ vì kim
Hoa kinh một mối đạo
Muôn kiếp Thánh Hiền vâng.

Ba-la-mật, Trung Hoa dịch là đến bờ kia, mà đến được bờ kia là do cái gì? Nói rằng đến được đạo chỉ là do Tâm. Như vậy thì trong mấy câu kệ trên, chúng ta thấy Tổ Bồ-đề-đạt-ma xác nhận rằng: Bát-nhã là cái trí tuệ thanh tịnh rộng lớn như biển, trí tuệ đó đứng về mặt lý thì nó thật là thầm kín, còn đứng về mặt nghĩa thì thật là sâu xa. Vì lẽ đó nên gọi là đến bờ kia (ba-la-mật). Trí tuệ đó không khác hơn là Tâm. Cho nên muốn đạt được trí tuệ đó tức là đạt được Tâm, vì vậy mà nói hướng đạo chỉ do Tâm (nếu được Đạo là do Tâm). Như vậy chữ Tâm Kinh là chỉ cho cái trí tuệ rộng lớn chớ không có gì khác. Trí tuệ rộng lớn đó gọi là Tâm. Vì vậy cho nên người đạt được trí tuệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa tức là người đạt được Bản tâm chớ không có gì khác.


- Nghe nhiều ngổn ngang ý:
 Người nào mà học nhiều thì có ngàn thứ ý. Tại sao học nhiều lại có ngàn thứ ý? Sau đó Ngài nói tiếp.

- Chẳng lìa chỉ vì kim: Bây giờ chúng ta thấy kim nó may được từng cái áo, từng bộ đồ, nó mở đầu đi trước là mũi kim rồi sau mới là sợi chỉ đi theo, thấy không? Thành ra chỉ và kim là hai cái không thể rời nhau. Có kim thì tức là kéo chỉ đi. Như vậy cái đa văn của mình nó lôi ý mình chạy, học nhiều thì ý phân tán, đó là một lẽ thật. Chỗ này là Ngài muốn cho mình thấy rõ rằng sở dĩ chúng ta muốn trở về Tâm là phải dứt mọi ý hướng ra bên ngoài thì mới trở về cái thanh tịnh, như vậy mới gọi là cái trí tuệ thanh tịnh, mới gọi là Tâm. Còn nếu mình chỉ hướng ra ngoài tìm hiểu nghĩa lý cho nhiều thì tức nhiên mình sẽ bị phân tán, mà tâm phân tán thì không bao giờ đạt được Đạo. Cho nên Ngài mới ví dụ: có kim tức là nó lôi chỉ. Vì vậy cho nên kim và chỉ, hai cái nó chẳng lìa nhau. Nếu chỉ một cái sợi tơ hoa đạo hay chỉ một sợi tơ kinh hoa, nó dẫn đường thì muôn kiếp Thánh Hiền đều tôn trọng, tức là nếu mình chỉ có một mặt, nghĩa là tâm mình chỉ hướng có một mặt không còn phân tán, không còn có bệnh đa văn nữa thì như vậy cái chỗ đó làm nên Thánh nên Hiền. Còn nếu như mình phân tán nó ra thì dù mình có nhớ hay, mình học giỏi cũng chỉ là cái duyên để nó làm cho mình chạy theo ngoại cảnh chớ không thể đạt được Đạo.

Như vậy trong mấy câu tụng này, Tổ đã chỉ cho chúng ta thấy rõ được tại sao gọi là Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa Tâm Kinh. Tóm lại Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa là chỉ cho trí tuệ thanh tịnh, rộng lớn sâu xa. Tâm kinh là đạt được trí tuệ đó tức là trở về bản tâm. Muốn trở về bản tâm ấy thì đừng có tưởng học nhiều mà được, mà chỉ nhất tâm nhất trí hướng thẳng vào đó thì chỗ đó sẽ làm nên Thánh nên Hiền chớ không phải nhớ nhiều học rộng mà được.

2. Quán Tự Tại Bồ-tát.

Bồ-tát vượt thánh trí
Sáu xứ rốt chung đồng
Tâm không quán tự tại
Vô ngại đại thần thông
Cửa thiền vào chánh thọ
Tam-muội mặc tây đông
Mười phương trải chơi khắp
Nào thấy Phật hành tung.


Bồ-tát là bậc vượt khỏi thánh trí, tức là không còn mắc kẹt trong cái thánh trí tầm thường của hàng Thanh văn nữa.


- Sáu xứ rốt chung đồng: sáu chỗ là chỉ cho lục căn hỗ dụng. Nói tới Bồ-tát thì các ngài đi tới chỗ lục căn hỗ dụng.


- Tâm không quán tự tại: tức là tâm mình không còn có nhiều thứ ý, không còn nhiều thứ loạn, như vậy gọi là quán tự tại.


- Vô ngại đại thần thông: không còn bị chướng ngại gọi đó là đại thần thông.


Như thế là Ngài đã giải thích Bồ-tát Quán Tự Tại: Sao gọi là Bồ-tát? Tức là chỉ cho những vị có cái trí tuệ vượt hơn tất cả các hàng Thánh giả bên Thanh văn, những người ấy đối với lục căn hỗ dụng không còn bị chướng ngại cắt đứt nữa. Do tâm các ngài không dấy niệm, xao động nên gọi là Quán Tự Tại.
“Tâm Không” tức là không mọi thứ vọng tưởng phiền não, bởi tâm không còn vọng tưởng phiền não cho nên nó không bị chướng ngại, mà không bị chướng ngại nên gọi đó là đại thần thông.

- Cửa thiền vào chánh thọ - Tam-muội mặc tây đông: Người tu thiền mà khi vào chánh định rồi thì ngay trong chánh định đó, mình tự do hay mặc tình tiến sang đông hay vượt sang tây không có cái gì chướng ngại hết. Như vậy muốn được không chướng ngại như Bồ-tát Quán Tự Tại tức là chúng ta phải tập tu thiền. Chính trong khi tâm mình định, ở trong cái chánh định đó không còn bị chướng ngại thì đó là tự tại. (Chánh thọ là dịch nghĩa chữ Tam-muội, thành ra dùng chữ Chánh thọ hay Tam-muội tức là chỉ cho Chánh định hết).


Khi tâm tự tại rồi thì làm gì nữa? Thì mười phương du lịch, tức là mình dạo hết khắp mười phương, lúc đó không còn thấy dấu vết của đức Phật nữa. Như vậy khi mình vào được trong chánh định rồi thì mình tự tại, vô ngại đi khắp mười phương. Tại sao mình đi tu, mình vào chánh định là cốt gặp Phật, nương theo dấu vết của Phật mà đi, mà tu, mà tới đây lại không gặp dấu vết của đức Phật nữa? Như vậy lạc rồi sao? Bởi vì nếu chúng ta được vào chánh định thì chúng ta còn thấy ông Phật có hình tướng nữa không? Lúc đó nếu chúng ta thấy Phật là Phật pháp thân, mà thấy Phật pháp thân thì đâu có hình tướng, dấu vết gì đâu, phải vậy không? Cho nên lúc đó không còn thấy dấu vết gì nữa hết. Như vậy thì muốn thấy được ông Phật pháp thân thì khi chúng ta vào chánh định rồi thì mười phương đều vô ngại. Tóm lại, câu “Bồ-tát Quán Tự Tại”, mà tại sao vị Bồ-tát này tên là Quán Tự Tại? Bởi vì cái trí tuệ của Bồ-tát thì vượt trên hàng Thánh giả Thanh văn và các ngài đã được lục căn hỗ dụng, tâm các ngài không còn dấy niệm cho nên tự tại vô ngại. Mà tự tại vô ngại ấy là thần thông. Làm sao được như các ngài? Chỉ có cách là chúng ta tập tu thiền để vào chánh định, khi vào chánh định rồi chúng ta mới tự tại mười phương, qua lại tự do không bị ngăn chướng, chừng đó chúng ta mới thấy được pháp thân Phật, chính nơi chúng ta không còn mắc kẹt nơi hình tướng bên ngoài nữa. Đó là ý nghĩa Quán Tự Tại.

3. Hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật-đa thời.

Sáu năm cầu Đạo lớn
Hành sâu chẳng lìa thân
Trí tuệ tâm giải thoát
Đến bờ kia tột cùng

Thánh đạo không và lặng
Như thị ngã kim văn
Phật hành ý bình đẳng
Thời đến vượt thường nhân.


- Sáu năm cầu đạo lớn - Hành sâu chẳng lìa thân - Trí tuệ tâm giải thoát - Đến bờ kia tột cùng: tức là nói rằng sáu năm tìm đại đạo, tuy trong sáu năm tìm đại đạo đó đi sâu vào cũng không lìa thân mình, ở phần này có hai ý:


a. Ý thứ nhất là nói đức Phật lục niên khổ hạnh, như vậy sáu năm tu khổ hạnh để cầu đạo mà cầu đạo đó là cầu ở đâu? Cũng vẫn không ngoài cái bản thân Ngài phải không? Nghĩa là lặng hết vọng tưởng trở về thiền định, như vậy đó là cầu đại đạo, ấy là nơi đức Phật Ngài cũng không cầu cái gì ngoài thân Ngài. Đó là nói về đức Phật.


b. Ý thứ hai là nói về chúng ta, sở dĩ nói hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật là sao? Là ngay nơi sáu căn muốn thấy đại đạo, thì tự ngay nơi sáu căn của mình mà đi sâu vào thì mới thấy rõ không lìa thân, tâm, trí tuệ của mình được giải thoát ngay nơi sáu căn đó, mà sáu căn tức là chỉ phần của bản thân. Ngay nơi sáu căn đó chúng ta nhận được cái tâm trí tuệ giải thoát, thì đó là chúng ta đến được đầu nguồn ở bờ bên kia. Đến được đầu nguồn ở bờ bên kia là sao? Là bởi vì đến đó chúng ta mới tìm được chỗ cứu kính của con người, đến đó chúng ta mới được. Bờ bên kia tức là bờ giác, không đâu xa lạ mà chỉ ngay nơi sáu căn của chúng ta, nhận ra được tâm trí tuệ giải thoát của chúng ta thì lúc đó là chúng ta đạt được đến bờ bên kia, đến tột được chỗ cứu kính của con người. 


- Thánh đạo không và lặng - Như thị ngã kim văn (khi đến được chỗ đó rồi thì mới thấy đạo thánh lặng lẽ, rỗng rang. Rõ ràng là bây giờ ta mới được nghe như thế). Phật lúc nào cũng thực hành ý định bình đẳng, nhưng mà muốn được thì phải làm thế nào?


- Thời đến vượt thường nhân: tức là tu hành khi đến thời nó đến thì tự nhiên mình sẽ được siêu quần bạt tụy, vượt hơn mọi cái phàm tình.

Tóm lại câu “Hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật đa thời” thì theo quan niệm của Tổ Bồ-đề-đạt-ma nói là ngay nơi sáu căn của chúng ta mà chúng ta nhận được sâu trí tuệ giải thoát ở trong đó thì gọi là: hành thâm Bát-nhã, mà nhận sâu được trí tuệ giải thoát đó gọi là chúng ta đã đến được bờ kia hay còn gọi là được cứu kính viên mãn của con người. Do đó khi đạt đến chỗ đó rồi, chúng ta mới thấy đạo thánh là lặng lẽ, rỗng rang và ngay lúc đó, chúng ta mới nghe được chánh lý và mới thấy tâm bình đẳng của chư Phật. Mà chỗ đó chừng nào đến? Thời đến thì nó đến chớ không phải một ngày, hai ngày hay năm, ba tháng gì được. Thời cơ đến thì tự nhiên nó được.

4. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không.

Ham mến thành năm uẩn
Giả dối kết thành thân
Máu thịt liền gân cốt
Trong da một đống trần
Nẻo mê vui chấp dính
Bậc trí chẳng vì thân
Bốn tướng đều dứt bặt
Mới được gọi là chân.

Như vậy, Ngài không cắt nghĩa như trong kinh Bát-nhã mà Ngài nói rằng: “Sở dĩ chúng ta thành năm uẩn đó là gốc tại cái gì? Tại cái tham ái.” Bởi có tham ái nên thành ngũ uẩn, khi thành ngũ uẩn là sự giả hợp mà được nên thân này chớ không có thật. Cái thân ngũ uẩn là cái thân giả hợp, trong đó có những gì? Nào là máu, thịt, gân, mạch, xương rồi bọc ở ngoài là da, tất cả chỉ là một mớ bụi đất mà thôi chớ không có gì hết. Rốt cuộc rồi thì ngay nơi cái thân ngũ uẩn này chỉ là máu, thịt, gân, xương...


- Nẻo mê vui chấp dính: Những bọn mê như mình thì đối với thân ngũ uẩn sanh ra ưa thích.


