Duy Thức Học Nhập Môn

Thứ Tư, 12 Tháng Bảy 201710:40 CH(Xem: 12354)
Duy Thức Học Nhập Môn
DUY THỨC HỌC NHẬP MÔN
TT. Thích Viên Thông giảng tại Đại Học Hè PG năm 2012, thành phố Westminter

- Giới thiệu đại cương lịch sử hình thành phát triển Duy Thức học ở Ấn Độ và Pháp Tướng tông ở Trung Hoa. 
- Khái Quát Sự Vận Hành Của Tám Thức Tâm Vương 

- Tám thức Tâm vương: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức, A lại da thức 


I. Tiền ngũ thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức 
a) Chức năng: 
Chức năng chung của tiền ngũ thức là nhận thức phân biệt, tuy nhiên đối tượng nhận thức phân biệt và chức năng nhận thức phân biệt của mỗi thức không giống nhau. 
Chức năng của tiền ngũ thức tương đương với chức năng của năm cảm giác của tâm lý học hiện đại: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác 

1. Nhãn thức: 
Chức năng của nhãn thức là thấy (thị giác). Đối tượng bị nhận thức phân biệt của nhãn thức là sắc (rūpa), chỉ cho mọi hiện tượng vật chất sanh diệt biến hóa. 
Sắc cảnh bị phân biệt của nhãn thức được chia làm ba loại: 
a. Hiển sắc: có 12 hoặc 13 loại: xanh, vàng, đỏ, trắng, khói, mây, bụi, sương, bong, ánh sáng, sáng, tối (và hư không) 
b. Hình sắc: có 8 loại hoặc 10 loại: dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, thẳng, cong, (thô, tế) 
c. Biểu sắc: lấy, bỏ, đi, đứng, nằm, ngồi, cong, duổi … chỉ các động tác biểu hiện ra bên ngoài có thể thấy được. 
Trong năm thức, nhãn thức rất quan trọng, hiện đại tâm lý học nói tổng lượng tiếp thu tư vấn thì 60% hoặc 70% đều do thị giác mà ra. Sắc thái nhãn thức phân biệt gồm có sắc điệu, minh độ, bảo hòa độ, ba loại thuộc tính tâm lý. 

2. Nhĩ thức: 
Chức năng của nhĩ thức là nghe, (thính giác). Đối tượng bị phân biệt của nhĩ thức là âm thanh (vô kiến hữu đối – không thấy nhưng có thực thể) 
Theo Nhập A Tỳ Đạt Ma luận: âm thanh có hai loại: âm thanh phát ra từ có chấp thọ như tiếng nói của loài hữu tình, con người và động vật như tiếng kêu, ca xướng, vỗ tay…Âm thanh phát ra từ vô chấp thọ, là những vật vô tình của tự nhiên như tiếng gió, mưa, nước chảy, sóng vỗ… 
Âm thanh của thính giác có âm điệu (cao thấp), âm cường (hưởng độ), âm sắc (âm chất, tính chất đặc thù của âm thanh, như nhạc khí khác nhau thì âm thanh khác nhau). 

3. Tỷ thức 
Chức năng phân biệt của tỷ thức là ngửi (khứu giác). Đối tượng bị phân biệt của tỷ thức là mùi hương (vô kiến hữu đố - không thấy nhưng có thực chất) 
Mùi hương tách rời nguyên vật, theo gió bay đến, có thể ngửi biết nhưng mắt không thấy đồ vật. 
Có ba loại hương: hương thơm, có thể nuôi dưỡng thân thể; hương hôi, làm hại thân thể; mùi hương bình đẳng không thơm không hôi. 

4. Thiệt thức 
Chức năng phân biệt của thiệt thức là nếm (vị giác). Qua trải nghiệm việc thọ dụng, ăn, uống, nếm…. mà đối tượng phân biệt của thiệt thức là mùi vị (vô kiến hữu đối). Mùi vị gồm có sáu loại; mặn, lạc, chua, cay, ngọt, đắng. 

5. Thân thức 
Đối tượng phân biệt của thân thức gọi là xúc. Tất cả cảm giác do thân thể tiếp xúc ngoại vật hoặc những cảm giác do thân thể có được. Bao gồm tứ đại sắc uẩn. 
Luận Đại Tỳ Bà Sa phân xúc làm 11 loại: mềm mại, thô nhám, nặng, nhẹ, lạnh, đói, khát, địa, thủy, hỏa, phong. 
Tâm lý học hiện đại phân thân thức làm 3 loại: phu giác (cảm giác ngoài da: mềm mại, thô nhám, nóng, lạnh….), động giác (xương gân cảm giác, nặng nhẹ, nỗ lực….) và nội quan giác: tạng phủ cảm giác, bài tiết…. (tức thiển cảm giác, thâm cảm giác và nội tạng cảm giác) 
- Hiện đại tâm lý học cũng phát hiện là trong mỗi cảm giác sau khi chấm dứt lại có thể duy trì một khoảng thời gian, gọi là dư giác 
- Mỗi cảm giác có thể hỗ tương tác dụng lẫn nhau, như mũi ngửi mùi thức ăn thơm thì đầu lưỡi có cảm giác vị ngon, chảy nước dãi; khi đầu đau thì có cảm giác mắt mờ, gọi đó là “thông giác” hoặc “liên giác; khi nhổ răng, nghe âm nhạc du dương dịu dàng thì không có cảm giác đau đớn. Những màu sắc như hồng, cam, vàng dẫn đến cảm giác ấm áp, gọi là noãn sắc; màu xanh, lam, tía… dẫn đến cảm giác lạnh, gọi là lãnh sắc. 

