Tóm Tắt Nội Dung Kinh Lăng Già

Saturday, 16 April 20162:39 AM(View: 27793)
Tóm Tắt Nội Dung Kinh Lăng Già
Responsive web design westminster california federation alumni 00051 TÓM TẮT NỘI DUNG KINH LĂNG GIÀ
Thích Nữ Liên Anh

I. DẪN NHẬP
1. Lý do chọn đề tài
Sự phân biệt là nguyên nhân vô cùng tai hại, nó không những làm méo mó về nhận thức mà còn làm cho các đối tượng của nhận thức bị bác bỏ đi tính trung thực khách quan của chúng. Phân biệt có thể xem là trở ngại lớn nhất trong sự tu tập tâm linh. Sự phân biệt sinh ra từ cái tâm điên đảo đưa đến cái hiểu biết xa lìa thực tánh. Do đó kinh Lăng già dạy phải thâm nhập vào thế giới Lăng già mới không bị những sóng gió tâm thức làm cho lay động điên đảo.

Thể nhập vào thế giới Lăng già cũng như thâm nhập tư tưởng Đại thừa chỉ có những bậc chân nhân siêu việt mới đủ khả năng bước những bước chân vững chãi vào thế giới Lăng già. Mặc dù trăng Lăng già chiếu soi khắp mọi nơi, mọi tâm thức của chúng sanh, nhưng điều quan trọng ai là người tiếp nhận giáo lý này và với mục đích để làm gì, đó chính là thông điệp của kinh Lăng già.

Thế giới này đối tượng sự biểu hiện của chính tâm mình, khi hiểu tâm chính mình thì dĩ nhiên là đã đi đúng hướng, không sai lạc pháp, bằng tri kiến thanh tịnh nhìn mọi sự vật ở thế gian đều thanh tịnh. Thế nên mọi sai lệch trên cuộc đời này đều do nhận thức sai lầm mà ra. Luận sư Dhramakirti nói: “tất cả mọi hành động thành công của con người đều bắt đầu bằng nhận thức đúng đắn”[1].

Thật vậy, những nhận thức đúng đắn chính là tâm thức sáng suốt, muốn nhận thức đúng sự thật của sự vật chúng ta phải thâm nhập Lăng già. Muốn thâm nhập Lăng già trước hết phải hiểu được giáo nghĩa của Lăng già. Đó chính là lý do bài viết muốn tìm hiểu “Nội Dung Kinh Lăng Già”, thông qua đó để tu tập và chuyển hóa nội tâm, loại trừ những vọng tưởng sai biệt, trở về với chân tâm thực tánh của chính mình.

2. Hạn chế đề tài
Kinh Lăng già là một bộ kinh nói về tâm và những chuyển biến của tâm, nội dung rất phong phú và sâu sắc, với bài viết có hạn nên chỉ nêu Tóm tắc nội dung kinh Lăng già qua những mục sau: Phần một, nêu tổng quan về thế giới Lăng già qua phần giới thiệu kinh Lăng già với thời gian và địa điểm thuyết kinh, kế đến là vị trí và tầm quan trọng của kinh Lăng già trong Phật giáo Đại thừa. Phần hai nêu tư tưởng cốt lỗi của kinh qua Tâm lý học Lăng già, các chức năng và sự vận hành của thức, tiếp theo là Học thuyết Duy tâm, Như lai tàng và A lại da, phần quan trọng là phương pháp tu tập để chuyển hóa tâm qua Tự chứng tự nội hay Tự chứng thánh trí và chứng A lại da. Mục cuối là phần Kết luận.

3. Phạm vi nghiên cứu
Trong bài này chủ yếu sử dụng nguồn tài liệu chính là cuốn Nghiên cứu kinh Lăng già và Lăng Già Đại Thừa Kinh của D.T. Suzuki do Thích Chơn Thiện và GS. Trần Tuấn Mẫn dịch. Ngoài ra còn tham khảo thêm những tác phẩm kinh điển Đại Thừa khác. 4. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp trích dẫn, chứng minh, so sánh, đối chiếu…mong là sáng tỏ vấn đề.

