Chuyển Hóa Cơn Nóng Giận Theo Quan Điểm Đạo Phật

Thứ Bảy, 29 Tháng Tư 201712:23 CH(Xem: 4233)
Chuyển Hóa Cơn Nóng Giận Theo Quan Điểm Đạo Phật
Chuyển Hóa Cơn Nóng Giận Theo Quan Điểm Đạo Phật
Phạm Hoài Phong


Theo đạo Phật, tâm thức nhiễm ô là tâm thức trong trạng thái đầy cảm xúc tiêu cực, trong đó sân hay sự nóng giận là một biểu hiện mang tính phổ biến và căn bản. Sự nóng giận có thể biểu hiện ở con người với nhiều mức độ khác nhau, nhẹ nhất là sự không vừa lòng và nặng nhất có thể là sự cuồng nộ. Dù nhẹ hay nặng, nóng giận có tác hại cực kỳ lớn, ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng nhất đối với đời sống của con người.


Để tránh những tác hại này, các nhà tâm lý trị liệu đưa ra nhiều phương pháp đối phó, chinh phục hoặc làm giảm thiểu sức tàn phá của sự nóng giận. Tuy nhiên, theo đạo Phật, các phương pháp đó phần lớn đều hướng tới việc thay thế cảm xúc nóng giận bằng một cảm xúc khác mang tính trái chiều, hoặc chuyển hướng của con nóng giận đến một đối tượng khác mà theo họ mức độ tác hại của nó nhỏ hơn, hoặc không đáng kể.


Trong khi đó, theo cái nhìn của đạo Phật, các phương pháp của các nhà tâm lý trị liệu thực chất chỉ có tính cách tạm thời, vì nó không chuyển hóa tận gốc rễ của cơn nóng giận, thậm chí trong nhiều trường hợp nó chỉ khiến cho sự nóng giận hằn sâu hơn trong tâm thức mà thôi.


I. Nóng giận – khái niệm, nguyên nhân, bản chất và sự biểu hiện


Nóng giận là một kinh nghiệm phổ biến của con người. Tâm lý học cho rằng nóng giận là một trạng thái tâm lý tiêu cực, bất an, trái ngược với sự bình an, thư lắng của tâm thức. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh : “Hạnh, nóng giận là một nội kết , tức sự trói buộc, khiến cho con người mất tự do, mất khả năng làm chủ bản thân.” (1)


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nóng giận. Các nhà tâm lý chia các nguyên nhân này thành nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài.


1. Nguyên nhân bên trong:


Được xác định là tất cả sự thay đổi đột ngột, bất thường của cơ thể dẫn đến sự mệt mỏi, khó chịu, các chứng bệnh sinh lý hoặc tâm lý.


2. Nguyên nhân bên ngoài:


Xác định là tất cả các yếu tố bên ngoài tác động lên tâm lý khiến cho cơn nóng giận bùng cháy trong tâm thức của chúng ta, trong đó, bạo lực, thù hận, chiến tranh, gây hấn là các yếu tố mang tính phổ biến.


Các nhà tâm lý cho rằng bản chất của sự nóng giận chính là sự yếu đuối mang tính căn bản ở con người. Họ cho rằng, con người là kết quả của một quá trình sinh học khác nhau mà bản thân nó hầu như không có quyền chi phối và công việc đầu tiên của nó trong đời sống là phát triển một bản sắc tâm lý cố kết, chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, bản sắc tâm lý này lại là một ảo tưởng nhằm che giấu tính dễ tổn thương và yếu đuối cơ bản của con người. Chính vì vậy, một khi đối diện với bất kỳ điều gì có khả năng tác động, đe dọa đến cá nhân, con người thường có khuynh hướng phòng vệ, bảo vệ bằng một biểu hiện phổ biến xung đột, gây hấn, nóng giận (2)