Tiền ngũ thức, mỗi thức có tác dụng riêng biệt, chỉ nhận thức phân biệt cảnh tướng đối tượng của riêng mình. Cho nên gọi tiền ngũ thức là “các biệt cảnh thức” 
b) Những tâm sở tương ưng với Tiền ngũ thức 
Trong 51 món tâm sở, có 34 món tâm sở tương ưng với Tiền ngũ thức: (Bát thức qui củ tụng): 
“Biến hành, biệt cảnh, thiện thập nhứt 
Trung nhị, đại bát, tham sân si” 
Nghĩa là Tiền ngũ thức tuơng ưng với: 
- 5 món biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư 
- 5 món biệt cảnh: dục, thắng giải, niệm, định, huệ 
- 11 món thiện tâm sở: tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại. 
- Trong 6 món căn bản phiền não, chỉ tương ưng với 3 món tham, sân, si. 
- Trong 20 món tùy phiền não, chỉ tương ưng với 10 món: vô tàm, vô quý, trạo cử, hôm trầm, bất tín, giải đải, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. 

Tiền ngũ thức tuơng ưng với căn bản phiền nào, tùy phiền não và thiện tâm sở, thật ra chẳng phải từ hiện lượng của tiền ngũ thức mà sinh khởi thiện ác tâm sở. Tiền ngũ thức cùng với Ngũ câu ý thức đồng thời sinh khởi thì mới sinh khởi các hoạt động tâm lý thiện ác tâm sở. 

II. Ý thức (Mano-vijñāna) 
A. Tác dụng của ý thức 
Ý thức có tác dụng nhận biết phân biệt. Đối tượng phân biệt là pháp. Ý thức nương vào ý căn (Mạt na) nhận biết phân biệt các pháp. 
Pháp (dharma): "nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải", nghĩa là giữ gìn tính khuôn phép mực thước qui định đặc hữu khiến cho mọi người nhận thức được; đối tượng nhận thức bao gồm tất cả sự vật cụ thể và trừu tượng. 

Duy thức phân pháp làm thành 5 loại: 
1. Sắc pháp: ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc ra, còn có 5 loại thuộc về pháp xứ: 
a) Cực lược sắc: sắc rất nhỏ như vi trần 
b) Cực huýnh sắc: sắc rất xa, như thấy tăm tăm mù mù 
c) Thọ dẫn sắc tức vô biểu sắc: mắt không thấy được, như đắc giới, sức lực.... 
d) Biến kế sở khởi sắc: là sắc pháp do ý thức vọng tưởng phân biệt mà sinh ra, như ý thức duyên với 5 căn, 5 cảnh mà khởi sanh tác dụng suy tính, so lường đối với tất cả pháp hư vọng phân biệt, ngay nơi thân biến hiện ra ảnh tượng sắc pháp, như hoa đốm giữa hư không, bóng trăng trong nước, hình ảnh trong gương ... đều xếp vào loại sắc pháp này. Loại sắc pháp này bản chất của nó chỉ có đủ ảnh tượng mà không có chỗ nương gá. 
e) Định quả sắc: chỉ các cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc do năng lực thiền định hiện ra, như người quán tưởng đến Phật thấy hình ảnh đức Phật. 

2. Tâm pháp: chỉ cho tám thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức và A lại da thức 

3. Tâm sở pháp: 51 món tâm sở kết hợp với tâm vương mà phát sinh ra các trạng thái hoạt động tâm lý. 

4. Bất tương ưng hành pháp: gồm có 24 món, là những hành pháp trong hành uẩn không thuộc về sắc pháp, cũng không thuộc về tâm pháp và tâm sở; như đắc, mạng căn, chúng đồng phận...... 

5. Vô vi pháp: gồm có 6 pháp vô vi, chỉ cho Chơn như, Niết bàn... không sinh diệt, không nương vào nhân duyên mà có. 
Năm loại pháp này bao quát hết tất cả đối tượng nhận thức của nhân loại. 

Đối tượng của ý thức rất rộng lớn, không có nơi nào là không phải cảnh đối tượng của ý thức.Ý thức rất trọng yếu, tác dụng của ý thức rất thù thắng, (công vi thủ, tội vi tiên). 

Tiền ngũ thức chỉ có thể phân biệt cảnh đối tượng của riêng mình, còn ý thức phân biệt được cảnh đối tượng của tiền ngũ thức. Tiền ngũ thức có ý thức kết hợp vào thì mới hình thành tác dụng nhận biết. 

Trên thực tế, tiền ngũ thức của nhân loại hầu hết thời gian đều theo ý thức sinh khởi, cùng với ý thức hợp nhất không phân ly. Như ý thức nương vào nhãn căn mới phát sinh nhận thức, gọi là nhãn thức. 