II. NỘI DUNG
1. Tổng quan kinh Lăng Già
1.1. Thời gian và địa điểm thuyết kinh
Lăng Già là một trong những kinh Đại thừa, chiếm một vị trí quan trọng trong Phật Giáo Đại Thừa và chứa đựng những học thuyết về Duy tâm, Như Lai Tàng và A lại da thức… và cả trong văn học Phật Giáo thiền. Tựa đề đầy đủ của kinh bằng tiếng Sanrkrit là “Àrya Saddharma Lànkàvatàra nàma Mahàyana Sutram” nghĩa là Thành Thiện Pháp Nhập Lăng Già Kinh. Chữ Lankà (Lăng Già) là tên một hòn đảo ở phía Nam Ấn có tên là Celon (Tích Lan)

Theo lịch sử thì đảo này đã diễn ra một cuộc đối thoại giữa Đức Phật và chư vị Bồ Tát với chúng hội. Theo địa lý mang tính biểu tượng hơn, đó là núi Lăng Già nằm ở vùng biển phía Nam chỗ của loài La sát (Rakshasa) chúa của loài này thỉnh Đức Phật lên đỉnh núi để thuyết pháp nên lấy địa danh này đặt tên kinh. Hơn nữa, đảo Lăng Già là một hải đảo rất xa xôi, đường đến đó rất khó khăn chỉ có Đức Phật và những vị Thánh đệ tử mới vào đó được. Do đó chúng hội của kinh Lăng Già nhằm biểu thị cho thế giới tâm linh thuần tịnh giữa biển thức lao xao. Thính chúng được tham dự là những vị Bồ Tát đã an trú thanh tịnh tâm và được nghe Đức Phật giảng về giáo lý Như Lai Tàng (chủng tử nghiệp thức) biểu thị cho gió ngoại cảnh đã ngưng thổi, sóng nghiệp thức ngừng lao xao, biển cả tâm linh lắng đọng, trăng tuệ giác vô thường rực chiếu, mọi hiện hữu được nhìn thấy toàn chân, ngay nơi này Thức lập tức biến thành Trí.

Ngài Thiên Thai Trí Giả đại sư chia giáo pháp làm năm thời giáo:
Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật
A Hàm thập nhị, Phương Đẳng bát
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên.

Lối chia toàn bộ kinh điển giáo pháp Đạo Phật theo năm thời trên nếu căn cứ về thời gian thì không hợp lý, vì theo lịch sử thì Lăng Già cũng như nhiều bộ kinh khác được hình thành chậm hơn so với các bộ kinh Nikaya và A Hàm khoảng thế kỷ I, II sau Tây lịch, khoảng 600 hay 700 năm sau Phật nhập Niết Bàn. kinh này hiển nhiên không phải do trực tiếp từ kim khẩu của Đức Thế Tôn nói ra mà được ngài A Nan ghi lại. Theo một vài ý kiến khác thì bộ kinh có thể do một tác giả nghiên cứu Đại Thừa viết ra, về sau dần dần có rất nhiều ý kiến khác đóng góp thêm vào. Do đó trong lời dẫn nhập của Lăng Già Đại Thừa kinh ngài Suzuki có nói: “Lăng Già là một bản giác thư, nó là tổng hợp toàn bộ giáo lý quan trọng của giáo lý Đại Thừa thời đó”. Và nó không theo một lịch trình logic mà được sắp xếp một cách lộn xộn và do trải qua thời gian lịch sử lâu dài nên nhiều lần biên khảo đã làm cho Lăng Già không còn trật tự như các bản kinh khác.

1.2. Vị trí và tầm quan trọng của kinh Lăng Già trong tư tưởng Đại thừa.
1.2.1. Vị trí Lăng Già với Thiền tông
Đây là bộ kinh lớn, bao quát rất nhiều vấn đề học thuyết chủ yếu trong Phật Giáo Đại Thừa. Từ thời sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma với bộ Lăng Già bốn quyển, dòng mạch thiền được tiếp nối với nhiều thiền sư chứng ngộ. Không khí thiền hưng thịnh mang sắc thái mới đặc trưng của Trung Hoa. Bộ Lăng Già được xem như bộ kinh gối đầu, bộ tâm ấn của Thiền gia. Tư tưởng của Lăng Già chú trọng đến giáo lý “Không”, “Vô ngã”, những ảo tưởng của phân biệt, kịch liệt phê phán những văn tự ngôn ngữ vọng chấp, phân biệt và nhấn mạnh đề cao đến sự tự chứng, tự nội, kinh nghiệm tự chứng cho được cái thánh trí ở bên trong của mình.

Đó cũng là tông chỉ của Thiền tông.

Và tác giả của cuốn “ Nghiên cứu kinh Lăng Già” đã xem bộ kinh này có thẩm quyền nhất trong mối liên hệ với giáo lý thiền của Phật Giáo[2] Như vậy, sự nghiên cứu kinh Lăng Già có liên hệ đặc biệt với Thiền tông, vẫn được giữ cho đến thời Pháp Xung, Đạo Tuyên là những vị cùng thời với tổ Hoằng Nhẫn (tổ thứ năm của thiền tông Trung Hoa). Sau thời ngài Pháp Xung việc nghiên cứu kinh Lăng Già không còn hưng thạnh nữa và nó được thay thế bởi kinh Kim Cang. Lăng Già với giáo lý Đại Thừa Lăng Già bao quát nhiều vấn đề của Phật Giáo Đại Thừa. Phật Giáo Đại Thừa giống như một biển lớn, tư tưởng giáo lý phong phú, mang tính cách luận lý cao siêu đa dạng, được các nhà học giả dày công sắp xếp lại và được cho là toàn bộ do Đức Phật truyền lại. Mỗi bộ kinh đều được xem là đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử Phật Giáo Đại Thừa.