- Bậc trí chẳng vì thân: Còn người trí thì không làm thân với nó. Quí vị thấy người nào mà cứ xăm soi thân thể, thích những trang sức tốt đẹp thì đó gọi là người sao? Nếu căn cứ theo Tổ thì người đó gọi là người mê, còn người trí thì không làm thân với nó, bởi vì biết nó là thứ giả, thứ do gân, thịt, xương được bao bọc ở ngoài là da chớ không có gì quan trọng hết, chỉ có người ngu thì ưa thích nó, còn kẻ trí thì cảm thấy nhớp nhúa. Vì vậy người ngu thì sợ chết. Còn người trí thì sao? Nếu không làm thân với nó thì có sợ nó mất đâu, phải vậy không? Còn làm thân với nó quá thì nó mất, mình mới sợ nó mất. Như vậy cái sợ chết là tại vì mình thấy nó là quan trọng, còn mình biết nó là cái không quan trọng, không cần thiết thì tức nhiên là mình đâu lệ thuộc vào nó. Vì vậy cho nên thấy ngu hay trí nhìn qua là biết liền phải không? Nhìn qua là tự nhiên biết người đó tư cách ra sao, lo lắng ra sao? Hằng ngày nhớ những cái gì, tính toán những cái gì thì biết người đó thuộc hạng người nào, nếu trong đạo thì kẻ ngu hay người trí là biết rồi, phải không? Giả sử không dám nói sợ người ta buồn chớ mình cũng biết ngay. Đó là Tổ chỉ cho chúng ta biết. Quí vị nghĩ nếu mình không thích làm thân với nó, thì nó có mất, mình đâu có quan trọng. Cho nên người nào lo sợ chết quá thì cũng là ngấm ngầm cái ý sao? Ý trí hay ý ngu? Như vậy để thấy chúng ta bị ngu mê nhiều đời quá. Vì vậy cho nên cái thân ngũ uẩn này nó hơi rung rinh là mình sợ quá rồi, phải vậy không? Chính cái sợ đó mà chúng ta khổ. Nếu chúng ta có trí, thấy nó là không quan trọng với chúng ta thì tự nhiên không còn khổ nữa. Vì bốn tướng tức là tứ đại (đất, nước, gió, lửa) thảy đều trở về cái chỗ tiêu mất, vì có người nào giữ bốn cái đó còn hoài không? Bây giờ mình khéo giữ gìn nó thì nó còn tạm một lúc nào đó, còn nếu sơ sẩy một chút thì nó hoại đi, hễ mà hoại đi rồi thì nó tan hết. Nó không còn nên bốn tướng đều trở về chỗ tiêu mất, đã trở về chỗ tiêu mất thì gọi gì là chân? Quí vị thấy nếu toàn bốn tướng đó sớm chầy gì nó cũng trở về cái chỗ tiêu tan, mà đã tiêu tan thì nói chân là chân cái gì chứ? Như vậy để biết rõ năm uẩn là hư giả không có thật. Đã hư giả không thật tại sao mình cứ bám vào đó mà mến mà yêu? Nếu bám vào cái hư giả không thật mà mến mà yêu thì không gọi là cái bọn ngu là gì? Phải vậy không? Học đạo một chút sao thấy mình ngu quá thấy không? Mình còn đeo bám vào cái hư giả, chẳng những mến yêu nó mà lại còn sanh kiêu căng ngã mạn đủ thứ cũng vì cái đó. Nếu mình thật là trí thì nó không còn quan trọng nữa, cho nên đối với việc sanh tử không còn gì mà phải sợ.


5. Độ nhất thiết khổ ách (qua tất cả khổ nạn).

Vọng buộc hóa thân khổ
Ngân ngã tâm tự mê
Niết-bàn đường thanh tịnh
Sao chấp được tâm y
Ấm giới sáu trần dậy
Ách nạn nghiệp theo kề
Ví rõ tâm không khổ
Sớm nghe ngộ Bồ-đề.


Do có vọng ràng buộc thân là khổ, tâm nhân ngã nên tự mê. Cái đạo Niết-bàn thanh tịnh thì ai mà nhận mắc cái tâm y. Hỏi ai là người chấp nhận nó mắc kẹt nó để mà lấy đó làm chỗ dựa, chỗ gá của tâm?


- Ấm giới sáu trần dậy - Ách nạn nghiệp theo kề: Nếu mình nhận được cái tâm thì không còn khổ gì hết. Thấy được nó tức là sớm đạt được đạo Bồ-đề. Ngài nói rằng: “qua tất cả khổ nạn” là sao? Bởi vì khổ nạn từ đâu mà có? Từ nơi vọng tâm trói buộc nó ràng rịt nơi thân cho nên làm thân nó khổ, vọng tâm nó luyến ái trói buộc nơi thân cho nên nói rằng khổ, rồi ở trong đó mà sanh cái tâm nhân, ngã, mình, người; hay cái tâm nhân, ngã tự nó mê đi (tự mê lầm). Như vậy hai câu này nói rõ nguyên nhân đau khổ là tại vì chúng ta có cái tâm hư vọng, chấp chặt vào thân. Bởi chấp chặt vào thân cho nên thân đói thì thấy khổ, thân lạnh thì khổ, thân nguy hiểm thấy khổ... chấp cái khổ đó là vì chúng ta cứ bám chặt vào thân, rồi nhân đó mà chúng ta chia ra: có người, có mình rồi sanh ra kiêu căng ngã mạn, hay là sanh cái thương, cái ghét mà làm cho tâm mình nó tự mê. Bây giờ muốn hết khổ phải làm sao? Trên cái đạo Niết-bàn là đạo thanh tịnh, vì vậy nên không bao giờ chúng ta bám cái mà để cho tâm mình mắc kẹt. Không còn mắc kẹt thì còn gì mà khổ? Sở dĩ chúng ta bị trói buộc nơi thân cho nên chúng ta khổ, bây giờ chúng ta thấy được Niết-bàn, tâm chúng ta không còn mắc kẹt nữa thì cái gì làm cho chúng ta khổ? Đó là qua tất cả khổ ách. Tiếp theo Ngài giải thích thêm là do Ngũ ấm, Thập bát giới, Sáu trần dấy khởi lên nên thành ra cái ách nạn cũng theo đó mà nó dẫn đi. Sở dĩ chúng ta thấy khổ là vì chúng ta thấy ngũ ấm thật, thấy thập bát giới thật, thấy sáu trần thật, phải vậy không? Thấy những cái đó thật cho nên những ách nạn từ đó mà có, chúng ta liền theo nghiệp mà nó dẫn chúng ta trong cái ách nạn. Nếu chúng ta nhận được bản tâm của chúng ta thì không còn gì là khổ nữa hết. Như vậy nhận được bản tâm rồi mới ngộ được đạo Bồ-đề thì hết khổ. Còn chưa nhận được bản tâm là còn khổ. Điều này là một lẽ thật mà ít ai được biết. Sở dĩ Bồ-tát không khổ mà chúng sanh luôn luôn khổ là vì Bồ-tát do quán năm uẩn không, nên qua hết tất cả khổ ách. Còn chúng ta thì xem năm uẩn là thật, bởi xem năm uẩn là thật cho nên cái khổ theo đó mà có. Khi nào chúng ta thấy được đạo Niết-bàn thanh tịnh, tức là thấy được tâm thanh tịnh của chúng ta, thì lúc đó chúng ta không còn đổ thừa cho tâm nó gắn bó nơi ngoại cảnh hay là nơi thân nữa. Sở dĩ chúng ta đau khổ là vì chúng ta thấy tất cả như: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là thật, ở trong thì thấy sáu căn, sáu thức đều thật. Căn, trần, thức, đều thấy là thật, như vậy mười tám giới thấy là thật, ngũ ấm thấy là thật thì lúc đó bao nhiêu ách nạn theo đó mà có. Nói tóm lại, ai thấy thân thật, cảnh thật thì người đó không bao giờ hết ách nạn, phải vậy không? Bởi vì thân mình là thật, cảnh của mình là thật thì cảnh mất đi mình có khổ không? Thân này là thật thì thân này bị người ta hành hình có khổ không? Cho nên thấy cảnh thật, thân thật thì người đó không bao giờ hết khổ. Cái nhà này là nhà của tôi, đất này là đất của tôi, những món đồ này là của tôi, rồi thân này là thân tôi. Nếu cái nhà này của tôi bị cháy tôi có khổ không? Của của tôi bị mất tôi có khổ không? Tất cả cái gì thuộc về tôi, tôi cho nó là thật thì tôi phải khổ, mỗi một cái hư hao, bị tàn phá là nỗi đau đớn, đau nhói trong tim trong gan mình phải vậy không? Còn bây giờ mình thấy tất cả cái đó không thật thì nó có còn, có mất cũng như một giấc mộng, giật mình thức dậy thấy mất hết rồi. Nếu thấy như vậy thì còn gì mà khổ? Giả sử giấc mộng là giấc mộng lành vui chơi. Khi giật mình thức dậy mình có giấc mộng lành vui chơi. Còn nếu giật mình thức dậy nhớ hồi nãy có giấc mộng dữ quá, nhưng đã là mộng thì cũng thôi, bỏ cũng không có gì buồn, và không có gì sợ nữa phải không? Cho nên chúng tôi thường nhắc toàn chúng ở đây hiện giờ chúng ta cứ tưởng như chúng ta đang sống trong cơn ác mộng. Đã là ác mộng thì đáng sợ hay không đáng sợ? Nếu còn mộng thì sợ thật phải vậy không? Hết mộng rồi thì không còn gì sợ nữa. Như vậy biết là ác mộng thì cái sợ nó cũng nhẹ đi, chớ còn mình thấy đây là mình đang ở trong cảnh thật, ngoài là thật rồi thì bao nhiêu cái ở trong này cũng đều là thật nữa thì chúng ta cả ngày đêm mất ăn mất ngủ thấy không? Cứ lo ngày nay mất cái này, ngày mai mất cái kia, mất của cải, mất người thân, cứ lo mất riết rồi lo mất mình nữa. Như vậy tự nhiên mất mình trước khi những sự việc nó tới. Vì vậy cho nên chúng ta phải thấy rõ. Nếu mình là người trí thì đừng có thấy như vậy phải không? Còn nếu thấy người thật, cảnh thật rồi đắm mê thì người đó không phải là người trí rồi đó. Nhớ như vậy. Người nào thấy cảnh bên ngoài là thật rồi mê say theo cảnh, theo người, thì người đó, thưa không phải là người trí đâu nghe. Nếu biết mình, chấp nhận mình là trí thì đừng cho nó dính trong cái đó, còn nếu dính trong cái đó thì dù cho nói có hay mấy đi nữa cũng còn nằm trong cái không phải trí đó. Hiểu như vậy thì chúng ta tự thấy mình có một nguồn an ủi vô biên, cái đau khổ của thế gian không còn làm cho mình đau khổ nữa.

6. Xá-lợi Tử:


Đây là ba chữ Xá-lợi-phất mà chúng ta đọc ở trong kinh Bát-nhã, chúng ta thấy rằng đức Phật đối diện với ngài Xá-lợi-phất, Ngài nói chuyện. Nhưng ở đây quan niệm của Tổ thì Ngài nói Xá-lợi-phất là gì? Còn Xá-lợi Tử tức là chỉ cho cái bản tâm.


Đạt đạo tâm là gốc
Tâm lặng lợi bao la
Như sen nhô mặt nước
Thoát rõ gốc đạo hòa
Luôn ở nơi tịch diệt
Trí tuệ mấy ai qua
Một mình siêu ba cõi
Hết tiếc cảnh Ta-bà.


Trong mấy câu tụng trên ý Tổ nói rằng: Xá-lợi Tử là chỉ cho cái bản tâm, cái bản tâm này mà được thanh tịnh, nó không còn bị vọng tưởng che lấp nữa, lúc đó mới thật là lợi nhiều. Bản tâm đó chẳng khác nào như hoa sen ở trong bùn vậy. Hoa sen là dụ cho bản tâm, bùn nước là dụ cho vô minh vọng tưởng. Nếu hoa sen từ nơi bùn nước vô minh vọng tưởng ấy vượt lên được, thì như vậy đó là giác ngộ được cái nguồn gốc của đạo.


- Luôn ở nơi tịch diệt: như vậy chừng đó mới thấy bản tâm mình thường ở trong cái tướng tịch diệt.


- Trí tuệ mấy ai qua: tức là tất cả cái trí tuệ nào cũng không vượt khỏi nó được, khó mà vượt khỏi.


- Một mình siêu ba cõi: riêng về cái bản tâm thanh tịnh này là riêng vượt ngoài tam giới.


- Hết tiếc cảnh Ta-bà: tức là không còn đắm mến cõi Ta-bà nữa.


Tóm lại ý Ngài muốn rằng: Xá-lợi Tử ở trong kinh Bát-nhã mà đức Phật thường nói đó tức là chỉ cho bản tâm, khi chúng ta đạt được bản tâm thì lúc đó mới là cái lợi lớn, nhưng bản tâm ấy không phải tự nó ở trong cái thanh tịnh mà nó đang bị phủ lấp bởi bùn nhơ, vọng tưởng vô minh. Cho nên bản tâm như là cái hoa sen từ bùn nhơ, vọng tưởng vô minh, nó vươn lên đó là nó giác ngộ được cái đạo nguồn cội, chừng đó mới thấy được cái tướng của nó hằng ở trong tịch diệt, không còn cái trí nào qua được nó và chính nó là cái vượt ra ngoài tam giới, trong tam giới không còn gì đáng luyến ái nữa hết. Đó là gốc.

7. Sắc bất dị không, không bất dị sắc.


Theo nghĩa thông thường thì cắt nghĩa: sắc nó không khác với không, không chẳng khác với sắc. Ngài nói: “Sắc cùng Không một loại chưa thấy đến hai thứ.” Đúng ra Sắc với Không nó là một loại với nhau mà mình chưa đến cái chỗ cứu kính thì mình vẫn thấy là hai cái riêng biệt.


Sắc với không một giống
Chưa rõ thấy hai đàng
Hai thừa đâm phân biệt
Chấp tướng tự dối gian
Ngoài không không có sắc
Chẳng sắc mới năng khoan
Vô sanh tánh thanh tịnh
Ngộ ấy tức Niết-bàn.


- Hai thừa đâm phân biệt - Chấp tướng tự dối gian: Hàng Nhị thừa phân biệt đây là sắc, kia là không hai cái rời rẽ nhau, bởi vậy cho nên mới mắc kẹt trên hình tướng. Tự cái tâm mình nó gạt mình.