Ý thức của mỗi chúng sanh tương tục không gián đoạn, do đó chỉnh thể của tâm cũng có thể gọi là ý, nương nơi ý mà phát sinh tất cả thức, nên gọi là ý thức. 

"Thức Thân Túc Luận" có phân biệt công năng của ý thức với tiền ngũ thức: nhãn thức chỉ nhận biết sắc xanh, không thể phân biệt 'đây là sắc xanh'. Ý thức nhận biết được sắc xanh, cũng nhận biết được danh xưng sắc xanh và đây là sắc xanh, cũng phân biệt "đây là tôi, đây là vật màu xanh của tôi". Như mắt thấy bên đường một hòn đất màu vàng đang lăn động, đó là nhãn thức, nhưng nhãn thức không biết được vì sao hòn đất màu vàng lăn động, nhưng trải qua ý thức quan sát, có tác dụng nhận biết, biết một cặp chó con đùa giỡn làm hòn đá lăn động, cho đến nhãn thức biết chó của ai, loại chó gì... Một đứa trẻ nhỏ ý thức chưa phát triển, khi thấy hòn đất màu vàng lăn động, không biết được vì sao, con chó của ai... 
- Ý thức tương ưng với tâm sở: 

Ý thức tương ưng, kết hợp, đồng thời sinh khởi cùng với tất cả 51 món tâm sở. Ý thức duyên khắp tất cả pháp, không rời ngã chấp và pháp chấp. Ý thức thuộc về ba tính: thiện, ác và vô ký. 

Nói tóm, ý thức không chỉ nhận thức phân biệt tất cả hiện tượng vật chất thế gian, hiện tượng tâm lý tinh thần, hiện tượng xã hội, hiện tượng văn hóa, mà ý thức lại còn suy lường phân tích những điều chưa chắc thật có, tất cả những quan niệm do ý thức bày vẽ sáng tạo ra; không chỉ nhận thức phân biệt sự vật cụ thể, mà còn nhận thức phân biệt những khái niệm trừu tượng, con số, phù hiệu, quan niệm ... không chỉ phân biệt hiện tại mà còn những sự việc quá khứ và vị lai. 

Ý thức có chức năng trọng yếu, không chỉ phân biệt tất cả cảnh đối tượng bên ngoài mà còn phân biệt tự thân tâm thức bên trong; không chỉ nhận biết những hoạt động tâm ý hiển lộ bên ngoài dễ thấy mà còn nhận biết những tâm thức ẩn mật sâu thẳm bên trong; không chỉ nhận thức những pháp hữu vi sinh diệt mà còn nhận thức được đệ tứ thiền, các pháp vô vi, chơn như, niết bàn mà tu hành nhập định, đạt được trí tuệ siêu việt, như thật tri kiến tự tâm, cho đến đạt được sự giải thoát. Ý thức không chỉ có tác dụng phân biệt nhận biết để hình thành sự nhận thức, còn tiến triển lên sự tư duy, tưởng tượng, sự quyết đoán.... 

"Thành Duy Thức Luận" nói: Đệ lục ý thức thường hay tư duy hai mặt trong ngoài, không nhờ nhiều duyên, ý thức luôn hiện khởi, chỉ trừ 5 trường hợp ý thức không có mặt, thời gian ngưng hoạt động thì ít, thời gian vận hành thì nhiều. 

Ý thức thường hay tư duy, phân biệt, suy lường, hướng ngoại phân biệt ngoại cảnh, hướng nội phân biệt tự tâm. Tác dụng phân biệt của ý thức không cần nhiều điều kiện. 
5 trường hợp ý thức không có mặt: Vô tưởng thiên, Vô tưởng định, Diệt tận định, khi ngũ say không mộng, lúc bất tỉnh; Ngoài ra ý thức thường vận hành, thời gian ngừng nghỉ rất ngắn. 

B. Trạng thái vận hành của ý thức 
Công năng của ý thức rất thù thắng, trạng thái vận hành gồm có 5 loại: 
a) Minh liễu ý thức: Nghĩa là ý thức nhận biết phân biệt sự vật rõ ràng. Cũng gọi là Ngũ câu ý thức, nghĩa là ý thức cùng với tiền ngũ thức đồng thời sinh khởi nhận thức phân biệt cảnh vật hiện tượng. 
Như mắt thấy hoa hồng, nhãn thức nhận biết màu sắc hồng (hiển sắc) và hình dáng cành hoa (hình sắc). Chỉ có thế thôi, không thể biết vật bị thấy trước mắt là gì, chỉ khi nào có ý thức đồng thời thì đối với vật bị thấy mới tiến hành phân tích biện giải, mới nhận biết, đây là hoa hồng. Cái nhận biết này gọi là Ngũ câu ý thức. 

