Chương 05: Bản chất của thực tại

Thứ Năm, 21 Tháng Tư 201610:55 CH(Xem: 2855)
Chương 05: Bản chất của thực tại
Chương 05: Bản chất của thực tại                

Các bài tụng từ 31 tới 40 bàn về nhiều vấn đề liên quan tới 8 thức mà  chúng ta đã học ở các chương trên. Nói chung, các bài tụng này đề cập  tới vấn đề bản chất của thực tại. Các nhận thức về ta và người, về cá  nhân hay tập thể, chủ thể cùng đối tượng, về các vấn đề như sinh-diệt,  nhân duyên v.v... tất cả đều là các quan niệm, các nhận thức của chúng  ta trong sự tìm hiểu thế giới mà chúng ta nhìn thấy, và đã kinh nghiệm.  Điều quan trọng là ta không nên để bị kẹt vào các quan niệm, các nhận  thức. Ta chỉ dùng chúng như những phương tiện để hiểu chúng mà thôi. Một  khi ta nhận ra được chân như của thực tại, ta không cần tới các nhận  thức đó nữa.

Hai bài tụng chót trong chương này (số 39 và 40) nói về ba tự tánh (Trisvabhāva) trong các nhận thức mà ta nhìn sự vật:

Biến kế chấp (parikalpita-svabhāva)

Y tha khởi (paratantra-svabhāva)

Viên thành thật (pariniṣpanna-svabhāva).

Trong biến kế chấp, ta nhận thức sự vật với tri giác và tâm trí bị u  mê, bị ràng buộc vào tham, sân, si, nên tự tánh của thực tại trở nên méo  mó, sai lạc vì những phân biệt và thiên kiến của ta. Muốn mở được cánh  cửa thật sự vào chân như, chúng ta phải biết quán sát, nhìn sâu để thấy  rõ, và nhất là thực chứng những nguyên tắc của tự tánh thứ hai (y tha  khởi). Bản chất của y tha khởi là mọi sự vật đều tương quan chặt chẽ với  nhau. Một vật hiện khởi ra được là nhờ vào rất nhiều nhân duyên cần  thiết cho nó. Thí dụ bông hoa chỉ nở ra khi có nước (mưa), có ánh nắng  (mặt trời), có đất và nhiều yếu tố khác.

Khi chúng ta có những nhận thức y tha khởi, một ngày kia chân như của  thực tại sẽ hiển lộ, đó là tự tánh viên thành thật. Chìa khóa của chân  như là nhìn mọi sự vật bằng con mắt y tha khởi - mọi sự đều có liên  quan, đều có tương duyên.