Theo đạo Phật, bản chất của sự nóng giận chính là sự si mê hay nhận thức sai lầm phat/#sthash.V9G0QMlO.dpufbản thân mình và thế giới xung quanh. Đạo Phật cho rằng, con người là một tập hợp danh sắc, tức yếu tố sắc thân và các trạng thái tâm và phía sau chúng không có một cái “ngã” bất biến. Nói cách khác, con người, trong tính chỉnh thể của nó, mang tính “vô ngã”. Vì nhận thức sai lầm bản chất đó nên con người rơi vào tình trạng bất an, khổ đau, mà biểu hiện thường thấy của nó là thái độ tham lam, ích kỷ, sân hận, ganh ghét, thù hằn, nóng giận. Nếu nhận thức đúng đắn tính vô ngã, không chủ thể của các hiện tượng, trong đó có cái mà ta gọi là nguyên nhân đưa tới bất an, khổ đau hay tham lam, ích kỷ, ganh ghét, thù hằn, nóng giận, thì có lẽ người ta sẽ vượt qua nó một cách dễ dàng. Tuy nhiên, phần đông chúng ta đều chưa làm được như thế.


Biểu hiện của sự sân hận, nóng giận rất phong phú và phức tạp. Cường độ của nó cũng biến đổi khác nhau, tùy vào từng trường hợp cụ thể. Có người biểu hiện sự sân hận, tức giận bằng vẻ mặt đỏ bừng kèm theo thái độ và hành vi la hét, đáng mắng; có người biểu hiện cơn giận bằng cách im lặng, nhẫn chịu. Dù biểu hiện bằng cách nào, với cường độ ra sao, khi sự nóng giận đã xuất hiện trong tâm thức một người nào đó, ta rất dễ dàng để nhận ra điều ấy. Có thể liệt kê dưới đây một số các biểu hiện của sự nóng giận mà chúng ta thường thấy hoặc từng trải nghiệm trong cuộc sống.


*Hung hăng: Biểu hiện bằng ngôn ngữ và hành động thô bạo.


*Nổi loạn: Chống đối, bất tuân thủ các chuẩn mực, đạo đức, pháp luật.


*Thù hận, xung đột, bạo lực: Nuôi lớn tâm địa trả thù, hãm hại, tấn công người khác.


*Bức bách, khó chịu: Biểu hiện bằng sự la lối, muốn giải phóng năng lượng đó ra khỏi cơ thể.


*Khiển trách, chua ngoa, xách mé: Nhằm mục đích gây đau khổ cho người khác, còn bản thân thì hả hê, thích thú.


*Không vừa lòng: Thái độ này xảy ra khi chúng ta gặp những điều không như ý.


Đó chỉ là một số rất ít các biểu hiện của sự nóng giận mà ta có thể nhận diện một cách khá dễ dàng nơi bản thân mình và người khác.


II. Tác hại của cơn giận


Mặc dù chỉ là một trong các trạng thái tiêu cực của tâm lý, nhưng sự nóng giận có thể gây ra các tác hại vô cùng lớn và kéo dài.


Về phương diện sinh lý:


Khi một người nóng giận thì nhịp tim của người đó sẽ đập nhanh hơn; sắc mặt biến đổi, đỏ bừng hoặc tái mét; tay chân run lên, thậm chí các khớp tê cứng; nhịp thở nhanh và ngắn; thái độ hằn hộc; giọng nói đứt quảng; các cơ căng, đau đầu, choáng váng.


Về phương diện tâm lý:


Người rơi vào trường hợp nóng giận lâu dài sẽ trở nên căng thẳng, trầm cảm, buồn bã, sợ hãi, lo âu. Nếu bản thân người đó không tự tìm kiếm các phương pháp chuyển hóa, giải phóng, thì rất nhiều khả năng người đó sẽ rơi vào tình trạng xuống cấp về phương diện hành vi, đạo đức, nhất là việc tìm kiếm các khoái lạc, nhằm bù đắp vào khoảng trống tâm hồn như sa vào ăn chơi trác táng, lạm dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc phiện, gây xung đột, bao động…


Về phương diện đời sống tâm linh:


Sự nóng giận khiến cho con người đánh mất tự chủ ở cả ba phương diện tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi. Vì đánh mất tự chủ ở cả ba phương diện đó nên nguy cơ vi phạm các chuẩn mực, nguyên tắc, đạo đức mà trước đó ta từng có khát vọng thành tựu là rất lớn. Một người nóng giận có thể có động cơ không tốt, lời nói thô lỗ, gây tổn thương, thậm chí có hành vi sát hại, giết người, vốn là những hành vi mà bình thường chính bản thân người đó rất sợ hãi, ghê tởm.