b) Độc đầu ý thức: Không chỉ nương tựa năm thức trước mới nhận biết ngoại cảnh, ý thức còn tự sinh khởi một mình, còn gọi là bất câu ý thức. 
Có ba loại: tán vị ý thức, định trung ý thức, mộng trung ý thức 
- Tán vị ý thức là chỉ trạng thái ý thức không liên quan đến năm thức trước mà tự một mình sinh khởi sự tư duy, suy nghĩ, như nhớ nghĩ lại chuyện quá khứ, tưởng tượng vị lai, ngồi tại nhà mà nghỉ tưởng đến công tác ở hãng xưởng… 
- Mộng trung ý thức: chỉ cho trạng thái ý thức hoạt động một mình ở trong giấc mộng, như ở trong giấc mộng cùng với người đánh nhau, mồ hôi ướt cả áo…. 
- Định trung ý thức: chỉ trạng thái tu tập thiền định tiến sâu vào chánh định, tâm chuyên nhất không tán loạn, ý thức trong suốt vắng lặng. Ý thức ở trong định duyên vào lý và sự trong định cảnh. Lý là lý vô thường, vô ngã…. sự là chỉ cho cực lược sắc, cực huýnh sắc và định tự tại sinh ra các cảnh sắc, như niệm Phật tam muội, trong định tâm sáng suốt, ý thức thấy đức Phật A Di Đà và có năng lực thần thông biết được sự việc quá khứ và vị lai…. (đây là trạng thái siêu cảm tri giác của siêu tâm lý học (parapsychology) nghiên cứu.) 

c) Cuồng loạn ý thức: Chỉ cho ý thức hoạt động trong trạng thái mất bình thường, gồm có ba trạng thái 
- Say, say rượu là trạng thái ý thức mất bình thường, không hoàn toàn tự chủ và kiểm soát được; khi uống thuốc quá liều, sử dụng những loại thuốc kích thích, ma túy….thì ý thức cũng thuộc vào trạng thái này. 
-Cuồng: trạng thái ý thức bệnh hoạn, tinh thần phân liệt, mắc bệnh tâm thần….. 
-Huyễn, huyễn giác: như bệnh sốt nhiệt độ cao, nhìn thấy màu xanh thành màu hồng….. 

[Ngoài ra còn có: Do tha dẫn phát ý thức (ý thức phát khởi do năng lực bên ngoài hướng dẫn): ý thức hoạt động trong trạng thái do bị thôi miên, bị chú thuật, thần thông. Lâm chung ý thức: là ý thức khi người sắp lâm chung, Phật dạy ý thức khi sắp lâm chung với các loại ý thức lúc bình thường không giống nhau, đây là loại dị thục thức, quả báo đã chín mùi, tự nhiên sinh khởi, không tự chủ được] 

C. Ý thức là then chốt của sự nhiễm tịnh, mê ngộ 
Ý thức có công năng đặc biệt thù thắng. Trên thực tế, ý thức là chủ nhân quyết định mọi tâm lý sai khác của chúng sanh. Sự khác biệt giữa động vật cao đẳng và hạ đẳng, giữa người trí và người ngu, chủ yếu căn cứ vào trình độ tiến triển của ý thức. Phật giáo nhấn mạnh ý thức là then chốt của sự mê ngộ, nhiễm tịnh. Ý thức bị nhiễm ô sinh khởi phiền não, là cội gốc sinh tử; Ý thức cũng là nền tảng sinh khởi trí huệ tịnh hóa tự tâm, nỗ lực tu tập thanh tịnh hóa ý thức. 

Kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già có bài kệ về ý thức: 
"Như biển cả bình lặng, sóng không còn sinh khởi 

Cũng vậy ý thức diệt, các loại thức không sinh" 

Giống như sóng biển do gió thổi mới có, tâm lý hoạt động sinh khởi phiền não, dẫn dắt thọ quả khổ đau cũng đều ý thức phân biệt, hoạt động kết hợp tương ưng với "tư tâm sở" mà có. Chính do ý thức hoạt động phân biệt mà hình thành đệ thất thức Mạt na chấp ngã, cũng chính do ý thức hoạt động tạo thành chủng tử tích lũy trong A lại da thức mà biểu hiện sự tạp nhiễm. Cho nên nếu đình chỉ sự hoạt động nhiễm ô của ý thức thì sự hoạt động nhiễm ô của Tiền ngũ thức, đệ thất thức, đệ bát thức liền tự nhiên đình chỉ, giống như gió ngừng thì sóng lặng, hiển hiện ra một cảnh giới tịch tịnh vô sinh vô diệt. 

Kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già cũng nói: 
"Ý thức nếu chuyển hóa, tâm không còn nhiễm ô 
Ta nói tâm là Phật, biết rõ tất cả pháp" 

Đem tính nhiễm ô của ý thức hoàn toàn chuyển hóa thanh tịnh, tâm liền không còn phiền não ô trược, ý thức chuyển hóa thành trí tuệ như thật sáng suốt, thành Diệu Quang Sát Trí. Tâm chuyển hóa hoàn toàn thanh tịnh này là tâm Phật. Chính vì ý thức là then cốt của sự tu tập chuyển hóa phiền não sai lạc, đức Phật dạy trong Bát Chánh Đạo, lấy chánh tri kiến đứng đầu. 