- Ngoài không không có sắc - Chẳng sắc mới năng khoan: ngoài cái không thì không riêng có cái sắc. Bây giờ, quí vị thấy có cái sắc nào ngoài không không? Ngoài không có sắc không? Nếu mà ngoài hư không có cái bàn được không? Như vậy sắc không ngoài không. Như vậy lúc trước tôi phân tích ngay trong cái bàn, nó cũng có không, thì sắc đây chỉ là một mớ bụi nó ráp kết với nhau thành một hình tướng. Trong cái ráp kết đó nó còn thưa hở mà thưa hở đó là không. Rồi ngoài cái bàn cũng là không, ngay trong bản thân cái bàn cũng là không. Cũng như thân mình, ngoài nó cũng là không, mà ngay trong cái thân mình, mà mình đang sống cũng là không, nếu không có không thì không có cuộc sống phải vậy không? Vì nếu không có không thì không động. Lỗ mũi mình mà bít chịt thì chắc mình hết thở, hết thở thì tức nhiên là nó đâu có động. Rồi cái miệng nó Không cho nên mới dồn nước, dồn này dồn kia vô mới được và rồi nó mới nuôi được cái bao tử. Nói tóm lại, trong cơ thể mình nó cũng rỗng trống cho nên mới có này, có nọ mà hữu dụng, còn nếu nó bít rồi thì mình cũng như cục đá vậy, không dùng cái gì được hết, mình chết cứng một chỗ, phải vậy không? Như thế trong đã là không, ngoài cũng là không, như vậy Sắc có rời Không hay không? Vậy mà mình cứ luôn luôn chia đây là Sắc kia là Không. Cái đó nó không tách rời nhau được, vậy mà mình cứ chia nó thành hai. Đó là cái mê lầm của mình. Cho nên nói: “sắc chẳng khác với không, không chẳng khác với sắc”. Tại mình chưa đến chỗ cứu kính, chưa thấy tột cùng cái chỗ đó, mình thấy hai riêng biệt. Bởi thấy hai riêng biệt rồi thì tự nhiên mình chấp rồi mình tự dối mình, chớ sự thật ngoài cái không thì không có cái sắc riêng khác, nếu mà không có cái sắc riêng khác thì lúc đó mình mới thấy cái nghĩa nó rộng rãi mênh mông. Khi mình không thấy có cái sắc ngoài cái không thì lúc đó mình liền thấy được tánh vô sanh thanh tịnh, liền ngộ được lý Niết-bàn. Chỗ này chính là yếu lý của Đại thừa mà chúng ta nhiều khi không hiểu nổi.


Bây giờ nếu ngay thân chúng ta đây, chúng ta cảm thấy thân chúng ta có, phải không? Tới chừng tắt thở, thân nó rã nát rồi lần lần tiêu hết thì nó thành không, phải không? Bây giờ là có, ngày kia tiêu hoại hết gọi là không. Quan niệm của chúng ta như vậy, khi có gọi là sanh mà hoại đi gọi là tử, phải vậy không? Nếu mình còn thấy có, thấy không là hai thì còn thấy sanh, thấy tử là hai. Mà có không, sanh tử là mình còn thấy nó rời rã nhau thì tâm mình không bao giờ an được, không bao giờ mình thấy được Niết-bàn. Bây giờ ngay nơi cái có này mình biết nó là không. Bởi hồi nãy nói cái có không thể rời ngoài cái không được, mà ngay trong cái có đó nó đã hàm chứa cái không ở trong, rồi ngoài cái có cũng là không, như vậy chính có tức là không, ngay cái có tức là không, thì ngay cái sanh tức là tử, phải vậy không? Nếu không rời cái có không thì sao? Tử cũng tức là sanh, sanh tức là tử, thì còn có sanh tử thật nữa không? Không có sanh tử thật như vậy tức là vô sanh rồi. Như vậy mình khổ vì cái thân sanh tử, mà bây giờ ngay cái thân này mình không còn thấy có sanh có tử nữa thì mình đâu có khổ.


Coi bộ chỗ này tôi nói vậy mà khó nhận ra cái lẽ này. Nếu nhận ra được cái lẽ này thì quí vị mới thấy Niết-bàn hiện tại. Ngay nơi thân này vì chúng ta cứ chấp nhận sự duyên hợp giả có của nó, mình cho nó là thật, chớ còn biết rằng ngay nơi thân này nó đâu có thật, thời dùng chữ “Tự Tánh Không”, nhưng tại vì mình chưa có trí tuệ lớn cho nên nghe rất nhiều mới hiểu, chớ còn trí tuệ lớn mới nghe thì hiểu liền. Mình bây giờ muốn hiểu thân này nó không thật có, có mà không thật thì phải thấy rõ nó là một sự giả hợp. Tại sao chúng ta chết? Bây giờ đừng nói khi ban đầu được cha mẹ sanh ra mà nói ngay trong hiện tại lúc chúng ta đang có ở đây. Hỏi tại sao chúng ta chết? Là vì chúng ta không được sự bồi bổ của tứ đại bên ngoài, hay là ngay trong tứ đại này không chấp nhận cho tứ đại bên ngoài vô nữa thì tự nhiên nó phải hoại đi, nó hoại đi vì thiếu sự bồi bổ tứ đại bên ngoài vô. Bây giờ tôi thí dụ tại sao chúng ta chết khát? Tại vì chúng ta không bồi bổ nước vô được, nó khô, nó chết. Chúng ta tắt thở là sao? Có phải chúng ta không bồi, không hít gió vô được thì chúng ta chết? Như vậy cái chết của chúng ta chỉ là một việc không bồi bổ được tứ đại bên ngoài vô, phải vậy không? Tứ đại bên ngoài mà không hỗ trợ được tứ đại bên trong thì chúng ta hoại. Như vậy cái sống của chúng ta là sự hỗ trợ của tứ đại bên ngoài và tứ đại bên trong mà thôi.


Mà chúng ta chết đó tứ đại có mất hết không? Tứ đại có chết không? Như vậy thì cái gì chết? Bây giờ cái tâm của chúng ta có chết không? Như vậy cái gì chết đâu? (như thế chỉ có hoại tướng thôi, đâu có gì chết.) Vậy tại sao mình nói chết? Tướng hợp rồi tan, tự nhiên vậy. Tỉ dụ mình gom một đống cát rồi người ta phủi một cái nó tan ra mình có buồn khổ không? Tụ lại thì thành đống cát, tan ra thì nó rời ra chớ có gì thật đâu mà buồn khổ. Vậy mà tại sao mình cứ buồn khổ vì cái mất, cái tan rã của nó, như vậy có phải mình si mê hay không? Như vậy khi nó gom góp lại thành một hình tướng, mình chấp nhận đó là thật sống chớ mình đâu biết rằng nguyên tứ đại nó không chết, mà tâm cũng không chết. Tâm không chết, tứ đại không chết thì có gì đâu mà buồn khổ. Phải chi nói mình chết mất hết tứ đại, mất hết tâm, không còn gì nữa hết thì mình buồn khổ thật, nhưng mà sự thật không phải, tứ đại bây giờ không được sự hỗ tương trong ngoài nữa thì nó hoại, nó hoại tức là không đem cái ngoài vô, không đem cái trong ra thì tự nhiên cái trong nó tan ra. Nó tan ra thì đất trở về với đất, nước trở về với nước, gió trở về với gió, lửa trở về với lửa, rồi nó cũng chuyển qua cái hướng khác, thì có gì đâu mà mình lại bám vào cái đó mà khi nó hoại làm mình khổ. Như vậy cái hợp lại và cái tan đi của nó là một cái tướng giả hợp, giả tan mà thôi. Tứ đại không thật mất, phải vậy không? Rồi tâm mình cũng không thật mất, phải không?

Như vậy cái gì còn, cái gì mất? Chỉ có còn mất của giả tướng có hợp là có tan đó thôi, phải vậy không? Như vậy thấy rõ cái giả tướng hợp tan đó, mà đã là giả tướng hợp tan thì tại sao mình lại sợ? Vậy mà mình đau khổ vì cái giả tướng đó. Đã giả tướng hợp thì giả tướng ấy phải tan chớ làm sao khỏi. Vậy mà mình bám vào cái giả tướng đó mình nói nó là thật sanh, thật tử rồi mình đau khổ trong cái sanh tử đó. Như vậy kiếp kiếp đời đời không thấy Niết-bàn. Còn trong cái giả tướng sanh tử đó mình biết rõ nó không sanh, không tử, phải vậy không? Nó chỉ là giả tướng hợp rồi tan chớ không có gì là sanh là tử hết. Sanh không thật sanh, tử không thật tử thì ngay nơi đó mình thấy sanh tức là vô sanh, mà vô sanh tức là Niết-bàn rồi, phải vậy không? Bây giờ quí vị thấy ngay nơi thân này mình thấy rõ như vậy thì hằng ngày sống trong Niết-bàn, cười hoài, miệng cười toe toét như đức Phật Di-lặc vậy, không còn gì đau khổ. Tuy trong cõi Ta-bà lửa cháy bừng bừng vậy mà mình vẫn cười vì không có gì là thật thọ hết, lửa có đốt thì tứ đại này rã ra, thì lửa hòa với lửa có gì đâu. Mình có lửa thì lửa chính là mình thì lửa hòa với lửa, còn nếu mình chìm xuống nước thì nước hòa với nước cũng là bạn chớ có mất đâu mà sợ.

Đâu có cái gì gọi là mất? Như vậy quí vị thấy có gì đau khổ nữa không? Mà thế gian đau khổ là vì sợ mất, mà sự thật, sợ cũng không khỏi, nó là hợp thì nó phải tan. Do đó tứ đại hợp rồi tứ đại tan, hợp tan chuyện của tứ đại cũng như trò chơi chớ có gì đâu, phải vậy không? Cũng như mình vùa đất lại thành núi chơi một hồi buồn thì phủi ra, phủi ra một lát lại vùa lại chơi, chuyện đó như trò chơi chớ có gì đâu? Hợp rồi tan, tan rồi hợp có nghĩa gì? Tại sao mình bám vào một chấm nhỏ của tan hợp rồi mình bảo vệ nó, gìn giữ nó, lo mất. Như vậy cái đau khổ đó là tại ai làm cho mình đau khổ? Tức là tại cái si mê của mình. Mình bám vào cái tan hợp đó mà cho là nó thật rồi mình muốn giữ cái tan hợp đó đừng cho nó tan.


Nhưng làm sao giữ được? Mà giữ không được tức là đau khổ, đau khổ ngay nơi đó.


Bây giờ nếu mình không sợ luân hồi, thây kệ nó hợp, nó tan, hợp hợp tan tan như trò chơi thì như vậy mình có bị luân hồi hay không? Cho nên nói rằng hàng Nhị thừa vì thấy có hai cho nên tự dối mình. Tâm mình tự dối cho nên các ngài sợ sanh tử, cầu Niết-bàn, đó cũng là tự gạt mình. Còn hàng Bồ-tát thấy “sắc với không” không hai nữa thì các ngài không còn sợ sanh tử thì ngay trong sanh tử thấy Niết-bàn rồi, thấy vô sanh tức là Niết-bàn, Niết-bàn là vô sanh, ngay nơi sanh tử mà thấy Niết-bàn. Quí vị thấy cái ngộ đó có xa xôi gì đâu, phải vậy không? Thật ra chúng ta chỉ cởi đi cái chấp mê sai lầm đó tự nhiên là tỉnh là giác. Tỉnh giác rồi thì ngay nơi thân này cũng như là trò chơi vậy, nó hợp lại mình lấy nó mình đi chơi, còn nó rã ra thì của đâu trả về đó. Hợp rồi tan, tan rồi hợp cũng kiểu như ngài Từ Minh nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ.” Vậy như chuyện chơi không có nhằm gì hết, còn gì là đau khổ trong sanh tử nữa, phải vậy không? Vì thế ở đây Ngài nói rằng: “Khi chúng ta biết ngoài không không riêng có sắc, chính nghĩa không sắc đó là nghĩa rộng rãi.” Ngay nơi đó chúng ta thấy tánh vô sanh thanh tịnh. Đó là: người ngộ thì liền đó là Niết-bàn, ngộ được đó thì Niết-bàn ngay trong hiện tại chớ không có đâu xa lạ hết. Ngoài sanh tử không có Niết-bàn, ngay trong sanh tử đó mà mình thấy. Như vậy giả sử chúng ta sống được như vậy, thì chúng ta thấy trên cõi đời này lửa đỏ, chiến tranh, giặc giã này chúng ta có sợ không? Chắc là mình cũng đùa với lửa chơi chớ không sợ gì hết, phải vậy không? An nhiên trong cái đau khổ không còn cái gì bận bịu hết. Còn nếu chúng ta vì thấy cái thân này thật quá rồi lo mất, mất vì cách này, mất vì cách khác, vì vậy mà cả ngày cứ lo mất hoài rồi mình bất an, bất an ngay trong cái lo đó. Nếu mình nhận chân được chỗ tu hành như vậy thì mình được an lành tự tại.


8. Sắc tức thị không không tức thị sắc. 

Chẳng không, không chẳng có
Chẳng sắc, sắc không hình
Sắc không về một mối
Đất tịnh được yên lành
Chẳng không, không vi diệu
Chẳng sắc, sắc phân minh
Sắc không chẳng phải tướng
Nơi đâu dựng thân hình.