Lăng Già bàn đến các vấn đề Phật Giáo Đại Thừa, tuy không đi sâu vào toàn bộ nội dung, ở đây chỉ lược qua một số học thuyết chủ yếu: – Sự tối quan trọng của việc thể chứng tự nội – Những phức toái tai hại của phân biệt
– Như Lai tàng (Tathàgatagarbha)
– Như thức và huyễn ảo
– Duy thức (Vijinaptimatra)
– Duy tâm (Cittamatra)
– Bất sinh (Amitpanna)
– Niết bàn (Nirvana)
– Năm pháp (Panca Dharma)
– Ba tự tánh (Trayah Subba)
– Vô ngã (Anatman)
– Không (Sunyata)
– Như lai (Thatàgata)
– Bồ Tát (Budhi Satva)
– Mười bổn nguyện (Dascanishtapada)

Đối với Lăng Già, có một thông điệp riêng để trao cho thế giới Phật Giáo theo một cách đặc thù riêng của kinh. Nó không có một sự biểu tượng nào, chẳng hạn như kinh Hoa Nghiêm dạy về lý thuyết niệm tuyệt đối. Về mặt này thì Lăng Già khác hẳn với Hoa Nghiêm. Lăng Già đi thẳng vào sự diễn đạt tu tập của vấn đề tự chứng, tự nội và ghi lại một cách sơ phát hầu hết các ý niệm thuộc trường phái Phật Giáo Đại Thừa.

1.2.2. Tầm quan trọng của kinh Lăng già Chủ yếu của kinh Lăng già là bàn về chân lý Tự chứng tự nội hay Tự chứng thánh trí mà được Như lai thể chứng, mang tư tưởng nhất quán là tư tưởng “Như lai tàng và Alaida thức” mà Alaida một mặt đồng nhất với Như lai tàng. Tuy nhiên, trong sự đồng nhất ở đây cũng có tính dị biệt, cho nên tất cả pháp đều từ Alaida mà lưu xuất.

Giáo lý chủ yếu của kinh là: năm pháp, tám thức và hai vô ngã, bao gồm cả giáo lý Đại thừa và Thiền học Phật giáo nói chung. Riêng kinh Lăng già chú trọng đến vấn đề Duy thức, Vô ngã và lý thuyết nổi bậc nhất là Duy tâm. Mục đích tối hậu của Lăng già là đưa con người đến giác ngộ giải thoát thành Phật, tức là chuyển con người từ mê đến giác, từ vọng đến chơn, hay nói đúng hơn là chuyển chúng sanh tánh thành Phật tánh, mà đúng theo Duy thức là chuyển Thức thành Trí. Cũng như sự tự chứng tự nội, làm sao để đến với trí Viên thành thật, tức là phải quay vào tâm thức của mình, nhập vào Như lai tạng, tự chứng cái chân lý Duy tâm trong tự nội thâm sâu nhất của mình. Do đó muốn đạt được trạng thái tự chứng tự nội cần phải bàn về hệ thống Duy thức, hệ thống Duy tâm và vấn đề tự chứng tự nội để đạt đến thánh trí.

2. Nội Dung Kinh Lăng Già
2.1. Tâm lý học của kinh Lăng Già
2.1.1. Các thuật ngữ Tâm lý học hiện đại phân tích sự thọ nhận và những kích thích do từ bên ngoài đến cái tâm bên trong, phân tích phản ứng và vận hành của tâm, thái độ của tâm trước đối tượng bên ngoài và bên trong. Đây là đối tượng nghiên cứu của Lăng Già. Tâm lý học của Lăng Già cũng như tâm lý học của Phật Giáo. Tâm, thức hay tâm thức là những thuật ngữ được sử dụng hầu như xuyên suốt bộ kinh. Do chức năng và vận hành tinh tế của tâm thức mà các thức có khi được phân tích chia chẻ rất chi ly, có khi được xem là đồng nhất với nhau, có khi chúng được xem là nguyên nhân, kết quả của nhau.

Tâm (citta) được dùng đồng nghĩa với Alaida có thể được dịch là tâm, phân biệt với ý (mạt na). Citta có từ căn “Cit” nghĩa là suy nghĩ, nhận thức, nhưng theo Lăng Già thì nó xuất từ căn ngữ “ci”, gồm hai nghĩa:
1.Góp lại chất thành đống;
2.nhận thức, tìm cầu. Do đó Citta có nghĩa là thu thập hay nhận thức và do vậy Citta tạm thường được xem như A lại da có nghĩa là sự tích tập. Tuy nhiên, cái nguồn gốc lớn của sự lẫn lộn xuất phát từ việc Citta thường được dùng để chỉ toàn bộ hệ thống thức[3].