Bộ Luận Du Già Sư Địa cũng nói, trong các thức chỉ có ý thức mới đầy đủ chức năng ly dục, tư duy uyên thâm, là công cụ tu như thật quán, chứng chơn lý, quán triệt tục trí và chơn trí, các thức khác không có chức năng nầy. Khi ý thức chuyển thành Diệu quan sát trí, Mạt na thức cũng theo đó chuyển thành Bình đẳng tánh trí. 

III. Đệ Thất Thức Mạt Na 
1. Chức năng tác dụng 

Mạt na (Manas), nghĩa là tư lương; Kinh A Hàm dịch là ý, là tư lương (tư duy so lường). 
Kinh Nhập Lăng Già nói: bản tánh của thức nầy là tư duy suy lường nên gọi là ý. 
Duy Thức Tam Thập Tụng nói thức Mạt na lấy tư lương làm tánh tướng (tư lương vi tánh tướng), nghĩa là tư duy suy lường là tự tánh, là bản chất của thức Mạt na. 
Luận Thành Duy Thức giải thích: tư là suy nghĩ, lượng là đo lường; cũng nói thức Mạt na có bản chất là thường hằng suy nghĩ suy xét, tính toán, đo lường không bao giờ gián đoạn (hằng thẩm tư lương vi tánh tướng). Tính thường hằng suy nghĩ, tính toán, đo lường của thức Mạt na siêu việt hơn các thức khác; Đệ bát thức A lại da tuy cũng có tính thường hằng liên tục (hằng) nhưng không có suy xét đo lường (thẩm); Đệ lục ý thức tuy có tính suy nghĩ, do lường (thẩm) nhưng có lúc bị gián đoạn chẳng thường hằng (hằng); Tiền ngũ thức đã không phân biệt mà lại gián đoạn, cho nên chẳng có tính thường hằng và tính tư lương; duy chỉ có thức Mạt na mới có đầy đủ chức năng thường hằng suy xét đo lường tính toán (hằng thẩm tư lương). 

Luận Du Già Sư Địa giải thích: thức Mạt na ở trong những trạng thái như ngủ say, hôn mê..., nhập vào Định vô tưởng, hoặc trạng thái vô tâm (vô ý thức), cũng không có dừng nghỉ sự tư duy suy xét đo lường, luôn cùng với thức A lại da đồng thời vận hành. 

Thức Mạt na thuộc về tính hữu phú vô ký (không thiện không ác); không cần ý thức phân biệt, thức Mạt na vẫn ở chỗ thâm sâu vi tế, tự nhiên vận hành. 

Vì thức Mạt na có tính thường hằng tư duy suy lường nên nó làm chỗ nương tựa, nơi cội gốc cho Đệ lục ý thức sinh khởi tác dụng phân biệt. Do vậy Mạt na thức cũng gọi là ý căn, ý xứ, ý giới... 

Mạt na thức tuy lấy tư lương làm tánh tướng nhưng sự tư lương của thức Mạt na khác với sự tư lương suy xét của Ý thức. Sự tư lương của Mạt na yếu kém hơn sự tư lương của Ý thức rất nhiều. Mạt na không thể hướng ra bên ngoài hoạt động tư duy, suy xét... cũng không thể hướng ra bên ngoài phân biệt ngoại cảnh, cũng không thể phân biệt tự thân sáu thức; Mạt na chỉ hướng về nội tại, tư duy về A lại da, nó luôn duyên vào thức A lại da làm cảnh giới. 

2. Tính nhiễm ô của thức Mạt na 
Mạt na thức luôn chấp tự ngã bên trong và cùng với bốn loại phiền não tương ưng với nhau: ngã kiến, ngã mạn, ngã ái, ngã si. Thức nầy liên kết chặt chẽ với ý thức tự ngã sâu thẳm bên trong. 

Luận Du Già Sư Địa nói: “Mạt na gọi là ý, trong tất cả thời gian luôn chấp ngã, ngã sở và ngã mạn … tư lương là tánh tướng”. 

Nghĩa là Mạt na thức thường tương ưng với bốn loại phiền não mà tự nhiên sinh khởi, không có lúc nào ngừng nghỉ; thức nầy cũng cùng với các loại tâm sở thiện, ác và vô ký thường đồng lúc vận hành sinh khởi. 

Bốn loại phiền não là: Ngã kiến, ngã mạn, ngã ái, ngã si. 
- Ngã kiến: nghĩa là chấp trước thân tâm và những gì thuộc về ta đều có tự ngã thường hằng. Đây là loại tự ngã cảm giác sâu thẳm bên trong. 
-Ngã mạn: nghĩa là tự kiêu tự đại, tự ngã cống cao. 
- Ngã ái: nghĩa là tham ái những gì mà mình chấp trước là ngã. Đây là một loại bản năng ý thức bảo vệ tự ngã. 
- Ngã si: nghĩa là không như thật nhận biết sáng suốt đối với các pháp vô ngã. Ngã si không cùng với tham, sân … đồng sinh khởi, đơn độc một mình căn bản vô minh sinh khởi, gọi là Độc hành vô minh. 

