84. Phẩm Tứ Đế

Saturday, 27 August 20225:35 PM(View: 931)
84. Phẩm Tứ Đế
KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh

84. PHẨM TỨ ĐẾ THỨ TÁM MƯƠI BỐN

Ngài Tu Bồ Đề bạch đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu các pháp ấy là Bồ Tát pháp thì những gì là Phật pháp?”.

Đức Phật dạy: “Này Tu Bồ Đề! Như ông hỏi, những pháp ấy là Bồ Tát pháp thì những gì là Phật pháp?

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát pháp cũng là Phật pháp. Nếu biết nhứt thiết chủng trí là được nhứt thiết chủng trí, dứt tất cả tập chủng phiền não, Bồ Tát sẽ được pháp ấy.

Đức Phật do nhứt niệm tương ứng huệ biết tất cả pháp rồi được Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Đó là sự khác biệt nơi đức Phật và Bồ Tát.

Ví như hướng đạo khác với đắc quả. Hai người ấy đều là thánh nhơn mà có hướng với đắc khác nhau.

Này Tu Bồ Đề! Người đi trong đạo vô ngại thì gọi là Đại Bồ Tát.

Trong đạo giải thoát không có tất cả ám chướng thì gọi là Phật”.

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp tự tướng rỗng không. Trong pháp tướng rỗng không ấy, sao lại có sự khác biệt là Địa ngục, là Ngạ quỷ, là Súc sanh, là Nhơn, là Thiên, là bực Càn Huệ, là bực Tánh địa, là bực Bát Nhơn địa, là Tu Đà Hoàn, là Tư Đà Hàm, là A Na Hàm, là A La Hán, là Bích Chi Phật, là Bồ Tát, là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác?

Bạch đức Thế Tôn! Như người bất khả đắc, nghiệp nhơn duyên cũng bất khả đắc, quả báo cũng bất khả đắc.

- Này Tu Bồ Đề! Đúng như lời ông nói, trong pháp tự tướng không không có chúng sanh, không có nghiệp nhơn duyên, không có quả báo.

Này Tu Bồ Đề! Chúng sanh chẳng biết các pháp tự tướng không. Chúng sanh ấy gây tạo nghiệp nhơn duyên, hoặc tội, hoặc phước, hoặc bất động.

Do tội nghiệp nhơn duyên mà chúng sanh ấy đọa trong ba ác đạo, do phước nghiệp nhơn duyên sanh loài người hay cõi Trời Dục Giới, do bất động nghiệp nhơn duyên sanh trong cõi Sắc hay cõi Vô sắc.

Đại Bồ Tát ấy lúc hành Đàn na ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng, thọ thành hết những phẩm trợ đạo ấy, vào Kim Cang tam muội, được Vô Thượng Bồ Đề rồi, làm lợi ích cho chúng sanh.

Vì sự lợi ích ấy thường chẳng mất nên chẳng đọa trong sáu đường sanh tử.

- Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật được Vô Thượng Bồ Đề rồi, có được sáu đường sanh tử chăng?

- Này Tu Bồ Đề! Đức Phật không có được sáu đường sanh tử.

- Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật có được nghiệp ác, nghiệp thiện, nghiệp vô ký chăng?

- Này Tu Bồ Đề! Không có được.

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu không có được, sao đức Phật lại nói là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Nhơn, Thiên; lại nói là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát và chư Phật?

- Này Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh biết các pháp tự tướng không thì Đại Bồ Tát chẳng cầu Vô Thượng Bồ Đề, cũng chẳng cứu chúng sanh nơi ba ác đạo, nhẫn đến qua lại trong sáu đường sanh tử.

Này Tu Bồ Đề! Bởi chúng sanh thiệt chẳng biết các pháp tự tướng không, nên chẳng thoát được sáu đường sanh tử.

Bồ Tát ấy ở chỗ chư Phật, nghe các pháp tự tướng không, phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Các pháp chẳng phải như là của hàng phàm phu chấp trước.

Các chúng sanh ấy ở trong pháp vô sở hữu lại điên đảo vọng tưởng phân biệt có được pháp:

Không có chúng sanh lại tưởng là có chúng sanh, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức lại tưởng là có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhẫn đến tất cả pháp hữu vi đều vô sở hữu, lại dùng tâm điên đảo vọng tưởng gây tạo các nghiệp: thân, khẩu, ý rồi qua lại trong sáu đường sanh tử chẳng thoát được.