Thức (Vijanàna) là một trong những thuật ngữ quan trọng trong Phật học. Vijanàna gồm tiếp đầu ngữ “Vi” nghĩa là phân biệt, phân chia, căn ngữ Janàna nghĩa là sự nhận biết. Như vậy Vijanàna nghĩa chủ yếu là nhận thức và phân biệt hay sự biết do phân biệt. Và trong ý nghĩa này thức chỉ cho toàn bộ hệ thống thức hay chỉ riêng cho ý thức.

A lại da (Alaya) tức thức thứ tám, nguyên nghĩa là kho chứa. Hán dịch là tàng thức. Nó như cái nhà kho chứa các tập khí của tư tưởng, tình cảm, ước muốn và hành động của chúng ta.

Mạt na (Manas) tức thức thứ 7 có căn ngữ “man” nghĩa là suy nghĩ, tưởng tưởng, có ý định, ý muốn. Trong Lăng Già mạt na chiếm một vị trí rõ rệt và thực hiện một chức năng chuyên biệt trong cái hoạt động trật tự của các hành động tâm lý. Mạt na ngoài tính chất tri thức ra, còn thuộc nỗ lực và cảm xúc. Nó là một nguyên lý đặc thù, là cái nguyên tố phân biệt.

Ý thức tức thức thứ 6. Nó là sự nhận thức lí tính về các sự vật, sắp xếp hệ thống hóa, phân biệt các tri thức do năm thức giác quan mang lại. Các chức năng của ý thức đôi lúc độc lập với năm thức và đôi khi lại đồng thời.

2.1.2. Các chức năng và sự vận hành của các thức.
Trong Lăng Già toàn bộ hệ thống chức năng thuộc về tâm gọi là tâm tụ hay thức thân. Tám thức của hệ thống ấy là A lại da, mạt na, ý thức và năm thức giác quan. Về chức năng tổng quát của các thức này Lăng Già ghi: “lại nữa, này Mahamati trong các thức gồm tám món, hai chức năng tổng quát có thể phân biệt được là lĩnh hội (hiện thức) và phân biệt đối tượng (phân biệt sự thức)… Này Mahamati giữa hai thức ấy, cái thức lĩnh hội và cái thức phân biệt đối tượng không có gì khác nhau. Chúng là nhân duyên của nhau[4].

Chức năng hiện thực của thức là sự nhận thức hay phản ảnh của sự vật xuất hiện trước nó giống như một tấm gương phản chiếu tất cả các hình tướng ở trước nó. Đây là chức năng của A lại da. A lại da là kho chứa tất cả các sự vật tốt xấu, thiện ác, nhưng nó thì hoàn toàn trung tính, vô ký, không có hoạt tính tích cực. Nó nhận hình ảnh mà không suy nghĩ, không phân biệt chủ thể và đối tượng nhận thức. Tuy nhiên, sẽ có những con sóng làm gợn mặt biển A lại da khi các nguyên lý cảnh giới đặc thù thổi vào. Những cơn sóng là thế giới đặc thù của tri thức phân biệt, tình cảm, chấp thủ và phiền não. Cái nhân tố phân biệt này nằm bên trong hệ thống của thức và được gọi là Mạt na.

Chức năng chủ yếu của Mạt na là suy nghĩ về A lại da, gán cho A lại da một ngã tính và khiến cho A lại da nhìn thấy nó là một đối tượng. Một mặt nó nhìn vào A lại da, một mặt nó nhìn vào ý thức. Nó thu nhập dữ kiện từ Ý thức rồi quay lại ra lệnh cho ý thức.

Trong 6 thức còn lại ý thức là thức quan trọng nhất vì nó đóng vai trò tổng hợp năm thức giác quan, nó phân biệt nội dung tri thức và nhận thức mà các giác quan mang lại. Nó cũng nhận dữ kiện từ A lại da qua sự phân biệt của Mạt na để làm chất liệu tư duy cho chính nó. Kinh nói: Này Mahàmati theo giáo pháp của ta thì vứt bỏ ý thức đấy gọi là Niết bàn[5]. Ngài Mahàmati thưa: nếu tám thức được thiết lập thì tại sao chỉ nhằm đến sự vứt bỏ ý thức mà không vứt bỏ bảy thức. Đức Phật dạy: ý thức làm nguyên nhân và làm chỗ y cứ, bảy thức sanh khởi, ý thức được vận dụng vì nó phân biệt một thế giới đối tượng và trở nên chấp trước vào thế giới ấy và do cái tập khí (ký ức), nó nuôi dưỡng A lại da thức. Khi ý thức bị vứt bỏ thì bảy thức ấy cũng bị vứt bỏ.[6]