Sâu xa hơn, sự nóng giận làm thui chột hạt giống từ bi, khả năng yêu thương, sự an lạc, khinh an và các giá trị tự do, vốn là các phẩm chất cao thượng của đời sống tâm linh. Và một khi các hạt giống, khả năng này bị đánh mất thì khả năng thành tựu đạo đức, giới hạnh, trí tuệ, sự hiểu biết đúng đắn như là mục đích cao cả nhất của đời sống tâm linh trở nên rất xa vời. Do đó để phát triển đời sống tâm linh, đạo Phật dạy ta cần thiết phải chuyển hóa sân hận, nóng giận.


III. Chuyển hóa cơn giận


Có hai phương pháp nhằm khác phục cơn nóng giận được các nhà tâm lý trị liệu khuyến khích sử dụng.


1. Là kìm nén sự nóng giận ở bên trong, không để cho nó biểu hiện ra bên ngoài. Phương pháp này chỉ khả dụng trong trường hợp những cơn giận có cường độ yếu. Rất khó để sử dụng phương pháp này cho các cơn giận có cường độ mạnh.


2. là biểu hiện ra bên ngoài sao cho tác hại của nó ít ảnh hưởng nhất đến con người. Chẳng hạn như khi nóng giận thay vì la hét, đập phá, xung đột, bạo lực với con người, các nhà tâm lý trị liệu khuyên ta nên chuyển năng lượng đó vào đối tượng khác sao cho tác hại không xảy ra một cách nghiệm trọng.


Ví dụ như la hét trong phòng riêng, đánh đập vào gối, thậm chí đánh vào bản thân mình. Với họ, cách làm này có thể giúp người trong cuộc giải phóng được cơn giận và tránh được tác hại của nó gây ra.


Sự nóng giận không được chuyển hóa vẫn có khả năng tiếp tục biểu hiện một khi chúng có điều kiện thích hợp. Chính vì vậy, thay vì kìm nén, chuyển hướng đối tượng, đạo Phật khuyến khích chúng ta nên nhận diện sự nóng giận bằng sự chánh niệm. Thế nào là nhận diện sự nóng giận bằng chánh niệm? Khi nào sự nóng giận xuất hiện, ta nghĩ rằng có sự nóng giận đang diễn ra nơi tâm thức của ta. Ban đầu việc nhận diện này chưa đủ năng lực để chuyển hóa hết cơn giận. Tuy nhiên, chỉ cần như thế thì cường độ của sự nóng giận sẽ giảm đi rất nhiều. Đó là một thuận lợi để ta tiếp tục quá trình chuyển hóa cơn giận.


Sau khi nhận diện, chúng ta bắt đầu quán chiếu, tức nhìn sâu vào sự nóng giận. Mục đích của việc quán chiếu hay nhìn sâu này giúp chúng ta thấy rõ nguyên nhân của sự nóng giận. Một khi nguyên nhân của sự nóng giận đã được nhận diện đúng đắn thì khả năng chuyển hóa sự nóng giận sẽ diễn ra rất tốt.


Có một lần, khi cùng các bạn sinh viên đi trên một chuyến xe buýt, chúng tôi tỏ ra rất khó chịu bởi ngôn ngữ và thái độ ứng xử của người tiếp viên bán vé. Chị ta luôn to tiếng với hành khách trên xe. Vì thế, tôi phàn nàn việc này với một người bạn đi cùng chuyến xe, với chủ ý là người bạn này sẽ ủng hộ thái độ của tôi. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Sau khi nghe lời phàn nàn của tôi, người bạn nói: Thầy à, chị ta thức dậy từ rất sớm để làm việc, hơn nữa công việc này áp lực rất nhiều, nhất là về phương diện thời gian. Có lẽ vậy mà chị ta mới có thái độ như vậy. Mình thông cảm chút đi thầy. Nghe lời nói này, tự dưng tôi cảm thấy phục bạn mình hết sức. Và lúc đó, sự khó chịu trong tâm tôi cũng nhanh chóng tan biến tự lúc nào không hay.