Mạt na nhiễm ô thường hằng cùng với bốn loại phiền não nầy sinh khởi. Đây chỉ cho tính bản năng ý thức tự ngã thâm căn cố đế sâu thẳm bên trong nội tâm. Thức Mạt na luôn có bản năng tự vệ, ý chí sinh tồn. Vì vậy, thức nầy hướng ra ngoài cùng với sáu thức liên hệ chặt chẽ, làm cơ sở cho sáu thức hoạt động sinh khởi, gọi là ý căn; hướng vào bên trong thì thức nầy liên kết chặt chẽ với thức A lại da, tạo thành tác dụng nắm giữ căn thân, chấp thức A lại da làm ngã. Thức Mạt na thường hằng suy nghĩ đo lường về cảnh bị duyên, lấy thức A lại da làm cảnh và chấp làm tự ngã. (Chấp kiến phần của A lại da là ngã và chấp tướng phần của A lại da là ngã sở) 

Kinh Giải Thâm Mật tỷ dụ thức Mạt na chấp thức A lại da làm ngã như cục đá kim châm hút các loại sắt, sản sinh và phát triển chấp ngã và ngã sở, làm cho con người luôn lấy tự ngã là trọng tâm; giống như con rắn hai đầu, hướng ra ngoài cùng với đệ lục ý thức hoạt động, hướng bên trong kết hợp với đệ bát thức A lại da hoạt động. 

Thức Mạt na thường hằng chấp ngã, ngã ái không gián đoạn, do đó làm cho chúng sanh chấp tự ngã và thế giới, là đầu mối nhị nguyên phân cách giữa mình và người. 

Mặc dù Mạt na thức luôn chấp ngã, được xem là căn bản vô minh, là cội gốc của tất cả phiền não nhưng tính chất tự thân của thức Mạt na chẳng phải là ác. Tính chất luân lý của thức Mạt na thuộc về "hữu phú vô ký". 

Hữu phú nghĩa là nó sản sinh ngã chấp, dẫn khởi phiền não, ngăn che Phật pháp. 

Vô ký nghĩa là tính chất của thức Mạt na là trung tánh, chẳng thiện chẳng ác. Bởi vì, Mạt na thức chấp ngã, sinh khởi phiền não khiến cho con người làm ác tổn người lợi mình, nhưng chẳng phải trực tiếp sinh khởi mà phải nương vào Đệ lục ý thức sinh khởi phiền não mới tạo nghiệp ác; cũng chí vì sự chấp ngã của Mạt na thức kiến con người vì lợi ích tự ngã mà làm thiện, vì mình mà khởi thiện tâm, tu đức hành thiện. Đương nhiên thức Mạt na không trực tiếp làm điều thiện, làm việc thiện phải nhờ Đệ lục ý thức khởi lên thiện tâm sở mới làm việc thiện được. 

3. Những tâm sơ tương ưng với thức Mạt na 
Bát Thức Qui Củ Tụng giải thích, Mạt na thức tương ưng với những tâm sở, gồm có 18 tâm sở: 
“Bát đại, biến hành biệt cảnh huệ 

Tham si ngã kiến mạn tương tùy”. 
(Tám món đại tùy phiền não, năm món biến hành, huệ tâm sở trong năm nóm biệt cảnh, và tham, si, ngã kiến, ngã mạn). 
- Bốn phiền não: tham, si, ngã kiến và ngã mạn tức là ngã ái, ngã si, ngã kiến, ngã mạn. 
- Năm món biến hành: xúc, tác ý, thọ, tương, tư 
- Huệ tâm sở trong năm món Biệt Cảnh: dục, thắng giải, niệm, định, huệ 
- Tám món đại tùy phiền não: Bất tín, hôm trầm, trạo cử, phóng dật, giải đãi, thất niệm, bất chánh tri. 

4. Mạt na thức là chỗ nương tựa của nhiễm tịnh 
Nhiễm ô Mạt na là then chốt khiến tâm bị ràng buột và đạt được sự giải thoát. Vì vậy thức Mạt na cũng gọi là nhiễm tịnh y. 

Tính câu sanh ngã chấp của thức Mạt na, tức ngã si, là cội gốc của tất cả phiền não. 
Phật dạy: Khi tâm khởi thiện, ác và vô ký, thường hằng chấp ngã. 
Chúng sanh khởi tâm, dù là thiện, ác hay vô ký đều lấy tâm chấp ngã của Mạt na làm cơ sở, lấy tự ngã làm trọng tâm. Khi làm thiện cũng khó đạt được vô phân biệt; người học phật cũng cầu Phật gia hộ mình, mình cầu giải thoát thành Phật... bất cứ động thái nào cũng có cái ngã tiềm ẩn vi tế bên trong. 
Chính cái ngã nầy làm cho chúng sanh mê lầm tạo nghiệp, trầm luân sanh tử, không giải thoát được. 

Đoạn dứt nhiễm ô phiền não là chẳng phải tiêu diệt thức Mạt na, mà chỉ đoạn trừ phần nhiễm ô của thức Mạt na luôn chấp A lại da thức là ngã thường hằng. Khi hàng Bồ tát kiến đạo trở lên, trí quán pháp không có mặt thì công năng hằng thẩm tư lương của Mạt na chuyển hóa làm "Bình đẳng tánh trí", là trí huệ trực giác vô ý thức thấy các pháp bình đẳng, không có mình người, cao thấp ..... 