2.2. Học thuyết Duy Tâm
Duy tâm (Attamatram) nghĩa là chỉ cho cái tâm được nhìn thấy. Các đoạn trích về duy tâm có thể được tìm thấy rải rác nhiều nơi trong suốt cuốn Lăng Già.
– Thế giới chỉ là tâm (kệ 126, tr. 161).
– Tâm là nguồn cội của ba cõi (kệ 36, tr. 400).
– Tất cả đều là tâm (kệ 134, tr. 400).
– Ba cõi chính là tâm (tr. 123).
– Thế giới đối tượng chính là tâm (tr.120, 138).
– Khi tâm phát khởi, các hình tướng bắt đầu hiển lộ (kệ 93). (theo Lăng Già Đại Thừa Kinh).

Tâm theo kinh Lăng Già là kho chứa, trong đó các hạt giống của mọi lý tưởng và hành động được tích tập và chất chứa[7]. Tất cả những trích dẫn trên cho chúng ta thấy ý nghĩa cơ bản của học thuyết Duy tâm. Tất cả những gì được nhìn thấy, nhận biết, phân biệt đều do tâm biến hiện ra, ngay cả Niết bàn, chân lí… tất cả chỉ là sáng tạo thuộc tâm thức chúng ta. Cho nên hiểu được Duy tâm là thành tựu chánh trí, là thể nghiệm chân lý còn ngược lại là sanh tử. Tâm trong nghĩa rộng gồm một trung tâm A lại da.

A lại da này bị các hoạt tố phân biệt là cái Mạt na chấp trước vào. Cái công cụ Mạt na thức này nhận các dữ kiện từ Năm giác quan đưa vào rồi sắp xếp, so sánh ra lệnh cho năm thức giác quan nhận thức theo ý nó. Mặc khác Mạt na lại đưa ra dữ kiện do nó sắp xếp phân biệt vào A lại da, các dữ kiện này đã nhuốm màu phân biệt vì nó. Thế là A lại da bị che mờ phần thanh tịnh mà tiếp tục bị ô nhiễm vì sự chấp thủ của Mạt na và vì các dữ kiện phân biệt không ngừng đưa vào nó.

Như vậy Duy tâm nói về tướng trạng thì có nghĩa là sự vận hành của các thức nhưng khi Duy tâm được nói về bản chất thì có nghĩa là chỉ cho A lại da. Nói đến tướng trạng của Duy tâm, nghĩa là nói đến sự vận hành của các thức nhưng khi về bản chất thì duy tâm là chỉ cho A lại da.

Vì lý thuyết Duy tâm mà Lăng Già nói tổng tưởng của vạn pháp hay của chính tâm mình. Điểm cần lưu ý ở đây là sự sanh khởi của A lại da là do chúng ta tưởng những biểu hiện của tâm là một thế giới của thực tế khách quan. Như vậy, học thuyết Duy tâm là tất cả những gì được nhìn thấy, được nhận biết phân biệt đều không thực, do tự tâm biến hiện ra. Cho nên những sự ưa muốn yêu ghét… đều là những tác dụng tâm lý phát khởi từ tâm. Nó không phải là chân thật mà chỉ là vọng tưởng, cái bóng dáng còn vướng sót của cảnh giới tiền trần, của ngũ câu ý thức. Sự tu tập chính là sự cải tạo, sửa đổi cái tâm, hóa giải những vọng tưởng mê lầm phân biệt. Thể chứng Duy tâm là mục đích của Lăng Già và điều này được thực hiện khi phân biệt bị loại trừ tức là khi đạt được trạng thái vô phân biệt trong đời sống tâm linh.

2.3. Như Lai Tàng và A lại da
A lại da có chức năng cụ thể là hiện thức, trong kệ 100 và 103 biển A lại da bị quấy động bởi những cơn sóng đối tượng, nó nhấp nhô theo các thức do đó ở trong A lại da có nhiều thứ khác nhau được tạo thành gọi là các thức. (kệ 128) A lại da còn gọi là tâm hay Như Lai tàng. A lại da có nghĩa là kho chứa, chức năng của nó là chứa tất cả những tập khí của tình cảm, ước muốn cái đa tính của sự vật sanh khởi từ cái tâm được nhìn thấy như thân thể, tài sản, nhà cửa biểu hiện ra đó là của thức A lại da. ( kệ 125)

Đối với Như Lai tàng cũng là kho chứa. Chủng tử của Như Lai tàng và A lại da chỉ là một nhưng gọi A lại da là đứng trên lập trường của nhiễm và tịnh. A lại da được ví như chiếc gương thâu nhận mọi sự vật mà không có phân biệt suy đoán và như vậy A lại da được gọi là Như Lai tàng .