Kể câu chuyện này để thấy rằng phần lớn chúng ta đều phản ứng rất nhanh trước những tác động từ đến từ bên ngoài. Khi thấy một người nào đó có hành vi, thái độ làm tổn thương ta thì ngay lập tức ta sẽ phản ứng lại thái độ đó bằng sự khó chịu, bực mình như một cách để bảo vệ bản ngã của mình. Điều đó rất nguy hiểm, vì nó có thể đưa tới những ngôn ngữ hay hành vi thiếu chuẩn mực. Ở đây, Đức Phật dạy ta có thể làm chậm lại phản ứng đó bằng cách giữ chánh niệm và nhìn sâu vào bản chất của sự việc.


Theo đạo Phật, một khi có cái nhìn sâu, thì nguyên nhân, cội rễ của vấn đề sẽ được nhận diện đúng đắn. Và vì nguyên nhân, cội rễ của vấn đề đã được nhận diện đúng đắn nên ta sẽ tránh được những phản ứng mang tính tiêu cực như khó chịu, bức bách, nóng giận.


Thứ hai ta có thể chuyển hóa cơn giận bằng cách nhìn vào mặt tích cực của đối tượng mà ta cho là nguyên nhân khiến ta nóng giận. Nghĩa là nếu một người nào đó làm tổn thương ta, ta không nên phản ứng lại họ một cách tức thời mà nên xem xét, tìm kiếm, chú ý tới những điểm tích cực nơi họ. Việc xem xét, tìm kiếm, chú ý đó sẽ giúp cho ta vượt qua được sự nóng giận.


Con người vốn không hoàn thiện. Ai cũng có lỗi lầm, nhưng đồng thời cũng có những giá trị đáng tôn trọng. Chỉ vì một vài lỗi lầm của họ mà ta phủ nhận hết những giá trị tích cực nơi họ thì không công bằng. Có thể lời nói của một người nào đó chưa thực sự dễ thương, nhưng hành động của họ lại dễ thương. Có thể hành động của họ chưa thực sự dễ thương nhưng lời nói thì lại dễ thương. Ngay cả lời nói, hành động chưa dễ thương nhưng có thể tư tưởng, tâm hồn của họ có chút gì đó dễ thương. Thay vì nhìn họ ở phương diện tiêu cực, ta nên nhìn họ ở mặt tích cực. Nhìn cuộc sống ở mặt tích cực ta sẽ thấy cuộc đời này rất đẹp, rất tươi mát. Điều đó không chỉ giúp cho cuộc sống của ta bình an, hạnh phúc hơn mà còn có thể giúp cho cuộc sống của người khác thoải mái, bình an hơn.


Cuộc sống rất cần những cái nhìn như vậy. Điều đó không có nghĩa là ta vô tâm, thiếu tinh thần xây dựng. Chỉ trích để hả hê, để thỏa mãn là một biểu hiện khác của cơn giận. Nó không phải là sự xây dựng đúng nghĩa mà đúng hơn là sự đạp đỗ, sự phá vỡ. Nếu cần thiết để xây dựng một ai đó, ta phải xây dựng trên tinh thần tôn trọng họ. Chỉ khi nào người ta thấy mình được quan tâm, được tôn trọng thì người ta mới có những nỗ lực tiếp thu, chuyển hóa. Còn trỉ trách, khiển trách, lớn tiếng, ra lệnh, bắt buộc chí khiến cho người ta chán ghét, và như thế chắc chắn sẽ không bao giờ đưa tới một sự chuyển hóa tích cực.