Đại Bồ Tát lúc hành Bát nhã ba la mật, tất cả pháp lành đều nhiếp vào trong Bát nhã ba la mật, hành Bồ Tát đạo, được Vô Thượng Bồ Đề.

Được Vô Thượng Bồ Đề rồi vì chúng sanh mà thuyết pháp tứ thánh đế: khổ thánh đế, khổ tập thánh đế, khổ diệt thánh đế, khổ diệt đạo thánh đế. Khai thị rành rẽ tất cả pháp lành trợ đạo đều nhiếp vào trong bốn thánh đế.

Vì dùng pháp lành trợ đạo ấy nên phân biệt có Tam Bảo là: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng Bảo.

Vì chẳng tin và nghịch chống Tam Bảo ấy nên chẳng rời lìa được sáu đường sanh tử.

- Bạch đức Thế Tôn! Có phải là dùng khổ thánh đế được độ, dùng khổ trí được độ, dùng tập thánh đế được độ, dùng tập trí được độ, dùng diệt thánh đế được độ, dùng diệt trí được độ, dùng đạo thánh đế được độ, dùng đạo trí được độ chăng?

- Này Tu Bồ Đề! Chẳng phải khổ Thánh đế bình đẳng, nên ta nói tức là Niết Bàn. Chẳng dùng khổ Thánh đế nhẫn đến chẳng dùng đạo thánh đế, cũng chẳng dùng khổ trí nhẫn đến chẳng dùng đạo trí được Niết Bàn.

- Bạch đức Thế Tôn! Những gì là tướng bình đẳng của bốn thánh đế?

- Này Tu Bồ Đề! Nếu là không có khổ, không có khổ trí, không có tập, không có tập trí, không có diệt, không có diệt trí, không có đạo, không có đạo trí thì gọi là tướng bình đẳng của tứ thánh đế.

Lại nữa, Này Tu Bồ Đề! Bốn thánh đế như chẳng khác với pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thiệt tế.

Có Phật hay không có Phật, pháp tướng vẫn thường trụ. Tại sao? Vì chẳng hư, chẳng mất vậy.

Đại Bồ Tát ấy lúc hành Bát nhã ba la mật.

- Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát vì thông đạt thiệt tế nên hành Bát nhã ba la mật? Như vì thông đạt thiệt tế nên chẳng đọa Thanh Văn địa, Bích Chi Phật địa mà thẳng vào Bồ Tát vị.

- Này Tu Bồ Đề! Nếu Đại Bồ Tát như thiệt thấy các pháp. Thấy rồi được pháp vô sở hữu. Được pháp vô sở hữu rồi thấy tất cả pháp không đều nhiếp nơi tứ thánh đế. Những pháp chẳng nhiếp nới tứ thánh đế cũng đều không.

Nếu xem thấy như vậy, lúc ấy Đại Bồ Tát bèn vào trong Bồ Tát vị. Đó là Bồ Tát an trụ trong tánh địa chẳng theo đảnh đọa. Tại sao? Vì dùng đảnh đọa ấy thì đọa vào Thanh Văn địa, Bích Chi Phật địa.

Bồ Tát ấy an trụ trong tánh địa hay phát sanh bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn vô sắc định.

Bồ Tát ấy an trụ trong sơ định địa, phân biệt tất cả các thông đạt bốn thánh đế: biết khổ, chẳng móng tâm duyên khổ, nhẫn đến biết đạo, chẳng móng tâm duyên đạo, chỉ thuận theo tâm Vô Thượng Bồ Đề mà quán các pháp như thiệt tướng.

- Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là quán các pháp tướng như thiệt?

- Này Tu Bồ Đề! Là quán các pháp không.

- Bạch đức Thế Tôn! Những gì là quán không?

- Này Tu Bồ Đề! Là tự tướng không. Bồ Tát ấy dùng trí huệ như vậy quán tất cả pháp không, không có pháp tánh có thể thấy được. An trụ trong pháp tánh ấy được Vô Thượng Bồ Đề.

Tại sao vậy?

Vì tướng vô tánh là Vô Thượng Bồ Đề.

Tướng vô tánh ấy chẳng phải chư Phật làm ra, chẳng phải Bích Chi Phật làm ra, chẳng phải A La Hán làm ra, cũng chẳng phải bực hướng đạo làm ra, cũng chẳng phải bực đắc quả làm ra, cũng chẳng phải Bồ Tát làm ra. Chỉ vì chúng sanh chẳng biết, chẳng thấy các pháp như thiệt tướng, nên Đại Bồ Tát hành Bát nhã ba la mật, dùng sức phương tiện mà vì chúng sanh thuyết pháp”.