A lại da và Như Lai tàng trong ý nghĩa tuyệt đối chỉ là một. Nhưng Lăng Già xem hai thứ có khác, tức A lại da là biểu hiện của giai đoạn bất tịnh của Như Lai tàng . Như Lai tàng vốn là không ô nhiễm và vượt ra ngoài mọi lý thuyết, lý luận của hàng Thanh Văn Duyên Giác và các triết gia[8]. Nhưng sở dĩ nó xuất hiện mà không thanh tịnh vì nó bị ô nhiễm bởi những cấu uế bên ngoài. Trong kinh Đức Phật dạy: này Mahamati, Như Lai tàng quy trong nó cái nguyên nhân của cái thiện và cái ác và tất cả những hình thức hiện hữu đều được tạo ra do từ nó… do bởi ảnh hưởng của tập khí vốn đã chất chứa khác nhau bởi sự suy luận sai lầm từ vô thỉ nên cái hiện tượng có cái tên là thức A lại da kèm theo bảy thức tạo sự sanh khởi cho một trạng thái gọi là chỗ trú của vô minh[9].

Như vậy, Như Lai tàng hay A lại da chỉ là một. Tuy đã bị cơn gió đặc thù cảnh giới, những vọng niệm nhưng bản tánh sáng suốt trong sạch của nó không thay đổi. Như Lai tàng được hiểu là tâm trạng ý nghĩa tuyệt đối thường hằng bất biến. Tâm này là vô ngã không thể tìm kiếm được một cái gì có thể được xem là tự ngã trong con người, cũng không có thể gán cho Như Lai tàng một cái ngã tính, nếu có thì đó chắc chắn phải biểu hiện dưới một cái tâm đầy những phân biệt vọng niệm và những tập khí chứa chấp những suy tưởng sai lầm từ vô thỉ. Như Lai tàng phải trả lại đầy đủ tính chân thật của nó nhờ vào sự tu tập dứt bỏ mọi kiến giải sai lầm, những cố chấp nhị biên để hiển lộ những đức tính trong sạch bất biến.

Như lai tàng hay bổn tâm là thực, nhưng không thể hiểu nó bằng những luận lý của văn chương kiến giải. Vấn đề chính yếu mà Lăng Già hiện dẫn đến học thuyết Như Lai tàng là giúp cho hành giả có được một nhận thức để tiếp cận với chân lý. Sự khác nhau của A lại da và Như Lai tàng là nói lên quá trình các pháp từ ô nhiễm chuyển thành thanh tịnh khi các pháp nhiễm không còn thì các pháp tịnh xuất hiện. Khi ấy A lại da vượt lên mọi phân biệt mang tính bình đẳng được gọi là Như Lai tàng. Như Lai tàng chính là sự tột cùng của học thuyết Duy tâm.

2.4. Tự chứng tự nội hay tự chứng thánh trí
Điểm cùng tột của học thuyết Duy tâm trong Lăng Già là cái thực tính của tự chứng tự nội. Đây là kết quả cuối cùng của toàn bộ những thực hành Phật Giáo. Kết quả này thực hiện được nhờ sự đột viến xảy ra trong hệ thống thức. Từ khi khởi lên thánh trí thể chứng chân lí Duy tâm , Lăng Già luôn khẳng định và cổ súy mạnh nẽ nhất là tầm quan trọng của thể chứng tự nội như là một cái tất yếu cần phải đạt được trong sự tu tập của một hành giả. Tức là sự an lạc giải thoát nội tại.

Theo tư tưởng Lăng Già sự tự chứng tự nội hay chứng thánh trí tức là sự nỗ lực bùng vỡ bên trong chứ không phải bên ngoài. Nên khi các căn tiếp xúc với các trần, ngay khi đó dừng các căn lại, phòng hộ và không cho nó làm nhiệm vụ hướng dẫn các chủng tử nhiễm vào A lại da . Vì tất cả các sự vật chúng tốt hay xấu, tạo kết quả hay không tạo kết quả, hư dối hay không hư dối, hữu lậu hay vô lậu… đều sanh khởi từ tập khí của tâm, ý và ý thức. Chính vì vậy Đức Phật dạy: này Mahàmati, khi hiểu rõ thế giới đối tượng không là gì cả ngoài những gì được nhìn thấy từ chính cái tâm thì cái tập khí của lí luận sai lầm và của phân biệt lầm lạc vốn đã tiếp diễn từ vô thỉ sẽ bị loại bỏ và có một sự đột biến ở cái căn bản của phân biệt. Đó chính là giải thoát[10].