Nếu chúng ta thấy rõ ngay nơi cái không đó, nó không thật là không; ngay nơi sắc đó, nó không thật là sắc thì không nó không thật, mà sắc cũng không là sắc thật, phải vậy không? Như vậy, không chẳng thật là không, sắc chẳng thật là sắc tức là sắc không đồng một nguồn, đồng trở về một mối. Sắc cũng là giả sắc mà không cũng là giả không, thì không và sắc đều là hư giả, đồng một nguồn hư giả. Như vậy sắc, không đều là hư giả, mà hư giả thì nó có khác nhau gì đâu? Tỉ dụ như bây giờ tôi có hai hình nhân làm bằng gỗ rồi tô điểm, mặc áo đồ bên ngoài, rồi trang điểm thành một người nam, một người nữ lắp vào một bộ máy ở trong, cho nó hoạt động: nó cũng đi, cũng múa, cũng nói... Khi đó có kẻ quê mùa không biết đó là hai tượng gỗ do máy mà nó cử động thì họ chấp đây là người nam, kia là người nữ, người này đẹp, người kia xấu... Nhưng nếu chúng ta biết hai người đó làm bằng máy, bằng gỗ thì chúng ta nói sao? Nam, nữ gì cũng là gỗ hết, tuy hai mà một. Ông nói nó là hai nhưng tôi thấy chỉ là một, một loại gỗ, một loại người máy mà thôi chớ không có nam nữ gì hết, không có thật. Mình thấy thật mới chia nó hai, cái này khác cái kia. Còn thấy nó là giả chỉ là một mối giả. Bây giờ mình biết sắc là giả sắc, không giả không như vậy nó là hai hay là một? Không và sắc đều là giả thì đồng một cái giả thôi chớ gì. Ở đây nói giả cho nên đồng một nguồn. Như vậy tịnh độ đắc an ninh, hiện tại mình ở trong cực lạc an ninh rồi không có gì hết. Vì sắc, không, mình không thấy nó là hai nữa, nó chỉ là một mối giả mà thôi. Như hồi nãy tôi nói thân này, sắc tức là chỉ cho có, không tức là chỉ cho không. Có và không là để tượng trưng cho sanh và tử. Đối với thân ở ngoài sắc tướng hợp thì gọi là có, rã ra thì gọi là không. Cũng như thân mình hợp lại gọi là sanh, rã ra thì gọi là tử. Nói sắc, không mình không nói hai thì sanh tử còn thấy hai đâu? Sanh tử không hai thì ngay nơi đây là Tịnh độ an ninh rồi, không còn tìm Tịnh độ ở đâu nữa mà ngay cõi này đã là Tịnh độ rồi. Tại sao là Tịnh độ? Vì hết còn sợ khổ vì chết đói, hết sợ khổ vì chết lạnh, hết còn sợ khổ vì chết, không còn sợ khổ nữa, không còn sợ cái tan rã đó nữa thì tự nhiên là an lành rồi nên cho đó là an ninh.


Chẳng không, không vi diệu. Chẳng sắc, sắc phân minh.

Sắc không chẳng phải tướng. Nơi đâu dựng thân hình.


Nếu mà - không phải không thì cái không đó mới là diệu. Không phải không, mình thấy ngay cái không là không thật là không. Trong cái sắc mình cũng biết nó là không, như vậy cái không đó mới là cái không diệu, cái không diệu đó tức là chân không đó.


- Không phải sắc, sắc phân minh. Cái sắc mà mình thấy không thật là sắc, thì cái đó mình mới rành rẽ về cái sắc. Cái sắc là cái tướng giả hợp mà mình biết rõ. Như vậy sắc không đều không phải tướng, như bên này người ta gọi tướng là có sắc, bên kia nói tướng là không, nhưng sự thật sắc và không là hai tướng đều là hư giả, hai tướng hư giả hết thì lúc đó tướng mà không phải tướng. Như vậy chỗ nào mà mình lập ra thân hình? Tướng mà không thật tướng thì thân mình thật chỗ nào? Như vậy mình nhận sắc tức không, không tức sắc thì ngay nơi đó mình biết thân mình nó không thật rồi, phải vậy không? Cái thân không thật thì còn cái gì mà đau khổ, còn cái gì mà luyến ái về thân? Chúng ta thấy ngay đó mà phá mất cái chấp ngã. Sở dĩ chúng ta đau khổ là vì chúng ta thấy thân là thật, chúng ta đau khổ là vì thấy chúng ta thật, là vì thấy vọng tưởng thật. Bây giờ ngay nơi thân của chúng ta, thấy sắc tức là không, không tức là sắc, thì còn thấy cái gì là thật nữa? Mà thân không thật thì đau khổ với cái gì chớ? Đó là nói về sắc ấm.


9. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.

Thọ tưởng nạp muôn duyên
Hành thức rộng dung khoan
Biến kế tâm nên dứt
Bệnh “ta” chẳng tương can
Giải thoát tâm vô ngại
Phá chấp ngộ tâm nguyên
Nên nói “cũng vậy đó”
Tánh tướng thật một ban.


Thọ tưởng nó nhận các duyên, vì thọ là do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà sanh ra cái thọ khổ, thọ vui, không khổ, không vui... Rồi nhân cái lãnh thọ đó mà có cái tưởng, tưởng đó là vui rồi thích, tưởng cái kia là khổ rồi ghét... cho nên thọ và tưởng là hai thứ chạy theo duyên bên ngoài. Còn hành và thức hai cái này lượng của nó rất là sâu mà thầm kín ở bên trong. Nên tâm biến kế cần phải dẹp. Tâm biến kế tức là tâm chấp (Biến kế sở chấp theo Duy thức học). Còn ở đây nói thọ và tưởng vì hai cái đó chạy theo các duyên, hai cái đó diệt rồi thì bệnh chấp ngã, bệnh về ngã nó không còn dính dáng gì nữa hết.


- Giải thoát tâm vô ngại - Phá chấp ngộ tâm nguyên: Nếu mà mình phá được cái tâm biến kế, tâm biến kế là cái gì? Do xúc mình thọ, thọ rồi mình khởi tưởng, như vậy thọ và tưởng đó mình không còn mắc kẹt nữa thì tâm biến kế hết, như vậy thì tự nhiên mình không còn bệnh chấp ngã. Mà bệnh chấp ngã hết rồi thì tâm mình được giải thoát vô ngại. Do phá chấp mà ngộ được nguồn tâm.


- Nên nói “cũng vậy đó” - Tánh tướng thật một ban: Vì vậy cho nên đoạn trước nói: “thọ tưởng nạp muôn duyên” bởi vì nếu ngay nơi bốn uẩn: thọ, tưởng, hành, thức mà mình đều phá chấp, thấy được nguồn tâm rồi thì tất cả đều như thế (tức là đều trở về nguồn tâm hết) thì lúc đó tánh và tướng đều rõ ràng. “Thực một ban” tức là một loại, tức là nó không còn riêng rẽ đây là tánh, kia là tướng riêng biệt, mà tánh và tướng đều trở về nguồn. Như vậy là Ngài đã giảng cho chúng ta thấy chỗ quán về ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. 

10. Xá-lợi Tử.

Nói “Xá” nhằm thân tướng
Còn “Lợi” nhắm một tâm
Bồ-tát vận trí tuệ
Bốn tướng chắn đường xâm
Đạt đạo lìa nhân chấp
Thấy tánh pháp không âm
Chư lậu đều dứt trọn
Toàn thể ấy vàng ròng.


- Nói “Xá” là luận về thân tướng - Nói “Lợi” là nói về chủng tâm (chữ Xá, Ngài cho là cái tướng của thân, còn nói Lợi là nói về hạt giống của tâm). Xá-lợi là chỉ cho thân tâm. Người đạt đạo lìa chấp hay đạt đạo thì lìa cái chấp nhân ngã. Nếu thấy tánh thì pháp không còn tiếng, tức là không còn mắc kẹt. Đạt đạo thì không còn chấp nhân, mà thấy tánh không còn chấp pháp. Người đạt đạo là ngườøi không còn chấp nhân, người thấy tánh là người không còn chấp pháp. Như vậy thì “các lậu thảy đều sạch hết, khắp toàn thân là chân kim” chớ không có gì hết. Như vậy nếu chúng ta đạt đạo, mà đạt đạo là sao? Là thấy được bản tâm mình, nhận ra bản tánh của mình đó là đạt đạo. Thấy bản tâm, nhận ra bản tánh thì người đó không còn chấp ngã, chấp pháp. Như vậy tất cả đều là vàng ròng, đều là chân thật.

11. Thị chư pháp không tướng.

Chư Phật nói không pháp
Thanh văn chấp tướng cầu
Tìm kinh kiếm lẽ đạo
Bao giờ học tâm thôi
Viên thành tướng chân thật
Chợt rõ bỏ ý tu
Thênh thang vượt pháp giới
Tự tại hết lo âu.


Cái chữ “Không” mà Phật nói trong kinh Bát-nhã đó không phải là chữ không đối đãi với chữ hữu. Hàng Thanh văn không hiểu rồi cứ chạy tìm cái tướng không, như vậy dù mình có tìm trong kinh để đạt đạo lý thì tìm hoài cũng không ra, không biết ngày nào mà tâm mình hết loạn. Bị vì mình thấy đây là không, kia là có, rồi cứ nghe nói: chư pháp không tướng, rồi nói cái tướng không pháp. Tướng không rồi cứ tưởng cái không ở ngoài này còn cái có là ở đây, ngoài này là không, không đối với cái có. Hiểu như vậy thì người đó không hiểu được ý Phật, nói chữ “Không” trong kinh Đại thừa. Chữ “Không” đó là sao?


Viên thành tướng chân thật - Chợt rõ bỏ ý tu
Thênh thang vượt pháp giới - Tự tại hết lo âu.


Nếu thấy chữ “Không” đó là tánh viên thành chân thật, cái “Không” đó là cái “Không” của kinh Đại thừa. Đây tôi nói lại danh từ trong Đại Thừa Khởi Tín Luận Tổ Mã Minh lập là cái gì Không? Thưa rằng ở trong đó có chia ra: trong Như Lai tàng có Như thật không và Như thật bất không. Chữ “Không” này là chỉ cho Như thật không ở trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, chỉ cho cái kho tàng Như LAI NÓ không có tất cả pháp sanh diệt, bởi không có tất cả pháp sanh diệt cho nên nói nó là không tướng. Tướng không đó là không có tất cả pháp sanh diệt, chớ không phải không cái kho tàng Như Lai. Bởi không hiểu, nghe nói không rồi tưởng đâu cái không là cái tướng hư không, đó là lầm. Vì vậy cho nên Tổ Bồ-đề-đạt-ma mới nói rằng: chữ không đó là chỉ cho cái tướng viên thành chân thật của Như Lai tạng. Nếu mình sớm thấy được thì cái tâm tu nó liền dừng, không có gì phải tu hành nữa, vì thấy được cái đó rồi, sống được với cái đó thì tức nhiên còn gì phải tu. Tự nhiên mình vượt khỏi hết tất cả pháp giới, vượt ngoài pháp giới, tự tại không còn gì phải lo sầu nữa. Như vậy Ngài nói cái tướng “Không” của các pháp đó là chỉ cho cái tánh viên thành thật của tất cả, cái tánh viên thành thật đó là nó ly khai biến kế sở chấp và y tâm khởi. Nói gọn lại, tánh viên thành thật đó là cái vượt ngoài các pháp sanh diệt. Vì vậy cho nên cái tánh viên thành thật đó chẳng phải sanh chẳng phải diệt, chẳng phải cấu chẳng phải tịnh, chẳng phải tăng chẳng phải giảm. Chớ còn nói cái không như là không ngoài này rồi nói nó không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm thì không đúng. Vì sao vậy? Vì trong cái không ngoài này, nó đã không rồi thì còn gì nói tăng, giảm, cấu, tịnh? Cái không đây là chỉ cho cái không Như Lai tàng, cái Như lai tàng này nó không phải là cái sanh cái diệt. Như vậy thì cái gì không sanh không diệt?

12. Bất sanh bất diệt.

Lô-xá thể thanh tịnh
Không tướng tự nhiên chân
Như hư không rộng khắp
Muôn kiếp vẫn trường tồn
Chẳng chung chẳng riêng rẽ
Không cựu cũng không tân
Lẫn lộn mà không nhiễm
Ba cõi một mình tôn.


Cái thể Lô-xá-na tức là cái thể pháp thân thì luôn luôn nó thanh tịnh, nó không có tướng cho nên xưa nay nó là chân. Bởi vì có sanh có diệt đều nằm hẳn trên cái tướng. Tướng hợp thì gọi là sanh, tướng tan thì gọi là diệt, mà pháp thân thanh tịnh này nó không có tướng, bởi không có tướng cho nên nói không sanh không diệt mà lâu nay nó hằng chân. Như hư không đều khắp hết, nghĩa là nó rỗng rang như hư không đều khắp hết. Muôn kiếp cái thể nó vẫn còn mãi mãi không mất, như vậy cái bất sanh bất diệt đó là chỉ cho pháp thân.


- Chẳng chung chẳng riêng rẽ - Không cựu cũng không tân: Hòa quang trần tức không có nhiễm (tức hòa quang đồng trần): hòa cái thanh tịnh đó ở trong cái cõi ô trược này mà vẫn không bị nhơ uế.


- Ba cõi một mình tôn: tức là tôn trọng trên hết trong tam giới. Như vậy ngay trong tam giới không có cái gì quí bằng pháp thân. Pháp thân là trên tất cả; pháp thân nó có theo chúng ta vào luân hồi hay không? Quí vị nên nhớ các Thiền sư thường hay hỏi chỗ đó; hỏi: “Pháp thân có theo chúng ta luân hồi không?” Nếu mà đứng về pháp thân thì nó không bị luân hồi, cho nên mới nói nó là không. Nhưng mà nó hòa quang đồng trần cho nên cũng gọi là có, thành ra có là đứng về mặt hòa quang đồng trần. Chữ hòa quang đồng trần là sao? Là hòa cái ánh sáng trong cái bụi bặm. Ngay trong cái thân mình đây nó có cả hai mặt: quang và trần, tứ đại là trần mà cái thể thanh tịnh ở trong đó nó không bị ô nhiễm là quang. Ngay nơi thân mình nó rõ ràng, bây giờ mình lọc trần ra đừng dính nữa thì quang nó hiện ra phải không? Như vậy nếu đứng về mặt hòa quang đồng trần thì cũng vẫn theo nhau vào luân hồi, còn đứng về mặt thể thanh tịnh của nó thì chưa từng sanh tử, chưa từng đi đâu hết thì nói gì là luân hồi? Cho nên chỗ đó các vị Thiền sư có khi nói luân hồi, có khi nói không luân hồi, trúng hết không có trật. Vì vậy cho nên chúng ta học kinh Bát-nhã nghe nói bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh, bất sanh bất diệt thì biết cái gì sanh diệt, cái gì bất cấu bất tịnh... Chớ còn không thì đọc như là cái máy phóng thanh vậy. Kêu la om sòm mà không biết cái gì là cái gì hết. Sở dĩ Thiền sư nói không tướng, cái tướng “Không” của các pháp ấy là gì? Là cái tướng viên thành thật hay là chỉ cho cái Không Như Lai tàng hay là chỉ cho cái pháp thân, ngay nơi pháp thân đó nó không sanh, không chết. Tại sao nó không sanh không diệt? Bởi vì nó từ xưa đến nay là không tướng, mà không tướng thì lấy gì gọi là sanh? Lấy gì gọi là diệt? Bởi vì nó là khắp hết cho nên nói cái gì là tăng? Cái gì là giảm? Nó là thường còn, cho nên nói cái gì là còn, là mất? Vì vậy cho nên nó không có gì tăng giảm hết, sanh diệt cũng không có.