Khi tu thành Phật, tính hằng thẩm tư lương của Mạt na cũng không có đoạn diệt, mà đem sự suy xét đo lường có ngã chuyển hóa thành sự tư duy suy xét về vô ngã mà thôi. 

Nhiễm ô Mạt na là mạng căn của chúng sanh, kiên cố vững chắc khó phá trừ. Nếu không đoạn diệt Mạt na nhiễm ô thì sanh tử không dứt. 

Muốn chuyển hóa Mạt na nhiễm ô thì phải bắt đầu từ Ý thức, nhờ sức tư duy đặc biệt thù thắng của Ý thức. Nhiễm ô Mạt na tuy vi tế khó thấy, khó đoạn trừ, nhưng vì sự tư lương của nó yếu kém, nó thường cùng với Ý thức kết hợp đồng thời sinh khởi. Vì vậy dựa vào Ý thức tu quán vô ngã thì đồng lúc đoạn trừ nhiễm ô Mạt na. 

Kinh nói: Mạt na như gươm bén, không thể tự hại mình. (Ý như đao kiếm phong, bất năng tự hại tự) 

Nghĩa là Mạt na không thể nương tựa vào Mạt na để tự đoạn trừ sự nhiễm ô, cần phải nương tựa vào tư duy thiền quán của Ý thức mới chuyển hóa được. 

IV. Đệ Bát Thức A Lại Da 
1. Ý nghĩa và danh xưng của thức A lại da 
A lại da (Ālaya) cũng dịch là A lê da, A la da... nguyên ý của tiếng phạn là kho chứa, tích chứa. Ngài Chơn Đế dịch là Vô một thức; Ngài Huyền Trang dịch là Tàng thức. 

A lại da thức có nhiều danh xưng khác nhau. 
- Đệ bát thức: tính theo thứ tự các thức. 
- Căn bản thức: là cội gốc của các thức, giống như đại địa là nền tảng cho muôn vật phát sinh. 
- Trạch thức: là nhà ở của chúng sanh, ngôi nhà tinh thần. 
- Nhất thiết chủng tử thức: là tâm thức tích chứa hạt giống của tất cả pháp. 
- Dị thục thức: cũng gọi là Quả báo thức, nghĩa là tạo tác và thọ nhận quả báo chín mùi ở đời vị lai. 
- Sơ sát na thức: là tâm thức ở trong sát na đầu tiên hình thành sinh mạng chúng sanh. 
- Thức chủ: là chủ thể của các thức. 
- Trượng phu thức: nghĩa là năng lực của thức nầy rất mạnh. 
- Vô một thức: nghĩa là thức nầy quán xuyến quá khứ, hiện tại, vị lai, không có lúc nào ngừng nghỉ. 

2. Công năng tích chứa của thức A lại da 
Công năng chủ yếu của A lại da thức, theo Luận Nhiếp Đại Thừa, là nhiếp tàng. 

Nhiếp nghĩa là thống nhiếp, bao quát. Vì thức nầy không chỉ thống nhiếp tàng trử tất cả chủng tử mà còn thống nhiếp luôn bảy thức trước, thống nhiếp toàn thể tâm thức. Tất cả hoạt động của các thức đều nương vào thức A lại da mà sinh khởi hiện hạnh. 

Thức A lại da lại thống nhiếp thân thể (căn thân) của chúng sanh và thế giới chúng sanh nương ở (khí thế giới). Vì tác dụng chấp thọ của thức nầy làm cho tất cả sắc căn tồn tại không hư mất, khi thọ mạng hết chuyển qua đời sau, sau khi chết thức nầy dẫn dắt đi đầu thai. 

Tàng: nghĩa là tích chứa. Thức A lại da được gọi là Tàng thức, nghĩa là công năng chính yếu của thức nầy là chứa giữ tất cả chủng tử. Thức nầy giống như một nhà kho rộng lớn có chứa hết tất cả mọi thứ. 

- Tất cả hoạt động tâm lý, hành vi ngôn ngữ... hình thành chủng tử, tạo thành kết quả đều cất chứa trong thức A lại da. Thức nầy là nhân tái sinh khởi hoạt động tâm lý và nghiệp báo. Nhiều kiếp tích chứa làm cho A lại da thức của chúng sanh tích chứa tập khí cao như núi. (Tập khí = chủng tử) 

Tàng, Thành Duy Thức Luận giải thích gồm có ba nghĩa: năng tàng, sở tàng, ngã ái chấp tàng. 

- Năng tàng: nghĩa thức nầy có đây đủ chức năng cất chứa, giữ gìn tất cả chủng tử các pháp làm cho không mất. Đây là chức năng chính yếu của thức nầy, nên gọi là Nhất thiết chủng thức. (Đây thuộc về nhân tướng) 

- Sở tàng: nghĩa là tác dụng tích chứa của thức nầy làm cho chúng sanh luân hồi sinh tử, đời sau thọ nhận quả báo, là cội gốc làm cho sinh mạng chúng sanh liên tục không gián đoạn, cho nên gọi là Dị thục thức. (Đây là quả do thức nầy sinh ra, thuộc về quả tướng) 

- Ngã ái chấp tàng: nghĩa là thức nầy bị thức Mạt na chấp (kiến phần) làm tự ngã. (Đây là tính chất chủ yếu của thức nầy, tức là tự tướng). 