Sở dĩ lâu nay chúng ta mê mờ là do chấp thủ các pháp, một khi các pháp bị phá vỡ thì sẽ được tỏ ngộ. Cũng như bức gương trong sáng chiếu rọi khắp mọi phương gọi là thường tịnh quang. Cái mà nó chiếu sáng ngay chỗ “chiếu sáng” ta gọi là tự chứng tự nội hay pháp trí thanh tịnh. Sự nhận thức bên trong hay sự thể nghiệm có thể được coi là sự hiện hữu của Như Lai tàng. Tạng hay thai tạng vốn thanh tịnh, tịnh khiết nhưng thường bị bao bọc những lớp ô nhiễm của phán đoán sai lầm và chấp trước vô lý nên chúng luân chuyển mãi trong tam giới.

Lăng Già đã tuyên bố những ai bị trói buộc vào ngôn từ và phân tích sẽ bị đau khổ và sanh tử luân hồi. Do đó, đối tượng chủ yếu của đời sống tu hành là phải đạt tới một sự đột biến về tâm linh. Chính sự đột biến này sẽ cỡi bỏ những tà kiến, kiến chấp, chuyển hóa những khổ đau, chấm dứt khát ái, sự hiểu biết, chân xác về chân lý các pháp một cách như thật. Đây là kết quả đạt được trong quá trình tu tập tâm linh. Sự khai tuệ hay sự tỉnh giác ấy gọi là chứng ngộ tham quán những nguyên nhân khổ đau trong cõi đời tục lụy. Lăng Già gọi đó là tự chứng thánh trí, chứng đắc vô thượng Bồ đề, giác ngộ Niết bàn… là thông điệp chung của các kinh điển Đại Thừa và cũng của Lăng Già . Tự chứng tự nội hay tự chứng thánh trí là hình thái của tri giác, một thứ tri giác nội tại. Tri giác nội tại này là giới hạn cuối cùng của kinh nghiệm.

Lăng Già luôn nhấn mạnh vào học thuyết Duy tâm mà bảo rằng đấy là sự chứng ngộ hay là sự đột biến trong quá trình tu tập chuyển hóa tâm linh. Sự đột biến này xảy ra ngay trong sâu thẳm của A lại da. Đó là sự đột biến căn bản khiến cho hệ thống các thức không còn khả năng chấp trước phân biệt nhị biên về năng sở. Như vậy, tự chứng tự nội trong Lăng Già chính là kết quả của quá trình đấu tranh để chuyển Thức thành Trí.

2.5. Chứng thánh trí tức chứng A lại da
Chân như tự tánh, giải thoát giác ngộ hay Niết bàn diệu tâm… là những danh từ chỉ cho trạng thái cùng tột siêu việt của tâm linh mà hành giả đạt đến. Tuy chơn như tự tánh vốn sẵn có trong mỗi con người, tự tánh vốn bình đẳng, ở Phật không tăng, ở phàm không giảm. Nhưng do những chủng tử tập khí mê lầm, chấp trước phân biệt điên đảo do vọng thức nên tự tánh vốn sáng suốt bị che mờ. A lại da cũng vậy, nó tương đồng với chơn như tự tánh vô thỉ vốn thanh tịnh bản nhiên không hề cấu nhiễm nhưng hiện tại nó bị cơn gió đặc thù thổi vào trở nên ô nhiễm. Mô tả điều này kinh nói: …Nhìn sóng biển và nhìn cả những dao động tâm thức đang tiếp diễn trong hội chúng ấy mà nghĩ đến thức A lại da trong đó các thức đang khởi sinh bị quấy động bởi ngọn gió đối đãi phân biệt[11].

Từ đó, sanh ra tham ái, đấu tranh. Tự chứng A lại da là trở về với bản lai diện mục của chính mình, thấy muôn pháp không lìa tự tâm. Điều này Lục tổ sau khi tỏ ngộ thốt lên:
“Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt
Đâu ngờ tự tánh vốn không giao động
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ
Đâu ngờ tự tánh vốn hay sanh muôn pháp[12]”

Như đã nói A lại da và Như Lai tàng là một, do vậy, tự chứng thánh trí tức tự chứng Như Lai tàng thanh tịnh pháp thân, bổn trụ pháp tánh mà thiền sư gọi là con đường tu tập, dứt bỏ phân biệt. Tự chứng thánh trí là cái thấy biết ngay liền, trực giác được thực hiện bằng thánh trí. Nó khởi từ trong sự đột chuyển, từ trong A lại da khiến người ta xa lìa ngôn ngữ và hình tượng. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy: này Mahàmati, cái thực tính về sự tự chứng thì đấy là điều mà chính ta đây thể chứng, trong đó không tăng không giảm vì cảnh giới của tự chứng vượt ngoài các ngôn từ và phân biệt, chẳng có liên hệ dính dáng gì tới cái khoa thuật ngữ học cả[13].