Thứ ba, ta có thể chuyển hóa cơn giận bằng cách phát triển phẩm chất đối nghịch với nó, tức nuôi lớn lòng từ bi, sự cảm thông, yêu thương. Chúng ta biết rằng, về cơ bản, chúng ta được sinh ra bởi trách nhiệm, tình thương, lòng vị tha của cha mẹ (3). Điều đó cho thấy việc phát triển từ bi, yêu thương đối với chúng ta thực ra không phải là một điều gì quá khó, nhất là điều đó có thể giúp chúng ta có thừa khả năng để vượt qua được sự nóng giận, hoặc các phản ứng tâm lý tiêu cực khác. Chính vì vậy, thay vì lập tức phản ứng tiêu cực ta nên thực tập bình tâm, cảm thông yêu thương thì lập tức sự sân hận, nóng giận trong tâm sẽ được chuyển hóa.


Có lần thiền sư Thích Nhất Hạnh kể rằng, hồi trẻ khi nghe truyền thông đưa tin bọn cướp biển sát hại và hãm hiếp những đứa trẻ trên đường vượt biên lánh nạn, trong phút chốc thầy cảm thấy khó chịu, giận dữ. Tuy nhiên, sau đó thầy đã bình tâm lại và quán chiếu rằng, những tên cướp biển đó chỉ là nạn nhân của một môi trường xã hội bất ổn, nghèo đói, thiếu giáo dục… Và ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những tên cướp biển giết người như thế, nếu như chúng ta không có một môi trường sống lành mạnh. Quán chiếu như thế xong, sự khó chịu, giận giữ trong tâm thầy không còn nữa, thay vào nó lòng từ bi, sự thương yêu trổi dậy một cách mạnh mẽ.


Do đó, khi có một vấn đề gí đó xảy ra, hay một người nào đó làm tổn thương ta, bình thường ta sẽ phản ứng lại sự tổn thương đó bằng sự khó chịu, nóng giận. Nhưng nếu ta biết cách nuôi dưỡng, phát triển từ tâm hay lòng yêu thương bằng cách nghĩ rằng, có lẽ người ta cũng có những khó khăn, khổ đau riêng mà không có cách nào giải quyết nên họ mới ứng xử với ta như vậy thì lập tức sự nóng giận trong ta sẽ không có mặt, hoặc lập tức được chuyển hóa. Đó là phương pháp rất hay, rất hữu hiệu mà ta có thể áp dụng trong thực tế cuộc sống.


Phương pháp đó cũng được kinh điển truyền thống của đạo Phật đề cập một cách khái quát rằng, khi tiếp xúc với một người mà lời nói không dễ thương, hành động không dễ thương, tâm hồn không dễ thương, thì Phật dạy chúng ta nên khởi tâm từ bi đối với người đó. Ta hãy nghĩ, nếu một người mà lời nói, hành động và tâm hồn không có chút gì dễ thương hết, thì đời sống của họ sẽ rơi vào đời sống khổ đau hoàn toàn, và họ đang đi vào chỗ tối tăm. Khi thấy một người nghèo nàn phước đức và sắp rơi vào chỗ tối tăm, thì mình ghét họ làm gì nữa, mình nên thương họ. Nhờ vậy, tâm sân hận của mình được lắng xuống. (4)


Đó là thông điệp cao cả của tình thương, lòng từ bi mà đạo Phật mang đến cho chúng ta, và đồng thời cũng là phương pháp giúp chúng ta chuyển hóa sự nóng giận một cách hữu hiệu nhất.


Tóm lại, qua bài Chuyển hóa cơn nóng giận theo quan điểm đạo Phật, mặc dù sự nóng giận là một tâm lý tiêu cực, nó có khả năng tàn phá thân tâm con người, nhưng bằng các phương pháp tích cực và thực tiễn của đạo Phật, chúng ta tin rằng sự nóng giận đó hoàn toàn có khả năng được chuyển hóa một cách triệt để, giúp ta thiết lập một nội tâm an bình, hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại này. Đó không phải là sự kỳ vọng, một mong muốn mà là một kinh nghiệm, một thực tiễn có thể được trải nghiệm bằng chính nỗ lực của mỗi chúng ta.