13. Bất cấu bất tịnh. Tại sao nói là bất cấu bất tịnh?

Chân như vượt ba cõi
Dơ sạch vốn không ngơ
Vì thương phương tiện mở
Nói nhặt cùng nói thưa
Cõi không không “vô hữu”
Hiện xuống bánh xe đưa
Xưa nay không một vật
Huống hai thứ lọc lừa.


Hồi nãy nói là Lô-xá-na mà Lô-xá-na thanh tịnh, rồi nói viên thành thật, rồi nói chân như, đều chỉ cho cái tướng “Không” của các pháp. Cái tướng không của các pháp cũng gọi là chân như thì chân như đó siêu việt hơn tam giới, ngoài tam giới. Mà đã ngoài tam giới thì còn cái gì nữa mà nói cấu, nói tịnh? Cho nên xưa nay cấu tịnh là không. Nhưng sở dĩ đức Phật nói có cấu có tịnh là vì sao? Như chúng ta học ở trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Tổ cũng nói nhiễm huân, tịnh huân vậy. Nói nhiễm nói tịnh đó là căn cứ trên phương tiện mà nói. Cho nên sở dĩ trong kinh đức Phật nói có cấu có tịnh đó là đứng về phương tiện mà nói, khi thì Ngài nói thô, khi thì Ngài nói tế vậy thôi.


Nói rằng: “nó thuộc về cái không giới” (không giới này không phải tánh không) mà không giới là cái không Như Lai tàng, nói không có tất cả các pháp sanh tử, vì vậy cho nên nói là không giới, mà cái không Như Lai tàng đó nó hiện ra một vầng sáng rỡ ở giữa hư không vậy. Xưa nay không có một vật, đã không có một vật thì đâu có hai thứ. Đã không có một vật thì nói gì là hai thứ mà cấu mà tịnh, phải vậy không? Vì vậy cho nên nói cái thể chân như nó vượt hơn tam giới, nó là một vầng sáng rỡ, xưa nay không có một cái gì mà nói là hai mà cấu mà tịnh?

14. Bất tăng bất giảm.

Thể Như Lai không tướng
Đầy dẫy mười phương không
Trên không khôn lập có
Trong có chẳng thấy không
Nghe như tai gió thoảng
Xem như nguyệt trên sông
Pháp thân nào thêm bớt
Ba cõi gọi chân dung.

Cái thể Như Lai nó không thêm, không bớt. Tại sao không thêm, không bớt? Vì cái thể Như Lai ấy là vô tướng. Bởi vô tướng cho nên nói đầy khắp mười phương hư không, trên hư không khó mà an lập có được, cho nên trong cái có chẳng thấy cái không.


Chữ “Dung” trong bài kệ người ta nghi chữ “không” mới đúng (có thể in lầm). Như vậy nói rằng: Cái thể Như Lai đó (chỉ cho pháp thân chớ gì) mà cái pháp thân đó, chúng ta thấy nó ra sao? Nhìn thấy các pháp ở trong pháp thân ấy, chẳng khác nào như mình nhìn thấy mặt trăng ở trong nước vậy, không có cái gì thật hết. Cũng như mình nghe gió thổi bên tai vậy. Bởi vì đối với các pháp mà sánh với pháp thân thì các pháp nó là sao? - Là hư giả. Cũng như mặt trăng ở trong nước có thật không? Cũng như gió bên tai nghe ù ù mà nắm bắt không được, phải vậy không? Như vậy đối với cái thể pháp thân, căn cứ vào thể pháp thân mà nhìn các pháp ở trên nhân gian này chẳng khác nào như trăng trong nước, như gió thổi bên tai thì pháp thân làm sao mà có tăng có giảm, phải không? Pháp thân đầy khắp, các pháp ở thế gian không làm sao mà dính mà nhiễm được nó, vì các pháp ở thế gian đều là hư giả như trăng trong nước, như gió bên tai, không có gì thật hết; mà không thật thì làm sao nhiễm được pháp thân mà nói tăng nói giảm? Vì vậy tam giới này đều gọi là chân không. Chân không là sao? Vì trong tam giới không có gì thật có mà chỉ có một pháp thân thanh tịnh, tam giới là huyễn hóa như trăng đáy nước chớ không có thật. Thấy như vậy thì chúng ta biết được cái thể thanh tịnh của pháp thân. Chữ “Không tướng” trong kinh Bát-nhã là chỉ cho “Pháp thân”. Tướng không của các pháp là pháp thân chớ không phải là cái tướng trống rỗng, nên nhớ như vậy. Vì vậy tướng “Không” nó không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt, vì nó là đầy khắp, tất cả các pháp trong tam giới không nhiễm ô nó được.

15. Thị cố không trung (Thế nên trong cái không đó).

Bồ-đề ngoài chẳng có
Cũng chẳng ở trung gian
Chẳng tướng chẳng chẳng tướng
Cân nhắc mất cơ quan
Thế giới chẳng thế giới
Bốn trời sáng ba quang
Bản lai không chướng ngại
Đâu là chỗ chắn ngang.


Ngoài tâm không có Bồ-đề nên nói Bồ-đề không ở ngoài, không ở ngoài thì ở chặng giữa tìm cũng khó được. Mà ở đây nói cái không đó (thị cố không trung) thì đó là một lối nói tạm chớ đừng có lầm chữ ở trong rồi mình đặt ra ở ngoài đối đãi đó. Vì vậy cho nên không phải tướng, cũng không phải không tướng. Vì sao? Vì còn để cái tâm lường xét thì nó đã mất cái chỗ thiết yếu đó rồi. Cho nên nói rằng mất cơ quan. Vừa dấy cái tâm lường xét trong ngoài là đã mất cái chỗ thiết yếu đó rồi.


Thế giới chẳng thế giới - Bốn trời sáng ba quang.


Nếu chúng ta xét thấy rõ thế giới này là không thật, bởi nó không thật cho nên nói nó là không phải thế giới, thì tự nhiên là cái trí tuệ sáng suốt của chúng ta (tam quang này là chỉ cho ba cái ánh sáng) chiếu soi khắp tứ thiên (bốn cõi trời). Ba cái ánh sáng tức là chỉ cho ba thân Phật (Pháp, Báo, Hóa) tự nhiên mà soi sáng.


Bản lai không chướng ngại - Đâu là chỗ chắn ngang.


Ở trong cái tự tánh thanh tịnh hay là trong cái pháp thân thanh tịnh (nói trong pháp thân thanh tịnh là một lối gượng nói) mình đừng mắc kẹt cái đối đãi trong ngoài mà lượng xét thì trong cái đó nó là rộng rãi mênh mang, nó không có chỗ nào mà chướng ngại hết. Vì vậy nên nói không có chướng ngại.

16. Vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.

Không sắc bản lai không
Thọ tưởng vẫn chung đồng
Hành thức cũng như vậy
Có hết lại về không
Chấp có đâu thật có
Theo không lại lạc không
Sắc không tâm lìa hết
Chừng ấy mới thần thông.


Không và sắc xưa nay là không. Không thọ ý trở lại đồng tức là không sắc thì cũng không thọ. Như vậy mình biết cái sắc nó đã không thì cái thọ cũng không. Hành và thức cũng không, trong cái không đó nó cũng không có, có tận trở về không, nếu mà có hết thì sẽ trở lại thành không.


- Chấp có đâu thật có - Theo không lại lạc không. Chỗ này là cái chỗ khó. Nếu chúng ta chấp có thì thật là chẳng có, còn nếu chúng ta bám vào không thì lại rớt ở trong không. Tại sao chấp có thì lại không thật có? Vì tất cả pháp ở giữa này là hư giả mà chúng ta chấp thật có thì đó là lầm. Tự nhiên chấp thật có thì nó không phải thật rồi, thấy không? Cho nên chấp thật có thì không phải thật có. Nếu nói không ngơ thì đã lạc vào chấp không rồi, phải vậy không? Như vậy cũng là bệnh. Chấp có, chấp không đều là bệnh hết.


- Sắc không tâm lìa hết: tức là tâm mình lìa cả chấp không thì như vậy mới được cái thần thông. Thần thông là sao? Bây giờ giả sử mình không chấp, không chấp không, mình liền biến hóa được không? Bây giờ chúng ta không chấp thật có và thật không, các pháp giữa này mình thấy không phải thật có, không phải thật không, thì lúc đó là không chấp. Nhưng không chấp như vậy chúng ta liền có thần thông hay không? Bây giờ thử trong một giờ nào đó đừng chấp, coi có thần thông hay không? - Có chớ sao không? Thần thông là tự tại mà. Nhớ không? Tự tại thần thông, cho nên người ta nói thần thông là tự tại. Nếu không chấp thì mình tự tại, không mắc kẹt, không mắc kẹt tức là thần thông rồi chớ còn gì nữa. Vậy mà không chịu, cứ tưởng thần thông là biến hóa không hà. Thần thông là tự tại, mà không chấp tức là tự tại.


Như vậy để biết rằng ở trong cái tánh không hay là trong cái chân không đó nó không có tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức tức là đối trong ngũ uẩn. Ngũ uẩn mà mình không chấp nó là thật thì người đó có thần thông rồi. Nói gọn lại, nếu ai đối với ngũ uẩn mà không chấp nó thật thì người đó có thần thông. Còn người nào chấp thật một trong năm uẩn cũng là không có thần thông, dù có tu tới đâu cũng không có thần thông, dù biến hóa được cũng không có thần thông nữa. Chỗ đó mà chúng ta thấy là căn cứ trên năm uẩn mà nói. Như vậy năm uẩn mà mình biết rõ ràng xưa nay nó không thật, thì như vậy là mình được thần thông. Nếu chấp có hoặc chấp không thì đều mắc kẹt.


17. Vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý.

Sáu căn không tự tánh
Theo tướng đặt bày thôi
Sắc duyên theo tướng vọng
Nhân ngã lưỡi đùa chơi
Mũi dối phân mùi ngửi
Thân ý đắm tình đời
Sáu nơi ham mến dứt
Muôn kiếp chẳng luân hồi.


Hồi trước tôi nói không năm uẩn, bây giờ tới không sáu căn: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Nói năm uẩn là nói một cách tổng quát. Nhiều khi nghe nói năm uẩn, mà năm uẩn gì tôi không biết, bây giờ tôi thấy tôi có lỗ tai, con mắt, thân, ý... Bây giờ ngay đó đức Phật cũng nói sáu cái: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu cái đó nó cũng không có thật luôn nữa. Tại sao? Vì ở trong cái chân như thanh tịnh nhìn thấy sáu căn này như nhìn thấy cái gì? Như thấy bóng trăng trong nước, như thấy hoa đốm trong hư không, nếu đứng về mặt chân như mà nhìn. Vì vậy cho nên nó là bóng trăng đáy nước, là hoa đốm trong hư không thì làm sao nói nó thật được? Cho nên nói nó không nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Ngài mới giải thích sáu căn không tự tánh, nó không thật, là hư giả.


- Theo tướng đặt bày thôi: Theo tướng đó rồi mình tạm an bày đó thôi.


- Sắc duyên theo tướng vọng: Sắc chia ra để rồi duyên theo. Sắc là con mắt, âm thanh là lỗ tai. Nhân ngã thật là khôi hài: nhân đó mà chia ra mình, chia ra người. Cái lưỡi mình tự đùa cợt mà chơi chớ không có cái gì thật hết. Lỗ mũi thì ngửi cái gì? Ngửi mùi thơm, mùi hôi, rồi lại chia ra cái mùi thơm mình thích, cái kia hôi mình ghét. Thân ý mong muốn cái tình trái nhau. Tại sao trái? Mình có người nào thỏa mãn được như ý mình mong muốn hay không? Có ai trên đời này muốn cái gì đều thỏa mãn cái ấy hết hay không? Mà muốn thỏa mãn người ta có thỏa mãn được hay không? Chúng ta cứ tưởng tượng nếu thế gian này có người muốn gì được cái ấy (mà ông bà mình gọi là được sách ước đó, ước gì được nấy) thì người đó ước riết rồi ước tới đâu nữa? Bây giờ nếu nghèo thì họ ước có tiền, phải vậy không? Có tiền rồi họ ước cái gì nữa? Ước tới nhà lầu, xe hơi. Có tiền, có nhà lầu, có xe hơi rồi ước tới làm quan (cho có danh vọng), rồi ước đủ thứ... ước cho đừng chết nữa phải vậy không? Ước đừng chết để hưởng chớ còn có đủ hết rồi mà chết thì đâu có hưởng được, thành ra ước riết rồi cái gì có ở thế gian này đều gom về tay họ hết. Như vậy cho nên ở thế gian này không có cái gì vừa ý của mình, thỏa mãn ý thích của mình. Nếu mà mình chạy theo ý thích mà ý thích đó không được thỏa mãn tức là đau khổ chớ gì? Vì vậy cho nên thân, ý dục tình trái là vậy: thân, ý của mình nó mong muốn trái với tâm tình của mình.