Tâm yếu của Lăng Già thường được đề cao bằng sự thể nhập tâm lý tự nội, bằng trực giác kinh nghiệm đối diện với cuộc sống hằng ngày. Cái thực tính được thể chứng trong tâm thức sâu thẳm và cái thực tính bổn trụ từ vô thỉ. Cả hai nhằm chỉ sự nhất tính và thanh tịnh của tất cả các sự vật không bị ô nhiễm bởi hư vọng. Cái thực tính của sự tự chứng là cái bổn tâm của bản lai diện mục. Như vậy, thánh trí hay tự chứng tự nội là làm cho trong sạch A lại da, trả A lại da về nguyên nghĩa là Như Lai tàng đặc tính vốn có thường hằng của chúng sanh.

III. KẾT LUẬN
Lăng Già chủ trương tu tập giáo lý Duy tâm đưa đến tự chứng tự nội. Trên lộ trình đi đến giác ngộ giải thoát, chúng ta tu như thế nào đi nữa cũng không rời bỏ cái tâm này, nó chính là A lại da hay Như Lai tàng. Khi muốn trở về quê xưa của mình phải bằng sự tu chứng bên trong nội tâm tức chuyển chủng tử A lại da ô nhiễm thành thanh tịnh hoàn toàn. Đó là cái thấy biết chân lý trực giác nội tại. Nguyên lý tối hậu của cái thấy biết này không phụ thuộc vào bất cứ điều gì được lập luận bằng luận lí.

Chuyển thức thành trí theo Lăng Già còn gọi là đốn ngộ, là chứng nhập trong chân lí của nhân sinh. Ngộ không phải là một trạng thái yên tĩnh, không phải là một sự thanh thản mà là một kinh nghiệm nội tâm không có dấu vết của thức. Điều rốt ráo cùng tột của người tu hành không phải là quảng học đa văn mà chính thành tựu được an lạc giải thoát ở nội tâm mà Lăng Già gọi là sự Tự chứng thánh trí, thiền tông gọi là kiến tánh. Sự Tự chứng tự nội là kết quả rốt ráo của quá trình tu tập mà Lăng Già luôn hướng hành giả tu tập phải đạt đến. Sự chứng ngộ của Đức Phật và chúng sanh là sự chuyển mê khai ngộ, chuyển nhiễm thành tịnh, chuyển chúng sanh tánh thành Phật tánh.

THƯ MỤC THAM KHẢO
– D.T. Suzuki, Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn (dịch), Lăng Già Đại Thừa Kinh, Nxb Tôn Giáo, 2005
– D.T. Suzuki, Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn (dịch), Nghiên Cứu Kinh Lăng Già, Ban Giáo Dục Tăng Ni ấn hành, 1992
– Diệu Không, Kinh Lăng Già Tâm ấn, Xb 1972
– Thích Hạnh Bình, Tìm Hiểu Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thỉ, Nxb Phương Đông, 2007
– Thích Tâm Thiện, Vấn Đề Cơ Bản Của Triết Học Phật Giáo, Nxb Tp HCM, 2000
– Minh Chi, Nhân Minh Luận, Giáo Trình Giảng Dạy 1991
– Thích Thiện Siêu, Luận Thành Duy Thức, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành
– 1996 – Nhất Hạnh, Vấn Đề Nhận Thức Trong Duy Thức Học, Lá Bối
– Thích Thiện Nhơn, Kinh Giải Thâm Mật Giảng Yếu, Xb 1996
– Thích Trí Quang (dịch), Kinh Giải Thâm Mật, Nxb Tp HCM, 1994
– Ngô Trọng Đức, Lục Tổ Huệ Năng Truyện, Nxb Tôn Giáo, 2006
[1] Minh Chi, Nhân Minh Luận, Giáo Trình Giảng Dạy, 1991
[2] Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn (dịch), Nghiên cứu kinh Lăng Già, Ban Giáo Dục Tăng Ni ấn hành, 1992, tr. 103.
[3] Nghiên Cứu Kinh Lăng Già, tr. 216
[4] Nghiên cứu kinh Lăng Già , tr. 116
[5] Thích Chơn Thiện và Trần Tuấn Mẫn (dịch), Lăng Già Đại Thừa Kinh, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr. 226
[6] Lăng Già Đại Thừa Kinh, tr. 227
[7] Lăng Già Đại Thừa Kinh . tr. 29
[8] Lăng Già Đại Thừa Kinh , tr. 348
[9] Lăng Già Đại Thừa Kinh, tr. 346
[10] Lăng Già Đại Thừa kinh, tr. 362
[11] Lăng Già Đại Thừa Kinh, tr. 73
[12] Ngô Trọng Đức, Lục Tổ Huệ Năng Truyện, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 57
[13] Lăng Già Đại Thừa Kinh, tr. 248