3. Những tâm sở tương ưng với A lại da 

A lại da thức tương ưng với 5 món tâm sở biến hành: Xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư. 

Tác dụng phân biệt của A lại da thức thuộc về "hiện lượng", là một loại hiện lượng phân biệt xử lý rất nhau, vận tốc xử lý cực kỳ nhau. 

4. Hành tướng của thức A lại da 

Hành tướng là chỉ cho trạng thái hoạt động, đặc tính, tính chất. Đặc điểm của A lại da thức gồm có những điểm sau: 

a) Ẩn mật vi tế khó nhận biết: thức nầy ẩn sâu trong nội tâm, vi tế khó thấy biết. Kinh Giải Thâm Mật giải thích là thức nầy giữ gìn xử lý chủng tử của tất cả thức, thường hằng hoạt động không gián đoạn ở tận trong tâm thức, khí thế rất mạnh giống sóng biển, ngày đêm vận hành không ngừng nghỉ. 

Thấy biết sự vi tế của Tàng thức thì chỉ có Phật và hàng bồ tát kiến đạo trở lên, ngoài ra hàng phàm phu, thanh văn, duyên giác không biết được. 

b) Chẳng có chẳng không, chẳng thường chẳng một: Thức nầy giống như hư không, chẳng có chẳng không. Chẳng có nghĩa là không phải hình tượng vật chất có thể thấy nghe hiểu biết. Chẳng không nghĩa là tác dụng của thức nầy hiển nhiên là có. 

Thức nầy đối với cảnh sở duyên niệm niệm sinh diệt, lưu chuyển từng sát na, chẳng phải thường chẳng phải một, mà là một dòng tâm thức sinh diệt liên tục. 

c) Thông suốt cả ba đời, chỉ có tính thường hằng chuyển biến 
Chức năng phân biệt của A lại da thức từ khi con người mới sinh cho đến lúc lâm chung, luôn liên tục chuyển biến không một sát na ngừng nghỉ. Nội dung cất chứa có khác nhưng chức năng thống nhiếp cất giữ từ lúc ra đời cho đến lúc chết không có sai khác, công việc tiếp thu, xử lý chủng tử không gián đoạn. Sự vận hành của thức A lại da không chỉ quán triệt một đời người, mà còn quán triệt cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, quán triệt hoàn toàn quá triệt luân hồi, không một giây lát dừng nghỉ. 

Ở những trạng thái ngủ say, hôm mê (chết giấc), bị ma túy, nhập vào định vô tưởng và diệt tận định...sự vận hành của 7 thức không còn, nhưng thức A lại da vẫn có mặt và khởi lên tác dụng giữ gìn sự sinh hoạt của thân sinh lý. 

Thức nầy khi nào rời khỏi thân thì mới cho là chết. 

d) Tính thuộc vô phú vô ký: 
Vô phú: nghĩa là không ngăn che Phật đạo, tính thuộc vô vi 
Vô kí: nghĩa chẳng phải thiện chẳng phải ác, thuộc trung tính. 

5. A lại da thức là cội gốc của sự nhiễm và tịnh 
A lại da thức là cội gốc làm cho chúng sanh bị phiền não các pháp hữu lậu ô nhiễm, bởi vì thức nầy hay sinh khởi thân thể, các giác quan và bảy thức trước, là nền tảng làm cho chúng sanh ra đời và tồn tại; cũng là nền tảng sinh khởi vũ trụ thế giới đất nước núi sông.... (khí thế giới). Chúng sanh bị vô minh che lấp nên không nhận biết chơn tướng của thức A lại da biến hiện thân thể và thế giới, bị ô nhiễm Mạt na sai sử, lấy tự ngã làm trung tâm mà sinh khởi tâm thiện ác hữu lậu, tạo nghiệp thiện ác hữu lậu. Qua tác dụng cất giữ của thức A lại da, tự nhiên tạo thành tam giới lục đạo, thọ các loại quả khổ đau. 

Tuy nhiên A lại da thức cũng là nền tảng của tất cả pháp thanh tịnh, tâm thanh tịnh, bồ đề, và quả Phật; giống như lấy lửa đốt cây, lửa nầy của đốt được cây khác, thông qua tu hành thiền quán lâu dài, lần lần đốt hết củi phiền não thì liền chấm dứt vòng luân hồi. Chúng sanh lấy A lại da thức cất giữ những chủng tử vô lậu làm nhân, phát tâm tu hành, mong cầu tịnh hóa tự tâm, giải thoát các khổ đau; dùng trí tuệ như thật làm các nghiệp vô lậu. Do A lại da thức chứa giữ, tăng trưởng chủng tử vô lậu, cho đến tâm hoàn thanh tịnh, chuyển thức thành trí, A lại da thức thành Đại viên cảnh trí, thành quả vị Phật.