- Sáu nơi ham mến dứt: Bây giờ Ngài mới chỉ sáu cái tham ái của mình, nó dứt được rồi thì vạn kiếp bất luân hồi, muôn kiếp không còn luân hồi nữa. Cái tham ái của sáu căn dứt được thì dòng luân hồi mình cắt đứt. Dễ quá, tham ái của sáu cái này mình cắt đứt rồi thì dòng luân hồi nó rời ra chớ gì. Bây giờ chúng ta thử kiểm lại coi tất cả cái mà chúng ta bây giờ đương ưa thích, đương đeo đuổi mà phải khổ, phải giành giựt với nhau, có cái gì ngoài cái đòi hỏi của sáu căn không? Giành ăn là vì cái lưỡi, giành món đẹp là vì con mắt, giành những lời nói hay là tại lỗ tai, giành những xúc chạm ưa thích thì đó là vì thân, rồi thỏa mãn cái ý thức hệ của mình là ý. Như vậy tất cả những đau khổ, giết chóc ở cõi nhân gian này đều là do sáu cái đó, nó là manh mối dẫn giặc về cướp hết sự nghiệp của mình, rồi mình đau đớn lang thang, trôi giạt đầu này đầu nọ thành kẻ bần cùng và cô lộ là cũng tại sáu cái thứ này, thấy không? Bây giờ ngang nơi sáu thứ này mà cắt đứt ngay cái tham ái của nó rồi thì dòng luân hồi bị cắt đứt, quí vị thấy có cái gì mầu nhiệm lạ lùng đâu? Ai cũng có quyền làm việc đó hết mà. Ở giữa này có ai không có quyền làm việc đó không? Như vậy thì đâu có dành riêng cho ai, ai cũng có thẩm quyền mà dứt cái đó. Như vậy thì ai cũng có quyền giải thoát hết, chỉ có những người chưa chịu làm mà thôi. Chưa chịu làm mà còn nuôi dưỡng, những người đó tự nhiên là không ra khỏi, chớ sáu căn đó mà mình đừng bị tham ái nữa thì tức nhiên hết luân hồi. Vì vậy mà nói vô, nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý.


Thành ra chữ “Vô” ở đây là căn cứ trên tánh không. Tánh chân không đó nó không có những cái như thế này, bởi không có những cái như thế này cho nên ý kinh cũng dạy cho mình nó không có những thứ đó, vì cái đó là không thật, mà không thật thì tham ái làm gì? Chúng ta vì thấy nó là thật cho nên cái đòi hỏi của lưỡi thì ngon, dở thì ghét; đòi hỏi của lỗ mũi thì thơm, hôi thì ghét... Như vậy nếu chúng ta chạy theo làm nô dịch cho nó nữa thì chắc đời đời bôn tẩu không dừng phải không? Còn nếu sáu căn này mà mình không bị nô lệ cho nó nữa, thì tự nhiên ngồi cười hoài. Thây kệ, tới bữa ăn có rau luộc ăn cũng tốt, muối tiêu cũng tốt cái gì cũng tốt hết, cười thôi. Còn nếu tới bữa ăn mà thấy rau luộc, nước tương, không có cái gì thêm làm canh riêu nữa thì cái mặt nó héo lại, thì tức nhiên mình có cái gì rồi. Cái khổ trong đó rồi, thấy không? Héo rồi sau đó sanh ngầm trong bụng nữa: “Bữa nay sao ông tri nhật này tàn nhẫn quá.” Như vậy chúng ta thấy cái đau khổ theo đó. Nếu chúng ta sống được như vậy thì cuộc luân hồi chấm dứt ngay từ đó. Tu ngay nơi sáu căn đó. Nãy giờ nói năm uẩn là thân mà sáu căn cũng thuộc về thân.


- Vô sắc thanh hương vị xúc pháp: tức là không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Căn cứ trong cái tánh không đó tức là trong cái pháp thân thanh tịnh của mình thì nó không có cái sắc thật, cái thanh, hương, vị, xúc, pháp thật, không có sáu trần thật.


Người chứng được căn bản trí rồi thì họ không còn thấy có thanh, có sắc là thật, không thấy có thanh sắc thì hương, vị, xúc từ nơi cái gì mà ra? Sắc, thanh không thật thì hương, vị, xúc cũng là giả dối mà thôi. Như vậy thì sáu trần đều từ hư vọng dấy khởi chớ không có gì thật, mà sáu trần đã từ hư vọng dấy khởi thì cái tâm của kẻ phàm phu tự lầm, tự nghi hoặc ở trong đó tự lầm đuổi theo.


- Sanh tử thôi sanh tử - Bồ-đề chứng một khi - Pháp tánh không vô trụ - Chỉ sợ ngộ chầy chầy: Sanh tử thôi sanh tử nghĩa là sanh tử hay dừng được sanh tử là từ đâu? Là từ Bồ-đề chứng, khi mà mình chứng được Bồ-đề mới là dứt được sanh tử, chớ nếu mình còn chạy theo sáu trần là mình cũng vẫn còn mê lầm trong cái sanh tử, còn làm phàm phu chìm đắm nơi sanh tử. Bây giờ muốn dứt được sanh tử thì khi mình chứng được Bồ-đề, lúc đó mới dứt được sanh tử, thì khi ấy mình thấy cái pháp tánh nó không dừng trụ nơi nào hết, chỉ e rằng cái ngộ của mình nó chậm trễ mà thôi. Khi mình ngộ rồi thì thấy pháp tánh sao? Mà sở dĩ mình còn mắc kẹt trong sanh tử là vì mình ngộ muộn mà thôi.


Như vậy sáu căn nó đã không thật, sáu trần cũng không thật. Sáu căn không thật tức là dứt luân hồi, sáu trần không thật cũng là ngộ được đạo. Vì vậy mà tôi thường khuyên quí vị nhìn ra thì thấy sáu trần không thật, ngó vào thì thấy sáu căn không thật, vọng tưởng không thật, cái tứ đại không thật... Như vậy là cái tu thiết yếu để mà cởi sạch dòng luân hồi đó.


19. Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.

Sáu thức theo vọng dậy
Y tha mở dối sai
Mắt tai luôn thân ý
So tính được sao ai
Lưỡi mũi gây điên đảo
Tâm vương lạc hướng quay
Đợi gì trong sáu thức
Quày lại hướng Như Lai.


Nó không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, tức không có mười tám giới: sáu căn, sáu trần và sáu thức. Đây là nói sáu căn, sáu trần, sáu thức đều không. Ngài nói rằng sáu thức đều là vọng tưởng mà khởi thôi. Do cái y tha mà tánh tự khai. Y tha là sáu thức nó nương nơi sáu trần rồi tự nhiên nó có cái duyên để phân biệt, cho nên nói y tha tánh tự khai. Nhãn nhĩ cùng với thân ý tức là chỉ cho sáu căn. Sáu thức đã không thật rồi thì sáu căn có thật đâu? Sáu căn này nó ra sao? Nói rằng: lưỡi, mũi là cái hạnh điên đảo, tâm vương dẹp, kéo nó trở lại trong sáu thức đó nó không có bao lâu liền chứng ngộ trở về với Như Lai. Ở đây Ngài nói mười tám giới nhưng nặng về sáu thức, bởi vì trước nói sáu căn, sáu trần rồi thì bây giờ nặng về sáu thức. Trong sáu thức đó xét cho kỹ nó đều hư vọng, đều là biến kế sở chấp và y tha khởi thôi chớ không có thật. Bởi nó không thật cho nên dùng cái tâm vương mình mà kéo nó lại, đừng cho nó chạy theo sáu trần nữa, thì sáu thức ấy tự nhiên không bao lâu nó liền đốn ngộ, trở về với Như Lai của mình chớ không có xa.

20. Vô vô minh diệc vô vô minh tận nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận.

Không vô minh cũng không cái hết vô minh, cho đến không lão tử cũng không hết lão tử. Đó là nói cái gì? Mười hai nhân duyên nó là hữu, dưới cái sanh thì lão liền theo đó, hễ có sanh thì liền có lão rồi tới tử. Có thân thì vô minh đến, hai tướng đều ngang nhau. Tại sao mà nói như vậy? Ở đây nói rằng: “Mười hai nhân duyên nó là có nếu mình theo mười hai nhân duyên.” (Các kinh A-hàm chủ trương mười hai nhân duyên là cái pháp duyên khởi, chân lý đó để cho hàng Nhị thừa y cứ đó mà tu hành được đạo giải thoát được gọi là Duyên giác.) Ở đây đối với quan niệm Bát- nhã mà nhất là quan niệm của Tổ Bồ-đề-đạt-ma, thì Ngài nói mười hai nhân duyên nó có. Nếu có sanh thì liền có lão nó theo nhau, đều đồng với nhau hết. Tại sao vậy? Có thân thì liền có vô minh, hai cái đó nó không rời nhau đều đồng với nhau hết. Tại sao vậy? Vì thấy có cái này tức là có cái kia. Bây giờ tất cả mười hai nhân duyên mình thấy không thật thì sao? Như vậy nên nói: “Thân hết thì vô minh hết”


Thọ báo khước lai kỳ (Cái thọ báo đến bao giờ? Bao giờ mà đến?)
Trí thân xem như là huyễn hóa.
Mau mau ngộ được cái vô vi (Gấp gấp ngộ vô vi).


Người mà có được trí, dùng cái trí thân mà xem xét tất cả các pháp như huyễn hóa, mà huyễn hóa thì tức nhiên mình chóng ngộ được cái pháp vô vi. Như vậy cho nên căn cứ vào cái chân như thì nó không có mười hai nhân duyên thật, mà biết mười hai nhân duyên đều là huyễn hóa, không thật, chớ nếu mình thấy thật thì tức nhiên còn nằm ở trong vô minh, vì vậy mà nếu thấy có thân tức là có vô minh, thấy có sanh tức là có lão, nó theo đó liền liền.

21. Vô khổ tập diệt đạo.

Bốn đế hưng ba cõi
Đốn giáo nghĩa phân minh
Khổ dứt, tập đã diệt
Đạo thánh tự nhiên thành
Thanh văn thôi tưởng dối
Duyên giác ý an lành
Muốn biết nơi thành Phật
Trên tâm đừng trệ quanh.


Nói rằng tứ đế đó là chỉ cho cái lý do mà dấy hiện ba cõi, ba cõi này có là do tứ đế mà có, tức là trong tứ đế có chia ra hai phần: a- Một phần nhân quả thế gian. b- Một phần nhân quả của xuất thế gian.


Có nhân quả thế gian, nhân quả xuất thế gian tức là dấy niệm tam giới chớ gì? Vì vậy cho nên nói rằng: đứng về khổ và tập đế là nhân và quả thế gian, diệt và đạo là nhân quả xuất thế gian. Đó là tứ đế hiện nên tam giới. Nếu mình theo đốn giáo thì cái nghĩa rất rành rẽ, vì sao? Nếu khổ dứt rồi thì tập sạch.


- Đạo thánh tự nhiên thành - Thanh văn thôi tưởng dối - Duyên giác ý an lành - Muốn biết nơi thành Phật - Trên tâm đừng trệ quanh: Đoạn này, Ngài nói rằng: hàng Thanh văn là dứt vọng tưởng để tâm mình nó lặng, nó khô kiệt, chìm trong cái tịch mịch. Hàng Duyên giác thì được cái ý an ổn. Nhưng hai vị đó vẫn còn kềm tâm ý, chỉ người nào muốn hiểu được Phật đạo thì người đó trên cái tâm mình chớ đừng có dùng cái phương pháp kềm. Tại sao không dùng phương pháp kềm, để nó chạy lung tung vậy sao? Cho nên bây giờ tôi nói đây để nhắc cho một số quí vị tu, vì bây giờ có một số quí vị tu bằng cách là kềm, kềm châm bẳm vậy đó. Kềm không cho nó chạy, bậm môi, trợn mắt để kềm nó lại. Tu kiểu đó lâu rồi biến thành gì? Thành Thanh văn, nhớ như vậy. Còn tu mà hơi hiểu Phật đạo một chút thì không có như vậy. Tại sao không như vậy? Nhìn thấy cái đồng hồ, tôi biết cái đồng hồ là huyễn hóa vô sanh, nhìn cái gì tôi cũng biết là huyễn hóa vô sanh hết thì cười hoài, đi chơi cười hoài không có gì buồn nữa, phải vậy không? Cái thân này là huyễn hóa vô sanh thì tức nhiên tất cả các pháp đều huyễn hóa vô sanh, thấy tường tận như vậy thì không có cái gì kềm hết trơn. Không biết nó chạy đi đâu? Bởi vì tất cả đều huyễn hóa vô sanh thì nó duyên cái gì bây giờ? Sở dĩ mình thấy nó thật, nó chạy, nó duyên, mình kéo nó lại rầy nó. Còn nếu nó chạy theo cái đó mà biết cái đó không thật thì hết chỗ chạy. Như vậy cái đó là cái thấy được Phật đạo, ngay trong cái sanh thấy vô sanh thì cái đó là mạnh nhất, nó đi thẳng vào Phật đạo. Cho nên Bồ-tát nói không có kềm. Quí vị thấy Thanh văn lúc nào trán cũng nheo lại, còn Bồ-tát cuời hoài, nhớ như vậy đó. Chính cái đó là cái quan niệm tu hành, nó sai biệt nhau ở chỗ đó. Cho nên nhiều khi quí vị nghe nói vọng tâm thì phải kềm lại, giữ nó lại rồi mình cũng cố gắng kềm, kềm riết rồi tự nhiên mình lạc về Thanh văn hồi nào không hay. Cho nên phải hiểu rõ, không phải mình buông nó, mà nó tới cái nào thì biết nó là giả, là huyễn hóa hết thì tự nhiên cái chỗ tới của nó không còn có chỗ đâu mà bám, hết chỗ nó tới thì tự nhiên nó là an ổn. Đó là phương pháp muốn biết Phật đạo, muốn thành Phật đạo là phải như vậy.

22. Vô trí diệc vô đắc.

Pháp bản chẳng không có
Trí tuệ dễ đâu lường
Hoan hỉ tâm lìa bợn
Phát sáng ngập mười phương 
Có gì hơn trước mắt
Tìm đâu xa đạo trường
Chẳng động qua bờ giác
Cõi thiện tuệ pháp vương.


Câu “Vô trí diệc vô đắc” phá phàm phu, ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới là cái ngu mê lầm của phàm phu. Rồi phá mười hai nhân duyên là cái lầm của Duyên giác, phá tứ đế là phá lầm của Thanh văn. Bây giờ đây “Vô trí diệc vô đắc” là cái lầm của ai? Cái lầm của Bồ-tát, vì Bồ- tát là nặng về trí (Bồ-đề-tát-đỏa). Bồ-đề tức là chỉ cho cái gì? - Bồ-đề-tát-đỏa có chỗ dịch là Hữu tình giác, có chỗ gọi là Giác hữu tình. Như vậy Bồ-tát tức là nói tới trí tuệ giác. Vì vậy nói vô trí tức là chỉ cho cũng không có Bồ-tát thật, cũng không có được cái quả vị Bồ-tát.


- Pháp bản chẳng không có: tức là pháp gốc chẳng phải không có, nhưng trí tuệ khó mà lường xét được cái pháp bản đó. Pháp bản là chỉ cho pháp thân thanh tịnh.


- Hoan hỉ tâm lìa bợn: từ Hoan hỉ địa rồi tiến lên Ly cấu địa. Hoan hỉ địa là địa nào? Từ Sơ địa Bồ-tát rồi tiến lên Ly cấu địa là Nhị địa Bồ-tát.


- Phát sáng ngập mười phương: là Tam địa Bồ-tát thì lúc đó được cái soi sáng khắp cả mười phương. Ở đây thiếu một địa, đúng ra có đệ Tứ địa là Diệm tuệ địa mà Ngài không để, tức là cái thứ tư Diệm tuệ địa. Thứ năm là Nan thắng địa. Thứ sáu là Hiện tiền địa. Thứ bảy là Viễn hành địa cũng như là ở trong đại đạo tràng. Đến thứ tám là Bất động địa là siêu việt đến bờ kia rồi. Đến thứ chín là Thiện tuệ địa. Thứ mười là Pháp vương địa (Pháp vân địa). Như vậy đến thứ mười là Pháp trung vương đó (tức là vua ở trong các pháp).


Như vậy pháp bản là chỉ cho pháp thân. Pháp thân thanh tịnh của Bồ-tát ở trong đó không thể dùng trí tuệ lường xét được, mà pháp thân đó không phải là không có, nhưng mà không dùng trí tuệ lường xét được, chỉ có Bồ-tát từ Sơ địa nhẫn lên từ từ mới thấy được cái pháp thân đó. Đến Thập địa rồi từ chỗ pháp thân ấy mới sắp được viên mãn, chớ không phải là không có pháp thân. Nếu mình chấp còn có trí, còn có được thì nó nằm ở trong cái lường xét, mà nằm ở trong lường xét thì không thấy được pháp thân. Như vậy là phá hết cái chấp của phàm phu và Thánh Hiền rồi.

23. Dĩ vô sở đắc cố (Vì không có cái sở đắc).

Tịch diệt thể vô đắc - Chân không tuyệt thủ phan.


Tức là nói cái pháp thể tịch diệt nó không có gì là được hết. Vì cái tánh chân không là bặt dứt cái tâm vin theo hay là níu theo. Xưa nay nó không có tướng mạo gì.


Quyền biến dựng ba đàn.


Tạm quyền lập ra có ba bậc hay là ba chỗ thí dụ như trong pháp thân thanh tịnh, nó không có tất cả tướng nhưng mà quyền tạm đặt nó làm Tam thân hoặc Tứ trí.


Bốn trí mở pháp dụ - Sáu độ ví ải quan.


Tứ trí cũng là một cái lối mở ra cái thí dụ về cái pháp ấy thôi. Còn lục độ nó cũng trọn là cái phương tiện để mà dẫn đường vào cửa.


Mười địa ba thừa pháp - Hàng thánh khó luận bàn.


Hàng Thập địa trở xuống và hàng Tam thừa, các vị Thánh ấy muốn lường được cái pháp thể tịch diệt ấy cũng là rất khó vậy. Cho nên nói rằng: “Vô sở đắc”.

Vì cái pháp thể ấy nó không có năng sở thì lấy gì có được hay bị được? Vì vậy cho nên không còn dùng cái lượng xét nữa, mà còn bị lượng xét tức là không thấy.

24. Bồ-đề-tát-đỏa.

Phật đạo thật khó thấu
Tát-đỏa là phàm trần
Chúng sanh cốt thấy tánh
Kính Phật chớ phụ tâm
Trong đời thiện tri thức
Luận pháp nói sâu nông
Đốn ngộ tâm bình đẳng
Dứt hết hai bên lầm.


Phật đạo là chỗ chân thật mà khó biết. Tát- đỏa là phàm phu. Tại sao Tát-đỏa là phàm phu? Bởi vì Bồ- đề-tát- đỏa dịch là Hữu tình giác hay Giác hữu tình. Hữu tình tức là phàm phu chớ gì? Nhưng mà phàm phu sao? Chúng sanh cốt thấy tánh, tức là phàm phu mà muốn thấy được tánh đó là Bồ-tát chớ gì? Phàm phu mà để an phận phàm phu trôi theo dòng luân hồi thì gọi là phàm phu. Phàm phu mà muốn trở về giác ngộ đó là Bồ-tát chớ có gì lạ? Cho nên nói những phàm phu mà muốn thấy tánh thì phải làm sao? - Kính Phật chớ có cô phụ cái tâm của mình, vì muốn thấy tánh mình đừng có chỉ trông cậy Phật ở bên ngoài, mà bỏ quên cái tâm mình đi, mà phải hướng thẳng về tâm mình.


Trong đời thiện tri thức
Luận pháp nói sâu nông
Đốn ngộ tâm bình đẳng
Dứt hết hai bên lầm.


Nói rằng: “Những người thiện tri thức ở thế gian, họ nói và bàn về các pháp có khi thì thô, có khi thì tế. Còn người đốn ngộ được cái tâm mình bình đẳng, thì trong khoảng không đó không có cái tướng nào mà có thể là trong đó mình luôn luôn phải dẹp chấp tướng.” (đừng có theo những cái tướng).

25. Y Bát-nhã-ba-la-mật-đa cố.

Bát-nhã ấy trí tuệ
Ba-la vô sở y
Tâm không rộng lớn khắp
Trong ngoài thảy vô vi.


Bát-nhã nói là trí tuệ, Ba-la là không có chỗ tựa (ba- la-mật: cứu kính). Tâm không thì cái tánh được rộng lớn. Trong và ngoài thảy đều vô vi.


Tánh “không” không ngại biện
Ba cõi ít ai bì
Thấy lớn sáng pháp lớn
Tán tụng biết bàn chi.


Khi mà đạt được cái tánh không rồi thì liền được cái vô ngại biện (biện tài vô ngại). Như vậy ở trong tam giới này, người mà đạt được cái đó rất là hiếm hoi (rất là ít có). Đại kiến là thấy rộng lớn thì mới rõ được cái pháp cũng rộng lớn, chừng đó thảy đều tán thán cái chỗ bất tư nghì của cái đại kiến này (tức là thấy được cái tánh không vô ngại). Nếu thấy được cái tánh không đó thì thấy cái rộng lớn, chừng đó mới biết cái pháp thể là rộng lớn, rồi mới khen nó là bất tư nghì.

26. Tâm vô quái ngại.

Giải thoát tâm vô ngại
Ý tợ thái hư không
Bốn phương không một vật
Trên dưới rốt chung đồng.


Nói tâm vô quái ngại là chỉ cho cái tâm mình được giải thoát, không còn ngăn ngại nữa. Cái ý của mình lúc đó cũng như hư không mênh mang vậy. Bốn phía đều không có một vật nào, trên dưới rỗng rang, cho nên nói đều không có một vật.


Tới lui tâm tự tại
Nhân pháp chẳng gặp chung
Hỏi đạo chẳng thấy vật
Thong dong thoát chậu lồng.


Khi ấy tâm mình qua lại đều được tự tại. Nhân, pháp mình không còn dính dáng gì nữa, nếu mà hỏi đạo thì không thấy có một vật, mặc tình ra khỏi cái lồng phiền não, mình vượt qua khỏi cho nên gọi là tâm vô quái ngại.

27. Vô quái ngại cố vô hữu khủng bố (tức là vì không có quái ngại cho nên không có kinh sợ).

Sanh tử tâm lo sợ
Vô vi tánh tự an
Cảnh quên tâm cũng diệt
Biển tánh lặng dung khoan
Ba thân về đất tịnh
Tám thức lìa nhân duyên
Sáu đường theo tướng thật
Quày đầu lại bản nguyên.


Nói rằng cái sanh tử là cái mà tâm kinh sợ. Sở dĩ chúng ta kinh sợ là vì ở trong sanh tử, nếu cái tánh vô vi thì nó là an nhàn. Quên cảnh thì tâm cũng theo đó mà hết, tức là đối cảnh mình biết nó là không thật thì cái tâm duyên cảnh tự nhiên nó không còn, lúc đó cái biển tánh nó lặng lẽ mênh mông. Nếu mình không còn chạy theo cảnh, không còn chấp thân thì lúc đó cái biển tánh thanh tịnh của mình nó mới lặng lẽ mênh mông. Khi mà không còn chạy theo cảnh bên ngoài, không còn chạy theo vọng tưởng bên trong thì lúc đó gọi là không còn kinh sợ. Không còn kinh sợ tức là chúng ta hằng ba thân ở trong Tịnh độ, lúc đó tám thức nó không còn chạy theo duyên bên ngoài nữa, rồi sáu thông liền được tự tại, lúc đó trở về nơi cái nguồn cội của mình.

28. Viễn ly nhất thiết điên đảo mộng tưởng (xa lìa tất cả mộng tưởng điên đảo).

Hai bên toàn chớ lập
Ở giữa chớ lầm tu
Thấy tánh sanh tử hết
Bồ-đề chẳng phải cầu
Ngoài thân tìm Phật thật
Điên đảo bỏ đi thôi
Ngồi tịnh thân vui lặng
Vô vi trái đến hồi.


Hai bên chớ lập, đừng có mắc kẹt vào hai bên, nếu còn mắc kẹt hai bên tức còn điên đảo. Bởi vì lìa xa hai bên cho nên gọi là xa lìa tất cả điên đảo.

Cũng đừng có dấy cái niệm tưởng trung đạo nữa, lúc đó mình mới kiến tánh và cái sanh tử mới hết, thì Bồ-đề không có chỗ nào mà mong cầu.

Ngoài thân mình mà mình tìm ông Phật thật, như vậy là sao? Một đời điên đảo đã mất đi. Bây giờ mình ngồi yên lặng lại, ngay nơi cái thân mình được an ổn, chính đó là cái quả vô vi tự khắp vậy. Ngay thân mình mà mình ngồi yên lặng và chính cái yên lặng đó là cái quả vô vi nó tự đến, tự khắp chớ không có cần tìm học ngoài tâm.


29. Cứu kính Niết-bàn.

Không sanh tức cứu kính
Thanh tịnh ấy Niết-bàn
Phàm phu đừng luận thánh
Chưa đến biết chi bàn.


Niết-bàn là gì? Tức là chỉ cho cái tâm thể thanh tịnh chớ không có gì hết. Tâm thể thanh tịnh là Niết-bàn. Phàm phu chớ có nghĩ về Thánh. Còn người chưa đến tức thấy nó là khó. Phàm phu khó mà lường được cái việc thánh. Còn những người chưa đến cái quả thánh hay là chưa tới Niết- bàn thì cũng khó mà biết được Niết-bàn. Những hàng hữu học với những hàng vô học đối với trí tuệ của Phật thì những người ấy thấy nó càng sâu xa. Cần phải hội được cái lý vô tâm. Nếu mình hội được cái lý vô tâm thì chớ có mắc kẹt, dứt cái nguồn tâm. Chỗ này là chỗ thật là nhiều khi chúng ta bị mắc kẹt. Mình tưởng rằng mình kềm chết được cái vọng thì đó là trở về nguồn, nhưng mà sự thật, dứt vọng không thì chưa hẳn là trở về nguồn, tại sao vậy? Bởi vì cái nguồn đó mình phải nhận ra, mình phải thấy nó thì cái vọng mới hết, mới trở về nguồn, phải vậy không? Chớ nhiều người họ không biết, nói tôi dứt vọng thì chân, nhưng dứt vọng mà không thấy chân, không biết chân thì làm sao?


Bây giờ tôi thí dụ nhỏ cho quí vị thấy: Hiện nay tôi có chén nước đục nó có tánh nước trong ở trong đó, lúc đó chúng ta để chén nước đục này từ từ nó lóng xuống, khi lóng xuống hết bùn rồi, chúng ta lọc nước trong qua một bên, như vậy thì biết nước trong có ở trong chén nước đục cho nên chúng ta mới lọc được. Còn nếu có người nói rằng đây là bùn, chỉ biết chén nước đục là chén nước đục mà không hề biết ngay trong nước đục nó có cái thể nước trong thì khi biểu họ trong chén nước đục đó bỏ bùn thì họ chán, chỉ muốn hất đổ chén nước đi vì chỉ thấy nó là bùn, họ không tin rằng trong đó có nước trong, họ thấy bùn cặn ở dưới xài không được. Còn mình biết rằng sau khi lóng mình sang qua một bên, bỏ bùn ra thì nước này hữu dụng.

Cái tu của mình cũng vậy, nghĩa là ngay trong lúc mình tu hành mình nhận ra được bản tánh thì mình dứt vọng, bản tánh hiện mình biết. Còn mình không nhận ra bản tánh, dứt vọng rồi mình không biết là cái gì, như vậy dứt vọng rồi ngồi êm ru rồi đâm chán, không tu nữa. Đừng tưởng rằng dứt vọng đều giống nhau hết. Nếu nhận ra bản tánh mình, dứt vọng thì an vui ngay đó. Còn không nhận được bản tánh, dứt vọng rồi thì hoảng hốt bỏ, hết muốn tu. Đó là cái chuyện khó của người tu thiền. Hiểu như vậy rồi mình mới thấy được cái chỗ thiết yếu, chớ không hiểu như vậy thì chắc rằng mình tu một lúc rồi cũng đâm ra chán. Ở đây nói cứu kính Niết-bàn là để chỉ cho chúng ta khi mà tu rồi là cốt phải nhận được lý vô tâm, nhận được cái lý vô tâm rồi thì như vậy là mình thấy được cái nguồn tâm, để từ đó trở về nguồn tâm, chớ dứt nó làm gì? Cho nên không có mắc kẹt.

30. Tam thế chư Phật (Ba đời chư Phật).

Quá khứ lời chẳng thật
Vị lai cũng chẳng chân
Hiện tại bồ-đề tử
Không pháp gọi huyền môn
Ba thân cùng về một
Một tánh gội nhuần thân
Đạt lý thời gian mất
Chứng pháp “một” không nhân.


Đối với quan niệm trên, Ngài cho rằng ba đời, nhưng trong ba đời đó quan niệm của Ngài: quá khứ đã qua nó không thật, vị lai thì chưa đến nó cũng không thật, chỉ hiện tại đó mới là Bồ-đề. Tại sao hiện tại là Bồ-đề? Vô pháp đó là huyền môn. Quí vị nên nhớ cái chủ yếu hiện tại của Tổ Bồ- đề-đạt-ma (chư Tổ thường nói câu hiện tiền). Chữ hiện tiền là sao? Hiện tiền cái thể tâm thanh tịnh mình có vắng mặt lúc nào không? Đâu chúng ta kiểm lại coi cái thể tâm thanh tịnh của chúng ta có vắng mặt lúc nào không? Sao không dám nói dứt khoát? Nếu nó vắng thì chết mất rồi! Nhưng thật tình cái thể đó không vắng mặt nơi mình một phút giây nào hết, chỉ tại mình vô tình với y, thấy không? Nếu nó vắng mặt lúc nào thì lúc đó những cái tâm sanh diệt chỗ đâu mà trụ? Cũng như cái nhà kho mà bị đốt lúc nào đó thì đồ đạc này biết dồn vô đâu. Thành ra không bao giờ nó vắng mặt, nhưng mà lỗi là tại chúng ta bội bạc vô tình với y, có mặt mà không người biết tới coi như vắng mặt, phải vậy không? Vì vậy cho nên lúc nào tôi cũng nói hiện tiền, Bây giờ, chúng ta trong tâm không có nghĩ quá khứ, không nghĩ vị lai, không chạy theo sự vật thì lúc đó không hiện tiền là cái gì? Vì vậy cho nên đó là Bồ-đề, là hạt giống Bồ-đề không pháp tức là huyền môn. Do đó ba thời tuy không thật, nhưng ở đây là Tổ muốn chỉ cho mình ngay ở trong hiện tại đó, sống với cái phút hiện tại, đừng bao giờ bỏ quên cái đó.


- Một tánh gội nhuần thân: Chỉ một tánh nó trùm hết cả thân. - Đạt lý thời gian mất: Nếu người đạt lý rồi thì không thấy ba đời là thật nữa. - Chứng pháp “một” không nhân: Một pháp cũng thấy là không có thật, không có nhân nào thật hết.

Nói tóm lại ba đời không thật. Nếu thấy ba đời không thật, đó là Phật, đó là Bồ-đề rồi.

31. Y Bát-nhã-ba-la-mật-đa cố đắc A-nậu- đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Phật trí thâm nan trắc
Tuệ giải quảng vô biên
Vô thượng tâm chánh biến
Từ quang mãn đại thiên
Tịch diệt tâm trung xảo
Kiến lập vạn dư ban
Bồ-tát đa phương tiện
Phổ cứu vị nhân thiên.


- Phật trí thâm nan trắc: tức là cái trí Phật sâu xa khó mà lường được. - Tuệ giải quảng vô biên: còn cái tuệ giải của Ngài rộng lớn không có ngằn mé. - Vô thượng tâm chánh biến: cái tâm chánh biến giáo là vô thượng. - Từ quang mãn đại thiên: cái ánh sáng từ bi đầy khắp tam thiên, đại thiên. - Tịch diệt tâm trung xảo: ở trong cái tâm tịch diệt đó mới là khéo léo. - Kiến lập vạn dư ban: mới dựng lập muôn ngàn thứ - Bồ-tát đa phương tiện: hàng Bồ-tát thì rất nhiều phương tiện. - Phổ cứu vị nhân thiên: khắp cứu người và trời.


Khi nói ba đời chư Phật y Bát-nhã-ba-la-mật- đa này, đến chỗ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đó chỉ cho trí tuệ sâu xa, rộng lớn của đức Phật khó mà lường biết được. Trí tuệ đó do trong tâm tịch diệt đó khéo léo dựng lập muôn ngàn pháp cho nên nói là “y Bát-nhã” (y theo trí tuệ đó) dựng lập muôn ngàn pháp để cứu độ chúng sanh. Gọi ba đời chư Phật y Bát-nhã-ba-la-mật-đa được Vô thượng Chánh đẳng CHÁNH GIÁC là vậy.

32. Cố tri Bát-nhã-ba-la-mật-đa thị đại thần chú thị đại minh chú.

Bát-nhã làm thần chú
Trừ dứt năm uẩn nghi
Phiền não cũng mất trọn
Thanh tịnh tự phân ly
Bốn trí cuồn cuộn sóng
Tám thức lộ thần uy
Đèn tâm soi pháp giới
Đó tức là bồ-đề.


Tại sao gọi Bát-nhã là đại thần chú? Là vì Bát-nhã hay trừ được cái nghi của ngũ uẩn, vì Bát-nhã đoạn đứt được các phiền não mà đem lại cho mình được cái thanh tịnh, như vậy thì gọi là đại thần chú. Khi trở về được cái Bát- nhã rồi thì mình có tứ trí, thì cái sóng tứ trí là vô cùng tận. Rồi cái uy lực thần thông của tám thức ngọn đèn tâm nó sáng rỡ cả pháp giới tức là Bồ-đề vậy. Vì vậy cho nên nói là đại minh chú hay đại thần chú.

33. Thị vô thượng chú.

Vô thượng xưng tối thắng
Cứu vớt đám ngu si
Giáo chủ ba ngàn cõi
Rộng mở nguyện từ bi
Thuận lòng chúng sanh muốn
Tùy cảnh dẫn qua mê
Người người lên bờ giác
Do mình chẳng do ai.


Tại sao gọi rằng Vô thượng chú? Vì cái trí tuệ đó vô thượng cho nên gọi là tối thắng (vô thượng chỉ cho tối thắng). Tại sao nói tối thắng? Vì nó hay phổ cứu tất cả mê lầm của chúng sanh, thành ra cái trí tuệ đó lớn, nó là chủ của cả tam giới. Cái nguyện của nó rộng cho nên nói khởi từ bi. Như vậy cái vô thượng chú này không phải là thần chú do chư thần thánh ở ngoài, mà chính là chỉ cho tâm mình rộng lớn, cái tâm rộng lớn đó nó có công lực cứu giúp tất cả chúng sanh, dìu dắt tất cả chúng sanh ra khỏi mê lầm, để đưa đến bờ giác cho nên gọi là Vô thượng chú. Vô thượng chú đó chính nơi mình chớ không phải nơi ai.


34. Thị vô đẳng đẳng chú.

Đường Phật con đường thánh
Pháp lực chẳng gì qua
Chân không dứt mọi có
Hóa thân hiện hằng sa
Đến vì chúng sanh khổ
Đi vì thế gian ma
Kiếp thạch thảy về hết
Mình ta tại Ta-bà.


Do Phật đạo mà thành cả ngàn vị Thánh. Cái pháp lực lại không có gì hơn. Về cái chân không tịch diệt đó diệt các cái hữu, thị hiện nơi hóa thân rất là nhiều.


- Đến vì chúng sanh khổ: đến là vì cứu khổ tất cả chúng sanh. - Đi vì thế gian ma: có đi cũng vì muốn hàng phục chúng ma mà đi.

Câu này nói nghĩa hơi khó hiểu. Nói rằng chư Phật khi trở về pháp thân ấy rồi, tùy theo chúng sanh diệt cái mê lầm của họ mà thị hiện ra nhiều hóa thân. Như vậy hóa thân của Phật có đến cũng vì chúng sanh khổ mà đến, có đi cũng vì muốn hàng phục chúng ma mà đi, chớ đâu phải các ngài có chết, có sanh, có tử thật. Vì vậy: - Kiếp thạch thảy đều hết: trong kinh thường dụ: Có một hòn đá to, mỗi ngày lấy cái áo nhẹ mà phất qua, phất lại một lần, rồi hằng trăm năm cứ phất như thế, phất hoài cho đến khi nào cục đá mòn hết trơn thì gọi là hết một kiếp. Quí vị cứ thử nghĩ một cục đá to mà cứ một trăm năm dùng áo phất nhẹ một lần cho đến cục đá mòn không còn gì hết gọi là kiếp thạch, mà nó hết ta vẫn còn ở cõi Ta-bà. Ta đây là ai? Tức là pháp thân của Ngài. Pháp thân của Phật hằng ở Ta-bà chớ không có chết, mình cứ tưởng đâu Phật nhập Niết-bàn là mất, chớ sự thật Ngài cũng vẫn còn có mặt ở đây chớ không có mất đi đâu hết. Vì vậy cho nên nói rằng Ngài đến vì chúng sanh khổ mà đến, Ngài đi vì hàng phục chúng ma mà đi chớ sự thật Ngài đâu có chết. Vì pháp thân hằng còn thường thanh tịnh.

35. Năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư.

Phật từ tâm rộng lớn
Đời đời nguyện độ sanh
Hoằng pháp nêu lẽ thật
Khắp khuyên gấp tu hành
Quày đầu thấy tướng thật
Khổ hết thấy vô sanh
Dứt hẳn ba đường ác
Thanh thản lòng vui thành.


Cái khổ thảy đều hết liền thấy được Niết-bàn vô sanh, hằng dứt được cái khổ trong ba đường ác và rỗng rang an vui trong ấy. Như vậy đó là chỉ cho trừ hết tất cả khổ.

36. Cố thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa chú.

Nên nói lý chân như
Chưa ngộ gấp tâm hồi
Sáu giặc thôi gieo ác
Thùng sơn đáy lủng rồi
Thần chú trừ ba độc
Hoa tâm này năm chồi
Trái chín căn nguồn dứt
Bước bước thấy Như Lai.


Sở dĩ mà nói thần chú, nói thần chú là vì sao? Thần chú là chỉ cho cái lý chân như, thành ra quí vị thấy Ngài đâu có dấu. Thần chú này là chỉ cho cái lý chân như, nếu người chưa ngộ được lý chân như thì nên chóng hồi tâm trở về chân như. Trở về chân như thì sao? Thì sáu giặc và mười ác liền tiêu diệt, cả cái núi ma đều tan nát. Vì vậy mà nói thần chú. Chú này là trừ được ba độc, rồi cái tâm hoa của mình nó sanh ra năm cánh. Quả chứng cái gốc nó vững chắc, mỗi bước, mỗi bước đều thấy Như Lai. Thần chú đó là chỉ cho cái lý chân như.

37. Tức thuyết chú viết: Yết-đế yết-đế, ba-la yết- đế ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-ba-ha.

Yết-đế giềng mối đạo
Đưa duyên phướn nêu đường
Như Lai tối tôn thắng
Phàm tâm biết đâu lường
Không bờ không ở giữa
Dài, ngắn cũng không luôn
Bát-nhã-ba-la-mật
Suốt kim cổ hằng thường.


Câu thần chú trên là gì? Yết-đế, yết-đế là gì? Chữ yết-đế là chỉ cho cái bản tông cương (cái gốc của tông này). Bản tông cương là cái cương lĩnh của tông này (tức là cái tông thiền). Cái tâm phàm khó mà lường xét được, vô biên tức là không có bên này không có bên kia cũng không có chặng giữa nữa.

Thần chú yết-đế, yết-đế này là cốt Ngài nói là chỉ cho tông cương của thiền. Tông cương của thiền là dùng phương tiện để hiện pháp tràng, đó là trở về tối thắng của Như Lai, chỗ đó không thể dùng tâm lượng của phàm tình mà lường được, vì chỗ đó gạt ra ngoài tất cả đối đãi hai bên, chặng giữa hay là dài ngắn. Bát-nhã này là cứu kính, viên mãn. Nói tóm lại Bát-nhã là gì? Bát-nhã-ba-la-mật-đa Tâm Kinh này chỉ về chân tâm, thành ra khi chúng ta vào cửa thứ nhất là phải nhận ra nơi mình có cái chân tâm hằng thường bất biến đó, đó là cái cửa vào Bát-nhã. Thành ra khi nào mình tụng Bát-nhã Tâm Kinh, tức là tụng lên cái đó để nhớ rằng mình có cái tâm thường hằng bất biến đó. Tâm đó không phải là tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, mà chính là ở trong đó đầy đủ và diệu dụng, đầy đủ uy lực, trở về đó là hết khổ, là an lành, là tự tại.


Vì vậy cho nên muốn bước vào cửa thiền thì phải từ cửa thứ nhất là cửa Bát-nhã mà bước vô. Như thế lâu nay mình cứ tưởng Bát-nhã này là chỉ phá cái chấp không, phá cái chấp có, phải không? Nhưng thật ra không phải, ở đây Tổ nói: “Bát-nhã là chỉ thẳng về chân tâm.” Trong chân tâm đó nó không có tất cả pháp sanh diệt của thế gian và xuất thế gian an lập, mà chân tâm ấy là chỗ miên viễn, an lành. Ai biết trở về đó thì thành Phật chứng quả, bằng không biết trở về đó thì dù có tu cái gì, tìm cái gì đi nữa thì rốt cuộc rồi cũng không đạt được đạo.